Hệ thống pháp luật

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
UBND QUẬN PHÚ NHUẬN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2010/QĐ-UBND

Phú Nhuận, ngày 18 tháng 10 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ NGƯỜI CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT CẢI TẠO KHÔNG GIAM GIỮ, NGƯỜI CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT TÙ CHO HƯỞNG ÁN TREO TẠI PHƯỜNG

ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN PHÚ NHUẬN

Căn cứ Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2004;

Căn cứ Bộ Luật hình sự năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009;

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 60/2000/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2000 về quy định việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ;

Căn cứ Nghị định số 61/2000/NĐ-CP quy định việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo;

Căn cứ Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội;

Xét biên bản cuộc họp liên ngành của Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận, Viện kiểm sát nhân dân quận, Tòa án nhân dân quận, ngày 05 tháng 10 năm 2010;

Xét đề nghị của Trưởng phòng Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quy chế phối hợp quản lý người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, người chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo tại phường

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 7 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân quận, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Công an quận, Thủ trưởng các phòng ban chuyên môn thuộc quận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 15 phường chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Sở Tư pháp (Phòng KTVB);
- TT/Quận ủy;
- Các PCT;
- VKSND quận (để phối hợp);
- TAND quận (để phối hợp);
- Cục THA quận (đ phối hợp);
- Như điều 3;
- VP UBND quận;
- Lưu.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN
CHỦ TỊCH




Phạm Công Nghĩa

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP QUẢN LÝ NGƯỜI CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT CẢI TẠO KHÔNG GIAM GIỮ, NGƯỜI CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT TÙ CHO HƯỞNG ÁN TREO TẠI PHƯỜNG.
(Ban hành kèm theo quyết định số 08/2010/QĐ-UBND ngày 18/10/2010 của Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định mối quan hệ phối hợp giữa Ủy ban nhân dân 15 phường thuộc quận với cơ quan Công an, Tòa án nhân dân quận và Viện kiểm sát nhân dân quận trong việc quản lý người chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo hoặc người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ (gọi tắt là người bị án) cư ngụ trên địa bàn quận.

Đối với người chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo hoặc người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ là cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị quân đội, cơ sở giáo dục, đào tạo thì do các cơ quan, đơn vị đó tiếp nhận, quản lý.

Điều 2. Người bị án được tiếp nhận gồm:

Người chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo, người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, theo quy định tại Điều 31, 60 Bộ Luật Hình sự và Nghị định số 60, 61/2000/NĐ-CP của Chính phủ, cư ngụ trên địa bàn quận cho đến trước ngày bị tạm giam, tạm giữ hoặc cho đến ngày nhận được quyết định thi hành bản án.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp.

1. Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa.

2. Bảo đảm bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành.

3. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, các cơ quan Nhà nước, Ủy ban nhân dân phường phải phối hợp với nhau, đảm bảo thi hành bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

4. Các cơ quan Nhà nước, Ủy ban nhân dân phường có trách nhiệm tạo điều kiện và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án trong việc thi hành án.

Chương II

TIẾP NHẬN VÀ QUẢN LÝ NGƯỜI BỊ ÁN

Điều 4. Chuẩn bị tiếp nhận người bị án

Toà án nhân dân cấp quận gửi quyết định thi hành bản án và trích lục bản án cho Ủy ban nhân dân phường nơi người bị án cư trú. Việc giao, nhận quyết định thi hành bản án và trích lục bản án phải lập thành biên bản, có chữ ký của đại diện cơ quan giao và nhận hồ sơ.

Ủy ban nhân dân phường ban hành quyết định phân công người giám sát trực tiếp người bị án kèm thông báo gửi Công an phường, Ban điều hành Khu phố, Tổ dân phố việc chuẩn bị tiếp nhận người bị án. Trường hợp người bị án đã chuyển đi nơi khác nhưng vẫn còn hộ khẩu thường trú cho đến ngày tiếp nhận quyết định thi hành bản án, thì Ủy ban nhân dân phường, Công an phường xác minh cụ thể địa chỉ nơi cư trú mới trong thời hạn 7 (bảy) ngày và thông báo cho Tòa án nhân dân cấp quận bằng văn bản để đảm bảo việc quản lý người bị án, thi hành bản án.

Điều 5. Tiếp nhận người bị án

Người bị án đến trình diện tại Ủy ban nhân dân phường nơi cư trú trong thời hạn 7 (bảy) ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành bản án.

Điều 6. Quá trình thực hiện việc kiểm tra, giám sát, giáo dục người bị án.

1. Ủy ban nhân dân phường nơi người bị án cư trú:

a) Ban hành quyết định phân công người giám sát trực tiếp đối với từng người bị án trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành bản án và trích lục bản án do Tòa án nhân dân quận gửi.

b) Phối hợp với các các Ban ngành đoàn thể tại địa phương và gia đình người bị án trong việc giáo dục, cảm hoá và giúp họ sửa chữa lỗi lầm.

c) Cho phép người bị án đi khỏi nơi cư trú trên 30 ngày.

d) Xem xét hoặc theo đề nghị của người bị kết án đề nghị Toà án cấp quận hoặc Toà án quân sự khu vực nơi người đó đang chấp hành hình phạt xem xét việc giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt còn lại (Đối với người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ là 1/3 thời gian và 1/2 thời gian thử thách đối với người hưởng án treo. Riêng người chưa thành niên chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ thì khi đã chấp hành được 1/4 thời gian được xem xét giảm hình phạt), đính kèm hồ sơ đề nghị theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 60/2000/NĐ-CP và 61/2000/NĐ-CP.

e) Nhận xét bằng văn bản và ghi vào Sổ theo dõi về quá trình chấp hành hình phạt của người bị án khi người đó chuyển đi nơi khác.

2. Cảnh sát khu vực và Tổ trưởng Tổ dân phố:

Phối hợp với Ủy ban nhân dân phường nơi người bị án cư trú, các ban ngành đoàn thể và người trực tiếp giám sát trong việc theo dõi, giám sát và giáo dục người bị án.

Điều 7. Hồ sơ theo dõi việc chấp hành hình phạt của người bị án gồm:

1. Sổ theo dõi do Toà án cấp;

2. Trích lục bản án và quyết định thi hành án của Toà án;

3. Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường nơi người bị án cư trú về việc phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục người bị án;

4. Bản cam kết của người bị án và bản cam kết của gia đình nếu người bị kết án là người chưa thành niên;

5. Bản báo cáo của người bị án với người trực tiếp giám sát, giáo dục về tình hình rèn luyện, tu dưỡng của mình;

6. Bản báo cáo của người trực tiếp giám sát, giáo dục về tình hình chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ của người bị án;

7. Bản tự kiểm điểm của người bị án;

8. Biên bản cuộc họp kiểm điểm người bị án;

9. Bản nhận xét của người trực tiếp giám sát, giáo dục về quá trình chấp hành hình phạt của người bị án;

10. Quyết định của Toà án giảm thời gian chấp hành hình phạt (nếu có);

11. Giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt;

12. Các tài liệu khác liên quan đến việc giám sát, giáo dục người bị án.

Điều 8. Hồ sơ xét đề nghị rút ngắn thời gian thử thách; xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt của người bị án gồm có:

1. Bản đề nghị của Ủy ban nhân dân phường giám sát, giáo dục về việc xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành phần hình phạt còn lại cho người bị kết án;

2. Sổ theo dõi người bị kết án;

3. Trích lục bản án và quyết định thi hành án của Toà án;

4. Đơn xin rút ngắn thời gian thử thách của người bị án (nếu họ có đề nghị);

5. Bản tự kiểm điểm của người bị kết án;

6. Biên bản cuộc họp kiểm điểm người bị kết án.

Điều 9. Kết thúc việc quản lý người bị án.

1. Khi người bị án chấp hành xong hình phạt, người trực tiếp giám sát, giáo dục có trách nhiệm giao hồ sơ quy định tại Điều 7 cho các cơ quan, tổ chức sau đây quản lý:

a) Ủy ban nhân dân phường nơi người đó cư trú, nếu người bị án không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định 60/2000/NĐ-CP và 61/2000/NĐ-CP, Tòa án nhân dân quận, Sở Tư pháp, Sở Công an, Sở Ngoại vụ và các cơ quan có liên quan;

b) Bộ phận quản lý nhân sự của cơ quan, tổ chức, đơn vị quân đội, cơ sở giáo dục, đào tạo trực tiếp quản lý người bị kết án là cán bộ, công chức, quân nhân, công nhân quốc phòng, người lao động làm công ăn lương, người đang học tập tại các cơ sở giáo dục, đào tạo;

2. Khi hết thời hạn chấp hành hình phạt, Ủy ban nhân dân phường nơi người bị án cư trú cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt cho người bị án và gửi cho Tòa án biết để lên hồ sơ vụ án.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, TỔ CHỨC VÀ GIA ĐÌNH NGƯỜI BỊ ÁN TRONG VIỆC QUẢN LÝ NGƯỜI BỊ ÁN

Điều 10. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân quận

1. Chuyển giao kịp thời, đầy đủ quyết định thi hành bản án và trích lục bản án cho Ủy ban nhân dân phường, Viện kiểm sát nhân dân cấp quận và người bị án theo đúng thời gian quy định của pháp luật.

2. Xét rút ngắn thời gian thử thách theo quy định tại khoản 4 Điều 60 của Bộ Luật Hình sự; xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại các điều 58, 59 và 76 Bộ Luật Hình sự.

3. Cấp bản án, Quyết định thi hành án, sổ theo dõi cho người bị án.

4. Đảm bảo chuyển quyết định thi hành bản án và trích lục bản án kịp thời cho Tòa án khác khi bị án không cư trú trên địa bàn quận.

Điều 11. Trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân quận

Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật

Kiểm sát việc giám sát, giáo dục người bị án của Ủy ban nhân dân phường.

Điều 12. Trách nhiệm của Ban chỉ huy Công an quận

Chỉ đạo các Ban, Đội nghiệp vụ trực thuộc Công an quận và Ban chỉ huy Công an 15 phường thuộc quận phân công cán bộ, chiến sĩ có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, nhằm đảm bảo công tác thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường hoặc yêu cầu Trưởng Công an phường xử phạt vi phạm hành chính đối với những người bị án vi phạm điểm c, khoản 2, Điều 17 Nghị định 73/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều 13. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường

1. Giám sát, giáo dục người bị án theo quy định tại Điều 264 của Bộ Luật Tố tụng hình sự;

2. Phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục người bị án;

3. Tổ chức cuộc họp để người bị án kiểm điểm, làm cơ sở cho việc nhận xét, đánh giá quá trình chấp hành hình phạt của người đó khi cho phép người bị án được vắng mặt ở nơi cư trú hoặc khi cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt.

4. Lập Hồ sơ theo dõi người bị án theo quy định tại Điều 10 Nghị định 60/2000/NĐ-CP và 61/2000/NĐ-CP; Ủy ban nhân dân phường ghi chép vào Sổ theo dõi người bị án theo quy định tại Nghị định số 60, 61/2000/NĐ-CP.

5. Cấp Giấy chứng nhn đã chấp hành xong hình phạt cho người bị án.

6. Ủy ban nhân dân phường nơi người bị án cư trú gửi bản sao Giấy chng nhận đã chấp hành xong hình phạt cho Toá án nhân dân quận, cơ quan thi hành án cùng cấp và các cơ quan có liên quan.

Điều 14. Trách nhiệm của Trưởng công an phường.

Phân công cảnh sát khu vực cùng phối hợp với người trực tiếp giám sát người bị án trong việc quản lý, giám sát và giáo dục người bị án.

Thông báo kịp thời cho người giám sát trực tiếp người bị án và Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường về thời gian vắng mặt, nơi đến tạm trú, khi người bị án đi khỏi nơi cư trú qua đêm hoặc đi khỏi nơi cư trú trên 30 ngày.

Điều 15. Trách nhiệm của các ban ngành đoàn thể địa phương

Phối hợp Ủy ban nhân dân phường, Công an phường, cảnh sát khu vực nơi người bị án cư trú và người trực tiếp giám sát người bị án trong việc giám sát, theo dõi, giáo dục, giúp đỡ người bị án lao động, học tập tại cộng đồng và chứng tỏ sự hối cải, hoàn lương của mình ngay trong môi trường xã hội bình thường.

Điều 16. Trách nhiệm của người trực tiếp giám sát, giáo dục người bị án

1. Chủ động gặp gỡ người bị án để tìm hiểu nguyên nhân, hoàn cảnh khi phạm tội, tâm tư nguyện vọng của người đó và giải thích, hướng dẫn người đó chấp hành tốt các nghĩa vụ của mình;

2. Ba tháng một lần báo cáo với Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường về tình hình chấp hành hình phạt của người bị án, trừ trường hợp đột xuất hoặc Ủy ban nhân dân phường yêu cầu;

3. Khi người bị án đã đủ điều kiện xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Bộ Luật Hình sự, thì báo cáo với Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường để đề nghị Toà án xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt; trong trường hợp người đó đã chấp hành xong hình phạt thì đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt cho người bị án;

4. Đề xuất các biện pháp phối hợp cụ thể với gia đình người bị án, với các tổ chức xã hội nơi người đó chấp hành hình phạt trong việc giám sát, giáo dục người đó;

5. Phối hợp với cảnh sát khu vực, công an phường hoặc Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng Ban điều hành Khu phố nơi người bị án cư trú trong việc giám sát, giáo dục người đó;

6. Hàng tháng ghi nhận xét về tình hình tu dưỡng, rèn luyện của người bị án vào sổ theo dõi;

7. Lập hồ sơ theo dõi việc chấp hành hình phạt của người bị án.

Điều 17. Trách nhiệm của gia đình người bị án

1. Luôn quan tâm, gần gũi và có biện pháp cụ thể giúp đỡ người bị án sửa chữa lỗi lầm của mình, không vi phạm pháp luật; nhắc nhở, uốn nắn kịp thời khi người đó có hành vi sai trái;

2. Phối hợp chặt chẽ với người trực tiếp giám sát, giáo dục người bị án trong việc quản lý, giáo dục người đó; trong trường hợp người bị án là người chưa thành niên, thì gia đình của người đó phải có bản cam kết với cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục;

3. Thực hiện việc bồi thường thiệt hại do người bị án là người chưa thành niên gây ra. Đối với người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì chỉ bồi thường khi người đó không có đủ tài sản để bồi thường;

4. Thông báo cho cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục người bị án về kết quả rèn luyện, tu dưỡng của người đó khi có yêu cầu;

5. Tham dự các cuộc họp kiểm điểm người bị án.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Kiểm tra, giám sát

Hàng năm Ủy ban nhân dân quận, Viện Kiểm sát nhân dân quận, Tòa án nhân dân quận sẽ thành lập đoàn kiểm tra việc quản lý hồ sơ, theo dõi giáo dục người bị án đối với Ủy ban nhân dân phường trong quá trình thực hiện quy chế này, thời gian kiểm tra vào quý III hàng năm.

Điều 19. Hiệu lực thi hành

Ủy ban nhân dân quận, Viện kiểm sát nhân dân quận, Tòa án nhân dân quận cam kết cùng thực hiện Quy chế này.

Quy chế này có hiệu lực thi hành sau khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận ký quyết định ban hành.

Điều 20. Sửa đổi, bổ sung, thay thế quy chế phối hợp.

Trong quá trình thực hiện công tác phối hợp quản lý người bị án, Quy chế sẽ được thay thế, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành hoặc các kiến nghị phù hợp tình hình thực tế của các cơ quan có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát người bị án trên địa bàn quận.

 

QUẬN PHÚ NHUẬN
UBND PHƯỜNG ....
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:……….. /QĐ-UBND

Phường ………., ngày …. tháng …. năm 20

 

QUYẾT ĐỊNH

V/v phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục người thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo (hoặc người thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ)

ỦY BAN NHÂN DÂN PHƯỜNG …………..

Căn cứ Bộ Luật Tố tụng Hình sự ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 60/2000/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2000 của Chính phủ quy định việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ HOẶC Nghị định số 61/2000/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2000 của Chính phủ quy định việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo;

Căn cứ Quyết định số 08/2010/QĐ-UBND ngày 18 tháng 10 năm 2010 của Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận về việc ban hành Quy chế phối hợp quản lý người thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo, người thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ;

Căn cứ Quyết định thi hành án số ………………………. của Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận về việc ……………………….,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phân công ông (bà) ……………………… chức vụ (nếu có) ………………………., cư ngụ tại là người trực tiếp giám sát người bị kết án ……………………………….

Điều 2. Ông (bà) ...................... có trách nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người trực tiếp giám sát người bị án theo quy định của pháp luật

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Văn phòng Ủy ban nhân dân phường, Trưởng Công an phường và ông (bà) có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lưu (VP)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




 

QUẬN PHÚ NHUẬN
UBND PHƯỜNG ....
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

Phường ………., ngày …. tháng …. Năm 20…..

 

BIÊN BẢN

Cuộc họp góp ý cho bản kiểm điểm, làm cơ sở cho việc nhận xét, đánh giá quá trình chấp hành hình phạt của người chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo (người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ)

Cuộc họp tổ chức vào lúc ……..giờ……….. phút, ngày…….. tháng…………. năm ……tại: ……………………………………………………………………………………

Chủ trì: ………………………………………Chức vụ: ………………………………………

Thành phần tham dự:

Đại biểu tham dự:

1. Ông (Bà) …………………………………………………………………………………………

2. Ông (Bà) …………………………………………………………………………………………

3. Ông (Bà) …………………………………………………………………………………………

4. Ông (Bà) …………………………………………………………………………………………

Đại diện ……………… hộ dân thuộc Tổ dân phố………………, khu phố ……………………

Nội dung phát biểu tại cuộc họp:

(Ghi cụ thể ý kiến phát biểu của từng đại biểu tham dự hội nghị, nến phát biểu với tư cách cá nhân thì cũng ghi rõ phát biểu với tư cách cá nhân)

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

Cuộc họp kết thúc vào lúc ……………giờ, ngày ……………tháng ……………năm ………

Biên bản được đọc lại cho các đại biểu tham dự và đại diện……………  hộ dân trong Tổ dân phố cùng nghe và cùng ký tên vào biên bản.

 

THƯ KÝ





CHỦ TRÌ

CÁC ĐẠI BIỂU THAM DỰ : (nếu đại biu nào có ý kiến khác thì ghi ý kiến của mình trước khi ký tên)

1/

2/

 

QUẬN PHÚ NHUẬN
UBND PHƯỜNG ....
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:……….. /QĐ-UBND

Phường ………., ngày …. tháng …. năm 20

 

QUYẾT ĐỊNH

V/v cấp giấy chứng nhận đã thi hành xong hình phạt tù cho hưởng án treo (hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ)

ỦY BAN NHÂN DÂN PHƯỜNG ……..

Căn cứ Bộ Luật Tố tụng Hình sự ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 60/2000/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2000 của Chính phủ quy định việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ HOẶC Nghị định số 61/2000/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2000 của Chính phủ quy định việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo;

Căn cứ Quyết định số 08/2010/QĐ-UBND ngày 18 tháng 10 năm 2010 của Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận về việc ban hành Quy chế phối hợp quản lý người thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo, người thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ;

Căn cứ Quyết định thi hành án số ……………… của Toà án nhân dân

quận Phú Nhuận về việc ………………,

Xét biên bản cuộc họp góp ý cho bản kiểm điểm, làm cơ sở cho việc nhận xét, đánh giá quá trình chấp hành hình phạt của người chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo (người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ) ngày…… tháng…...năm……… của Tổ dân phố……….,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt tù cho hưởng án treo (hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ) cho người bị kết án sau:

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Văn phòng Ủy ban nhân dân phường, Trưởng Công an phường và ông (bà) có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lưu (VP)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




 

QUẬN PHÚ NHUẬN
UBND PHƯỜNG ....
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:……….. /CN

Phường ………., ngày …. tháng …. năm 20     

 

GIẤY CHỨNG NHẬN

Chấp hành xong hình phạt tù cho hưởng án treo hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ

Họ và tên: …………………………………………………………………………………………

Địa chỉ cư trú: …………………………………………………………………………………….

Đã chấp hành xong hình phạt ………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

Từ ngày …. tháng …. năm 20...            đến ngày…. tháng ….năm 20....

Theo bản án số ……………………………………………………………………………………

Do Tòa án …………………………………………………………………………………………

Cấp ngày …… tháng ……. năm 20 ………

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Tòa án nhân dân quận;
- Viện kiểm sát nhân dân quân;
- Các cơ quan có liên quan;
- Lưu.

TM. UBND PHƯỜNG………

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 08/2010/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp quản lý người chấp hình hình phạt cải tạo không giam giữ, người chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo tại phường do Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 08/2010/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/10/2010
  • Nơi ban hành: Quận Phú Nhuận
  • Người ký: Phạm Công Nghĩa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản