Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2015/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 26 tháng 6 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG TÁC THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 426/TTr-STP ngày 02/6/2015.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước đối với công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Tư pháp; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Mạnh Hiển

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG TÁC THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 10/2015/QĐ-UBND ngày 26 tháng 6 năm 2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định nguyên tắc, nội dung, hình thức và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý nhà nước đối với công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (sau đây viết tắt là XLVPHC) trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước công tác thi hành pháp luật về XLVPHC.

2. Cơ quan quản lý người có thẩm quyền XLVPHC.

3. Người có thẩm quyền XLVPHC.

4. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác thi hành pháp luật về XLVPHC.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

1. Tuân thủ các quy định của pháp luật về XLVPHC.

2. Không làm ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ và hoạt động chuyên môn của các cơ quan, đơn vị có liên quan.

3. Bảo đảm công tác quản lý XLVPHC và thi hành pháp luật về XLVPHC được thực hiện kịp thời và hiệu quả.

Điều 4. Nội dung phối hợp

1. Tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật và phổ biến, giáo dục pháp luật về XLVPHC.

2. Thực hiện giải quyết, xử lý các vụ việc vi phạm hành chính.

3. Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính.

4. Kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về XLVPHC.

5. Cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin và thực hiện thống kê về XLVPHC.

6. Xây dựng báo cáo công tác thi hành pháp luật về XLVPHC.

Điều 5. Hình thức phối hợp

1. Trao đổi ý kiến bằng văn bản; cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến công tác XLVPHC theo yêu cầu của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp.

2. Tổ chức, tham gia họp liên ngành; hội nghị sơ kết, tổng kết.

3. Thành lập, tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành việc thi hành pháp luật về XLVPHC.

4. Tham gia triển khai các biện pháp thực hiện quyết định cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính.

Chương II

TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG TÁC THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 6. Trách nhiệm của Sở Tư pháp

Sở Tư pháp thực hiện chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh quản lý nhà nước công tác thi hành pháp luật về XLVPHC, có trách nhiệm:

1. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh; các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh; UBND cấp huyện trong việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về XLVPHC.

2. Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hoặc đề xuất nội dung phối hợp liên ngành; tổng kết, đánh giá kết quả việc thực hiện Quy chế, đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện quản lý nhà nước công tác thi hành pháp luật về XLVPHC tại địa phương.

3. Hướng dẫn hoặc đề xuất hướng giải quyết, xử lý đối với các vướng mắc của vụ việc vi phạm hành chính phức tạp theo đề nghị của cơ quan, người có thẩm quyền XLVPHC; Cử cán bộ tham gia Hội đồng xác định giá trị, xử lý tang vật vi phạm hành chính theo quy định.

4. Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về XLVPHC của tỉnh và tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về XLVPHC tại Bộ Tư pháp; Thực hiện việc thống kê về XLVPHC theo quy định.

5. Đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra việc thi hành pháp luật về XLVPHC.

6. Phối hợp với các sở, ban, ngành; các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh và UBND cấp huyện thanh tra thi hành pháp luật về XLVPHC khi có kiến nghị, phản ánh của cá nhân, tổ chức, báo chí về việc áp dụng quy định pháp luật về XLVPHC gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

7. Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các cấp, các ngành trong việc thực hiện công tác thi hành pháp luật về XLVPHC và tổng hợp báo cáo công tác thi hành pháp luật về XLVPHC trên địa bàn tỉnh; đề xuất việc xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Điều 7. Trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh; UBND cấp huyện; UBND cấp xã.

1. Phối hợp với Sở Tư pháp hoặc các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về XLVPHC.

2. Phối hợp với người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế triển khai các biện pháp nhằm thực hiện quyết định cưỡng chế.

3. Bố trí đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, đồng thời trang bị cơ sở vật chất, triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, cung cấp, cập nhật thông tin và thực hiện thống kê về XLVPHC trong phạm vi quản lý được giao theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.

4. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra và kịp thời xử lý đối với vi phạm của người có thẩm quyền XLVPHC thuộc phạm vi quản lý của mình; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong XLVPHC theo quy định của pháp luật.

5. Tổng hợp báo cáo công tác thi hành pháp luật về XLVPHC tại ngành, địa phương; đề xuất việc xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

a) Báo cáo công tác thi hành pháp luật về XLVPHC bao gồm báo cáo về tình hình xử phạt vi phạm hành chính và báo cáo về tình hình áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, được thực hiện định kỳ 06 tháng và hàng năm.

b) Nội dung báo cáo và thời điểm lấy số liệu đối với báo cáo được thực hiện theo quy định tại Khoản 2, 3, 4 Điều 25 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (sau đây viết tắt là Nghị định số 81/2013/NĐ-CP).

c) Trách nhiệm thực hiện:

- Chủ tịch UBND cấp xã báo cáo công tác thi hành pháp luật XLVPHC trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của địa phương mình đến UBND cấp huyện trước ngày 05 tháng 4 đối với báo cáo định kỳ 06 tháng; trước ngày 05 tháng 10 đối với báo cáo hàng năm.

- Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh, UBND cấp huyện báo cáo công tác thi hành pháp luật về XLVPHC trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của mình về Sở Tư pháp trước ngày 10 tháng 4 đối với báo cáo định kỳ 06 tháng; trước ngày 10 tháng 10 đối với báo cáo hàng năm, để Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

6. Khi Tòa án yêu cầu, UBND cấp xã phải cử người đại diện tham gia phiên họp để trình bày ý kiến về các vấn đề có liên quan trước khi xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Tòa án nhân dân theo quy định.

Điều 8. Trách nhiệm của cơ quan quản lý người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc

1. Báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) bằng văn bản đối với những vụ việc phức tạp, còn có những quan điểm chưa thống nhất trong việc XLVPHC hoặc giá trị tang vật vi phạm hành chính được xác định có giá trị lớn (thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của Chủ tịch UBND cấp tỉnh) trước khi hoàn thiện hồ sơ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính theo quy định.

2. Cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết về vụ việc theo đề nghị của cơ quan phối hợp.

3. Gửi văn bản về việc công bố công khai và bản sao quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm về: an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội đến cơ quan thông tin đại chúng nơi xảy ra vi phạm hành chính trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt để công bố công khai về việc xử phạt.

Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin công bố công khai; đính chính thông tin sai lệch trong vòng 01 ngày làm việc, kể từ thời điểm phát hiện hoặc nhận được yêu cầu đính chính.

Điều 9. Trách nhiệm của cơ quan có liên quan

1. Báo Hải Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh có trách nhiệm cập nhật, đưa tin, bài phản ánh tình hình thi hành pháp luật về XLVPHC của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, đồng thời dành thời lượng thích hợp để giới thiệu các văn bản pháp luật về XLVPHC.

2. Người phụ trách báo hoặc trang thông tin điện tử khi nhận được văn bản đề nghị công khai thông tin có trách nhiệm đăng đầy đủ các nội dung thông tin cần công khai.

Nội dung thông tin công bố công khai được thực hiện theo Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP

3. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện quản lý nhà nước công tác thi hành pháp luật về XLVPHC và các nội dung theo quy định tại Khoản 6 Điều 17 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

4. Đề nghị HĐND tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền XLVPHC khi phát hiện hành vi trái pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền XLVPHC cần khẩn trương gửi yêu cầu, kiến nghị với cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Kinh phí thực hiện quản lý nhà nước đối với công tác thi hành pháp luật về XLVPHC

Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh bố trí, đảm bảo kinh phí thường xuyên cho hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực cho việc xây dựng, duy trì, quản lý cơ sở dữ liệu về XLVPHC của tỉnh theo quy định.

Điều 11. Điều khoản thi hành

1. Các sở, ban, ngành, địa phương chủ động trong việc tổ chức, triển khai thực hiện Quy chế này.

2. Giao Sở Tư pháp giúp UBND tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện Quy chế và tổng hợp mọi khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 10/2015/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước đối với công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tỉnh Hải Dương

  • Số hiệu: 10/2015/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/06/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Hiển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/07/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 15/06/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản