Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2009/QĐ-UBND | Hà Tĩnh, ngày 22 tháng 4 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ THI TUYỂN CÔNG CHỨC NĂM 2009
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 117/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, Nghị định số 09/2007/NĐ-CP ngày 15/01/2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2003/NĐ-CP, Nghị định số 115/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về chế độ công chức dự bị và Nghị định số 08/2007/NĐ-CP ngày 15/01/2007 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 115/2003/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn thực hiện;
Căn cứ Quyết định số 10/2006/QĐ-BNV ngày 05/10/2006 của Bộ Nội vụ về việc ban hành Quy chế tổ chức thi tuyển, thi nâng ngạch đối với cán bộ, công chức;
Căn cứ Quyết định số 969/QĐ-UBND ngày 10/4/2009 của UBND tỉnh phê duyệt chỉ tiêu, cơ cấu thi tuyển công chức năm 2009;
Xét đề nghị của Chủ tịch Hội đồng thi tuyển,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế thi tuyển công chức năm 2009.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ban hành.
Chánh văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch và các thành viên Hội đồng thi tuyển công chức năm 2009, Thủ trưởng các cơ quan và cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
THI TUYỂN CÔNG CHỨC NĂM 2009
(Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 4 năm 2009 của UBND tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy chế thi tuyển công chức năm 2009 được áp dụng cho kỳ thi tuyển công chức hành chính vào làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước thuộc tỉnh.
Điều 2. Quy chế này quy định cụ thể phạm vi, nguyên tắc, đối tượng, hình thức, nội dung thi tuyển, chế độ ưu tiên và hoạt động của Hội đồng thi tuyển. Việc tuyển dụng công chức căn cứ chỉ tiêu biên chế năm 2009, cơ cấu tuyển dụng đã được ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức dự bị.
Chương II
PHẠM VI, NGUYÊN TẮC, ĐỐI TƯỢNG, ĐIỀU KIỆN, HỒ SƠ, NỘI DUNG THI TUYỂN
Điều 3. Phạm vi
Việc thi tuyển công chức năm 2009 để tuyển dụng công chức hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước, thuộc Sở, ban, ngành ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố có chỉ tiêu, cơ cấu được ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Ngạch tuyển dụng: Ngạch chuyên viên và tương đương; ngạch cán sự và tương đương.
Điều 4. Nguyên tắc:
1. Hội đồng thi tuyển do ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập. Danh sách kết quả thi và danh sách người trúng tuyển do Hội đồng thi tuyển đề nghị, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
2. Việc tổ chức thi tuyển đảm bảo nguyên tắc: Công khai, dân chủ, công bằng, đúng pháp luật hiện hành về thi tuyển công chức.
3. Người dự tuyển chỉ đăng ký tại một đơn vị và được cơ quan có nhu cầu sử dụng công chức đề nghị.
4. Giám đốc Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm tiếp nhận tất cả hồ sơ của các đối tượng có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đến đăng ký dự thi tại cơ quan và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh về khiếu nại của người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn nhưng không được tiếp nhận hồ sơ. Số lượng đăng ký dự thi ít nhất phải từ hai lần trở lên cho mỗi chỉ tiêu tuyển dụng, không hạn chế tối đa. Hội đồng thi tuyển chỉ tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi từ các đơn vị có chỉ tiêu tuyển dụng, không tiếp nhận hồ sơ từng cá nhân đăng ký dự thi.
5. Đối với những chỉ tiêu, cơ cấu tuyển dụng mà số lượng người đăng ký dự thi tuyển không bảo đảm theo quy định tại
6. Kết quả thi tuyển chỉ có giá trị đối với kỳ thi tuyển công chức năm 2009 và không thực hiện bảo lưu kết quả thi. Không thực hiện phúc khảo bài thi.
Điều 5. Đối tượng, yêu cầu về trình độ chuyên môn
1. Đối tượng:
a) Là công dân Việt Nam, thường trú tại Hà Tĩnh, hoặc có bố hoặc mẹ, vợ hoặc chồng thường trú tại Hà Tĩnh; tuổi đời đủ 18 tuổi đến 40 tuổi;
Trường hợp người dự thi là viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước; viên chức đang làm công tác quản lý, lãnh đạo từ cấp phòng trở lên trong các doanh nghiệp nhà nước; cán bộ, công chức cấp xã; sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam thì tuổi dự tuyển có thể cao hơn nhưng không quá 45 tuổi;
b) Tự nguyện làm đơn dự thi; có lý lịch rõ ràng; có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của ngạch dự tuyển;
c) Có phẩm chất đạo đức tốt, không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có bất kỳ một hình thức kỷ luật nào;
d) Có đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ.
2. Yêu cầu về trình độ chuyên môn
a) Đối với ngạch chuyên viên hoặc tương đương: Tốt nghiệp đại học hệ chính quy (riêng dự thi vào chỉ tiêu có trình độ cao đẳng, người dự thi phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên hệ chính quy).
b) Đối với ngạch cán sự hoặc tương đương: Tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp hệ chính quy trở lên.
Điều 6. Hồ sơ dự thi tuyển, gồm:
1. Đơn xin dự thi tuyển (theo mẫu);
2. Bản khai lý lịch do chính quyền xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc của cơ quan đang công tác xác nhận; (đối với những người đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị như quy định tại điểm a Khoản 1 Điểm 5) cần có Bản trích ngang lý lịch có xác nhận của cơ quan, đơn vị đang công tác.
3. Giấy chứng nhận sức khoẻ có giá trị trong 6 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;
4. Bản sao bằng tốt nghiệp trường chuyên nghiệp; bản kết quả học tập phù hợp với yêu cầu của ngạch dự thi;
5. Các giấy tờ xác nhận đối tượng ưu tiên (nếu có) có bản gốc để đối chiếu; không bổ sung các giấy tờ xác nhận chế độ ưu tiên sau khi công bố kết quả thi;
6. Hai phong bì có dán tem, ghi địa chỉ liên hệ của người tham gia dự thi ở phần nơi nhận. Hồ sơ được bỏ vào bì đựng riêng và không trả lại.
Điều 7. Môn thi, nội dung, hình thức và thời gian thi
Người dự tuyển phải dự thi đủ các môn thi sau:
1. Đối với người dự thi vào công chức loại A (ngạch chuyên viên và tương đương):
a) Môn hành chính Nhà nước:
- Nội dung: Kiến thức về Nhà nước và pháp luật; Pháp lệnh Cán bộ, công chức; những vấn đề cơ bản về cải cách hành chính và chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010; văn bản quản lý hành chính nhà nước; kỹ thuật soạn thảo văn bản quản lý hành chính; tình hình kinh tế - xã hội của địa phương;
- Hình thức: Thực hiện hai phần thi: Thi viết và thi trắc nghiệm;
- Thời gian: Thi viết 120 phút, thi trắc nghiệm 30 phút;
b) Môn ngoại ngữ;
- Nội dung: Trình độ B tiếng Anh (những người dự thi ngoại ngữ Nga, Pháp, Trung, Đức khi nộp hồ sơ phải đăng ký trong đơn dự thi);
- Hình thức: Thi viết;
- Thời gian thi 90 phút.
c) Môn thi Tin học văn phòng:
- Nội dung: Tin học văn phòng;
- Hình thức: Thi trắc nghiệm;
- Thời gian thi 30 phút.
2. Đối với người thi vào công chức loại B (ngạch cán sự và tương đương):
a) Môn hành chính nhà nước
- Nội dung: Kiến thức về Nhà nước và pháp luật; Pháp lệnh Cán bộ, công chức, những vấn đề cơ bản về cải cách hành chính và chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010, văn bản quản lý hành chính nhà nước, kỹ thuật soạn thảo văn bản quản lý hành chính.
- Hình thức: Thực hiện hai phần thi: Thi viết và thi trắc nghiệm.
- Thời gian: Thi viết: 90 phút, thi trắc nghiệm: 30 phút
b) Môn ngoại ngữ:
- Nội dung: Trình độ A tiếng Anh (những người dự thi ngoại ngữ Nga, Pháp, Trung, Đức khi nộp hồ sơ phải đăng ký trong đơn dự thi);
- Hình thức: Thi viết;
- Thời gian 60 phút.
c) Môn tin học văn phòng
- Nội dung: Tin học văn phòng;
- Hình thức: Thi trắc nghiệm;
- Thời gian 30 phút.
Điều 8. Ưu tiên trong thi tuyển
1. Anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được cộng 30 điểm vào tổng kết quả thi tuyển.
2. Con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hoạt động cách mạng trước tổng khởi nghĩa (từ ngày 19 tháng 8 năm 1945 trở về trước), con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động được cộng 20 điểm vào tổng kết quả thi tuyển.
3. Những người có học vị thạc sĩ, người tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc ở các bậc đào tạo chuyên môn phù hợp với nhu cầu tuyển dụng; người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đội viên thanh niên xung phong, đội viên tri thức trẻ tình nguyện phục vụ nông thôn, miền núi hai năm trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ; cán bộ, công chức cấp xã có thời gian làm việc liên tục tại các cơ quan, tổ chức cấp xã từ 36 tháng trở lên thì được cộng thêm 10 điểm vào tổng kết quả thi tuyển.
Người thuộc nhiều diện ưu tiên thì được hưởng diện ưu tiên cao nhất.
Điều 9. Cách tính điểm và xác định người trúng tuyển:
1. Cách tính điểm:
- Điểm mỗi phần thi và môn thi tính theo thang điểm 100.
- Điểm môn hành chính nhà nước được tính trên cơ sở lấy điểm thi viết nhân hệ số 2 cộng với điểm thi trắc nghiệm, tổng số điểm đem chia 3.
2. Xác định người trúng tuyển:
Thí sinh có kết quả thi đạt từ 50 điểm trở lên cho mỗi phần thi theo thang điểm 100 mới được xét tuyển dụng.
Điểm mỗi môn thi tính hệ số 1.
Điểm xác định trúng tuyển là tổng số điểm của các môn thi cộng với điểm ưu tiên (nếu có) và theo nguyên tắc lấy từ người có tổng số điểm cao nhất (sau khi đã cộng điểm ưu tiên) cho đến hết chỉ tiêu của đơn vị người dự tuyển đăng ký.
Trường hợp nhiều người dự thi có tổng số điểm bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng thì chọn người có số điểm ở môn thi hành chính nhà nước cao hơn.
Trường hợp tuyển dụng lần đầu mà chưa đủ chỉ tiêu, cơ cấu, nếu cơ quan có đề nghị thì Chủ tịch Hội đồng thi tuyển lựa chọn số thí sinh đã được xét tuyển dụng phù hợp với cơ cấu và chuyên môn nghiệp vụ đối với chỉ tiêu còn thiếu mà người dự thi đăng ký dự thi vào đơn vị khác có nguyện vọng tuyển dụng vào cơ quan, đơn vị để đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét tuyển dụng.
Chương III
HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG THI TUYỂN
Điều 10. Hội đồng thi tuyển
Hội đồng thi tuyển làm việc theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết theo đa số, có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Xây dựng kế hoạch thi tuyển.
2. Thông báo công khai: kế hoạch tổ chức thi tuyển; thể lệ; quy chế; tiêu chuẩn và điều kiện dự tuyển; môn thi, hình thức, nội dung, thời gian và địa điểm thi;
3. Tiếp nhận và xét hồ sơ dự tuyển; thông báo danh sách những người đủ điều kiện và tiêu chuẩn dự tuyển;
4. Hội đồng thi tuyển thành lập Tổ giúp việc, Ban coi thi, Ban chấm thi, Ban phách;
5. Tổ chức việc ra đề thi; Tổ chức thi tuyển và chỉ đạo tổ chức chấm thi theo đúng quy chế;
6. Báo cáo kết quả thi tuyển lên ủy ban nhân dân tỉnh xem xét và ra quyết định công nhận; công bố kết quả tuyển dụng;
7. Giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dự tuyển.
Nhiệm vụ cụ thể của Hội đồng thi tuyển hoạt động theo quy định tại Quy chế về việc thi tuyển công chức ban hành kèm theo Quyết định số 10/2006/QĐ-BNV ngày 06/10/2006 của Bộ Nội vụ về việc ban hành Quy chế thi tuyển, thi nâng ngạch đối với cán bộ, công chức.
Điều 11. Lệ phí đăng ký dự thi theo quy định tại Thông tư liên tịch số 101/2003/TTLT-BTC-BNV ngày 29/10/2003 của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ quy định chế độ thu và quản lý sử dụng phí dự tuyển công chức và thi nâng ngạch cán bộ, công chức. Mức lệ phí 100.000 đồng/người dự thi.
Lệ phí dự thi do cơ quan có nhu cầu tuyển dụng thu của người đăng ký dự thi và nộp cho Hội đồng thi tuyển.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Hội đồng thi tuyển và cơ quan có nhu cầu tuyển dụng công chức có trách nhiệm niêm yết bản Quy chế này tại công sở và thông báo công khai để người dự thi biết.
Các thành viên Hội đồng thi tuyển, Ban coi thi, ban chấm thi, ban phách và tổ giúp việc; thủ trưởng cơ quan có nhu cầu tuyển dụng công chức năm 2009 có trách nhiệm thực hiện đúng Quy chế này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có những khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Chủ tịch Hội đồng thi tuyển để xem xét, giải quyết.
Cơ quan, tổ chức và cá nhân nào vi phạm Quy chế này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hiện hành./.
- 1Quyết định 49/2008/QĐ-UBND quy chế thi tuyển công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hải Dương
- 2Quyết định 744/2005/QĐ-UBND về quy chế thi tuyển công chức cấp xã do tỉnh Hải Dương ban hành
- 3Quyết định 273/2005/QĐ-UBND về Quy chế thi tuyển công chức cấp xã tỉnh Hà Nam
- 4Quyết định 500/QĐ-UBND năm 2014 về Quy chế thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau
- 1Quyết định 10/2006/QĐ-BNV ban hành Quy chế tổ chức thi tuyển, thi nâng ngạch đối với cán bộ, công chức do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 2Nghị định 08/2007/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 115/2003/NĐ-CP về chế độ công chức dự bị
- 3Nghị định 09/2007/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 117/2003/NĐ-CP về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước
- 4Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998
- 5Nghị định 117/2003/NĐ-CP về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước
- 6Nghị định 115/2003/NĐ-CP về chế độ công chức dự bị
- 7Thông tư liên tịch 101/2003/TTLT-BTC-BNV quy định chế độ thu và quản lý sử dụng phí dự thi tuyển công chức và thi nâng ngạch cán bộ, công chức do Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ ban hành
- 8Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 9Quyết định 49/2008/QĐ-UBND quy chế thi tuyển công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hải Dương
- 10Quyết định 744/2005/QĐ-UBND về quy chế thi tuyển công chức cấp xã do tỉnh Hải Dương ban hành
- 11Quyết định 273/2005/QĐ-UBND về Quy chế thi tuyển công chức cấp xã tỉnh Hà Nam
- 12Quyết định 500/QĐ-UBND năm 2014 về Quy chế thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau
Quyết định 10/2009/QĐ-UBND về Quy chế thi tuyển công chức năm 2009 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành
- Số hiệu: 10/2009/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 22/04/2009
- Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
- Người ký: Lê Văn Chất
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 02/05/2009
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra