Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 03/2008/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 04 tháng 02 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005-2010”;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo giáo viên trung học phổ thông trình độ đại học.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Vụ trưởng Vụ Đại học và Sau đại học, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc đại học, học viện; Hiệu trưởng các trường đại học có đào tạo giáo viên trung học phổ thông trình độ đại học chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận
:
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo TƯ;
- UBVHGDTTN&NĐ của QH;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc CP;
- Kiểm toán nhà nước;
- Cục KTrVBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Như Điều 3;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ GD&ĐT;
- Lưu: VT, Vụ PC, Cục KT&KĐ.

KT. BỘ TRƯỞNG




Bành Tiến Long

 

QUY ĐỊNH

VỀ TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 03 /2008/QĐ-BGDĐT ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Văn bản này quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo giáo viên trung học phổ thông trình độ đại học.

2. Quy định này áp dụng đối với các đại học, học viện, trường đại học (sau đây gọi là trường) thực hiện chương trình đào tạo giáo viên trung học phổ thông trình độ đại học (sau đây gọi là chương trình đào tạo giáo viên trung học phổ thông).

Điều 2. Chất lượng giáo dục và tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo giáo viên trung học phổ thông

1. Chất lượng giáo dục chương trình đào tạo giáo viên trung học phổ thông là sự đáp ứng mục tiêu do nhà trường đề ra, đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu giáo dục đại học của Luật Giáo dục, phù hợp với yêu cầu sử dụng giáo viên trung học phổ thông của địa phương và của ngành.

2. Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng là mức độ yêu cầu và điều kiện mà chương trình đào tạo giáo viên trung học phổ thông phải đáp ứng để được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

Điều 3. Mục đích ban hành tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo giáo viên trung học phổ thông

Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo giáo viên trung học phổ thông được ban hành làm công cụ để nhà trường tự đánh giá nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và để giải trình với các cơ quan chức năng, xã hội về thực trạng chất lượng đào tạo; để cơ quan chức năng đánh giá và công nhận chương trình đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; để người học có cơ sở lựa chọn ngành học và nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực.

Chương 2:

TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

Điều 4. Tiêu chuẩn 1: Mục tiêu, cơ cấu tổ chức, quản lý đào tạo và công tác đánh giá hoạt động đào tạo giáo viên trung học phổ thông

1. Mục tiêu đào tạo giáo viên trung học phổ thông đáp ứng mục tiêu giáo dục đại học quy định tại Luật Giáo dục và mục tiêu đào tạo khối ngành sư phạm trình độ đại học.

2. Mục tiêu đào tạo giáo viên trung học phổ thông đáp ứng tiêu chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông, phù hợp với thực tiễn của nhà trường, địa phương; có nội dung cụ thể, rõ ràng; được định kỳ rà soát, bổ sung, cập nhật và điều chỉnh theo hướng cải tiến, nâng cao chất lượng.

3. Có cơ cấu hợp lý để tổ chức và quản lý đào tạo giáo viên trung học phổ thông; thực hiện đào tạo và quản lý đào tạo có chất lượng, hiệu quả.

4. Đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo giáo viên trung học phổ thông đáp ứng các tiêu chuẩn quy định trong Điều lệ trường đại học, được phân định rõ ràng về trách nhiệm và quyền hạn cho từng cán bộ quản lý.

5. Các hoạt động đào tạo giáo viên trung học phổ thông được định kỳ đánh giá và cải tiến nâng cao chất lượng.

Điều 5. Tiêu chuẩn 2: Chương trình và các hoạt động đào tạo giáo viên trung học phổ thông

1. Chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở chương trình khung khối ngành sư phạm trình độ đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, phù hợp với mục tiêu giáo dục trung học phổ thông và đáp ứng nhu cầu sử dụng giáo viên của địa phương và xã hội.

2. Chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng chuyển dần sang hình thức tích luỹ tín chỉ; được xây dựng với sự tham gia của các giảng viên, cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý và nhà tuyển dụng; đảm bảo tính hệ thống và có cấu trúc hợp lý; cân đối giữa lý thuyết, thực hành và tự học, tự nghiên cứu.

3. Có đầy đủ kế hoạch đào tạo, chương trình đào tạo, đề cương chi tiết cho các học phần, môn học; định kỳ rà soát, đánh giá, điều chỉnh theo hướng liên tục cải tiến chất lượng.

4. Thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học nhằm phát triển năng lực giảng dạy, năng lực tự học, tự nghiên cứu và tinh thần hợp tác của người học. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Hằng năm tổng kết, đánh giá và phổ biến kinh nghiệm đổi mới phương pháp dạy và học.

5. Thực hiện đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá người học, đảm bảo tính nghiêm túc, chính xác, công bằng và khách quan trong đánh giá. Hằng năm lấy ý kiến phản hồi từ người học và thực hiện cải tiến chất lượng hoạt động kiểm tra đánh giá.

6. Hoạt động thực tập sư phạm được tổ chức có hiệu quả. Hằng năm lấy ý kiến phản hồi từ cơ sở thực tập, người thực tập, người hướng dẫn thực tập và có biện pháp cải tiến chất lượng hoạt động thực tập sư phạm.

7. Kết hợp các hoạt động dạy và học với nghiên cứu khoa học trong đào tạo giáo viên trung học phổ thông.

8. Đảm bảo an toàn, chính xác và khoa học trong lưu trữ kết quả học tập và rèn luyện của người học; thuận lợi cho việc phổ biến, quản lý, truy cập, tổng hợp báo cáo.

Điều 6. Tiêu chuẩn 3: Đội ngũ giảng viên tham gia chương trình đào tạo giáo viên trung học phổ thông

1. Có đủ số lượng, có cơ cấu chuyên môn phù hợp với yêu cầu đào tạo, quy mô đào tạo giáo viên trung học phổ thông.

2. Đạt trình độ chuẩn đào tạo của nhà giáo đối với giáo viên trung học phổ thông và các kỹ năng cần thiết, đáp ứng yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học.

3. Đạt tiêu chuẩn về phẩm chất tư tưởng chính trị, đạo đức nhà giáo và sức khoẻ.

4. Đảm bảo thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình đào tạo; có kế hoạch bài giảng cá nhân được phê duyệt, đồng thời tham gia xây dựng kế hoạch đào tạo, biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy của khoa, bộ môn. Hằng năm, tham gia nghiên cứu khoa học theo quy định của Nhà nước.

5. Được được phân công giảng dạy theo chuyên môn được đào tạo; được tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ chính trị, ngoại ngữ, tin học.

6. Được đảm bảo các quyền và lợi ích liên quan đến hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

7. Được định kỳ đánh giá năng lực giảng dạy, được hỗ trợ tạo điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hướng dẫn thực tập sư phạm.

8. Thực hiện đầy đủ các quy định của nhà trường, các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Điều 7. Tiêu chuẩn 4: Người học và công tác hỗ trợ người học thuộc chương trình đào tạo giáo viên trung học phổ thông

1. Người học được đảm bảo tuyển chọn công bằng và khách quan.

2. Được phổ biến các quy định về tổ chức đào tạo, kiểm tra, thi và công nhận tốt nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và các quy định khác có liên quan của nhà trường.

3. Được tạo điều kiện học tập và tham gia nghiên cứu khoa học.

4. Được tạo điều kiện rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tham gia tổ chức Đảng, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các đoàn thể khác theo quy định của pháp luật.

5. Được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ ăn, ở và giải trí; được đảm bảo các chế độ chính sách xã hội theo quy định; được tạo điều kiện nâng cao sức khoẻ, phát triển thể chất và được đảm bảo về dịch vụ y tế học đường.

6. Chủ động, tích cực thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện đạo đức, tư tưởng chính trị, lối sống và đạt kết quả tốt.

Điều 8. Tiêu chuẩn 5 : Học liệu, thiết bị dạy học và cơ sở vật chất khác hỗ trợ chương trình đào tạo giáo viên trung học phổ thông

1. Hệ thống học liệu của khoa, trường đáp ứng yêu cầu đào tạo giáo viên trung học phổ thông.

2. Có các thiết bị giáo dục đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và quản lý điều hành.

3. Có hệ thống phòng chức năng, phòng học, phòng thí nghiệm thực hành có đủ số lượng, diện tích, đảm bảo quy cách và được sử dụng có hiệu quả.

4. Có đủ điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ giáo dục thể chất đáp ứng nhu cầu tập luyện và tổ chức các hoạt động thể dục thể thao để nâng cao sức khoẻ và phát triển thể chất cho người học.

5. Định kỳ đánh giá và có các biện pháp cải tiến nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng các cơ sở vật chất, phòng chức năng, phòng học, phòng thí nghiệm thực hành.

6. Đảm bảo môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp, an toàn, không bạo lực, không tệ nạn xã hội.

Điều 9. Tiêu chuẩn 6: Công tác tài chính phục vụ chương trình đào tạo giáo viên trung học phổ thông

1. Có kế hoạch tài chính và quản lý tài chính đảm bảo cho hoạt động đào tạo giáo viên trung học phổ thông.

2. Thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát, đánh giá, báo cáo về tài chính theo quy định.

3. Có các nguồn tài chính hợp pháp hỗ trợ hoạt động đào tạo.

4. Thực hiện công khai tài chính và có cơ chế để cán bộ, giảng viên tham gia kiểm tra, giám sát tài chính.

Điều 10. Tiêu chuẩn 7: Công tác đánh giá sinh viên tốt nghiệp và hoạt động tư vấn việc làm thuộc chương trình đào tạo giáo viên trung học phổ thông

1. Thực hiện đánh giá phẩm chất, tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp và năng lực của sinh viên tốt nghiệp; đảm bảo chính xác, công bằng, khách quan trong đánh giá.

2. Thực hiện theo dõi và đánh giá tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu về sinh viên của trường.

3. Triển khai các hoạt động về tư vấn nghề nghiệp và việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.

Chương 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm của các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trường đào tạo giáo viên trung học phổ thông chịu trách nhiệm đảm bảo những điều kiện cần thiết để chương trình đào tạo giáo viên trung học phổ thông đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

Điều 12. Trách nhiệm của trường có đào tạo giáo viên trung học phổ thông

Các trường có đào tạo giáo viên trung học phổ thông căn cứ vào tình hình cụ thể của trường để lập kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cho từng giai đoạn và có các biện pháp thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch đề ra./.