Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ Y TẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2008/QĐ-BYT | Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2008 |
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn lấy, ghép bộ phận cơ thể không tái sinh ở người sống.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ và Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục của Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng Y tế các ngành chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT.BỘ TRƯỞNG |
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG TƯ VẤN LẤY, GHÉP BỘ PHẬN CƠ THỂ KHÔNG TÁI SINH Ở NGƯỜI SỐNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2008/QĐ-BYT ngày 14 tháng 02 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
Cơ sở y tế có đủ điều kiện lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người theo quy định chỉ được tiến hành kỹ thuật lấy, ghép bộ phận cơ thể không tái sinh ở người sống sau khi đã tổ chức tư vấn về sức khỏe, tâm lý xã hội cho người hiến, người nhận; được Hội đồng tư vấn lấy, ghép bộ phận cơ thể không tái sinh ở người sống (sau đây gọi tắt là Hội đồng tư vấn ) đồng ý bằng văn bản và được người đứng đầu cơ sở y tế đó quyết định.
1.Tổ chức Hội đồng tư vấn
a) Hội đồng tư vấn do người đứng đầu cơ sở y tế ra quyết định thành lập.
b) Thành phần Hội đồng tư vấn có ít nhất là năm người, bao gồm:
- Một Chủ tịch Hội đồng tư vấn là người trong ban lãnh đạo cơ sở y tế.
- Một Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn là trưởng nhóm phẫu thuật lấy, ghép bộ phận cơ thể người.
- Uỷ viên Hội đồng tư vấn gồm các chuyên gia liên quan đến ghép bộ phận cơ thể người, chuyên gia pháp luật và chuyên gia tâm lý.
- Thư ký Hội đồng tư vấn là một uỷ viên kiêm nhiệm của Hội đồng.
c) Hội đồng tư vấn hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm và có thời hạn hoạt động theo quy định của người đứng đầu cơ sở y tế.
2. Nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn
a) Hội đồng tư vấn có nhiệm vụ tổ chức tư vấn cho người hiến, nhận bộ phận cơ thể không tái sinh (gọi tắt là bộ phận cơ thể ) về phương diện sức khoẻ và tâm lý xã hội, giúp cho người hiến, nhận bộ phận cơ thể đưa ra quyết định cuối cùng về việc hiến, nhận bộ phận cơ thể một cách tự nguyện.
b) Trao đổi phân tích cho người hiến và người nhận về những tác động, ảnh hưởng đến tâm lý xã hội, sức khoẻ trước mắt cũng như lâu dài và những rủi ro có thể xẩy ra trong quá trình lấy, ghép bộ phận cơ thể và cuộc sống lâu dài của họ sau này.
c) Đánh giá thông qua trắc nghiệm tâm lý của người tự nguyện hiến bộ phận cơ thể và theo dõi diễn biến tâm lý của họ.
3. Trách nhiệm của Hội đồng tư vấn
a) Tư vấn khoa học, đầy đủ, chính xác cho người hiến và người nhận bộ phận cơ thể về phương diện sức khoẻ, tâm lý xã hội. Tư vấn đảm bảo nguyên tắc bí mật theo quy định của pháp luật.
b) Đưa ra kết luận khoa học làm cơ sở cho người đứng đầu cơ sở y tế xem xét, quyết định về việc lấy, ghép bộ phận cơ thể người .
c) Chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ sở y tế và trước pháp luật về hoạt động tư vấn của mình.
4. Quyền hạn của Hội đồng tư vấn
a) Yêu cầu người hiến, người nhận bộ phận cơ thể, các cá nhân và đơn vị có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác tư vấn theo quy định của pháp luật.
b) Hoạt động trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao theo quy định này.
5. Nguyên tắc và phương pháp làm việc của Hội đồng tư vấn
a) Nguyên tắc: Hội đồng tư vấn làm việc theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Khi họp Hội đồng phải có ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng đồng ý và ghi biên bản đầy đủ thì kết luận của Hội đồng mới có giá trị pháp lý.
b) Phương pháp: Thành viên Hội đồng tư vấn, trao đổi trực tiếp phân tích cho người hiến và người nhận bộ phận cơ thể tại cơ sở y tế. Nội dung tư vấn được ghi chép đầy đủ, sau đó Hội đồng gửi biên bản họp kèm theo kết quả các phiếu tư vấn cho người đứng đầu cơ sở y tế xem xét, quyết định.
6. Kinh phí hoạt động của Hội đồng tư vấn
Người đứng đầu cơ sở y tế bố trí kinh phí hoạt động của Hội đồng tư vấn trong kế hoạch kinh phí được cấp hàng năm của đơn vị ./.
- 1Quyết định 2803/QĐ-BYT năm 2013 Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Tư vấn cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề của Bộ Y tế
- 2Thông tư 24/2018/TT-BYT quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 1Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006
- 2Nghị định 188/2007/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế
- 3Quyết định 2803/QĐ-BYT năm 2013 Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Tư vấn cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề của Bộ Y tế
- 4Thông tư 24/2018/TT-BYT quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
Quyết định 06/2008/QĐ-BYT quy định tổ chức và hoạt động của hội đồng tư vấn lấy, ghép bộ phận cơ thể không tái sinh ở người sống do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 06/2008/QĐ-BYT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 14/02/2008
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Nguyễn Thị Xuyên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 163 đến số 164
- Ngày hiệu lực: 21/03/2008
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra