Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 06/2007/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 01 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI BỐ TRÍ KHI DI DỜI, CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG HOẶC CẢI TẠO, ĐẦU TƯ XÂY DỰNG LẠI CHỢ THEO QUY HOẠCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;
Xét đề nghị của Sở Tài chính tại các Công văn số 7785/STC-BVG ngày 07 tháng 9 năm 2006, số 8112/STC-BVG ngày 15 tháng 9 năm 2006, số 10416/STC-BVG ngày 21 tháng 11 năm 2006; của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 5925/SKHĐT-KT ngày 23 tháng 11 năm 2006; của Sở Thương mại tại Công văn số 5265/STM-QLTMDV ngày 17 tháng 11 năm 2006; của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 11066/TNMT-ĐKKTĐ ngày 17 tháng 11 năm 2006; của Sở Tư pháp tại Công văn số 4059/STP-VB ngày 19 tháng 12 năm 2006 và của Ủy ban nhân dân các quận - huyện về ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí khi di dời, chấm dứt hoạt động hoặc đầu tư xây dựng chợ theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí khi di dời, chấm dứt hoạt động hoặc cải tạo, đầu tư xây dựng lại chợ theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Danh sách các chợ phải chấm dứt hoạt động hoặc đầu tư xây dựng chợ, do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Đối với mười (10) chợ bán buôn nông sản thực phẩm di dời theo Quyết định số 1549/QĐ-UB ngày 21 tháng 4 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố vẫn tiếp tục áp dụng theo chính sách quy định tại Quyết định số 83/2003/QĐ-UB ngày 20 tháng 5 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố, không áp dụng hoặc điều chỉnh theo Quy định của Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Thương mại, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Giao thông - Công chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Giám đốc Công an thành phố, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các tổ chức khác, các cá nhân kinh doanh tại các chợ phải di dời chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tín

 

QUY ĐỊNH

VỀ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI BỐ TRÍ KHI DI DỜI, CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG HOẶC CẢI TẠO, ĐẦU TƯ XÂY DỰNG LẠI CHỢ THEO QUY HOẠCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2007/QĐ-UBNDngày 22 tháng 01 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương 1:

PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG VÀ CHÍNH SÁCH BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ

Điều 1. Phạm vi, đối tượng được tính bồi thường, hỗ trợ

1. Phạm vi: Áp dụng cho các chợ phải di dời, chấm dứt hoạt động hoặc cải tạo, đầu tư xây dựng lại chợ theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2. Đối tượng được bồi thường, hỗ trợ:

- Cán bộ, công nhân viên thuộc Ban Quản lý chợ hoặc doanh nghiệp quản lý chợ.

- Các bộ phận phục vụ khác: các đơn vị, cá nhân hoạt động dịch vụ cân hàng hóa, bốc xếp, thu viên.

- Các đơn vị, cá nhân có điểm kinh doanh cố định (quầy hàng, sạp hàng, ki ốt, cửa hàng được bố trí cố định trong phạm vi chợ), thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước và có mã số thuế.

- Ngoài các trường hợp nêu trên, tùy tình hình cụ thể của địa phương Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện xem xét, quyết định phương án hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng khác (như là người buôn bán nhỏ, lẻ không có điểm kinh doanh cố định nhưng đã trực tiếp kinh doanh ổn định với thời gian liên tục từ 02 năm trở lên, có thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước,...).

3. Đối tượng không được bồi thường, hỗ trợ:

Các đơn vị, cá nhân không thuộc đối tượng được bồi thường, hỗ trợ quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 2. Bồi thường, hỗ trợ về đất

1. Đối các chợ được xây dựng trên đất do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc xây dựng trên đất do Nhà nước đã giao cho đơn vị của Nhà nước hoặc cho Ban Quản lý chợ hoặc doanh nghiệp quản lý chợ mà không phải nộp tiền sử dụng đất, khi Nhà nước thu hồi sẽ không tính bồi thường, hỗ trợ về đất.

2. Đối với những chợ được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật bằng nguồn vốn không thuộc ngân sách Nhà nước, khi Nhà nước thu hồi đất được bồi thường, hỗ trợ về đất theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 3. Bồi thường, hỗ trợ về giá trị xây dựng nhà lồng chợ, điểm kinh doanh và tài sản khác

1. Đối với giá trị xây dựng nhà lồng chợ, điểm kinh doanh:

a) Đối với các điểm kinh doanh, nhà lồng chợ và tài sản khác được đầu tư bằng nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước: không tính bồi thường, hỗ trợ.

b) Đối với các điểm kinh doanh, nhà lồng chợ và tài sản khác do các đơn vị, cá nhân tự đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn không thuộc ngân sách Nhà nước, không thể tháo rời và di chuyển thì tính bồi thường cho đơn vị, cá nhân đó. Trường hợp do các đơn vị, cá nhân góp vốn thì tính bồi thường, hỗ trợ cho các đơn vị, cá nhân góp vốn đó theo quy định.

c) Đối với các điểm kinh doanh, nhà lồng chợ và tài sản khác có thể tháo dỡ và di chuyển được, thì chỉ tính bồi thường chi phí tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt lại và thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt lại.

d) Việc tính bồi thường, hỗ trợ đối với giá trị xây dựng nhà lồng chợ, điểm kinh doanh được xác định theo đơn giá xây dựng mới của nhà, công trình do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành hoặc theo giá trị quyết toán công trình.

- Mức bồi thường các điểm kinh doanh của các hộ tiểu thương tự xây dựng được tính bằng 100% đơn giá xây dựng mới của nhà, công trình theo quy định.

- Đối với nhà lồng chợ thì mức bồi thường được xác định theo hiện trạng bằng tỷ lệ (%) giá trị còn lại nhân với đơn giá xây dựng mới theo quy định.

đ) Về giá trị thanh lý thu hồi của điểm kinh doanh, nhà lồng chợ sau khi bồi thường, hỗ trợ giao Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí di dời chợ của các quận, huyện xem xét giải quyết theo nguyên tắc:

- Việc thanh lý tháo dỡ được thực hiện theo Công văn số 3210/UB-DA ngày 13 tháng 9 năm 2001 và số 1348/UB-ĐT ngày 02 tháng 4 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Đối với các điểm kinh doanh của các hộ, cá nhân kinh doanh thì sau khi đã nhận tiền bồi thường chủ sở hữu tài sản phải tự tháo dỡ, bàn giao mặt bằng cho Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí di dời chợ và được sử dụng toàn bộ vật liệu thu hồi sau khi tháo dỡ.

- Đối với công trình xây dựng, nhà lồng chợ của các đơn vị tổ chức, thì sau khi bồi thường phải lập phương án xử lý vật liệu thu hồi và tổ chức bán thanh lý thu tiền nộp ngân sách thành phố hoặc nộp vào ngân sách quận, huyện nếu là tài sản do ngân sách quận, huyện đầu tư.

2. Tài sản khác được áp dụng mức bồi thường như sau:

a) Điện thoại (thuê bao): bồi thường theo mức giá lắp đặt mới hoặc chi phí di dời do cơ quan Bưu điện thành phố thực hiện.

b) Điện kế:

- Điện kế chính 01 pha (thuê bao) tính bồi thường như sau:

+ Lắp đặt trước ngày 01 tháng 7 năm 2005 (ngày Luật Điện lực có hiệu lực) tính bồi thường: 900.000 đồng/điện kế hoặc theo xác nhận của Chi nhánh Điện lực thuộc Công ty Điện lực thành phố.

+ Lắp đặt từ ngày 01 tháng 7 năm 2005 trở về sau (ngày Luật Điện lực có hiệu lực): không tính bồi thường, hỗ trợ.

+ Các loại điện kế còn lại: bồi thường theo giá lắp đặt mới hoặc chi phí di dời do cơ quan Điện lực thực hiện.

- Đồng hồ điện phụ (câu lại): theo chi phí thực tế.

c) Đồng hồ nước:

- Đồng hồ nước (thuê bao): bồi thường theo mức giá lắp đặt mới hoặc chi phí di dời do đơn vị quản lý cấp nước thực hiện.

- Đồng hồ nước phụ (câu lại): theo chi phí thực tế.

d) Giếng nước: Giếng nước khoan, giếng nước đào thủ công: theo chi phí thực tế do Ủy ban nhân dân quận, huyện xác định.

3. Các công trình hạ tầng kỹ thuật:

a) Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật (đèn đường, cáp điện thoại, đường điện, đường cấp thoát nước…) sẽ áp dụng phương án di dời cụ thể cho từng trường hợp. Phương án di dời và bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do đơn vị quản lý trực tiếp công trình đó lập theo định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành, thông qua cơ quan có thẩm quyền xét duyệt theo quy định hiện hành (mức bồi thường thiệt hại bằng giá trị xây dựng mới của công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương với công trình bị phá dỡ, đối với trường hợp đầu tư xây dựng lại chợ. Trường hợp chấm dứt hoạt động của chợ, không phải di dời chợ thì xác định mức bồi thường theo giá trị còn lại của công trình).

b) Việc lập, thẩm định và xét duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ di dời thực hiện theo quy định tại các Công văn số 3708/UBND-ĐT ngày 08 tháng 6 năm 2006 và số 5686/UBND-ĐT ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 4. Bồi thường về giá trị quyền sử dụng điểm kinh doanh

1. Đối với các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh tại các chợ phải di dời có hợp đồng thuê quyền sử dụng điểm kinh doanh và đã trả trước tiền thuê thì được hoàn trả lại số tiền thuê quyền sử dụng điểm kinh doanh đã nộp trên cơ sở giá thuê và thời gian sử dụng điểm kinh doanh còn lại theo hợp đồng. Số tiền hoàn trả được tính thêm lãi suất theo chế độ tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn của ngân hàng thương mại kể từ ngày nộp tiền đến ngày phương án bồi thường, hỗ trợ được phê duyệt; trường hợp bảo tồn vốn bằng vàng thì được quy đổi thành tiền tại thời điểm nộp và thời điểm phê duyệt phương án để chi trả. Số tiền hoàn trả này do cơ quan cho thuê quyền sử dụng điểm kinh doanh chi trả.

2. Các trường hợp khác, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện xem xét, đề xuất, trao đổi thống nhất với Sở Thương mại và Sở Tài chính để giải quyết. Trường hợp còn vướng mắc thì báo cáo, trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

Điều 5. Các khoản hỗ trợ khác

Các đối tượng theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Quy định này, được hưởng các khoản hỗ trợ như sau:

1. Hỗ trợ ngừng việc:

Đối với cán bộ, công nhân viên của Ban Quản lý chợ hoặc doanh nghiệp quản lý chợ và cán bộ, công nhân viên của bộ phận phục vụ khác đang hoạt động hợp pháp tại các chợ phải di dời thì Ủy ban nhân dân quận, huyện có chợ phải di dời, tạo điều kiện bố trí lại nơi làm việc khác. Trường hợp nếu không có điều kiện để bố trí hoặc phải ngừng việc để chờ bố trí lại nơi làm việc khác thì giải quyết chính sách ngừng việc, nghỉ việc theo quy định như sau:

a) Trường hợp nghỉ việc thì giải quyết theo chế độ hiện hành.

b) Trường hợp ngừng việc trong thời gian di dời chợ:

- Đối với cán bộ, công nhân viên của Ban Quản lý chợ và các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp khác đang kinh doanh tại các chợ phải di dời: hỗ trợ tiền lương theo chế độ hỗ trợ ngừng việc (bằng 70% lương thực tế) cho số cán bộ, công nhân viên làm việc tại địa điểm trực tiếp sản xuất kinh doanh phải di chuyển trong thời gian 03 tháng. Trường hợp đặc biệt do thời gian ngừng kinh doanh kéo dài hơn 03 tháng thì thời gian hỗ trợ ngừng việc tính theo thời gian thực tế ngừng việc nhưng không quá 06 tháng. Căn cứ vào bảng trả lương của bộ phận này của bình quân 06 tháng trước đó, không tính hỗ trợ đối với cán bộ, công nhân viên hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và lao động hợp đồng ngắn hạn, thời vụ.

- Đối với các bộ phận phục vụ khác: Hỗ trợ một lần 1.000.000 đồng/lao động, theo danh sách do Ủy ban nhân dân quận, huyện phê duyệt.

2. Hỗ trợ do ngừng kinh doanh:

a) Đối với các đơn vị, cá nhân có điểm kinh doanh cố định và trực tiếp kinh doanh, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước và có mã số thuế.

Căn cứ doanh thu bình quân của các tháng trong năm gần nhất hoặc của năm trước liền kề theo số liệu do Chi cục Thuế quận, huyện cung cấp, được hỗ trợ như sau:

- Hộ có doanh thu dưới 2.000.000 đồng/tháng: hỗ trợ một lần 2.000.000 đồng/hộ.

- Hộ có doanh thu từ 2.000.000 đồng/tháng đến dưới 4.000.000 đồng/tháng: hỗ trợ một lần 4.000.000 đồng/hộ.

- Hộ có doanh thu từ 4.000.000 đồng/tháng đến dưới 6.000.000 đồng/tháng: hỗ trợ một lần 6.000.000 đồng/hộ.

- Hộ có doanh thu từ 6.000.000 đồng/tháng đến dưới 8.000.000 đồng/tháng: hỗ trợ một lần 10.000.000 đồng/hộ.

- Hộ có doanh thu từ 8.000.000 đồng/tháng trở lên: được hỗ trợ 30% một năm thu nhập sau thuế theo mức thu nhập bình quân của 03 năm liền kề trước đó được cơ quan thuế xác nhận nhưng không thấp hơn 10.000.000 đồng/hộ.

b) Đối với các đơn vị, cá nhân không thuộc trường hợp nêu tại điểm a khoản này, nhưng có thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước và có mã số thuế: được tính mức hỗ trợ không quá 50% mức hỗ trợ quy định tại điểm a nêu trên.

3. Hỗ trợ chi phí di chuyển: Hỗ trợ một lần bằng tiền với mức 2.000.000 đồng/hộ kinh doanh.

4. Thưởng:

Đối với các đơn vị, cá nhân đang kinh doanh tại các chợ phải di dời, đủ điều kiện được bồi thường, hỗ trợ chấp hành tốt chủ trương, chính sách và kế hoạch di dời và bàn giao mặt bằng trước và đúng thời hạn quy định, được thưởng 5.000.000 đồng/hộ; di dời và bàn giao mặt bằng sau thời hạn quy định thì không thưởng.

5. Trường hợp đã có địa điểm mới (chợ xây dựng mới, chợ tạm,...) để tiếp tục kinh doanh, không phải ngừng kinh doanh thì không tính hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 6. Bồi thường, hỗ trợ trong trường hợp di dời tạm

Trong trường hợp cần phải di dời tạm để cải tạo, đầu tư xây dựng lại các chợ, thì kinh phí cho việc di dời tạm này được tính vào kinh phí đầu tư của dự án.

Ủy ban nhân dân quận, huyện chịu trách nhiệm thu xếp, bố trí địa điểm di dời tạm và giải quyết mức kinh phí hỗ trợ di dời tạm đối với các đối tượng đang kinh doanh tại chợ. Trường hợp đối tượng kinh doanh có yêu cầu ngưng kinh doanh, không tái bố trí lại điểm kinh doanh mới sau khi hoàn thành việc xây dựng lại chợ thì áp dụng phương án bồi thường, hỗ trợ di dời theo Quy định này.

Chương 2:

CHÍNH SÁCH NƠI ĐẾN

Điều 7. Đối tượng được hưởng chính sách nơi đến

1. Áp dụng cho các đơn vị, cá nhân có điểm kinh doanh cố định và trực tiếp kinh doanh, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước và có mã số thuế.

2. Đối với các trường hợp đặc biệt không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí di dời chợ xem xét, cụ thể từng trường hợp báo cáo, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện xem xét, quyết định.

3. Trường hợp các đối tượng đủ điều kiện được hưởng chính sách nơi đến theo quy định tại khoản 1 Điều này không có yêu cầu tái bố trí điểm kinh doanh mới hoặc chuyển đổi ngành nghề khác hoặc không xây chợ mới để tái bố trí thì được hỗ trợ một lần bằng tiền để tự lo điểm kinh doanh mới hoặc chuyển đổi nghề nghiệp như sau:

- Hộ có doanh thu dưới 2.000.000 đồng/tháng: được hỗ trợ 10.000.000 đồng/hộ kinh doanh.

- Hộ có doanh thu từ 2.000.000 đồng/tháng đến dưới 4.000.000 đồng/tháng: được hỗ trợ 15.000.000 đồng/hộ kinh doanh.

- Hộ có doanh thu từ 4.000.000 đồng/tháng đến dưới 6.000.000 đồng/tháng: được hỗ trợ 20.000.000 đồng/hộ kinh doanh.

- Hộ có doanh thu từ 6.000.000 đồng/tháng đến dưới 8.000.000 đồng/tháng: được hỗ trợ 25.000.000 đồng/hộ kinh doanh.

- Hộ có doanh thu từ 8.000.000 đồng/tháng trở lên: được hỗ trợ 30.000.000 đồng/hộ kinh doanh.

- Đối với các trường hợp đã nhận mức hỗ trợ theo quy định tại khoản này thì không tính hỗ trợ ngừng kinh doanh quy định tại khoản 2, Điều 5 của Quy định này.

Điều 8. Giá thuê điểm kinh doanh

1. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện phê duyệt đơn giá thuê điểm kinh doanh cho các đối tượng phải di dời phù hợp với thực tế tại địa phương, sau khi trao đổi thống nhất với Sở Tài chính đối với các chợ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách thành phố.

2. Đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 7 của Quy định này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện được xem xét miễn, giảm giá thuê cho phù hợp, sau khi trao đổi thống nhất với Sở Tài chính đối với các chợ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách thành phố.

Điều 9. Hợp đồng thuê và sử dụng địa điểm kinh doanh

Ban Quản lý chợ hoặc doanh nghiệp quản lý chợ ký hợp đồng cho thuê điểm kinh doanh hoặc hợp đồng sử dụng điểm kinh doanh với tiểu thương kinh doanh tại chợ theo quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ.

Điều 10. Chính sách thuế ưu đãi khi vào kinh doanh tại điểm kinh doanh mới

Trong thời gian đầu kinh doanh chưa ổn định hoặc doanh thu còn thấp, tạm thời cơ quan thuế xác định lại doanh thu tính thuế tại địa điểm kinh doanh mới cho phù hợp với thực tế kinh doanh của thương nhân trong từng thời điểm theo quy định của pháp luật.

Chương 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trình tự, thủ tục tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí

1. Căn cứ quyết định di dời, chấm dứt hoạt động chợ hoặc cải tạo, đầu tư xây dựng lại chợ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện xác lập kế hoạch di dời và thành lập Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí di dời chợ để tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí theo quy định.

2. Thành phần Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí di dời chợ:

- Chủ tịch Hội đồng: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện.

- Phó Chủ tịch Hội đồng: Trưởng hoặc Phó Phòng Kinh tế quận, huyện.

- Phó Chủ tịch Hội đồng: Trưởng hoặc Phó Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận, huyện.

- Ủy viên thường trực: Trưởng hoặc Phó Phòng Tài chính - Kế hoạch quận, huyện.

- Các Ủy viên:

+ Đại diện Chủ đầu tư (nếu có);

+ Trưởng hoặc Phó Ban Quản lý chợ;

+ Trưởng hoặc Phó Phòng Quản lý đô thị;

+ Trưởng hoặc Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường;

+ Đại diện Chi cục Thuế quận, huyện;

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn nơi có chợ phải di dời;

+ Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp quận - huyện;

+ Đại diện các hộ tiểu thương phải di dời (từ 01 đến 02 người).

- Ngoài các thành phần nêu trên, Chủ tịch Hội đồng có thể bổ sung thêm đại diện các phòng, ban khác nếu thấy cần thiết.

3. Trách nhiệm của Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí di dời chợ.

3.1. Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí di dời chợ giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp lập phương án bồi thường, hỗ trợ di dời và tái bố trí, trình duyệt và tổ chức thực hiện theo phương án được duyệt; Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí di dời chợ làm việc theo nguyên tắc tập thể và quyết định theo đa số; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng.

3.2. Trách nhiệm của các thành viên Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và  tái bố trí di dời chợ:

a) Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo các thành viên Hội đồng lập, trình duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí đã được duyệt.

b) Đại diện các hộ tiểu thương: phản ánh nguyện vọng của các tiểu thương tại các chợ phải di dời; giám sát việc thực hiện phương án và vận động những tiểu thương thực hiện di chuyển, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.

c) Các thành viên khác thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công và chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng phù hợp với trách nhiệm của ngành.

3.3. Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí di dời chợ chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý của số liệu kiểm kê, tính pháp lý về quyền sử dụng điểm kinh doanh, đối tượng được bồi thường, hỗ trợ hoặc không được bồi thường, hỗ trợ theo quy định.

3.4. Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí di dời chợ được sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân quận, huyện để hoạt động và được hưởng chi phí phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí được tính bằng hai phần trăm (2%) của chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí khi di dời chợ. Giao Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận, huyện có tư cách pháp nhân quản lý và sử dụng chi phí phục vụ này theo đúng quy định hiện hành.

Điều 12. Lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí

1. Lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí:

Căn cứ quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí khi di dời, chấm dứt hoạt động hoặc đầu tư xây dựng mới chợ theo quy hoạch do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí của dự án lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí theo bố cục và nội dung như sau:

Phần I: Nêu các căn cứ pháp lý liên quan đến dự án đầu tư và tóm tắt quy mô hiện trạng của dự án.

Phần II: Quy định cụ thể:

1) Xác định đối tượng được bồi thường, hỗ trợ.

2) Xác định giá trị quyền sử dụng quầy, sạp để tính bồi thường.

3) Xác định đơn giá các loại vật kiến trúc để tính bồi thường, hỗ trợ.

4) Các khoản hỗ trợ khác theo quy định.

5) Về việc tái bố trí (địa điểm, đơn giá thuê, hợp đồng,...).

Phần III: Dự toán chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí:

(I) Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí của các hộ tiểu thương:

(1.1) Chi phí bồi thường giá trị quyền sử dụng điểm kinh doanh.

(1.2) Chi phí bồi thường, hỗ trợ về tài sản, vật kiến trúc và tài sản khác.

(1.3) Các khoản hỗ trợ khác.

(II) Chi phí phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí (2% x 1).

(III) Dự phòng phí (10% x 1).

(IV) Tổng mức dự toán chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án: (4 = 1 + 2 + 3).

(Đính kèm theo phương án bảng tính chi phí bồi thường, hỗ trợ theo danh sách của từng trường hợp, được Chủ tịch Hội đồng ký tên và đóng dấu).

2. Sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí chịu trách nhiệm niêm yết công khai phương án tại trụ sở làm việc, Ban Quản lý chợ phải di dời, Ủy ban nhân dân phường, xã nơi có chợ phải di dời và sao gửi phương án cho các hộ có địa điểm kinh doanh tại chợ; thông báo kế hoạch và thời gian chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải quyết vấn đề tái bố trí và thực hiện giải phóng mặt bằng; đồng thời tổ chức vận động, tuyên truyền, giải thích để các tổ chức, cá nhân có liên quan cùng thực hiện.

3. Phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí:

Ủy ban nhân dân thành phố phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện phê duyệt tất cả các phương án bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí khi di dời chợ trên địa bàn quận, huyện.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc ngoài thẩm quyền giải quyết thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện trao đổi với các sở - ngành chức năng thành phố để thống nhất thực hiện. Trường hợp còn có ý kiến chưa thống nhất giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và các sở - ngành chức năng thành phố thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện có văn bản gửi Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phụ trách lĩnh vực có liên quan xem xét, quyết định.

Điều 13. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại

Các đơn vị, tổ chức, cá nhân có hoạt động quản lý, kinh doanh tại các chợ phải di dời theo quy hoạch có trách nhiệm chấp hành đầy đủ và đúng thời gian giao mặt bằng theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp đã thực hiện đúng các quy định mà các đơn vị, tổ chức, cá nhân có hoạt động quản lý, kinh doanh tại các chợ phải di dời cố tình không thực hiện bàn giao mặt bằng thì Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí di dời chợ báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính buộc phải di dời bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ; người bị cưỡng chế có quyền khiếu nại và được xem xét giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có vướng mắc, phát sinh, yêu cầu Ủy ban nhân dân quận, huyện và Sở, ngành có liên quan kịp thời báo cáo, đề xuất gửi Sở Tài chính thành phố và Sở Thương mại thành phố để Sở Tài chính tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tín

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 06/2007/QĐ-UBND Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí khi di dời, chấm dứt hoạt động hoặc cải tạo, đầu tư xây dựng lại chợ theo quy hoạch trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 06/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/01/2007
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Hữu Tín
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 13
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản