Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số: 08/2007/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 19 tháng 01 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG GIÁM SÁT HIV/AIDS, THEO DÕI, ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Quyết định số 36/2004/QĐ-TTg ngày 17/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Pháp chế
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này bản Chương trình hành động giám sát HIV/AIDS, theo dõi, đánh giá chương trình với các nội dung chủ yếu như sau:

1.Mục tiêu chương trình

1.1. Mục tiêu chung:

Cung cấp chính xác, kịp thời, đầy đủ các thông tin cho việc lập kế hoạch và xây dựng chính sách phòng, chống HIV/AIDS một cách hiệu quả; theo dõi, giám sát toàn diện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; đánh giá hiệu quả các hoạt động can thiệp, dự phòng, chăm sóc, điều trị của chương trình phòng, chống HIV/AIDSquốc gia.

1.2. Mục tiêu cụ thể:

a) Thành lập hệ thống giám sát HIV/AIDS, theo dõi, đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS từ Trung ương đến địa phương;

b) Hoàn thiện hệ thống hướng dẫn quốc gia về giám sát HIV/AIDS, theo dõi, đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS;

c) Thống nhất số liệu về giám sát HIV/AIDS/STI, theo dõi, đánh giá chương trình phòng chống HIV/AIDS trên toàn quốc;

d) 100% các tỉnh có phòng xét nghiệm HIV được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính và có ít nhất 08 phòng xét nghiệm có khả năng chẩn đoán HIV bằng các kỹ thuật phân tử và phân lập vi rút vào năm 2010;

đ) 100% các xét nghiệm được thực hiện theo đúng quy định về tư vấn, xét nghiệm tự nguyện và có ít nhất 100 phòng tư vấn, xét nghiệm tự nguyện đạt chuẩn quốc gia vào năm 2010;

e) 100% các tỉnh trọng điểm đạt cỡ mẫu giám sát HIV/AIDS/STI, thực hiện việc lồng ghép giám sát huyết thanh học và giám sát hành vi;

g) Triển khai tổng điều tra chương trình phòng, chống HIV/AIDS quốc gia định kỳ;

h) 100% các tỉnh, thành phố có khả năng tự theo dõi, đánh giá và dự báo nhiễm HIV/AIDS/STI vào năm 2010.

2.Các giải pháp chủ yếu

2.1. Giải pháp về tổ chức:

a) Củng cố hệ thống giám sát HIV/AIDS, xây dựng hoàn thiện các đơn vị theo dõi, đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở tất cả các tuyến;

b) Tăng cường sự chỉ đạo và điều phối thống nhất từ Trung ương đến địa phương; thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

2.2. Giải pháp kỹ thuật:

a) Xây dựng các hướng dẫn quốc gia về chuyên môn kỹ thuật triển khai chương trình giám sát, theo dõi, đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS;

b) Hoàn thiện hệ thống thu thập số liệu, báo cáo và quản lý chương trình giám sát HIV/AIDS/STI, theo dõi, đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS;

c) Cung ứng trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường nguồn nhân lực và phổ cập hệ thống các phòng xét nghiệm HIV, các phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện đạt tiêu chuẩn, các đơn vị thu thập, lưu trữ truyền tải và chia sẻ thông tin về giám sát HIV/AIDS/STI, theo dõi, đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS;

d) Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giám sát HIV/AIDS/STI, theo dõi, đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS;

đ) Triển khai các nghiên cứu khoa học phục vụ cho công tác giám sát HIV/AIDS/STI, theo dõi, đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

2.3. Giải pháp nâng cao năng lực quản lý

a) Xây dựng các chính sách thu hút nguồn nhân lực cho hệ thống giám sát HIV/AIDS/STI, theo dõi, đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS;

b) Đào tạo và đào tạo lại về chuyên môn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ tham gia giám sát HIV/AIDS/STI, theo dõi, đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại các tuyến;

c) Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật của tuyến trên cho tuyến dưới trong công tác giám sát HIV/AIDS/STI, theo dõi, đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS;

d) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của chương trình giám sát HIV/AIDS/STI, theo dõi, đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS;

đ) Xây dựng tài liệu và công cụ đào tạo chuẩn quốc gia về giám sát HIV/AIDS/STI, theo dõi, đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS;

e) Xây dựng và tổ chức đào tạo giảng viên quốc gia về giám sát HIV/AIDS/STI, theo dõi, đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Giảng viên quốc gia sẽ tuyển chọn từ các đơn vị theo dõi, đánh giátrung ương, khu vực và trường đại học, viện nghiên cứu có liên quan;

g) Tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học, hội nghị, hội thảo quốc gia và quốc tế về lĩnh vực giám sát HIV/AIDS/STI, theo dõi, đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

2.4. Giải pháp về tăng cường nguồn lực

a) Kinh phí cho hoạt động theo dõi, đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS được kết cấu từ 15% - 20% tổng kinh phí dành cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS bao gồm cả ngân sách viện trợ;

b) Tăng cường sự hợp tác với tất cả các tổ chức trong nước và quốc tế tham gia vào chương trình phòng, chống HIV/AIDS nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho chương trình giám sát HIV/AIDS/STI, theo dõi, đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS;

c) Từng bước xã hội hoá công tác xét nghiệm phát hiện, công tác tư vấnbằng cách thu một phần tiền chi phí.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam, Bộ Y tế là đơn vị giám sát HIV/AIDS/STI, theo dõi, đánh giá chương trình cấp quốc gia chịu trách nhiệm chỉ đạo và quản lý toàn diện, phối hợp với các đơn vị có liên quan lập kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện chương trình hành động quốc gia về giám sát HIV/AIDS/STI, theo dõi, đánh giá chương trình cấp quốc gia.

2. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là đơn vị chịu trách nhiệm về kỹ thuật cho hệ thống giám sát HIV/AIDS/STI, theo dõi, đánh giá chương trình quốc gia cùng với Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh là bốn đơn vị giám sát HIV/AIDS/STI, theo dõi, đánh giá chương trình khu vực chịu trách nhiệm: lập kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động của chương trình cấp khu vực và báo cáo định kỳ cho Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam; quản lý, chỉ đạo, theo dõi, đánh giá các hoạt động của chương trình giám sát HIV/AIDS/STI, theo dõi đánh giá chương trình của các tỉnh, thành phố trong khu vực và các Bệnh viện, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn của các tỉnh phụ trách.

3. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các đơn vị có liên quan thành lập các đơn vị giám sát HIV/AIDS/STI, theo dõi, đánh giá chương trình tuyến tỉnh, thành phố, dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế phối hợp với Sở, ban, ngành, các dự án tham gia lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS và các đơn vị khác có liên quan của tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm lập kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động giám sát HIV/AIDS/STI, theo dõi đánh giá chương trình trên địa bàn tỉnh, thành phố và báo cáo định kỳ cho đơn vị giám sát HIV/AIDS/STI, theo dõi, đánh giá cấp khu vực.

4. Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện, thị có trách nhiệm tổ chức triển khai các hoạt động giám sát, theo dõi, đánh giá chương trình tại xã, phường, thôn, bản.

5. Đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS các Bộ, ngành phối hợp với Bộ Y tế lập kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động của chương trình đã được phê duyệt trong phạm vi đơn vị.

6. Căn cứ Chương trình hành động này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện chương trình theo định kỳ để trình Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các ông, bà Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam, Vụ trưởng các Vụ: Điều trị, Pháp chế, Viện trưởng các Viện: Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Pasteur Nha Trang, Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Thủ trưởng y tế các ngành và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

BỘ TRƯỞNG




Trần Thị Trung Chiến

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 08/2007/QĐ-BYT phê duyệt Chương trình hành động giám sát HIV/AIDS, theo dõi, đánh giá chương trình do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 08/2007/QĐ-BYT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/01/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Trần Thị Trung Chiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 103 đến số 104
  • Ngày hiệu lực: 11/03/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản