Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2008/QĐ-UBND | Bắc Ninh, ngày 31 tháng 01 năm 2008 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 16/2007/NĐ –CP ngày 27/02/2007 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới;
Căn cứ Quyết định số 1141/QĐ - UBND ngày 22/8/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 16/2007/NQ –CP;
Xét đề nghị của Ban chỉ đạo xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 16/2007/NQ –CP của tỉnh Bắc Ninh tại Tờ trình số 1098 KH/ BCĐ16 ngày 17 /12/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành Chương trình hành động của tỉnh Bắc Ninh thực hiện Nghị quyết số 16/2007/NQ –CP ngày 27/02/2007 của Chính phủ (Chương trình hành động kèm theo).
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3: Chánh văn phòng UBND tỉnh, Ban chỉ đạo xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 16/2007/NQ –CP của Tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành, các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.
| TM. UBND TỈNH |
CỦA TỈNH BẮC NINH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 16/2007/NQ-CP NGÀY 27/02/2007 CỦA CHÍNH PHỦ
(Ban hành theo Quyết định số: 10/2008/QĐ–UBND ngày 31/01/2008 của UBND tỉnh Bắc Ninh )
TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2001 – 2005.
I. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN VÀ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
Vị trí địa lý : Bắc Ninh là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng (nằm gọn trong vùng châu thổ sông Hồng), Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và vùng Thủ đô Hà Nội.
Bắc Ninh có các tuyến đường giao thông lớn, quan trọng chạy qua; Bắc Ninh cách Hà Nội 30 km, cách sân bay Quốc tế Nội Bài 43 km; cách cảng biển Hải Phòng và cảng biển Cái Lân (Quảng Ninh) 110km, cách cửa khẩu Việt – Trung (tại Lạng Sơn) 112 km.
Diện tích: Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh Bắc Ninh là 822,7 km2.
Dân số: Năm 2006 là 1.015.000 người với gần 600.000 lao động. Nguồn lao động của Bắc Ninh tương đối trẻ, có trình độ văn hoá khá; lực lượng lao động đã qua đào tạo chiếm 30,5%.
Tài nguyên khoáng sản: Nguồn nguyên liệu chủ yếu phục vụ trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng như: đất sét làm gạch ngói, gạch chịu lửa; đá cát kết; đá sa thạch và than bùn, với trữ lượng từ 60.000 – 200.000 tấn.
Tài nguyên nhân văn, du lịch: Bắc Ninh có tiềm năng văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, nơi hội tụ của kho tàng văn hoá nghệ thuật đặc sắc với những làn điệu Quan họ trữ tình đằm thắm, tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng,....
II. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG NHỮNG NĂM QUA:
Trong 5 năm 2001-2005 kinh tế - xã hội của tỉnh đã có bước phát triển nhanh và tương đối toàn diện cả về kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, nhiều chỉ tiêu phát triển đạt và vượt mục tiêu đề ra của kế hoạch 5 năm 2001-2005.
1. Về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Quy mô nền kinh tế đã có bước phát triển khá, đến năm 2005 đã gấp hơn 1,9 lần năm 2000 (tính theo giá so sánh) và khoảng 3 lần năm 1997. Sản xuất công nghiệp luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao trên 20%/năm, đến năm 2005 giá trị sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh đạt 6655,9 tỷ đồng (vượt 25,6% so với mục tiêu Đại hội). Thu ngân sách trên địa bàn đạt kết quả cao, từ năm 2000 đến năm 2005 bình quân tăng 36,1%/năm, thu ngân sách năm 2005 đạt 1066,7 tỷ đồng gấp 2,54 lần mục tiêu kế hoạch 2001-2005.
Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm 2001-2005 của tỉnh đạt 14,0%/năm (mục tiêu Đại hội 13,5%), gấp 1,8 lần mức bình quân của cả nước, trong đó khu vực công nghiệp, xây dựng đạt mức tăng bình quân 20,3%/năm. GDP/người mới bằng khoảng 75,72% bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Tỷ trọng công nghiệp-XDCB trong tổng GDP đã tăng mạnh từ 35,7% năm 2000 lên 47,1% vào năm 2005; dịch vụ từ 26,3% lên 27,2%; nông nghiệp giảm từ 38% xuống còn 25,7%.
Mỗi năm bình quân giải quyết việc làm cho 14.000 lao động.
Công nghiệp và sản phẩm công nghiệp chủ lực:
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh mang tính đột phá, giai đoạn 2001-2005 tăng bình quân 26,1%/năm.
Ngành công nghiệp đã có những bước khởi sắc về số lượng cơ sở sản xuất, thu hút lao động trên địa bàn. Sản phẩm công nghệ cao từng bước cạnh tranh trên thị trường nước ngoài. Tuy nhiên còn bộc lộ một số tồn tại: các cơ sở sản xuất quy mô chưa lớn, hiệu quả sử dụng đất của một số doanh nghiệp chưa cao, chưa thu hút được nhiều các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại.
Dịch vụ và các sản phẩm dịch vụ:
Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bản lẻ năm 2005 đạt 4.094,2 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2001-2005 đạt 22,4%. Hoạt động XNK liên tục có mức tăng trưởng tác động tích cực đến các ngành sản xuất và dịch vụ. Kim ngạch xuất khẩu năm 2005 đạt 90 triệu USD, tăng 1,9 lần so với năm 2000. Kim ngạch nhập khẩu tăng khá, năm 2005 đạt 140,5 triệu USD, tăng 2,9 lần so với năm 2000.Tuy nhiên, với vị trí liền kề thủ đô Hà Nội, khu vực dịch vụ của tỉnh chưa phát huy hết lợi thế so sánh, du lịch phát triển chưa xứng với tiềm năng, dịch vụ cải tiến kỹ thuật – công nghệ, dịch vụ pháp luật, dịch vụ thông tin, chuyển giao công nghệ,… phát triển chưa mạnh.
Nông, lâm nghiệp và các sản phẩm chủ lực:
Giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn từ 1997 đến nay tăng trưởng khá. Tốc độ tăng bình quân thời kỳ 2001 – 2005 là trên 5,8%/nam. Cơ cấu nông nghiệp có sự chuyển dịch, ngành trồng trợt năm 1997 chiếm 69%, năm 2000 chiếm 68,4% và năm 2005 chiếm 58,9% trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
2. Phát triển các lĩnh vực xã hội:
Giáo dục đào tạo: Ngành giáo dục đào tạo đã đạt được những thành tựu nổi bật, đặc biệt là giáo dục phổ thông, là một trong 3 tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi đầu tiên của cả nước và sớm hon kế hoạch 01 năm (kế hoạch năm 2003).
Y tế: Hệ thống y tế được củng cố và tăng cường cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ. Hiện nay, tỉnh có 13 bệnh viện các loại, 100% xã có trạm y tế và có bác sỹ, nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi, 100% số thôn có nhân viên y tế.
Văn hoá – thông tin - thể dục thể thao: Hoạt động văn hoá thông tin, thể dục thể thao ngày càng khởi sắc. Năm 2005, tỉnh có 24 nhà văn hoá, 49 trạm truyền thanh, 105 điểm bưu điện văn hoá xã, 367 nhà văn hoá thôn làng, 562 trạm truyền thanh thôn xóm.
Giải quyết việc làm: Trong 5 năm giai đoạn 2001-2005, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 14.000 lao động. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn khoảng 4,0%/năm (năm 2005). Hệ số sử dụng thời gian lao động khu vực nông thôn năm 2005 đạt 80%.
Hoạt động xoá đói giảm nghèo: Đến nay, tỉnh Bắc Ninh không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 10,2% năm 2000 xuống còn 3,5% năm 2005 (theo tiêu chí năm 2000).
3. Hệ thống kết cấu hạ tầng:
Giao thông: Hệ thống giao thông đường bộ tương đối thuận tiện cho việc vận chuyển, giao lưu kinh tế trong và ngoài tỉnh. Toàn tỉnh hiện có trên 3.900 km đường bộ, trong đó có 04 tuyến quốc lộ là QL1A, QL1B, QL 18 và QL38; 12 tuyến tỉnh lộ.
Hệ thống đường sông có 03 sông lớn chảy qua, 3 cảng sông và nhiều bến bãi xếp dỡ vật liệu.
Hệ thống đường sắt có tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn chạy qua khoảng 20 km. Trong những năm tới (2008-2010), Chính phủ xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Phả Lại - Quảng Ninh đi qua Bắc Ninh.
Mạng lưới cấp điện: Nguồn điện chính cung cấp phục vụ sản xuất và tiêu dùng được lấy từ điện lưới 110KV quốc gia theo tuyến Đông Anh - Phả Lại, Đông Anh - Bắc Giang, đường dây 110 MW từ Hà Nội - Hải Dương.
Hệ thống thuỷ lợi: Tỉnh có 2 hệ thống thuỷ nông: Bắc Đuống và Nam Đuống; 391 trạm bơm. Hệ thống thuỷ nông đảm bảo tưới tiêu cho khoảng 84% diện tích gieo trồng.
III. ĐÁNH GIÁ TỔNG QUÁT LỢI THẾ VÀ HẠN CHẾ.
Lợi thế so sánh của Bắc Ninh.
Bước vào những năm đầu thế kỷ XXI, Bắc Ninh có những thuận lợi về phát triển kinh tế - xã hội như năng lực sản xuất và kết cấu hạ tầng đã phát triển một bước, tiềm lực kinh tế khá phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.Vị trí địa lý của Bắc Ninh gắn với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng thủ đô Hà Nội, Vùng tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có khả năng đưa lại những cơ hội mới cho sự phát triển. Cụ thể là:
(1) - Là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng (nằm gọn trong vùng châu thổ sông Hồng), Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và vùng Thủ đô Hà Nội, có vị trí địa kinh tế - chính trị rất thuận lợi, liền kề với Thủ đô Hà Nội về phía Bắc, có hệ thống giao thông kết nối với Hà Nội, cảng hàng không quốc tế Nội Bài, các cảng biển quan trọng của vùng (Cái Lân và Hải Phòng), cửa khẩu Việt – Trung (tại Lạng Sơn), nằm trên các trục hành lang kinh tế Vân Nam - Hà Nội - Hải Phòng và Nam Ninh - Lạng Sơn - Hải Phòng.
(2) - Là tỉnh có 62 làng nghề truyền thống, với hon 200 ngành nghề nổi tiếng như tơ tằm, gốm sứ, đúc đồng, trạm bạc, khắc gỗ, vẽ tranh dân gian... cùng với hệ thống khu công nghiệp được phát triển tạo ra địa bàn hấp dẫn và thu hút đầu tư.
(3) - Bắc Ninh có nền văn hóa phong phú, nơi hội tụ của kho tàng văn hóa nghệ thuật đặc sắc truyền thống văn hóa Kinh Bắc, cùng với nhiều cảnh quan đẹp là tiềm năng lớn để phát triển du lịch văn hóa, lễ hội, du lịch sinh thái, du lịch thắng cảnh, du lịch làng nghề, du lịch làng Việt cổ.
(4) - Bắc Ninh có một đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật khá đông có trình độ chuyên môn khá, đội ngũ công nhân có trình độ tay nghề cao, đa số người lao động đã tiếp cận với nền sản xuất hàng hóa. Trình độ dân trí khá cao, một bộ phận dân cư có trình độ sản xuất hàng hóa, năng động với cơ chế thị trường. Ngoài ra còn có khả năng thu hút được đội ngũ cán bộ khoa học chất lượng cao từ Hà Nội.
Khó khăn và thách thức
(1) - Điểm xuất phát nền kinh tế thấp, phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế so sánh về vị trí địa kinh tế - chính trị của tỉnh; cơ cấu kinh tế còn có bộ phận chuyển dịch chậm, chưa đồng bộ, nhất là cơ cấu lao động. Một số hoạt động thuộc lĩnh vực thương mại, du lịch - dịch vụ, văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao còn yếu.
(2) - Tài nguyên khoáng sản ít, mật độ dân số cao, đất nông nghiệp ít phì nhiêu, dễ bị lu lụt.
(3) - Ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất còn ít, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh mới đạt trình độ công nghệ trung bình và thấp, công nghệ cao chưa nhiều, chưa hình thành được nền kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chiếm ưu thế tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu chưa nhiều. Do đó sức cạnh tranh của nền kinh tế Bắc Ninh chưa cao, nhất là khi hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế quốc tế thì sức ép cạnh tranh sẽ càng quyết liệt hơn.
(4) - Đời sống nhân dân tuy có được cải thiện nhung chênh lệch mức sống giữa các tầng lớp dân cu và giữa các khu vực trong tỉnh khá lớn và tiếp tục tăng.
(5) - Lực lượng lao động đông đảo nhưng lao động được đào tạo cơ bản, có tay nghề cao nhưng chưa đủ đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, hiện đại, nhất là đang thiếu các doanh nhân, các tổng công trình sư, các nhà quản lý giỏi.
(6)- Lực lượng lao động nông nghiệp dôi dư do chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ theo quy hoạch có nguy cơ tăng lên, gây bức xúc trong vấn đề giải quyết việc làm và thu nhập.
2. Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 tỉnh Bắc Ninh:
- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2006-2010 đạt từ 15 – 16 %. Thời kỳ 2011-2015 đạt 13%/năm và thời kỳ 2016-2020 đạt 12%/năm.
- Năm 2010 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 20.112 tỷ đồng (giá 1994); giá trị sản xuất nông lâm thuỷ sản đạt 2939 – 3018 tỷ đồng (giá 1994).
- Cơ cấu GDP đến năm 2010 (giá hiện hành): nông nghiệp 14,8%, công nghiệp-xây dựng 55,2 % và dịch vụ 30 %.
- GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2010: 1.300 USD.
- Năm 2010 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 800-900 triệu USD, tăng bình quân hàng năm 55,8%-58,5%.
- Tăng nhanh đầu tư toàn xã hội, giải quyết tốt tích luỹ và tiêu dùng, thu hút mạnh các nguồn vốn từ bên ngoài. Thời kỳ 2006-2010 tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến đạt 39-40%; 2011-2020 đạt 42-45% GDP.
- Thu ngân sách trên địa bàn năm 2010 đạt 3.200 tỷ đồng, tăng bình quân 25,0%/năm, đạt tỷ lệ thu ngân sách từ GDP 15% năm 2010 và 15,5% năm 2020.
- Giải quyết việc làm bình quân hàng năm từ 22 - 24 nghìn lao động. Đến năm 2010 cơ cấu lao động xã hội: khu vực I là 42,8%, khu vực II và III là 57,2%.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2010 đạt 45%; năm 2020 đạt 65%.
- Đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hoá đạt ít nhất khoảng 45-50%, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong tổng số lao động khoảng 75%.
- Môi trường được giữ vững, phấn đấu xử lý tốt tình trạng ô nhiễm môi trường. Đến năm 2020 khoảng 98% dân số của tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh; thu gom và xử lý 100% rác thải sinh hoạt; quản lý và xử lý tốt chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại và chất thải y tế.
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 16/2007/NQ-CP NGÀY 27/02/2007 CỦA CHÍNH PHỦ.
I. CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI TỈNH BẮC NINH KHI VIỆT NAM GIA NHẬP TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI WTO:
1. Cơ hội:
Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã đánh dấu một sự kiện quan trọng của đất nước trong việc hoà nhập với nền kinh tế quốc tế, tạo ra những cơ hội, thời cơ mới để phát triển sản xuất kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp,… tạo đà phát triển một cách nhanh chóng nền kinh tế của đất nước.
Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp cũng như sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bắc Ninh. Đó là:
- Tăng cường thu hút các vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các dự án của các tập đoàn đa quốc gia.
- Nâng cao tính hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, cạnh tranh của doanh nghiệp trong tỉnh; phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp, nông thôn, nông dân, bảo vệ tài nguyên, môi trường; học tập và nâng cao trình độ quản lý công nghiệp, công nghệ cao và sản xuất tại địa phương.
- Mở rộng thị trường và tăng xuất khẩu đối với các mặt hàng có lợi thế của tỉnh.
2. Thách thức:
Khi Việt Nam gia nhập WTO, những thách thức đối với tỉnh Bắc Ninh đó là:
- Nhiều ngành, cấp và doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ về những cơ hội và thách thức của tiến trình hội nhập nói chung, các cam kết, lộ trình của Việt Nam, của tỉnh khi Việt Nam gia nhập WTO.
Việc gia nhập WTO của Việt Nam đã tạo nên môi trường cạnh tranh ngày càng trở nên quyết liệt hơn, yêu cầu về chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế phải được đáp ứng là một thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp của tỉnh khi tham gia thị trường toàn cầu.
Nguồn nhân lực, lao động có trình độ cao (kỹ năng lao động và năng suất lao động) trên thị trường lao động còn thấp và thiếu làm giảm tính cạnh tranh.
Yêu cầu đặt ra đối với các doanh nghiệp là cần đầu tư dổi mới công nghệ trong khi nguồn lực của doanh nghiệp là có hạn, đặc biệt là việc huy động vốn, lao động cho sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong tỉnh, phải nghiên cứu và nắm chắc các quy định của WTO, các Cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, thực hiện quản lý các hoạt động kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo cạnh tranh, v.v phải tuân theo các quy định, nguyên tắc quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam.
II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG.
1. Mục đích.
- Quán triệt sâu sắc việc gia nhập WTO là mốc quan trọng trong tiến trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta; là cơ hội và thách thức với nước ta khi là thành viên WTO.
- Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển thương mại hàng hoá và dịch vụ phục vụ cho sự phát triển ổn định, bền vững và bảo vệ môi trường.
- Hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư của các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi dậy những những tiềm năng to lớn và sức sáng tạo của nhân dân, tạo cơ hội để doanh nghiệp đóng góp ngày càng nhiều vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh.
2. Yêu cầu.
- Nhận thức rõ hội nhập kinh tế quốc tế là công việc của toàn dân, nhân dân là chủ thể của hội nhập. Mọi chương trình hành động phải nhằm phát huy tính chủ động, tích cực, khả năng sáng tạo và phát huy mọi nguồn lực của cộng đồng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
- Các cơ quan, địa phương, đơn vị chủ động thực hiện, đảm bảo hiệu quả thiết thực, phù hợp với tình hình cụ thể của ngành, địa phương, đơn vị.
III. CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CHỦ YẾU:
Chương trình 1: Công tác tuyên truyền và phổ biến thông tin về WTO.
- Tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm tham mưu, xây dựng tốt kế hoạch hành động của tỉnh Bắc Ninh thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ ban hành theo Nghị quyết số 16/2007/NQ–CP ngày 27/2/2007 của Chính phủ về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên WTO; tổ chức nghiên cứu cho cán bộ, công chức và toàn dân nhận thức quan điểm của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, gia nhập WTO, những cơ hội và thách thức đặt ra khi Việt Nam là thành viên của WTO.
- Phổ biến sâu rộng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, các Cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân.
- Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và đánh giá việc xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động của các cơ quan.
Cụ thể:
+ Tổ chức tập huấn cho cán bộ công chức và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh học tập tìm hiểu về các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO và các Cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.
+ Tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, xây dựng trang tin về WTO trên địa bàn Tỉnh.
+ Tập huấn cho các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư, bảo đảm quy trình thẩm định đầu tư và cấp giấy chứng nhận theo đúng các cam kết quốc tế của Việt Nam.
+ Tổ chức in ấn tài liệu, phổ biến thông tin về WTO, về các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.
Chương trình 2: Nâng cao hiệu quả đầu tư của các cơ sở kinh doanh :
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, trước hết kịp thời rà soát các thủ tục hành chính để loại bỏ các loại giấy tờ, thủ tục không cần thiết; công bố công khai, minh bạch chính sách, cơ chế quản lý, quy trình tác nghiệp để các doanh nghiệp, tổ chức, công dân biết và giám sát thực hiện;
- Xây dựng phát triển các khu, cụm công nghiệp.
+ Rà soát quy hoạch tổng thể phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn.
+ Rà soát, đánh giá thực trạng sử dụng đất của các dự án đầu tư, bố trí, xắp xếp dự án đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp phù hợp với quy hoạch được duyệt.
- Thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại:
+ Cụ thể hoá các cơ chế, chính sách của Nhà nước nhằm thu hút mạnh các nguồn vốn và hình thức đầu tư vào địa bàn; đặc biệt để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có năng lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm quản lý đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong tỉnh,
+ Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh: tạo diều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các tổ chức, công dân đã, đang và sẽ thực hiện đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn bằng việc chuẩn bị về mặt bằng sản xuất kinh doanh, địa điểm đầu tư, công khai quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị, thủ tục hành chính, quy trình đầu tư, ... ;hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật – xã hội của tỉnh.
+ Xây dựng và công khai cơ sở dữ liệu về: quy trình thủ tục đầu tư; địa điểm; thuế và các chi phí liên quan đến doanh nghiệp nhằm cung cấp kịp thời cho nhà đầu tư các thông tin để lập dự án.
- Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp:
+ Chú trọng bồi dưỡng về kiến thức quản lý doanh nghiệp cho đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp;
+ Phát triển hệ thống đào tạo nghề, đặc biệt là những ngành nghề đòi hỏi trình độ cao, đáp ứng nhu cầu về lao động kỹ thuật cho các doanh nghiệp.
+ Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng phát triển khoa học công nghệ nhất là những công nghệ mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và hướng tới thị trường quốc tế.
+ Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh tiếp cận thị trường thế giới, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm; khuyến khích xã hội hoá đầu tư, phấn đấu đẩy mạnh sản xuất một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nhóm hàng chủ lực như : may mặc, điện tử, nông sản thực phẩm chế biến, thủ công mỹ nghệ,... tạo nguồn hàng và thị trường xuất khẩu ổn định ; Hình thành các vùng sản xuất tập trung, mặt hàng chủ lực.
Chương trình 3: Phát triển nông nghiệp - nông thôn.
- Đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn trên cơ sở gắn kết chặt chẽ giữa 3 khâu: sản xuất - chế biến - thị trường trong sản xuất nông nghiệp. Phát triển mạnh sản xuất nông sản hàng hóa có năng suất và chất lượng ngày càng cao, thực hiện việc hoà nhập với khu vực và thế giới .
- Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở, hợp tác xã cổ phần sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ ở nông thôn.
- Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, áp dụng các loại giống cây con mới, năng suất chất lượng tốt; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại.
- Thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng cho phát triển sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy nâng cao năng xuất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
- Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật để đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời tiếp tục làm tốt công tác thông tin thị trường, thông tin khoa học kỹ thuật để định hướng phát triển sản xuất có hiệu quả.
- Tạo việc làm phi nông nghiệp để giảm lao động trong nông nghiệp đến năm 2010 còn khoảng 268 nghìn lao động, năm 2015 còn khoảng 213 nghìn lao động và năm 2020 còn khoảng 182 nghìn lao động trong nông nghiệp, chiếm 30% trong cơ cấu lao động xã hội.
Chương trình 4 : Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
- Xây dựng và triển khai các đề án bảo vệ môi trường các lưu vực sông, vùng nông thôn, các khu đô thị và khu công nghiệp, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, nâng cao năng lực quan trắc môi trường…
- Tham gia nghiên cứu, ban hành chính sách nhằm đẩy mạnh xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường. Trước mắt, tập trung thực hiện một số chương trình, dụ án trọng điểm :
+ Chương trình bảo vệ, phòng chống ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường đối với các nguồn nước mặt, nước nguồn cung cấp cho đô thị và nông thôn.
+ Chương trình xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý các nguồn thải và kiểm soát các tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường.
+ Chương trình phòng chống và kiểm soát ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường trong khu vực đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch và các đối tượng có nguy co gây ô nhiễm cao.
+ Chương trình quản lý chất thải nguy hại trên địa bàn.
+ Chương trình bảo vệ, khai thác và sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất, nước,...
+ Chương trình phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường trong giáo dục - đào tạo, trong cộng đồng dân cư.
Đề án giảm thiểu và xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề và khu công nghiệp vừa và nhỏ, cụm công nghiệp làng nghề.
Chương trình 5 : Chương trình giảm nghèo:
Tạo việc làm có chất lượng, tăng tỉ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên trên 80% năm 2010 và trên 90% năm 2020), duy trì tỉ lệ thất nghiệp thành thị ở mức an toàn (3% - 4%), tăng thu nhập cho người lao động, giảm tỉ lệ hộ nghèo (giảm hơn 2/3 tỉ lệ hộ nghèo) theo chuẩn tương ứng trong từng thời kỳ.
1. Trên co sở những nội dung nhiệm vụ chủ yếu trong Chương trình hành động này và căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trực tiếp chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động cụ thể của ngành, địa phương theo nội dung chủ yếu sau:
- Cụ thể hóa các quy phạm pháp luật của Nhà nước để triển khai phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Bắc Ninh;
- Bổ sung hoàn chỉnh và xây dựng mới các chính sách hướng dẫn những hoạt động ưu tiên đã nêu trong Chương trình hành động của Tỉnh.
- Căn cứ vào các hoạt động ưu tiên, tiến hành lập các dự án cụ thể theo lộ trình phù hợp và chỉ đạo thực hiện tốt theo từng giai đoạn.
- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp, trường học trong toàn tỉnh về Chương trình hành động của Tỉnh.
2. Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động này; định kỳ hàng năm, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh tình hình thực hiện.
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình hành động này, nếu cần phải sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể của Chương trình, các sở, ngành, địa phương chủ động báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định, bảo đảm chương trình được thực hiện hiệu quả và đồng bộ./.
CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN, KẾ HOẠCH CẦN THỰC HIÊN.
(Kèm theo Chương trình hành động số 10/2008/UBND ngày 31/01/2008 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc thực hiện Nghị quyết số 16/2007/NQ –CP ngày 27/02/2007 của Chính phủ )
STT | Nội dung công việc | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Thời gian thực hiện |
I | TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN VỀ WTO |
|
|
|
1 | Phổ biến các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, các Cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân. | Sở Thương mại | Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố | 2008 |
2 | Tập huấn cho các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư, quy trình thẩm định đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư theo đúng các cam kết WTO của Việt Nam. | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Các sở, ngành liên quan | 2008 |
II | RÀ SOÁT HỆ THỐNG PHÁP LUẬT, QUY ĐỊNH . |
|
|
|
1 | Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành, bãi bỏ những quy định không phù hợp với cam kết WTO. | Sở Tư pháp | Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố | 2008 |
III | CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH |
|
|
|
1 | Rà soát các thủ tục hành chính ; Đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức | Sở Nội vụ | Các sở, ngành liên quan | 2008 -2010 |
IV | PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG KINH TẾ KỸ THUẬT |
|
|
|
1 | Nâng cấp và xây dựng hệ thống đường tỉnh lộ ; Ưu tiên nâng cấp các tuyến đường nối với các khu dân cư, du lịch, khu cụm công nghiệp. | Sở Giao thông vận tải | Các sở, ngành liên quan | 2008-2010 |
2 | Thực hiện quy hoạch, đầu tư, cải tạo nâng cấp hệ thống điện. | Sở Công nghiệp | Các sở, ngành liên quan | 2008 -2010 |
3 | Phát triển hệ thống bưu chính viễn thông, hệ thống truyền dẫn công nghệ cao. | Sở Buu chính viễn thông. | Các sở, ngành liên quan | 2008-2010 |
4 | Xây dựng, mở rộng hệ thống nhà máy cấp nước sạch phục vụ khu vực nông thôn. | Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn | Các sở, ngành liên quan | 2008-2010 |
V | XÂY DỰNG PHÁT TRIỂN KHU CỤM CÔNG NGHIỆP |
|
|
|
1 | Xây dựng, rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển khu cụm công nghiệp; | Sở Công nghiệp | Các sở, ngành liên quan | 2008-2010 |
VI | ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ. |
|
|
|
1 | Cụ thể hoá các cơ chế, chính sách của Nhà nước nhằm thu hút mạnh các nguồn vốn và hình thức đầu tư vào địa bàn. | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Các sở, ngành liên quan , UBND các huyện, thành phố . | 2008 |
VII | NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH |
|
|
|
1 | Phát triển hệ thống đào tạo nghề ; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao | Sở Lao động thương binh và xã hội | Các sở, ngành liên quan | 2008-2010 |
2 | Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng phát triển khoa học công nghệ nhất là những công nghệ mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh | Sở Khoa học và công nghệ | Các sở, ngành liên quan | 2008-2010 |
VIII | PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP - NÔNG THÔN |
|
|
|
1 | Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp ; đầu tư hạ tầng cho phát triển sản xuất nông nghiệp | Sở Nông nghiệp và PTNT | Các sở, ngành liên quan | 2008 -2010 |
2 | Giải quyết việc làm khu vực nông nghiệp - nông thôn | Sở Nông nghiệp và PTNT | Các sở, ngành liên quan | 2008 -2010 |
IX | BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG |
|
|
|
1 | Xây dựng và triển khai các đề án bảo vệ môi trường | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các sở, ngành liên quan | 2008 |
X | CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO |
|
|
|
1 | Kế hoạch, chương trình giảm nghèo | Sở lao động- Thương binh và Xã hội | Các sở, ngành liên quan | 2008 -2010 |
- 1Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP về việc Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới do Chính phủ ban hành
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Quyết định 110/2012/QĐ-UBND về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 16/NQ-CP của tỉnh Bắc Ninh
Quyết định 10/2008/QĐ-UBND ban hành Chương trình hành động của tỉnh Bắc Ninh thực hiện Nghị quyết 16/2007/NQ-CP do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành
- Số hiệu: 10/2008/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 31/01/2008
- Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
- Người ký: Trần Văn Tuý
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 10/02/2008
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra