Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/QĐ-HQBĐ | Bình Định, ngày 08 tháng 01 năm 2018 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TIẾP CÔNG DÂN CỦA CỤC HẢI QUAN TỈNH BÌNH ĐỊNH
CỤC TRƯỞNG CỤC HẢI QUAN TỈNH BÌNH ĐỊNH
Căn cứ Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13 ngày 11/11/2011;
Căn cứ Luật Tố cáo số 03/2011/QH13 ngày 11/11/2011;
Căn cứ Luật Tiếp công dân số 42/2013/QH13 ngày 25/11/2013;
Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014;
Căn cứ Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khiếu nại;
Căn cứ Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tố cáo;
Căn cứ Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân;
Căn cứ Thông tư số 06/2013/TT-TTCP ngày 30/9/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định Quy trình giải quyết tố cáo;
Căn cứ Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định Quy trình giải quyết khiếu nại hành chính;
Căn cứ Thông tư số 06/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định Quy trình tiếp công dân;
Căn cứ Quyết định số 1919/QĐ-BTC ngày 06/09/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Căn cứ Quyết định số 882/QĐ-BTC ngày 17/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại địa điểm tiếp công dân của Bộ Tài chính và của các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 802/QĐ-TCHQ ngày 28/3/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc ban hành Quy chế tiếp công dân tại các đơn vị trong ngành Hải quan;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Cục,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tiếp công dân của Cục Hải quan tỉnh Bình Định.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 166/QĐ-HQBĐ ngày 18/5/2016 của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bình Định về Quy chế tiếp công dân của Cục Hải quan tỉnh Bình Định.
Điều 3. Chánh Văn phòng Cục, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục Hải quan tỉnh Bình Định và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| CỤC TRƯỞNG |
TIẾP CÔNG DÂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 02/QĐ-HQBĐ ngày 08/01/2018)
1. Cục Hải quan tỉnh Bình Định có trách nhiệm thực hiện việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về các vấn đề liên quan đến chức năng quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền của Cục Hải quan tỉnh Bình Định.
2. Thời gian tiếp công dân thường xuyên:
- Sáng: Từ 7 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút.
- Chiều: Từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
- Các ngày Thứ bảy, Chủ nhật và ngày lễ: Nghỉ theo quy định.
3. Địa điểm tiếp công dân:
Văn phòng Cục (Bộ phận thanh tra)- Cục Hải quan tỉnh Bình Định, số 70 Trần Hưng Đạo, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
4. Đối với các Chi cục:
Việc tiếp công dân tại các Chi cục Hải quan do Thủ trưởng đơn vị bố trí địa điểm, sắp xếp lịch tiếp công dân và phân công thực hiện đúng quy định.
5. Trách nhiệm tiếp công dân:
a) Lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Bình Định tiếp công dân định kỳ vào ngày 15 và ngày cuối cùng của tháng. Nếu ngày tiếp công dân của Lãnh đạo trùng với ngày Thứ bảy, Chủ nhật hoặc các ngày nghỉ lễ thì sẽ tiếp công dân vào ngày làm việc tiếp theo.
Trường hợp Lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Bình Định không thể tiếp công dân theo lịch quy định, Lãnh đạo Văn phòng phụ trách thanh tra được ủy quyền tiếp công dân và sau đó có trách nhiệm báo cáo lại Lãnh đạo Cục.
b) Văn phòng Cục có trách nhiệm giúp Lãnh đạo Cục tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở Cục Hải quan tỉnh Bình Định theo quy định của pháp luật.
c) Khi Lãnh đạo Cục hoặc Văn phòng Cục đã có lịch hẹn tiếp công dân, nhưng không thể thực hiện việc tiếp công dân được vì lý do khách quan thì lùi lịch tiếp công dân sang thời gian khác và có văn bản thông báo cho công dân biết việc thay đổi lịch, ngày giờ hẹn tiếp công dân lần sau.
Trường hợp việc thay đổi sát với lịch tiếp công dân đã hẹn, không thể thông báo bằng văn bản được, có thể thông báo trực tiếp cho công dân được biết.
Khi đến địa điểm tiếp công dân, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có các quyền và nghĩa vụ sau:
1. Công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có các quyền sau:
a) Trình bày về nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
b) Được hướng dẫn, giải thích về nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của mình;
c) Khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của người tiếp công dân;
d) Nhận thông báo về việc tiếp nhận, kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
đ) Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không sử dụng thông thạo tiếng Việt thì có quyền sử dụng người phiên dịch;
e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
2. Công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có các nghĩa vụ sau:
a) Xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có) như: Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.
Không được mang vũ khí, hung khí, chất gây cháy nổ, khẩu hiệu hoặc băng rôn và những vật cồng kềnh vào trụ sở Cục Hải quan tỉnh Bình Định.
b) Có thái độ đúng mực, tôn trọng, tuân thủ sự hướng dẫn của công chức tiếp công dân và nhân viên bảo vệ. Không được gây rối an ninh, trật tự; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự công chức tiếp công dân.
c) Công dân đến nơi tiếp công dân phải trình bày trung thực sự việc, nói rõ yêu cầu, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tôn trọng sự hướng dẫn của công chức tiếp công dân.
d) Công dân không được lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để xuyên tạc, vu khống, kích động gây mất trật tự tại nơi tiếp công dân hoặc có hành động xâm hại, xúc phạm, cản trở công chức tiếp công dân làm nhiệm vụ.
đ) Trường hợp có nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung (từ 05 người trở lên) thì phải cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với công chức tiếp công dân.
e) Không được tự ý quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của công chức tiếp công dân.
g) Giữ gìn vệ sinh, trật tự, không được tự ý di chuyển hoặc làm hư hỏng tài sản nơi tiếp công dân.
h) Hết giờ tiếp công dân, mọi công dân phải ra khỏi trụ sở cơ quan (nơi tiếp công dân), không được lưu lại dưới bất kỳ hình thức nào.
III. ĐỐI VỚI NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN
Khi tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại địa điểm tiếp công dân, người tiếp công dân có trách nhiệm như sau:
1. Khi tiếp công dân, người tiếp công dân phải mặc trang chế phục, đeo thẻ công chức, viên chức hoặc phù hiệu theo quy định của cơ quan Hải quan.
2. Có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe và tuân thủ nghiêm túc nội quy, quy chế tiếp công dân.
3. Chuẩn bị đầy đủ điều kiện, phương tiện làm việc (sổ tiếp công dân, giấy tờ, máy ghi âm,...) để sử dụng khi tiếp công dân.
4. Khi tiếp công dân phải kiểm tra giấy tờ tùy thân của công dân (chứng minh thư, giấy giới thiệu, giấy ủy quyền trong trường hợp được ủy quyền khiếu nại hoặc văn bản cử người đại diện trong trường hợp nhiều người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh).
5. Không gây phiền hà sách nhiễu, thiếu trách nhiệm hoặc cản trở, trì hoãn việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.
6. Kiểm tra và ghi nhận các tài liệu, chứng cứ do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp. Nếu các tài liệu, chứng cứ chưa rõ ràng thì yêu cầu công dân cung cấp bổ sung. Khi nhận những tài liệu, hồ sơ do công dân cung cấp, người tiếp công dân phải lập “Giấy biên nhận” theo Mẫu 02-TCD (kèm theo Quy chế tiếp công dân tại các đơn vị trong ngành Hải quan ban hành kèm theo Quyết định số 802/QĐ-TCHQ ngày 28/3/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan). Giấy biên nhận được lập thành 02 bản, ghi lại tên các thông tin, tài liệu, bằng chứng đã nhận, tình trạng thông tin, tài liệu, bằng chứng và đề nghị người khiếu nại ký vào “Giấy biên nhận”, giao 01 bản cho người khiếu nại, 01 bản chuyển cho bộ phận thụ lý cùng các thông tin, tài liệu, bằng chứng đã nhận, kịp thời báo cáo cho Thủ trưởng đơn vị mình giải quyết các vướng mắc khi tiếp công dân.
7. Hướng dẫn công dân trình bày đầy đủ, rõ ràng những nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và cung cấp những tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; ghi chép đầy đủ nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, họ tên, địa chỉ công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; yêu cầu công dân ký xác nhận vào sổ tiếp công dân. Trường hợp công dân đến để đóng góp ý kiến, xây dựng chế độ chính sách... thì người tiếp công dân có trách nhiệm hướng dẫn công dân đến bộ phận có thẩm quyền để được xem xét giải quyết.
8. Phân loại nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
8.1. Đối với nội dung khiếu nại.
a) Xử lý đối với khiếu nại thuộc thẩm quyền.
Nếu khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng đơn vị mà không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 11 Luật khiếu nại thì người tiếp công dân phải làm các thủ tục tiếp nhận khiếu nại, đơn khiếu nại và các thông tin, tài liệu, bằng chứng kèm theo do người khiếu nại cung cấp (nếu có), báo cáo với thủ trưởng đơn vị để thụ lý trong thời hạn do pháp luật về khiếu nại quy định. Đề xuất thụ lý đơn khiếu nại được thực hiện theo Mẫu số 03-TCD (kèm theo Quy chế tiếp công dân tại các đơn vị trong ngành Hải quan ban hành kèm theo Quyết định số 802/QĐ-TCHQ ngày 28/3/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan).
Việc tiếp nhận các thông tin, tài liệu, bằng chứng do người khiếu nại cung cấp được thực hiện theo quy định tại điểm 6 phần III Quy chế này.
Nếu khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng đơn vị tiếp nhận khiếu nại nhưng không đủ các điều kiện để thụ lý giải quyết theo quy định, thì người tiếp công dân theo từng trường hợp cụ thể để trả lời hoặc hướng dẫn cho người khiếu nại biết rõ lý do và bổ sung những thủ tục cần thiết để thực hiện việc khiếu nại.
Trường hợp người khiếu nại đề nghị gặp Thủ trưởng đơn vị để khiếu nại những nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng đơn vị thì người tiếp công dân ghi lại nội dung khiếu nại, đồng thời báo cáo với Thủ trưởng đơn vị xem xét, quyết định. Nếu Thủ trưởng đơn vị đồng ý và thống nhất được thời gian tiếp thi người tiếp công dân ghi Phiếu hẹn ngày, giờ, địa điểm tiếp cho người khiếu nại, thực hiện theo Mẫu số 04-TCD (kèm theo Quy chế tiếp công dân tại các đơn vị trong ngành Hải quan ban hành kèm theo Quyết định số 802/QĐ-TCHQ ngày 28/3/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan); đồng thời có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc để phục vụ việc tiếp công dân của Thủ trưởng đơn vị.
b) Xử lý đối với khiếu nại không thuộc thẩm quyền.
Trường hợp khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng đơn vị mình thi người tiếp công dân hướng dẫn người khiếu nại đến đúng cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật (văn bản hướng dẫn thực hiện theo Mẫu số 05-TCD kèm theo Quy chế tiếp công dân tại các đơn vị trong ngành Hải quan ban hành kèm theo Quyết định số 802/QĐ-TCHQ ngày 28/3/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan).
Trường hợp khiếu nại thuộc thẩm quyền của cấp dưới nhưng quá thời gian quy định mà chưa được giải quyết thì người tiếp công dân phải báo cáo với Thủ trưởng đơn vị xem xét, quyết định.
Trường hợp khiếu nại làn đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết thi người tiếp công, dân báo cáo Thủ trưởng đơn vị để xem xét, giải quyết theo quy định của Luật khiếu nại.
c) Xử lý khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật và trường hợp có khả năng gây hậu quả khó khắc phục.
Trường hợp khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, nếu có tình tiết mới làm thay đổi nội dung vụ việc hoặc xét thấy trong quá trình giải quyết vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, người bị khiếu nại hoặc cá nhân, tổ chức khác có liên quan, lợi ích của nhà nước, của tập thể thì người tiếp công dân báo cáo với Thủ trưởng đơn vị xem xét, quyết định.
Trường hợp xét thấy việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại sẽ gây ra hậu quả khó khắc phục thì người tiếp công dân phải kịp thời báo cáo để Thủ trưởng đơn vị xem xét, quyết định tạm đình chỉ hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó.
8.2. Đối với nội dung tố cáo.
a) Xử lý tố cáo thuộc thẩm quyền.
Trường hợp nội dung công dân tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng đơn vị mình mà không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật tố cáo thì người tiếp công dân báo cáo Thủ trưởng đơn vị để thụ lý, giải quyết theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Luật tố cáo (Phiếu đề xuất thụ lý đơn tố cáo thực hiện theo Mẫu số 03-TCD kèm theo Quy chế tiếp công dân tại các đơn vị trong ngành Hải quan ban hành kèm theo Quyết định số 802/QĐ-TCHQ ngày 28/3/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Việc tiếp nhận đơn và các thông tin, tài liệu, bằng chứng có liên quan (nếu có) thực hiện theo quy định tại điểm 6 phần III Quy chế này.
b) Xử lý tố cáo không thuộc thẩm quyền.
Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng đơn vị mình thì người tiếp công dân hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải quyết (văn bản hướng dẫn thực hiện theo Mẫu số 08-TCD kèm theo Quy chế tiếp công dân tại các đơn vị trong ngành Hải quan ban hành kèm theo Quyết định số 802/QĐ-TCHQ ngày 28/3/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan).
c) Xử lý tố cáo thuộc thẩm quyền của cấp dưới.
Trường hợp tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng đơn vị cấp dưới trực tiếp nhưng quá thời gian quy định mà chưa được giải quyết thì người tiếp công dân báo cáo Thủ trưởng đơn vị để ban hành văn bản yêu cầu Thủ trưởng đơn vị cấp dưới giải quyết (văn bản yêu cầu thực hiện theo Mẫu số 09-TCD kèm theo Quy chế tiếp công dân tại các đơn vị trong ngành Hải quan ban hành kèm theo Quyết định số 802/QĐ-TCHQ ngày 28/3/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan).
d) Trường hợp tố cáo về hành vi phạm tội thì người tiếp công dân báo cáo Thủ trưởng đơn vị để làm thủ tục chuyển đơn và các tài liệu liên quan đến cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền giải quyết.
e) Xử lý tố cáo hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích Nhà nước, cơ quan, tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Đối với vụ việc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích Nhà nước, cơ quan, tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thì người tiếp công dân phải kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất Thủ trưởng đơn vị áp dụng biện pháp theo thẩm quyền nhằm ngăn chặn hoặc thông báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn xử lý kịp thời.
g) Trong quá trình tiếp người tố cáo, người tiếp công dân phải giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích người tố cáo trừ khi người tố cáo đồng ý công khai; không được tiết lộ những thông tin có hại cho người tố cáo; nếu thấy cần thiết hoặc khi người tố cáo yêu cầu thì người tiếp công dân áp dụng những biện pháp cần thiết hoặc kiến nghị áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo (Đơn yêu cầu bảo vệ được thực hiện theo Mẫu số 07-TCD kèm theo Quy chế tiếp công dân tại các đơn vị trong ngành Hải quan ban hành kèm theo Quyết định số 802/QĐ-TCHQ ngày 28/3/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)
8.3. Đối với nội dung kiến nghị, phản ánh.
a) Xử lý đối với nội dung kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền.
Trường hợp kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thì người tiếp công dân báo cáo người có thẩm quyền để nghiên cứu, xem xét, giải quyết hoặc phân công bộ phận nghiên cứu, xem xét, giải quyết (Phiếu đề xuất thụ lý đơn được thực hiện theo Mẫu số 03-TCD kèm theo Quy chế tiếp công dân tại các đơn vị trong ngành Hải quan ban hành kèm theo Quyết định số 802/QĐ-TCHQ ngày 28/3/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan).
b) Xử lý đối với nội dung kiến nghị, phản ánh không thuộc thẩm quyền.
Trường hợp kiến nghị, phản ánh không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thì người tiếp công dân chuyển đơn (thực hiện theo Mẫu số 10-TCD kèm theo Quy chế tiếp công dân tại các đơn vị trong ngành Hải quan ban hành kèm theo Quyết định số 802/QĐ-TCHQ ngày 28/3/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan) hoặc chuyển bản ghi lại nội dung trình bày của người kiến nghị, phản ánh đến cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền để nghiên cứu, tiếp thu, xem xét, giải quyết.
9. Trường hợp tập thể cùng đến để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cùng một nội dung, người tiếp công dân hướng dẫn tập thể cử đại diện trình bày đầy đủ, rõ ràng nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và cung cấp những tài liệu chứng cứ liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
10. Người tiếp công dân từ chối tiếp công dân trong các trường hợp quy định tại phần IV Quy chế này.
11. Yêu cầu người vi phạm nội quy tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm; trong trường hợp cần thiết, lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
12. Không tiếp công dân ở nhà riêng và ở ngoài nơi quy định tiếp công dân của đơn vị; không tiết lộ những thông tin, tài liệu, danh tính của người tố cáo theo quy định của pháp luật; áp dụng những biện pháp cần thiết để đảm bảo cho người tố cáo không bị đe dọa, trù dập, trả thù.
13. Theo dõi, quản lý việc tiếp người khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị.
Sau khi kiểm tra, đối chiếu các giấy tờ cần thiết và căn cứ vào đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc nội dung trình bày của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh những thông tin, tài liệu, bằng chứng mà công dân cung cấp, người tiếp công dân phải ghi vào số tiếp công dân hoặc nhập vào phần mềm quản lý công tác tiếp công dân.
Sổ tiếp công dân hoặc phần mềm quản lý công tác tiếp công dân phải có các nội dung theo những tiêu chí như: số thứ tự, ngày tiếp, họ tên, địa chỉ người khiếu nại, số lượng người khiếu nại, số lượng người tố cáo, kiến nghị, phản ánh nội dung sự việc, quá trình xem xét, giải quyết của cơ quan có thẩm quyền (nếu có) và những yêu cầu, đề nghị của công dân, tóm tắt kết quả tiếp và việc xử lý. Sổ tiếp công dân được thực hiện theo Mẫu số 06-TCD kèm theo Quy chế tiếp công dân tại các đơn vị trong ngành Hải quan ban hành kèm theo Quyết định số 802/QĐ-TCHQ ngày 28/3/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
IV. CÁC TRƯỜNG HỢP TỪ CHỐI TIẾP CÔNG DÂN
Người làm công tác tiếp công dân được từ chối tiếp người đến nơi tiếp công dân trong các trường hợp sau:
1) Công dân trong tình trạng không làm chủ được hành vi của mình do: dùng chất kích thích, người mặc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác dẫn tới mất hoặc hạn chế khả năng điều khiển hành vi của mình.
2) Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân.
3) Công dân khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài.
4) Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thực hiện hiện theo Quyết định số 882/QĐ-BTC ngày 17/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại địa điểm tiếp công dân của Bộ Tài chính và của các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tài chính; Công văn số 8318/TCHQ-TCCB ngày 21/12/2017 của Tổng cục Hải quan về việc thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với các bộ, công chức được giao nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh./.
- 1Nghị quyết 07/2017/NQ-HĐND quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn tỉnh Hà Nam
- 2Quyết định 3555/QĐ-UBND năm 2017 về quy chế sử dụng phần mềm Tiếp công dân và Quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo tỉnh Quảng Nam
- 3Nghị quyết 32/2017/NQ-HĐND về quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- 4Quyết định 372/QĐ-HQĐNg năm 2018 về Quy chế thực hiện trực ban, giám sát trực tuyến thuộc Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng
- 1Luật khiếu nại 2011
- 2Luật tố cáo 2011
- 3Nghị định 75/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật khiếu nại
- 4Nghị định 76/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật tố cáo
- 5Thông tư 06/2013/TT-TTCP quy định quy trình giải quyết tố cáo do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành
- 6Thông tư 07/2013/TT-TTCP quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành
- 7Luật tiếp công dân 2013
- 8Nghị định 64/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Tiếp công dân
- 9Luật Hải quan 2014
- 10Thông tư 06/2014/TT-TTCP quy định quy trình tiếp công dân do Thanh tra Chính phủ ban hành
- 11Quyết định 802/QĐ-TCHQ năm 2016 về Quy chế tiếp công dân tại các đơn vị trong ngành Hải quan do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
- 12Quyết định 1919/QĐ-BTC năm 2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 13Nghị quyết 07/2017/NQ-HĐND quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn tỉnh Hà Nam
- 14Quyết định 3555/QĐ-UBND năm 2017 về quy chế sử dụng phần mềm Tiếp công dân và Quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo tỉnh Quảng Nam
- 15Nghị quyết 32/2017/NQ-HĐND về quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- 16Quyết định 372/QĐ-HQĐNg năm 2018 về Quy chế thực hiện trực ban, giám sát trực tuyến thuộc Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng
Quyết định 02/QĐ-HQBĐ năm 2018 về Quy chế tiếp công dân của Cục Hải quan tỉnh Bình Định
- Số hiệu: 02/QĐ-HQBĐ
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/01/2018
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
- Người ký: Nguyễn Văn Đông
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra