Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2015/QĐ-UBND

Nha Trang, ngày 27 tháng 04 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TRÍ THỨC TRẺ TĂNG CƯỜNG VỀ CÔNG TÁC TẠI CÁC XÃ GIAI ĐOẠN 2014 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị quyết số 06/NQ-HĐND ngày 09 tháng 7 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc phê duyệt Đề án Tăng cường trí thức trẻ về công tác tại các xã giai đoạn 2014 - 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 476/TTr-SNV ngày 25 tháng 3 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, sử dụng Trí thức trẻ tăng cường về công tác tại các xã giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Bãi bỏ Quyết định số 45/2003/QĐ-UB ngày 04/6/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Quy chế tạm thời về quản lý, sử dụng những người tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp tình nguyện công tác ở cơ sở và Quyết định số 449/QĐ-UBND ngày 27/4/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Quy định tạm thời mức sinh hoạt phí và các chế độ khác đối với Trí thức trẻ tình nguyện về công tác ở xã, phường, thị trấn.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Trưởng Phòng Nội vụ các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã được tăng cường Trí thức trẻ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4 (thi hành);
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- TT Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- Sở Tư pháp; Bảo hiểm xã hội tỉnh;
- TT Công báo; Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Báo Khánh Hòa, Đài PT-TH Khánh Hòa;
- Lđạo VP, các CVNCTH;
- Lưu: VT, SNV (3b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Chiến Thắng

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TRÍ THỨC TRẺ TĂNG CƯỜNG VỀ CÔNG TÁC TẠI CÁC XÃ GIAI ĐOẠN 2014 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2015/QĐ-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi, chế độ, chính sách và việc quản lý, sử dụng Trí thức trẻ tăng cường về công tác tại các xã giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Trí thức trẻ tăng cường về công tác tại các xã trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa theo Đề án Tăng cường Trí thức trẻ về công tác tại các xã giai đoạn 2014 - 2020.

2. Các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện); Phòng Nội vụ các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là Phòng Nội vụ cấp huyện); Ủy ban nhân dân các xã được tăng cường Trí thức trẻ.

3. Các tổ chức, đơn vị và cá nhân thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này.

Chương II

NGHĨA VỤ, TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN LỢI CỦA TRÍ THỨC TRẺ

Điều 3. Nghĩa vụ của Trí thức trẻ

1. Tuân thủ và chấp hành đầy đủ các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức được nêu tại Điều 8, Điều 9 Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008.

2. Tuân thủ và chấp hành đầy đủ các nội dung của Hợp đồng lao động được giao kết.

3. Chấp hành sự phân công, điều động của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Điều 4. Trách nhiệm của Trí thức trẻ

1. Chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy và Ủy ban nhân dân xã nơi được tăng cường về công tác; sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện và của các cơ quan có thẩm quyền.

2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành nhiệm vụ được phân công.

3. Thực hiện nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao như đối với cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; chấp hành đúng các quy định về quản lý cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật.

4. Nghiên cứu, tìm hiểu chính sách pháp luật của Nhà nước để nâng cao trình độ, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

5. Đoàn kết, gương mẫu, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Điều 5. Quyền lợi của Trí thức trẻ

1. Được tham gia khóa học bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, kỹ năng và nghiệp vụ trước khi về công tác tại xã, được hỗ trợ kinh phí tham gia lớp bồi dưỡng và tài liệu học.

2. Được bố trí công tác phù hợp với trình độ chuyên môn tại các tổ chức trong hệ thống chính trị ở các xã và thực hiện chế độ hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.

3. Được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương tạo điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, chính trị - xã hội tại địa phương và có kế hoạch bồi dưỡng để phát triển Đảng nếu chưa phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

4. Khi nhận công tác tại địa phương, được hưởng chế độ về tiền lương, các khoản phụ cấp, các khoản trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ, khác như: Phụ cấp khu vực, hỗ trợ Tết, các ngày lễ lớn của dân tộc như đối với cán bộ, công chức cấp xã.

5. Trong thời gian công tác, được khuyến khích và tạo điều kiện đăng ký thi tuyển, xét tuyển vào các vị trí, chức danh công chức; ứng cử vào chức danh cán bộ cấp xã. Sau 05 năm, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ và đủ các điều kiện sẽ được xét chuyển vào công chức cấp xã hoặc công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh có chỉ tiêu biên chế, vị trí việc làm phù hợp.

6. Khi tham gia thi tuyển hoặc xét tuyển công chức, nếu có thời gian tham gia công tác ở cơ sở từ đủ 24 tháng trở lên được cộng 10 điểm vào tổng điểm thi hoặc xét tuyển theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn.

7. Được hưởng các chế độ cụ thể quy định tại Chương III Quy chế này.

Chương III

CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI TRÍ THỨC TRẺ

Điều 6. Hợp đồng lao động

1. Việc giao kết Hợp đồng lao động đối với Trí thức trẻ do UBND cấp huyện ủy quyền cho Phòng Nội vụ cấp huyện thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động hiện hành.

2. Hợp đồng lao động lần đầu được giao kết là Hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng (01 năm tròn).

3. Sau 12 tháng (01 năm tròn) kể từ ngày thực hiện Hợp đồng lao động lần đầu, Trí thức trẻ được đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Nội dung, hình thức đánh giá thực hiện như đối với công chức cấp xã; Nếu đủ điều kiện thì chuyển sang hình thức Hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng được yêu cầu công việc thì sẽ bị xem xét chấm dứt Hợp đồng lao động.

4. Trong thời gian thực hiện Hợp đồng lao động không xác định thời hạn, nếu Trí thức trẻ được đánh giá 02 năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng được yêu cầu công việc thì sẽ bị xem xét chấm dứt Hợp đồng lao động.

Điều 7. Chế độ tiền lương và các chế độ khác

1. Chế độ tiền lương:

a) Khi giao kết Hợp đồng lao động lần đầu, Trí thức trẻ được hưởng lương theo quyết định phân công công tác của Giám đốc Sở Nội vụ; được hưởng 100% mức lương của bậc lương khởi điểm xếp theo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ (bậc lương khởi điểm áp dụng như công chức hành chính quy định tại bảng lương số 2 - Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang) kể từ ngày bắt đầu làm việc tại xã theo Hợp đồng lao động.

b) Chế độ nâng bậc lương đối với Trí thức trẻ được thực hiện như đối với công chức cấp xã. Thời điểm tính để xét nâng bậc lương theo niên hạn là kể từ ngày bắt đầu làm việc tại xã theo Hợp đồng lao động.

c) Hình thức trả lương, các khoản phụ cấp, các khoản trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ khác như: Phụ cấp khu vực, hỗ trợ Tết, các ngày lễ lớn của dân tộc: Trí thức trẻ được hưởng như công chức cấp xã.

2. Chế độ đào tạo, bồi dưỡng:

Trí thức trẻ khi được triệu tập đi đào tạo, bồi dưỡng hoặc được cử đi tham gia đào tạo, bồi dưỡng được hưởng các chế độ như công chức cấp xã.

3. Chế độ nghỉ phép hàng năm, chế độ đi công tác:

Trí thức trẻ được hưởng chế độ nghỉ phép hàng năm, chế độ khi đi công tác như công chức cấp xã.

4. Các chế độ khác:

a) Được hỗ trợ mức phụ cấp bằng mức phụ cấp công vụ theo quy định đối với cán bộ, công chức cấp xã;

b) Được tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. Mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Việc làm năm 2013;

c) Được trang bị phương tiện làm việc theo quy định của pháp luật như đối với cán bộ, công chức cấp xã;

d) Trí thức trẻ công tác ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chế độ phụ cấp thu hút theo quy định tại Nghị định 116/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

đ) Trí thức trẻ được phân công về công tác tại các xã thuộc địa bàn các huyện, thị xã, thành phố khác (so với nơi đăng ký hộ khẩu thường trú) được hỗ trợ tiền thuê nhà ở hàng tháng bằng 0,2 lần mức lương cơ sở. Trường hợp địa phương bố trí được chỗ ở không thu tiền thì không áp dụng mức phụ cấp này.

Điều 8. Chế độ đối với Trí thức trẻ đang trong thời gian Hợp đồng lao động mà trúng tuyển trở thành cán bộ, công chức các cấp

1. Trong thời gian công tác 05 năm tăng cường về công tác tại cấp xã, Trí thức trẻ được tạo điều kiện thi tuyển, xét tuyển vào các vị trí, chức danh công chức hoặc ứng cử vào các chức danh cán bộ tại địa phương.

2. Nếu trúng cử làm cán bộ cấp xã hoặc được tuyển dụng, bổ nhiệm công chức các cấp, Trí thức trẻ sẽ thôi hưởng các chế độ, chính sách theo quy định đối với Trí thức trẻ và được bảo lưu thời gian công tác, được giữ nguyên hệ số lương hiện hưởng; thời gian xét nâng bậc lương theo niên hạn được tính như sau:

- Trí thức trẻ khi trúng cử trở thành cán bộ cấp xã thì thời gian công tác trước đó được tính vào thời gian xét nâng bậc lương theo niên hạn;

- Trí thức trẻ khi trúng tuyển trở thành công chức thì thời gian công tác sẽ tính trừ đi thời gian tập sự theo quy định để xét nâng bậc lương theo niên hạn.

Điều 9. Chế độ đối với Trí thức trẻ sau khi hoàn thành nhiệm vụ

1. Sau 05 năm công tác, Trí thức trẻ được đánh giá toàn bộ quá trình công tác tăng cường về xã.

Căn cứ vào năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức và kết quả thực hiện nhiệm vụ, cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá nếu đủ điều kiện thì Trí thức trẻ được xét chuyển vào công chức cấp xã hoặc công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh có chỉ tiêu biên chế, vị trí việc làm phù hợp hoặc theo nguyện vọng của Trí thức trẻ, ý kiến đề xuất của Ủy ban nhân dân xã và Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Nội vụ xem xét, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc tiếp tục công tác của Trí thức trẻ tại địa phương.

2. Trường hợp sau khi hoàn thành nhiệm vụ mà không được xét chuyển vào công chức hoặc thôi việc, chấm dứt Hợp đồng lao động, Trí thức trẻ được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

Thời gian, mức tiền lương để tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Việc làm và các quy định liên quan của Chính phủ.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TRÍ THỨC TRẺ

Điều 10. Quản lý, sử dụng Trí thức trẻ

1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Nội vụ:

Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý đối với các Trí thức trẻ tăng cường về công tác tại các xã trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tổ chức tuyển chọn, phân công Trí thức trẻ tăng cường về các xã theo nhu cầu của các địa phương;

b) Bàn giao hồ sơ của Trí thức trẻ cho Phòng Nội vụ cấp huyện trực tiếp quản lý.

c) Tổ chức bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng cần thiết cho các Trí thức trẻ trước khi phân công về xã và theo kế hoạch hàng năm;

d) Rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, sử dụng Trí thức trẻ, các chính sách, chế độ đối với Trí thức trẻ tăng cường về công tác tại các xã;

đ) Theo dõi, kiểm tra, giám sát và giải quyết hoặc đề xuất giải quyết theo thẩm quyền các vướng mắc, khó khăn, những vấn đề phát sinh trong quá trình công tác của Trí thức trẻ tại các địa phương;

e) Xem xét, cho ý kiến thỏa thuận với Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc điều động, tiếp nhận Trí thức trẻ từ xã này sang làm việc ở xã khác trong cùng một đơn vị hành chính cấp huyện hoặc giữa 02 đơn vị cấp huyện trong tỉnh;

g) Xem xét, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc xét chuyển Trí thức trẻ vào công chức cấp xã hoặc công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh có chỉ tiêu biên chế, vị trí việc làm phù hợp sau khi Trí thức trẻ hoàn thành nhiệm vụ;

h) Trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bổ sung, điều chỉnh danh sách các xã được tăng cường Trí thức trẻ và lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ cần tăng cường Trí thức trẻ.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhiệm vụ quản lý chung đối với các Trí thức trẻ được tăng cường về công tác tại các xã trên địa bàn cấp huyện, cụ thể:

a) Tiếp nhận và thực hiện việc quản lý, sử dụng các Trí thức trẻ được tăng cường về công tác tại các xã trên địa bàn cấp huyện theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh;

b) Ủy quyền cho Phòng Nội vụ cấp huyện trực tiếp giao kết Hợp đồng lao động với Trí thức trẻ;

c) Thực hiện việc quản lý, chỉ đạo thực hiện chế độ tiền lương, nâng bậc lương và các chế độ khác đối với Trí thức trẻ tăng cường về các xã như đối với công chức cấp xã;

d) Báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các Trí thức trẻ tăng cường về các xã cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nội vụ;

đ) Thực hiện việc điều động Trí thức trẻ từ xã này sang làm việc ở xã khác trong địa bàn; điều động, tiếp nhận Trí thức trẻ giữa 02 đơn vị cấp huyện trong tỉnh sau khi có ý kiến thỏa thuận thống nhất của Giám đốc Sở Nội vụ;

e) Quyết định khen thưởng, xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật đối với Trí thức trẻ như đối với công chức cấp xã;

g) Xem xét, cho ý kiến trước khi Phòng Nội vụ cấp huyện quyết định chấm dứt Hợp đồng lao động đối với Trí thức trẻ được đánh giá 02 năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng được yêu cầu công việc;

h) Tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng Trí thức trẻ như đối với đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã;

i) Phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình công tác của Trí thức trẻ tại các địa phương;

k) Hàng năm tổ chức gặp mặt Lãnh đạo các xã và các Trí thức trẻ để nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ của Trí thức trẻ và công tác quản lý của các xã.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Nội vụ cấp huyện:

Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhiệm vụ quản lý chung đối với các Trí thức trẻ được tăng cường về công tác tại các xã trên địa bàn cấp huyện:

a) Tiếp nhận, cập nhật, bổ sung và trực tiếp quản lý hồ sơ Trí thức trẻ theo quy định của pháp luật;

b) Trên cơ sở ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phòng Nội vụ trực tiếp giao kết Hợp đồng lao động đối với Trí thức trẻ;

c) Quyết định chấm dứt Hợp đồng lao động và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Nội vụ đối với các trường hợp:

- Trí thức trẻ được đánh giá 02 năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng được yêu cầu công việc sau khi có ý kiến thống nhất của Ủy ban nhân dân cấp huyện;

- Trí thức trẻ vi phạm pháp luật bị áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc.

d) Tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Trí thức trẻ theo quy định của pháp luật;

đ) Thực hiện các nhiệm vụ quản lý chung đối với các Trí thức trẻ theo phân công của UBND cấp huyện.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các xã:

a) Ủy ban nhân dân các xã tiếp nhận Trí thức trẻ được tăng cường về công tác;

b) Trực tiếp quản lý, sử dụng, phân công, bố trí công tác cho Trí thức trẻ phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ;

c) Bố trí phương tiện làm việc và trực tiếp chi trả chế độ cho Trí thức trẻ;

d) Nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ hàng năm đối với Trí thức trẻ;

đ) Thực hiện chế độ, chính sách, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; quy hoạch, tạo nguồn đối với Trí thức trẻ;

e) Đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở cấp huyện khen thưởng, xử lý vi phạm đối với Trí thức trẻ;

g) Tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Trí thức trẻ theo quy định của pháp luật;

h) Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của Trí thức trẻ cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phòng Nội vụ.

Điều 11. Trách nhiệm phối hợp của Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh, các cơ quan liên quan

Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh, các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp với Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc quản lý và hướng dẫn việc thực hiện chế độ đối với Trí thức trẻ theo chức năng, thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Chương V

KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ KỶ LUẬT

Điều 12. Khen thưởng

Việc khen thưởng đối với Trí thức trẻ được áp dụng như quy định đối với công chức cấp xã.

Điều 13. Xử lý kỷ luật

Việc xử lý kỷ luật, áp dụng hình thức xử lý kỷ luật đối với Trí thức trẻ được áp dụng như đối với công chức cấp xã theo quy định tại Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn.

Trường hợp Trí thức trẻ vi phạm pháp luật bị áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc thì sẽ bị chấm dứt Hợp đồng lao động.

Thẩm quyền xử lý chấm dứt Hợp đồng lao động được thực hiện theo Điều 10 của Quy chế này.

Điều 14. Xử lý đối với Trí thức trẻ khi tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trái pháp luật

Trường hợp Trí thức trẻ tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trái pháp luật thì phải bồi thường cho Nhà nước kinh phí đào tạo, bồi dưỡng và các chi phí quản lý khác có liên quan.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Giám đốc Sở Nội vụ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Trưởng Phòng Nội vụ các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã được tăng cường Trí thức trẻ, các Trí thức trẻ và Thủ trưởng các cơ quan liên quan có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

Điều 16. Trong quá trình thực hiện nếu gặp vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, cá nhân kịp thời báo cáo, kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 07/2015/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế quản lý, sử dụng Trí thức trẻ tăng cường về công tác tại xã giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa do Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành

  • Số hiệu: 07/2015/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/04/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
  • Người ký: Nguyễn Chiến Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản