Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2016/QĐ-UBND

Điện Biên, ngày 28 tháng 03 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “ĐIỆN BIÊN” DÙNG CHO SẢN PHẨM GẠO BẮC THƠM SỐ 7 VÀ IR64 CỦA TỈNH ĐIỆN BIÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18/6/2013;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29/11/2005; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19/6/2009;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21/11/2007;

Căn cứ Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền sở hữu công nghiệp; Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng sản phẩm, háng hóa; Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31/12/2010 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền sở hữu công nghiệp;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 42/TTr-SKHCN ngày 29/01/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” dùng cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64 của tỉnh Điện Biên.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Quý

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “ĐIỆN BIÊN” DÙNG CHO SẢN PHẨM GẠO BẮC THƠM SỐ 7 VÀ IR64 CỦA TỈNH ĐIỆN BIÊN
(Ban hành theo Quyết định số 02/2016/QĐ-UBND ngày 28 tháng 3 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” dùng cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64 (sau đây gọi tắt là chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”) đã được Cục Sở hữu trí tuệ đăng bạ chỉ dẫn địa lý theo Quyết định số 3340/QĐ-SHTT ngày 25/09/2014.

Những nội dung về quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” không quy định trong Quy chế này thì áp dụng theo Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước có các hoạt động liên quan đến quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” dùng cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64 của tỉnh Điện Biên là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64 có nguồn gốc xuất xứ từ vùng lãnh thổ chỉ dẫn địa lý đã được Cục Sở hữu trí tuệ đăng bạ theo Quyết định số 3340/QĐ-SHTT ngày 25/09/2014.

2. Quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý là quyền của chủ sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý, bao gồm: Đăng ký hoặc cho phép đăng ký chỉ dẫn địa lý; Quản lý chỉ dẫn địa lý; Trao và thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

3. Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý là quyền gắn (in, dán, đúc, dập hoặc hình thức khác) chỉ dẫn địa lý đó trên sản phẩm và giấy tờ giao dịch nhằm mua, bán và quảng bá, giới thiệu sản phẩm chỉ dẫn địa lý.

4. Đăng ký quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý là hoạt động nhằm xác lập quyền được sử dụng chỉ dẫn địa lý của các tổ chức, cá nhân hội đủ các điều kiện theo quy định của Pháp luật.

5. Trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý là quyết định của chủ sở hữu hoặc của tổ chức được chủ sở hữu ủy quyền cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ được quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

6. Logo chỉ dẫn địa lý là logo của chỉ dẫn địa lý, được gắn trên đơn vị sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và được sử dụng một lần cho từng đơn vị sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ.

7. Tổ chức quản lý nội bộ chỉ dẫn địa lý là tổ chức tập thể đại diện cho các thành viên sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, được thành lập dưới hình thức hợp tác xã, hiệp hội hoặc hình thức khác theo quy định của Pháp luật.

8. Tổ chức quản lý bên ngoài là tổ chức có thẩm quyền đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước về chỉ dẫn địa lý tại địa phương có chức năng kiểm tra và giám sát quá trình sử dụng chỉ dẫn địa lý của các tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

Điều 4. Quyền quản lý chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”

1. Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” là tài sản được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do UBND tỉnh Điện Biên thống nhất quản lý.

2. Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan được UBND tỉnh Điện Biên trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” dùng cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64.

Điều 5. Sản phẩm gạo mang Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”

Sản phẩm gạo Điện Biên có tính chất, chất lượng đặc thù và quy trình kỹ thuật sản xuất được công bố theo Quyết định số 3340/QĐ-SHTT ngày 25/09/2014 của Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64, số giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64 là 00043 (Quy định tại Phụ lục 1 của Quy chế này).

Điều 6. Hệ thống tổ chức quản lý Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”

Hệ thống quản lý Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” bao gồm các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm về quản lý và kiểm soát nội bộ; xác nhận và kiểm soát chất lượng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, trong đó:

1. Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm về hoạt động quản lý, cấp, gia hạn, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm gạo mang chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”

Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Hành vi vi phạm quy chế:

Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhưng:

a) Thực hiện không đầy đủ trách nhiệm quy định tại Điều 19 Quy chế này;

b) Sử dụng logo Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” không đúng quy định;

c) Sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” không đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 8 Quy chế này;

d) Có hành vi làm ảnh hưởng đến uy tín, danh tiếng của Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”;

e) Có hành vi cản trở hoạt động quản lý Nhà nước, kiểm tra, kiểm soát về chỉ dẫn địa lý;

f) Tổ chức, cá nhân đã bị chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý nhưng vẫn tiếp tục sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”;

g) Vi phạm quy định về xác lập quyền sử dụng (tự ý sửa chữa, tẩy xóa Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý; cung cấp thông tin, chứng cứ sai lệch cho cơ quan, tổ chức quản lý).

2. Các hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý:

Các hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được quy định tại Khoản 3 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.

Chương II

ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC, QUY TRÌNH ĐÁNH GIÁ, CẤP, THU HỒI QUYỀN SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “ĐIỆN BIÊN” DÙNG CHO SẢN PHẨM GẠO BẮC THƠM SỐ 7 VÀ IR64

Điều 8. Điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”

Để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” các cơ sở phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

1. Thành lập hợp pháp (nếu là tổ chức).

2. Có hoạt động sản xuất (bao gồm một hoặc một số công đoạn của quá trình sản xuất), kinh doanh gạo trong khu vực địa lý được đăng bạ theo Giấy Chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” (Phụ lục 2 của Quy chế này).

3. Sản phẩm gạo phải đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng đặc thù được Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Sở Khoa học và Công nghệ cấp giấy xác nhận đủ điều kiện mang Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” và tuân thủ đầy đủ quy trình kỹ thuật canh tác, thu hoạch, xử lý, chế biến, đóng gói, bảo quản, quản lý chất lượng sản phẩm gạo Điện Biên quy định tại Điều 5 của Quy chế này.

Điều 9. Trình tự thủ tục và thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”

Các cơ sở đảm bảo các điều kiện được quy định tại Điều 8 quy chế này có quyền nộp hồ sơ đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”.

Tổ chức, cá nhân gửi 02 bộ hồ sơ và nhận kết quả tại Sở Khoa học và Công nghệ. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” bao gồm:

1. Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” (mẫu 01-HSGCN)

2. Quyết định cho phép thành lập tổ chức hoặc Giấy chứng nhận đầu tư, giấy đăng ký kinh doanh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp; hoặc các giấy tờ có liên quan chứng minh cơ sở đang thực hiện việc sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm gạo Điện Biên trong vùng địa danh (Bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu).

3. Bản cam kết sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” dùng cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64 (mẫu 05-HSGCN)

4. Trường hợp chủ thể nộp đơn là tổ chức tập thể, trong hồ sơ phải có thêm:

a) Quy chế quản lý nội bộ sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” (nội dung quy định tại Điều 14 Quy chế này);

b) Danh sách các thành viên đăng ký sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” có chữ ký của từng thành viên.

5. Nếu tổ chức, cá nhân chỉ hoạt động thương mại không tổ chức sản xuất thì trong hồ sơ phải có văn bản liên kết hoặc hợp đồng thu mua sản phẩm với các tổ chức, cá nhân sản xuất gạo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”.

- Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Khoa học và Công nghệ phải tổ chức kiểm tra đánh giá điều kiện sử dụng thực tế. Nếu tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện sử dụng chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”, Sở Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân.

- Trường hợp tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện sử dụng chỉ dẫn địa lý thì trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Khoa học và Công nghệ phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho tổ chức, cá nhân đó biết.

Điều 10. Trình tự thủ tục yêu cầu sửa đổi, bổ sung; cấp đổi, cấp lại; gia hạn Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”

1. Sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý

Tổ chức, cá nhân gửi 02 bộ hồ sơ và nhận kết quả tại Sở Khoa học và Công nghệ. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị sửa đổi bổ sung theo mẫu ( mẫu 02-HSGCN)

b) Bản gốc giấy phép cần sửa đổi;

c) Các văn bản xác nhận thông tin sửa đổi cho các trường hợp thay đổi tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax;

- Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Khoa học và Công nghệ xác nhận các thông tin cần sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân.

- Trong trường hợp các thông tin yêu cầu sửa đổi, bổ sung không đạt điều kiện để được sửa đổi, bổ sung, trong thời hạn 07 ngày làm việc, Sở Khoa học và Công nghệ phải có văn bản trả lời cho tổ chức, cá nhân biết và nêu rõ lý do.

Giấy phép sửa đổi, bổ sung có thời hạn như giấy phép cũ.

2. Cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý

Tổ chức, cá nhân gửi 02 bộ hồ sơ và nhận kết quả tại Sở Khoa học và Công nghệ. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp đổi, cấp lại theo mẫu ( mẫu 03-HSGCN)

b) Bản gốc Giấy chứng nhận và quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” đã được cấp cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu cấp đổi, cấp lại.

- Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Khoa học và Công nghệ xác nhận các thông tin cần sửa đổi, bổ sung và cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân.

- Trong trường hợp các thông tin yêu cầu sửa đổi, bổ sung không đạt điều kiện để được cấp đổi, cấp lại, trong thời hạn 07 ngày làm việc, Sở Khoa học và Công nghệ phải có văn bản trả lời cho tổ chức, cá nhân biết và nêu rõ lý do.

3. Gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý:

Để gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, trong vòng 03 (ba) tháng trước ngày Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý hết hiệu lực, tổ chức, cá nhân nộp 02 bộ hồ sơ về Sở Khoa học và Công nghệ, hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị gia hạn (mẫu 04-HSGCN);

b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” đã cấp;

c) Bản sao Giấy chứng nhận sản xuất kinh doanh.

- Trong vòng 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra đánh giá điều kiện sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” của tổ chức, cá nhân. Nếu tổ chức, cá nhân đủ điều kiện để được gia hạn Giấy chứng nhận thì Sở Khoa học và Công nghệ gia hạn Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân.

- Trường hợp tổ chức, cá nhân không đáp ứng điều kiện để được gia hạn Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, Sở Khoa học và Công nghệ phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho tổ chức, cá nhân đó biết.

Điều 11. Quy trình đánh giá để cấp, gia hạn Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Điện Biên dùng cho sản phẩm gạo

1. Nội dung đánh giá:

Đánh giá việc đảm bảo các điều kiện về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm gạo.

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm gạo thuộc vùng địa danh tương ứng với Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” đã được bảo hộ cùng với việc tuân thủ quy trình kỹ thuật canh tác, thu hoạch, xử lý, chế biến, đóng gói, bảo quản, quản lý chất lượng sản phẩm gạo Điện Biên.

b) Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra, chứng nhận việc đảm bảo sản phẩm gạo có tính chất, chất lượng đặc thù được công bố theo Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”.

2. Hình thức đánh giá:

a. Đánh giá trên hồ sơ.

b. Đánh giá tại các cơ sở.

Sau khi đánh giá, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng có văn bản trả lời về kết quả đánh giá nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm gạo, gửi Sở Khoa học và Công nghệ. Trên các cơ sở đó, Sở Khoa học và Công nghệ xem xét và kết luận.

Điều 12. Thu hồi quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý

1. Các trường hợp bị thu hồi

a) Vi phạm một trong các điều quy định tại Điều 7 Quy chế này.

b) Tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý tự nguyện từ bỏ quyền sử dụng hoặc Giấy chứng nhận đã hết thời hạn hiệu lực mà không có nhu cầu gia hạn hoặc không đạt điều kiện được gia hạn hiệu lực.

c) Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý không còn tồn tại hoặc không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh gạo liên tục từ 03 (ba) năm trở lên kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng.

d) Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý là tổ chức tập thể không kiểm soát hoặc kiểm soát không có hiệu quả việc sử dụng chỉ dẫn địa lý của các thành viên.

e) Điều kiện tự nhiên, môi trường nơi canh tác, sản xuất gạo thuộc vùng địa danh tương ứng với Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” bị thay đổi không thể tạo ra sản phẩm gạo có chất lượng đã được bảo hộ.

2. Trình tự việc thu hồi

a) Sở Khoa học và Công nghệ căn cứ văn bản đề nghị thu hồi của các cơ quan có thẩm quyền hoặc đơn tự nguyện chấm dứt việc sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” để xem xét quyết định thu hồi hoặc từ chối thu hồi quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”, trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày nhận được đề nghị.

Trường hợp phải thu hồi, Sở Khoa học và Công nghệ ra quyết định thu hồi bằng văn bản.

b) Sau thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi, cơ sở bị thu hồi phải nộp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng.

c) Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày, kể từ ngày quyết định thu hồi có hiệu lực, danh sách các cơ sở bị thu hồi quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” phải được đăng tải trên Website của Sở Khoa học và Công nghệ.

d) Các tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy chứng nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý, sau thời hạn 3 năm kể từ ngày quyết định thu hồi có hiệu lực mới được quyền đăng ký sử dụng lại. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại được áp dụng như thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý lần đầu.

Điều 13. Hiệu lực và gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý

Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý có hiệu lực 5 năm kể từ ngày ký quyết định cấp, được gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần gia hạn 5 năm kể từ ngày ký quyết định gia hạn.

Chương III

SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ VÀ KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM GẠO MANG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “ĐIỆN BIÊN”

Điều 14. Nội dung xây dựng quy chế quản lý nội bộ việc sử dụng chỉ dẫn địa lý của các tổ chức tập thể

Quy chế quản lý nội bộ sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” do tổ chức tập thể được thành lập để sản xuất, kinh doanh gạo mang chỉ dẫn địa lý xây dựng và được toàn thể các thành viên thống nhất thông qua, nhằm bảo vệ uy tín của tổ chức tập thể, quyền lợi của các thành viên; duy trì và phát triển danh tiếng, chất lượng sản phẩm gạo mang Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”, gồm các nội dung:

a) Tên tổ chức, địa chỉ, trụ sở chính của tổ chức (số điện thoại, fax...); căn cứ thành lập;

b) Danh sách thành viên và hiện trạng sản xuất, kinh doanh của các thành viên;

c) Quy trình sản xuất bắt buộc;

d) Cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng nhãn mang chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo của tổ chức;

đ) Quy định về quản lý để đảm bảo truy nguyên nguồn gốc xuất xứ lô hàng gạo mang chỉ dẫn địa lý của từng thành viên;

e) Quy định về bảo vệ quyền lợi của các thành viên; khen thưởng và xử lý vi phạm quy chế quản lý nội bộ đối với các thành viên;

h) Các nội dung khác do các thành viên của tổ chức thỏa thuận, nhưng không được trái với quy định của pháp luật.

Điều 15. Kiểm soát chất lượng sản phẩm gạo mang Chỉ dẫn địa lý gạo “Điện Biên”

Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thực hiện Quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm gạo mang Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” theo định kỳ hoặc đột xuất đối với mỗi lô sản phẩm theo xác suất nhất định, một cách chủ động tuỳ thuộc vào tình hình thực tế hoặc theo yêu cầu của các cơ sở được phép sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”, gồm các nội dung chủ yếu sau:

1. Kiểm tra, xác nhận chất lượng sản phẩm khi có yêu cầu của các cơ sở:

a. Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiếp nhận yêu cầu xác nhận chất lượng lô sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các cơ sở được phép sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” phải xem xét, đánh giá trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu (theo dấu công văn đến hoặc dấu bưu điện).

b. Tiến hành kiểm tra chất lượng lô sản phẩm, cụ thể là việc tuân thủ các điều kiện về tính chất đặc thù đã được công nhận Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” theo Quyết định số 3340/QĐ-SHTT ngày 25/09/2014 của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ để đánh giá:

- Việc đáp ứng các yếu tố đặc trưng về điều kiện tự nhiên và con người trong hoạt động sản xuất.

- Việc đáp ứng các chỉ tiêu về đặc trưng chất lượng và các thuộc tính khác của sản phẩm gạo.

Nếu lô sản phẩm đạt yêu cầu, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ cấp Giấy xác nhận lô sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Nếu lô sản phẩm gạo không đạt yêu cầu, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng từ chối cấp giấy xác nhận lô sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời, tiến hành truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xử lý vi phạm theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này

c. Lập sổ theo dõi việc cấp giấy xác nhận chất lượng.

d. Cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm gạo yêu cầu kiểm tra, xác nhận chất lượng gạo phải nộp phí, lệ phí theo quy định.

2. Kiểm soát việc lưu thông sản phẩm và xử lý vi phạm.

Đối với lô sản phẩm gạo mang Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” không có giấy xác nhận chất lượng đưa vào lưu thông, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng sẽ tiến hành kiểm tra chất lượng theo Điểm b Khoản 1 Điều này:

a. Nếu sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng sẽ cấp giấy xác nhận chất lượng lô sản phẩm đạt tiêu chuẩn, sản phẩm được tiếp tục lưu thông.

b. Nếu sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tiến hành truy xuất nguồn gốc lô sản phẩm và xử lý các cơ sở vi phạm, cụ thể như sau:

 Loại bỏ nhãn sản phẩm (logo mang chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” cho sản phẩm gạo).

Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm áp dụng các biện pháp chế tài theo quy định của pháp luật.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “ĐIỆN BIÊN” CHO SẢN PHẨM GẠO BẮC THƠM SỐ 7 VÀ IR64

Điều 16. Quyền hạn và trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ

1. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản phục vụ quản lý, sử dụng và phát triển Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”.

2. Tham mưu UBND tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sử dụng và phát triển Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”.

3. Chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”; hướng dẫn và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh khai thác và phát triển giá trị thương mại của Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”.

4. Cấp, gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét thu hồi quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý theo quy định tại Quy chế này.

5. Thực hiện quyền của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” và tham gia giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo theo Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo về Chỉ dẫn địa lý theo thẩm quyền.

6. Xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu, danh mục các tổ chức được cấp Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”, công khai danh mục này trên Trang Thông tin điện tử của Sở Khoa học và Công nghệ.

7. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sử dụng và khai thác Chỉ dẫn địa lý của các tổ chức, cá nhân sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”.

8. Tổ chức xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đầu tư phương tiện, cơ sở vật chất kỹ thuật, các điều kiện cần thiết để thực hiện việc kiểm soát chất lượng sản phẩm Gạo Điện Biên.

9. Kiểm tra, đánh giá về tính chất, chất lượng sản phẩm Gạo, làm cơ sở để cấp, gia hạn và thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” đối với các cơ sở khi có nhu cầu.

10. Kiểm soát chất lượng sản phẩm gạo mang Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” được lưu thông, tiêu thụ trên thị trường đáp ứng yêu cầu đặc thù về chất lượng theo quy định của Quy chế này.

Điều 17. Quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan về quản lý, kiểm soát bên ngoài

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Là cơ quan chủ trì quản lý bên ngoài đối với sản phẩm gạo mang Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”: chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thành phố thuộc vùng có trồng lúa mang Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” thực hiện kiểm tra, kiểm soát bên ngoài theo Quy chế kiểm soát bên ngoài đối với sản phẩm gạo mang Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”.

b) Chịu trách nhiệm quản lý chất lượng gạo mang chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” trong sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

c) Hướng dẫn điều kiện kỹ thuật bắt buộc trong sản xuất, bảo quản gạo cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh gạo trên địa bàn tỉnh nhằm giữ tính đặc thù và phát triển chất lượng của gạo mang Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”.

d) Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định điều kiện sử dụng Chỉ dẫn địa lý cho các tổ chức, cá nhân đăng ký cấp, cấp đổi, cấp lại, gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” dùng cho sản phẩm gạo theo quy định tại Quy chế này;.

e) Ban hành quy chế kiểm soát bên ngoài và các văn bản hướng dẫn liên quan đến hoạt động kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm gạo mang Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên.

2. Sở Công thương:

a) Hỗ trợ đơn vị sản xuất kinh doanh khai thác tìm kiếm thị trường cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64 mang chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”.

b) Chủ trì tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá; xúc tiến thương mại, giới thiệu gạo mang Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” ra các thị trường nội địa, thị trường nước ngoài.

c) Thực hiện các hoạt động nhằm phát hiện và xử lý các vi phạm, xâm phạm Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” dùng cho sản phẩm gạo trong lưu thông, tiêu thụ trên thị trường theo quy định của pháp luật.

3. UBND thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên

a) Tổ chức các hoạt động quản lý, sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” dùng cho sản phẩm gạo tại địa bàn; thực hiện chức năng thực thi bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo quy định của pháp luật.

b) Cử cán bộ tham gia cùng với các sở, ngành thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” theo yêu cầu kế hoạch kiểm tra, kiểm soát của các sở, ngành quy định tại Quy chế này.

c) Chỉ đạo UBND các xã, phường trong vùng đăng bạ Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến và giám sát việc tuân thủ quy chế quản lý, sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

4. Các cơ quan thực thi quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động, phối hợp tiến hành kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 18. Quyền lợi của các tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”

Các cơ sở được cấp Giấy phép sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” có các quyền lợi sau đây:

1. Được gắn logo và các yếu tố liên quan đến Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” trên sản phẩm gạo hoặc trên biển hiệu kinh doanh của tổ chức cùng với nhãn hiệu của riêng tổ chức đó.

2. Tiến hành dịch vụ dưới tên gọi, logo hoặc gắn tên gọi, logo Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” trên phương tiện dịch vụ.

4. Được tham gia vào các chương trình và hoạt động quảng bá Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”.

5. Được thực hiện các quyền tự bảo vệ gồm:

a) Yêu cầu các cơ sở vi phạm phải chấm dứt ngay các hành vi vi phạm Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” đã được Nhà nước bảo hộ.

b) Ngăn cấm người khác sử dụng Chỉ dẫn địa lý theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 123 của Luật Sở hữu trí tuệ.

c) Yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi hợp pháp đối với Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” bị vi phạm.

d) Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, xử lý các hành vi vi phạm Chỉ dẫn địa lý; các hành vi làm ảnh hưởng đến môi trường khu vực địa lý mang Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” đã được bảo hộ.

6. Thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 19. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Điện Biên

1. Tuân thủ Quy chế quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”.

2. Cam kết đảm bảo duy trì danh tiếng, chất lượng và đặc tính chủ yếu vốn có của sản phẩm gạo mang Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”; đảm bảo chất lượng dịch vụ, uy tín và hình ảnh của tổ chức đại diện; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

3. Cam kết nâng cao chất lượng và tham gia quảng bá sản phẩm gạo mang Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”.

4. Thực hiện nghiêm túc các quy trình kỹ thuật bắt buộc trong sản xuất sản phẩm gạo mang Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”.

5. Thực hiện đúng các quy định về in ấn, quản lý, sử dụng nhãn hiệu sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”.

6. Chấp hành nghiêm túc các quyết định xử lý vi phạm về Chỉ dẫn địa lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

7. Bảo vệ môi trường của khu vực địa lý, nơi canh tác, sản xuất sản phẩm gạo mang Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”.

8. Không được phép chuyển nhượng quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” và các loại nhãn, bao bì, giấy xác nhận chất lượng được cấp đối với sản phẩm gạo cho các tổ chức, cá nhân khác.

9. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 20. Kinh phí về quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý

Kinh phí quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” dùng cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64 tỉnh Điện Biên được đảm bảo từ các nguồn sau:

1. Kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh.

2. Các nguồn tài trợ, hỗ trợ từ các chương trình, dự án phát triển tài sản trí tuệ; các khoản thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật và các khoản thu hợp pháp khác.

3. Từ kinh phí sự nghiệp của các ngành, các cơ quan, đơn vị được phân công trách nhiệm quản lý Chỉ dẫn địa lý.

Điều 21. Tổ chức thực hiện

1. Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì tổ chức, hướng dẫn thực hiện quy chế này.

2. Các Sở, ngành, UBND các cấp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm gạo mang Chỉ dẫn địa lý Điện Biên có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc quản lý, bảo vệ, duy trì và phát triển danh tiếng, uy tín của Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” trên thị trường trong và ngoài nước.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh, các đơn vị, địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan phản ánh kịp thời về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

PHỤC LỤC 1

TÍNH CHẤT, CHẤT LƯỢNG ĐẶC THÙ, QUY TRÌNH KỸ THUẬT SẢN XUẤT GẠO BẮC THƠM SỐ 7 VÀ IR64

1. Tính chất, chất lượng đặc thù sản phẩm của sản phẩm

1.1. Giống IR64

- Nguồn gốc: giống lúa IR64 là giống được chọn lọc từ tập đoàn nhập nội của Viện lúa Quốc tế (IRRI), được lai tạo từ tổ hợp lai giữa IR5657-33/IR 2061- 465, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống chính thức tại Quyết định số 402/QĐ/BNN-KHCN ngày 27/11/1986.

- Thóc IR64 Điện Biên: có màu vàng nhạt, độ bóng cao, vỏ mỏng.

- Cơm IR64 Điện Biên: mùi thơm nhẹ, vị cơm đậm, mềm và dẻo khi ăn.

- Chỉ tiêu chất lượng:

+ Hàm lượng protein: 7,26 - 8,55%

+ Hàm lượng amylose: 15,4 - 18,2%

+ Hàm lượng tinh bột: 79,0 - 84,2%

1.2. Giống Bắc thơm số 7:

- Giống lúa Bắc thơm số 7 là giống lúa thuần được nhập vào Việt Nam năm 1992, được được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống chính thức tại Quyết định số 1224-QĐ/BNN-KHCN.

- Thóc Bắc thơm số 7 Điện Biên: màu vàng óng, tỷ lệ hạt xanh cao, hình dáng nhỏ và thon.

- Gạo Bắc thơm số 7 Điện Biên: hạt nhỏ đều, bóng, màu trắng trong, có ánh xanh, tỷ lệ hạt bị vỡ đầu từ 20 - 30%.

- Cơm Bắc thơm số 7 Điện Biên: mùi thơm đậm, đặc trưng, vị đậm và dẻo.

- Chỉ tiêu chất lượng:

+ Hàm lượng protein: 7,32 - 9,11%

+ Hàm lượng amylose: 12,28 - 14,54%

+ Hàm lượng tinh bột: 76,66 - 83,68%

2. Quy trình kỹ thuật sản xuất, bảo quản

- Thời vụ gieo sạ: vụ xuân (từ 25/12 đến 08/01 năm sau); vụ mùa (từ 01 - 20/6).

- Làm đất: trong vụ xuân ruộng lúa phải được cày và phơi ải 1-2 tháng trước khi đưa nước vào để làm đất.

- Ngâm ủ giống và gieo sạ:

+ Giống lúa: giống Bắc thơm số 7 và IR64 nguyên chủng.

+ Lượng giống gieo trên 90 - 110kg/ha đối với giống Bắc thơm, 120 - 140kg/ha đối với giống IR64.

+ Ngâm giống: mầm giống sau ngâm ủ có chiều dài cân đối, rễ trắng, mầm có màu trắng ngà, không chua, mùi thơm.

+ Gieo sạ: bằng dụng cụ chuyên dùng, nếu gieo sạ thủ công thì cần đảm bảo mật động đều.

- Chăm sóc lúa:

+ Tỉa dặm: khi cây lúa được 2,5-3 lá thì tiến hành tỉa dặm, đảm bảo khoảng cách 12 -15cm/cây

+ Bón phân cho lúa: đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng và cân đối giữa các loại phân.

- Thu hoạch lúa:

+ Thu hoạch lúa khi chín 85% (sau trỗ 25-28 ngày), gặt bằng máy hoặc thủ công

+ Lúa được tuốt và phơi khô, thóc sau khi tuốt phải phơi ngay để màu sắc sáng đẹp, đảm bảo chất lượng.

+ Khi độ khô của lúa Bắc thơm đạt 15-17% và lúa IR64 đạt 7,14%, đưa vào bảo quản

- Bảo quản thóc: cho vào nilon sau đó cho vào bao tải, kê cao để không bị ướt. Thời gian bảo quản tối đa là 6 tháng.

 

PHỤ LỤC 2

KHU VỰC ĐỊA LÝ MANG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ

1. Đặc thù về điều kiện địa lý

* Đặc thù về địa hình: Khu vực địa lý là một thung lũng lớn, dạng hình lòng chảo mở rộng, xung quanh có núi bao bọc, nằm ở độ cao 450-550m, có độ dốc 3-5o nghiêng dần từ Bắc xuống Nam.

* Đặc thù đất đai: Đất ở khu vực địa lý là đất phù sa và đất đỏ vàng, nâu vàng, có thành phần từ trung bình đến thịt nhẹ, hàm lượng sét tầng mặt là 35,95%, tầng dưới là 42,7%. Độ pH ở mức độ chua và ít chua, tầng 0-20cm có pH đạt 4,46 và 4,69 ở tầng 20-45cm. Về cation trao đổi ở mức độ khá, mức trao đổi Ca++ đạt trung bình từ 5,29 (đất phù sa gley) và 6,79lđl/100g đất (đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng), dung tích hấp thụ thì đất trồng lúa ở mức độ trung bình. Hàm lượng chất hữu cơ (OM) ở mức độ trung bình đến giàu, ở tầng mặt (0-20cm) đạt 2,38% (mức giàu >2%), hàm lượng đạm, lân tổng số ở mức độ trung bình đến giàu, cụ thể đạm tổng số ở tầng mặt đạt 0,16% (mức giàu >0,15), lân tổng số ở tầng mặt sau 0,12% (mức giàu >0,1). Lượng kali tổng số và lân dễ tiêu ở mức độ nghèo đến trung bình, cụ thể kali tổng số tầng mặt đạt 0,98% (mức nghèo <1%), lân dễ tiêu tầng mặt đạt 9,12% (mức nghèo <10%)

* Điều kiện khí hậu

- Khu vực địa lý có nhiệt độ trung bình năm từ 22,4oC-23,16oC, tổng tích ôn trên 8.000oC, mùa đông ít khi có sương muối và băng giá. Biên độ nhiệt ngày và đêm trung bình cao (10,53oC), là điều kiện thuận lợi cho quá trình tích lũy mùi thơm và độ dẻo cho gạo. Số giờ nắng trung bình 2034 giờ/năm, thời gian chiếu sáng dài, tổng lượng bức xạ trung bình/năm là 68.5/kcal/cm2/năm.

- Lượng mưa của khu vực địa lý dao động trong phạm vi từ 1400-2500mm/năm, tổng lượng mưa trong các tháng mùa mưa chiếm 70-80%, chế độ mưa không đều, tập trung vào các tháng 6-9.

- Độ ẩm trung bình năm đạt 81-84%, vào mùa mưa từ tháng 6-9 độ ẩm tương đối trung bình cao nhất với 84-87%, các tháng 2-3 có độ ẩm trung bình thấp nhất với 71-80%

* Điều kiện sông ngòi, thủy văn: Khu vực địa lý được bồi đắp phù sa từ sông Nậm Rốm và sông nậm Núa. Phụ lưu lớn nhất của sông Nậm Núa là sông Nậm Ngám. Các phụ lưu chính của sông Nậm Rốm là Nậm Phăng, Nậm Khẩu Hú, Nậm Cọ, đây là hệ thống tiêu thoát nước chính cho toàn bộ khu vực địa lý

2. Khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý

* Thành phố Điện Biên Phủ: Xã Thanh Minh, phường Nam Thanh, phường Thanh Trường, phường Noong Bua, phường Him Lam

* Huyện Điện Biên: xã Thanh Xương, xã Noong Hẹt, xã Sam Mứn, xã Thanh Nưa, xã Thanh Luông, xã Thanh Hưng, xã Thanh Chăn, xã Thanh Yên, xã Noong Luống

 

Mẫu 01-HSGCN

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “ĐIỆN BIÊN” DÙNG CHO SẢN PHẨM GẠO BẮC THƠM SỐ 7 VÀ IR64

Kính gửi: Sở Khoa học và Công nghệ Điện Biên

Chủ đơn dưới đây yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ xem xét đơn và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Điện Biên cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64

DẤU NHẬN ĐƠN
(Dành cho cán bộ nhận đơn)

j CHỦ ĐƠN

(Tổ chức, cá nhân yêu cầu cấp Giấy chứng nhận)

Tên đầy đủ: .........................................................................................................................

Địa chỉ: .........................................................................................................................

Điện thoại:................................ Fax:................................... Email: .......................................

k ĐẠI DIỆN CHỦ ĐƠN

□ là người đại diện theo pháp luật của chủ đơn

□ là tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được chủ đơn ủy quyền

□ là người khác được chủ đơn ủy quyền

1. Tên đầy đủ: .........................................................................................................................

2. Địa chỉ: .........................................................................................................................

3. Điện thoại:................................ Fax:................................... Email: .......................................

l PHẦN MÔ TẢ NỘI DUNG YÊU CẦU SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ

1. Quy mô sản xuất gạo Bắc thơm số 7 và IR64

a. Diện tích sản xuất đăng ký:............ha;

b. Năng suất bình quân (ha/năm)..........;

c. Địa điểm ruộng sản xuất:....................

d. Diện tích khu sơ chế (nếu có):.... m2 ; loại nhà:............................;

e. Địa điểm khu sơ chế:…………………………………………;

f. Diện tích kho bảo quản (nếu có):…………m2,

g. Tình trạng kỹ thuật:..................................;

h. Địa điểm kho bảo quản (nếu có):…………… ………… ……...;

i. Địa điểm bao gói sản phẩm:…………………… …………......;

 j. Hình thức đưa sản phẩm ra thị trường:............................................

2. Đặc điểm sản xuất, thương mại sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64

 a. Hoạt động đóng bao bì của chủ đơn:

□ Có đóng bao bì; □ Không đóng bao bì

 b. Sản lượng đóng bao bì/năm của chủ đơn:............. kg.

 c. Số năm sản xuất gạo Bắc thơm số 7 và IR64 của chủ đơn:............... năm.

3. Quy mô đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý

 a. Số bao bì đăng ký sản xuất chỉ dẫn địa lý Điện Biên: .......... bao bì.

 b. Sản lượng đăng ký dự kiến sử dụng chỉ dẫn địa lý Điện Biên/năm:......... kg.

m CÁC TÀI LIỆU KÈM THEO

Tài liệu tối thiểu:

□ Đơn đề nghị, gồm .... trang x 02 bản

□ Bản cam kết tuân thủ các quy định về quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý

□ Bản sao giấy đăng ký kinh doanh, quyết định thành lập...

□ Quy chế quản lý nội bộ sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”

□ Danh sách các thành viên đăng ký sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”

□ Mẫu nhãn, bao bì (nếu có)

□ Giấy ủy quyền nộp đơn (nếu có)

□ Tài liệu bổ trợ khác (ghi rõ):

KIỂM TRA DANH MỤC

Cán bộ nhận đơn
(ký và ghi rõ họ tên)

 

n CAM KẾT CỦA CHỦ ĐƠN

Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai trên đây là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 Khai tại         ngày     tháng    năm 20..

 

Chữ ký, họ tên chủ đơn/đại diện của chủ đơn
 (ghi rõ chức vụ và đóng dấu, nếu có)

 

 

 

Mẫu 02-HSGCN

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ ĐIỆN BIÊN DÙNG CHO SẢN PHẨM GẠO BẮC THƠM SỐ 7 VÀ IR64

Kính gửi: Sở Khoa học và Công nghệ Điện Biên

Chủ đơn dưới đây yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ xem xét đơn và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Điện Biên cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64

DẤU NHẬN ĐƠN
(Dành cho cán bộ nhận đơn)

 

j CHỦ ĐƠN

(Tổ chức, cá nhân yêu cầu cấp Giấy chứng nhận)

Tên đầy đủ: .........................................................................................................................

Địa chỉ: .........................................................................................................................

Điện thoại:................................ Fax:................................... Email: .......................................

k ĐẠI DIỆN CHỦ ĐƠN

□ là người đại diện theo pháp luật của chủ đơn

□ là tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được chủ đơn ủy quyền

□ là người khác được chủ đơn ủy quyền

1. Tên đầy đủ: .........................................................................................................................

2. Địa chỉ: .........................................................................................................................

3. Điện thoại:................................ Fax:................................... Email: .......................................

l GIẤY CHỨNG NHẬN CHỈ DẪN ĐỊA LÝ

1. Số Giấy chứng nhận :.......................................................................................................

2. Ngày cấp : ..........................................................................................................................

3. Có thời hạn đến ngày : ....................................................................................................

m NỘI DUNG YÊU CẦU SỬA ĐỔI, BỔ SUNG

 

n CÁC TÀI LIỆU KÈM THEO

Tài liệu tối thiểu:

□ Đơn đề nghị, gồm .... trang x 02 bản

□ Bản gốc giấy phép cần sửa đổi

□ Các văn bản xác nhận thông tin sửa đổi cho các trường hợp thay đổi tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax

□ Giấy ủy quyền nộp đơn (nếu có)

□ Tài liệu bổ trợ khác (ghi rõ):

 

KIỂM TRA DANH MỤC

Cán bộ nhận đơn
(ký và ghi rõ họ tên)

 

o CAM KẾT CỦA CHỦ ĐƠN

Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai trên đây là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 Khai tại         ngày     tháng    năm 20..

 

Chữ ký, họ tên chủ đơn/đại diện của chủ đơn
 (ghi rõ chức vụ và đóng dấu, nếu có)

 

 

 

Mẫu 03-HSGCN

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

CẤP ĐỔI, CẤP LẠI GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ ĐIỆN BIÊN DÙNG CHO SẢN PHẨM GẠO BẮC THƠM SỐ 7 VÀ IR64

Kính gửi: Sở Khoa học và Công nghệ Điện Biên

Chủ đơn dưới đây yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ xem xét đơn và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Điện Biên cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64

DẤU NHẬN ĐƠN
(Dành cho cán bộ nhận đơn)

j CHỦ ĐƠN

(Tổ chức, cá nhân yêu cầu cấp Giấy chứng nhận)

Tên đầy đủ: .........................................................................................................................

Địa chỉ: .........................................................................................................................

Điện thoại:................................ Fax:................................... Email: .......................................

k ĐẠI DIỆN CHỦ ĐƠN

□ là người đại diện theo pháp luật của chủ đơn

□ là tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được chủ đơn ủy quyền

□ là người khác được chủ đơn ủy quyền

1. Tên đầy đủ: .........................................................................................................................

2. Địa chỉ: .........................................................................................................................

3. Điện thoại:................................ Fax:................................... Email: .......................................

l GIẤY CHỨNG NHẬN CHỈ DẪN ĐỊA LÝ

1. Số Giấy chứng nhận :.......................................................................................................

2. Ngày cấp : ..........................................................................................................................

3. Có thời hạn đến ngày : ....................................................................................................

m NỘI DUNG YÊU CẦU CẤP ĐỔI, CẤP LẠI

a) Cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận do rách, nát, mất:     □

b) Lý do khác................                                                 □

 

n CÁC TÀI LIỆU KÈM THEO

Tài liệu tối thiểu:

□ Đơn đề nghị, gồm .... trang x 02 bản

□ Bản tường trình mất giấy chứng nhận;

□ Bản gốc giấy phép khi đề nghị cấp lại giấy phép do bị rách, nát

□ Tài liệu bổ trợ (nêu rõ):

 

KIỂM TRA DANH MỤC

 

 

Cán bộ nhận đơn
(ký và ghi rõ họ tên)

 

o CAM KẾT CỦA CHỦ ĐƠN

Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai trên đây là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 Khai tại         ngày     tháng    năm 20..

 

Chữ ký, họ tên chủ đơn/đại diện của chủ đơn
 (ghi rõ chức vụ và đóng dấu, nếu có)

 

 

 

Mẫu 04-HSGCN

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

GIA HẠN GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ ĐIỆN BIÊN DÙNG CHO SẢN PHẨM GẠO BẮC THƠM SỐ 7 VÀ IR64

Kính gửi: Sở Khoa học và Công nghệ Điện Biên

Chủ đơn dưới đây yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ xem xét gia hạn Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Điện Biên cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64

 

DẤU NHẬN ĐƠN
(Dành cho cán bộ nhận đơn)

j CHỦ ĐƠN

(Tổ chức, cá nhân yêu cầu cấp Giấy chứng nhận)

Tên đầy đủ: .........................................................................................................................

Địa chỉ: .........................................................................................................................

Điện thoại:................................ Fax:................................... Email: .......................................

k ĐẠI DIỆN CHỦ ĐƠN

□ là người đại diện theo pháp luật của chủ đơn

□ là tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được chủ đơn ủy quyền

□ là người khác được chủ đơn ủy quyền

1. Tên đầy đủ: .........................................................................................................................

2. Địa chỉ: .........................................................................................................................

3. Điện thoại:................................ Fax:................................... Email: .......................................

l PHẦN MÔ TẢ NỘI DUNG YÊU CẦU GIA HẠN GIẤY CHỨNG NHẬN

1. Số Giấy chứng nhận :.......................................................................................................

2. Thời gian hết hạn của Giấy chứng nhận cũ:....................................................................

m CÁC TÀI LIỆU KÈM THEO

Tài liệu tối thiểu:

□ Đơn đề nghị, gồm .... trang x 02 bản

□ Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” đã hết hiệu lực.

□ Bản sao Giấy chứng nhận sản xuất kinh doanh

□ Tài liệu bổ trợ:

 

KIỂM TRA DANH MỤC

 

 

Cán bộ nhận đơn
(ký và ghi rõ họ tên)

 

n                                                 CAM KẾT CỦA CHỦ ĐƠN

Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai trên đây là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 Khai tại         ngày     tháng    năm 20..

 

Chữ ký, họ tên chủ đơn/đại diện của chủ đơn
 (ghi rõ chức vụ và đóng dấu, nếu có)

 

 

 

Mẫu 05-HSGCN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

BẢN CAM KẾT

SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ ĐIỆN BIÊN DÙNG CHO SẢN PHẨM GẠO BẮC THƠM SỐ 7 VÀ IR64

Kính gửi: Sở Khoa học và Công nghệ Điện Biên

Họ và tên tổ chức, cá nhân:……………………………………………………..

Họ và tên người đại diện (nếu là tổ chức):………………………………………

Chức vụ:………………………………………………………………………….

Địa chỉ:…………………………………………………………………………..

Điện thoại liên lạc:……………………………………………………………….

Sau khi đọc kỹ về các quy định quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Điện Biên dùng cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64, nếu được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, tôi/chúng tôi cam kết như sau:

1) Đã hiểu rõ về các quy định quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Điện Biên dùng cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64.

2) Chấp hành đầy đủ các quy định về quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Điện Biên do Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên và các cơ quan được ủy quyền ban hành và các quy định khác của nhà nước có liên quan.

3) Thường xuyên nâng cao tinh thần trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm gạo mang chỉ dẫn địa lý Điện Biên nhằm giữ gìn uy tín, phát triển danh tiếng của sản phẩm đối với khách hàng.

4) Sử dụng chỉ dẫn địa lý thường xuyên theo đúng quy định.

5) Không có những hành vi làm ảnh hưởng đến uy tín của chỉ dẫn địa lý Điện Biên dùng cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64.

6) Góp phần cùng các tổ chức, cá nhân khác nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá phát triển chỉ dẫn địa lý Điện Biên trên thị trường.

 

 

TỔ CHỨC/CÁ NHÂN NỘP ĐƠN
(Ký, họ tên, đóng dấu)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 02/2016/QĐ-UBND về Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Điện Biên dùng cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64 tỉnh Điện Biên

  • Số hiệu: 02/2016/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/03/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
  • Người ký: Lê Văn Quý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/04/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản