Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1-QĐ

Hà Nội, ngày 01 tháng 1 năm 1975

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN SỐ 1-QĐ NGÀY 1 THÁNG 1 NĂM 1975 VỀ VIỆC SỬ DỤNG VÀ KIỂM SOÁT GIẤY CHỨNG MINH,GIẤY CHỨNG NHẬN CĂN CƯỚC

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN

Căn cứ vào Nghị định số 150-CP ngày 2-10-1964 của Hội đồng Chính phủ về việc cấp giấy chứng minh và Quyết định số 215-TTg ngày 25-7-1972 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho công dân nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà bắt đầu từ tuổi 15 trở lên:
Để tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phục vụ lợi ích của nhân dân góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1975 trở đi việc đi lại giao dịch hàng ngày của những người bắt đầu từ tuổi 15 trở lên đều thống nhất dùng giấy chứng minh hoặc giấy chứng nhận căn cước do cơ quan công an cấp để chứng thực căn cước của mỗi người.

Điều 2.- Những người đến tuổi lấy giấy chững minh, giấy chứng nhận căn cước hoặc chưa được cấp, thì cần đến ngay cơ quan công an nơi mình thường trú để làm thủ tục lấy giấy chứng minh, giấy chứng nhận căn cước.

Điều 3.- Giấy chứng minh của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang đang tại ngũ do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cấp cũng có giá trị như giấy chứng minh, giấy chứng nhận căn cước.

Điều 4.- Người đi lại vùng biên giới hoặc khu vực Vĩnh Linh, ngoài giấy chứng minh, giấy chứng nhận căn cước, phải có giấy phép riêng do Sở hoặc do Ty công an nơi mình ở cấp.

Điều 5.- Mỗi người chỉ được sử dụng một giấy chứng minh hoặc một giấy chứng nhận căn cước và phải chấp hành nghiêm chỉnh các điều sau đây:

a) Phải mang luôn giấy chứng minh hoặc giấy chứng nhận căn cước trong người để xuất trình khi cơ quan chính quyền kiểm soát;

b) Phải giữ gìn cẩn thận giấy chứng minh, giấy chứng nhận căn cước không để mất, để hỏng. Nếu mất phải báo ngay cho cơ quan công an hoặc Uỷ ban hành chính xã nơi gần nhất và nơi mình thường trú. Nếu hỏng phải xin đổi lại giấy chứng minh, giấy chứng nhận căn cước mới;

c) Khi được phép thay đổi họ tên (kể cả đổi hoặc đặt bí danh), cải chính ngày, tháng, năm sinh thì phải làm đơn xin thay đổi giấy chứng minh hoặc giấy chứng nhận căn cước khác;

d) Nghiêm cấm việc khai man, giả mạo, tẩy xoá, sửa chữa, mua bán, mượn hoặc cho người khác mượn giấy chứng minh, giấy chứng nhận căn cước.

Điều 6.- Ai vi phạm các Điều 1, 2, 3, 4, 5 nói trên coi như phạm pháp, sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành.

Điều 7.- Các lực lượng công an nhân dân kể cả công an xã có trách nhiệm tổ chức, kiểm tra giấy chứng minh, giấy chứng nhận căn cước theo kế hoạch của Bộ Công an hướng dẫn.

Điều 8.- Các đồng chí Chủ tịch Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh, đồng chí Tư lệnh trưởng Công an nhân dân vũ trang, các đồng chí Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ Công an, các đồng chí Giám đốc Khu, Sở công an, các đồng chí Trưởng ty công an có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Trần Quốc Toàn

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1-QĐ năm 1975 về sử dụng và kiểm soát giấy chứng minh, giấy chứng nhận căn cước do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 1-QĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/01/1975
  • Nơi ban hành: Bộ Công An
  • Người ký: Trần Quốc Toàn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: 16/01/1975
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản