Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2012/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 13 tháng 3 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ ĐÊ ĐIỀU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Đê điều ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức;

Căn cứ Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ Quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành công vụ, nhiệm vụ;

Căn cứ Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều;

Căn cứ Chỉ thị số 447/CT-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại tờ trình số 205/TTr-SNN ngày 20 tháng 02 năm 2012 về việc đề nghị ban hành Quyết định Quy định trách nhiệm Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định trách nhiệm Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Tỉnh uỷ; (Báo cáo)
- Bí thư Tỉnh ủy
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Cục Kiểm tra văn bản- Bộ Tư pháp;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các đ/c Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ;
- Như Điều 2 (thực hiện);
- Trung tâm Công báo:
- Chánh VP, các Phó CVP UBND tỉnh;
- TP, PTP khối NCTH:
- Chuyên viên NLN, TL;
- Lưu: VT, (Hòa).

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Chẩu Văn Lâm

 

QUY ĐỊNH

TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ ĐÊ ĐIỀU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 05/2012/QĐ-UBND ngày 13 tháng 3 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định trách nhiệm Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị của Nhà nước (gọi tắt là Người đứng đầu) và cấp phó của Người đứng đầu được cấp Trưởng phân công trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều và quản lý các lĩnh vực có liên quan đến an toàn đê điều trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Điều 2. Đối tượng áp dụng.

1. Người đứng đầu của các cơ quan:

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cơ quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ đê điều.

b) Chi cục Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c) Các sở, các cơ quan, đơn vị có liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đê điều và các lĩnh vực có liên quan đến an toàn đê điều.

d) Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố có đê (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện).

e) Các Phòng chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác quản lý, bảo vệ đê điều.

f) Uỷ ban nhân dân xã, phường có đê (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã).

2. Cấp phó của Người đứng đầu quy định tại Khoản 1 Điều này phải chịu trách nhiệm như Người đứng đầu trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Trách nhiệm của Người đứng đầu trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều được quy định trên cơ sở những căn cứ sau:

1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị do pháp luật quy định.

2. Căn cứ nội dung, chế độ trách nhiệm đối với Người đứng đầu quy định tại Điều 5 văn bản này.

Điều 4. Nguyên tắc xác định chế độ trách nhiệm Người đứng đầu.

1. Đảm bảo khách quan, đúng người, đúng việc, đúng quy định.

2. Theo quy định của Pháp luật và điều kiện cụ thể trong việc tổ chức thực hiện ở địa phương, đơn vị.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Trách nhiệm của Người đứng đầu trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều.

1. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Thủy lợi thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều; tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc chỉ đạo, đôn đốc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc xử lý vi phạm đê điều.

2. Giám đốc Sở, thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý có liên quan đến công tác bảo vệ đê điều có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc quản lý, bảo vệ, xây dựng, tu bổ đê điều, xử lý vi phạm đê điều theo quy định.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm

Chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đê điều trong phạm vi địa phương.

Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về đê điều và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều; giải quyết theo thẩm quyền khiếu nại, tố cáo và hành vi vi phạm pháp luật về đê điều thuộc địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Chỉ đạo các Phòng, ban chức năng của huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có đê triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ đê điều trên địa bàn.

Tổ chức thực hiện việc quản lý, bảo vệ, xử lý dứt điểm vi phạm theo quy định, đối với những vi phạm nghiêm trọng trong thời hạn 5 ngày phải báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đồng thời báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biết và cùng phối hợp giải quyết.

Khi phát hiện có hành vi vi phạm về quản lý và bảo vệ đê điều phải lập biên bản vi phạm, đồng thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn và yêu cầu đối tượng vi phạm khắc phục hậu quả, lập hồ sơ xử lý theo quy định.

Thời gian xử lý vi phạm không quá 20 ngày kể từ khi phát hiện hành vi vi phạm.    

4. Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi chịu trách nhiệm tham mưu cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều trên địa bàn tỉnh.

5. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng kinh tế thành phố có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ đê điều, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm đê điều theo quy định của pháp luật.         

6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có đê:

Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, tổ chức xử lý dứt điểm vi phạm theo quy định của pháp luật, đồng thời báo cáo lên Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Khi phát hiện có hành vi vi phạm về quản lý và bảo vệ đê điều phải lập hồ sơ xử lý, đồng thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn và yêu cầu đối tượng vi phạm khắc phục hậu quả và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Chỉ đạo lực lượng quản lý đê nhân dân tăng cường công tác kiểm tra phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về quản lý và bảo vệ đê điều; huy động lực lượng lao động tại địa phương để tuần tra, canh gác, bảo vệ đê điều trong mùa lũ, lụt, bão trên các tuyến đê thuộc địa bàn.

Điều 6. Đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều.

1. Hoàn thành nhiệm vụ: Chỉ đạo phát hiện, tổ chức ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm không để vi phạm phát sinh ảnh hưởng đến an toàn đê điều.

2. Không hoàn thành nhiệm vụ: Để xảy ra tình trạng vi phạm về quản lý, bảo vệ đê điều trên địa bàn, không có biện pháp xử lý hoặc xử lý không dứt điểm làm ảnh hưởng đến an toàn đê điều, gây hậu quả nghiêm trọng.

Điều 7. Khen thưởng, kỷ luật.

1. Khen thưởng: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thành tích trong việc ngăn chặn, xử lý vi phạm đê điều được khen thưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Xử lý kỷ luật: Căn cứ mức độ ảnh hưởng đến an toàn đê điều và trách nhiệm Người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, để xem xét quyết định hình thức xử lý kỷ luật đối với Người đứng đầu theo quy định của Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2011 quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

1. Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành chế độ trách nhiệm Người đứng đầu theo quy định tại văn bản này.

2. Phối hợp với các cơ quan chức năng giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, đánh giá mức độ thực hiện chế độ trách nhiệm Người đứng đầu trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều; chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu để Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định việc xử lý khi Người đứng đầu vi phạm theo quy định.

Điều 9. Trách nhiệm của Giám đốc sở, Thủ trưởng các ban, ngành của tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã.

1. Theo chức năng, nhiệm vụ Người đứng đầu có trách nhiệm triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định tại văn bản này.

2. Tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện theo quy định.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 05/2012/QĐ-UBND về Quy định trách nhiệm Người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

  • Số hiệu: 05/2012/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/03/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Chẩu Văn Lâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/03/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản