Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2023/QĐ-UBND

Đắk Lắk, ngày 07 tháng 3 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ CÁC CÔNG TRÌNH GHI CÔNG LIỆT SĨ, MỘ LIỆT SĨ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XVI Ưu đãi người có công với cách mạng;

Căn cứ khoản 4 Điều 152 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 292/TTr-SLĐTBXH ngày 22 tháng 12 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Điều 2. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan, triển khai, hướng dẫn việc thực hiện Quy chế, báo cáo kết quả triển khai thực hiện về UBND tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22 tháng 3 năm 2023 và thay thế Quyết định số 18/2020/QĐ-UBND ngày 20/5/2020 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý, sử dụng các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Văn phòng chính phủ;
- Bộ LĐTBXH;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL-Bộ Tư pháp;
- TT. Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Đài PTTH tỉnh; Báo Đắk Lắk; TTCN&CTTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX (N-20b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




H’Yim Kđoh

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ CÁC CÔNG TRÌNH GHI CÔNG LIỆT SĨ, MỘ LIỆT SĨ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
(Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2023/QĐ-UBND ngày 07/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định việc quản lý các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Những nội dung liên quan đến công tác quản lý các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ không được quy định tại Quy chế này được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

2. Đối tượng áp dụng: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan đến các hoạt động thuộc phạm vi quản lý các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Các cụm từ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công trình ghi công liệt sĩ là công trình lịch sử, văn hóa để tôn vinh, tri ân liệt sĩ và giáo dục truyền thống cách mạng. Công trình ghi công liệt sĩ được xây dựng phù hợp với quy hoạch, phong tục, tập quán của từng địa phương, bảo đảm trang nghiêm, mỹ quan, bền vững.

2. Nghĩa trang liệt sĩ: Là nơi an táng thi hài, hài cốt liệt sĩ, được xây dựng trang nghiêm thể hiện lòng tôn kính đối với các liệt sĩ, phù hợp với quy hoạch của từng địa phương.

3. Đài tưởng niệm liệt sĩ: Được xây dựng tại trung tâm chính trị, văn hóa của tỉnh; trung tâm của huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không có Nghĩa trang liệt sĩ hoặc nơi có chiến tích lịch sử tiêu biểu.

4. Nhà bia ghi tên liệt sĩ: Được xây dựng tại các xã, phường, thị trấn, huyện, thành phố không có Nghĩa trang liệt sĩ.

5. Đến thờ liệt sĩ: Là nơi thờ và ghi danh các liệt sĩ, được xây dựng ở nơi có chiến tích lịch sử tiêu biểu.

6. Mộ liệt sĩ: Là nơi an táng thi hài, hài cốt của liệt sĩ.

Điều 3. Cấu trúc công trình ghi công liệt sĩ

Công trình ghi công liệt sĩ đảm bảo tối thiểu phải có các hạng mục chính, phụ trợ như sau:

1. Nghĩa trang liệt sĩ gồm: Đài Tổ quốc ghi công hoặc Tượng đài/Bia ghi tên liệt sĩ, lư hương, khu mộ an táng hài cốt liệt sĩ, sân đường nội bộ, cong, tường rào, rãnh thoát nước, bồn hoa, cây xanh, thảm cỏ, hệ thống điện chiếu sáng, bãi đỗ xe...

2. Đài tưởng niệm liệt sĩ gồm: Đài Tổ quốc ghi công, bia ghi tên liệt sĩ, lư hương, sân đường nội bộ, cổng, tường rào, rãnh thoát nước, bồn hoa cây xanh, thảm cỏ, hệ thống điện chiếu sáng, bãi đỗ xe...

3. Đền thờ liệt sĩ gồm: Nhà đền, Bia ghi tên liệt sĩ, lư hương, sân, đường nội bộ, cổng tường rào, rãnh thoát nước, bồn hoa, cây xanh, thảm cỏ, hệ thống điện chiếu sáng...

4. Nhà bia ghi tên liệt sĩ gồm: Nhà bia, bia ghi tên liệt sĩ, lư hương, sân đường nội bộ, cống tường rào, rãnh thoát nước, bồn hoa cây xanh, thảm cỏ, hệ thống điện chiếu sáng...

Ngoài ra, Nhà bia ghi tên liệt sĩ phải có danh sách các liệt sĩ là người địa phương hy sinh trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; các liệt sĩ đã hy sinh trong các trận đánh tiêu biểu tại địa phương đó; bản tóm tắt chiến tích lịch sử.

5. Mộ liệt sĩ trong cùng một Nghĩa trang liệt sĩ được xây dựng thống nhất theo quy định tại khoản 2 Điều 152 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Chương II

QUẢN LÝ CÁC CÔNG TRÌNH GHI CÔNG LIỆT SĨ, MỘ LIỆT SĨ

Điều 4. Phân cấp quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh; trực tiếp quản lý Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh (địa chỉ: Km 5, đường Võ Thị Sáu, phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột).

2. UBND cấp huyện trực tiếp quản lý Nghĩa trang liệt sĩ, Đài tưởng niệm liệt sĩ, Đền thờ liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn và các công trình ghi công liệt sĩ đã được xếp hạng di tích theo quy định tại Quyết định số 20/2022/QĐ-UBND ngày 30/5/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, trừ các công trình nêu tại khoản 1, 4, 5, 6 Điều này. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giúp UBND cấp huyện quản lý mộ liệt sĩ theo quy định tại Điều 153 của Nghị định số 131/2021/NĐ-CP.

Tùy theo tình hình thực tế, UBND cấp huyện phân cấp cho UBND cấp xã quản lý, chăm sóc một số công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý của cấp huyện.

3. UBND cấp xã trực tiếp quản lý Nhà bia ghi tên liệt sĩ trên địa bàn và các công trình ghi công liệt sĩ đã được xếp hạng di tích theo phân cấp của UBND huyện phân cấp. Công chức làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức đoàn thể tham mưu giúp UBND cấp xã quản lý Nhà bia ghi tên liệt sĩ trên địa bàn.

4. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có trách nhiệm quản lý công trình ghi công liệt sĩ ở các Đồn Biên phòng.

5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm quản lý công trình ghi công liệt sĩ đã được xếp hạng di tích theo quy định tại Quyết định số 20/2022/QĐ-UBND.

6. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh có trách nhiệm quản lý công trình ghi công liệt sĩ “Bia tưởng niệm các chiến sĩ Nam Tiến” được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 1350/QĐ-BVHTTDL ngày 24/4/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xếp hạng di tích quốc gia.

Điều 5. Nội dung quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ

1. Đối với Nghĩa trang liệt sĩ, cơ quan quản lý có trách nhiệm:

a) Lập sơ đồ Nghĩa trang và vị trí mộ, quản lý mộ liệt sĩ (bao gồm thông tin mộ, vị trí mộ, biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ và các giấy tờ có liên quan đến phần mộ), lập danh sách quản lý mộ trong Nghĩa trang liệt sĩ.

b) Xây dựng nội quy thăm viếng; bảo vệ, chăm sóc phần mộ liệt sĩ, khuôn viên, cây cảnh của Nghĩa trang liệt sĩ, bảo đảm luôn trang nghiêm và sạch đẹp.

c) Xây dựng kế hoạch cải tạo, nâng cấp, tu sửa Nghĩa trang liệt sĩ; lập dự toán kinh phí cải tạo, nâng cấp, tu sửa Nghĩa trang liệt sĩ hàng năm trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

d) Tổ chức tiếp nhận, an táng hài cốt liệt sĩ do các địa phương, đơn vị quy tập trong và ngoài nước bàn giao; phối hợp với UBND cấp xã tổ chức an táng hài cốt liệt sĩ do thân nhân liệt sĩ di chuyển từ các Nghĩa trang liệt sĩ trong nước về an táng theo nguyện vọng của gia đình theo quy định tại Điều 149 của Nghị định số 131/2021/NĐ-CP.

đ) Tổ chức đón tiếp, hướng dẫn thân nhân liệt sĩ, Nhân dân trong và ngoài tỉnh đến thăm viếng mộ liệt sĩ; phục vụ lễ viếng, lễ truy điệu tổ chức tại các Nghĩa trang liệt sĩ theo đúng nghi thức và quy định của Nhà nước.

e) Phối hợp với cơ quan liên quan xem xét, đề nghị giải quyết những trường hợp thân nhân gia đình có hài cốt liệt sĩ đang quản lý tại Nghĩa trang liệt sĩ có nguyện vọng cất bốc, di dời mộ liệt sĩ theo quy định.

g) Huy động các nguồn lực hỗ trợ hợp pháp để xây dựng tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa Nghĩa trang liệt sĩ.

2. Đối với công trình Đài tưởng niệm liệt sĩ, Đen thờ liệt sĩ, Nhà bia ghi tên liệt sĩ, đơn vị quản lý có trách nhiệm:

a) Xây dựng nội quy thăm viếng; bảo vệ, chăm sóc khuôn viên và các hạng mục khác của các công trình bảo đảm luôn trang nghiêm và sạch đẹp.

b) Đón tiếp và hướng dẫn các tổ chức và Nhân dân đến thăm viếng; phục vụ chu đáo lễ viếng tưởng niệm liệt sĩ theo nghi lễ quy định.

c) Xây dựng kế hoạch cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các hạng mục của công trình; hàng năm lập dự toán kinh phí cải tạo, nâng cấp, sửa chữa trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

d) Huy động các nguồn lực hỗ trợ hợp pháp để xây dựng tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa các hạng mục của công trình.

3. Đối với mộ liệt sĩ, đơn vị quản lý có trách nhiệm:

a) Lập sơ đồ mộ chí, hồ sơ từng phần mộ liệt sĩ (kể cả phần mộ đã di chuyển, mộ liệt sĩ an táng ngoài Nghĩa trang liệt sĩ). Cập nhật thông tin vào danh sách quản lý mộ và cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ khi có sự thay đổi về mộ liệt sĩ trong Nghĩa trang liệt sĩ.

b) Xây dựng kế hoạch cải tạo, nâng cấp, tu sửa các phần mộ trong Nghĩa trang liệt sĩ; lập dự toán kinh phí cải tạo, nâng cấp, tu bổ các phần mộ, hàng năm trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

c) Đối với các phần mộ đã di chuyển hài cốt, được sửa chữa lại vỏ mộ, trên bia mộ khắc thêm dòng chữ “Hài cốt liệt sĩ đã di chuyển” ở phía dưới cùng và trong danh sách quản lý phải ghi rõ hài cốt đã di chuyển về quê quán (hoặc chuyển đến Nghĩa trang liệt sĩ khác); lập biên bản bàn giao hài cốt cho thân nhân liệt sĩ và lưu giữ hồ sơ di chuyển theo quy định.

d) Đối với quy trình, thủ tục đính chính thông tin bia mộ, cơ quan quản lý mộ liệt sĩ thực hiện theo quy định tại Điều 154 của Nghị định số 131/2021/NĐ-CP.

4. Đối với các công trình ghi công liệt sĩ đã được xếp hạng di tích, di sản: Cơ quan, đơn vị được phân công quản lý, đồng thời thực hiện việc quản lý theo quy định về quản lý di tích, di sản và quy định về quản lý công trình ghi công liệt sĩ.

5. Các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ phải được quản lý và thường xuyên chăm sóc, sửa chữa, tu bổ. Khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia chăm sóc, gìn giữ các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ.

Điều 6. Kinh phí thực hiện

Kinh phí tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa, chăm sóc, quản lý các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và pháp luật về đầu tư công, pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Triển khai thực hiện Quy chế quản lý các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ.

2. Tổng hợp, lập kế hoạch đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ và công tác mộ liệt sĩ trình UBND tỉnh.

3. Tham mưu phân bổ nguồn kinh phí Trung ương, địa phương và nguồn kinh phí huy động từ cộng đồng (nếu có) để hỗ trợ cho các địa phương cải tạo, nâng cấp, tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ.

4. Thanh tra, kiểm tra việc triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế này đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương.

5. Quyết định và phân công nhiệm vụ người làm công tác quản trang ở Nghĩa trang liệt sĩ cấp tỉnh. Căn cứ vào tình hình chỉ tiêu biên chế được giao để bố trí và có hình thức sử dụng bộ phận quản trang cho phù hợp (viên chức, hợp đồng, thuê mướn...).

Điều 8. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành có liên quan

1. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thành viên, hội viên của tổ chức mình và các thế hệ trẻ chung tay chăm sóc công trình ghi công liệt sĩ, đảm bảo các công trình ghi công liệt sĩ được chăm sóc chu đáo, bền đẹp, trang nghiêm.

2. Sở Tài chính hằng năm có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện; hướng dẫn thanh quyết toán theo quy định.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn đầu tư phát triển để xây dựng, mở rộng, cải tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định.

4. Các Sở, ngành: Xây dựng, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh... theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND cấp huyện trong việc quản lý các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ.

Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế này tại địa phương.

2. Xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm quản lý theo Quy chế này.

3. Tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn, bảo quản các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn.

4. Lập kế hoạch xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ thuộc cấp huyện quản lý (nếu có) gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, tổng hợp trình UBND tỉnh.

5. Bố trí ngân sách địa phương và nguồn huy động từ cộng đồng để bổ sung nguồn vốn xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, tu bổ công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn.

6. Căn cứ vào quy mô của các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ để bố trí nhân lực quản trang, bảo vệ (hợp đồng, thuê mướn...) phục vụ việc chăm sóc, quản lý các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn.

7. Xây dựng các nội quy, quy định về quản lý, chăm sóc, thăm, viếng, di chuyển hài cốt liệt sĩ... đối với các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ thuộc địa phương quản lý.

8. Đối với các huyện, thị xã, thành phố không có Nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện hoặc Đài tưởng niệm thì Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định lựa chọn một trong số các công trình ghi công liệt sĩ phù hợp trên địa bàn để làm nơi tổ chức lễ viếng, tưởng niệm nhân các ngày lễ, sự kiện trong năm.

Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn

1. Tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn, bảo quản, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ.

2. Vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp cho nguồn lực của địa phương để xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, tu bổ, quản lý, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn.

3. Căn cứ vào tình hình thực tế, UBND cấp xã bố trí người làm công tác bảo vệ hoặc giao các tổ chức đoàn thể để quản lý, chăm sóc Nhà bia ghi tên liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ được phân cấp (hợp đồng, thuê mướn, giao cho Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh...).

Điều 11. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đến thăm, viếng, tham quan, sinh hoạt truyền thống tại các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ

1. Các tổ chức, cá nhân đến thăm viếng mộ liệt sĩ, di chuyển hài cốt liệt sĩ, tham quan, sinh hoạt truyền thống tại công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phải chấp hành đúng các nội quy, quy định của đơn vị quản lý công trình ghi công liệt sĩ; có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản các công trình ghi công liệt sĩ, chấp hành theo sự hướng dẫn của cơ quan quản lý công trình ghi công liệt sĩ hoặc cá nhân được giao quản lý công trình ghi công liệt sĩ.

2. Không tự ý lắp đặt, cải tạo, di dời... làm thay đổi thiết kế, kết cấu, mỹ quan các phần mộ liệt sĩ và các hạng mục của công trình ghi công liệt sĩ; không tự ý làm thay đổi thông tin trên bia mộ liệt sĩ, bia ghi tên liệt sĩ.

Điều 12. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc quản lý các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ hoặc có những đóng góp ủng hộ kinh phí tiêu biểu vào đầu tư, tu bổ, tôn tạo, nâng cấp công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ được các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền khen thưởng.

2. Các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Điều khoản thi hành

Trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn; nếu vượt quá thẩm quyền, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 07/2023/QĐ-UBND về Quy chế quản lý các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

  • Số hiệu: 07/2023/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/03/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký:
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản