Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 04/2011/QĐ-UBND

Lạng Sơn, ngày 01 tháng 4 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ THỰC HIỆN: BÌNH ỔN GIÁ, ĐĂNG KÝ GIÁ, KÊ KHAI GIÁ VÀ ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP BÌNH ỔN GIÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh Giá ngày 26/4/2002;
Căn cứ Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá; Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 09/6/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 116/QĐ-TTg ngày 29/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ Về việc bổ sung danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá;
Căn cứ Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13/11/2008 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 170/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ và Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 09/6/2008 của Chính phủ; Thông tư số 122/2010/TT-BTC ngày 12/8/2010 của Bộ Tài chính Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13/11/2008 của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 40 TTr/STC-QLG&TS ngày 23/3/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện: bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá và điều kiện áp dụng các biện pháp bình ổn giá trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Cục kiểm tra văn bản-Bộ Tư Pháp;
- Bộ Tài chính;
- TT Tỉnh uỷ;
- TT.HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- VKSND, TAND tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- PVP, các phòng chuyên viên;
- Lưu VT.(ĐT)

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Bình

 

DANH MỤC

HÀNG HOÁ, DỊCH VỤ THỰC HIỆN: BÌNH ỔN GIÁ, ĐĂNG KÝ GIÁ, KÊ KHAI GIÁ VÀ ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP BÌNH ỔN GIÁ TRÊN ĐỊA BÀN CỦA TỈNH LẠNG SƠN.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 04 /2011/QĐ-UBND Ngày 1 tháng 4 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn).

I. Danh mục hàng hoá, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá:

1. Danh mục hàng hóa dịch vụ do Chính phủ quy định: Thực hiện theo danh mục quy định tại Khoản 2, Điều 1 Nghị định số 75/2008/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 116/2009/QĐ-TTg ngày 29/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ;

2. Danh mục hàng hoá, dịch vụ quy định bổ sung:

a) Gạch xây dựng: Gạch đặc; gạch lỗ; gạch tự chèn;

b) Đá xay xây dựng các loại;

c) Giá cước vận chuyển hành khách bằng xe buýt;

d) Giá giống cây lương thực;

e) Dầu ăn các loại.

II. Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện đăng ký giá:

1. Danh mục hàng hóa dịch vụ do Chính phủ quy định: Thực hiện theo danh mục quy định tại Phụ lục số 1b Ban hành kèm theo Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13/11/2008 của Bộ Tài chính;

2. Danh mục hàng hóa dịch vụ quy định bổ sung:

a) Gạch xây dựng: Gạch đặc; gạch lỗ; gạch tự chèn;

b) Đá xay xây dựng các loại;

c) Giá cước vận chuyển hành khách bằng xe buýt;

d) Giá dịch vụ: Trông giữ; bốc xếp hàng hóa bằng thủ công tại các bến, bãi xe ô tô khu vực cửa khẩu biên giới.

e) Giá in hóa đơn của các đơn vị nhận in hóa đơn theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ Quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

III. Danh mục hàng hóa, dịch vụ phải kê khai giá:

Thực hiện theo danh mục quy định Ban hành kèm theo Thông tư số 122/2010/TT-BTC ngày 12/8/2010 của Bộ Tài chính.

IV. Quy định điều kiện áp dụng các biện pháp bình ổn giá.

1. Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật khi giá thị trường trong nước của hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá có biến động bất thường xảy ra thuộc ít nhất một trong các trường hợp sau:

a) Giá tăng cao hơn so với mức tăng giá của các yếu tố “đầu vào”, hoặc cao hơn so với giá vốn hàng nhập khẩu do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tính toán các yếu tố hình thành giá (chi phí sản xuất, giá thành, chi phí lưu thông, lợi nhuận, v.v.) không đúng với các chế độ chính sách, định mức kinh tế - kỹ thuật và quy chế tính giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Giá giảm thấp hơn không hợp lý so với chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm được tính toán theo các chế độ chính sách, định mức kinh tế - kỹ thuật và quy chế tính giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

b) Giá tăng hoặc giảm không có căn cứ, trong khi các yếu tố hình thành giá không có biến động trong các trường hợp xảy ra thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, địch hoạ, khủng hoảng kinh tế - tài chính, mất cân đối cung - cầu tạm thời hoặc do các tin đồn thất thiệt không có căn cứ về việc tăng giá hoặc giảm giá.

c) Giá tăng hoặc giảm không hợp lý do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lạm dụng vị thế độc quyền, thống lĩnh thị trường, liên kết độc quyền về giá theo quy định của Luật Cạnh tranh và pháp luật có liên quan.

2. Sở Tài chính căn cứ các điều kiện trên đây và điều kiện thực tế tại địa phương tham mưu trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể các điều kiện áp dụng các biện pháp bình ổn giá hàng hoá, dịch vụ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương theo từng thời kỳ đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Mục I nêu trên.

3. Thẩm quyền quyết định các biện pháp bình ổn giá:

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quyết định và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định tại Điểm 3.3, Khoản 3, Điều 2 Thông tư số 122/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính, cụ thể như sau:

a) Các biện pháp theo thẩm quyền để điều hòa cung cầu hàng hóa, dịch vụ;

b) Các biện pháp tài chính, tiền tệ theo quy định của pháp luật;

c) Đăng ký giá, kê khai giá: thực hiện theo quy định tại Điều 22b thuộc khoản 10 Điều 1 Nghị định số 75/2008/NĐ-CP và quy định tại Điều 7 và Điều 8 Thông tư số 122/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính;

d) Công khai thông tin về giá theo quy định tại Điều 22c thuộc khoản 10 Điều 1 Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ;

e) Các biện pháp về kinh tế, hành chính khác theo thẩm quyền bao gồm:

- Quyết định đình chỉ thực hiện mức giá hàng hóa, dịch vụ không hợp lý do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đã quyết định và yêu cầu thực hiện mức giá cũ liền kề trước khi có biến động bất thường;

- Phạt cảnh cáo, phạt tiền theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá và các quy định của pháp luật có liên quan; thu phần chênh lệch giá do các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tăng giá bất hợp lý vào Ngân sách nhà nước;

- Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các loại giấy phép kinh doanh của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được cấp có thời hạn hoặc không có thời hạn theo quy định của pháp luật;

- Quyết định tổ chức các đoàn kiểm tra, kiểm soát các yếu tố hình thành giá; kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý giá, kiểm tra việc niêm yết giá và bán hàng hóa, dịch vụ theo đúng giá do cơ quan có thẩm quyền quy định, theo giá đăng ký, giá kê khai và giá niêm yết; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá theo quy định của pháp luật;

- Quyết định biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giảm giá thành sản phẩm; các biện pháp kinh tế, kỹ thuật hỗ trợ sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

4. Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về giá trong việc thực hiện các biện pháp bình ổn giá:

4.1 Sở Tài chính:

a) Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kịp thời kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp bình ổn giá do Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định; kiến nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo thẩm quyền thực hiện tại địa phương.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan trong tỉnh thực hiện công tác kiểm soát các yếu tố hình thành đối với mặt hàng thuộc thẩm quyền quyết định giá của Nhà nước; thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá và các quy định khác của pháp luật có liên quan như: kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng hóa và dịch vụ theo giá do cơ quan có thẩm quyền quy định, theo giá niêm yết; việc đăng ký giá, kê khai giá, công khai thông tin về giá đối với loại hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục phải đăng ký giá, kê khai giá (theo thẩm quyền), phát hiện và xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm theo quy định của Pháp lệnh Giá và các quy định của pháp luật có liên quan; kiểm tra việc chấp hành các biện pháp bình ổn giá.

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan: Quản lý thị trường, Công Thương, Thuế, Hải quan, Công an... kiểm tra, thanh tra và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật hiện hành đối với các hiện tượng độc quyền, liên minh độc quyền, cạnh tranh không đúng pháp luật về giá, lợi dụng chủ trương điều hành giá của Nhà nước, lợi dụng sự biến động của thị trường, tình hình thiên tai, dịch bệnh để tăng giá, ép giá bất hợp lý.

d) Kịp thời báo cáo Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình tổ chức thực hiện các biện pháp bình ổn giá do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định và công bố áp dụng trên địa bàn địa phương.

4.2 Các Sở, cơ quan, đơn vị khác có liên quan; UBND các huyện, thành phố.

Có trách nhiệm chỉ đạo bộ phận phòng, ban chuyên môn phối hợp với các cơ quan chức năng đóng trên trên địa bàn triển khai nghiêm túc các biện pháp bình ổn giá trên địa bàn theo đúng quy định hiện hành.

4.3 Các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

 - Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bình ổn giá do cơ quan Trung ương và Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.

- Thực hiện việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Chấp hành các quyết định và các biện pháp bình ổn giá, phải công khai thông tin về giá và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn đối với các mức giá đã kê khai.

 - Khi cần thiết, theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phải báo cáo: chi phí sản xuất và các yếu tố hình thành giá, giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá.

5. Định kỳ hàng tháng và khi có yêu cầu đột xuất của cơ quan có thẩm quyền quyết định việc thực hiện bình ổn giá, Hải quan tỉnh Lạng Sơn có trách nhiệm gửi bản thống kê giá hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu về Sở Tài chính.

6. Trong quá trình thực nếu có vướng mắc giao cho Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hơp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 04/2011/QĐ-UBND về danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện: bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá và điều kiện áp dụng các biện pháp bình ổn giá trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn do Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành

  • Số hiệu: 04/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/04/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Nguyễn Văn Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/04/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 19/03/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản