Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2006/QĐ-UBND

Đồng Hới, ngày 13 tháng 3 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG TÔM GIỐNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Thuỷ sản ban hành ngày 10/12/2003;

Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 4/5/2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất kinh doanh các ngành nghề Thuỷ sản;

Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP, ngày 15/3/2005 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Thú y;

Căn cứ Nghị định số 128/2005/NĐ-CP, ngày 11/10/2005 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thuỷ sản tại Tờ trình số 21/TT-TS ngày 15/2/2006,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về quản lý chất lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh Quảng Bình".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Thủy sản, UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3
- Văn phòng Chính Phủ;
- Bộ Thủy Sản;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư Pháp)
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT-UBND tỉnh;
- Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ban Kinh tế HĐND tỉnh;
- Báo Quảng Bình, Đài PTTH Quảng Bình;
- Sở Tư Pháp;
- Lưu VT.

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Phạm Thị Bích Lựa

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG TÔM GIỐNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 06/2006/QĐ-UBND ngày 13/03/2006 của UBND tỉnh Quảng Bình)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy định này nhằm cụ thể hoá một số quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng tôm giống và những hoạt động có liên quan phù hợp với điều kiện tỉnh Quảng Bình.

Việc quản lý tôm giống, chất lượng tôm giống theo Quy định này bao gồm giống tôm sú, tôm bạc, tôm thẻ chân trắng và tôm đất (rảo).

Điều 2. Các thuật ngữ trong quy định này được hiểu như sau:

1. Cơ sở sản xuất tôm giống: Là nơi thực hiện chức năng cho tôm bố mẹ sinh sản nhân tạo, ương nuôi từ trứng cho đến khi trở thành tôm giống.

2. Cơ sở kinh doanh tôm giống: Là nơi thực hiện nhiệm vụ mua, bán, ương nuôi, thuần dưỡng và kinh doanh tôm giống.

3. Cơ sở nuôi tôm thâm canh, công nghiệp: Là nơi nuôi tôm thương phẩm, có sử dụng giống tôm nhân tạo, thức ăn công nghiệp và các trang thiết bị cần thiết để thực hiện quá trình nuôi tôm.

Chương II

NỘI DUNG, BIỆN PHÁP QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG TÔM GIỐNG

Điều 3. Điều kiện sản xuất kinh doanh tôm giống

Các cơ sở sản xuất kinh doanh tôm giống phải có đủ các điều kiện sau:

1. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về giống thuỷ sản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.

2. Địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản phải theo quy hoạch của địa phương, ngành.

3. Cơ sở vật chất kỹ thuật và các trang thiết bị kỹ thuật, hệ thống cấp và thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, phương tiện vận chuyển, lưu giữ của cơ sở phải đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh từng đối tượng và phẩm cấp giống thuỷ sản, phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

4. Cơ sở sản xuất, kinh doanh giống phải có nhân viên kỹ thuật có chứng chỉ đã được đào tạo về kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản.

5. Có hồ sơ theo dõi quá trình sản xuất, kinh doanh tôm giống.

6. Thực hiện quy trình kỹ thuật bắt buộc đối với sản xuất tôm giống theo quy định của Bộ Thuỷ sản.

7. Phải thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, tự kiểm tra chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn đã công bố và kiểm dịch tôm bố mẹ, tôm giống theo quy định.

Điều 4. Tiêu chuẩn chất lượng tôm giống

1. Kính thước tôm giống phải đạt 11 - 15mm.

2. Trạng thái hoạt động, ngoại hình, màu sắc bình thường và không có dấu hiệu bệnh lý.

3. Được Chi cục BVNL thuỷ sản kiểm tra bằng máy PCR không có virus bệnh đốm trắng và tỷ lệ nhiễm MBV dưới mức cho phép.

4. Bao bì đóng gói phải ghi rõ: Số lượng, chủng loại, tên cơ sở, ngày, tháng, năm sản xuất.

Điều 5. Phòng và trị bệnh ở tôm nuôi

1. Cơ sở sản xuất tôm giống phải có đủ các điều kiện về vệ sinh thú y theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, khoản 1, điều 12 Pháp lệnh Thú y (đối với chăn nuôi hộ gia đình, cá nhân) và khoản 2, Điều 12 Pháp lệnh Thú y (đối với cơ sở chăn nuôi tập trung).

2. Cơ sở nuôi thương phẩm chỉ thả nuôi những tôm giống đã có giấy chứng nhận kiểm dịch do Chi cục BVNL Thuỷ sản cấp.

3. Trường hợp phát hiện tôm giống bị nhiễm bệnh, không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định thì phải thực hiện các biện pháp tiêu hủy không được để lây lan. Chi cục BVNL Thuỷ sản có trách nhiệm hướng dẫn chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh tôm giống thực hiện việc tiêu huỷ theo đúng quy định.

4. Nước thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống phải được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Tuyệt đối không được tự ý tiêu huỷ hoặc xả chất thải, xác tôm giống bị bệnh chưa được xử lý ra môi trường. Quá trình xử lý phải có hướng dẫn và giám sát của cán bộ chuyên môn Chi cục BVNL Thuỷ sản.

5. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống và cơ sở nuôi tôm thâm canh, công nghiệp khi phát hiện tôm bị bệnh phải báo ngay cho phòng kinh tế huyện, thành phố hoặc Chi cục BVNL Thuỷ sản để được hướng dẫn và xử lý.

Điều 6. Công tác kiểm dịch

1. Chi cục BVNL Thuỷ sản là cơ quan Quản lý nhà nước chuyên ngành chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác kiểm dịch động vật thuỷ sản; Có trách nhiệm chủ trì phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố và các cơ quan chức năng để thực hiện quản lý tốt chất lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh.

2. Việc kiểm dịch tôm giống do Kiểm dịch vên Chi cục BVNL Thuỷ sản thực hiện.

3. Xét nghiệm viên phải chịu trách nhiệm pháp lý về kết luận của mình trong giấy báo kết quả xét nghiệm.

Điều 7. Phân công thực hiện

1. Sở Thuỷ sản có nhiệm vụ xây dựng quy hoạch, kế hoạch, điều phối các hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm giống đồng thời kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy định này trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo Chi cục BVNL Thuỷ sản trực tiếp quản lý, thanh tra, kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm giống trên địa bàn tỉnh; Xử lý kịp thời, chính xác các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý chất lượng tôm giống theo quy định; Chỉ đạo Trung tâm khuyến ngư phổ biến, hướng dẫn và chuyển giao công nghệ sản xuất, lựa chọn tôm giống cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống trong toàn tỉnh.

2. UBND Huyện, Thành phố, phối hợp Sở Thủy sản hướng dẫn, tổ chức chỉ đạo, kiểm tra chất lượng tôm giống thả nuôi trên địa bàn quản lý, xử lý nghiêm các vụ vi phạm về quản lý chất lượng tôm giống.

Chương III

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 8. Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc tổ chức thực hiện các quy định về quản lý chất lượng tôm giống sẽ được biểu dương khen thưởng theo Quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.

Điều 9. Mọi hành vi vi phạm quy định này sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 128/2005/NĐ-CP ngày 11/10/2005 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Trong quá trình thực hiện có điều gì vướng mắc, Sở Thuỷ sản tập hợp đề xuất UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung ./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 06/2006/QĐ-UBND quy định về quản lý chất lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

  • Số hiệu: 06/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/03/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Phạm Thị Bích Lựa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản