Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2001/QĐ-BGDĐT | Hà Nội, ngày 21 tháng 3 năm 2001 |
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 29/CP ngày 30/3/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 43/2000/NĐ-CP ngày 30/8/2000 của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Quyết định số 419/TTg ngày 21/7/1995 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ số 21/2000/QH10 ngày 9/6/2000;
Theo đề nghị của Ông Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy định về tổ chức thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ".
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Các Quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3: Các Ông (Bà) Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Thủ trưởng các đơn vị hữu quan thuộc Bộ; Giám đốc đại học, Hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng; Viện trưởng các viện nghiên cứu, Giám đốc các trung tâm nghiên cứu khoa học và các tổ chức trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Nguyễn Tấn Phát (Đã ký) |
VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP BỘ
(Ban hành theo Quyết định số 06/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 21/ 03/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Văn bản này quy định về việc xây dựng, tổ chức thực hiện và đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ ở các đại học, các trường đại học, các trường cao đẳng, các viện, các trung tâm nghiên cứu khoa học và các tổ chức trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (gọi chung là các cơ sở).
Điều 2: Đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ
1. Đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ nhằm góp phần giải quyết các vấn đề sau:
a. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
b. Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
c. Bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên và cán bộ nghiên cứu.
d. Xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.
2. Đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ được phân thành hai loại:
a. Đề tài trọng điểm cấp Bộ
Đề tài trọng điểm cấp Bộ nhằm giải quyết các vấn đề khoa học, công nghệ phục vụ giáo dục - đào tạo, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng miền của đất nước.
Đề tài trọng điểm cấp Bộ được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt trên cơ sở ý kiến tư vấn và tuyển chọn của Hội đồng khoa học và công nghệ cấp Bộ hoặc được Bộ giao nhiệm vụ trực tiếp và được ưu tiên đầu tư kinh phí.
b. Đề tài cấp Bộ
Đề tài cấp Bộ do Bộ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào phê duyệt theo đề nghị của Thủ trưởng cơ sở sau khi có ý kiến tư vấn cuả Hội đồng tuyển chọn cấp cơ sở.
3. Mỗi đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ do một cán bộ khoa học làm chủ nhiệm, có các thành viên tham gia nghiên cứu và có thể có thư ký đề tài, không có đồng chủ nhiệm và phó chủ nhiệm đề tài.
4. Thời gian thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ từ 1 đến 2 năm tuỳ theo nội dung nghiên cứu , trường hợp đặc biệt có thể được xét thực hiện 3 năm.
Điều 3: Tiêu chuẩn chủ nhiệm đề tài.
1. Chủ nhiệm đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ là cán bộ khoa học có trình độ đại học hoặc sau đại học và đã có kết quả nghiên cứu thuộc lĩnh vực của đề tài.
2. Có khả năng tập hợp chỉ đạo cán bộ khoa học khác tham gia thực hiện đề tài.
3. Không đồng thời làm chủ nhiệm 2 đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ trong cùng một thời gian và đã hoàn thành đề tài, nhiệm vụ KHCN các cấp được giao trong thời gian trước.
Điều 4. Nhiệm vụ của chủ nhiệm đề tài.
1. Xây dựng bản thuyết minh đề tài khoa học và cộng nghệ cấp Bộ.
2. Khi đề tài được tuyển chọn phải hoàn chỉnh bản thuyết minh và dự toán kinh phí chi tiết cho các nhiệm vụ của đề tài.
3. Khi được công nhận là đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ phải ký hợp đồng trách nhiệm với cơ sở.
4. Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu theo đúng nội dung và tiến độ nghiên cứu được giao.
5. Chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ và báo cáo tổng kết toàn diện khi đề tài kết thúc.
6. Báo cáo và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện đề tài trước Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở và cấp Bộ.
7. Chậm nhất sau 15 ngày đề tài được đánh giá nghiệm thu, phải đăng ký kết quả nghiên cứu của đề tài tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định hiện hành.
Điều 5. Quyền hạn của chủ nhiệm đề tài.
1. Kiến nghị với thủ trưởng cơ sở tạo điều kiện về quỹ thời gian để thực hiện đề tài (thời gian dành cho nghiên cứu đề tài được tính trong tổng quỹ thời gian của một cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu); được trực tiếp chọn cán bộ trong và ngoài cơ sở làm thành viên tham gia nghiên cứu đề tài; được ký hợp đồng với các cơ quan hữu quan để thực hiện một số nội dung của đề tài.
2. Yêu cầu các phòng, ban chức năng (Phòng Khoa học, Phòng Tài vụ) cấp đủ kinh phí được duyệt theo chỉ tiêu giao.
3. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu và hoàn chỉnh các hồ sơ, yêu cầu cơ sở thành lập Hội đồng và tổ chức đánh giá nghiệm thu đề tài.
4. Sau khi đề tài được nghiệm thu, kiến nghị các cấp quản lý tạo điều kiện ứng dụng kết quả nghiên cứu .
5. Chủ nhiệm đề tài và các thành viên tham gia được hưởng quyền tác giả theo luật định của Nhà nước.
QUY TRÌNH XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP BỘ
Điều 6: Đăng ký tham gia tuyển chọn đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ.
1. Tất cả các đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ trước khi được xét duyệt, công nhận đều phải thông qua Hội đồng tuyển chọn.
a) Đề tài trọng điểm cấp Bộ tuyển chọn theo 2 bước cấp cơ sở và cấp Bộ
b) Đề tài cấp Bộ được Bộ uỷ quyền giao cho thủ trưởng cơ sở tổ chức tuyển chọn
2. Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn
a) Đối với đề tài trọng điểm cấp Bộ: Hồ sơ gồm bản thuyết minh đề tài, biên bản của Hội đồng tuyển chọn cấp cơ sở và công văn đề nghị của thủ trưởng cơ sở.
b) Đối với đề tài cấp Bộ: Hồ sơ gồm bản thuyết minh đề tài, ý kiến của thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp (bộ môn, khoa, viện, trung tâm ... của cơ sở)
3. Thời gian đăng ký và tuyển chọn: Hàng năm phải hoàn thành việc tuyển chọn cấp cơ sở và nộp hồ sơ về Bộ trước 30 tháng 9, và tuyển chọn cấp Bộ hoàn thành trước 30 tháng10 .
Bản thuyết minh đề tài Khoa học và công nghệ cấp Bộ phải đạt được các tiêu chuẩn sau:
1) Mục tiêu, nội dung nghiên cứu của đề tài phải rõ ràng và sản phẩm dự kiến đạt được phải có tính khả thi, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra hoặc được giao.
2) Có tiềm lực KHCN (cán bộ có năng lực nghiên cứu, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, có điều kiện tiếp nhận thông tin có liên quan đến nhiệm vụ của đề tài).
3) Dự toán kinh phí phù hợp với mục tiêu, nội dung, tiến độ nghiên cứu của đề tài.
4) Có địa chỉ ứng dụng sau khi kết thúc đề tài.
1. Thành lập Hội đồng
a. Hội đồng tuyển chọn đề tài trọng điểm cấp bộ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định thành lập.
b. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo uỷ quyền cho thủ trưởng cơ sở ký quyết định thành lập Hội đồng tuyển chọn đề tài cấp Bộ.
2. Yêu cầu đối với Hội đồng tuyển chọn đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ
a) Các thành viên của Hội đồng phải là các cán bộ khoa học có phẩm chất, uy tín, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài.
b) Số thành viên của Hội đồng phải có từ 7 người trở lên và phải có 2/3 là cán bộ khoa học và ít nhất phải có 2 phản biện.
c) Các thành viên của Hội đồng phải có ý kiến đánh giá bằng văn bản (theo mẫu 02/GD ĐT)
d) Hội đồng tuyển chọn chỉ tiến hành họp khi có mặt từ 2/3 số thành viên trở lên.
đ) Kết quả tuyển chọn phải được viết thành biên bản và có chữ ký của chủ tịch và thư ký Hội đồng (theo mẫu 03/GD ĐT).
e) Khi tuyển chọn, các thành viên là chủ nhiệm đề tài không được tham gia thảo luận và bỏ phiếu cho đề tài của mình.
1. Tuyển chọn cấp cơ sở
a) Cơ sở hướng dẫn và nhận hồ sơ tham gia tuyển chọn.
b) Thành lập và tổ chức họp Hội đồng tuyển chọn.
c) Lập danh sách và hoàn chỉnh hồ sơ các đề tài được tuyển chọn.
2. Tuyển chọn cấp Bộ
Bộ giao cho Vụ Khoa học Công nghệ chức năng:
a) Hướng dẫn và nhận hồ sơ tham gia tuyển chọn.
b) Thành lập và tổ chức họp Hội đồng tuyển chọn.
c) Lập danh sách và hoàn chỉnh hồ sơ các đề tài được tuyển chọn.
3. Kết quả tuyển chọn được công bố khi giao nhiệm vụ
Điều 10: Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ.
1. Tổ chức thực hiện ký hợp đồng trách nhiệm.
a) Tất cả các đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ được phê duyệt cần ký hợp đồng trách nhiệm về khoa học và công nghệ giữa chủ nhiệm đề tài với thủ trưởng cơ sở (mẫu 04) .
b) Hợp đồng trách nhiệm được làm thành 04 bản, chủ nhiệm đề tài giữ 01 bản, phòng Khoa học và Công nghệ giữ 01 bản, Phòng Tài vụ giữ 01 bản và gửi cho Bộ 01 bản (Vụ KHCN).
2. Tổ chức thực hiện chế độ kiểm tra.
a) Việc kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch nghiên cứu của đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ được tiến hành định kỳ hoặc đột xuất khi thấy cần thiết.
b) Thành phần đoàn kiểm tra do thủ trưởng cơ sở hoặc Bộ quyết định.
c) Nội dung kiểm tra: Kiểm tra về tiến độ, nội dung và việc sử dụng kinh phí của đề tài so với bản thuyết minh và hợp đồng trách nhiệm.
d) Kết quả kiểm tra phải được viết thành biên bản theo nội dung ở mục b và c và gửi cho cơ sở và Bộ.
đ) Trên cơ sở biên bản kiểm tra, Bộ sẽ xem xét và có ý kiến về việc triển khai đề tài.
Điều 11. Tổ chức đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài.
1. Tất cả các đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ khi kết thúc đều phải được đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở và cấp Bộ.
2. Hồ sơ đề tài gửi lên Bộ để ra quyết định nghiệm thu gồm:
a) Báo cáo tổng kết toàn diện kết quả nghiên cứu của đề tài (theo hướng dẫn ở mẫu 06/GD ĐT).
b) Quyết định thành lập và biên bản họp Hội đồng đánh giá cấp cơ sở.
c) Công văn đề nghị của cơ sở về việc đánh giá nghiệm thu đề tài và dự kiến danh sách các thành viên của Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Bộ.
3. Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Bộ
a/ Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Bộ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập. Hội đồng phải có từ 7 thành viên trở lên, trong đó phải có 2/3 số thành viên là cán bộ khoa học và phải có ít nhất 1/3 số thành viên là cán bộ ngoài cơ sở .
b/ Hội đồng có Chủ tịch Hội đồng, thư ký Hội đồng, 2 uỷ viên phản biện trong đó, ít nhất có 1 phản biện ngoài cơ sở và các uỷ viên khác. Chủ tịch Hội đồng phải là nhà khoa học am hiểu sâu sắc lĩnh vực nghiên cứu của đề tài.
c/ Chủ nhiệm đề tài và các cán bộ tham gia thực hiện đề tài không được tham gia Hội đồng đánh giá, nghiệm thu.
4. Tổ chức đánh giá, nghiệm thu cấp Bộ.
a/ Sau khi nhận được Quyết định thành lập Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp Bộ, cơ sở phải tổ chức họp Hội đồng chậm nhất sau 45 ngày, kể từ ngày ký quyết định.
b) Hội đồng chỉ tiến hành họp khi có mặt từ 2/3 số thành viên trở lên, trong đó có 2 phản biện ( trong trường hợp 1 phản biện vắng mặt, phải gửi cho Hội đồng bản nhận xét).
c) Khi họp Hội đồng, cơ sở phải thông báo rộng rãi để tạo điều kiện cho những người quan tâm đến dự.
d) Chương trình họp Hội đồng bao gồm:
- Đại diện cơ sở đọc quyết định thành lập Hội đồng và đọc nội dung chính của thuyết minh đề tài và hợp đồng trách nhiệm.
- Chủ tịch Hội đồng công bố chương trình làm việc của Hội đồng.
- Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả thực hiện đề tài.
- Các phản biện nhận xét.
- Các thành viên của Hội đồng, các đại biểu và những người quan tâm hỏi và trao đổi.
- Chủ nhiệm đề tài trả lời.
- Hội đồng làm việc riêng để đánh giá và bỏ phiếu đánh giá bằng cách cho điểm và xếp loại theo các mức tốt, khá, đạt, không đạt.(theo mẫu 07/GD ĐT)
- Chủ tịch Hội đồng công bố kết quả đánh giá nghiệm thu đề tài .
5. Hoàn thiện hồ sơ và đăng ký kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ
Sau 15 ngày kể từ ngày họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu, cơ sở phải nộp về Bộ các văn bản sau:
a) Báo cáo tổng kết toàn diện kết quả nghiên cứu của đề tài và các phụ lục kèm theo (nếu có thay đổi so với trước khi họp Hội đồng).
b) Giấy xác nhận của cơ sở đã quyết toán kinh phí đề tài.
c) Biên bản họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu (theo mẫu 08/GD ĐT).
d) Các bản nhận xét của phản biện.
đ) Phiếu đăng ký kết quả nghiên cứu KHCN (theo mẫu 09/GD ĐT).
Điều 12: Kinh phí hoạt động của Hội đồng tuyển chọn và Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài:
1. Kinh phí chi cho Hội đồng tuyển chọn được trích từ kinh phí sự nghiệp khoa học cấp từ Ngân sách Nhà nước cho cơ sở hàng năm.
2. Kinh phí chi cho Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài lấy từ kinh phí sự nghiệp khoa học cấp từ ngân sách Nhà nước cho đề tài.
3. Chế độ chi cho 2 Hội đồng nói trên phải tuân theo quy định chế độ tài chính hiện hành của Nhà nước.
Điều 13. Trách nhiệm của phòng (ban) khoa học và công nghệ và các phòng (ban) liên quan của cơ sở có nhiệm vụ tổ chức, quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho chủ nhiệm đề tài hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Các tổ chức và cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, đạt được các thành tựu và kết quả thiết thực đều được đề nghị khen thưởng theo quy định hiện hành.
Tiền thưởng được trích từ kinh phí cấp cho hoạt động KHCN của Bộ, trong năm kế hoạch được Bộ trưởng phê duyệt và bằng vốn tự có của tổ chức khoa học và công nghệ.
Các đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ có khả năng triển khai ứng dụng vào thực tiễn sẽ được tạo điều kiện thực hiện.
Các tổ chức và cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu được giao mà không có lý do chính đáng thì phải hoàn lại số kinh phí được cấp.
Mọi trường hợp vi phạm chế độ, chính sách của Nhà nước phải chịu xử phạt theo pháp luật hiện hành.
- 1Quyết định 24/2005/QĐ-BGDĐT về việc ban hành Quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 2Quyết định 15/2001/QĐ-BKHCNMT Quy định tạm thời về việc tuyển chọn tổ chức và cá nhân chủ trì thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp Nhà nước giai đoạn 2001-2005 do Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành
- 3Quyết định 41/2007/QĐ-BGDĐT công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và liên tịch ban hành từ năm 1999 đến năm 2005 hết hiệu lực do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 1Quyết định 24/2005/QĐ-BGDĐT về việc ban hành Quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 2Quyết định 41/2007/QĐ-BGDĐT công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và liên tịch ban hành từ năm 1999 đến năm 2005 hết hiệu lực do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 1Nghị định 29-CP năm 1994 về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và đào tạo
- 2Quyết định 419-TTg năm 1995 về cơ chế quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Luật Giáo dục 1998
- 4Luật Khoa học và Công nghệ 2000
- 5Nghị định 43/2000/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giáo dục
- 6Quyết định 15/2001/QĐ-BKHCNMT Quy định tạm thời về việc tuyển chọn tổ chức và cá nhân chủ trì thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp Nhà nước giai đoạn 2001-2005 do Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành
Quyết định 06/2001/QĐ-BGDĐT về tổ chức thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ do Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành
- Số hiệu: 06/2001/QĐ-BGDĐT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 21/03/2001
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Người ký: Nguyễn Tấn Phát
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 22
- Ngày hiệu lực: 05/04/2001
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra