Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2013/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 08 tháng 5 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC: BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CẤP VỀ LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT, QUẢN LÝ QUY HOẠCH XÂY DỰNG, QUY HOẠCH ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11năm 2003; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản ngày 19 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15 ngày 10 năm 2009 của Chính Phủ về sửa đổi bổ sung một điều Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị;

Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế;

Căn cứ Thông tư 07/2008/ TT-BXD ngày 07 tháng 4 năm 2008 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Thông tư 19/2008/TT-BXD ngày 20 ngày 20 tháng 11 năm 2008 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế;

Căn cứ Thông tư 09/2010/ TT-BXD ngày 04 tháng 8 năm 2010 của Bộ Xây dựng quy định việc lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng xã nông thôn;

Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 02/TTr-SXD ngày 11/01/2013 về việc Ban hành quy định phân cấp về lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh Yên Bái,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân cấp về lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 QĐ;
- Bộ Xây dựng;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT.UBND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Sở Tư Pháp (tự kiểm tra Vb);
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Cổng thông tin Điện tử tỉnh Yên Bái;
- Phó VP.UBND tỉnh (TH, TNMT);
- Lưu: VT, XD, TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
 CHỦ TỊCH




Phạm Duy Cường

 

QUY ĐỊNH

VỀ PHÂN CẤP VỀ LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT, QUẢN LÝ QUY HOẠCH XÂY DỰNG, QUY HOẠCH ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2013/QĐ-UBND ngày 08 /5/2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định một số nội dung cụ thể về phân cấp lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

2. Đối tượng áp dụng

Các tổ chức cá nhân có liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh Yên Bái tuân theo quy định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện

1. Quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được lập theo trình tự từ quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, đến quy hoạch chi tiết. Đồ án quy hoạch chi tiết phải phù hợp với quy hoạch phân khu, quy hoạch chung, quy hoạch vùng và các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồ án quy hoạch chi tiết trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn phải phù hợp đồ án quy hoạch xã nông thôn mới.

2. Cấp có thẩm quyền phê duyệt loại quy hoạch xây dựng nào thì có trách nhiệm xem xét phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng đó, đồng thời có trách nhiệm rà soát quy hoạch theo định kỳ.

3. Các khu vực nằm trong định hướng, quy hoạch phát triển đô thị, khu kinh tế, khu du lịch, khu công nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì các hoạt động về quy hoạch xây dựng (bao gồm lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch) được thực hiện theo các quy định về quy hoạch đô thị, khu kinh tế, khu du lịch, khu công nghiệp.

4. Trình tự, thủ tục, nội dung, thời hạn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, quản lý quy hoạch được thực hiện theo quy định hiện hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 3. Kinh phí phục vụ cho công tác lập quy hoạch xây dựng

Kinh phí phục vụ cho công tác lập quy hoạch xây dựng thực hiện theo quy định tại ‘khoản 2, Điều 11 Luật Xây dựng, Điều 12 Luật Quy hoạch đô thị, Điều 42 Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng, Điều 4 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính Phủ về lập thẩm định phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó:

- Kinh phí phục vụ cho công tác quy hoạch xây dựng từ ngân sách nhà nước, được cân đối từ nguồn sự nghiệp kinh tế, vốn đầu tư phát triển hàng năm của ngân sách tỉnh, thành phố, các huyện, các xã, phường, thị trấn; các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu Quốc gia và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác tùy theo từng dự án quy hoạch cụ thể.

- Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm cân đối kế hoạch vốn và kinh phí hàng năm đối với các đồ án quy hoạch vùng tỉnh; vùng liên huyện; quy hoạch chung xây dựng thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp, khu du lịch; các đồ án xây dựng do Sở Xây dựng, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tổ chức lập theo chủ trương của UBND tỉnh. UBND thành phố Yên Bái, UBND thị xã Nghĩa Lộ và UBND các huyện lập cân đối kế hoạch kinh phí hàng năm đối với các đồ án quy hoạch xây dựng do mình tổ chức lập và các đồ án quy hoạch do UBND các xã, phường, thị trấn lập. Khuyến khích các xã, phường, thị trấn tự cân đối kinh phí, huy động mọi nguồn lực để lập quy hoạch xây dựng.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Phân cấp về tổ chức lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị

1. Sở Xây dựng tổ chức lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên cơ sở chủ trương thống nhất của UBND tỉnh đối với các loại quy hoạch sau:

a. Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng liên huyện, các dự án quy hoạch có phạm vi liên quan đến địa giới hành chính của 2 huyện trở lên;

b. Quy hoạch chung khu công nghiệp; khu đô thị mới; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị mới, khu nhà ở thương mại; quy hoạch xây dựng các khu chức năng khác ngoài đô thị (khu du lịch, khu di sản, bảo tồn di tích, giáo dục đào tạo, y tế …) trên địa bàn tỉnh;

c. Quy hoạch chi tiết các trục đường có bề rộng nền đường từ 15m trở lên; Quy hoạch các khu chức năng, các dự án đầu tư xây dựng có vị trí tiếp giáp với các trục đường có bề rộng nền đường từ 15m trở lên trong các khu vực có ý nghĩa quan trọng tại các đô thị (bao gồm: Khu vực thuộc các xã, phường thuộc địa bàn thành phố Yên Bái; khu vực các phường trung tâm thị xã Nghĩa Lộ; các khu vực trong đô thị mới trên địa bàn tỉnh)

d. Các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khác khi được UBND tỉnh giao.

2. Ban Quản lý các khu công nghiệp Yên Bái tổ chức lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

3. UBND thành phố Yên Bái và UBND thị xã Nghĩa Lộ tổ chức lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu dân cư đô thị, các khu dân cư, các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn mình quản lý, trừ quy hoạch đô thị quy định tại các khoản 1 và khoản 2 Điều này;

4. Ủy ban nhân dân các huyện tổ chức lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng thị trấn, các điểm dân cư tập trung và các quy hoạch xây dựng có phạm vi quy hoạch liên quan đến địa giới hành chính từ 2 xã trở lên trong phạm vi do mình quản lý, quy hoạch các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, trừ quy hoạch đô thị quy định tại các khoản 1 và khoản 2 Điều này;

5. UBND cấp xã tổ chức lập quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới; quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn và các công trình phục vụ sản xuất trên địa bàn xã.

6. Chủ đầu tư các dự án tổ chức lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xây dựng trong phạm vi thực hiện dự án đã được cấp có thẩm quyền giao.

Điều 5. Phân cấp phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch

1. UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đối với các loại quy hoạch sau:

a. Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh (sau khi được hội đồng nhân dân tỉnh quyết định), vùng huyện, vùng liên huyện (các dự án quy hoạch có phạm vi liên quan đến địa giới hành chính của 2 huyện trở lên);

b. Quy hoạch chung xây dựng đô thị loại II; III; IV (sau khi được hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định và có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng), Quy hoạch chung xây dựng đô thị loại V, quy hoạch phân khu có tính chất quan trọng (khu trung tâm tỉnh lỵ, dự án quy hoạch có liên quan đến địa giới hành chính 2 huyện, thị, thành phố trở lên) tại các đô thị trên địa bàn toàn tỉnh;

c. Quy hoạch chi tiết các trục đường có bề rộng nền đường từ 15 m trở lên; Quy hoạch các khu chức năng, các dự án đầu tư xây dựng có vị trí tiếp giáp với các trục đường có bề rộng nền đường từ 15 m trở lên trong các khu vực có ý nghĩa quan trọng tại các đô thị (bao gồm: Khu vực thuộc các xã, phường thuộc địa bàn thành phố Yên Bái; khu vực các phường thuộc thị xã Nghĩa Lộ; các khu vực trong đô thị mới trên địa bàn tỉnh);

d. Quy hoạch chung đô thị mới có quy mô tương đương đô thị loại IV, V (sau khi được hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định và có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng); quy hoạch chi tiết xây dựng các khu đô thị mới, khu công nghiệp, các khu chức năng khác ngoài đô thị (khu du lịch, khu di sản, di tích được xếp hạng, an ninh quốc phòng, giáo dục đào tạo, y tế, cụm công nghiệp …)

e. Đồ án quy hoạch xây dựng các phường trên địa bàn thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa lộ.

2. Ủy ban nhân dân thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đối với các loại quy hoạch sau:

a. Quy hoạch chi tiết các khu chức năng, quy hoạch chi tiết các dự án đầu tư xây dựng có vị trí tiếp giáp với các trục đường có bề rộng nền đường rộng dưới 15m sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Xây dựng;

b. Quy hoạch phân khu thuộc địa bàn thành phố, quy hoạch có phạm vi liên quan đến địa giới hành chính của 2 xã trở lên sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Xây dựng;

c. Quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các xã do mình quản lý

d. Các đồ án khác trừ các đồ án thuộc Khoản 1, Điều 5 Quyết định này.

3. Ủy ban nhân dân các huyện phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xây dựng sau:

a. Quy hoạch chi tiết tại các thị trấn sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Xây dựng;

b. Quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới;

c. Quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn, quy hoạch chi tiết xây dựng công trình riêng lẽ phục vụ sản xuất, kinh doanh trên phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.

d. Quy hoạch xây dựng có phạm vi quy hoạch liên quan đến địa giới hành chính của hai xã trở lên trong phạm vi do mình quản lý (trừ các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch nêu tại khoản 1 Điều này);

Điều 6. Thẩm định quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị

1. Sở Xây dựng thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh.

2. Phòng Quản lý đô thị của thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND thành phố Yên Bái và UBND thị xã Nghĩa Lộ.

3. Phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND các huyện.

Điều 7. Công bố quy hoạch:

1. Thời hạn, nội dung, hình thức công bố quy hoạch: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được phê duyệt, đồ án quy hoạch phải được tổ chức công bố công khai rộng rãi. Hình thức công bố quy hoạch, nội dung công bố thực hiện theo các quy định tại Điều 32, Luật Xây dựng, Điều 53 Luật Quy hoạch đô thị, Điều 38, 39 Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng, Phần 7 Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 7/4/2008 của Bộ Xây dựng về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng, Phần 3 Thông tư số 19/2008/TT-BXD ngày 20/11/2008 của Bộ Xây dựng về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế.

2. Trách nhiệm công bố quy hoạch:

- Ủy ban nhân dân tỉnh (trong vùng quy hoạch) tổ chức công bố quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ (sau khi có hướng dẫn của Bộ Xây dựng);

- Ủy ban nhân dân các cấp nơi có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng được duyệt chủ trì, phối hợp với cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng công bố công khai quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 8. Cắm mốc quy hoạch:

1. Công tác cắm mốc quy hoạch được thực hiện theo quy định tại Điều 57 Luật Quy hoạch đô thị; Khoản 3 điều 32 Luật Quy hoạch xây dựng, Điều 40 Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005.

Sau khi đồ án quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổ chức lập, phê duyệt hồ sơ cắm mốc và tổ chức cắm mốc giới quy hoạch theo các quy định hiện hành của nhà nước về cắm mốc quy hoạch.

2. Căn cứ vào hồ sơ cắm mốc giới được phê duyệt việc cắm mốc giới ngoài thực địa bao gồm: Chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng, ranh giới khu vực cấm xây dựng ngoài. Chậm nhất 45 ngày kể từ ngày hồ sơ cắm mốc được phê duyệt thì việc cắm mốc giới phải được hoàn thành.

3. Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND xã, phường, thị trấn trong việc tổ chức thực hiện cắm mốc giới:

a. Tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch được phê duyệt.

b. Kiểm tra cắm mốc giới ngoài thực địa trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý của mình theo hồ sơ cắm mốc giới được phê duyệt.

c. Tổ chức nghiệm thu và bàn giao cho chính quyền xã, phường, thị trấn có liên quan để tổ chức bảo vệ sau khi hoàn thành cắm mốc giới ngoài thực địa.

d. Hàng năm phối hợp, chỉ đạo với chính quyền các xã, phường, thị trấn có liên quan để tổ chức kiểm tra, bổ sung, khôi phục các mốc giới bị mất hoặc sai lệch so với hồ sơ cắm mốc giới được phê duyệt.

Điều 9. Cung cấp thông tin về quy hoạch, cấp chứng chỉ quy hoạch

Sở Xây dựng, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm cung cấp thông tin quy hoạch, chứng chỉ quy hoạch và các thông tin khác có liên quan cho các tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu trong phạm vi đồ án quy hoạch xây dựng do mình quản lý.

Thời gian cung cấp thông tin quy hoạch khi có yêu cầu bằng văn bản tối đa là 20 ngày làm việc, kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu.

Điều 10. Điều chỉnh quy hoạch:

1. Quy hoạch đô thị phải được định kỳ xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Thời hạn rà soát định kỳ đối với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu là 5 năm, quy hoạch chi tiết là 3 năm, kể từ ngày quy hoạch đô thị được phê duyệt.

2. Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thành phố có trách nhiệm rà soát quy hoạch đô thị đã được phê duyệt trong quá trình triển khai theo phân cấp để điiều chỉnh cho phù hợp.

Việc điều chỉnh quy hoạch tuân thủ theo các quy định tại Điều 46. 47, 48, 49, 50, 51 của Luật Quy hoạch.

3. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đô thị có tránh nhiệm xem xét, quyết định việc điều chỉnh quy hoạch trên cơ sở ý kiến của cơ quan thẩm định quy hoạch đô thị theo phân cấp tương ứng.

Chương 3

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm kiện toàn bộ máy, tổ chức thực hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị theo phân công, phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh và các quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 12. Xử lý vi phạm.

1. Trong quá trình triển khai thực hiện các hành vi vi phạm đều bị xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.

2. Tuỳ theo mức độ thiệt hại của hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Tổ chức thực hiện.

Sở Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và tổng hợp tình hình thực hiện việc phân cấp đối với công tác lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, giới thiệu địa điểm xây dựng để báo cáo UBND tỉnh định kỳ 6 tháng một lần.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc cần điều chỉnh các tổ chức, cá nhân gửi ý kiến bằng văn bản về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.