Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 07/2010/QĐ-UBND

Long Xuyên, ngày 04 tháng 3 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT HỒ SƠ LIÊN QUAN ĐẾN GIẤY KHAI SINH VÀ CÁC LOẠI HỒ SƠ CÁ NHÂN KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Cư trú ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú;
Căn cứ Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định về đăng ký và quản lý hộ tịch;
Căn cứ Thông tư số 06/2007/TT-BCA-C11 ngày 01 tháng 7 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú;
Căn cứ Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 02 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 08/TTr-STP ngày 03/02/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp giải quyết hồ sơ liên quan đến giấy khai sinh, hộ khẩu, hồ sơ học sinh, sinh viên và các loại hồ sơ cá nhân khác trên địa bàn tỉnh An Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp trực thuộc tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Cục kiểm tra văn bản - BTP
- Bộ Tư pháp;
- Website Chính phủ;
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu: VT

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Tùng

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT HỒ SƠ LIÊN QUAN ĐẾN GIẤY KHAI SINH VÀ CÁC LOẠI HỒ SƠ CÁ NHÂN KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2010/QĐ-UBND ngày 04 tháng 3 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

Để góp phần cải cách thủ tục hành chính, xác định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết yêu cầu của công dân về việc điều chỉnh các loại giấy tờ về hộ tịch, cải sửa hộ khẩu, chứng minh nhân dân, hồ sơ học sinh và các giấy tờ cá nhân khác, UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp giải quyết hồ sơ liên quan đến giấy khai sinh, hộ khẩu, hồ sơ học sinh, sinh viên và các loại hồ sơ cá nhân khác trên địa bàn tỉnh An Giang.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định việc giải quyết các trường hợp hồ sơ của cá nhân khi có sự sai lệch nội dung trong giấy khai sinh so với hộ khẩu; hồ sơ học sinh, sinh viên và các loại giấy tờ khác.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các cá nhân có liên quan và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết hồ sơ theo quy định tại Điều 1 Quy chế này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Hồ sơ của cá nhân là các loại giấy tờ gồm hộ khẩu, chứng minh nhân dân, hồ sơ cán bộ, công chức, các loại văn bằng, giấy chứng nhận, các loại giấy phép và các loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu.

2. Quyết định cho phép cải chính hộ tịch gồm quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch; xác định lại dân tộc; xác định lại giới tính; điều chỉnh hộ tịch; bổ sung hộ tịch.

3. Giấy khai sinh hợp pháp là giấy khai sinh được cấp đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch.

Điều 4. Nguyên tắc chung

1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với giấy khai sinh của người đó.

2. Cơ quan có thẩm quyền cấp loại giấy tờ nào cho công dân thì có trách nhiệm điều chỉnh nội dung loại giấy tờ đó.

3. Khi điều chỉnh hộ khẩu, hồ sơ học sinh, sinh viên và các loại giấy tờ cá nhân khác phải phù hợp với giấy khai sinh.

Điều 5. Các trường hợp cụ thể

1. Người có hai (02) giấy khai sinh hợp pháp, đăng ký vào hai (02) thời điểm khác nhau, một giấy khai sinh sử dụng để đi học và một giấy khai sinh sử dụng để nhập hộ khẩu. Giữa các giấy tờ này có sự sai lệch về ngày, tháng, năm sinh hoặc các phần khai khác.

2. Người có hai (02) giấy khai sinh nhưng có một giấy khai sinh không hợp pháp, giấy khai sinh hợp pháp sử dụng để đi học, giấy khai sinh không hợp pháp sử dụng để nhập hộ khẩu. Giữa các giấy tờ này có sự sai lệch về ngày, tháng, năm sinh hoặc các phần khai khác.

3. Người có hai (02) giấy khai sinh nhưng có một giấy khai sinh không hợp pháp, giấy khai sinh không hợp pháp sử dụng để đi học, giấy khai sinh hợp pháp sử dụng để nhập hộ khẩu. Giữa các giấy tờ này có sự sai lệch về ngày, tháng, năm sinh hoặc các phần khai khác.

4. Giấy tờ của cá nhân phù hợp với giấy khai sinh nhưng trong quá trình đăng ký khai sinh, công dân khai báo nhầm lẫn hoặc do sai sót trong quá trình tác nghiệp của cán bộ cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên những nội dung trong sổ đăng ký khai sinh có sự sai lệch so với hồ sơ của cá nhân, nay công dân có yêu cầu điều chỉnh cho phù hợp.

5. Hồ sơ của cá nhân có trước giấy khai sinh:

a) Các nội dung như họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh và các phần khai khác ghi trong giấy khai sinh đúng với thực tế nhưng có sự sai lệch so với hồ sơ của cá nhân.

b) Các nội dung như họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh và các phần khai khác ghi trong hồ sơ của cá nhân đúng với thực tế nhưng có sự sai lệch so với giấy khai sinh.

6. Người không có giấy khai sinh nhưng có hồ sơ cá nhân, tuy nhiên trong hồ sơ cá nhân có các nội dung như: họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh và các phần khai khác có sự sai lệch với nhau, nay công dân có yêu cầu điều chỉnh các nội dung này trong các loại giấy tờ nêu trên cho có sự thống nhất.

7. Công dân có một giấy khai sinh nhưng giấy khai sinh này không hợp pháp.

8. Một người mượn giấy khai sinh hợp pháp của người khác để đi học nay có yêu cầu điều chỉnh hồ sơ học sinh, sinh viên và văn bằng cho phù hợp với thực tế.

9. Giấy khai sinh được đăng ký từ năm 1975 trở về trước nhưng có sự sai lệch ngày, tháng, năm sinh hoặc các phần khai khác so với hộ khẩu và các loại giấy tờ cá nhân khác.

Chương II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VÀ THỜI GIAN GIẢI QUYẾT HỒ SƠ

Điều 6. Trình tự giải quyết hồ sơ

1. Các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 5 Quy chế này được giải quyết như sau:

a) Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) ra quyết định thu hồi giấy khai sinh không hợp pháp hoặc giấy khai sinh cấp sau.

b) Căn cứ vào quyết định thu hồi của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, cơ quan Công an và ngành Giáo dục cấp có thẩm quyền giải quyết yêu cầu điều chỉnh trong hộ khẩu; hồ sơ học sinh, sinh viên và giấy tờ cá nhân khác cho công dân.

2. Trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 5 Quy chế này được giải quyết như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định cho phép cải chính hộ tịch đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên.

Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) ra quyết định cho phép cải chính hộ tịch đối với người dưới 14 tuổi. Trừ trường hợp xác định lại dân tộc, giới tính.

b) Căn cứ vào quyết định cho phép cải chính hộ tịch của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, cơ quan Công an và ngành Giáo dục cấp có thẩm quyền giải quyết yêu cầu điều chỉnh trong hộ khẩu; hồ sơ học sinh, sinh viên và các loại giấy tờ cá nhân khác cho công dân.

c) Các cơ quan chỉ được giải quyết đối với những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này khi có đủ cơ sở để xác định khi đăng ký khai sinh có sự sai sót trong quá trình tác nghiệp của cán bộ cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc do công dân khai báo nhầm lẫn. Trường hợp cải chính trong giấy khai sinh do đương sự cố tình khai sai sự thật để đăng ký trước đây nhằm hợp thức hóa hồ sơ, giấy tờ hiện tại thì không giải quyết.

3. Trường hợp quy định tại điểm a khoản 5 Điều 5 Quy chế này được giải quyết như sau:

Cơ quan cấp loại giấy tờ nào cho công dân thì có trách nhiệm điều chỉnh các nội dung trong loại giấy tờ đó, căn cứ điều chỉnh là giấy khai sinh hợp pháp.

4. Trường hợp quy định tại điểm b khoản 5 Điều 5 Quy chế này được giải quyết như sau:

a) Hồ sơ của cá nhân đều thống nhất với nhau về các nội dung như: họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh và các phần khai khác thì căn cứ vào hồ sơ của cá nhân để điều chỉnh giấy khai sinh.

b) Trường hợp một số hồ sơ cá nhân không thống nhất với nhau thì cơ quan cấp loại giấy tờ nào cho công dân có trách nhiệm điều chỉnh các nội dung trong loại giấy tờ đó, căn cứ điều chỉnh là giấy tờ hợp pháp được cấp đầu tiên.

Sau khi điều chỉnh hồ sơ của cá nhân thống nhất với nhau, căn cứ vào hồ sơ của cá nhân và hộ khẩu để điều chỉnh giấy khai sinh.

5. Trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 5 Quy chế này được giải quyết như sau:

a) Cơ quan cấp loại giấy tờ nào cho công dân thì có trách nhiệm điều chỉnh các nội dung trong loại giấy tờ đó, căn cứ điều chỉnh là các loại giấy tờ hợp pháp được cấp đầu tiên.

b) Trường hợp công dân có yêu cầu đăng ký khai sinh thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi công dân có hộ khẩu thường trú căn cứ vào hộ khẩu tiến hành đăng ký khai sinh cho công dân theo quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch.

6. Trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 5 Quy chế này được giải quyết như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thu hồi giấy khai sinh không hợp pháp theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Tư pháp hoặc Sở Tư pháp.

b) Sau khi có quyết định thu hồi giấy khai sinh của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi công dân có hộ khẩu thường trú căn cứ vào hộ khẩu tiến hành đăng ký khai sinh cho công dân theo quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch.

7. Trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 5 Quy chế này được giải quyết như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp xã:

- Sau khi xác minh làm rõ hành vi vi phạm của người mượn giấy khai sinh của người khác để đi học, tiến hành xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp.

- Đăng ký khai sinh quá hạn đúng với thực tế về nhân thân của người đó (nếu người đó chưa có giấy khai sinh).

b) Cơ quan công an tiến hành thu hồi hộ khẩu và hủy tên người đó trong hộ khẩu (nếu người đó đã nhập hộ khẩu bằng giấy khai sinh mượn của người khác).

c) Căn cứ vào quyết định xử lý của Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan Công an, ngành Giáo dục có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ học sinh, sinh viên cho công dân.

8. Trường hợp quy định tại khoản 9 Điều 5 Quy chế này được giải quyết như sau:

a) Sở Tư pháp ra quyết định cải chính hộ tịch đối với những nội dung sai lệch trong giấy khai sinh.

b) Căn cứ vào quyết định cải chính hộ tịch của Sở Tư pháp, cơ quan công an, ngành giáo dục và các cơ quan có liên quan khác có trách nhiệm điều chỉnh những sai sót cho công dân.

c) Đối với trường hợp có sự sai lệch ngày, tháng, năm sinh trong giấy khai sinh và các loại giấy tờ cá nhân khác thì Sở Tư pháp không giải quyết việc cải chính hộ tịch mà hướng dẫn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hay nơi đăng ký khai sinh trước đây để xác nhận “người có tên; ngày, tháng, năm sinh trong giấy khai sinh và người có tên; ngày, tháng, năm sinh trong hộ khẩu và các loại giấy tờ cá nhân khác chỉ là một người” khi công dân có yêu cầu.

Điều 7. Thủ tục giải quyết hồ sơ

1. Đối với việc thu hồi giấy khai sinh:

a) Văn bản đề nghị thu hồi giấy khai sinh không hợp pháp của Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Tư pháp huyện, thị, thành phố hoặc Sở Tư pháp;

b) Bản sao giấy khai sinh không hợp pháp và bản chính (nếu có);

c) Thẩm quyền giải quyết: Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thu hồi giấy khai sinh.

2. Đối với việc cải chính hộ tịch:

a) Đơn yêu cầu của công dân (theo mẫu do Bộ Tư pháp quy định);

b) Hộ khẩu, chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế;

c) Các loại giấy tờ chứng minh việc cải chính hộ tịch là đúng với thực tế và phù hợp với quy định của pháp luật;

d) Bản sao Giấy khai sinh hợp pháp và bản chính (nếu có).

đ) Thẩm quyền giải quyết:

- Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định cho phép cải chính hộ tịch đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên.

- Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định cho phép cải chính hộ tịch đối với người từ 14 tuổi trở xuống. Trừ trường hợp xác định lại dân tộc, giới tính.

3. Điều chỉnh hộ khẩu:

Hộ khẩu, chứng minh nhân dân và các giấy tờ hợp pháp khác (nếu có);

Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (theo mẫu quy định);

c) Quyết định thu hồi giấy khai sinh hoặc Quyết định cải chính hộ tịch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Bản sao giấy khai sinh hợp pháp và bản chính (nếu có);

đ) Thẩm quyền giải quyết: Ở địa bàn huyện là Trưởng Công an xã, thị trấn; địa bàn thành phố, thị xã là Trưởng Công an thành phố, thị xã.

4. Điều chỉnh hồ sơ học sinh, sinh viên, văn bằng, chứng chỉ do ngành giáo dục cấp:

a) Hộ khẩu, chứng minh nhân dân (nếu có) hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế;

b) Hồ sơ học sinh, văn bằng còn giá trị sử dụng;

c) Quyết định thu hồi giấy khai sinh hoặc Quyết định cải chính hộ tịch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Bản sao giấy khai sinh hợp pháp và bản chính (nếu có);

đ) Tờ tường trình (đối với trường hợp mượn giấy khai sinh của người khác để đi học);

e) Thẩm quyền giải quyết: Phòng Giáo dục; Sở Giáo dục và đào tạo; các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp trực thuộc tỉnh.

5. Điều chỉnh các loại giấy tờ cá nhân khác:

a) Hộ khẩu, chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế;

b) Quyết định cải chính hộ tịch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có);

c) Bản sao giấy khai sinh hợp pháp và bản chính (nếu có);

d) Thẩm quyền giải quyết: Cơ quan cấp loại giấy tờ nào thì có trách nhiệm điều chỉnh loại giấy tờ đó.

Điều 8. Thời gian thực hiện

1. Đối với các loại hồ sơ được giải quyết tại Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Công an huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan là 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ. Trong trường hợp cần xác minh thêm thì thời gian giải quyết là 05 (năm) ngày làm việc.

2. Đối với các loại hồ sơ được giải quyết tại Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an xã, phường, thị trấn và Phòng Giáo dục huyện, thị xã, thành phố là 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ. Trong trường hợp cần xác minh thì thời gian giải quyết là 04 (bốn) ngày làm việc.

Chương III

TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP CỦA CÁC CƠ QUAN TRONG GIẢI QUYẾT HỒ SƠ

Điều 9. Trách nhiệm của Sở Tư pháp

1. Cấp giấy khai sinh cho công dân theo đúng quy định của pháp luật về hộ tịch và chính xác.

2. Phối hợp với cơ quan: Công an, Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan có liên quan kiểm tra, xác minh tính xác thực của giấy khai sinh và Quyết định cải chính hộ tịch khi có yêu cầu.

Điều 10. Trách nhiệm của Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo và các ngành có liên quan

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan: Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, các ngành có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện tốt Quy chế này.

Điều 11. Trách nhiệm của các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp trực thuộc tỉnh

Điều chỉnh các văn bằng, chứng chỉ và hồ sơ cho học viên, sinh viên theo đúng Quy chế này và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 12. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện Quy chế này.

Điều 13. Tổ chức thực hiện

Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp trực thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và các ngành có liên quan có trách nhiệm phối hợp tổ chức thực hiện tốt Quy chế này.

Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc thì các cơ quan báo cáo về Sở Tư pháp để tổng hợp và kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 07/2010/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp giải quyết hồ sơ liên quan đến giấy khai sinh, hộ khẩu, hồ sơ học sinh, sinh viên và các loại hồ sơ cá nhân khác trên địa bàn tỉnh An Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành

  • Số hiệu: 07/2010/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/03/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Lê Minh Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/03/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản