Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2005/QĐ-UBBT

Phan Thiết, ngày 01 tháng 02 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH "QUY ĐỊNH VỀ TÀI TRỢ SÁNG TẠO VĂN HỌC NGHỆ THUẬT” TẠI TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND đã được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

- Căn cứ Quyết định số 583/1999/QĐ-TTg ngày 01/6/1999 của Thủ tướng Chính phủ về tài trợ cho các hoạt động sáng tác tác phẩm, công trình trong văn học nghệ thuật, báo chí;

 - Xét đề nghị của Hội Văn học Nghệ thuật Tỉnh tại Tờ trình số 114/2004/VNBT ngày 15/12/2004 về việc xin thông qua đề án Quy định tài trợ sáng tạo văn học nghệ thuật tại tỉnh Bình Thuận,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định tài trợ sáng tạo văn học nghệ thuật” tại tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3 
- Hội Văn học Nghệ thuật TW (b/c)
- Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp (b/c)
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND Tỉnh (b/c)
- CT, các PCT UBND Tỉnh 
- Lưu VP, VX, TH, TĐKT

TM. UBND TỈNH BÌNH THUẬN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

QUY ĐỊNH

VỀ TÀI TRỢ SÁNG TẠO VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TẠI TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2005 /UBBT ngày 01 tháng 02 năm 2005 của UBND Tỉnh)

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tài trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật tại tỉnh Bình Thuận nhằm khuyến khích văn nghệ sĩ trong tỉnh sáng tạo những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà và góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Điều 2. Văn học nghệ thuật được quy định trong Quy định này bao gồm các lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình, sáng tác, biểu diễn của các chuyên ngành: Văn học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Điện ảnh, Múa, Sân khấu, Kiến trúc, Văn nghệ dân gian, Văn nghệ các dân tộc thiểu số.      

Điều 3. Một số từ ngữ được sử dụng trong Quy định này được hiểu như sau:

- Văn nghệ sĩ: là những người hoạt động văn học nghệ thuật có tác phẩm được công bố, phổ biến rộng rãi và được Hội Văn học Nghệ thuật Tỉnh hoặc các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương thừa nhận.

- Tài năng trẻ:là những người nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn ở vào độ tuổi thanh – thiếu niên, có tác phẩm Văn học Nghệ thuật đạt giải thưởng Văn nghệ Dục Thanh hoặc giải cao của các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Bộ Văn hóa – Thông tin.

- Tác phẩm: Là sản phẩm hoàn chỉnh của một qúa trình sáng tạo, được thực hiện bởi một tác giả hay một nhóm tác giả hàm chứa đầy đủ các đặc trưng Văn học nghệ thuật.

CHƯƠNG II

CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH CÁC LĨNH VỰC VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

Điều 4. Về danh hiệu, sáng tác, biểu diễn:

1. Hàng năm, Hội Văn học Nghệ thuật Tỉnh xét chọn một số văn nghệ sĩ, trước hết là các đối tượng đạt giải của giải thưởng Văn nghệ Dục Thanh và các giải cao của các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, Bộ Văn hóa – Thông tin để đưa đi thực tế sáng tác tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Trong thời gian đi thực tế sáng tác, văn nghệ sĩ được tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí.

2. Văn nghệ sĩ được Hội Văn học Nghệ thuật Tỉnh và các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương mời dự các trại sáng tác, giao lưu, tham quan được cơ quan chủ quản nơi các văn nghệ sĩ công tác tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí, thời gian và được tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí.

3. Văn nghệ sĩ có thành tích xuất sắc, tùy theo mức độ được xét khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng. Văn nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu hoặc đạt giải sáng tác, biểu diễn tại các cuộc thi, hội diễn toàn quốc và khu vực được tỉnh thưởng theo các mức sau:

a.Về danh hiệu:

 - 4.000.000 đồng đối với nghệ sĩ nhân dân.

 - 2.000.000 đồng đối với Nghệ sĩ ưu tú.

b.Về sáng tác:

- 3.000.000 đồng đối với tác phẩm đạt giải nhất các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương.

- 2.000.000 đồng đối với tác phẩm đạt giải nhì các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương.

- 1.500.000 đồng đối với các tác phẩm đạt giải ba các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương.

- 2.000.000 đồng đối với tác phẩm đạt giải nhất khu vực do các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương tổ chức.

- 1.500.000 đồng đối với tác phẩm đạt giải nhì khu vực do các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương tổ chức.

- 1.000.000 đồng đối với các tác phẩm đạt giải ba khu vực do các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương tổ chức.

c.Về biểu diễn:

- 1.500.000 đồng đối với huy chương vàng.

- 1.000.000 đồngđối với huy chương bạc.

- 800.000 đồng đối với huy chương đồng.

- 500.000 đồng đối với bằng khen.

d.Các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh, kể cả Đoàn nghệ thuật dân gian dân tộc Chăm Bắc Bình, nếu có các vở diễn, các tiết mục được Bộ Văn hóa - Thông tin hoặc Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tặng thưởng các giải nhất, nhì, ba trong các đợt hội thi, hội diễn toàn quốc thì được tỉnh thưởng thêm 50% so với số tiền thưởng tương ứng của từng giải thưởng đã đạt được.

Riêng giải thưởng văn nghệ Dục Thanh của tỉnh 5 năm xét một lần, sẽ có mức thưởng cụ thể trước khi trao giải nhưng cũng không thấp hơn mức thưởng đối với tác phẩm đạt giải của các Hội Văn học Nghệ thuật Trung ương.

4. Các đề tài nghiên cứu khoa học về Văn học Nghệ thuật được tỉnh khuyến khích và đầu tư về kinh phí.

Điều 5. Trên lĩnh vực phổ biến tác phẩm:

1. Hàng năm, ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí cho Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận xuất bản định kỳ 12 số/năm và tổ chức các cuộc triển lãm mỹ thuật, triển lãm ảnh nghệ thuật trong tỉnh và khu vực.

2. Văn nghệ sĩ thuộc các dân tộc thiểu số khi có tác phẩm được Hội Văn học Nghệ thuật Tỉnh thừa nhận, được ưu tiên phổ biến tác phẩm.

3. Các tác phẩm về đề tài dân tộc, kháng chiến, thiếu nhi được Hội Văn học Nghệ thuật Tỉnh đánh giá cao về chất lượng, được tài trợ một phần kinh phí để xuất bản và phổ biến.

4. Các tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc ngoài phần khen thưởng theo quy định tại Điều 4, được Tỉnh chọn mua và trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp Tỉnh.

Điều 6. Các tài năng trẻ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật được hưởng các quyền lợi sau:

1. Được Hội Văn học Nghệ thuật, Sở Văn hóa – Thông tin bồi dưỡng về nghiệp vụ.

2. Được tài trợ kinh phí để in ấn, phổ biến tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật.

3. Được giới thiệu đi học các lớp đại học, cao đẳng nghệ thuật hoặc Trường viết văn Nguyễn Du. Trong thời gian đi học được trợ cấp theo quy định của UBND Tỉnh.

Điều 7. Kinh phí để thực hiện quy định về tài trợ sáng tạo Văn học Nghệ thuật tại tỉnh Bình Thuận được hình thành từ các nguồn sau:

1)Các nguồn kinh phí đã được ghi trong điều lệ Hội Văn học Nghệ thuật Tỉnh gồm: hội phí, tiền ủng hộ, tiền thu được từ các hoạt động văn học nghệ thuật do Hội tổ chức theo quy định của pháp luật.

2. Ngân sách Tỉnh hàng năm tài trợ cho Qũy sáng tác của Hội Văn học Nghệ thuật.

3. Kinh phí Trung ương hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật cho địa phương.

4. Kinh phí hỗ trợ của Sở Văn hóa - Thông tin.

5. Kinh phí nghiên cứu khoa học của Tỉnh

CHƯƠNG IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8.

1. Hội Văn học Nghệ thuật Tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin có trách nhiệm tổ chức tốt các hoạt động Văn học Nghệ thuật nhằm giúp văn nghệ sĩ sáng tạo và phổ biến các tác phẩm có chất lượng cao; phối hợp với các Ngành liên quan hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Quy định này.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật Tỉnh trong việc phát hiện và bồi dưỡng các tài năng trẻ trong nhà trường.

3. Sở Tài chính hướng dẫn Hội Văn học Nghệ thuật lập dự toán thực hiện quy định về tài trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật hàng năm trình UBND Tỉnh phê duyệt; theo dõi, kiểm tra việc chi tiêu đảm bảo đúng mục đích, đối tượng và nguyên tắc tài chính.

4. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật Tỉnh, Sở Văn hóa - Thông tin có kế hoạch đầu tư thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực Văn học Nghệ thuật.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường quản lý Nhà nước về hoạt động văn học nghệ thuật và tạo điều kiện thuận lợi cho các chi hội văn nghệ tại địa phương hoạt động.

Điều 9. Qúa trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc phát sinh mới thì Hội Văn học Nghệ thuật Tỉnh phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù họp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 08/2005/QĐ-UBBT quy định về tài trợ sáng tạo văn học nghệ thuật tại tỉnh Bình Thuận

  • Số hiệu: 08/2005/QĐ-UBBT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/02/2005
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Huỳnh Tấn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/02/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản