Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NỘI VỤ
| CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
|
Số: 06/2004/QĐ-BNV | Hà Nội , ngày 10 tháng 02 năm 2004 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT BẢN ĐIỀU LỆ CỦA HỘI NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Căn cứ Sắc lệnh số 102/SL-L004 ngày 20/5/1957 quy định về quyền lập Hội;
Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 45/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội;
Xét đề nghị của Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/DIOXIN Việt Nam và của Vụ trưởng Vụ tổ chức phi Chính phủ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt bản Điều lệ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/DIOXIN Việt Nam đã được Đại hội nhiệm kỳ I ngày 10 tháng 01 năm 2004 thông qua.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/DIOXIN Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
HỘI NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN VIỆT NAM
Hội Nạn nhân chất độc da cam/DIOXIN Việt Nam (dưới đây gọi tắt là Hội Nạn nhân chất độc da cam - viết tắt là Hội) là tổ chức xã hội - từ thiện. Hội đoàn kết, tập hợp các nạn nhân bị ảnh hưởng của chất độc hóa học và cụ thể chất độc da cam/DIOXIN do các công ty Mỹ sản xuất và quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (dưới đây gọi tắt là nạn nhân chất độc da cam) và các tầng lớp nhân dân Việt Nam, tự nguyện tham gia khắc phục hậu quả chất độc da cam/DIOXIN, nhằm góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước, vì mục tiêu "dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", vì lợi ích của những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Hội hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và theo Điều lệ này, Hội chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Hội quan hệ, hợp tác với các tổ chức xã hội trong nước và trên thế giới theo nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp pháp luật của Nhà nước Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết hoặc công nhận, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Điều 1. Tên Hội: Hội Nạn nhân chất độc da cam/DIOXIN Việt Nam.
Tên tiếng Anh: Viet Nam Association for Victims of Agent Orange/DIOXIN (viết tắt là VAVO).
Điều 2. Hội là một tổ chức xã hội - từ thiện của những nạn nhân chất độc da cam là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các cá nhân, tập thể tự nguyện hoạt động đóng góp công sức, trí tuệ, tiền của để giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam, khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Điều 3. Hội được thành lập nhằm huy động mọi tiềm năng của xã hội, của các nhà hảo tâm trong nước và ngoài nước, tạo mọi điều kiện giúp đỡ để những nạn nhân chất độc da cam và gia đình hòa nhập cộng đồng - xã hội góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hội giáo dục, động viên nạn nhân chất độc da cam phấn đấu vươn lên, tổ chức chăm lo giúp đỡ lẫn nhau, thực hiện nghĩa vụ, đảm bảo quyền lợi của người công dân, góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Điều 4. Hội hoạt động trong cả nước, có biểu tượng, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng tại ngân hàng. Trụ sở của Trung ương Hội đặt tại Thủ đô Hà Nội.
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI
Tuyên truyền, vận động các tầng lớp xã hội phát huy truyền thống của dân tộc "Thương người như thể thương thân" đùm bọc thương yêu, giúp đỡ nhau về tinh thần, vật chất nhằm vượt qua những đau đớn về thể xác, giảm bớt được những khó khăn trong cuộc sống, khuyến khích nhau chiến thắng bệnh tật cùng nhau nuôi dưỡng tinh thần lạc quan để tiếp tục lao động cống hiến cho xã hội.
Bảo vệ quyền lợi các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trong quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong nước, trong quan hệ quốc tế và trong đấu tranh buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do họ gây ra.
Thay mặt các nạn nhân tham gia các diễn đàn quốc tế, các tổ chức quốc tế để bảo vệ quyền lợi các nạn nhân.
Điều 6. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội
1. Tập hợp, đoàn kết, động viên nạn nhân chất độc da cam khắc phục khó khăn, phát huy khả năng tham gia các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng, chấp hành pháp luật của Nhà nước.
2. Tuyên truyền, tổ chức các hoạt động và vận động sự đóng góp của các cá nhân, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội nghề nghiệp . . . trợ giúp về vật chất và tinh thần để cùng với Nhà nước tạo điều kiện cho những nạn nhân chất độc da cam cải thiện đời sống, hòa nhập với cộng đồng. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động của Hội.
3. Đề xuất và kiến nghị với Nhà nước ban hành, bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân chất độc da cam.
4. Mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn tài trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong lĩnh vực hoạt động nhân đạo giúp đỡ cho những nạn nhân chất độc da cam. Trao đổi kinh nghiệm về hoạt động của Hội phù hợp với pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân vì lợi ích của nạn nhân chất độc da cam.
Điều 7. Hội tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc:
1. Tự nguyện, tự quản, tự trang trải, chịu trách nhiệm trước pháp luật.
2. Đoàn kết, tương trợ và bình đẳng hợp tác.
Những nạn nhân bị ảnh hưởng của chất độc da cam do các công ty Mỹ sản xuất và quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và các cá nhân, tập thể tán thành Điều lệ của Hội, tự nguyện xin vào Hội thì được kết nạp vào Hội. Việc kết nạp Hội viên do Ban Chấp hành Hội cơ sở quyết định.
Công dân Việt Nam và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài có công đóng góp cho Hội được xem xét công nhận là Hội viên danh dự của Hội.
Hội viên danh dự không tham gia ứng cử đề cử vào Ban lãnh đạo và không tham gia biểu quyết các vấn đề của Hội.
1. Tham gia sinh hoạt tại các tổ chức của Hội, được thảo luận và biểu quyết các công việc của Hội.
2. Bầu cử, ứng cử, đề cử vào các cơ quan lãnh đạo của Hội.
3. Được nhận sự hỗ trợ giúp đỡ theo khả năng của Hội, được bảo vệ khi các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp bị xâm phạm.
4. Được đề xuất, góp ý kiến và đề nghị Hội kiến nghị với các cơ quan hữu quan về các vấn đề mà mình quan tâm.
Điều 11. Nghĩa vụ của hội viên
Chấp hành điều lệ Hội, nghị quyết của đại hội cũng như các quyết định khác của Hội.
2. Tham gia các hoạt động và hoàn thành tốt nhiệm vụ được Hội phân công.
3. Đoàn kết, hợp tác với các hội viên khác để cùng phấn đấu thực hiện mục đích của Hội; tham gia đóng góp vào việc tuyên truyền và vận động phát triển Hội.
Điều 12. Hội tổ Chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định thành lập theo đa số và làm việc theo chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Tổ chức của Hội bao gồm:
- Đại hội toàn thể, Hội nghị toàn thể hội viên,
- Ban Chấp hành,
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội,
- Ban Kiểm tra,
- Tổng Thư ký Hội,
- Văn phòng Hội,
- Các tổ chức trực thuộc Hội.
1. Đại hội thường kỳ của Hội được tổ chức 5 năm một lần do Ban Chấp hành Hội đương nhiệm triệu tập. Đại hội đầu tiên của Hội do Ban vận động thành lập Hội triệu tập. Đại hội Hội là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội. Các Quyết định của Đại hội cần được quá nửa số đại biểu chính thức tán thành.
2. Nhiệm vụ chính của Đại hội:
- Thông qua Điều lệ hoặc Điều lệ sửa đổi,
- Thảo luận Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ cũ và phương hướng nhiệm vụ hoạt động nhiệm kỳ mới của Hội,
- Thảo luận góp ý báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ của Ban Chấp hành và Ban kiểm tra,
- Thảo luận và phê duyệt: quyết toán nhiệm kỳ cũ và kế hoạch tài chính nhiệm kỳ mới của Hội,
- Bầu cử Ban Chấp hành và Ban Kiểm tra,
- Thảo luận và thông qua Nghị quyết của Đại hội.
3. Ban Chấp hành có thể triệu tập Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách của Hội, theo đề nghị của Chủ tịch Ban Chấp hành Hội hoặc của trên 50% tổng số uỷ viên Ban Chấp hành, 2/3 tổng số hội viên
4. Thư triệu tập Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu phải nêu rõ chương trình nghị sự và gửi đến tất cả hội viên ít nhất 2 tuần trước ngày họp.
5. Các Nghị quyết của Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu được thông qua bằng biểu quyết theo nguyên tắc đa số.Mỗi hội viên chính thức có 1 phiếu. Trong trường hợp không thể tham dự Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu, người đại diện hội viên có thể ủy nhiệm cho người khác làm đại diện. Hình thức biểu quyết đó Đại hội hoặc Hội nghị quyết định.
6. Hội nghị giữa kỳ của Đại hội: Cứ 2 năm rưỡi 1 lần có hội nghị giữa kỳ để kiểm tra, thúc đẩy việc thực hiện Nghị quyết đại hội.
7. Hội nghị bất thường khi có ít nhất 2/3 số ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội và quá nửa số Hội viên đề nghị, Ban Chấp hành hiệp hội sẽ triệu tập hội nghị bất thường để giải quyết những vấn đề phát sinh bức bách của Hội.
Điều 14. Ban Chấp hành là cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa 2 kỳ Đại hội
1. Số lượng ủy viên Ban Chấp hành do Đại hội quyết định, trong đó có 1 Chủ tịch, 2 - 3 Phó Chủ tịch và 01 Tổng thư ký.
2. Ban Chấp hành được Đại hội bầu bằng cách bỏ phiếu kín. Danh sách các ủy viên đề cử và ứng cử phải được Đại hội thông qua. Nhiệm kỳ của Ban Chấp hành là 5 năm. Trường hợp bổ sung thay thế các ủy viên Ban Chấp hành trong số lượng ủy viên Ban Chấp hành đã được Đại hội thông qua, Ban Chấp hành được bầu bổ sung ủy viên mới do Chủ tịch Hội giới thiệu.
3. Ban Chấp hành hoạt động theo Quy chế của Ban Chấp hành do Đại hội thông qua.
4. Ban Chấp hành họp ít nhất hai lần trong một năm theo triệu tập của Chủ tịch Ban Chấp hành. Các phiên họp Ban Chấp hành được coi là hợp lệ khi có mặt 2/3 tổng số ủy viên Ban Chấp hành.
5. Các quyết định và nghị quyết của Ban Chấp hành được thông qua bằng biểu quyết và chỉ có hiệu lực khi có trên 50% tổng số ủy viên Ban Chấp hành dự họp tán thành. Nếu số phiếu thuận và không thuận là ngang nhau, bên nào có ý kiến của Chủ tịch Ban Chấp hành sẽ được chấp thuận. Hình thức biểu quyết do kỳ họp Ban Chấp hành quy định.
6. Ban Chấp hành có nhiệm vụ và quyền hạn:
- Quyết định các biện pháp thực hiện nghị quyết của Đại hội,
- Quyết định kế hoạch chương trình công tác hàng năm hoặc giữa các kỳ họp của Ban Chấp hành,
- Thông qua kế hoạch và quyết toán tài chính nhiệm kỳ và hàng năm của Hội do Tổng Thư ký đệ trình để trình ra Hội nghị toàn thể hoặc Đại hội toàn thể,
- Giải quyết các vấn đề phát sinh giữa các kỳ Đại hội,
- Chuẩn bị nội dung, chương trình nghị sự và các tài liệu trình Đại hội (kể cả Đại hội bất thường) và Hội nghị toàn thể hàng năm,
- Quy định cụ thể các nguyên tắc, chế độ quản lý, quy chế sử dụng tài chính của Hội, quy chế tổ chức và hoạt động của Văn phòng Hội,
- Bầu cử và bãi miễn bằng phiếu kín các chức danh lãnh đạo Hội: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội, Tổng Thư ký,
- Quyết định kết nạp, kỷ luật (cả các ủy viên Ban Chấp hành và ủy viên Thường vụ) bãi miễn tư cách các hội viên,
- Quyết định triệu tập Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu.
Điều 15. Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội
1. Chủ tịch Ban Chấp hành đồng thời là Chủ tịch Hội, các Phó Chủ tịch Ban Chấp hành đồng thời là các Phó Chủ tịch Hội. Chủ tịch do Ban Chấp hành bầu ra, các Phó Chủ tịch do Ban Chấp hành bầu với sự giới thiệu của Chủ tịch.
2. Chủ tịch Hội có quyền hạn và trách nhiệm:
Đại diện pháp nhân của Hội trước pháp luật,
Chủ tài khoản, quản lý tài chính và tài sản của Hội,
Tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của Đại hội, của Hội nghị toàn thể và các quyết định của Ban Chấp hành,
Triệu tập và chủ trì cuộc họp của Ban Chấp hành Hội,
Chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành và toàn thể hội viên về các hoạt động của Hội,
Phê duyệt nhân sự cho Văn phòng Hội, quyết định thành lập các tổ chức khác của Hội theo đề nghị của Tổng Thư ký,
Thành lập các tiểu ban chuyên môn.
3. Các Phó Chủ tịch Hội là người giúp việc cho Chủ tịch, được Chủ tịch phân công giải quyết từng vấn đề cụ thể và có thể được ủy quyền điều hành công việc của Ban Chấp hành khi Chủ tịch vắng mặt.
Tổng Thư ký do Ban Chấp hành bầu ra theo sự giới thiệu của Chủ tịch, có nhiệm vụ và quyền hạn sau:
Đại diện cho Văn phòng Hội trong quan hệ giao dịch hàng ngày,
Tổ chức, điều hành các hoạt động hàng ngày của Văn phòng Hội,
Quản lý hồ sơ, tài liệu giao dịch của Hội,
Xây dựng các quy chế hoạt động của Văn phòng, quy chế quản lý tài chính, tài sản của Hiệp hội trình Ban Chấp hành phê duyệt,
Định kỳ báo cáo cho Ban Chấp hành về các hoạt động của Hội,
Lập các báo cáo hàng năm, báo cáo nhiệm kỳ của Ban Chấp hành,
Quản lý danh sách, hồ sơ và tài liệu về các hội viên và các tổ chức trực thuộc,
Chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành và trước pháp luật về các hoạt động của Văn phòng Hội.
Điều 17. Thường vụ Ban Chấp hành Hội
Thường vụ Ban Chấp hành Hội gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Tổng Thư ký, các ủy viên. Số lượng Thường vụ Ban Chấp hành do Ban Chấp hành quy định. Thường vụ Ban Chấp hành có nhiệm vụ:
Chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Đại hội Hội, nghị quyết của Ban Chấp hành Hội.
Quản lý tài sản, tài chính của Hội.
Quyết định các vấn đề về tổ chức và hội viên của Hội và hướng dẫn hoạt động của các tổ chức trực thuộc.
Chuẩn bị nội dung, triệu tập các kỳ họp của Ban Chấp hành Hội; báo cáo công việc đã làm trước Hội nghị Ban Chấp hành Hội.
1. Văn phòng Hội hoạt động theo quy chế do Ban Chấp hành phê duyệt.
2. Tổ chức bộ máy của Văn phòng Hội do Ban Chấp hành phê duyệt. Nhân sự của Văn phòng do Hội đồng tuyển dụng và Chủ tịch phê duyệt.
3. Các nhân viên của Văn phòng phải là những người có chuyên môn giỏi, có trách nhiệm cao, tuyển dụng qua sát hạch công khai, làm việc theo hợp đồng;
4. Kinh phí cho hoạt động hàng năm của Văn phòng do Tổng Thư ký dự trù trình Ban Chấp hành duyệt và Hội nghị toàn thể hàng năm biểu quyết phê chuẩn.
1. Ban Kiểm tra có 01 Trưởng Ban phụ trách do Đại hội bầu, gồm từ 3 đến 5 thành viên. Ban Kiểm tra có nhiệm kỳ cùng với nhiệm kỳ của Ban Chấp hành.
2. Ban Kiểm tra hoạt động độc lập với Ban Chấp hành, theo quy chế do Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu hội viên thông qua.
3. Các ủy viên Ban Kiểm tra được Hội đài thọ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động của Ban.
4. Ban Kiểm tra có nhiệm vụ và quyền hạn:
Kiểm tra, giám sát Ban Chấp hành, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, các cơ quan giúp việc của Hội và của tất cả hội viên trong việc chấp hành Điều lệ, quy chế quản lý tài chính và các nghị quyết của Hội.
Kiểm tra, thông báo với hội viên và kiến nghị xử lý các vấn đề do Ban Chấp hành hoặc hội viên đề nghị.
Yêu cầu Ban Chấp hành tổ chức phiên họp bất thường hoặc tổ chức hội nghị toàn thể bất thường khi có vấn đề cần thiết liên quan đến Hội.
5. Trưởng Ban Kiểm tra được dự các kỳ họp của Ban Chấp hành Hội.
Điều 20. Các tổ chức và đơn vị trực thuộc Hội
Hội có thể thành lập một số đơn vị trực thuộc hoạt động dịch vụ, tư vấn. Việc thành lập các đơn vị này đều phải tuân thủ quy định của pháp luật và do Chủ tịch ra quyết định.
a) Tài chính của Hội bao gồm nguồn ngân sách nhà nước tài trợ, hội phí và các nguồn thu khác.
Hội phí của Hội do Ban Chấp hành Trung ương hội quy định từng thời gian cho phù hợp với khả năng đóng góp của hội viên. Không thu hội phí đối với hội viên là nạn nhân chất độc da cam.
b) Tài chính của Hội chi vào những việc sau:
1. Chi cho các hoạt động của Hội, chủ yếu chi cho các hoạt động bảo trợ nạn nhân chất độc da cam: trợ giúp khó khăn đột xuất, nuôi dưỡng, học nghề, tạo việc làm, học văn hóa, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng.
2. Chi cho công tác tuyên truyền.
3. Chi cho các hoạt động của Hội.
4. Chi khen thưởng.
Tài sản do Nhà nước đầu tư và hỗ trợ, do các hội, các tổ chức quốc tế và cộng đồng giúp đỡ như trụ sở, phương tiện... đều là tài sản của Hội, do Hội quản lý và sử dụng theo quy định của Nhà nước và hướng dẫn của hội cấp trên.
Những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động hội được Hội xét khen thưởng, hoặc đề nghị Nhà nước khen thưởng. Chế độ khen thưởng thực hiện theo hướng dẫn của Nhà nước và của Ban Chấp hành Trung ương Hội.
Tập thể Ban Chấp hành, ban thường vụ và cá nhân vi phạm Điều lệ, nghị quyết của Hội hoặc làm tổn thương đến uy tín danh dự, tài sản, tài chính của Hội thì tùy theo mức độ sai phạm có thể bị phê bình, cảnh cáo, không công nhận là hội viên.
Điều 25. Hội chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau:
Hội tự nguyện giải thể theo nghị quyết của trên 50% tổng số hội viên trở lên.
Hội bị giải thể do hoạt động không liên tục 12 tháng hoặc khi có nghị quyết của Đại hội mà Ban Chấp hành Hội không chấp hành.
Khi giải thể, Đại hội hoặc cơ quan nhà nước ra quyết định giải thể Hội chỉ định một Ban thanh lý tài sản. Ban thanh lý tài sản có trách nhiệm báo cáo kết quả thanh lý cho toàn thể hội viên và Bộ Nội vụ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường.
Điều 26. Chấp hành Điều lệ Hội
Tổ chức Hội và các Hội viên phải chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ của Hội.
Ban chấp hành Hội có nhiệm vụ hướng dẫn việc thi hành Điều lệ của Hội.
Điều 27. Sửa đổi, bổ sung Điều lệ
Chỉ Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu của Hội mới có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ.
Điều lệ này gồm 8 chương 28 điều đã được Đại hội Hội Nạn nhân chất độc da cam/DIOXIN Việt Nam thông qua ngày 10 tháng 01 năm 2004 và có hiệu lực kể từ khi Bộ Nội vụ ra quyết định phê duyệt./.
- 1Sắc lệnh số 52 về việc quy định việc lập hội do Chủ tịch Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 45/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ
- 3Nghị định 88/2003/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội
- 4Quyết định 365/QĐ-BNV năm 2014 phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
Quyết định 06/2004/QĐ-BNV phê duyệt Điều lệ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/DIOXIN Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- Số hiệu: 06/2004/QĐ-BNV
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 10/02/2004
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
- Người ký: Đặng Quốc Tiến
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 9
- Ngày hiệu lực: 27/02/2004
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra