Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2017/QĐ-UBND | Cần Thơ, ngày 28 tháng 3 năm 2017 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THOÁT NƯỚC VÀ XỬ LÝ NƯỚC THẢI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 4 năm 2017 và thay thế Quyết định số 22/2012/QĐ-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc ban hành quy định phân cấp quản lý hoạt động thoát nước đô thị và khu công nghiệp.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện; các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THOÁT NƯỚC VÀ XỬ LÝ NƯỚC THẢI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2017/QĐ-UBND ngày 28 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải tại các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất (sau đây gọi tắt là khu công nghiệp), cụm công nghiệp, làng nghề, khu dân cư nông thôn tập trung bao gồm: định hướng, quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển thoát nước, quản lý và vận hành hệ thống thoát nước, đấu nối thoát nước, dịch vụ thoát nước, phân cấp trách nhiệm quản lý của các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố.
2. Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố.
Điều 2. Thành phần hệ thống thoát nước
Thành phần hệ thống thoát nước bao gồm:
1. Mạng lưới thoát nước cấp 1: Bao gồm kênh, mương, cống dẫn nước thải, nước mưa cho khu vực hoặc lưu vực thoát nước xả trực tiếp vào các nguồn tiếp nhận như sông, hồ hoặc nhà máy xử lý nước thải.
2. Mạng lưới thoát nước cấp 2: Bao gồm hệ thống cống dọc các đường phố chính có chức năng vận chuyển nước thải và nước mưa, có thể thông qua hoặc không thông qua các trạm bơm đến mạng lưới thoát nước cấp 1.
3. Mạng lưới thoát nước cấp 3: Bao gồm cống dọc các đường phố tại các tiểu khu; cống dọc các hẻm, các cống dẫn nước mưa từ cửa thu nước hè phố, nước thải từ các hộp đấu nối và truyền tải nước thải, nước mưa tới mạng lưới thoát nước cấp 1 và cấp 2.
4. Điểm đấu nối mà các hộ thoát nước xả nước vào hệ thống thoát nước công cộng, bao gồm các hố kiểm tra và ống đấu nối đến cống cấp 3.
5. Hố ga, cửa thu nước lề đường, các giếng tách nước mưa và nước thải (CSO), cống bao, cống áp lực, cống (đập, van) ngăn triều,...
6. Các trạm bơm nước thải, nước mưa và các cống liên quan đến trạm bơm.
7. Các hồ điều hòa.
8. Các cửa xả nước mưa hoặc nước thải.
9. Các nhà máy xử lý nước thải tập trung và trạm xử lý nước thải phi tập trung.
Điều 3. Nguyên tắc chung quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải
Ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 3 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải (sau đây gọi tắt là Nghị định số 80/2014/NĐ-CP), hoạt động thoát nước và xử lý nước thải cần phải tuân theo các nguyên tắc sau:
1. Hệ thống thoát nước, xử lý nước thải phải được thiết kế và xây dựng đồng bộ. Trong trường hợp hạn hẹp về kinh phí đầu tư xây dựng thì phải phân chia giai đoạn đầu tư theo lưu vực ưu tiên, nhưng phải đảm bảo yếu tố đồng bộ, kết nối cho từng giai đoạn.
2. Hạn chế việc lấp kênh, rạch, mương thoát nước tự nhiên trên địa bàn đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư nông thôn tập trung. Trường hợp bắt buộc lấp thì phải có ý kiến chấp thuận của Ủy ban nhân dân thành phố và phải có phương án bù đắp lại phần thể tích đã bị lấp nhằm đảm bảo dòng chảy của khu vực, lưu vực thoát nước.
3. Hệ thống thoát nước, xử lý nước thải sau khi xây dựng xong phải được giao cho đơn vị chuyên nghiệp quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo việc vận hành hệ thống thoát nước một cách liên tục góp phần vào việc chống ngập và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố.
4. Người sử dụng dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải phải trả tiền dịch vụ thoát nước; nguồn thu từ giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải phải đáp ứng từng bước và tiến tới bù đắp hoàn toàn chi phí dịch vụ thoát nước.
5. Giá dịch vụ thoát nước do Ủy ban nhân dân thành phố quy định có tính đến: Đối tượng, loại hình và mức độ ô nhiễm của nước thải xả vào hệ thống thoát nước, khả năng chi trả hay điều kiện kinh tế xã hội của từng quận, huyện và của các hộ thoát nước.
6. Khuyến khích và huy động sự tham gia của mọi thành phần kinh tế đầu tư, quản lý, vận hành duy tu bảo dưỡng các hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề.
ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC
Điều 4. Nguyên tắc đầu tư phát triển hệ thống thoát nước
1. Tất cả các dự án, công trình thoát nước đều phải được thẩm định, phê duyệt trên cơ sở Kế hoạch đầu tư phát triển thoát nước của thành phố và các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước phải kết hợp với các công trình hạ tầng khác để sử dụng chung theo quy định.
3. Đồ án quy hoạch, dự án đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật khác (giao thông, thủy lợi, cấp nước...) phải bảo đảm tính đồng bộ với hệ thống thoát nước tại khu vực.
4. Khi cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là công trình giao thông có liên quan đến hệ thống thoát nước, chủ đầu tư phải có phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã có trước, bảo đảm thoát nước bình thường và có nghĩa vụ cải tạo, phục hồi hoặc xây dựng mới đồng bộ các hạng mục công trình thoát nước có liên quan, đảm bảo vệ sinh môi trường trong và sau khi cải tạo, xây dựng; vệ sinh thông hút sạch sẽ lồng cống đảm bảo thoát nước trước khi nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.
5. Sở Xây dựng, Sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, đơn vị được thuê quản lý vận hành hệ thống thoát nước và cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án có quyền và nghĩa vụ tham gia giám sát quá trình xây dựng các hạng mục công trình thoát nước thuộc dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan.
Điều 5. Chủ sở hữu hệ thống thoát nước
1. Ủy ban nhân dân thành phố: là chủ sở hữu đối với các nhà máy xử lý nước thải tập trung (bao gồm trạm bơm, giếng tách dòng,… thuộc hệ thống của nhà máy xử lý nước thải) gồm: công trình được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; nhận bàn giao lại từ các tổ chức kinh doanh, phát triển khu đô thị mới và các tổ chức, cá nhân bỏ vốn đầu tư để kinh doanh khai thác công trình hệ thống thoát nước có thời hạn trên địa bàn đô thị có tính chất liên quận, huyện. Tùy theo điều kiện thực tế, trong quá trình thực hiện Ủy ban nhân dân thành phố có thể ủy quyền cho Sở Xây dựng hoặc đơn vị sự nghiệp công lập làm đại diện chủ sở hữu hệ thống thoát nước trên địa bàn đô thị có tính chất liên quận, huyện do Ủy ban nhân dân thành phố làm chủ sở hữu.
2. Ủy ban nhân dân quận, huyện: là chủ sở hữu hệ thống thoát nước đô thị và làng nghề, khu dân cư nông thôn tập trung được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; nhận bàn giao lại từ các tổ chức kinh doanh, phát triển khu đô thị mới và các tổ chức, cá nhân bỏ vốn đầu tư để kinh doanh khai thác công trình hệ thống thoát nước có thời hạn trong phạm vi địa giới hành chính của quận, huyện quản lý (trừ các trường hợp tại khoản 1 Điều này).
3. Các tổ chức kinh doanh, phát triển khu đô thị mới, khu công nghiệp, làng nghề: Là chủ sở hữu hệ thống thoát nước thuộc khu đô thị mới, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề do mình bỏ vốn đầu tư xây dựng đến khi bàn giao.
4. Các tổ chức, cá nhân: là chủ sở hữu công trình thoát nước do mình bỏ vốn đầu tư hoặc đến khi bàn giao cho chủ sở hữu là Ủy ban nhân dân thành phố hoặc Ủy ban nhân dân quận, huyện theo quy định tại khoản 1, 2 Điều này.
Điều 6. Chủ đầu tư công trình thoát nước
1. Đối với công trình thoát nước sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách:
a) Trường hợp do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định đầu tư thì chủ đầu tư công trình thoát nước do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định theo quy định của Luật Xây dựng và các văn bản pháp luật liên quan.
b) Trường hợp do Ủy ban nhân dân quận, huyện quyết định đầu tư thì chủ đầu tư do Ủy ban nhân dân quận, huyện quyết định theo quy định của Luật Xây dựng và các văn bản pháp luật liên quan.
c) Đối với công trình thoát nước sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách do các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết định đầu tư thì chủ đầu tư do các đơn vị đó quyết định theo quy định.
2. Đối với công trình thoát nước sử dụng vốn khác, chủ đầu tư là do cơ quan, tổ chức, cá nhân sở hữu vốn hoặc vay vốn để đầu tư xây dựng quyết định. Trường hợp sử dụng vốn hỗn hợp, các bên góp vốn thỏa thuận về chủ đầu tư.
3. Công trình thoát nước do cộng đồng đóng góp, đại diện chủ đầu tư do cộng đồng quyết định.
4. Đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), chủ đầu tư là doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Kế hoạch đầu tư phát triển thoát nước
1. Kế hoạch đầu tư phát triển thoát nước được lập cho 05 năm và hàng năm. Nội dung đầu tư phát triển thoát nước bao gồm các giải pháp, phương án đầu tư, phương án kinh tế, phương án kỹ thuật, công việc cụ thể nhằm bảo đảm tiêu thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải.
2. Kế hoạch đầu tư phát triển thoát nước phải phù hợp với Định hướng Phát triển thoát nước, Quy hoạch xây dựng, Quy hoạch thoát nước đã được phê duyệt và có sự phối hợp đồng bộ với các địa phương liên quan trong trường hợp có đấu nối hệ thống thoát nước liền kề.
3. Trình tự, trách nhiệm lập, thẩm định, phê duyệt Kế hoạch đầu tư phát triển thoát nước:
a) Ủy ban nhân dân quận, huyện chủ trì phối hợp với đơn vị thoát nước lập Kế hoạch đầu tư phát triển thoát nước hàng năm và giai đoạn 05 năm gửi về Sở Xây dựng trước ngày 15 tháng 11 hàng năm.
b) Trên cơ sở Kế hoạch đầu tư phát triển thoát nước của các quận, huyện, Sở Xây dựng lập Kế hoạch đầu tư phát triển thoát nước chung cho toàn thành phố.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính thẩm định Kế hoạch đầu tư phát triển thoát nước của thành phố và trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
Điều 8. Dự án đầu tư xây dựng hoặc cải tạo hệ thống thoát nước
1. Việc lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải phải tuân theo các quy định của Luật Xây dựng, Nghị định số 80/2014/NĐ-CP; Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn hiện hành có liên quan.
2. Tùy theo đặc điểm, quy mô dự án, trong quá trình nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng hoặc cải tạo các hệ thống thoát nước, xử lý nước thải có tính chất tập trung, giải quyết một cách cơ bản các vấn đề thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải của các đô thị, chủ đầu tư phải thực hiện các nội dung sau:
a) Tổ chức điều tra, khảo sát xã hội học, tham vấn cộng đồng đánh giá thực trạng mức sống, khả năng và sự sẵn sàng đấu nối, thực hiện nghĩa vụ chi trả giá sử dụng dịch vụ thoát nước của người dân khu vực dự án; đồng thời để người dân được biết các thông tin về dự án, chất lượng dịch vụ được hưởng sau khi dự án hoàn thành, tham gia vào quá trình ra quyết định và giám sát thực hiện.
b) Lựa chọn phương án kỹ thuật, công nghệ: Ưu tiên sử dụng công nghệ thích hợp, thân thiện với môi trường, phù hợp với đặc thù địa hình, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và có chi phí vận hành, bảo dưỡng thấp.
c) Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải phải thực hiện đồng bộ từ mạng lưới thoát nước cấp 1, cấp 2, cấp 3 và hộp đấu nối trước hộ thoát nước. Trong trường hợp hạn hẹp về kinh phí đầu tư xây dựng thì phải phân chia giai đoạn đầu tư cụ thể theo lưu vực, khu vực ưu tiên, nhưng phải đảm bảo yếu tố đồng bộ, kể cả công trình xử lý bùn thải cho lưu vực lựa chọn.
d) Phương án thiết kế hệ thống thoát nước phải được kiểm tra bằng phần mềm chuyên dụng về thoát nước. Bản vẽ thiết kế kỹ thuật hệ thống thoát nước phải thể hiện rõ mặt cắt ngang, trắc dọc tuyến, cao độ cụ thể của từng điểm đấu nối,… đảm bảo độ dốc thoát nước cho công trình và cho hệ thống thoát nước khu vực xung quanh.
Điều 9. Quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước
Ngoài việc thực hiện theo quy định tại Điều 62 Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ và các quy định có liên quan, dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước phải có sự tham gia của đơn vị chủ sở hữu công trình thoát nước để theo dõi và quản lý theo nhiệm vụ được giao tại Điều 13 Quy định này.
Điều 10. Bàn giao công trình thoát nước đô thị đưa vào quản lý, vận hành, khai thác
1. Công trình thoát nước đưa vào quản lý, vận hành, khai thác sử dụng phải được tổ chức nghiệm thu hoàn thành công trình theo đúng quy định hiện hành và được đơn vị chủ sở hữu hệ thống thoát nước theo phân cấp kiểm tra, xác nhận bằng văn bản công trình không có vật cản gây tắc dòng chảy, đảm bảo điều kiện đưa vào vận hành khai thác sử dụng.
2. Khi bàn giao toàn bộ hoặc bộ phận công trình thoát nước, chủ đầu tư phải bàn giao hồ sơ hoàn công công trình với các thành phần sau:
a) Bàn giao cho Sở Xây dựng: Bản vẽ hoàn công, các văn bản pháp lý chính có liên quan, kèm theo đĩa CD ghi nội dung bản vẽ hoàn công.
b) Bàn giao cho đơn vị chủ sở hữu: Toàn bộ hồ sơ hoàn công, bao gồm bản vẽ hoàn công, hồ sơ pháp lý, tài liệu quản lý chất lượng, quy trình quản lý vận hành, bảo trì công trình theo quy định, kèm theo đĩa CD ghi các nội dung hồ sơ hoàn công.
QUẢN LÝ, VẬN HÀNH HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC VÀ XỬ LÝ NƯỚC THẢI
Điều 11. Hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước
1. Việc lựa chọn đơn vị thoát nước được thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP.
2. Hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước là văn bản pháp lý được ký kết giữa chủ sở hữu và đơn vị được giao quản lý, vận hành hệ thống thoát nước (đơn vị thoát nước). Mẫu hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước theo Phụ lục 1 của Thông tư số 04/2015/TT-BXD ngày 03 tháng 4 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Tùy theo điều kiện cụ thể, chủ sở hữu và đơn vị thoát nước quy định cụ thể về phương thức thực hiện, cách thức nghiệm thu, điều kiện nghiệm thu và trách nhiệm của các bên liên quan phù hợp với điều kiện thực tế và quy định của pháp luật.
3. Hợp đồng khung quản lý, vận hành hệ thống thoát nước có thời hạn ngắn nhất là 05 năm và dài nhất là 10 năm. Trường hợp muốn tiếp tục kéo dài hợp đồng, trước khi kết thúc thời hạn hợp đồng ít nhất là 01 năm thì các bên tham gia hợp đồng phải tiến hành thương thảo việc kéo dài hợp đồng quản lý, vận hành và đi đến ký kết.
4. Giá hợp đồng sẽ được xem xét hàng năm trên cơ sở khối lượng công việc (tổng chiều dài cống, hố ga, kênh mương,...) và đơn giá (nhân công, ca máy, vật tư, hóa chất, điện,…). Trước tháng 10 hàng năm, hai Bên ký kết hợp đồng sẽ tiến hành xác định khối lượng công việc, áp giá (nhân công, ca máy, vật tư, hóa chất, điện,…) để tính giá trị của hợp đồng, trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở ký kết phụ lục hợp đồng cho năm tiếp theo.
Điều 12. Yêu cầu đối với công tác nạo vét, duy tu hệ thống thoát nước
Khi tiến hành nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước phải đảm bảo các yêu cầu sau:
1. Thực hiện các biện pháp cần thiết (đặt tín hiệu, biển báo công trình,…) để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
2. Chất thải nạo vét bùn cống thoát nước phải để vào thùng kín không rò rỉ; vận chuyển chất thải bằng phương tiện chuyên dụng, không được để chất thải rơi vãi khi lưu thông trên đường giao thông công cộng và đưa ra bãi thải ngay khi hoàn thành công việc; nghiêm cấm để chất thải qua đêm trên đường phố.
3. Nạo vét đến đâu, phải tiến hành đậy nắp đan, chèn kín khít mạch hệ thống thoát nước đến đó. Không được để miệng cống, hố ga hở sau khi hoàn thành công tác nạo vét.
4. Việc nạo vét hệ thống thoát nước phải được chủ sở hữu và đơn vị thoát nước lập kế hoạch hàng năm và hàng tháng, gửi Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân quận, huyện, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ để quản lý.
Điều 13. Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sở hữu hệ thống thoát nước, xử lý nước thải
1. Quản lý, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống thoát nước do mình làm chủ sở hữu theo quy định tại Điều 5 Quy định này.
2. Lựa chọn, thương thảo, ký kết hợp đồng và chấm dứt hợp đồng quản lý vận hành với đơn vị chuyên nghiệp quản lý vận hành và cung cấp dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải.
3. Giám sát và kiểm tra hệ thống thoát nước và các hạng mục của hệ thống này vào bất cứ thời điểm nào để đảm bảo tính hiệu quả của các hoạt động quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng theo hợp đồng đã ký.
4. Tổ chức lập và cung cấp cho đơn vị thoát nước 01 (một) bảng danh mục về các công trình của hệ thống thoát nước, các bản vẽ hoàn công các công trình đã được xây dựng (nếu có). Trường hợp không có các bản vẽ hoàn công các công trình thoát nước, chủ sở hữu tài sản hoặc đại diện chủ sở hữu tài sản sẽ tiến hành khảo sát thống kê, xác định vị trí, kích thước cơ bản, đánh giá tình trạng vật chất, đánh giá giá trị còn lại của tài sản. Đơn vị thoát nước có trách nhiệm hỗ trợ chủ sở hữu tài sản thực hiện nhiệm vụ khảo sát thống kê này nhằm lập bản đồ hiện trạng hệ thống thoát nước.
5. Phối hợp với đơn vị thoát nước tổ chức và triển khai các chương trình truyền thông, thông tin đại chúng về các vấn đề liên quan đến quy định quản lý thoát nước, chính sách bắt buộc đấu nối và cung cấp dịch vụ thoát nước, các quy định về giá dịch vụ thoát nước, thu gom và xử lý nước thải, chính sách về giám sát cộng đồng đối với dịch vụ thoát nước và quy định liên quan.
6. Đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho đơn vị thoát nước theo nội dung của hợp đồng.
7. Phê duyệt đúng thời hạn các kế hoạch đầu tư do đơn vị thoát nước lập trong việc sửa chữa lớn, thay thế, phục hồi và mở rộng hệ thống thoát nước nhằm đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ của hợp đồng quản lý, vận hành.
8. Hỗ trợ đơn vị thoát nước trong việc đấu nối các hộ thoát nước vào hệ thống thoát nước.
9. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố về việc thoát nước mưa, thoát nước thải trong phạm vi hệ thống thoát nước do mình quản lý. Báo cáo về Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân quận, huyện kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, vận hành hệ thống thoát nước định kỳ 06 tháng, hàng năm và đột xuất khi có yêu cầu.
Điều 14. Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của đơn vị thoát nước
1. Đơn vị thoát nước có các quyền sau:
Đơn vị thoát nước có các quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP và các quy định có liên quan.
2. Đơn vị thoát nước có các nghĩa vụ và trách nhiệm sau:
Ngoài các nghĩa vụ được quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP, đơn vị thoát nước có các nghĩa vụ sau:
a) Xây dựng kế hoạch, lộ trình đấu nối và báo cáo chủ sở hữu hệ thống thoát nước để được sự chỉ đạo kịp thời.
b) Định kỳ hàng năm phối hợp với chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu lập chi phí dịch vụ thoát nước trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt để ký kết phụ lục hợp đồng quản lý vận hành cho năm tiếp theo.
c) Bảo vệ an toàn hệ thống thoát nước theo quy định.
d) Thông báo đến hộ thoát nước được biết để thực hiện đấu nối ngay khi đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các điểm đấu nối trên tuyến cống thu gom nước thải, nước mưa.
đ) Khảo sát, thiết kế, lập dự toán và thi công đấu nối theo quy định (trường hợp hộ thoát nước yêu cầu).
e) Có trách nhiệm tổ chức kiểm soát việc xả nước thải của hộ thoát nước vào hệ thống thoát nước do mình quản lý bảo đảm các quy chuẩn quy định, tự tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm định kỳ theo quy định và khi thấy cần thiết.
g) Tiếp nhận và xử lý hồ sơ thỏa thuận đấu nối của các hộ thoát nước. Định kỳ hàng tháng báo cáo chủ sở hữu về tình hình thỏa thuận đấu nối đã tiếp nhận và xử lý.
h) Giám sát việc xây dựng các công trình thu gom của các hộ thoát nước theo hợp đồng dịch vụ thoát nước đã ký.
i) Phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện việc đấu nối nước thải.
k) Hàng năm có kế hoạch thiết lập và xây dựng các điểm đấu nối mới để phục vụ cho nhu cầu đấu nối của các hộ thoát nước trong phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước.
l) Có trách nhiệm xây dựng, điều chỉnh mẫu hợp đồng dịch vụ thoát nước hoặc phụ lục hợp đồng dịch vụ thoát nước (nếu có) phù hợp theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của hộ thoát nước
1. Quyền và nghĩa vụ của hộ thoát nước:
Thực hiện theo Điều 29 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP.
2. Hộ thoát nước có các trách nhiệm sau:
a) Tổ chức đầu tư xây dựng toàn bộ đường ống thoát nước, công trình xử lý sơ bộ (nếu có) đến điểm đấu nối và hoàn trả nguyên trạng các mặt bằng công cộng đã sử dụng để thi công.
b) Thông báo thời điểm thi công đấu nối để đơn vị thoát nước kiểm tra, hướng dẫn và giám sát việc xây dựng bảo đảm đấu nối đúng quy định.
c) Tích cực tham gia và hưởng ứng chương trình tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước.
Điều 16. Quản lý đấu nối thoát nước đô thị
1. Việc đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị phải được kiểm soát chặt chẽ bởi đơn vị quản lý thoát nước đô thị (Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân quận, huyện) và đơn vị thoát nước theo các nội dung: Lưu lượng đấu nối, khả năng đảm nhận của hệ thống thoát nước hiện hữu, yêu cầu kỹ thuật của điểm đấu nối, phương án thi công, cải tạo vị trí đấu nối và quá trình thi công đấu nối.
2. Hộ thoát nước có nhu cầu đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị phải làm thủ tục để được xem xét, giải quyết theo quy định.
3. Chủ sở hữu hoặc đơn vị thoát nước được chủ sở hữu hệ thống thoát nước thuê quản lý vận hành có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý hồ sơ thỏa thuận đấu nối đối với hộ thoát nước là hộ gia đình.
4. Chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu hệ thống thoát nước tiếp nhận, xử lý hồ sơ thỏa thuận đấu nối đối với hộ thoát nước là các công trình như: Công trình công cộng, thương mại dịch vụ, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu dân cư, khu đô thị mới. Riêng đối với các công trình phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định thì phải có ý kiến thỏa thuận của Sở Xây dựng trước khi chấp thuận cho hộ thoát nước đấu nối.
5. Trường hợp trong khu công nghiệp, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ xin thỏa thuận, kiểm tra, xử lý hồ sơ thỏa thuận đấu nối theo quy định.
Điều 17. Phạm vi và đối tượng đấu nối thoát nước
1. Thực hiện theo khoản 2, Điều 30, Nghị định số 80/2014/NĐ-CP.
2. Riêng đối với các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp thì thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 16, Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường trong khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
Điều 18. Điểm đấu nối và đầu tư xây dựng đấu nối
1. Điểm đấu nối là các điểm xả của các hộ thoát nước vào hệ thống thoát nước đô thị. Điểm đấu nối được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn của chủ sở hữu hệ thống thoát nước và giao cho đơn vị thoát nước quản lý. Vị trí điểm đấu nối được xác định nằm trên tuyến thu gom của hệ thống thoát nước, được bố trí trên phần đất công sát ranh giới giữa phần đất công và đất tư của hộ thoát nước. Cao độ và các yêu cầu kỹ thuật của điểm đấu nối được xác định trên cơ sở tuân thủ quy hoạch thoát nước, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành và đảm bảo việc thoát nước.
2. Hộ thoát nước có trách nhiệm đầu tư tuyến cống thu gom để vận chuyển nước thải từ các điểm xả của hộ thoát nước đến điểm đấu nối. Các hộ thoát nước lân cận trên cùng tuyến thu gom được phép đầu tư xây dựng chung một tuyến cống thu gom vận chuyển nước thải, nhưng phải đảm bảo yêu cầu về đấu nối và được đơn vị thoát nước chấp thuận trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật.
3. Việc thi công tại điểm đấu nối do đơn vị thoát nước thực hiện hoặc hộ thoát nước tự tổ chức thi công dưới sự giám sát của đơn vị thoát nước nhằm đảm bảo đúng thiết kế được duyệt. Sau khi đấu nối hoàn thành phải có biên bản nghiệm thu thi công đấu nối của đơn vị thoát nước.
Điều 19. Xả nước thải tại điểm đấu nối
1. Đối với nước thải sinh hoạt: Các hộ thoát nước được phép xả nước thải trực tiếp vào hệ thống thoát nước tại điểm đấu nối.
2. Đối với các loại nước thải khác: Các hộ thoát nước phải thu gom và có hệ thống xử lý nước thải cục bộ bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật theo quy định trước khi xả vào điểm đấu nối và theo các quy định về đấu nối và thỏa thuận đấu nối.
Điều 20. Yêu cầu về kỹ thuật đấu nối
1. Việc đấu nối hệ thống thoát nước phải đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất lượng nước thải thấm vào lòng đất hoặc chảy vào các nguồn tiếp nhận khác.
2. Ống thoát nước từ điểm xả của hộ thoát nước đến điểm đấu nối phải lớn hơn hoặc bằng 90mm, có độ dốc phù hợp để đảm bảo không bị tắt nghẽn.
3. Ống thoát nước được sử dụng đảm bảo đạt tiêu chuẩn quy định và có độ bền cao. Khuyến khích sử dụng ống thoát nước làm bằng nhựa PVC, uPVC, HDPE hoặc các công nghệ tiên tiến khác được áp dụng hiệu quả.
Điều 21. Trình tự, thủ tục thực hiện đấu nối
1. Đối với hộ thoát nước là hộ gia đình:
a) Nộp hồ sơ thỏa thuận đấu nối tại Ủy ban nhân dân quận, huyện (chủ sở hữu) hoặc đơn vị thoát nước khi được Ủy ban nhân quận, huyện ủy quyền.
b) Đơn vị thoát nước khảo sát, thiết kế và lập dự toán đấu nối. Trường hợp hộ thoát nước tự thiết kế đấu nối thì thiết kế phải đúng quy định, yêu cầu và được đơn vị thoát nước đồng ý. Thời gian khảo sát, thiết kế và lập dự toán hoặc chấp thuận thiết kế của đơn vị thoát nước không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của hộ thoát nước.
c) Hộ thoát nước có thể thuê đơn vị thoát nước thi công hoặc tự chịu trách nhiệm tổ chức thi công đấu nối dưới sự giám sát của đơn vị thoát nước.
2. Đối với hộ thoát nước là tổ chức, doanh nghiệp:
a) Nộp hồ sơ thỏa thuận đấu nối tại Sở Xây dựng.
b) Hộ thoát nước tự khảo sát, thiết kế và lập hồ sơ đấu nối gửi đến Sở Xây dựng để xem xét đấu nối. Không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của hộ thoát nước Sở Xây dựng trả kết quả giải quyết.
c) Hộ thoát nước có thể thuê đơn vị thoát nước thi công hoặc tự chịu trách nhiệm thi công đấu nối dưới sự giám sát của đơn vị thoát nước và Sở Xây dựng.
Điều 22. Yêu cầu hồ sơ thỏa thuận đấu nối
Hồ sơ thỏa thuận đấu nối gồm: Văn bản xin đấu nối; bản vẽ hiện trạng, bản vẽ thiết kế hoặc tài liệu khảo sát thực tế, trong đó cần xác định rõ: Khuôn viên tài sản; vị trí hố ga chờ sẵn để đấu nối vào hệ thống thoát nước công cộng; vị trí vào cao độ của các công trình hiện có, bể tự hoại, hầm rút; báo cáo tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường được duyệt theo quy định (nếu có) và các hồ sơ khác có liên quan.
Điều 23. Chi phí đấu nối và chính sách hỗ trợ
1. Chi phí đấu nối gồm chi phí: Khảo sát, thiết kế, lập dự toán, lắp đặt ống, phụ kiện và hoàn trả mặt bằng từ điểm xả của hộ thoát nước đến điểm đấu nối.
2. Đối tượng hỗ trợ bao gồm: Hộ gia đình có công, gia đình có chứng nhận sổ hộ nghèo.
3. Phương thức hỗ trợ:
a) Hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí lắp đặt từ hố kiểm tra đến vị trí đường ống thoát nước trong phạm vi phần đất của hộ gia đình.
b) Nguồn vốn hỗ trợ từ nguồn thu từ giá dịch vụ thoát nước, ngân sách địa phương, từ các dự án đầu tư hoặc từ nguồn vốn của đơn vị thoát nước.
4. Căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định mức hỗ trợ đấu nối cho các đối tượng cụ thể.
Điều 24. Trình tự thực hiện hỗ trợ đấu nối
1. Trình tự thực hiện hỗ trợ:
a) Bước 1: Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện chủ trì phối hợp với đơn vị thoát nước tổ chức rà soát lập danh sách đối tượng được hỗ trợ và lập dự toán kinh phí hỗ trợ đấu nối cho từng đối tượng cụ thể, trình Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
b) Bước 2: Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện tổ chức bàn giao toàn bộ kinh phí hỗ trợ cho từng đối tượng theo danh sách được duyệt trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ đấu nối của địa phương. Thủ tục bàn giao hỗ trợ đấu nối Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện quy định.
1. Hộ thoát nước gần nguồn tiếp nhận với kết quả chất lượng nước thải thải ra phù hợp theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật có liên quan.
2. Tại địa bàn chưa có mạng lưới thu gom của hệ thống thoát nước.
3. Đối với các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp, việc miễn trừ đối nối được áp dụng theo quy định tại khoản 4, Điều 9, Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về Bảo vệ môi trường trong khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
Điều 26. Tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ thoát nước
1. Nội dung tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải đảm bảo đầy đủ hai phần: Chất lượng dịch vụ và chất lượng phục vụ; đồng thời phải đáp ứng yêu cầu về thời gian phục vụ phải nhanh chóng, kịp thời, mức độ chính xác, mức độ an toàn, mức độ tiện lợi và tinh thần thái độ phục vụ.
2. Tùy từng điều kiện cụ thể của từng khu vực trên địa bàn thành phố, đơn vị thoát nước xây dựng tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ thoát nước của đơn vị mình trình chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu và Sở Xây dựng xem xét, thống nhất.
Điều 27. Hợp đồng dịch vụ thoát nước
Hợp đồng dịch vụ thoát nước được ký kết giữa đơn vị thoát nước với hộ thoát nước nếu là tổ chức, doanh nghiệp. Mẫu hợp đồng dịch vụ thoát nước được thực hiện theo quy định tại Điều 5, Thông tư số 04/2015/TT-BXD ngày 03 tháng 4 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP. Riêng hộ thoát nước là hộ gia đình thì không thực hiện Hợp đồng dịch vụ với đơn vị thoát nước.
Điều 28. Ngừng dịch vụ thoát nước
1. Đối với hộ thoát nước là hộ gia đình: Đơn vị thoát nước không được ngừng cung cấp dịch vụ thoát nước trong mọi trường hợp. Việc các hộ thoát nước không thực hiện nghĩa vụ thanh toán giá dịch vụ thoát nước hoặc tự ý thay đổi, sửa chữa hệ thống thoát nước, vi phạm các quy định về thoát nước sẽ bị xử lý theo quy định; đồng thời, đơn vị cấp nước có nghĩa vụ ngừng cung cấp nước sạch theo yêu cầu của đơn vị thoát nước.
2. Đối với các hộ thoát nước còn lại:
a) Vi phạm các quy định về thoát nước mà không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường thì đơn vị thoát nước có văn bản thông báo về việc vi phạm và yêu cầu hộ thoát nước khắc phục. Sau 15 ngày mà hộ thoát nước không chấp hành thì đơn vị thoát nước ra thông báo lần 02, nếu sau 15 ngày tiếp theo mà hộ thoát nước vẫn không chấp hành thì đơn vị thoát nước được phép ngừng dịch vụ thoát nước theo thỏa thuận đã được quy định trong hợp đồng dịch vụ thoát nước và các quy định của pháp luật về thoát nước.
b) Vi phạm các quy định về thoát nước gây ảnh hưởng xấu đến môi trường thì đơn vị thoát nước tiến hành lập biên bản và yêu cầu hộ thoát nước phải khắc phục ngay. Sau 10 ngày mà hộ thoát nước không chấp hành, đơn vị thoát nước có quyền ngừng dịch vụ thoát nước và yêu cầu đơn vị cấp nước ngừng cung cấp nước sạch; đồng thời, hộ thoát nước bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
3. Dịch vụ thoát nước và cung cấp nước sạch được khôi phục sau khi hộ thoát nước đã khắc phục hoàn toàn hậu quả do các hành vi vi phạm gây ra và hoàn thành các nghĩa vụ theo quy định pháp luật.
4. Trường hợp ngừng dịch vụ thoát nước để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, đơn vị thoát nước phải có văn bản thông báo ngay cho các hộ thoát nước có liên quan biết lý do, thời gian tạm ngừng dịch vụ thoát nước; đồng thời, đơn vị thoát nước phải có biện pháp thoát nước tạm thời để hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của các hộ thoát nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Điều 29. Chi phí dịch vụ thoát nước
1. Chi phí dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải (gọi tắt là chi phí dịch vụ thoát nước) là các chi phí sản xuất được tính đúng, tính đủ cho một mét khối nước thải (1m3) để thực hiện các nhiệm vụ thoát nước và xử lý nước thải tại các khu vực được cung cấp dịch vụ, gồm: Chi phí vận hành, duy trì, bảo dưỡng hệ thống thoát nước; chi phí khấu hao xe, máy, thiết bị, nhà xưởng, công trình được đầu tư để phục vụ công tác thoát nước và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành; các chi phí, thuế và phí khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Chi phí dịch vụ thoát nước là cơ sở để định giá dịch vụ thoát nước và là căn cứ để xác định giá trị hợp đồng quản lý vận hành được ký kết giữa đơn vị thoát nước với chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu hệ thống thoát nước.
3. Trách nhiệm lập, thẩm định và phê duyệt chi phí dịch vụ thoát nước đối với hệ thống thoát nước tại các đô thị, làng nghề, khu dân cư nông thôn tập trung sử dụng vốn ngân sách nhà nước:
a) Trước tháng 10 hàng năm, chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu tài sản hệ thống thoát nước phối hợp với đơn vị thoát nước tiến hành xác định khối lượng công việc, áp giá nhân công, ca máy, vật tư, hóa chất, giá điện và các nội dung liên quan để lập chi phí dịch vụ thoát nước, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt;
b) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức thẩm định chi phí dịch vụ thoát nước đối với hệ thống thoát nước đô thị, cụm công nghiệp; Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thẩm định chi phí dịch vụ thoát nước đối với hệ thống thoát nước làng nghề và khu dân cư nông thôn tập trung;
c) Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt chi phí dịch vụ thoát nước đối với hệ thống thoát nước đô thị; Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện phê duyệt chi phí dịch vụ thoát nước đối với hệ thống thoát nước làng nghề và khu dân cư nông thôn tập trung.
4. Trách nhiệm lập, thẩm định và phê duyệt chi phí dịch vụ thoát nước đối với hệ thống thoát nước trong khu công nghiệp và hệ thống thoát nước do các tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư thì thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 41 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP.
Điều 30. Giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải
1. Giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải là toàn bộ chi phí sản xuất được tính đúng, tính đủ và mức lợi nhuận hợp lý cho một mét khối nước thải (1m3) để thực hiện các nhiệm vụ thoát nước và xử lý nước thải.
2. Trách nhiệm lập, thẩm định và phê duyệt giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải thực hiện theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP.
3. Việc định giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2015/TT-BXD ngày 02 tháng 4 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ thoát nước.
4. Giá sử dụng dịch vụ thoát nước do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định; việc xác định giá sử dụng dịch vụ thoát nước phải đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khả năng chi trả của hộ thoát nước.
5. Giá sử dụng dịch vụ thoát nước sẽ được thực hiện theo lộ trình, đảm bảo nguồn thu từ giá sử dụng dịch vụ thoát nước phải từng bước đáp ứng và tiến tới bù đắp hoàn toàn chi phí dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải.
6. Trong trường hợp giá sử dụng dịch vụ thoát nước do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định thấp hơn mức giá đã được tính đúng, tính đủ các chi phí dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải và mức lợi nhuận hợp lý thì Ủy ban nhân dân thành phố cấp bù từ ngân sách địa phương để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị thoát nước.
Điều 31. Tiền dịch vụ thoát nước
1. Tiền thu được từ giá dịch vụ thoát nước hàng tháng là số tiền người sử dụng dịch vụ thoát nước phải trả hàng tháng cho đơn vị thoát nước.
2. Hộ thoát nước thuộc đối tượng bắt buộc đấu nối vào hệ thống thoát nước theo quy định tại Điều 17 Quy định này, phải thanh toán tiền sử dụng dịch vụ thoát nước hàng tháng; Riêng đối với hộ thoát nước không thuộc đối tượng bắt buộc đấu nối vào hệ thống thoát nước theo quy định tại Điều 25 Quy định này thì có nghĩa vụ trả phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo quy định của pháp luật.
Điều 32. Xác định khối lượng nước thải xả vào điểm đấu nối để tính tiền sử dụng dịch vụ thoát nước
1. Đối với nước thải sinh hoạt:
a) Trường hợp các hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, khối lượng nước thải được tính bằng 100% khối lượng nước sạch tiêu thụ theo hóa đơn tiền nước.
b) Trường hợp các hộ thoát nước không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, khối lượng nước thải xả vào điểm đấu nối được lấy bằng 2m3/người/tháng. Số người được xác định theo số nhân khẩu thực tế thường trú do Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận (đối với hộ gia đình); theo bảng lương hoặc hợp đồng lao động (đối với các hộ thoát nước không tổ chức sản xuất, chế biến).
c) Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tự khai thác nước để sử dụng sinh hoạt thì khối lượng nước sạch sử dụng căn cứ vào quy mô hoạt động kinh doanh, dịch vụ do cơ sở tự kê khai và thẩm định của Ủy ban nhân dân cấp xã.
2. Đối với các loại nước thải khác:
a) Trường hợp sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, khối lượng nước thải xả vào điểm đấu nối được lấy bằng 80% khối lượng nước sạch tiêu thụ theo số đo trên hóa đơn tiền nước cấp;
b) Trường hợp không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung thì khối lượng nước thải xả vào điểm đấu nối được xác định thông qua đồng hồ đo lưu lượng. Hộ thoát nước có trách nhiệm lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng và các thiết bị bảo vệ, phụ trợ khác hoặc thỏa thuận trong Hợp đồng dịch vụ thoát nước giữa đơn vị thoát nước và hộ thoát nước.
PHÂN CÔNG VÀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THOÁT NƯỚC VÀ XỬ LÝ NƯỚC THẢI
Điều 33. Phân công cơ quan chuyên môn quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải
1. Sở Xây dựng
a) Là cơ quan chuyên môn tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động thoát nước, xử lý nước thải tại các đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, khu dân cư nông thôn tập trung trên địa bàn thành phố;
b) Chủ trì tổ chức lập, thẩm định, điều chỉnh định hướng thoát nước và xử lý nước thải; đồ án quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt;
c) Trực tiếp hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra đối với các hoạt động thoát nước đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, khu dân cư nông thôn tập trung trên địa bàn thành phố;
d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập Kế hoạch đầu tư phát triển thoát nước trên địa bàn toàn thành phố (trừ các khu công nghiệp, khu kinh tế) gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt;
đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án giá dịch vụ thoát nước đối với hệ thống thoát nước được đầu tư từ ngân sách nhà nước, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định;
e) Chủ trì tham mưu, trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành cơ chế, chính sách thực hiện ưu đãi, hỗ trợ đối với các hoạt động sử dụng nước thải sau khi xử lý tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề theo các hình thức đầu tư khác ngoài ngân sách nhà nước;
g) Phối hợp với Sở Tài chính thẩm định phương án giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải được đầu tư từ nguồn vốn khác không thuộc ngân sách nhà nước;
h) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở có liên quan kiểm tra việc xây dựng và thực hiện giá dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải áp dụng cho các đối tượng có liên quan;
i) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét vị trí phù hợp quy hoạch đối với hồ sơ xin phép xả thải của hệ thống thoát nước đô thị theo quy định;
k) Hướng dẫn việc xây dựng cơ sở dữ liệu về thoát nước và xử lý nước thải; hướng dẫn việc lập kế hoạch đầu tư phát triển thoát nước của địa phương;
l) Chỉ đạo Thanh tra Sở Xây dựng thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động thoát nước và xử lý nước thải theo đúng quy định;
m) Báo cáo tình hình quản lý, quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước đô thị và khu công nghiệp đến Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Xây dựng định kỳ hàng năm và đột xuất khi có yêu cầu.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Hàng năm tổng hợp, cân đối nhu cầu vốn từ ngân sách nhà nước trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định kế hoạch bố trí vốn cho công trình, dự án thoát nước và xử lý nước thải thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn;
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính thẩm định Kế hoạch đầu tư phát triển thoát nước, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt;
c) Tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt danh mục các dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước và xử lý nước thải để kêu gọi đầu tư theo quy định.
3. Sở Tài chính
a) Chủ trì thẩm định phương án giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố được đầu tư từ ngân sách nhà nước, trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định;
b) Góp ý thỏa thuận về giá dịch vụ thoát nước trong khu công nghiệp để các chủ đầu tư kinh doanh, phát triển hạ tầng khu công nghiệp làm cơ sở quyết định về mức giá theo quy định;
c) Chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức thẩm định chi phí dịch vụ thoát nước đối với hệ thống thoát nước đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước;
d) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thu và sử dụng giá dịch vụ thoát nước của chủ sở hữu hệ thống thoát nước và xử lý nước thải được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, quản lý lưu vực sông, kiểm soát ô nhiễm trong lĩnh vực thoát nước, xả nước thải ra môi trường trên phạm vi toàn thành phố; phối hợp với các sở, ngành quản lý nước thải theo quy định của pháp luật;
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định về hoạt động xả nước thải vào nguồn tiếp nhận;
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát chất lượng nước thải của hệ thống thoát nước và các hộ thoát nước trên địa bàn thành phố xả trực tiếp vào nguồn tiếp nhận; tổ chức quản lý các điểm xả, chất lượng nước thải xả vào nguồn tiếp nhận theo lưu vực và theo quy hoạch, quy định về tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi;
b) Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức thực hiện việc cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định.
6. Sở Công Thương
Chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động thoát nước tại các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.
7. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức công tác tuyên truyền về các dự án thoát nước, quy định quản lý hoạt động thoát nước và giá dịch vụ thoát nước, lộ trình thực hiện giá dịch vụ thoát nước cho người dân trên địa bàn thành phố được biết và thực hiện;
b) Tuyên truyền nhân dân tích cực tham gia bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường, giữ gìn các công trình thoát nước.
8. Công an thành phố
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Công an thành phố và Công an quận, huyện phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp và Ủy ban nhân dân quận, huyện kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm theo quy định của pháp luật.
9. Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp
a) Tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sở hữu tài sản hệ thống thoát nước theo Điều 13 của quy định này;
b) Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan lập Kế hoạch đầu tư phát triển thoát nước trong khu công nghiệp gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt;
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức lập chi phí dịch vụ thoát nước khu công nghiệp được đầu tư từ ngân sách nhà nước gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt;
d) Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc kiểm tra, giám sát nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp xây dựng theo quy hoạch và thực hiện các quy định về quản lý thoát nước và xử lý nước thải;
đ) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét vị trí phù hợp quy hoạch đối với hồ sơ xin phép xả thải của hệ thống thoát nước thải trong khu vực do mình quản lý theo quy định;
e) Phối hợp với cơ quan thanh tra và quản lý chuyên ngành trong việc tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động thoát nước trong các khu công nghiệp theo chức năng, quyền hạn được giao;
g) Chịu trách nhiệm lập, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu của hệ thống thoát nước trong các khu công nghiệp, khu chế xuất;
h) Tập hợp, lưu trữ hồ sơ quản lý thoát nước; báo cáo công tác quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải khu công nghiệp theo định kỳ hàng năm và đột xuất về Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân thành phố.
10. Các sở, ngành liên quan
Các sở, ngành trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm phối hợp với các Sở: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, khu dân cư nông thôn tập trung.
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải tại các đô thị, cụm công nghiệp, làng nghề, khu dân cư nông thôn tập trung trong phạm vi do mình quản lý;
b) Lập kế hoạch hàng năm và 05 năm về đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước bao gồm mạng lưới thu gom và chuyển tải từ hộp đấu nối đến mạng lưới thoát nước cấp 3, cấp 2 và cấp 1;
c) Tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sở hữu tài sản hệ thống thoát nước được quy định tại Điều 13 của Quy định này;
d) Lưu trữ các hồ sơ, tài liệu về thoát nước đô thị, cụm công nghiệp, làng nghề và khu dân cư tập trung trên địa bàn quản lý theo quy định; cung cấp, bàn giao một bộ hồ sơ, dữ liệu thoát nước thuộc thẩm quyền quản lý cho Sở Xây dựng quản lý sau khi nhận bàn giao từ các chủ sở hữu hoặc chủ đầu tư khác (bản vẽ và dữ liệu đã được số hóa); đối với các dự án trực tiếp làm chủ đầu tư thì hồ sơ, dữ liệu này phải cung cấp về Sở Xây dựng sau khi công trình được đưa vào sử dụng. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các dữ liệu cung cấp;
đ) Tổ chức, phối hợp với các sở, ngành trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn quản lý;
e) Báo cáo công tác quản lý hoạt động thoát nước trên địa bàn theo định kỳ, hàng năm hoặc đột xuất về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Xây dựng.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã
a) Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra các hoạt động thoát nước và xử lý nước thải. Trong quá trình kiểm tra phát hiện những vi phạm pháp luật về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải phải báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định;
b) Tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về thoát nước và xử lý nước thải.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Các nội dung khác liên quan đến hoạt động thoát nước và xử lý nước thải chưa quy định trong Quy định này thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 80/2014/NĐ-CP; Thông tư số 02/2015/TT-BXD ngày 02 tháng 4 năm 2015 và Thông tư số 04/2015/TT-BXD ngày 03 tháng 4 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và các quy định pháp luật hiện hành.
1. Sở Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Quy định này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm kịp thời phản ánh bằng văn bản về Sở Xây dựng hướng dẫn, giải quyết. Trường hợp vượt thẩm quyền, Sở Xây dựng tổng hợp, đề xuất cụ thể trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, điều chỉnh phù hợp./.
- 1Quyết định 22/2012/QĐ-UBND về Quy định phân cấp quản lý hoạt động thoát nước đô thị và khu công nghiệp thành phố Cần Thơ
- 2Quyết định 104/2016/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 33/2011/QĐ-UBND về Quy định phân cấp quản lý hoạt động thoát nước đô thị, Khu Kinh tế, các Khu Công nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang
- 3Quyết định 63/2016/QĐ-UBND Quy định về quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Bình Phước
- 4Quyết định 42/2016/QĐ-UBND Quy định quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 5Quyết định 10/2017/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 17 Quyết định số 31/2015/QĐ-UBND quy định quản lý thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 6Quyết định 51/2017/QĐ-UBND Quy định quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- 7Quyết định 55/2017/QĐ-UBND Quy định quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 8Quyết định 69/2017/QĐ-UBND Quy định về xây dựng và vận hành hồ chỉ thị sinh học môi trường trong quản lý nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- 1Luật tài nguyên nước 2012
- 2Luật bảo vệ môi trường 2014
- 3Luật Xây dựng 2014
- 4Nghị định 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải
- 5Thông tư 04/2015/TT-BXD hướng dẫn thi hành Nghị định 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 6Thông tư 02/2015/TT-BXD hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ thoát nước do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 7Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng
- 8Thông tư 35/2015/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao do Bộ trường Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 9Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 10Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
- 11Quyết định 104/2016/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 33/2011/QĐ-UBND về Quy định phân cấp quản lý hoạt động thoát nước đô thị, Khu Kinh tế, các Khu Công nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang
- 12Quyết định 63/2016/QĐ-UBND Quy định về quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Bình Phước
- 13Quyết định 42/2016/QĐ-UBND Quy định quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 14Quyết định 10/2017/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 17 Quyết định số 31/2015/QĐ-UBND quy định quản lý thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 15Quyết định 51/2017/QĐ-UBND Quy định quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- 16Quyết định 55/2017/QĐ-UBND Quy định quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 17Quyết định 69/2017/QĐ-UBND Quy định về xây dựng và vận hành hồ chỉ thị sinh học môi trường trong quản lý nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Quyết định 03/2017/QĐ-UBND Quy định quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải do thành phố Cần Thơ ban hành
- Số hiệu: 03/2017/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/03/2017
- Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
- Người ký: Võ Thành Thống
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 10/04/2017
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra