Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
HUYỆN BÌNH CHÁNH
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 03/2007/QĐ-UBND

Bình Chánh, ngày 04 tháng 01 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG CỦA HUYỆN BÌNH CHÁNH GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN BÌNH CHÁNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 120/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng;
Căn cứ Quyết định số 165/2006/QĐ-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2006 - 2010;
Căn cứ Kế hoạch số 45-KH/HU ngày 24 tháng 11 năm 2006 của Huyện ủy Bình Chánh về thực hiện Chương trình hành động số 13-CTr/TU của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 3 - Khóa X (Nghị quyết số 04-NQ/TW) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng của huyện Bình Chánh giai đoạn 2006 - 2010.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 07 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã - thị trấn và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Tường

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG CỦA HUYỆN BÌNH CHÁNH GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2007/QĐ-UBND ngày 04 tháng 01 năm 2007 của Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh)

Căn cứ Kế hoạch số 45-KH/HU ngày 24 tháng 11 năm 2006 của Huyện ủy Bình Chánh về thực hiện Chương trình hành động số 13-CTr/TU của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 3 - Khóa X (Nghị quyết số 04-NQ/TW) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và Quyết định số 165/2006/QĐ-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2006 - 2010;

Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình hành động phòng, chống tham nhũng như sau:

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Nhằm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tạo bước chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, lãng phí để giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân đối với hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng bộ, chính quyền Huyện Bình Chánh trong sạch vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm, chính.

- Nâng cao trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc huyện và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã - thị trấn trong việc thực hiện chương trình phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, thúc đẩy kinh tế phát triển.

2. Yêu cầu:

- Thủ trưởng các Phòng ban, đơn vị thuộc huyện, Ủy ban nhân dân xã - thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tổ chức quán triệt đến từng cán bộ, công chức, từng tổ nhân dân, tổ dân phố; tạo sự đoàn kết thống nhất về nhận thức và hành động trong nội bộ; lấy việc phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng bộ máy chính quyền thật sự “của dân, do dân, vì dân”, trong đó biện pháp phòng là chính.

- Thủ trưởng các cấp, các đơn vị phải đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; kiên quyết xử lý đối với những hành vi vi phạm để tạo sự chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tham nhũng trong từng cơ quan.

- Sơ kết rút kinh nghiệm kịp thời những việc đã làm và đề ra nhiệm vụ kế hoạch phòng, chống tham nhũng cho thời gian tiếp theo.

II. CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG VÀ CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THI HÀNH:

- Phòng Tư pháp huyện xây dựng kế hoạch tổ chức quán triệt phổ biến sâu rộng Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn đến từng cán bộ, công chức, viên chức nhằm tạo bước chuyển rõ rệt về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức trong việc phòng, chống tham nhũng.

- Phòng Tư pháp phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Bình Chánh, Đài Truyền thanh và Bản tin Bình Chánh đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, các cơ quan tổ chức kinh tế - xã hội về các quy định Luật Phòng, chống tham nhũng, các Nghị quyết của Đảng và Chương trình của Chính phủ, Thành phố và Huyện về phòng, chống tham nhũng. Nêu gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kịp thời phê phán, lên án các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và đưa kết quả thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí thành nội dung xem xét đánh giá cán bộ hàng năm.

- Thủ trưởng các phòng ban thuộc huyện và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã - thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền để ban hành các văn bản nhằm công khai, minh bạch trong hoạt động giải quyết các công việc của cơ quan theo Mục 1 Chương II Luật Phòng, chống tham nhũng (trừ các lĩnh vực thuộc danh mục bí mật Nhà nước).

III. CÁC GIẢI PHÁP CHUNG TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG:

Để tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng tại đơn vị, các ngành, các cấp tập trung thực hiện những nội dung sau:

1. Rà soát lại toàn bộ quy trình làm việc, quy trình công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách cho phù hợp. Thực hiện công khai các thủ tục hành chính tại công sở và trang thông tin điện tử Website của huyện để người dân nghiên cứu thực hiện và giám sát việc thực hiện của cán bộ, công chức  (chú ý các thủ tục về đất đai, xây dựng và đăng ký kinh doanh).

2. Tiếp tục thực hiện chương trình cải cách hành chính của Huyện và quy trình liên thông theo cơ chế “một cửa”; tiếp tục rà soát những cơ chế, chính sách, những quy định không phù hợp, dễ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Trên cơ sở đó, đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để không ngừng hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý Nhà nước góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội, phục vụ tốt nhân dân và doanh nghiệp.

3. Tranh thủ sự lãnh đạo của Cấp ủy Đảng cơ sở, vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của Mặt trận Tổ quốc; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, công chức, viên chức; phát động phong trào thi đua trong từng đơn vị, bộ phận, lấy kết quả phòng chống tham nhũng làm một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại. Từng cán bộ, công chức phải tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, phẩm chất của mình. Mọi biểu hiện, hành vi tham nhũng phải được phát hiện xử lý kịp thời, thực hiện nêu gương người tốt, việc tốt và những cá nhân chấp hành nghiêm những quy định của pháp luật.

4. Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí của cán bộ, công chức, viên chức; đề cao tính gương mẫu trong chấp hành pháp luật, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; đồng thời thực hiện nghiêm quy định về xử lý, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng. Kiểm tra việc thực hiện chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí tại đơn vị, cụ thể ở từng khâu, từng công đoạn để ngăn chặn ngay từ đầu những hành vi tham nhũng lãng phí.

5. Thường xuyên bồi dưỡng trình độ chuyên môn, giáo dục đạo đức và lý tưởng cách mạng để có được đội ngũ cán bộ, công chức đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng; tăng cường công tác quản lý cán bộ, trước hết là công tác quản lý, đánh giá, bố trí cán bộ. Kiên quyết thay thế những cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, suy thoái về đạo đức, lối sống, giảm sút uy tín, dư luận chê trách.

IV. NHỮNG GIẢI PHÁP CỤ THỂ TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG:

Ngoài những giải pháp chung, để công tác phòng chống tham nhũng đạt kết quả, đề nghị các đơn vị tập trung vào nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Về giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng:

- Ủy ban nhân dân xã - thị trấn và các phòng ban thuộc huyện tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc tố cáo hành vi tham nhũng thuộc thẩm quyền của mình, đối với những vụ việc đã có đầy đủ cơ sở chứng minh thì kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; những vụ việc không rõ ràng, không có chứng cứ thì nhanh chóng giải tỏa để cán bộ, công chức yên tâm công tác.

- Thanh tra huyện tiếp tục đề xuất thành lập một số Đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra việc thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo tại một số đơn vị có nhiều đơn thư vượt cấp, kiểm tra việc thực hiện các quyết định đã có hiệu lực pháp luật; việc giải quyết các đơn tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực.

- Hàng quý vào ngày 10 của tháng cuối quý, các xã - thị trấn, Phòng ban thuộc huyện báo cáo việc giải quyết đơn thư tố cáo liên quan đến tham nhũng gửi về Thanh tra huyện tổng hợp trình Ủy ban nhân dân huyện để báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng thành phố.

2. Công an huyện:

- Xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng chống tham nhũng, trong đó cần phân công những cán bộ, chiến sĩ có năng lực, phẩm chất đạo đức để phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh theo pháp luật các vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Phối hợp với phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc phát động phong trào quần chúng tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm tham nhũng.

- Thông qua công tác đấu tranh chống tham nhũng tìm ra nguyên nhân, sơ hở của quy định pháp luật trong quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh cơ chế chính sách, pháp luật; chấn chỉnh trật tự kỷ cương và tăng cường quản lý Nhà nước trên địa bàn.

3. Thanh tra huyện:

- Phối hợp các ngành chức năng huyện, thực hiện tốt chương trình thanh tra hàng năm đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt. Trong đó tập trung tổ chức thanh kiểm tra 04 lĩnh vực trọng tâm như: đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, quản lý thu chi ngân sách, quản lý tài sản công:

+ Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản: hàng năm xây dựng kế hoạch thanh tra từ 03 đến 05 công trình xây dựng cơ bản, chú ý đến các công trình, dự án lớn có mua sắm trang thiết bị hoặc những công trình có dấu hiệu tiêu cực được dư luận quan tâm.

+ Trong lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai: Tập trung thanh tra tình hình quản lý khai thác đất công, tình hình triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng trường học, việc thực hiện chính sách bồi thường, tái định cư và việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, việc cấp phép xây dựng, chuyển quyền sử dụng đất gắn với thanh tra việc thực hiện chức trách công vụ tại các cơ quan chức năng và xã - thị trấn.

+ Trong lĩnh vực quản lý thu chi ngân sách: Tổ chức, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ tự chủ của các cơ quan, trên cơ sở đó đề xuất biện pháp giúp các đơn vị, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoặc xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm về thu - chi ngân sách theo quy định của pháp luật.

+ Trong lĩnh vực quản lý tài sản công: Thanh tra việc chấp hành quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng tài chính, mua sắm tài sản công và sử dụng ô tô; mua sắm trang thiết bị trường học; việc cải tạo, xây dựng trụ sở, tiếp khách, quà biếu; thực hiện chính sách xã hội.

- Qua công tác thanh tra thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm, tội phạm tham nhũng; kiến nghị xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật không còn phù hợp góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách; chấn chỉnh trật tự kỷ cương và tăng cường quản lý Nhà nước trên địa bàn.

- Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra; chú ý những vụ việc đã có chỉ đạo xử lý của Ủy ban nhân dân Huyện liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện công bố, công khai kết luận thanh tra, kiểm tra liên quan đến tham nhũng, lãng phí theo đúng quy định pháp luật.

4. Phòng Tài chính - Kế hoạch:

- Thực hiện kiểm tra thường xuyên tình hình sử dụng ngân sách tại các đơn vị dự toán đảm bảo việc chi tiêu đúng định mức, chế độ quy định; chịu trách nhiệm giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư ngay từ khâu thẩm định thiết kế; thực hiện kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, kết hợp kiểm tra thực tế các công trình xây dựng cơ bản thực hiện thanh quyết toán theo khối lượng thực tế, kịp thời phát hiện những sai phạm; mạnh dạn xuất toán những chi phí không hợp lý, cắt giảm những khối lượng không có thực; đề xuất Huyện chuyển cơ quan chức năng điều tra làm rõ đối với những công trình có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng.

- Khẩn trương triển khai các nội dung theo phân công trong Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

5. Các cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân các xã - thị trấn:

- Tạo điều kiện cho Thanh tra nhân dân, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể của đơn vị giám sát các hoạt động của chính quyền; giám sát tình hình thu chi ngân sách, các dự án đầu tư do đơn vị làm chủ đầu tư.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thi hành công vụ của cán bộ, công chức; chú ý đến các lĩnh vực, công đoạn dễ xảy ra tiêu cực tham nhũng để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

V. PHÂN CÔNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

- Căn cứ nội dung Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân huyện, trong tháng 01 năm 2007 Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã - thị trấn, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng triển khai kịp thời kế hoạch thực hiện chương trình hành động phòng, chống tham nhũng của địa phương, ngành, đơn vị mình. Nội dung kế hoạch phải cụ thể, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, có quy định thời hạn, phân công người chịu trách nhiệm từng khâu công việc, nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức.

- Định kỳ 6 tháng, năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã - thị trấn, Thủ trưởng các phòng ban có trách nhiệm báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch thực hiện chương trình hành động phòng, chống tham nhũng của địa phương, đơn vị thuộc huyện đến Thanh tra huyện để tổng hợp tình hình báo cáo Ủy ban nhân dân huyện.

- Giao Thanh tra huyện theo dõi, tổng hợp báo cáo và tham mưu Ủy ban nhân dân huyện tổ chức sơ kết định kỳ 6 tháng (chậm nhất ngày 25/5), năm (chậm nhất ngày 20/12) về tình hình thực hiện chương trình hành động phòng, chống tham nhũng của các đơn vị; đồng thời đôn đốc, đề xuất biện pháp xử lý nghiêm đối với các đơn vị không nghiêm túc tổ chức thực hiện chỉ đạo của huyện./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Tường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 03/2007/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng của huyện Bình Chánh giai đoạn 2006 - 2010 do Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh ban hành

  • Số hiệu: 03/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/01/2007
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Tường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 13
  • Ngày hiệu lực: 11/01/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 11/08/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản