Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2018/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 02 tháng 01 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH BẮC NINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13/11/2008;

Căn cứ Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đa dạng sinh học;

Căn cứ Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 76/2017/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh về việc thông qua Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bắc Ninh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bắc Ninh với nội dung chính như sau:

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

Bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững đa dạng sinh học về các nguồn gen, loài sinh vật và hệ sinh thái phong phú trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh để bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; có những đóng góp thiết thực vào công tác bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học cho quốc gia và khu vực.

1.2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu đến năm 2020

Hoàn thiện được bộ cơ sở dữ liệu về hiện trạng và quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bắc Ninh, làm cơ sở phân chia các vùng sinh thái, các khu bảo tồn và hành lang đa dạng sinh học góp phần vào việc quy hoạch bảo tồn tổng thể cả nước, khai thác bền vững đa dạng sinh học dựa trên quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh như sau:

- Đánh giá toàn diện hiện trạng bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bắc Ninh.

- Phát hiện các nguy cơ gây suy giảm đa dạng sinh học.

- Hoàn thành quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường của tỉnh. Ưu tiên bảo tồn nguyên vị các hệ sinh thái đặc thù, các loài thực vật quý hiếm, đặc hữu của hệ thống các khu bảo tồn, tạo các sinh cảnh ổn định cho các loài động vật hoang dã sinh trưởng.

- Lập kế hoạch tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư; Bổ sung và hoàn thiện cơ chế xử lý nghiêm các vụ vi phạm, thu giữ các phương tiện săn bắt động vật.

- Kiểm soát việc khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên sinh vật; xây dựng và thực hiện phương án phòng ngừa, kiểm soát và giảm thiểu tác hại của các loài sinh vật ngoại lai xâm hại và loài có nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh học.

- Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo tồn và giám sát đa dạng sinh học cho các khu bảo tồn. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học; xây dựng và thực hiện các kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và thu hút sự tham gia của cộng đồng trong quản lý, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.

b) Định hướng đến năm 2030

- Hoàn thiện hệ thống các khu bảo tồn đa dạng sinh học và hình thành hệ thống hành lang đa dạng sinh học kết nối các hệ sinh thái.

- Triển khai phương thức bảo tồn chuyển chỗ, hình thành hệ thống vườn thực vật, vườn ươm, vườn động vật để bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý hiếm, đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng đã xác định được của từng khu bảo tồn của tỉnh.

- Giảm tuyệt đối các vụ khai thác, săn bắn trái phép.

- Giải quyết từng bước sinh kế ổn định cho người dân vùng đệm các khu bảo tồn thông qua biện pháp khai thác nuôi trồng các giống vật nuôi có giá trị đang được bảo tồn, tham gia quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

- Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học, làm cho người dân thấy và được hưởng lợi ích của việc bảo tồn đa dạng sinh học đối với đời sống của thế hệ họ và con cháu.

- Khai thác tiềm năng du lịch của các khu bảo tồn nhằm phát triển du lịch sinh thái gắn với sinh kế của người dân vùng đệm, nâng cao đời sống cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn đa dạng sinh học.

- Hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách bảo tồn đa dạng sinh học ở Bắc Ninh phù hợp với kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học và các chiến lược quốc gia.

2. Nội dung quy hoạch

2.1. Quy hoạch hành lang đa dạng sinh học

Cho đến nay, tỉnh Bắc Ninh chưa có khu bảo tồn nào do đó cũng chưa có hành lang đa dạng sinh học. Trong giai đoạn này không đề xuất quy hoạch hành lang đa dạng sinh học.

2.2. Quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn

Đề xuất 01 khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp tỉnh của Bắc Ninh như sau:

a. Tên khu bảo tồn: Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Vườn chim Đông Xuyên

b. Vị trí địa lý: xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh,

Khu bảo tồn loài - sinh cảnh vườn chim Đông Xuyên nằm trọn trong địa giới hành chính thôn Đông Xuyên, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Quy mô diện tích: Tổng diện tích Khu bảo tồn loài - sinh cảnh vườn chim Đông Xuyên được đề xuất quy hoạch là 44,5 ha, được chia thành ba phân khu chức năng (Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 5,718 ha; Phân khu phục hồi sinh thái: 7,321 ha; Phân khu hành chính dịch vụ: 0,958) và vùng đệm: 30,5 ha (Bám sát theo Quyết định số 1400/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc phê duyệt dự án thành lập Khu bảo tồn loài - sinh cảnh vườn chim Đông Xuyên).

2.3. Quy hoạch bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái

2.3.1. Hệ sinh thái rừng trồng

Tỉnh Bắc Ninh không có rừng tự nhiên chỉ có rừng trồng với tổng diện tích hiện tại 586,03 ha phân bố tập trung ở vùng gò đồi TP. Bắc Ninh (217,8 ha); Quế Võ (137,7 ha), Tiên Du (184,6 ha) và Gia Bình (45,2 ha). Theo kết quả điều tra, rừng trồng ở tại Bắc Ninh có một số động, thực vật quý hiếm như: Thông ba lá, lim lát hoa, tắc kè, rắn ráo thường, rắn hổ mang chúa...Theo Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020 diện tích đạt 645,3 ha nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên động, thực vật sinh sản và phát triển, bảo tồn một số loài thú, bò sát có trong sách đỏ Việt Nam...

2.3.2. Hệ sinh thái đất ngập nước phía Nam sông Đuống.

Tỉnh Bắc Ninh hiện có khoảng 5.500 ha đất ngập nước là các thủy vực nước đứng như ao, hồ, đầm. Đây là nơi sinh sống, bãi đẻ của các loài động vật thủy sinh có giá trị kinh tế cao, là nơi có nhiều điều kiện để để phát triển du lịch sinh thái và du lịch tâm linh dọc theo các sông lớn. Vì vậy, các huyện có diện tích đất ngập nước nhiều là Thuận Thành, Gia Bình và Lương Tài với diện tích khoảng 3.000 ha cần được ưu tiên quy hoạch bảo vệ và phát triển.

2.4. Quy hoạch các cơ sở bảo tồn chuyển chỗ.

2.4.1. Bảo tồn nguồn gen thực vật quý hiếm

Hệ sinh thái vùng gò đồi TP. Bắc Ninh, Quế Võ, Tiên Du, Gia Bình được đề xuất để thực hiện nhu cầu bảo tồn chuyển chỗ một số loài thực vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và Nghị định 32/2006/ NĐ-CP. Đó là các loài: lim, lát hoa. Quy hoạch phát triển cây sưa (Dalbergia tonkinensis Prain), một số loài cây được ghi vào nhóm IA. Thực vật rừng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, nhằm bảo tồn một số loài cây quý hiếm.

2.4.2. Vườn sưu tầm cây thuốc Nam

Ổn định các vườn đã có và bổ sung vào quy hoạch hệ thống vườn mẫu thuốc nam trên địa bàn tỉnh với quy mô mỗi vườn từ 200 – 500 m2. Tổng diện tích quy hoạch cây dược liệu đến năm 2020 đạt khoảng 20 ha và đến năm 2030 đạt 100 ha (theo tiêu chí quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp). Hiện có: Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Bắc Ninh (1 vườn) và các trạm y tế ở các xã trong toàn tỉnh (97 vườn), trong vườn nhà (100 vườn). Bố trí trồng một số cây thuốc quý dưới tán rừng trồng như Đảng sâm, Kim ngân, Thổ sâm…Theo quy hoạch sẽ bố trí một phần đất màu ven sông Đuống để phát triển cây dược liệu quý như: Húng chanh, Tía tô, kinh giới, Bạc Hà, Cà gai leo, nhân trần …

2.5. Quy hoạch bảo tồn tại chỗ.

2.5.1. Các loài động, thực vật hoang dã cần bảo tồn

Quy hoạch bảo vệ hệ sinh thái rừng trồng vùng gò đồi của thành phố Bắc Ninh và các huyện: Quế Võ, Tiên Du, Gia Bình là biện pháp hữu hiệu để bảo tồn các động, thực vật hoang dã vì hệ sinh thái vùng gò đồi là nơi cư trú, cung cấp thức ăn đồng thời cũng là nơi trú ẩn tốt nhất trước mọi kẻ thù.

2.5.2. Khu bảo tồn giống gà Hồ

- Nguồn gốc giống: Thôn Lạc Thổ, thị trấn Hồ, huyệnThuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

- Vị trí quy hoạch: Thôn Lạc Thổ, thị trấn Hồ, huyệnThuận Thành.

- Quy mô phát triển: Kết nạp thêm hội viên nuôi gà Hồ vào Câu lạc bộ gà Hồ và Hợp tác xã chăn nuôi gà Hồ với quy mô khoảng 100 hộ; Mở rộng diện tích chuồng trại, phân khu tập trung nuôi thuần chủng gà Hồ tại đất sản xuất của Thôn Lạc Thổ, thị trấn Hồ 1,5 ha.

- Mục tiêu: Phát triển nhanh chóng đàn gà Hồ để xứng tầm với thương hiệu gà Hồ được nhà nước bảo hộ; bảo tồn được một nguồn gen động vật quý hiếm không chỉ cho địa phương mà cho đất nước.

3. Chương trình dự án ưu tiên trong thời kỳ Quy hoạch

(Chi tiết tại phụ lục kèm theo)

4. Các giải pháp về thực hiện Quy hoạch

4.1. Tăng cường năng lực quản lý đa dạng sinh học: Kiện toàn bộ máy tổ chức; Xây dựng kế hoạch hành động ngắn, trung và dài hạn về bảo tồn đa dạng sinh học.

4.2. Giải pháp về tuyên truyền: Nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng và lợi ích lâu dài của việc bảo tồn đa dạng sinh học; giúp cộng đồng gắn bó cuộc sống và thu nhập của mình với công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

4.3. Giải pháp về tài chính: Để thực hiện các nội dung chính của quy hoạch, trong giai đoạn 2018 - 2030 dự kiến triển khai thực hiện 12 dự án ưu tiên, thuộc 5 nhóm dự án với tổng kinh phí ước tính là 62 tỷ đồng.

4.4. Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực: Đào tạo nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ các cấp, Sở, huyện, các khu bảo tồn.

4.5. Giải pháp về khoa học công nghệ: Tăng cường công tác nghiên cứu; đẩy mạnh việc đưa khoa học công nghệ vào quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học trong các khu bảo tồn.

4.6. Giải pháp về cơ chế chính sách: Thể chế hóa các văn bản pháp luật, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm bảo vệ tốt đa dạng sinh học trong các khu bảo tồn; đồng thời khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình và người dân tích cực tham gia bảo tồn; khai thác hiệu quả giá trị tài nguyên các khu bảo tồn trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

4.7. Giải pháp bảo tồn dựa vào cộng đồng: Khuyến khích người dân tích cực tham gia các hoạt động nhằm bảo tồn đa dạng sinh học: phòng chống cháy rừng; phát triển nguồn gen quý hiếm; xã hội hóa trong vấn đề hưởng lợi từ việc bảo tồn.

4.8. Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học vào các kế hoạch, quy hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bắc Ninh.

4.9. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về bảo tồn đa dạng sinh học.

4.10. Giải pháp về hợp tác bảo tồn: Coi trọng sự hợp tác trong nước và nước ngoài về bảo tồn và phát triển bền vững; đặc biệt trong công tác điều tra, nghiên cứu phát triển đa dạng sinh học, kinh nghiệm, năng lực quản lý, bảo tồn, cơ chế phối hợp.

5. Nguồn vốn thực hiện quy hoạch

Tổ chức triển khai theo 2 phân kỳ gồm 12 dự án với tổng kinh phí 62 tỷ đồng, phân kỳ đầu (thực hiện cho giai đoạn 2018 - 2020) ưu tiên thực hiện 7 chương trình, dự án với tổng kinh phí là 28 tỷ đồng. Phân kỳ 2 (thực hiện cho giai đoạn 2020 - 2030) gồm 05 chương trình, dự án mới và tiếp tục 02 dự án giai đoạn trước với tổng kinh phí là 34 tỷ đồng (Chi tiết tại Phụ lục kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2018.

Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh; các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Văn hóa-Thể thao và Du lịch; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (b/c);
- TTTU, TTHĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các đ/c thành viên UBND tỉnh;
- HĐND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Bắc Ninh, Đài PTTH tỉnh; TT Công báo tỉnh, Cổng TTĐT tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Lưu: VT, NN.TN, KTTH, XDCB.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tiến Nhường

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 01/2018/QĐ-UBND ngày 02 tháng 01 năm 2018 của UBND tỉnh Bắc Ninh)

STT

Tên chương trình/dự án ưu tiên

Thời gian thực hiện

Kinh phí thực hiện

(tỷ đồng)

Nguồn kinh phí

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

1

Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo tồn ĐDSH

 

1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bắc Ninh

2018 - 2020

 

2020 - 2030

6,0

 

10,0

Sự nghiệp môi trường

UBND tỉnh,

Sở TN&MT

Sở NN&PTNT

Các phòng TN&MT, Phòng NN&PTNT

Các trường THPT trên

2

Điều tra xây dựng cơ sở dữ liệu ĐDSH tại hệ thống các khu bảo tồn tỉnh Bắc Ninh

 

2. Điều tra, đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học phục vụ xây dựng hành lang bảo vệ lưu vực sông Đuống

2018-2020

3,0

Sự nghiệp môi trường

Sở TN&MT

Các trường đại học,

các viện nghiên cứu

 

3. Quan trắc và cập nhật bổ sung cơ sở dữ liệu ĐDSH trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh định kỳ 05 năm

2020 - 2030

3,0

Sự nghiệp môi trường

Sở TN&MT

Các trường đại học,

các viện nghiên cứu

3

Nghiên cứu xây dựng một số cơ chế chính sách để quản lý hiệu quả hệ thống các khu bảo tồn

 

4. Xây dựng và triển khai cơ chế quản lý điều hành khu bảo tồn loài-sinh cảnh vườn chim Đông Xuyên

2018-2020

4,0

Sự nghiệp môi trường,

Xã hội hóa

Sở TN&MT

Phòng TN&MT, PhòngNN&PTNT,

BQL Vườn chim Đông Xuyên

 

5. Nghiên cứu giải pháp phát triển bền vững và nhân rộng mô hình chăn nuôi giống gà Hồ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

2018-2020

5,0

Sự nghiệp khoa học

Sự nghiệp kinh tế Nguồn khác

Sở KH&CN

Sở NN&PTNT

Các trường đại học,

các viện nghiên cứu

 

6. Nghiên cứu tiềm năng du lịch sinh thái và kết hợp bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

2020-2030

5,0

Sự nghiệp kinh tế Nguồn khác

Sở TN&MT

Sở VHTT&DL

Các trường đại học, các viện nghiên cứu

4

Tăng cường năng lực quản lý, giám sát ĐDSH

 

7. Tăng cường năng lực về bảo tồn ĐDSH cho cán bộ quản lý các cấp tỉnh Bắc Ninh

2018-2020

2020-2030

2,0

4,0

Sự nghiệp môi trường Sự nghiệp kinh tế Nguồn khác

Sở TN&MT

Sở NN&PTNT

Các phòng TN&MT, Phòng NN&PTNT

 

8. Xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ thiên nhiên và đa dạng sinh học tại khu bảo tồn loài - sinh cảnh vườn chim Đông Xuyên

2020-2030

3,0

Sự nghiệp môi trường Nguồn khác

Sở TN&MT

Sở NN&PTNT

Các phòng TN&MT, Phòng NN&PTNT Ban quản lý vườn chim Đông Xuyên

5

Tổ chức giám sát biến động về ĐDSH, hệ sinh thái tại các khu bảo tồn; biện pháp ngăn chặn, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại

 

9. Đánh giá hiện trạng và xây dựng mô hình sử dụng bền vững có hiệu quả tài nguyên đa dạng sinh học tại các hệ sinh thái tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

2020-2030

5,0

Sự nghiệp khoa học

Sự nghiệp môi trường Sự nghiệp kinh tế Nguồn khác

Sở KH&CN

Sở TN&MT

Sở NN&PTNT

Các trường đại học, các viện nghiên cứu

 

10. Điều tra đánh giá và đề xuất các biện pháp ngăn chặn kiểm soát các loài sinh vật ngoại lai xâm hại

2018-2020

3,0

Sự nghiệp khoa học

Sự nghiệp kinh tế Nguồn khác

Sở KH&CN

Sở TN&MT

Sở NN&PTNT

Các trường đại học, các viện nghiên cứu

 

11. Nghiên cứu các biện pháp xử lý ô nhiễm tại các khu bảo tồn loài - sinh cảnh vườn chim Đông Xuyên và khu bảo tồn nguồn gen gà Hồ

2018-2020

5,0

Sự nghiệp khoa học

Sự nghiệp môi trường Nguồn khác

SởKH&CN

Sở TN&MT

Sở NN&PTNT

Các trường đại học, các viện nghiên cứu

 

12. Nghiên cứu xây dựng mô hình vườn mẫu trồng thuốc Nam trong khu dân cư phục vụ phát triển nhanh rộng

2020-2030

4,0

Sự nghiệp khoa học

Sở KH&CN

Sở Y tế

Các trường đại học, các viện nghiên cứu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 01/2018/QĐ-UBND về phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bắc Ninh

  • Số hiệu: 01/2018/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/01/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
  • Người ký: Nguyễn Tiến Nhường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/01/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản