Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2006/QĐ-UBND | Đồng Hới, ngày 29 tháng 3 năm 2006 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CHUYỂN ĐỔI ĐOÀN NGHỆ THUẬT TỔNG HỢP QUẢNG BÌNH THÀNH ĐOÀN NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục - thể thao;
Căn cứ Quyết định số 61/2005/QĐ-BVHTT ngày 04 tháng 1 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển xã hội hoá hoạt động văn hoá đến năm 2010”;
Căn cứ Quyết định số 675/QĐ-UBND ngày 10 tháng 3 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc đổi tên Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp thành Đoàn Nghệ thuật truyền thống;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin Quảng Bình tại Tờ trình số 09/TTr-SVHTT ngày 01 tháng 3 năm 2006;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Phê duyệt "Đề án chuyển đổi Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp Quảng Bình thành Đoàn Nghệ thuật truyền thống" kèm theo Quyết định này.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan, Trưởng Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh Quảng Bình chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
CHUYỂN ĐỔI ĐOÀN NGHỆ THUẬT TỔNG HỢP QUẢNG BÌNH THÀNH ĐOÀN NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG
(Kèm theo Quyết định số 10/2006/QĐ-UBND ngày 29/3/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)
1. Dân ca Quảng Bình - đặc trưng riêng của Nghệ thuật truyền thống một vùng quê - sự cần thiết phải bảo tồn và phát triển:
Quảng Bình là một vùng đất có vị trí đặc thù. Các ngành khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội nhân văn đã chứng minh vùng đất Quảng Bình có lịch sử rất lâu đời và là nơi tiềm chứa nhiều giá trị vật chất và văn hoá tinh thần độc đáo. Xét trên bình diện văn hoá, Quảng Bình là khu vực có sự đan xen và hỗn dung văn hoá giữa các trung tâm văn hoá lớn của dân tộc như Văn hoá Việt Mường - Chămpa, Đông Sơn - Sa Huỳnh, Đàng Trong - Đàng Ngoài, Thăng Long - Phú Xuân,... Những yếu tố đan xen, hỗn dung nói trên làm cho sắc diện văn hoá Quảng Bình càng thêm phong phú và đậm tính bản sắc.
Cũng như ở các vùng quê khác, từ trong lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng, làng quê Quảng Bình là cái nôi sinh thành nền văn hoá truyền thống của quê hương; nơi đây không chỉ sản sinh ra những giá trị văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần mà còn là cái nôi hình thành và phát triển các trò diễn, diễn xướng dân gian, dân ca, dân vũ,... nhằm thoả mãn nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần của cộng đồng dân cư.
Chỉ xét về loại hình dân ca, Quảng Bình đã rất phong phú với hàng chục điệu hò, điệu hát, hát ru,... không dễ gì nơi nào cũng có.
Phong phú nhất, trước hết phải kể đến là các điệu hò: vùng Minh Hoá, Tuyên Hoá có Hò thuốc, Hò kéo nôốc, Hò văn, Hò xay lúa, Hò la hò là...; Vùng Quảng Trạch đặc sắc với điệu hò Cảnh Dương, Hò hụi..; Bố Trạch có Hò bài chòi, Hò đưa linh, Hò kéo lưới, Hò đẩy thuyền...; Đồng Hới có Hò đưa linh chèo cạn, Hò lỉa gỗ, Hò kéo neo kéo buồm...; Lệ Thuỷ, Quảng Ninh có Hò bài chòi, Hò lỉa gỗ, Hò chèo cạn, trong đó đặc sắc với điệu Hò khoan Lệ Thuỷ (hò giã gạo) nổi tiếng với 9 mái, trong đó có 6 mái cơ bản là: mái chè, mái nện, mái xắp, mái ba, mái ruổi, mái nhì, mái nâu xăm...
Sau hò, là các điệu hát, với Hát nhà trò (ả đào), hát Kiều, Hát sắc bùa, Hát ví đúm, Hát bội, Hát đối, Hát ghẹo, Hát đồng dao, Hát ru... Đó là chưa nói đến ca dao, vè cũng khá phổ biến ở Quảng Bình.
Về múa dân gian cũng rất phong phú, mà điển hình là các điệu: Múa bông, Múa tứ linh, Múa bài đăng, Múa sư tử, Múa vòng...
Về nhạc cụ, ở Quảng Bình cơ bản có một số loại nhạc cụ truyền thống sau: đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn thập lục, sáo trúc (quyển), đàn bầu, đàn ống, khèn bè, trống bùm bùm, bộ gõ, kèn, pi, còi, kèn lá,...
Các loại hình dân ca, dân vũ trên đây đã trường tồn trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Quảng Bình và hiện nay đang có nguy cơ mai một dần trước sự lấn lướt của loại hình văn hoá - văn nghệ hiện đại, cần phải có sự bảo tồn và phát triển.
Mặt khác, do Quảng Bình có vị trí địa lý đặc thù, nên chịu ảnh hưởng giao thoa của nền văn hoá Đại Việt (ngoài vào) và Phú Xuân (trong ra), mà điển hình là các điệu dân ca Huế, Bình Trị Thiên, như các điệu ca: Nam ai, Nam bình, Nam xuân, Tứ đại cảnh, Cổ bản, Long ngâm, Đăng đàn cung, Lưu thuỷ hành vân, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ... hiện đang rất thịnh hành trong đời sống văn nghệ của nhân dân, cần được giữ gìn và phát triển.
2. Căn cứ pháp lý để xây dựng Đề án chuyển đổi Đoàn Nghệ thuật:
+ Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) của Đảng về định hướng xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
+ Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục - thể thao.
+ Nghị quyết số 05/CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, TDTT...
+ Quyết định số 61/2005/QĐ-BVHTT ngày 04/11/2005 của Bộ Văn hoá - Thông tin về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển xã hội hoá hoạt động văn hoá đến năm 2010, tại điểm a, mục 3, điều 1 của Quyết định đã nêu rõ: " Sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật theo hướng:... Ở mỗi tỉnh chỉ nên duy trì một đoàn nghệ thuật truyền thống và tiêu biểu".
3. Thực trạng tổ chức và hoạt động của Đoàn Nghệ thuật Quảng Bình thời gian qua:
Sau ngày tái lập tỉnh, Đoàn Nghệ thuật Quảng Bình được UBND tỉnh quyết định thành lập với định hướng nghệ thuật là ca - múa - nhạc tổng hợp, tên gọi là Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp Quảng Bình.
Bước đường 15 năm hình thành và phát triển, từ một bộ khung gồm 19 cán bộ, diễn viên, cơ sở vật chất ban đầu hầu như không có gì, không có trụ sở, không có phương tiện,... đến nay Đoàn đã lớn mạnh với tổng số 36 cán bộ, diễn viên, nhạc công với cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ bản đáp ứng được hoạt động trước mắt theo định hướng nghệ thuật ca múa nhạc tổng hợp. Hàng năm, Đoàn đã cố gắng xây dựng mới và hoàn chỉnh, bổ sung từ 1 - 3 chương trình nghệ thuật để phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ công chúng trong và ngoài tỉnh, giao lưu với các nước trong khu vực (Lào, Thái Lan...). Mỗi năm Đoàn đã cố gắng thực hiện từ 80 - 120 buổi diễn, trong đó có hàng chục buổi biểu diễn phục vụ cho vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, rẻo cao.
Về hoạt động nghệ thuật truyền thống: Ngay từ ngày đầu mới thành lập, Đoàn đã mạnh dạn dàn dựng vở ca kịch "Tình yêu viên quận trưởng" của tác giả Văn Nhĩ. Từ năm 2003 đến nay, Đoàn đều có xây dựng các chương trình truyền thống như: 02 chương trình trong Lễ đón nhận Bằng Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; 01 chương trình chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ II năm 2005... và đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng Quảng Bình.
Quá trình hoạt động, Đoàn đã được tặng nhiều bằng khen, cờ thi đua xuất sắc, trong đó có Bằng khen của Chính phủ.
Tuy vậy, thực trạng tình hình của Đoàn hiện nay gặp nhiều khó khăn cần phải tập trung xây dựng, định hướng lại, đó là:
- Trước hết, về định hướng nghệ thuật, trong điều kiện mở cửa, hội nhập, giao lưu toàn diện hiện nay, trong đó có văn hoá - nghệ thuật, cần phải bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống theo định hướng của Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) của Đảng về giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Từ sự cần thiết, thực trạng Đoàn và các căn cứ pháp lý trên, để duy trì và phát triển Đoàn Nghệ thuật Quảng Bình theo đúng định hướng nghệ thuật giai đoạn 2006 - 2010 và những năm tiếp theo, Sở Văn hóa - Thông tin xây dựng "Đề án chuyển đổi Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp Quảng Bình thành Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình".
1 - Mục tiêu, định hướng:
- Mục tiêu: Việc chuyển đổi Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp thành Đoàn Nghệ thuật truyền thống nhằm hướng tới mục tiêu làm nòng cốt cho việc duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình ca múa nhạc truyền thống của quê hương Quảng Bình. Tăng mức hưởng thụ nghệ thuật truyền thống cho nhân dân địa phương trong thời kỳ giao thoa, hội nhập của nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại có khả năng làm mai một dần nghệ thuật truyền thống của quê hương, đất nước. Giới thiệu nghệ thuật truyền thống của Quảng Bình (dân ca, dân vũ,...) với các địa phương bạn và với quốc tế nhằm khẳng định bản sắc văn hoá Quảng Bình và phục vụ du lịch.
- Định hướng nghệ thuật: Chuyển đổi Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp Quảng Bình theo hướng: Chuyển dần từng bước từ ca múa nhạc tổng hợp hiện nay sang nghệ thuật truyền thống, lấy dân ca Quảng Bình, dân ca Bình Trị Thiên làm chính, bên cạnh tiếp tục duy trì một bộ phận ca múa nhạc tổng hợp. Đến năm 2010, Đoàn thực sự trở thành Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình.
2. Về cơ cấu tổ chức bộ máy:
a. Tên gọi của Đoàn: Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình (UBND tỉnh đã có Quyết định số 675/QĐ-UBND ngày 10/3/2006 về việc đổi tên Đoàn nghệ thuật tổng hợp thành Đoàn Nghệ thuật truyền thống).
b. Về tổ chức bộ máy:
Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình có:
- Ban lãnh đạo Đoàn: Trưởng đoàn và 2 Phó Trưởng đoàn.
- Các bộ phận chuyên môn có:
+ Đội ca
+ Đội nhạc
+ Đội múa
+ Đội hành chính - Hậu đài
Tổng biên chế tối thiểu: 35
Tổng biên chế tối đa: 40
(Biên chế này nằm trong tổng biên chế được tỉnh giao hàng năm cho Sở Văn hoá - Thông tin. Năm 2006 được giao là 36).
Ngoài ra, khi dàn dựng các chương trình, tiết mục lớn, hoành tráng, cần nhiều diễn viên quần chúng, Đoàn sẽ hợp đồng ngắn hạn với một số diễn viên không chuyên hoặc huy động lực lượng từ các đội văn nghệ quần chúng của các cơ sở.
c. Về đội ngũ diễn viên, nhạc công:
Trên cơ sở phân tích chất lượng diễn viên và nhạc công hiện có (có danh mục phụ lục kèm theo), sẽ tập trung giải quyết dần theo hướng:
+ Giữ lại những diễn viên, nhạc công đã được đào tạo cơ bản, có khả năng phát triển theo hướng nghệ thuật truyền thống để làm nòng cốt cho Đoàn.
+ Đào tạo, bồi dưỡng nghệ thuật truyền thống cho số diễn viên thanh nhạc hiện đại hiện có tại Đoàn còn khả năng phục vụ lâu dài để bổ sung lực lượng nòng cốt cho Đoàn.
+ Chọn lựa, bổ sung diễn viên và nhạc công dân ca đã qua đào tạo cơ bản tại các trường Nghệ thuật để bổ sung nhằm trẻ hoá đội ngũ diễn viên của Đoàn.
+ Giải quyết chế độ (thôi việc theo Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005 của Chính phủ về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức) cho số diễn viên, nhạc công không còn phù hợp khi Đoàn chuyển đổi tính chất nghệ thuật.
d, Về chuyển đổi cơ sở vật chất, kỹ thuật:
Cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện tại về cơ bản trước mắt có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đoàn. Để từng bước đảm bảo cho tính chất hoạt động của Đoàn, cần phải:
- Về trụ sở làm việc kiêm nhà tập của Đoàn: Hoán đổi Nhà tập (kiêm trụ sở) theo hướng thu hồi cơ sở hiện có và cấp đất mới, cấp kinh phí để Đoàn xây dựng Nhà tập ở nơi khác; hoặc cho sửa chữa lại Nhà tập cho phù hợp.
- Về phương tiện chuyên chở diễn viên đi lưu diễn phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh: Hiện tại đáp ứng được yêu cầu. Trong năm 2006, sẽ đề nghị cho thanh lý xe 12 chỗ để mua xe tải chuyên chở phục trang, đạo cụ.
- Về âm thanh, ánh sáng: Trong năm 2006, sẽ đầu tư một số trang thiết bị âm thanh, ánh sáng,... phù hợp với tính chất biểu diễn chương trình dân ca (từ chương trình đầu tư của Bộ Văn hoá - Thông tin và của tỉnh).
3 - Kế hoạch và lộ trình thực hiện chuyển đổi dần từ 2006 - 2010:
- Giai đoạn 2006 - 2007:
+ Tập trung đánh giá, phân loại đội ngũ diễn viên, nhạc công.
+ Bồi dưỡng, đào tạo lại (cơ bản là bồi dưỡng tại chỗ) số diễn viên thanh nhạc hiện đại hiện có sang dân ca. Chọn lựa, tiếp nhận một số diễn viên mới được đào tạo.
+ Lựa chọn và gửi đi đào tạo cán bộ thuộc lĩnh vực Đạo diễn sân khấu.
+ Giải quyết chính sách (cho thôi việc) một số diễn viên, nhạc công không có khả năng phát triển phù hợp.
+ Đầu tư một bước trang, thiết bị (từ nguồn vốn xin hỗ trợ của Bộ Văn hoá - Thông tin và của tỉnh).
+ Xây dựng một chương trình dân ca 45 - 60 phút để phục vụ trong và ngoài tỉnh.
- Giai đoạn 2008 - 2009:
+ Tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo tại chỗ diễn viên dân ca.
+ Tiếp tục đầu tư trang, thiết bị: âm thanh, ánh sáng theo hướng đồng bộ cho nghệ thuật truyền thống.
+ Xây dựng 2 chương trình dân ca mới để phục vụ.
- Giai đoạn 2010:
+ Hoàn chỉnh việc chuyển đổi Đoàn Nghệ thuật truyền thống.
+ Tập trung đầu tư dàn dựng Chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội Đảng các cấp...
Biểu phụ lục nhu cầu đầu tư, dự kiến nguồn
Đơn vị tính: Triệu đồng
Giai đoạn
Danh mục | 2006 - 2007 | 2008 - 2009 | 2010 | ||||||
Tổng mức | Trong đó | Tổng mức | Trong đó | Tổng mức | Trong đó | ||||
TW | Địa phương | TW | Địa phương | TW | Địa phương | ||||
1. Đào tạo diễn viên | 100 |
| 100 | 50 |
| 50 |
|
|
|
2. Trang, thiết bị | 300 | 300 |
| 200 | 100 | 100 |
|
|
|
3. Dàn dựng chương trình | 100 |
| 100 | 100 |
| 100 | 100 |
| 100 |
4. Giải quyết chính sách (từ 5-10 diễn viên) | 100 |
| 100 |
|
|
|
|
|
|
Tổng cộng | 600 | 300 | 300 | 350 | 100 | 250 | 100 |
| 100 |
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CHUYỂN ĐỔI:
1. Giải pháp:
a. Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp, các ngành, trước hết là của Sở Văn hoá - Thông tin (cơ quan chủ quản) để tham mưu cho UBND tỉnh có cơ chế, chính sách đặc thù về con người, có chính sách thu hút nhân tài, nghệ nhân tiêu biểu trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống.
b. Tăng cường công tác tuyên truyền về bảo tồn và phát triển nền văn hoá dân tộc, sắc thái văn hoá quê hương trong đó chú ý tuyên truyền việc giữ gìn, bảo tồn, phát triển nghệ thuật truyền thống của tỉnh nhà. Kêu gọi sự quan tâm đầu tư của các tổ chức kinh tế, của cộng đồng và của các cá nhân đến nghệ thuật truyền thống của tỉnh nhà.
c. Về tổ chức: Ưu tiên tuyển chọn diễn viên mới theo hướng lấy khả năng, năng khiếu biểu diễn nghệ thuật truyền thống làm chính; đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng số diễn viên và nhạc công có điều kiện chuyển hướng được sang nghệ thuật truyền thống; Kiện toàn tổ chức, bộ máy của Đoàn tinh gọn theo hướng vừa đảm bảo phục vụ nhiệm vụ chính trị đột xuất, vừa sẵn sàng phục vụ rộng rãi công chúng trong và ngoài tỉnh. Trong đó cần quan tâm việc đào tạo (hoặc tuyển dụng) cán bộ có chuyên môn Đạo diễn sân khấu.
d. Về cơ chế chính sách: Hàng năm (từ 2006 - 2010) tỉnh cân đối ngân sách bố trí một khoản kinh phí (ngoài khoản ngân sách cấp lương và chi thường xuyên trong năm) để hỗ trợ cho Đoàn trong việc đào tạo diễn viên, giải quyết chính sách cho số diễn viên không có khả năng ở lại Đoàn, dàn dựng chương trình truyền thống và mua sắm trang, thiết bị... (nhu cầu cụ thể qua hàng năm đã thể hiện ở tiết 3, mục II của Đề án), cũng như có chính sách thu hút nhân tài (như có chính sách khen thưởng diễn viên xuất sắc đạt giải cao qua các kỳ hội diễn, hỗ trợ một phần nhà ở cho các diễn viên trẻ, độc thân để họ yên tâm công tác...).
1. Sở Văn hoá - Thông tin chủ trì phối hợp với các ban, ngành hữu quan (Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nội vụ...) chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp thành Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Quảng Bình theo Quyết định số 675/QĐ-UBND ngày 10 tháng 3 năm 2006 của UBND tỉnh.
2. Sở Nội vụ: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ chuyển đổi của Đoàn, phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin để kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo đủ biên chế, cơ chế hợp đồng lao động, công tác đào tạo (đơn vị nghệ thuật phải có thời gian lao động thử việc), từng bước ổn định tổ chức bộ máy đáp ứng nhiệm vụ của Đoàn theo hướng chuyển đổi.
3. Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính cân đối ngân sách để có kế hoạch đầu tư hàng năm nhằm đảm bảo cho Đoàn chuyển đổi đúng yêu cầu và thời gian đề ra.
4. Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Quảng Bình có trách nhiệm tổ chức thực hiện phương án chuyển đổi tính chất nghệ thuật của Đoàn theo đúng định hướng nghệ thuật đã được phê duyệt tại Đề án này.
5. Quá trình tổ chức thực hiện, phát sinh vướng mắc các ngành chức năng báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo tháo gỡ.
- 1Quyết định 46/2011/QĐ-UBND về Đề án chế độ hỗ trợ, đãi ngộ cho diễn viên Đoàn Nghệ thuật cải lương và Đoàn Ca múa kịch tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành
- 2Quyết định 2714/QĐ-UBND năm 2013 thành lập Nhà hát Chèo Vĩnh Phúc trên cơ sở Đoàn Nghệ thuật Chèo Vĩnh Phúc
- 3Quyết định 260/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án Nâng cấp Đội Thông tin văn nghệ Khmer thành Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau
- 1Quyết định số 61/2005/QĐ-BVHTT phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa đến năm 2010 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin ban hành
- 2Nghị định 73/1999/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP về việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục, thể thao do Chính Phủ ban hành
- 5Nghị định 54/2005/NĐ-CP về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức
- 6Quyết định 46/2011/QĐ-UBND về Đề án chế độ hỗ trợ, đãi ngộ cho diễn viên Đoàn Nghệ thuật cải lương và Đoàn Ca múa kịch tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành
- 7Quyết định 2714/QĐ-UBND năm 2013 thành lập Nhà hát Chèo Vĩnh Phúc trên cơ sở Đoàn Nghệ thuật Chèo Vĩnh Phúc
- 8Quyết định 260/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án Nâng cấp Đội Thông tin văn nghệ Khmer thành Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau
Quyết định 10/2006/QĐ-UBND phê duyệt Đề án chuyển đổi Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp Quảng Bình thành Đoàn Nghệ thuật truyền thống
- Số hiệu: 10/2006/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 29/03/2006
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
- Người ký: Trần Công Thuật
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra