Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2002/QĐ-UBBT | Phan Thiết , ngày 11 tháng 01 năm 2002 |
V/V: PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2010.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và ủy ban Nhân dân (sửa đổi ) được Quốc hội khoá IX thông qua ngày 21/6/1994.
- Căn cứ Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định 52/CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ.
- Xét đề nghị của Sở Thương mại và Du lịch và Sở Kế hoạch và Đầu tư;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Phê duyệt: “Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2010” với những nội dung chủ yếu như bảng tóm tắt kèm theo quyết định này.
Điều 2: Căn cứ định hướng và mục tiêu phát triển Du lịch của tỉnh đến năm 2010 đã được xác định trong quy hoạch, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện và thành phố với phạm vi trách nhiệm và quyền hạn được giao, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện trong các kế hoạch hàng năm, 5 năm và các dự án phát triển cơ sở hạ tầng cụ thể, bảo đảm thực hiện tốt các định hướng và mục tiêu quy hoạch đề ra .
Điều 3: Các ông Chánh văn phòng HĐND và UBND Tỉnh, Giám đốc Sở Thương mại và du lịch, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND các huyện và thành phố Phan Thiết, Giám đốc các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN |
NỘI DUNG CHỦ YẾU QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BÌNH THUẬN THỜI KỲ 2001 – 2010
(Kèm theo quyết định số : 07/2002/QĐ/UBBT, ngày 11 tháng 01 năm 2002 của UBND tỉnh Bình Thuận )
I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
- Phát triển du lịch nhanh, bền vững, đạt hiệu quả về nhiều mặt kinh tế, văn hoá xã hội , an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn và phát huy truyền thống bản sắc dân tộc, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm phát triển du lịch của thế giới góp phần thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
- Du lịch là Ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao; du lịch phát triển tạo điều kiện phát triển các ngành khác.
- An ninh quốc phòng ; Phát triển du lịch nhưng phải đảm bảo an ninh quốc phòng, an toàn trật tự xã hội, đảm bảo các vấn đề xã hội ở địa phương, tạo điều kiện thúc đẩy du lịch phát triển.
- Đẩy mạnh du lịch trong nước, mở rộng du lịch quốc tế .
- Phát huy mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên du lịch. Coi trọng việc bảo vệ môi trường sinh thái. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm và dịch vụ du lịch phù hợp với nhu cầu của thị trường du lịch trong nước và thế giới.
- Tập trung đầu tư xây dựng có trọng điểm, tạo điều kiện từng bước phát triển du lịch rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Trước mắt tập trung khai thác thế mạnh du lịch biển, du lịch sinh thái.
2.1- Mục tiêu tổng quát.
- Tối ưu hóa sự đóng góp của Ngành du lịch vào thu nhập của tỉnh, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế bằng cách tạo môi trường kinh tế thuận lợi cho sự phát triển các ngành, đến năm 2010 phải có được các cơ sở để sau đó phát triển du lịch trở thành Ngành kinh tế công nghiệp. Có tốc độ tăng trưởng cao, đạt 25-27% (2001-2005) và 20-22% ( 2006- 2010). Lực lượng lao động lành nghề với tỷ lệ qua đào tạo chiếm 85-90% vào năm 2010. Đến năm 2010, tất cả các cơ sở có điều kiện phát triển du lịch thì phải được quy hoạch phát triển.
- Phát triển du lịch phải gắn liền với việc gìn giữ phát huy truyền thống văn hóa đặc thù của địa phương, khai thác tốt các di sản văn hóa có giá trị, các di tích lịch sử, công trình văn hóa để phát triển du lịch. Song song với phát triển du lịch Quốc tế, cần đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vui chơi, nghỉ ngơi, thăm viếng, tham quan của nhân dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
- Phát triển du lịch phải gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững, từ đó đặt ra các kế hoạch và cơ chế quản lý phù hợp với việc tôn tạo khai thác các tài nguyên du lịch, đặc biệt các khu vực thắng cảnh và các di tích lịch sử văn hóa.
2.2. Mục tiêu cụ thể :
- Phát triển du lịch Bình Thuận với mục tiêu đến năm 2005 đảm bảo cơ sở vật chất kỹ thuật đủ khả năng thu hút và đáp ứng nhu cầu du lịch cho 150.000 lượt khách nước ngoài và 1.500.000 lượt khách du lịch nội địa. Đến năm 2010 đạt 400.000 lượt khách du lịch nước ngoài và 3 triệu lượt khách nội địa. Thời gian lưu trú bình quân đạt 3 ngày.
- Nâng tỷ trọng GDP du lịch đạt 10% vào năm 2005 và 15% ( năm 2010 ) GDP toàn tỉnh. Đóng góp vào ngân sách nhà nước từ hoạt động du lịch đạt mức bình quân hàng năm khoảng 20% tổng thu ngân sách địa phương.
- Những định hướng chung :
+ Phát triển du lịch theo chính sách kinh tế mở, đảm bảo sau năm 2010 Ngành du lịch trở thành Ngành kinh tế mũi nhọn đạt hiệu quả kinh tế cao, tác động hỗ trợ các Ngành kinh tế khác phát triển.
+ Phát triển du lịch trên cơ sở đảm bảo tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển một cách bình đẳng, ổn định và có hiệu quả. Trong đó chú trọng đến việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nhằm đảm bảo được sự phát triển bền vững.
+ Hoạt động kinh doanh du lịch phải đồng thời đạt nhiều mục tiêu về kinh tế, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường. Phát huy nâng cao truyền thống văn hóa giữ gìn bản sắc dân tộc, góp phần từng bước cải thiện đời sống ,vật chất tinh thần cho nhân dân.
+ Khuyến khích thu hút vốn đầu tư khu du lịch Phan Thiết Mũi Né, Tuy Phong, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam. Phát triển du lịch sinh thái, mở thêm các điểm kinh doanh dịch vụ du lịch ở những nơi có điều kiện. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào các dịch vụ phục vụ vui chơi giải trí .
- Định hướng về tổ chức các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn :
+ Tập trung đầu tư cho Công ty du lịch Bình Thuận nhằm có đủ điều kiện phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có đủ tiềm năng về cơ sở vật chất kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, cao cấp có khả năng cạnh tranh và giữ vai trò quan trọng đối với các hoạt động du lịch tại địa phương.
+ Khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các hoạt động du lịch, giải trí ,thể thao, nghỉ dưỡng.
- Định hướng phát triển các loại hình du lịch :
Căn cứ vào tiềm năng tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh, những loại hình du lịch chủ yếu của Bình Thuận có thể tổ chức được bao gồm :
+ Du lịch nghỉ dưỡng
+ Du lịch sinh thái
+ Du lịch tham quan nghiên cứu ( Các di tích văn hóa lịch sử và hệ động thực vật trên cạn, dưới biển )
+ Du lịch câu cá, lặn biển, thể thao trên biển, săn bắn
+ Du lịch văn hóa, lễ hội
- Định hướng về đa dạng hoá các sản phẩm du lịch :
+ Ưu tiên đầu tư phát triển du lịch cảnh quan, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, tham quan, du lịch lễ hội. Khuyến khích phát triển các ngành dịch vụ phục vụ cho du lịch phát triển .
+ Thu hút và khuyến khích đầu tư các điểm, các khu vui chơi giải trí tập trung: Lầu Ông Hoàng, cáp treo núi Tà Cú; khu vui chơi giải trí khu vực Đồi Dương Phan Thiết, Đồi Dương Hàm Tân. Khuyến khích phát triển mở rộng nhiều loại hình dịch vụ để tạo sự đa dạng và hấp dẫn hơn của các sản phẩm du lịch của mình.
- Định hướng về tiếp thị và tuyên truyền quảng bá du lịch :
Đầu tư đẩy mạnh công tác xúc tiến thị trường, thông tin giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện, loại hình thông tin, đặc biệt chú ý đến các loại hình thông tin hiện đại và đại chúng như truyền hình, Internet về tiềm năng phát triển du lịch cũng như các loại hình dịch vụ du lịch hiện có của tỉnh để thu hút đầu tư phát triển du lịch và thu hút du khách đến tham quan du lịch tại tỉnh :
+ Tích cực tham gia các hội chợ, diễn đàn hội thảo về du lịch .
+ Xây dựng và phát hành rộng rãi các ấn phẩm, phim ảnh giới thiệu về con người, tiềm năng du lịch , về lịch sử văn hoá, các di tích danh lam thắng cảnh, các lễ hội, các loại hình, các điểm tham quan lưu trú và dịch vụ sản phẩm du lịch hiện có của Tỉnh.
+ Giới thiệu các khu quy hoạch du lịch, các dự án đầu tư ...
- Định hướng về đào tạo phát triển Ngành :
Để đáp ứng yêu cầu về trình độ nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ lao động trong ngành du lịch, cần thiết phải có một chương trình đào tạo toàn diện với những kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao kiến thức và trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ đang công tác trong Ngành thuộc Nhà nước, Liên doanh với nước ngoài và các thành phần kinh tế khác .
4 Định hướng phát triển du lịch theo lãnh thổ :
Căn cứ vào tiềm năng tài nguyên du lịch ở từng khu vực, tổ chức không gian du lịch tỉnh Bình Thuận được xác định gồm các khu du lịch như sau:
* Khu du lịch Phan Thiết- Mũi Né :
Diện tích đất phát triển du lịch : 900 ha
Về không gian phát triển của khu du lịch này bao gồm các khu vực : Đồi Dương -Thương Chánh, Khu vực Lầu Ông Hoàng, Mũi Đá Ông Địa kéo dọc theo khu vực ven biển xã Hàm Tiến, bãi sau Mũi Né đến Hòn Rơm và khu vực ven biển thuộc xã Tiến Thành, khu vực Bãi sau Hòn Rơm đi Suối Nước với các phân khu chức năng xác định cho từng khu như sau :
+ Khu Lầu Ông Hoàng- Núi Cố : Khu vui chơi giải trí tập trung với các sản phẩm chủ yếu: Vui chơi giải trí, tham quan nghiên cứu và nghỉ dưỡng.
+ Khu Hàm Tiến - Suối Tiên : Khu du lịch nghỉ dưỡng
+ Khu Suối Tiên: Khu tham quan nghiên cứu, du lịch sinh thái.
+ Khu Làng chài- Mũi Né : Khu dịch vụ du lịch cộng đồng
+ Khu bãi sau Mũi Né- Hòn Rơm - Suối Nước: Khu tắm biển, tham quan, sinh thái và nghỉ dưỡng.
+ Khu vực Tiến Thành : Khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, tắm biển.
* Khu du lịch Cà Ná- Vĩnh Hảo- Cù Lao Câu- Bình Thạnh.(Tuy Phong)
Diện tích đất phát triển du lịch : 300 ha
Không gian phát triển của khu du lịch này là các khu vực ven biển của xã Bình Thạnh từ Chùa Hang đến Đền Bình An, khu ven biển của xã Vĩnh Hảo từ Cà Ná đến trại tôm giống CP, khu vực ven biển xã Phước Thể, xã Chí Công ( Khu Gành Son ) và Đảo Cù Lao Câu.
* Khu du lịch Hàm Tân :
Diện tích đất phát triển du lịch : 500 ha, trung tâm là khu vực Đồi Dương- Hòn Bà.
Không gian phát triển của khu du lịch bao gồm các khu vực đồi dương của xã Tân Bình với diện tích 150 ha và toàn bộ Hòn Bà với diện tích 4 ha, các khu vực ven biển Ngảnh Tam Tân - Mỏm Đá Chim trong phạm vi 4 km, khu vực Dinh Thầy Thím, khu vực Hồ Núi Đất với diện tích 150 ha, dải đất ven biển khu vực Đồi Dương Tân Thiện với diện tích 100 ha và khu vực vườn cây ăn trái thôn Thắng Hải xã Tân Thắng 100 ha.
* Khu du lịch Tiến Thành- Hàm Thuận Nam:
Diện tích đất phát triển du lịch : 600 ha
Không gian phát triển của khu du lịch được hình thành dọc theo ven biển xã Tiến Thành TP Phan Thiết đến khu vực Hòn Giồ , khu vực Thuận Qúy ( từ suối Nhum ) đến Mũi Điện- Khe Gà ( xã Tân Thành ), khu vực Hòn Lan và khu vực suối nước nóng Bưng Thị, Tân Thuận và khu vực núi Tà Cú.
* Các điểm du lịch : Tổng số điểm du lịch : 49 điểm
Trong đó có :
+ 29 điểm là các di tích văn hóa lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.
+ 27 điểm là tài nguyên du lịch tự nhiên
Về khả năng thu hút khách du lịch: Có 23 điểm loại A có khả năng thu hút khách du lịch Quốc tế và nội địa, và 17 điểm loại B chỉ có khả năng thu hút khách tại địa phương.
4. Định hướng phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch :
Định hướng chính :
- Về phát triển cơ sở lưu trú và công trình dịch vụ du lịch :
+ ư u tiên bố trí cho những dự án đầu tư trong các khu du lịch Tuy Phong, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân.
+ Hạn chế các dự án đầu tư xây dựng khách sạn dưới 20 phòng ở nội thành Phan Thiết, các công trình xây dựng có tính chất tạm trong các khu du lịch đã được quy hoạch.
+ Đối với các Khu du lịch ven biển, việc thiết kế xây dựng cơ sở lưu trú phải phù hợp với cảnh quan thiên nhiên tránh lập lại những kiến trúc đã có
+ ư u tiên khuyến khích các dự án đầu tư xây dựng các khu thể thao hoặc các dự án đầu tư gắn liền với các dịch vụ thể thao trên biển, trên cạn...
- Phát triển các công trình vui chơi giải trí :
+ Khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng toàn bộ hoặc từng phần vào khu vui chơi giải trí khu vực Lầu Ông Hoàng- Đá Ông Địa ( Phan Thiết ).
+ Đầu tư xây dựng đồng bộ cho việc tổ chức hoạt động lặn biển tham quan hệ động thực vật dưới biển tại Khu vực Cù Lao Câu ( Tuy Phong ).
+ Đầu tư xây dựng tuyến cáp treo khu vực núi Tà Cú ( Hàm Thuận Nam ).
+ Đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí khu vực Đồi Dương Phan Thiết, Đồi Dương Hàm Tân và khu vui chơi gải trí Cầu Ké.
- Phát triển hệ thống cây xanh phục vụ hoạt động du lịch và bảo vệ môi trường:
Những khu vực cần phải được đầu tư phát triển hệ thống cây xanh gồm :
+ Khu du lịch Phan Thiết- Mũi Né : Khu Lầu Ông Hoàng- Đá Ông Địa, trong đó đặc biệt là khu đất phía tây đường 706 từ chân dốc Lầu Ông Hoàng- Đá Ông Địa; Khu bãi sau Mũi Né kéo tới Hòn Rơm, Long sơn Suối nước.
+ Khu du lịch Tuy Phong : Vùng ven biển xã Chí Công, Bình Thạnh, Liên Hương, Khu vực ven chân núi Vĩnh Hảo.
- Khu du lịch Thuận Qúy- Khe Gà : Vùng ven biển từ Thuận Qúy ( Khu vực Suối Nhum ) kéo đến Mũi Điện -Khe Gà.
- Khu du lịch Đồi Dương -Hòn Bà : Vùng ven biển xã Tân Hải kéo dài đến Ngảnh Tam Tân mỏm Đá chim.
- Tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử và phát triển các lễ hội truyền thống:
+ Tôn tạo, nâng cấp và quy hoạch lại các điểm di tích văn hóa lịch sử bảo đảm được tiêu chuẩn của một điểm du lịch.
+ Phục hồi phát triển các lễ hội truyền thống phục vụ du lịch như : Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải, Lễ hội Nghinh Ông ( Người Hoa )...
+ Quy hoạch xây dựng và khôi phục một số làng nghề truyền thống của tỉnh ( Làng Chài, Làng thủ công Mỹ nghệ...) để đưa khách tham quan tìm hiểu và mua hàng lưu niệm.
- Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch:
+ Đầu tư hoàn thiện hệ thống đường giao thông ven biển từ La Gi đi Phan Rí và các trục đường giao thông chính trong các khu du lịch đã được Quy hoạch.
+ Đầu tư xây dựng cơ sở xử lý môi trường, hệ thống cấp nước tập trung cho các khu du lịch trọng điểm như : Khu du lịch Phan Thiết- Mũi Né, Khu du lịch Cà Ná- Vĩnh Hảo và khu du lịch Thuận Qúy- Khe Gà.
+ Đầu tư hoàn thiện hệ thống lưới điện trung thế và thông tin liên lạc tới các khu du lịch đã xác định trong quy hoạch.
5. Các giải pháp thực hiện quy hoạch:
- Giải pháp vốn:
+ Nhu cầu vốn : Để đạt được các mục tiêu theo các phương án phát triển như trên, nhu cầu vốn đầu tư cho thời kỳ 2001-2010 khoảng 3.948- 5.177 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2001-2005 là 1.368 -1.587 tỷ đồng và giai đoạn 2006-2010 là 2.542- 3.540 tỷ đồng.
+ Cân đối và giải pháp huy động vốn :
* Huy động vốn từ nguồn tích lũy trong hoạt động của Ngành : Với tỷ lệ khoảng 20-25% GDP du lịch
* Thu hút vốn đầu tư trong nước thông qua việc tăng cường liên doanh trong nước, khuyến khích đầu tư trong nước theo luật đầu tư để xây dựng các Khách sạn, Nhà hàng, Khu du lịch...
* Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoặc liên doanh với nước ngoài: Cần hướng đầu tư nước ngoài vào các dự án lớn như xây dựng Khu vui chơi giải trí hiện đại, xây dựng các Khu nghỉ dưỡng cao cấp.
* Tạo nguồn vốn: Ngoài việc thu hút vốn bằng hình thức ngân hàng, tín dụng, qũy hổ trợ, vốn đầu tư trực tiếp của trong và ngoài nước, cần nghiên cứu ban hành chính sách dùng quỹ đất để tạo nguồn vốn với hình thức cho thuê đất trả tiền trước...
- Về cơ chế chính sách :
* Cơ chế và chính sách đầu tư : Cần có chính sách khuyến khích và đơn giản hóa các thủ tục hành chính để thu hút được các nhà đầu tư .
* Cơ chế chính sách về thị trường: Tôn trọng nguyên tắc và cơ chế vận hành khách quan của thị trường. Trên cơ sở các nghiên cứu về thị trường du lịch Việt Nam bao gồm cả thị trường trong và ngoài nước để có cơ chế và chính sách thích hợp nhằm khai thác tối đa tiềm năng của các thị trường, trước mắt là thị trường Pháp, ý, Nhật và các nước trong Khu vực ASEAN.
Đối với thị trường nội địa cũng cần có cơ chế chính sách phù hợp nhằm khai thác tối đa thị trường khách ở Thành phố Hồ Chí Minh, Khu Công nghiệp tập trung Đồng Nai và các tỉnh Khu vực miền Đông Nam Bộ.
- Nâng cao trình độ quản lý và nghiệp vụ du lịch :
+ Xúc tiến các chương trình đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, nhân viên của các cơ sở du lịch thuộc mọi thành phần kinh tế, phù hợp với nội dung, chương trình và kế hoạch đào tạo chung của Ngành. Từng bước thực hiện xã hội hóa giáo dục du lịch toàn dân để nâng cao nhận thức về du lịch
+ Có kế hoạch cử cán bộ quản lý đi đào tạo thêm về nghiệp vụ ở trong và ngoài nước, đặc biệt là các nước trong khu vực để nâng cao trình độ quản lý, từng bước đưa du lịch Bình Thuận hội nhập vào hoạt động du lịch của cả nước, và trong Khu vực.
- Đổi mới và tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch :
+ Nâng cao vai trò thực hiện thống nhất quản lý về hoạt động du lịch của nhà nước trên địa bàn mà sở Thương mại và du lịch là cơ quan tham mưu giúp UBND Tỉnh.
+ ổn định, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện chức năng nhiệm vụ các Ban quản lý các khu du lịch.
+ Thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vừa đảm bảo quy định của pháp luật, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và nhân dân trong đầu tư phát triển kinh doanh du lịch.
+ Nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch các khu du lịch trong tỉnh làm cơ sở cho việc quản lý, kêu gọi đầu tư.
+ Tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa các ngành ,các cấp trong quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch .
6. Các chương trình phát triển
Gồm có các chương trình sau :
- Chương trình quảng bá ,tuyên truyền về du lịch .
- Chương trình nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch.
- Chương trình hoàn thiện tổ chức, nâng cao hiệu qủa quản lý nhà nước về du lịch.
- Chương trình phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, nâng cấp các khu, điểm du lịch .
- Chương trình bảo vệ môi trường các khu, điểm du lịch .
- Chương trình phát triển hàng thủ công mỹ nghệ và các dịch vụ phục vụ du lịch .
7. Tổ chức thực hiện quy hoạch :
- Công tác tổ chức quản lý quy hoạch :
+ Kiện toàn bộ máy của Sở Thương mại và Du lịch để tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước đối với mọi hoạt động du lịch.
+ Thành lập Trung tâm thông tin và tư vấn đầu tư phát triển du lịch.
+ Thành lập một số Ban quản lý đối với một số khu du lịch trọng điểm trong tỉnh để giúp UBND Tỉnh và UBND Huyện, Thành phố quản lý các hoạt động đầu tư, khai thác kinh doanh du lịch theo quy hoạch, quản lý bảo vệ môi trường, trật tự an toàn xã hội,...
- Công tác thực hiện :
+ Tiến hành xác định ranh giới, cắm mốc xác định vị trí từng khu quy hoạch du lịch trên địa bàn tỉnh.
+ Xây dựng quy hoạch chi tiết các khu du lịch, các dự án gọi vốn đầu tư phát triển du lịch và giới thiệu công khai các quy hoạch và các dự án đầu tư .
+ Đầu tư vào kết cấu hạ tầng ở các khu du lịch, các tuyến du lịch trọng điểm .
+ Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện quản lý chặt chẽ lãnh thổ được quy hoạch.
+ Xây dựng các dự án có khả năng thực thi cao nhằm bảo vệ, tôn tạo và khai thác tối đa các tiềm năng du lịch của Bình Thuận.
+ Có chính sách đầu tư thoả đáng nhằm cải tạo, nâng cấp và xây mới cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, trong đó có du lịch./.
- 1Quyết định 2893/QĐ-UBND năm 2011 bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật đến ngày 30/9/2011 đã hết thời hạn, thời hiệu có hiệu lực, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng không còn do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 2Quyết định 1622/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013 - 2030
- 3Nghị quyết 29/2013/NQ-HĐND về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng 2030
- 4Quyết định 20/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025
- 5Quyết định 812/QĐ-UBND năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành
- 6Quyết định 158/QĐ-UBND năm 2013 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành đến ngày 30/9/2012 hết hiệu lực thi hành
- 1Quyết định 2893/QĐ-UBND năm 2011 bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật đến ngày 30/9/2011 đã hết thời hạn, thời hiệu có hiệu lực, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng không còn do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 2Quyết định 812/QĐ-UBND năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành
- 3Quyết định 158/QĐ-UBND năm 2013 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành đến ngày 30/9/2012 hết hiệu lực thi hành
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1994
- 2Nghị định 52/1999/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng
- 3Quyết định 1622/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013 - 2030
- 4Nghị quyết 29/2013/NQ-HĐND về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng 2030
- 5Quyết định 20/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025
Quyết định 07/2002/QĐ-UBBT về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2010
- Số hiệu: 07/2002/QĐ-UBBT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 11/01/2002
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
- Người ký: Lê Tú Hoàng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 11/01/2002
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra