Hệ thống pháp luật

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/QĐ-VKSTC-V15

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN

VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức năm 2008;

Căn cứ Luật Viên chức năm 2010;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phân cấp quản lý công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

Quy chế này thay thế Quy chế phân cấp quản lý công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 154/2010/QĐ-VKSTC-V9 ngày 01/10/2010 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều 3. Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Ủy ban tư pháp của Quốc hội;
- Lãnh đạo VKSNDTC;
- Đảng ủy VKSNDTC;
- Website VKSNDTC;
- Lưu: VT, V15.

VIỆN TRƯỞNG




Nguyễn Hòa Bình

 

QUY CHẾ

PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 02/QĐ-VKSTC-V15 ngày 22/12/2015 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

1. Quy chế này quy định về thẩm quyền và trách nhiệm quyết định biên chế công chức, viên chức, số lượng người lao động; việc tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức và người lao động; về điều động, luân chuyển công chức; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác tổ chức cán bộ và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với công chức, viên chức và người lao động; bảo vệ chính trị nội bộ và xây dựng, quản lý hồ sơ, dữ liệu về công chức, viên chức và người lao động.

2. Quy chế này điều chỉnh đối với công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Những người được phân cấp quản lý công chức, viên chức và người lao động theo quy định của Quy chế này gồm Thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.

Điều 2. Giải thích từ ngữ trong Quy chế

1. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao là Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh là Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện là Viện kiểm sát nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.

4. Đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao là Văn phòng, Vụ, Cục, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật.

5. Các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp cao là Văn phòng, các Viện nghiệp vụ và tương đương, các phòng trực thuộc Văn phòng, các phòng trực thuộc Viện nghiệp vụ và tương đương thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.

6. Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới: Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện là cấp dưới của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân cấp cao và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh là cấp dưới của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

7. Kiểm sát viên các ngạch là Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp và Kiểm sát viên sơ cấp.

8. Điều tra viên các ngạch là điều tra viên cao cấp, điều tra viên trung cấp và điều tra viên sơ cấp.

9. Kiểm tra viên các ngạch là Kiểm tra viên cao cấp, Kiểm tra viên chính và Kiểm tra viên.

10. Tương đương Chuyên viên cao cấp là công chức, viên chức được hưởng lương tương đương ngạch Chuyên viên cao cấp (Kế toán viên cao cấp, Lưu trữ viên cao cấp, Biên tập viên cao cấp, Giảng viên cao cấp) trừ ngạch Kiểm sát viên cao cấp, điều tra viên cao cấp, Kiểm tra viên cao cấp.

11. Tương đương Chuyên viên chính là công chức, viên chức được hưởng lương tương đương ngạch Chuyên viên chính (Kế toán viên chính, Lưu trữ viên chính, Biên tập viên chính, Giảng viên chính) trừ ngạch Kiểm sát viên trung cấp, điều tra viên trung cấp, Kiểm tra viên chính.

12. Tương đương Chuyên viên là công chức, viên chức được hưởng lương tương đương ngạch Chuyên viên (Kế toán viên, Lưu trữ viên, Biên tập viên, Giảng viên) trừ ngạch Kiểm sát viên sơ cấp, điều tra viên sơ cấp, Kiểm tra viên.

13. Chức danh tư pháp là Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Viện kiểm sát quân sự các cấp, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Kiểm sát viên, điều tra viên, Kiểm tra viên các ngạch.

14. Người lao động là người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động được quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ và những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động có thời hạn trong ngành Kiểm sát nhân dân.

15. Công chức Loại A là người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương.

16. Công chức Loại B là người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương.

17. Công chức Loại C là người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương.

18. Công chức Loại D là người được bổ nhiệm vào ngạch cán sự hoặc tương đương và ngạch nhân viên.

Điều 3. Nguyên tắc phân cấp quản lý công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân

1. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự thống nhất quản lý của Nhà nước, nguyên tắc tập trung, thống nhất trong ngành Kiểm sát nhân dân.

2. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ trách nhiệm cá nhân và phân công, phân cấp rõ ràng; coi trọng quyền chủ động và đề cao trách nhiệm của người được phân cấp quản lý.

Điều 4. Thẩm quyền khen thưởng, đánh giá, phân loại công chức, viên chức và người lao động

Thực hiện theo Quy chế thi đua khen thưởng và Quy định về đánh giá, phân loại công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Chương II

TRÁCH NHIỆM VÀ THẨM QUYỀN QUẢN LÝ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

Mục 1. VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

Điều 5. Quản lý biên chế

1. Ban hành văn bản hướng dẫn về quản lý biên chế công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân.

2. Lập kế hoạch biên chế công chức, viên chức và người lao động hàng năm của ngành Kiểm sát nhân dân.

3. Đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án xác định vị trí việc làm và cơ cấu các ngạch công chức, viên chức của ngành Kiểm sát nhân dân; phê duyệt Đề án xác định vị trí việc làm và cơ cấu các ngạch công chức, viên chức hàng năm của các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới.

4. Quyết định phân bổ biên chế, số lượng Kiểm sát viên cho các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; phân bổ biên chế cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thuộc mỗi Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; phân bổ số lượng người lao động (Hợp đồng 68/NĐ-CP) cho Viện kiểm sát nhân dân các cấp theo chỉ tiêu đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền giao.

5. Thanh tra, kiểm tra việc quản lý biên chế công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân.

6. Báo cáo cơ quan có thẩm quyền về biên chế, số lượng, cơ cấu công chức, viên chức và người lao động theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Thành lập các Hội đồng

1. Quyết định thành lập Hội đồng tuyển dụng công chức, viên chức của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Quyết định thành lập Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp; Hội đồng thi tuyển điều tra viên các ngạch; Hội đồng thi tuyển Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp.

3. Quyết định thành lập các Hội đồng khác theo quy định.

Điều 7. Tuyển dụng, tiếp nhận

1. Quyết định việc tuyển dụng, tiếp nhận công chức, viên chức và người lao động vào làm việc tại các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; trực tiếp ký quyết định tiếp nhận công chức, viên chức từ ngạch Chuyên viên chính và tương đương trở lên.

2. Công nhận kết quả thi tuyển, xét tuyển của các Hội đồng tuyển dụng công chức, viên chức của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới.

Điều 8. Đào tạo, bồi dưỡng và đi công tác nước ngoài

1. Ban hành, phê duyệt chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức trong ngành Kiểm sát nhân dân.

2. Phân bổ kinh phí đào tạo cho các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới.

3. Phê duyệt việc cử công chức, viên chức trong Ngành đi học tập tại nước ngoài và ký quyết định cử công chức, viên chức đang công tác tại các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh đi học tập tại nước ngoài theo kế hoạch hợp tác Quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng.

4. Quyết định cử Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; công chức, viên chức và người lao động công tác tại các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao đi công tác nước ngoài.

5. Quyết định việc hoàn trả chi phí đào tạo theo quy định.

Điều 9. Đánh giá, phân loại, quy hoạch, điều động, luân chuyển, biệt phái

Đánh giá, phân loại công chức, viên chức và người lao động theo quy định; phê duyệt danh sách quy hoạch; quyết định điều động, luân chuyển, biệt phái đối với: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Kiểm sát viên cao cấp, điều tra viên cao cấp, Kiểm tra viên cao cấp, Chuyên viên cao cấp và tương đương công tác tại các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều 10. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức

1. Quyết định bổ nhiệm, giao quyền hoặc phụ trách, miễn nhiệm, cách chức chức vụ lãnh đạo, quản lý, chức danh tư pháp và các chức danh khác của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (trừ chức vụ Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và chức danh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao).

2. Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện nghiệp vụ và tương đương thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, các chức danh tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới; giao quyền hoặc phụ trách đơn vị cho Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.

3. Quyết định bổ nhiệm vào ngạch công chức đối với các ngạch từ Chuyên viên chính (hoặc tương đương) trở lên thuộc Viện kiểm sát nhân dân các cấp.

Điều 11. Kỷ luật

1. Thành lập Hội đồng kỷ luật và quyết định kỷ luật đối với Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; công chức, viên chức và người lao động công tác tại các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Quyết định một trong các hình thức kỷ luật sau:

a) Cách chức Kiểm sát viên, điều tra viên và Kiểm tra viên các ngạch (trừ ngạch Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm tra viên ở Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới);

b) Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc đối với công chức, viên chức và người lao động công tác tại các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.

c) Hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc đối với Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện nghiệp vụ và tương đương thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Chuyên viên cao cấp và tương đương thuộc Viện kiểm sát nhân dân các cấp;

d) Tạm đình chỉ công tác đối với công chức, viên chức và người lao động công tác tại các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.

3. Giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật:

a) Lần thứ nhất đối với những trường hợp quy định tại các Khoản 2 Điều này;

b) Lần thứ hai đối với các quyết định xử lý kỷ luật của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.

Điều 12. Thực hiện chính sách

1. Phê duyệt danh sách đề nghị nâng bậc lương trước thời hạn đối với công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân.

2. Đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định xếp ngạch lương khi bổ nhiệm lần đầu, điều chỉnh bậc lương, phê duyệt nâng lương trước hạn đối với các ngạch: Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên cao cấp, điều tra viên cao cấp, Kiểm tra viên cao cấp, Chuyên viên cao cấp và tương đương.

3. Quyết định nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn, hưởng phụ cấp, nghỉ hưu, cho thôi việc, chuyển ngành đối với công chức, viên chức và người lao động đang công tác tại các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm tra viên cao cấp, Chuyên viên cao cấp và tương đương thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện.

Điều 13. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ

1. Thực hiện nghị quyết của Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, chỉ đạo việc thẩm tra về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện tại đối với công chức, viên chức công tác tại các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng và Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.

2. Thực hiện công tác bảo vệ chính trị nội bộ đối với công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân đi công tác, học tập hoặc việc riêng khác tại nước ngoài.

Điều 14. Công tác kiểm tra, giám sát và ban hành quyết định trong những trường hợp đặc biệt

1. Quyết định chương trình, kế hoạch và chỉ đạo tổ chức thực hiện việc kiểm tra, giám sát về công tác tổ chức cán bộ trong ngành Kiểm sát nhân dân.

2. Hủy bỏ quyết định không có căn cứ, trái pháp luật về công tác tổ chức cán bộ của Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.

3. Trực tiếp quyết định về công tác tổ chức cán bộ đã phân cấp cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới nhưng xét thấy cần thiết.

4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác tổ chức cán bộ theo quy định của pháp luật.

Mục 2. VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN CẤP CAO, VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN CẤP TỈNH

Điều 15. Phân bổ biên chế và quản lý hồ sơ, dữ liệu

1. Trên cơ sở chỉ tiêu biên chế được giao, căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao phân bổ biên chế cho Văn phòng, các Viện nghiệp vụ và tương đương, các phòng thuộc Viện nghiệp vụ và tương đương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh phân bổ biên chế cho các phòng và tương đương, các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trực thuộc.

2. Quản lý, xây dựng hồ sơ, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu công chức, người lao động thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.

Điều 16. Tuyển dụng, tiếp nhận

1. Quyết định tuyển dụng, tiếp nhận công chức sau khi được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê duyệt theo quy định về tuyển dụng công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân.

2. Quyết định cử người hướng dẫn tập sự và áp dụng chế độ chính sách đối với người hướng dẫn tập sự cho công chức thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.

3. Ký hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ trên cơ sở chỉ tiêu được Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao và ký hợp đồng lao động ngắn hạn để làm những công việc có tính chất phục vụ trên cơ sở tự chủ kinh phí của đơn vị trực thuộc.

Điều 17. Đào tạo, bồi dưỡng và đi công tác nước ngoài

1. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cử công chức và người lao động thuộc quyền quản lý tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch của ngành Kiểm sát nhân dân hoặc của cấp ủy địa phương.

2. Quyết định cử công chức và người lao động thuộc quyền quản lý (trừ Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Kiểm sát viên cao cấp và tương đương) đi học tập, công tác ở nước ngoài.

Điều 18. Đánh giá, phân loại, quy hoạch và bổ nhiệm, miễn nhiệm công chức và người lao động

1. Đánh giá, phân loại đối với công chức và người lao động theo quy định.

2. Xây dựng quy hoạch các chức vụ lãnh đạo, quản lý của cấp mình và các đơn vị trực thuộc.

3. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương, Kiểm tra viên, Kế toán trưởng, Phụ trách kế toán thuộc thẩm quyền quản lý. Giao quyền hoặc phụ trách các đơn vị trực thuộc.

Điều 19. Điều động, luân chuyển

1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao quyết định điều động, luân chuyển đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng thuộc Văn phòng và các Viện nghiệp vụ và tương đương thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Kiểm sát viên cao cấp và tương đương trở xuống trong phạm vi biên chế và cơ cấu công chức của đơn vị.

2. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh quyết định điều động, luân chuyển Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Kiểm sát viên trung cấp và tương đương trở xuống trong phạm vi biên chế và cơ cấu công chức của đơn vị.

3. Các trường hợp quyết định điều động, luân chuyển phải báo cáo bằng văn bản và được sự nhất trí của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trước khi thực hiện:

a) Đối với Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện nghiệp vụ và tương đương thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp cao;

b) Đối với Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện đến công tác tại Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh;

c) Đối với Kiểm sát viên cao cấp, trung cấp đang công tác tại Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh đến làm nhiệm vụ tại Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.

Điều 20. Kỷ luật

1. Quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật và Quyết định kỷ luật đối với công chức và người lao động thuộc quyền quản lý (trừ Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh).

2. Quyết định một trong các hình thức kỷ luật sau:

a) Cách chức Kiểm tra viên và các chức vụ thuộc thẩm quyền bổ nhiệm;

b) Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Chuyên viên chính và tương đương trở xuống; khiển trách, cách cáo đối với Viện trưởng, Phó Viện trưởng viện nghiệp vụ và tương đương thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.

3. Tạm đình chỉ công tác đối với công chức thuộc quyền quản lý, trừ Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.

4. Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với các trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

Điều 21. Thực hiện chính sách

1. Quyết định nâng bậc lương thường xuyên, hưởng phụ cấp chức vụ đối với những trường hợp thuộc thẩm quyền bổ nhiệm, phụ cấp thâm niên và các loại phụ cấp khác theo quy định; thông báo và quyết định cho nghỉ hưu đối với công chức và người lao động thuộc quyền quản lý (trừ Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh); điều chỉnh bậc lương đối với công chức loại C, D và người lao động thuộc quyền quản lý.

2. Cho thôi việc hoặc chuyển ngành đối với công chức thuộc quyền quản lý (trừ Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện nghiệp vụ và tương đương thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp cao).

3. Chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động thuộc quyền quản lý.

4. Các trường hợp quyết định sau khi được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê duyệt:

a) Nâng bậc lương trước thời hạn đối với công chức thuộc quyền quản lý, trừ Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, cấp tỉnh;

b) Nâng ngạch, chuyển loại khi thay đổi vị trí việc làm, điều chỉnh bậc lương đối với Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm tra viên chính, Chuyên viên chính và tương đương trở xuống thuộc quyền quản lý;

c) Thôi việc đối với công chức do sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế, trừ Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, cấp tỉnh.

5. Tuyển chọn, cử công chức dự thi nâng ngạch và thay mặt Ủy ban kiểm sát cử công chức thuộc quyền quản lý dự thi các chức danh tư pháp theo quy định;

Điều 22. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ

1. Thực hiện quyết nghị của Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp ủy Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, chỉ đạo việc thẩm tra về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện tại đối với công chức thuộc quyền quản lý.

2. Thực hiện công tác bảo vệ chính trị nội bộ đối với công chức và người lao động thuộc quyền quản lý đi công tác, học tập hoặc việc riêng khác tại nước ngoài, trừ Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.

Điều 23. Công tác kiểm tra, giám sát và ban hành quyết định trong những trường hợp đặc biệt

1. Quyết định chương trình, kế hoạch và chỉ đạo tổ chức thực hiện việc kiểm tra, giám sát về công tác tổ chức cán bộ tại các đơn vị thuộc quyền quản lý.

2. Trực tiếp quyết định về công tác tổ chức cán bộ đã phân cấp cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới nhưng xét thấy cần thiết.

3. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác tổ chức cán bộ theo quy định của pháp luật.

Mục 3. THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

Điều 24. Thẩm quyền và trách nhiệm chung

1. Đánh giá và phân loại đối với công chức, viên chức và người lao động theo quy định.

2. Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ thực hiện quy trình tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, luân chuyển, quy hoạch, bổ nhiệm chức vụ, chức danh, đào tạo, bồi dưỡng, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý.

3. Đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định cử người hướng dẫn tập sự, bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc hủy bỏ quyết định tuyển dụng đối với công chức, viên chức khi hết thời gian tập sự theo quy định. Thủ trưởng các đơn vị hạch toán độc lập quyết định cử người hướng dẫn tập sự và đề nghị việc bổ nhiệm vào ngạch sau khi hết thời gian tập sự.

4. Quản lý, bố trí, sử dụng công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý trong nội bộ đơn vị. Trường hợp điều động người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong nội bộ đơn vị phải thống nhất với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và được sự đồng ý của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao phụ trách đơn vị trước khi quyết định.

Điều 25. Thẩm quyền và trách nhiệm của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ

Thực hiện quy định tại Điều 24 Quy chế này và một số nhiệm vụ sau:

1. Thẩm định, trình Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định về công tác tổ chức cán bộ thuộc thẩm quyền quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thừa lệnh Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ký một số văn bản sau:

a) Quyết định tuyển dụng công chức đối với người đã được Hội đồng tuyển dụng công chức Viện kiểm sát nhân dân tối cao đồng ý tuyển dụng;

b) Quyết định cử người hướng dẫn tập sự (trừ trường hợp công tác tại các đơn vị hạch toán độc lập), công nhận hết tập sự, bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp, hưởng phụ cấp thâm niên nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Quyết định nâng bậc lương, điều chỉnh bậc lương đối với công chức giữ ngạch Chuyên viên chính và tương đương trở xuống công tác tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao sau khi được Hội đồng lương cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê duyệt;

c) Quyết định công nhận kết quả thi tuyển, xét tuyển và có ý kiến về việc tuyển dụng công chức theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; hủy bỏ việc tuyển dụng công chức của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nếu có sai phạm;

d) Điều động công chức (trừ các đối tượng quy định tại Điều 9 Quy chế này) giữa các Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và giữa các Viện kiểm sát nhân dân cấp cao;

đ) Xây dựng báo cáo, thống kê; kiểm tra, xác minh khiếu nại, tố cáo về công tác tổ chức cán bộ thuộc trách nhiệm theo thẩm quyền.

2. Sau khi báo cáo và được sự đồng ý của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ ký các văn bản sau:

a) Quyết định tuyển dụng công chức từ ngạch Chuyên viên và tương đương trở xuống vào làm việc tại đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

b) Ký hợp đồng lao động với người lao động theo Nghị định số 68/NĐ-CP vào làm việc tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

c) Thông báo bằng văn bản để Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh ra quyết định đối với những trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 19 và Khoản 4 Điều 21 Quy chế này;

d) Điều động công chức, viên chức (trừ các đối tượng quy định tại Điều 9 Quy chế này) giữa các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; từ Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới đến Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và ngược lại;

đ) Quyết định cử công chức, viên chức và người lao động từ ngạch Chuyên viên chính và tương đương trở xuống đang công tác tại các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao (trừ Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng và tương đương) tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, dự thi nâng ngạch công chức, viên chức; chuyển loại, nâng ngạch công chức hoặc chuyển chức danh nghề nghiệp của viên chức; quyết định nghỉ hưu khi đủ điều kiện, thôi việc hoặc chuyển ngành theo nguyện vọng hoặc do sắp xếp, tinh giản biên chế;

e) Hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiểm tra về công tác tổ chức cán bộ.

3. Thực hiện một số nhiệm vụ khác về công tác tổ chức cán bộ theo sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều 26. Thẩm quyền và trách nhiệm của Tổng biên tập Báo Bảo vệ pháp luật, Tổng Biên tập Tạp chí kiểm sát, Hiệu trưởng Trường Đại học kiểm sát Hà Nội và Hiệu trưởng Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát Thành phố Hồ Chí Minh

Thực hiện quy định tại điều 24 Quy chế này và một số việc sau:

1. Ký hợp đồng lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động có thời hạn trên cơ sở tự chủ kinh phí của đơn vị; thực hiện chế độ thử việc.

2. Xác định nhu cầu số lượng, cơ cấu viên chức và lập kế hoạch tuyển dụng viên chức để Vụ Tổ chức cán bộ thẩm định, trình Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, phê duyệt; phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ thực hiện việc tuyển dụng viên chức theo sự phân công của Hội đồng tuyển dụng viên chức của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

3. Bổ nhiệm vào ngạch từ Chuyên viên chính và tương đương trở xuống hoặc chức danh nghề nghiệp, xếp lương, nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn đối với viên chức thuộc quyền quản lý, sau khi Vụ Tổ chức cán bộ thẩm định và được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê duyệt.

Mục 4. VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN CẤP HUYỆN

Điều 27. Thẩm quyền và trách nhiệm

1. Đánh giá, phân loại đối với công chức và người lao động theo quy định; bố trí, sử dụng công chức và người lao động trong đơn vị. Trường hợp điều động đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng trực thuộc phải báo cáo và được sự đồng ý bằng văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trước khi thực hiện.

2. Quyết định cử người hướng dẫn tập sự đối với công chức trong đơn vị và thực hiện chế độ chính sách đối với người hướng dẫn tập sự.

Điều 28. Thực hiện chính sách

1. Đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thực hiện chính sách cán bộ đối với công chức và người lao động trong đơn vị.

2. Bảo đảm việc thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức và người lao động trong đơn vị theo quy định.

Chương III

TRÁCH NHIỆM VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH

Điều 29. Trách nhiệm thi hành

1. Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thi hành Quy chế này.

2. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.

3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh khi ban hành quyết định về công tác tổ chức cán bộ theo thẩm quyền được phân cấp phải gửi 01 bản về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ Tổ chức cán bộ) để kiểm tra, theo dõi và quản lý.

Điều 30. Hiệu lực thi hành

Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

Các quy định trước đây trái với Quy chế này đều bị bãi bỏ./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 02/QĐ-VKSTC-V15 năm 2015 về Quy chế phân cấp quản lý công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

  • Số hiệu: 02/QĐ-VKSTC-V15
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/12/2015
  • Nơi ban hành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Người ký: Nguyễn Hòa Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2016
  • Ngày hết hiệu lực: 01/11/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản