Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2011/QĐ-UBND | Yên Bái, ngày 23 tháng 3 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH CÔNG NGHIỆP VẬT LIỆU XÂY DỰNG TỈNH YÊN BÁI, GIAI ĐOẠN 2006 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 83/2009/NĐ- CP ngày 15/10/2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
Căn cứ Quyết định số 02/2008/QĐ-UBND ngày 30/01/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc ban hành Quy định một số nội dung quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh Yên Bái;
Căn cứ Quyết định số 1443/QĐ-UBND ngày 23 /9/2009 của UBND tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt đề cương, dự toán chi phí rà soát, điều chỉnh, bổ xung quy hoạch công nghiệp vật liệu xây dựng Yên Bái giai đoạn 2006-2020, định hướng đến năm 2025.
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 09/TTr - SXD ngày 07/3/2011 về việc phê duyệt Dự án điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch công nghiệp Vật liệu xây dựng tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2006 - 2020, định hướng đến năm 2025,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch công nghiệp Vật liệu xây dựng tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 - 2020, định hướng đến năm 2025, với nội như sau:
1. Tên dự án: Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch công nghiệp Vật liệu xây dựng tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2006 - 2020, định hướng đến năm 2025.
2. Đơn vị tư vấn lập dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch: Công ty Cổ phần tư vấn mỏ và xây dựng.
3. Hồ sơ quy hoạch:
- Bản đồ hiện trạng sản xuất vật liệu xây dựng và Quy hoạch đến năm 2010.
- Bản đồ phân bố các mỏ tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng đến năm 2010.
- Thuyết minh dự án điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch công nghiệp vật liệu xây dựng tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 - 2020, định hướng đến năm 2025.
4. Mục tiêu quy hoạch:
Đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Yên Bái từ giai đoạn 2001 - 2005 và giai đoạn 2006 đến 2010. Điều tra, khảo sát và rà soát toàn diện có hệ thống về mọi yếu tố phát triển mới của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng tỉnh Yên Bái, (đặc biệt là các sản phẩm chủ lực như xi măng, vật liệu xây, lợp nung và không nung, khai thác cát, sỏi, đá xây dựng, đá ốp lát và một số vật liệu khác) xác định cơ cấu, tốc độ phát triển, mục tiêu quan điểm và chính sách quản lý, xây dựng kế hoạch phát triển năm 2009 và 2010, xác lập phương án phát triển đối với từng chủng loại vật liệu xây dựng trong giai đoạn 2011 đến 2020 và định hướng đến năm 2025. Đề xuất các giải pháp thực hiện trong việc huy động vốn đầu tư để phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái.
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu điều chỉnh
- Phạm vi nghiên cứu: Phạm vi nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch được giới hạn trên địa bàn tỉnh Yên Bái nhằm xác định các phương án đầu tư phát triển sản xuất vật liệu xây dựng trong tỉnh, các phương án cung cấp vật liệu xây dựng đối với thị trường trên toàn quốc và xuất khẩu ra nước ngoài, trước hết là cung ứng cho các tỉnh lân cận như: Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang… để mở rộng tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng.
- Đối tượng nghiên cứu: Tất cả các chủng loại vật liệu xây dựng, trong đó tập trung vào một số chủng loại như sau: vật liệu xi măng; vật liệu xây, lợp nung và không nung; khai thác cát, sỏi, đá xây dựng; vật liệu gốm xây dựng và các vật liệu trang trí hoàn thiện khác; gỗ công nghiệp phục vụ xây dựng; các chủng loại vật liệu mới, phục vụ xây dựng phát triển đô thị và nông thôn miền núi.
6. Nội dung điều chỉnh, bổ sung quy hoạch
Trên cơ sở số liệu điều tra, khảo soát các loại vật liệu xây dựng tại địa phương và nhu cầu thị trường, nghiên cứu xu hướng phát triển đảm bảo yêu cầu xây dựng và vệ sinh, thân thiện với môi trường.
a) Xi măng: Đến năm 2025 nhu cầu là 1,16 triệu tấn.
Trên cơ sở duy trì và phát huy công suất hai nhà máy xi măng ở huyện Yên Bình, tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một một số cơ sở sản xuất xi măng gắn liền với vùng nguyên liệu địa bàn tỉnh, mục tiêu đến năm 2020 sản phẩm xi măng đạt 4,0 triệu tấn.
b) Vật liệu xây: Đến năm 2025 nhu cầu gạch xây 430 triệu viên bao gồm vật liệu nung và vật liệu không nung. Tiếp tục duy trì sản xuất gạch nung ở các cơ sở còn đảm bảo được nguồn nguyên liệu hoặc gần vùng cung cấp nguyên liệu, đồng thời đẩy mạnh việc sản xuất các loại vật liệu xây không nung, phát triển các loại gạch có kích thước lớn, độ rỗng cao từ 50% trở lên để tiết kiệm nguyên liệu và nhiên liệu và đảm bảo về chất lượng theo tiêu chuẩn.
c) Vật liệu lợp: Đến năm 2025 nhu cầu là 2,4 triệu m2
Duy trì, đầu tư mở rộng nâng công suất các cơ sở sản xuất vật liệu lợp không nung tại thành phố Yên Bái, khuyến kính đầu tư các cơ sở sản xuất tại các huyện, thị còn lại, phát triển các loại ngói không nung có màu, sản xuất trên dây chuyền công nghệ, thiết bị trong nước và nước ngoài và loại tấm lợp kim loại, tấm lợp compasite, tấm lợp polycarbonate...
d) Cát xây dựng: Đến năm 2025 nhu cầu là 1,77 triệu m3
Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu cát xây dựng, tiếp tục duy trì các cơ sở khai thác cát xây dựng đã có theo quy hoạch, đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường sinh thái; đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất cát nghiền với công nghệ tiên tiến, công suất từ 50 nghìn tấn/năm trở lên để dần thay thế cát tự nhiên.
c) Đá, sỏi xây dựng: Đến năm 2025 nhu cầu là 2,4 triệu m3
Tiếp tục đầu tư cải tiến công nghệ khai thác đá xây dựng tại các cơ sở khai thác, chế biến đá xây dựng hiện có, nhằm giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
d) Bê tông xây dựng: Công nghệ xây lắp trong giai đoạn tới không sử dụng bê tông trộn thủ công trực tiếp tại công trường, để đảm bảo chất lượng bê tông và vệ sinh môi trường, làm chủ công nghệ xây dựng nhà cao tầng, các công trình xây dựng có quy mô và sử dụng khối lượng bê tông lớn, công trình ngầm, công trình có khẩu độ lớn, để đáp ứng nhu cầu sử dung khuyến khích phát triển một số cơ sở sản xuất bê tông tươi. Tiếp tục phát triển sản xuất bê tông cấu kiện đúc sẵn dự ứng lực đáp ứng cho nhu cầu xây dựng khu nhà cao tầng, giao thông và công nghiệp. Phát triển đa dạng các loại bê tông đặc biệt khác đáp ứng ngày càng cao trong xây dựng như: bê tông nhẹ, bê tông nhẹ cường độ cao, bê tông chịu nhiệt, bê tông cách âm, cách nhiệt, bê tông tự đầm, bê tông tự chèn.
đ) Gạch, đá ốp lát: Đến năm 2025 nhu cầu là 2,76 triệu m2
- Đầu tư công nghệ và thiết bị khai thác, chế biến đá hiện đại để khai thác và chế biến các loại sản phẩm từ đá cứng như granit, điorit, gabrro, bazan, gia công chế biến các loại sản phẩm đá đạt tiêu chuẩn chất lượng cao để xuất khẩu và sử dụng trong nước.
- Gạch lát bê tông: Tiếp tục duy trì các cơ sở sản xuất hiện có, đầu tư xây dựng, phát triển thêm các cơ sở sản xuất gạch ốp lát giả cổ, giả đá, giả gỗ, gạch mặt sần... với nhiều chủng loại và màu sắc khác nhau, đáp ứng nhu cầu và mở rộng phạm vi sử dụng đa dạng hơn.
e) Vật liệu ốp lát với những tính năng đặc biệt dùng ốp lát nội ngoại thất:
- Phát triển sản xuất các loại vật liệu ốp lát nội thất có khả năng ngăn ngừa sự ngưng tụ hơi nước, ngăn ngừa sự bám bẩn, có khả năng hút mùi hôi tạo không khí trong lành và đặc biệt là giảm thiểu các chất chất độc hại trong gạch (loại gạch này còn được gọi là gạch sinh thái).
- Phát triển sản xuất vật liệu ốp lát ngoại thất có bề mặt là những loại hợp chất có khả năng chống thấm cao, chống bám bẩn, có khả năng tự làm sạch ngăn ngừa sự phát triển của rêu mốc, bền màu.
- Phát triển sản xuất các loại ván gỗ công nghiệp để thay thế gỗ tự nhiên trong xây dựng như ván MDF, các loại ván ép có bề mặt được phủ sơn hoặc tráng các lớp để bảo vệ như nhựa, oxit nhôm… để chống trầy xước và tăng khả năng trang trí bề mặt.
- Phát triển sản xuất sàn nâng (sàn lắp ghép) phục vụ cho các công trình văn phòng và nhà công nghiệp. Đây là loại sàn rất thuận tiện cho việc lắp đặt, sửa chữa thay thế hệ thống đường điện, đường nước, đường khí..
g) Vật liệu composite: Trong thời gian tới khi ngành công nghiệp vật liệu xây dựng tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế thế giới các sản phẩm composite trên cơ sở vật liệu nền và cốt sợi khác nhau như hữu cơ, vô cơ, kim loại, sẽ có xu hướng phát triển, khuyến khích đầu tư xây dựng phát triển các cơ sở sản xuất vật liệu composite tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
h. Vật liệu cách âm, cách nhiệt: Phát triển sản xuất các loại vật liệu cách âm, cách nhiệt từ bông sợi khoáng thuỷ tinh, bông gốm và các loại vật liệu cách âm, cách nhiệt đi từ các nguyên liệu vô cơ và hữu cơ khác (cao su lưu hoá, vật liệu calcium silicate, vật liệu aluminumfoil và polyum foil).
7. Kinh phí thực hiện:
Kinh phí lập dự án điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch công nghiệp vật liệu xây dựng tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2006 – 2020, định hướng đến năm 2025 được Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái phê duyệt tại Quyết định số 1443/QĐ - UBND ngày 23/9/2008 của UBND tỉnh Yên Bái.
Nguồn vốn: Kinh phí lập dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước được Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái giao chỉ tiêu năm 2010.
Điều 2. Sở Xây dựng Yên Bái có trách nhiệm:
Quản lý quy hoạch, lập kế hoạch và phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các ngành hữu quan, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch được phê duyệt phù hợp với các giai đoạn phát triển năm 2010 - 2025.
Quản lý hồ sơ quy hoạch và bàn giao hồ sơ cho các cơ quan chức năng có liên quan; nghiệm thu, thanh quyết toán kinh phí điều tra, khảo sát và lập hồ sơ quy hoạch theo đúng trình tự xây dựng cơ bản hiện hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Xây dựng; Sở Tài chính; Sở Công thương; Sở Tài nguyên và Môi trường; Kho bạc Nhà nước tỉnh Yên Bái; Uỷ ban nhân dân các huyên, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Luật xây dựng 2003
- 3Nghị định 12/2009/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình
- 4Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009
- 5Nghị định 83/2009/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 12/2009/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình
- 6Quyết định 02/2008/QĐ-UBND về Quy định quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh Yên Bái do Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành
- 7Quyết định 475/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt dự án rà soát quy hoạch thủy lợi đến năm 2020 tỉnh Lâm Ðồng
Quyết định 09/2011/QĐ-UBND về phê duyệt dự án điều chỉnh Quy hoạch công nghiệp Vật liệu xây dựng tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 - 2020, định hướng đến năm 2025 do Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành
- Số hiệu: 09/2011/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 23/03/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái
- Người ký: Phạm Duy Cường
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 23/03/2011
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra