Hệ thống pháp luật

BỘ THUỶ SẢN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2005/QĐ-BTS

Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN LIÊN HỢP NGHỀ CÁ VỊNH BẮC BỘ CỦA VIỆT NAM.

BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY SẢN

Căn cứ Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ký ngày 25/12/2000;
Căn cứ nghị định số 43/2003/NĐ-CP ngày 02/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thủy sản;
Căn cứ Quyết định số 407/QĐ-BTS ngày 20/4/2004 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về thành lập ủy ban Liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam;
Theo đề nghị của ông Chủ tịch Ủy ban Liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế hoạt động của Ủy ban Liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các ông Chủ tịch, ủy viên chính thức và các thành viên ủy ban liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Chi cục trưởng Chi cục khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Vịnh Bắc Bộ, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY SẢN
THỨ TRƯỞNG




Lương Lê Ph­ương

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN LIÊN HỢP NGHỀ CÁ VỊNH BẮC BỘ CỦA VIỆT NAM
(ban hành kèm theo Quyết định số 01/2005 /QĐ-BTS ngày 14/01/2005).

Chương 1:

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA ỦY BAN LIÊN HỢP NGHỀ CÁ

Điều 1. Ủy ban Liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ủy bạn Liên hợp nghề cá có chức năng và nhiệm vụ ,quy định tại Điều 13 của Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc (sau đây gọi tắt là Hiệp định Hợp tác nghề cá); Điều 5 của Nghị định thư­ bổ sung Hiệp định Hợp tác nghề cá; Điều 24, 25 của Quy định về bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản trong Vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ, cụ thể như sau:

1 . Tổ chức chỉ đạo thực hiện Hiệp định Hợp tác nghề cá

2. Tổ chức định kỳ theo thỏa thuận các kỳ họp của ủy ban Liên hợp nghề cá Việt Nam - Trung Quốc về những vấn đề liên quan đến bảo tồn và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản trong vùng nước Hiệp định, những vấn đề liên quan đến hợp tác nghề cá của hai nước và các vấn đề khác mà hai bên ký kết cùng quan tâm.

3. Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Hiệp định Hợp tác nghề cá gửi Ban chỉ đạo của Chính phủ và Lãnh đạo các Bộ liên quan;

4. Kiến nghị với Chính phủ về việc bổ sung, sửa đổi Hiệp định, Phụ lục của Hiệp định và Nghị định thư­ bổ sung của Hiệp định này và những vấn đề khác có liên quan;

5. Định kỳ xác định số lượng tầu cá của mỗi bên ký kết vào hoạt động đánh bắt trong Vùng đánh cá chung;

6. Theo dõi việc kiểm tra, kiểm soát về an ninh, quốc phòng trên các vùng nước Hiệp định;

7. Chỉ đạo việc giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động nghề cá;

8. Theo dõi việc kiểm tra, kiểm soát trên biển thực hiện theo "Đề án Bảo vệ vùng biển và kiểm tra, giám sát hoạt động nghề cá trong các vùng nước Hiệp định Vịnh Bắc Bộ" của Bộ Quốc phòng, được Chính phủ phê duyệt.

Chương 2:

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM TRONG ỦY BAN LIÊN HỢP NGHỀ CÁ

Điều 2. Các thành viên trong Ủy ban Liên hợp nghề cá có trách nhiệm cụ thể như sau:

1. Chủ tịch ủy ban Liên hợp nghề cá có trách nhiệm:

a) Tổ chức chỉ đạo hoạt động của Ủy ban Liên hợp nghề cá;

b) Là người phát ngôn trong các cuộc họp định kỳ với phía Trung Quốc;

c) Ký các công điện, văn bản trao đổi thường xuyên, định kỳ giữa Ủy ban Liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ (phía Việt Nam) với phía Trung Quốc;

d) Ký các báo cáo, công điện, văn bản hướng dẫn việc thực hiện Hiệp định Hợp tác nghề cá;

e) Thay mặt Ủy ban Liên hợp nghề cá ký công điện, văn bản trao đổi thường xuyên, định kỳ giữa ủy ban Liên hợp nghề cá hai nước;

2. Ủy viên chính thức Ủy ban Liên hợp nghề cá, đại diện Bộ Quốc phòng, có trách nhiệm:

a) Thay mặt Chủ tịch Ủy ban Liên hợp nghề cá điều hành các cuộc họp của Ủy ban (trong trường hợp Chủ tịch Ủy ban Liên hợp nghề cá vắng mặt);

b) Giúp Chủ tịch Ủy ban Liên hợp nghề cá theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên các vùng nước Hiệp định;

c) Chỉ đạo việc giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động nghề cá xảy ra trong vùng đệm cho tầu cá loại nhỏ;

d) Chỉ đạo các lực lượng kiểm tra, kiểm soát trên biển thực hiện theo "Đề án Bảo vệ vùng biển và kiểm tra, giám sát hoạt động nghề cá trong các vùng nước Hiệp định Vịnh Bắc Bộ" của Bộ Quốc phòng, được Chính phủ phê duyệt;

3. Ủy viên chính thức Ủy ban liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ, đại diện Cục Cảnh sát biển, có trách nhiệm:

a) Phối hợp với Biên phòng xử lý đối với những vi phạm và tranh chấp hoạt động nghề cá gây sự cố, thiệt hại trên biển trong phạm vi chức năng của mình.

b) Chỉ đạo việc tổng hợp tình hình của lực lượng kiểm tra, kiểm soát trên biển, xử lý thông tin theo thẩm quyển và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

4. Ủy viên chính thức Ủy ban Liên hợp nghề cá, đại diện Bộ Ngoại giao, có trách nhiệm:

- Giúp Chủ tịch Ủy ban Liên hợp nghề cá về các vấn đề liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao trong việc thực thi Hiệp định Hợp tác nghề cá.

5. Thường trực Ủy ban Liên hợp nghề cá, có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo việc tiếp nhận các nguồn thông tin: báo cáo của các địa ph­ương, Cảnh sát biển, Biên phòng, của Cơ quan thực thi, Ủy ban Liên hợp nghề cá phía Trung Quốc . . . để tập hợp tình hình, đề xuất giải quyết các công việc liên quan và có báo cáo định ký, đột xuất cho Ban chỉ đạo của Chính phủ và Lãnh đạo các Bộ;

b) Tổ chức việc trực ban 24h/24h, tiếp nhận các nguồn thông tin, các vụ việc vi phạm, bắt giữ xảy ra trên biển, để có báo cáo kịp thời trình lãnh đạo giải quyết.

c) Theo dõi, tập hợp danh sách các tầu cá của Việt Nam đăng ký hoạt động trong các Vùng nước Hiệp định, thực hiện việc cấp Giấy phép khai thác cho tầu cá Việt Nam sang phía Đông đường phân định thuộc phần biển do phía Trung Quốc quản lý.

d) Chịu trách nhiệm chuẩn bị nội dung cho các cuộc họp thường kỳ và đột xuất của Ủy ban Liên hợp nghề cá.

Chương 3:

QUÝ ĐỊNH CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC CỦA ỦY BAN LIÊN HỢP NGHỀ CÁ

Điều 3. Chế độ họp

1. Họp định kỳ:

a) Hàng tháng các Ủy viên chính thức và trưởng bộ phận thường trực của Ủy ban Liên hợp nghề cá họp một lần vào chiều thứ hai của ngày đầu tháng;

b) Mỗi quý, Ủy ban Liên hợp nghề cá sẽ họp phiên toàn thể một lần vào ngày đầu quý.

c) Thời gian họp: từ 1/2 đến 1 ngày;

- Địa điểm: Tại phòng họp của Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

- Nội dung cuộc họp:

- Nhận định, đánh giá những công việc đã làm được và chưa làm được của Ủy ban Liên hợp nghề cá trong tháng, nêu những tồn tại, nguyên nhân;

- Nhận định, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Hiệp định Hợp tác nghề cá ở các địa ph­ương, tình hình hoạt động của các tầu cá trên các vùng nước Hiệp định; tình hình kiểm tra, kiểm soát; tình hình vi phạm và xử lý vi phạm... những tồn tại, nguyên nhân và biện pháp giải quyết.

- Từng thành viên trong Ủy ban Liên hợp nghề cá báo cáo các công việc được phân công theo chức trách;

- Những vấn đề tồn tại cần nêu ra để bàn trong Ủy ban Liên hợp nghề cá;

- Bàn kế hoạch triển khai của Ủy ban Liên hợp nghề cá;

- Những vấn đề cần kiến nghị, xin ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo của Chính phủ và Lãnh đạo các Bộ.

2. Họp đột xuất:

- Trường hợp đột xuất cần xin ý kiến của các Thành viên của Ủy ban Liên hợp nghề cá, cần giải quyết các việc quan trọng. Chủ tịch Ủy ban Liên hợp nghề cá có quyền triệu tập phiên họp bất thường.

Thông báo thời gian, địa điểm, nội dung cuộc họp bằng giấy mời hoặc qua điện thoại, Fax . . .

Điều 4. Chế độ báo cáo

1. Báo cáo thường xuyên:

a) Hàng tháng sau cuộc họp của ủy ban Liên hợp nghề cá, Bộ phận thường trực của Ủy ban Liên hợp nghề cá sẽ tập hợp tình hình thực hiện Hiệp định Hợp tác nghề cá, thông tin từ các thành viên Ủy ban Liên hợp nghề cá, các nguồn thông tin khác để báo cáo Lãnh đạo các Bộ liên quan.

b) Định kỳ 3 tháng một lần có báo cáo Ban chỉ đạo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện Hiệp định Hợp tác nghề cá.

2. Báo cáo đột xuất:

- Ủy ban Liên hợp nghề cá có báo cáo đột xuất trong trường hợp có những vấn đề bức xúc ngoài khả năng giải quyết của Ủy ban Liên hợp nghề cá, cần xin chủ tr­ương, ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao.

Điều 5. Chế độ công tác

Căn cứ vào tình hình triển khai thực hiện Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc, theo đề xuất của các thành viên tham gia Ủy ban Liên hợp nghề cá, Chủ tịch Ủy ban Liên hợp nghề cá sẽ quyết định thành phần tham gia đoàn công tác với nội dung sau:

a) Kiểm tra hoạt động của các tầu cá trên biển:

b) Kiểm tra tình hình triển khai, thực hiện Hiệp định tại các địa ph­ương;

c) Khảo sát tại một số địa điểm cần thiết cho việc triển khai thực hiện Hiệp định;

- Làm việc với Ủy ban Liên hợp hoặc Cơ quan thực thi Trung Quốc để giải quyết các công việc đột xuất có liên quan.

- Kinh phí đi công tác lấy từ nguồn kinh phí được Nhà nước cấp cho việc triển khai thực hiện Hiệp định Hợp tác nghề cá.

- Chế độ công tác thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Chương 4:

KHOẢN THI HÀNH

Tổ chức thực hiện

Các thành viên trong Ủy ban Liên hợp nghề cá nghiêm chỉnh thực hiện các quy định trong bản Quy chế này./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 01/2005/QĐ-BTS về Quy chế hoạt động của ủy ban Liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Thủy sản ban hành

  • Số hiệu: 01/2005/QĐ-BTS
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/01/2005
  • Nơi ban hành: Bộ Thuỷ sản
  • Người ký: Lương Lê Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 28 đến số 29
  • Ngày hiệu lực: 12/02/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản