Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2023/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 09 tháng 03 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CƠ CHẾ QUAY VÒNG, LUÂN CHUYỂN MỘT PHẦN VỐN HỖ TRỢ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN, PHƯƠNG ÁN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT CỘNG ĐỒNG THUỘC CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ về quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 04 tháng 3 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;

Căn cứ Thông tư số 09/2022/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 5 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;

Căn cứ Thông tư số 04/2022/TT-BNNPTNT ngày 11 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Thông tư số 46/2022/TT-BTC ngày 28 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 09/TTr-SNN ngày 18 tháng 01 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định cơ chế quay vòng, luân chuyển một phần vốn hỗ trợ thực hiện các dự án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 03 năm 2023.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;
- Ủy ban dân tộc;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL- Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UBMTTQVT tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp kiểm tra văn bản;
- Báo Yên Bái, Đài PTTH tỉnh;
- Trung tâm điều hành thông minh tỉnh;
- Lưu: VT, NLN, TC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Huy Tuấn

 

QUY ĐỊNH

CƠ CHẾ QUAY VÒNG, LUÂN CHUYỂN MỘT PHẦN VỐN HỖ TRỢ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN, PHƯƠNG ÁN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT CỘNG ĐỒNG THUỘC CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Quyết định số 03/2023/QĐ- ngày 09 tháng 03 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định về cơ chế quay vòng một phần vốn bằng tiền (sau đây gọi là kinh phí quay vòng) để luân chuyển trong cộng đồng thực hiện hoạt động hỗ trợ các dự án, phương án (sau đây gọi chung là dự án) hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoặc có liên quan trong quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chu kỳ sản xuất: Là thời gian tính từ khi gieo trồng cho đến khi thu hoạch, từ thời điểm thả giống đến khi xuất bán hoặc số ngày trung bình từ lứa đẻ lần này đến lứa đẻ lần kế tiếp của nái sinh sản bao gồm thời gian mang thai, thời gian nái nuôi con (phù hợp với định mức kỹ thuật của từng loại cây trồng, vật nuôi).

2. Thời gian thực hiện dự án: Là thời gian tính từ khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt đến thời điểm cơ quan chức năng nghiệm thu kết thúc dự án.

3. Cộng đồng dân cư: Là toàn thể những người cùng sinh sống, có những điểm giống nhau, gắn bó thành một khối trong sinh hoạt xã hội, bao gồm: Nhóm hộ được Ủy ban nhân dân cấp xã chứng thực; tổ hợp tác thành lập tự nguyện theo quy định của pháp luật; nhóm hộ do các tổ chức chính trị - xã hội làm đại diện; nhóm hộ do Ban phát triển thôn làm đại diện hoặc nhóm hộ do người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi.

4. Vốn quay vòng: Là việc sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ để tái đầu tư, mở rộng sản xuất sau mỗi chu kỳ sản xuất hoặc luân chuyển để hỗ trợ thực hiện dự án mới theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

5. Tỷ lệ vốn quay vòng: Là tỷ lệ phần trăm (%) trong tổng mức hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.

6. Thu hồi vốn quay vòng: Là việc thu nộp số vốn quay vòng vào tài khoản tiền gửi của cơ quan, đơn vị quản lý vốn cấp huyện mở tại Kho bạc nhà nước để luân chuyển hỗ trợ các dự án, phương án sản xuất mới hoặc nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

7. Xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (khu vực III): Bao gồm các xã theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ; các thôn (bản) đặc biệt khó khăn theo Quyết định 612/QĐ-UBDT ngày 16 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc.

Điều 4. Nguyên tắc thực hiện cơ chế quay vòng

1. Vốn quay vòng, luân chuyển hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng phải đảm bảo phù hợp với từng dự án, phương án sản xuất và điều kiện cụ thể của từng hộ gia đình tham gia dự án, phương án sản xuất.

2. Đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ trong thực hiện cơ chế quay vòng một phần vốn ngân sách nhà nước đã hỗ trợ để luân chuyển trên địa bàn thực hiện dự án, phương án sản xuất.

3. Việc thực hiện cơ chế quay vòng, luân chuyển phải đảm bảo nguyên tắc bảo toàn 100% vốn quay vòng; sử dụng hiệu quả nguồn vốn và không gây thất thoát ngân sách nhà nước.

4. Vốn quay vòng, luân chuyển trong cộng đồng chỉ được sử dụng để hỗ trợ thực hiện các hạng mục đầu tư cây giống, con giống để tái đầu tư hoặc phát triển mở rộng quy mô sản xuất.

5. Vốn sử dụng từ quỹ quay vòng (từ tài khoản tiền gửi của cơ quan quản lý nguồn vốn) hỗ trợ thực hiện dự án, phương án không được tính vào tổng kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng để tính tỷ lệ thu hồi vốn quay vòng.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Tỷ lệ, hình thức, thời gian quay vòng và thu hồi, luân chuyển vốn quay vòng

1. Tỷ lệ vốn quay vòng:

a) Dự án, phương án sản xuất thực hiện trên địa bàn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (khu vực III): Tỷ lệ vốn quay vòng tối thiểu 5% tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng.

b) Dự án, phương án sản xuất thực hiện trên địa bàn xã, thôn, bản còn lại: Tỷ lệ vốn quay vòng tối thiểu 10% tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng.

2. Hình thức quay vòng vốn: Bằng tiền.

3. Thời gian quay vòng vốn: Theo chu kỳ sản xuất của từng đối tượng cây trồng, vật nuôi hoặc theo thời gian thực hiện dự án, phương án, nhưng không vượt quá thời điểm kết thúc Chương trình (giai đoạn 2021 - 2025).

4. Thu hồi vốn quay vòng:

a) Khi kết thúc chu kỳ sản xuất, đại diện cộng đồng thực hiện thu hồi 100% số vốn quay vòng nhập vào quỹ quay vòng của cộng đồng để xem xét, hỗ trợ cho các hộ khác trong cùng dự án, phương án có nhu cầu sử dụng vốn quay vòng để tái đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Trường hợp đối tượng thụ hưởng chính sách tiếp tục có nhu cầu sử dụng vốn quay vòng để tái đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất (thực hiện chu kỳ sản xuất tiếp theo), thì nộp đơn đề nghị tiếp tục sử dụng vốn quay vòng đến đại diện cộng đồng để được cộng đồng xem xét, cho tiếp tục sử dụng vốn quay vòng.

b) Khi dự án, phương án kết thúc, cộng đồng có trách nhiệm thu nộp toàn bộ quỹ quay vòng cộng đồng của dự án, phương án sản xuất vào tài khoản tiền gửi của cơ quan, đơn vị được giao quản lý nguồn vốn tại Kho bạc nhà nước để luân chuyển vốn hỗ trợ thực hiện các dự án mới trên địa bàn.

c) Thời gian thu hồi vốn quay vòng: Trong thời hạn 15 ngày làm việc, tính từ thời điểm kết thúc chu kỳ sản xuất hoặc kết thúc thời gian thực hiện dự án, phương án sản xuất, cộng đồng thực hiện thu hồi vốn quay vòng theo quy định tại điểm a, điểm b Khoản này.

5. Luân chuyển vốn quay vòng: vốn quay vòng sau khi thu hồi từ các dự án, phương án sản xuất (quản lý tại tài khoản tiền gửi của cơ quan được giao quản lý nguồn vốn) được luân chuyển hỗ trợ thực hiện các dự án, phương án sản xuất mới trên địa bàn theo quy định của chương trình. Khi cộng đồng có nhu cầu sử dụng vốn hỗ trợ từ nguồn vốn quay vòng do cấp huyện quản lý, thì trong nội dung đề xuất dự án, phương án sản xuất ngoài việc xác định cụ thể tỷ lệ vốn quay vòng trong tổng mức hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, thì còn được đề nghị bố trí hỗ trợ từ nguồn quỹ quay vòng để thực hiện dự án, phương án sản xuất.

Điều 6. Cơ chế xử lý rủi ro vốn quay vòng, luân chuyển trong cộng đồng

1. Đối với các dự án, phương án sản xuất trong quá trình triển khai thực hiện phải tạm dừng, hủy bỏ hoặc triển khai không có hiệu quả do các nguyên nhân khách quan (như: thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn hoặc các nguyên nhân bất khả kháng khác) ảnh hưởng đến kết quả đầu ra của sản xuất theo kế hoạch, thì cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, phương án sản xuất xem xét, quyết định việc thu hẹp phạm vi, gia hạn thời gian thu hồi vốn hoặc tạm dừng dự án, hủy bỏ quay vòng và hủy bỏ thu hồi vốn quay vòng theo các phương án xử lý rủi ro.

2. Xác định mức độ rủi ro: Cộng đồng dân cư phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập tổ kiểm tra, xác minh, đánh giá mức độ thiệt hại do các nguyên nhân khách quan gây ra.

3. Trên cơ sở biên bản kiểm tra, xác minh, đánh giá mức thiệt hại của dự án, phương án sản xuất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định xử lý rủi ro vốn quay vòng, luân chuyển trong cộng đồng như sau:

a) Mức thiệt hại từ 30% đến 50% theo mức độ rủi ro thiên tai thực hiện thu hồi 60% số kinh phí quay vòng theo dự án, phương án được phê duyệt.

b) Mức thiệt hại từ 50% đến 70% theo mức độ rủi ro thiên tai thực hiện thu hồi 30% số kinh phí quay vòng theo dự án, phương án được phê duyệt.

c) Mức thiệt trên 70% theo mức độ rủi ro thiên tai, ra quyết định dừng dự án, hủy bỏ thu hồi vốn quay vòng của dự án, phương án sản xuất.

Điều 7. Quản lý vốn quay vòng, luân chuyển trong cộng đồng

1. Cộng đồng tự quản lý, tổ chức thực hiện việc quay vòng vốn trong cộng đồng. Trường hợp cộng đồng không đủ năng lực quản lý (không cử được người có trình độ, năng lực, kinh nghiệm quản lý vốn), Ủy ban nhân dân cấp huyện giao cơ quan chuyên môn cùng cấp chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã cử cán bộ hỗ trợ cộng đồng quản lý, tổ chức quay vòng vốn. Lập sổ sách, chứng từ theo dõi, quản lý, sử dụng và thu nộp quỹ quay vòng cộng đồng của dự án, phương án sản xuất để làm căn cứ thanh quyết toán theo quy định.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện giao nhiệm vụ cho phòng Nông nghiệp và PTNT/phòng Kinh tế mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước để tiếp nhận, quản lý, sử dụng quỹ quay vòng, luân chuyển vốn hỗ trợ thực hiện các dự án, phương án sản xuất mới (nếu có) hoặc thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

3. Cơ quan, đơn vị được giao quản lý vốn quay vòng định kỳ thông báo số dư của quỹ quay vòng đến các địa phương, để cộng đồng tiếp cận, đăng ký tham gia thụ hưởng hỗ trợ theo quy định.

4. Quản lý thu, chi, thanh quyết toán nguồn vốn quay vòng thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Điều 8. Quy trình theo dõi, kiểm tra, giám sát

1. Nội dung

a) Theo dõi, kiểm tra sự phù hợp của quyết định hỗ trợ với nội dung Quy định này và các quy định có liên quan khác của pháp luật.

b) Theo dõi, kiểm tra việc chủ đầu tư tổ chức triển khai, tiến độ thực hiện hoạt động quản lý, tổ chức quay vòng, luân chuyển vốn trong cộng đồng của từng dự án, phương án sản xuất trên địa bàn và chấp hành các quy định khác của pháp luật có liên quan.

c) Theo dõi, kiểm tra kết quả nghiệm thu và quyết toán dự án.

2. Trình tự, thủ tục, quy trình giám sát

a) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan liên quan: Thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cho từng dự án, phương án sản xuất; thành phần của Ban ít nhất 5 người, gồm đại diện Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cấp xã, Thanh tra nhân dân, đại diện tổ chức chính trị - xã hội và đại diện người dân trên địa bàn; lập kế hoạch giám sát của cộng đồng đối với dự án, phương án sản xuất hằng năm trên địa bàn xã. Thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, cộng đồng thực hiện dự án về kế hoạch giám sát chậm nhất 45 ngày trước khi thực hiện giám sát; tổ chức giám sát, lập và gửi Báo cáo giám sát tới Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án, phương án sản xuất và thông báo tới đối tượng được giám sát.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan, đơn vị được giao vốn: Cung cấp đầy đủ, trung thực, kịp thời tài liệu liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án cho Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; tạo điều kiện thuận lợi cho Ban giám sát đầu tư cộng đồng thực hiện việc giám sát theo quy định của pháp luật; tiếp thu ý kiến giám sát và tăng cường các biện pháp thực hiện dự án.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chủ quản chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện:

a) Kiểm tra, thanh tra tình hình quản lý, sử dụng vốn thực hiện cơ chế quay vòng; hướng dẫn các đơn vị, địa phương giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế quay vòng, luân chuyển vốn trong quá trình lập, phê duyệt và thực hiện dự án.

b) Tổng hợp báo cáo theo định kỳ 06 tháng, hằng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện cơ chế quay vòng vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng.

c) Phối hợp với Sở Tài chính, các cơ quan chủ quản Chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết các vấn đề vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện Quyết định này, phản ánh kịp thời với cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

2. Các cơ quan chủ quản Chương trình cấp tỉnh:

a) Phối hợp thực hiện kiểm tra, thanh tra tình hình quản lý, sử dụng phần vốn thực hiện cơ chế quay vòng; giải quyết các vấn đề vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện cơ chế quay vòng.

b) Theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện cơ chế quay vòng vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý cấp trên; phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình quay vòng vốn hỗ trợ theo yêu cầu.

3. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chủ quản chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh thực hiện kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quay vòng, luân chuyển vốn; hướng dẫn thủ tục cấp phát, thanh quyết toán nguồn vốn quay vòng theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước.

4. Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Quyết định phê duyệt dự án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất do cộng đồng dân cư đề xuất trên địa bàn huyện, trong đó bao gồm các nội dung về cơ chế quay vòng như: Tỷ lệ, hình thức, thời gian quay vòng, thu hồi vốn quay vòng, thời điểm thu hồi vốn, giao trách nhiệm quản lý, thu, nộp vốn quay vòng; đồng thời xem xét, phân bổ nguồn vốn quay vòng để hỗ trợ thực hiện dự án mới theo quy định.

b) Tổ chức thực hiện báo cáo tình hình quản lý, sử dụng vốn quay vòng định kỳ 6 tháng và hằng năm gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan chủ quản Chương trình để tổng hợp, báo cáo.

c) Kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế quay vòng, luân chuyển vốn trong cộng đồng; chỉ đạo tổ chức thu hồi toàn bộ vốn quay vòng nộp ngân sách nhà nước khi kết thúc Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

5. Ủy ban nhân dân cấp xã

a) Chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ cộng đồng dân cư lập, trình thẩm định phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, phương án sản xuất và cơ chế quay vòng vốn, thu hồi vốn của các dự án, phương án trên địa bàn quản lý.

b) Định kỳ 6 tháng và hằng năm tổng hợp báo cáo đơn vị quản lý cấp huyện về tình hình triển khai thực hiện cơ chế quay vòng các dự án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, kết quả sử dụng quỹ quay vòng trên địa bàn.

6. Đối với cộng đồng dân cư được tham gia dự án phát triển sản xuất

Tổ chức họp cử đại diện cộng đồng làm nhiệm vụ quản lý quỹ quay vòng, thực hiện quay vòng, luân chuyển vốn trong cộng đồng theo đúng quy định. Báo cáo kết quả thực hiện dự án, kết quả sử dụng quỹ quay vòng, luân chuyển theo định kỳ 6 tháng, hằng năm và khi kết thúc dự án, gửi Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 03/2023/QĐ-UBND quy định cơ chế quay vòng, luân chuyển một phần vốn hỗ trợ thực hiện các dự án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 03/2023/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/03/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái
  • Người ký: Trần Huy Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/03/2023
  • Ngày hết hiệu lực: 09/11/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản