Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2007/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 10 tháng 01 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ PHẠM VI HÀNH LANG AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ, ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Căn cứ Luật Đất đai năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 186/2004/NĐ-CP , ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP , ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định nầy quy định quản lý phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và được đăng trên Công báo tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Văn Sáu

 

QUI ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ PHẠM VI HÀNH LANG AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘTRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2007/QĐ-UBND, ngày 10 tháng 01 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nguyên tắc chung.

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ (gọi tắt là phạm vi hành lang an toàn) của các công trình đường bộ trên địa bàn tỉnh.

2. Uỷ ban nhân dân tỉnh phân cấp cho các cấp, ngành, đơn vị, tổ chức, cá nhân (gọi tắt là tổ chức, cá nhân) thực hiện và chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh về nhiệm vụ quản lý phạm vi hành lang an toàn, đảm bảo nguyên tắc quản lý theo ngành và địa phương (tỉnh, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn).

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh.

Qui định cụ thể về quản lý phạm vi hành lang an toàn phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương.

Điều 3. Đối tượng áp dụng.

Tổ chức, cá nhân quản lý phạm vi hành lang an toàn và các tổ chức, cá nhân có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ công trình ở phạm vi hành lang an toàn đều phải nghiêm chỉnh chấp hành và thực hiện Quy định này.

Điều 4. Giải thích từ ngữ.

Các từ ngữ trong quy định nầy được hiểu như sau:

1. Mặt đường: Là phạm vi phương tiện lưu thông.

2. Mép đường: Là đường ngoài cùng của mặt đường, (khoảng cách ngang giữa 2 mép đường là chiều rộng mặt đường).

3. Tim đường: Là đường theo chiều dọc cách đều 2 mép đường.

4. Lề đường (vỉa hè): Là phạm vi công trình đường tiếp giáp với mặt đường dành cho người đi bộ (mép trong của lề đường là mép đường).

5. Vai đường: Mép ngoài của lề đường.

6. Thân đường: Là phần giới hạn giữa 2 vai đường (chiều rộng thân đường là chiều rộng nền đường).

7. Mép chân nền đường: Là vị trí tiếp giáp của nền đường với nền thiên nhiên.

8. Phạm vi hành lang an toàn, gồm:

- Giới hạn phần đất dọc 2 bên đường, cầu, cống nhằm bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ công trình đường bộ.

- Giới hạn khoảng cách an toàn đường bộ đối với phần trên không để đảm bảo an toàn giao thông.

- Giới hạn khoảng cách an toàn đường bộ đối với phần dưới mặt đất, phần dưới mặt nước để đảm bảo an toàn công trình đường bộ, công trình ngầm, công tác quản lý và bảo trì công trình đường bộ.

9. Mốc lộ giới: Là đường ngoài cùng, giới hạn của hành lang.

10. Lộ giới: Là khoảng cách ngang giữa 2 mốc lộ giới.

11. Chỉ giới xây dựng: Là đường giới hạn mà từ đó trở ra xa công trình đường bộ được phép xây dựng công trình nhà cửa, vật kiến trúc khác.

- Đối với đường ngoài đô thị: Chỉ giới xây dựng cũng là mốc lộ giới.

- Đối với đường trong đô thị: Chỉ giới xây dựng ở ngoài hoặc trùng với mốc lộ giới được xác định theo qui hoạch đô thị.

12. Mái ta luy: Là bề mặt giới hạn bởi vai đường và mép chân nền đường.

13. Tỉnh không: Là khoảng cách theo phương thẳng đứng kể từ tim mặt đường, mặt sàn cầu đến vị trí thấp nhất của công trình đường dây, cầu vượt và các công trình, vật khác ngang qua phía trên công trình đường bộ.

14. Công trình đường bộ gồm công trình đường, cầu, cống....gọi tắt là đường, cầu, cống...

15. Quốc lộ (QL), đường tỉnh (ĐT), đường huyện (ĐH), đường xã (ĐX): Là những công trình đường bộ mà giao thông vận tải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong cả nước, khu vực, tỉnh, huyện, thị xã, xã.

16. Đường đô thị (ĐĐT), đường hẻm: Là công trình đường bộ nằm trong địa giới hành chính đô thị.

17. Đường chuyên dùng (ĐCD): Là đường chuyên phục vụ cho việc vận chuyển, đi lại của một hoặc nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tư nhân.

Điều 5. Nghiêm cấm các hành vi sau đây.

1. Xây dựng mới đường trong phạm vi hành lang an toàn trái phép.

2. Xây dựng các công trình nhà cửa, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trừ các công trình ở khoản 1 Điều 16 của Quy định nầy.

3. Khai thác phạm vi hành lang an toàn làm ảnh hưởng đến công trình đường bộ.

4. Lấn chiếm phạm vi hành lang an toàn dưới bất kỳ hình thức nào.

5. Các hành vi khác làm ảnh hưởng đến an toàn công trình đường bộ và an toàn giao thông.

Chương II

PHẠM VI HÀNH LANG AN TOÀN

Điều 6. Phạm vi hành lang an toàn của đường ngoài đô thị.

Căn cứ cấp đường và phân loại đường theo quy hoạch, áp dụng phụ lục 1 kèm theo Qui định này.

Điều 7. Phạm vi hành lang an toàn của cầu trên đường ngoài đô thị.

Được quy định tại phụ lục 2 kèm theo Qui định này.

Điều 8. Phạm vi hành lang an toàn của cống ngoài đô thị.

Theo chiều dọc cống về 2 phía bằng phạm vi hành lang đường .

Điều 9. Đối với đường song song với sông, kênh, rạch có khai thác vận tải thủy mà phạm vi hành lang bị chồng lấn (phạm vi hành lang chồng lấn với hành lang bảo vệ luồng chạy tàu thuyền) thì phạm vi hành lang được tính từ mép bờ cao trở về phía đường (khoản 3 Điều 13 của Nghị định số 186/2004/NĐ-CP).

Điều 10. Phạm vi hành lang an toàn của đường đô thị, đường hẻm; cầu, cống trên đường đô thị, đường hẻm.

1. Đối với đường: Là chiều rộng tính từ mép đường đến chỉ giới xây dựng của đường theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt (khoản 2 Điều 13 của Nghị định số 186/2004/NĐ-CP).

2. Đối với cầu, cống: Tính từ mép ngoài cùng của kết cấu cầu, cống đến chỉ giới xây dựng theo quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với khoản 2 Điều 14 của Nghị định số 186/2004/NĐ-CP .

Điều 11. Phạm vi hành lang an toàn đối với phà (Điều 16 của Nghị định số 186/2004/NĐ-CP).

1. Theo chiều dọc: Bằng chiều dài đường xuống phà.

2. Theo chiều ngang: Từ tim phà trở ra mỗi phía thượng, hạ lưu là 150 mét.

Điều 12. Phạm vi hành lang đối với kè chống xói lở (Điều 17 của Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ).

1. Từ đầu kè và từ cuối kè về 2 phía thượng lưu, hạ lưu, mỗi phía 50 mét.

2. Từ chân kè trở ra sông 20 mét.

Điều 13. Phạm vi bảo vệ đối với bến xe, bãi đổ xe, trạm điều khiển giao thông, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí cầu đường và các công trình phục vụ quản lý cầu đường là phạm vi vùng đất, vùng nước của công trình đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định trong giấy phép sử dụng đất (Điều 18 của Nghị định số 186/2004/NĐ-CP).

Điều 14. Phạm vi hành lang an toàn đối với phần trên không.

1. Theo phương thẳng đứng.

a) Đối với đường dây tải điện: Có tỉnh không tối thiểu là 4,5 mét cộng với khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp do pháp luật về điện lực quy định và đơn vị quản lý đường dây phải lắp đặt đủ biển báo.

b) Đối với đường dây thông tin: Có tỉnh không tối thiểu là 5,5 mét.

c) Đối với các trường hợp khác, có tỉnh không tối thiểu là 4,75 mét.

2. Theo phương ngang: Khoảng cách từ mép chân nền đường đến chân cột của đường dây thông tin, đường dây tải điện tối thiểu bằng 1,3 lần chiều cao của cột (tính từ mặt đất đến đỉnh cột) và không nhỏ hơn 5 mét.

Điều 15. Phạm vi hành lang dưới mặt đất, dưới mặt nước.

Phạm vi hành lang nầy được cấp thẩm quyền quy định đối với từng công trình đường bộ cụ thể, đảm bảo phục vụ an toàn các công trình đường bộ, công trình ngầm, không ảnh hưởng đến việc quản lý, bảo trì công trình đường bộ và đảm bảo an toàn giao thông.

Chương III

QUẢN LÝ PHẠM VI HÀNH LANG AN TOÀN

Điều 16. Sử dụng phạm vi hành lang an toàn ngoài đô thị.

1.Chỉ được sử dụng phạm vi hành lang an toàn để xây dựng công trình trong các trường hợp sau:

a) Công trình đường bộ xuyên qua phạm vi hành lang an toàn công trình đường bộ đã có theo qui hoạch, dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt.

b) Công trình phục vụ yêu cầu đảm bảo an ninh - quốc phòng.

c) Các công trình có yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật không thể bố trí ngoài phạm vi hành lang an toàn.

d) Các công trình phải bố trí trên cùng mặt bằng với công trình đường bộ để đảm bảo tính đồng bộ và tiết kiệm.

đ) Cột đường dây tải điện, cột đường dây thông tin, panô, công trình ngầm: Đường cáp quang, đường dây tải điện, đường ống cấp nước...

2. Các công trình ở điểm b, c, d, đ khoản 1 Điều 16 của Qui định nầy chỉ được thực hiện khi có khó khăn về địa hình, địa vật và phải được sự chấp thuận của cấp thẩm quyền (cả về vị trí và qui mô) và hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến công trình đường bộ và an toàn giao thông, đồng thời chủ công trình phải cam kết tự di chuyển công trình khi ngành đường bộ có yêu cầu sử dụng và không bồi hoàn.

3. Được sử dụng phạm vi hành lang an toàn để trồng cây, nuôi trồng thuỷ sản nhưng phải tuân thủ các yêu cầu sau:

a) Trồng cây lương thực, hoa màu cách mép chân nền đường ít nhất 01 (một) mét và không cản trở tầm nhìn của người tham gia giao thông.

b) Trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, có rễ ăn sâu cách mép chân nền đường ít nhất 2 (hai) mét và không cản trở tầm nhìn của người tham gia giao thông.

c) Riêng tại các đường giao nhau (ngã ba, ngã tư...) và những đoạn đường cong có bán kính nhỏ chỉ được trồng các loại cây có chiều cao không quá 01 (một) mét so với vai đường ở khu vực đó và đảm bảo tầm nhìn về các hướng được quy định theo cấp đường.

d) Mép trong của ao nuôi trồng thuỷ sản, kênh thuỷ lợi phải cách mép chân nền đường một khoảng tối thiểu bằng chiều sâu của ao, kênh.

4. Việc sử dụng phạm vi hành lang an toàn liên quan đến công trình an ninh, quốc phòng liền kề phải có ý kiến thống nhất của cấp thẩm quyền công an, quân sự.

Điều 17. Phạm vi hành lang an toàn trong đô thị.

1. Đối với thị xã Vĩnh Long: Thực hiện theo Quyết định số 2759/2005/QĐ-UBND, ngày 01/12/2005 ban hành quy định về quản lý trật tự đô thị thị xã Vĩnh Long

2. Đối với các thị trấn, thị tứ, khu dân cư: Uỷ ban nhân dân huyện có quy định cụ thể, đảm bảo được trật tự đô thị, và an toàn giao thông.

Chương IV

GIẢI QUYẾT CÁC TỒN TẠI TRONG PHẠM VI HÀNH LANG AN TOÀN TRƯỚC NGÀY NGHỊ ĐỊNH SỐ 186/2004/NĐ-CP , CÓ HIỆU LỰC

Điều 18. Các công trình nhà ở, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có sử dụng đất trong phạm vi hành lang an toàn nhưng chưa ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ thì tạm thời tồn tại nhưng phải giữ nguyên hiện trạng và chủ sử dụng đất, chủ công trình phải cam kết với Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn và tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý công trình đường bộ là không phát triển, không nâng cấp công trình và thực hiện giải tỏa khi có yêu cầu của cấp thẩm quyền.

Điều 19. Trường hợp sử dụng phạm vi hành lang an toàn có ảnh hưởng đến an toàn giao thông (tạo điểm đen, khả năng tạo điểm đen và nguy hiểm khác) hoặc an toàn công trình đường bộ thì tổ chức, cá nhân quản lý đường bộ có thẩm quyền tiến hành xác định mức độ ảnh hưởng và đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp thẩm quyền thu hồi đất, giải tỏa công trình gắn liền với đất.

1. Cơ sở giải quyết việc đền bù, giải toả khi bắt buộc di dời theo quy định của:

Nghị định số 186/2004/NĐ-CP , ngày 05/11/2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Nghị định số 181/2004/NĐ-CP , ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành luật Đất đai;

2. Căn cứ vào mốc thời gian xây dựng công trình trong phạm vi hành lang an toàn.

Trước ngày 21/12/1982 là thời gian chưa có quy định cụ thể về hành lang an toàn đường bộ;

Từ 21/12/1982 đến 31/12/1999 là thời gian cấm xây dựng trong phạm vi hành lang an toàn theo Nghị định số 203/HĐBT, của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ);

Từ 01/01/2000 đến 30/11/2004 là giai đoạn cấm xây dựng trong phạm vi hành lang an toàn theo Nghị định số 172/1999/NĐ-CP , của Chính phủ;

Từ sau 30/11/2004 là giai đoạn cấm xây dựng trong phạm vi hành lang an toàn theo Nghị định số 186/2004/NĐ-CP .

Chương V

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ PHẠM VI HÀNH LANG AN TOÀN

Điều 20. Sở Giao thông - Vận tải.

1.Hướng dẫn về việc thực hiện quản lý phạm vi hành lang an toàn đối với quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã và đường chuyên dùng.

2.Phối hợp với các tổ chức, cá nhân về các vấn đề liên quan đến quản lý phạm vi hành lang an toàn .

3.Chỉ đạo lực lượng chuyên ngành, phối hợp Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã và các ngành chức năng kiểm tra xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền theo quy định của Nhà nước.

Điều 21. Sở Xây dựng.

1. Hướng dẫn việc thực hiện cắm mốc chỉ giới xây dựng và sử dụng phạm vi hành lang công trình đường bộ trong đô thị.

2. Hướng dẫn theo thẩm quyền việc xây dựng một số công trình tại khoản 1 Điều 16 của Qui định nầy đảm bảo an toàn công trình đường bộ và an toàn giao thông.

Điều 22. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hướng dẫn việc sử dụng phạm vi hành lang an toàn ngoài đô thị để canh tác nông nghiệp đảm bảo an toàn công trình đường bộ và an toàn giao thông.

Điều 23. Sở Thương mại và Du lịch.

Lập và trình duyệt quy hoạch hệ thống trạm xăng dầu, chợ và các dịch vụ chuyên ngành khác dọc theo các công trình đường bộ và tổ chức hướng dẫn thực hiện đảm bảo an toàn công trình đường bộ và an toàn giao thông.

Điều 24. Sở Tài chính.

Chủ trì phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, các ngành liên quan xây dựng dự toán ngân sách và kế hoạch vốn quản lý phạm vi hành lang an toàn kể cả giải tỏa phạm vi hành lang an toàn trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Điều 25. Công an tỉnh.

Chỉ đạo lực lượng chuyên ngành, phối hợp Uỷ ban nhân dân huyện, thị xa và các ngành chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 26. Các tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý công trình đường bộ

(các công ty, trung tâm, đội quản lý và sửa chữa của Trung ương, tỉnh, huyện, thị xã)

1. Chủ trì, phối hợp và thực hiện lắp dựng biển báo hiệu về lộ giới, cắm cọc mốc lộ giới, các công trình đường bộ ngoài đô thị theo phân cấp quản lý, bàn giao cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn quản lý và báo cáo cấp thẩm quyền để công bố (đối với trường hợp chưa công bố).

2. Kịp thời báo cáo và đề nghị cấp thẩm quyền xử lý các trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép phạm vi hành lang (theo khoản 3 Điều 27 của Qui định nầy).

Điều 27. Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã (thực hiện và chỉ đạo Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện theo phân cấp).

1. Tổ chức bộ máy quản lý phạm vi hành lang an toàn.

2. Chủ trì, phối hợp với tổ chức, cá nhân quản lý công trình đường bộ (kể cả các công trình đường bộ qua địa bàn tỉnh do Trung ương, tỉnh, tổ chức, cá nhân khác quản lý) tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhân dân các quy định về sử dụng phạm vi hành lang an toàn.

3. Quản lý đất trong phạm vi hành lang an toàn; phát hiện (kể cả tiếp nhận đề nghị của tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý công trình đường bộ), xử lý, cưỡng chế các trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép phạm vi hành lang an toàn.

4. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và các vấn đề khác liên quan đến sử dụng phạm vi hành lang an toàn theo thẩm quyền.

5. Xác định và thống kê cụ thể phạm vi hành lang an toàn đã giải tỏa, đền bù đối với các công trình đường bộ đã, đang và sẽ xây dựng.

Chương VI

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 28. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có một trong các thành tích sau sẽ được khen thưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước :

1. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ về quản lý phạm vi hành lang an toàn.

2. Đóng góp có hiệu quả, phát hiện, tố giác, ngăn chặn hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép phạm vi hành lang an toàn.

Điều 29. Xử lý vi phạm.

Tổ chức, cá nhân tùy theo mức độ vi phạm về nhiệm vụ quản lý, hành vi vi phạm về lấn chiếm, sử dụng trái phép phạm vi hành lang an toàn đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương VII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 30. Các Sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã theo nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện, đảm bảo tính chủ động, tính phối hợp thống nhất để quản lý phạm vi hành lang an toàn có hiệu lực và đạt hiệu quả.

Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân kịp thời phản ảnh về Sở Giao thông - Vận tải, để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh có ý kiến chỉ đạo giải quyết./.

 

PHỤ LỤC 1

(Kèm theo quy định về quản lý phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ).

1. Phạm vi hành lang của đường ngoài đô thị xác định theo Nghị định số 186/2004/NĐ-CP như sau:

STT

Đường

Phạm vi hành lang tính từ mép chân nền đường trở ra 2 bên đến mốc lộ giới (m)

Ghi chú

1

Cấp I,II

20

 

2

Cấp III

15

 

3

Cấp IV, V

10

 

4

Dưới cấp V

5

 

2. Để thuận lợi trong việc thực hiện, thay vì xác định phạm vi hành lang tính từ mép chân nền đường là xác định lộ giới được tính từ tim đường trở ra hai bên.

Để ổn định lâu dài nhằm phục vụ cho việc xây dựng nhà cửa và các công trình khác ngoài phạm vi hành lang, ngoài chỉ giới xây dựng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quy định lộ giới cụ thể ở Vĩnh Long như sau:

STT

Đường

Lộ giới theo quy hoạch (m)

Khoảng cách từ tim đường trở ra đến mốc lộ giới (m)

Ghi chú

1

Quốc lộ 1A

79

39,5

 

2

Quốc lộ 53

56

28

 

3

Quốc lộ 54

47

23,5

 

4

Quốc lộ 57

48

24

 

5

Quốc lộ 80

55

27,5

 

6

Đường tỉnh cấp (IV, V)

29 ÷ 32

14,5 ÷ 16

Tùy theo độ dốc mái ta luy và khoảng cách thẳng đứng từ vai đường đến mép chân nền đường mà tổ chức, cá nhân quản lý đường cắm cọc mốc lộ giới.

7

Đường huyện cấp (IV, V)

29 ÷ 32

14,5 ÷ 16

Tùy theo độ dốc mái ta luy mà khoảng cách thẳng đứng từ vai đường đến mép chân nền đường mà tổ chức, cá nhân quản lý đường cắm cọc mốc lộ giới.

8

Đường xã dưới cấp V

15

7,5

Trong đó hành lang có chiều rộng tối thiểu một thân đường.

9

Đường tỉnh, đường huyện qua các khu công nghiệp.

Theo qui hoạch được duyệt và công bố.

 

 

10

Đường chuyên dùng

Do tổ chức, cá nhân quy định được cấp thẩm quyền phê duyệt.

 

 

 

PHỤ LỤC 2

(Kèm theo quy định về quản lý phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ).

1. Đối với cầu trên đường ngoài đô thị.

STT

Chiều dài cầu ôtô (m)

Phạm vi hành lang theo chiều dọc, tính từ đuôi mố cầu ra mỗi bên (m)

Phạm vi hành lang theo chiều ngang được tính từ phạm vi tiếp giáp với cầu, kể từ điểm ngoài cùng của kết cấu cầu trở ra mỗi phía (m)

Ghi chú

1

≥ 60

50

 

Không được nhỏ hơn đường vào cầu (đường lên dốc)

2

< 60

30

 

Không được nhỏ hơn đường vào cầu (đường lên dốc)

3

> 300

 

150

 

4

60 ÷ 300

 

100

 

5

20 ÷ < 60

 

50

 

6

< 20

 

20

 

2. Đối với cầu trên đường xã dưới cấp V, theo chiều dọc cầu về 2 phía bằng phạm vi hành lang đường xã dưới cấp V./.