Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2020/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 10 tháng 02 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 49/2012/QĐ-UBND NGÀY 20/11/2012 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO, THU HÚT NGUỒN NHÂN LỰC VÀ CHÍNH SÁCH LUÂN CHUYỂN, ĐIỀU ĐỘNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CỦA TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

Căn cứ Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

Căn cứ Nghị quyết số 71/2019/NQ-HĐND ngày 25 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 49/2012/QĐ-UBND ngày 20/11/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định về chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực và chính sách luân chuyển, điều động cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Bình Thuận.

1. Sửa đổi Khoản 1, Khoản 2 Điều 1 như sau:

Điều 1. Đối tượng, điều kiện và thẩm quyền cử đi đào tạo sau đại học

1. Đối tượng đào tạo

Cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ, công chức cấp xã (sau đây gọi tắt là cán bộ, công chức, viên chức).

2. Điều kiện cử đi đào tạo

a) Đối với cán bộ, công chức

Có thời gian công tác từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) và 02 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu.

Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian gấp 03 lần thời gian đào tạo.

Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.

b) Đối với viên chức:

Đã kết thúc thời gian tập sự;

Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian gấp 03 lần thời gian đào tạo;

Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.

c) Cán bộ, công chức, viên chức không trong thời gian chấp hành kỷ luật từ khiển trách trở lên hoặc không đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử.

d) Cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng quy hoạch đào tạo của cơ quan, đơn vị và địa phương (theo kế hoạch đào tạo hàng năm do cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt).

đ) Cán bộ, công chức, viên chức đã được cử đi đào tạo và hoàn thành khóa học sau đại học, có nguyện vọng học tiếp lên bậc cao hơn phải có thời gian công tác ít nhất 24 tháng sau khi tốt nghiệp khóa học sau đại học lần đầu. Trường hợp thời gian công tác chưa đủ 24 tháng nhưng đề tài nghiên cứu ở bậc cao hơn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thì Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ xem xét, quyết định.

e) Cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định cử đi đào tạo sau đại học, có nguyện vọng không nhận hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, phải có cam kết bắt buộc thực hiện nhiệm vụ tại tỉnh sau khi hoàn thành khóa học sau đại học trong thời gian gấp 02 lần thời gian đào tạo”.

2. Sửa đổi Điều 4 như sau:

“Điều 4. Chế độ thanh toán

1. Nguồn kinh phí chi trả cho việc đào tạo sau đại học do ngân sách nhà nước cấp. Các cơ quan, đơn vị và địa phương có cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo sau đại học lập dự trù kinh phí và thanh quyết toán với cơ quan tài chính cùng cấp theo quy định.

Riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức được luân chuyển, điều động thì đơn vị, địa phương nơi cán bộ, công chức, viên chức được điều động, luân chuyển đến tiếp tục lập dự trù kinh phí và thanh quyết toán với cơ quan tài chính cùng cấp.

2. Cán bộ, công chức, viên chức khi được cử đi đào tạo sau đại học được thanh toán như sau:

a) Lần 1: Sau khi hoàn tất học kỳ 2 của năm học thứ nhất, được thanh toán 50% kinh phí hỗ trợ (tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 2 Quyết định này) theo mức lương cơ sở hiện hành tại thời điểm quyết định cử đi đào tạo có hiệu lực.

b) Lần 2: Phần còn lại được thanh toán ngay sau khi được cấp Bằng tốt nghiệp tương ứng với mức lương cơ sở hiện hành tại thời điểm thanh toán lần 2.

c) Tiền học phí: Được thanh toán 100% tiền học phí theo biên lai thu học phí của cơ sở đào tạo do Bộ Tài chính quy định. Trường hợp cơ sở đào tạo thu học phí không theo biên lai do Bộ Tài chính quy định thì được thanh toán tiền học phí theo thực tế không vượt quá khung quy định của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

3. Sửa đổi Điều 5 như sau:

“Điều 5. Đối tượng, điều kiện và thẩm quyền cử đi đào tạo đại học

1. Đối tượng, điều kiện cử đi đào tạo: Thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Trường hợp các lớp đào tạo đại học do Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện theo kế hoạch, đề án, chương trình thì đối tượng cử đi đào tạo do Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

2. Thẩm quyền cử đi đào tạo

Thường trực huyện ủy (thị ủy, thành ủy) ban hành quyết định cử đi đào tạo đại học đối với cán bộ, công chức các cơ quan thuộc khối Đảng, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cử đi đào tạo đại học đối với cán bộ, công chức khối Nhà nước.

4. Sửa đổi Điều 7 như sau:

Điều 7. Chế độ thanh toán

1. Đối với kinh phí hỗ trợ tiền tài liệu, tiền ăn, tiền tàu xe và tiền thuê chỗ nghỉ: Địa phương có cán bộ, công chức cấp xã đi đào tạo đại học chi trả từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn kinh phí khác của địa phương. Định mức chi do địa phương quyết định và được quy định cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ để thực hiện.

2. Đối với kinh phí hỗ trợ chế độ khuyến khích cho cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số: Địa phương có cán bộ, công chức cấp xã đi đào tạo chi trả từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của đơn vị và địa phương theo quy định.

3. Đối với học phí:

a) Cán bộ, công chức cấp xã tham gia các lớp do tỉnh mở theo chương trình, kế hoạch, đề án: Chi trả từ nguồn kinh phí đào tạo của tỉnh cấp cho các cơ sở đào tạo.

b) Cán bộ, công chức cấp xã tham gia các lớp không do tỉnh mở theo chương trình, kế hoạch, đề án: Địa phương có cán bộ, công chức cấp xã đi đào tạo chi trả từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn kinh phí khác của địa phương”.

5. Sửa đổi Điều 10 như sau:

Điều 10. Chế độ thanh toán

1. Đối với kinh phí hỗ trợ tiền tài liệu, tiền ăn, tiền tàu xe và tiền thuê chỗ nghỉ: Cơ quan, đơn vị, địa phương có cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo chi trả từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn kinh phí khác của cơ quan, đơn vị và địa phương. Định mức chi do cơ quan, đơn vị, địa phương quyết định và được quy định cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ để thực hiện.

2. Đối với kinh phí hỗ trợ chế độ khuyến khích cho cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số: Cơ quan, đơn vị và địa phương có cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo chi trả từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị và địa phương theo quy định.

3. Đối với học phí:

a) Cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp do tỉnh mở theo kế hoạch: Chi trả từ nguồn kinh phí đào tạo của tỉnh cấp cho các cơ sở đào tạo.

b) Cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp không do tỉnh mở theo kế hoạch: Cơ quan, đơn vị và địa phương có cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo chi trả từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn kinh phí khác của cơ quan, đơn vị và địa phương.

6. Sửa đổi Điều 15 như sau:

Điều 15. Các trường hợp phải đền bù chi phí đào tạo: Thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ”.

7. Sửa đổi Điều 16 như sau:

Điều 16. Chi phí đền bù và cách tính chi phí đền bù

1. Chi phí đền bù và cách tính chi phí đền bù đối với học phí, hỗ trợ sinh hoạt và chi phí hỗ trợ theo chính sách bình đẳng giới và công tác dân tộc: Thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ.

2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức được tiếp tục cử đi học ở bậc cao hơn sau khi hoàn thành khóa học sau đại học lần đầu thì cách tính tổng kinh phí đền bù được thực hiện cụ thể theo quy định đền bù của từng khóa học.

3. Đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, có nguyện vọng không nhận hỗ trợ (học phí, hỗ trợ sinh hoạt, chi phí hỗ trợ theo chính sách bình đẳng giới và công tác dân tộc) từ ngân sách tỉnh, thực hiện nhiệm vụ không đúng theo thời gian cam kết bắt buộc thì không đền bù kinh phí nhưng cơ quan, đơn vị chủ quản bổ sung nội dung cán bộ, công chức, viên chức không chấp hành đúng cam kết khi cử đi đào tạo vào lý lịch cá nhân trước khi giải quyết các thủ tục chuyển công tác, thôi việc, nghỉ việc”.

8. Bổ sung Điều 16a như sau:

Điều 16a. Điều kiện được tính giảm chi phí đền bù đối với học phí và chi phí hỗ trợ theo chính sách bình đẳng giới và công tác dân tộc: Thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ”.

9. Bổ sung Điều 16b như sau:

Điều 16b. Điều kiện ràng buộc

1. Việc thực hiện đền bù kinh phí đào tạo phải do Hội đồng xét đền bù tư vấn thực hiện. Chức năng nhiệm vụ của Hội đồng xét đền bù được thực hiện theo quy định hiện hành.

2. Không giải quyết cho cán bộ, công chức, viên chức chuyển công tác ra ngoài tỉnh hoặc giải quyết chế độ thôi việc, nghỉ việc khi cán bộ, công chức, viên chức chưa thực hiện xong việc đền bù kinh phí đào tạo tại Quy định này”.

10. Sửa đổi Điều 18 như sau:

“Điều 18. Điều khoản chuyển tiếp

1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức được hưởng chế độ, chính sách đào tạo theo quy định tại Quyết định số 49/2012/QĐ-UBND có bằng tốt nghiệp trước ngày quyết định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách đào tạo theo quy định tại Quyết định số 49/2012/QĐ-UBND. Những trường hợp có bằng tốt nghiệp kể từ ngày quyết định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện các chế độ, chính sách theo quyết định này.

2. Các nội dung khác không thực hiện sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quyết định số 49/2012/QĐ-UBND”.

11. Bổ sung Điều 18a như sau:

Điều 18a. Vận dụng chính sách đối với các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh

1. Các cơ quan Trung ương quản lý đóng trên địa bàn tỉnh, các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên được vận dụng quy định này để giải quyết các chế độ, chính sách có liên quan đối với đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của đơn vị.

2. Các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tỉnh được vận dụng thanh toán theo nội dung quy định chính sách này và được phép hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của công ty nhưng phải được xây dựng trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2020. Các chế độ khuyến khích, chi hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức là nữ hoặc là người dân tộc thiểu số được cử đi đào tạo theo các chính sách, chế độ quy định của pháp luật về bình đẳng giới và công tác dân tộc được quy định tại Quyết định số 49/2012/QĐ-UBND được bãi bỏ và thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 71/2019/NQ-HĐND ngày 25/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nội Vụ;
- Bộ Tư pháp;
- Cục Kiểm tra văn bản
- Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Mặt trận và các Đoàn thể tỉnh;
- Các Ban thuộc Tỉnh ủy;
- Các Ban thuộc HĐND tỉnh;
- Cơ quan thuộc UBND tỉnh;
- Báo, Đài PTTH Bình Thuận;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các Công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
- Các doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
- Trung tâm thông tin tỉnh;
- Lưu: VT, TH, KGVXNV. Bích.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hai

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 08/2020/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 49/2012/QĐ-UBND Quy định về chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực và chính sách luân chuyển, điều động cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Bình Thuận

  • Số hiệu: 08/2020/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/02/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Hai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/02/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản