Hệ thống pháp luật

UBND TỈNH TIỀN GIANG
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 99/QT-SNN&PTNT

Mỹ Tho, ngày 02 tháng 02 năm 2009

 

QUY TRÌNH

KIỂM TRA VÀ CÔNG NHẬN CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH THUỶ SẢN ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

Quyết định số 117/2008/QĐ-BNN , ngày 11/12/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Quy chế kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thuỷ sản đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

II. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Phạm vi Điều chỉnh

Quy trình này quy định cụ thể trình tự, thủ tục kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thuỷ sản đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (Sau đây gọi tắt là Cơ sở); trách nhiệm và quyền hạn của các bên có liên quan.

2. Đối tượng áp dụng

a. Quy trình này áp dụng đối với:

- Tàu cá có công suất ≥ 50 CV (bao gồm cả tàu chế biến thuỷ sản chỉ phục vụ tiêu thụ nội địa);

- Cảng cá;

- Chợ cá (Chợ đầu mối thuỷ sản);

- Cơ sở sản xuất nước đá độc lập phục vụ bảo quản, chế biến thuỷ sản;

- Cơ sở thu mua sơ chế nguyên liệu thuỷ sản;

- Cơ sở lưu giữ, đóng gói thuỷ sản chỉ phục vụ tiêu thụ nội địa;

- Cơ sở chế biến thuỷ sản chỉ phục vụ tiêu thụ nội địa.

b. Quy trình này không áp dụng đối với:

- Hộ gia đình, cá nhân sản xuất thủy sản có quy mô nhỏ để sử dụng tại chỗ;

- Cơ sở bán lẻ thực phẩm thủy sản, dịch vụ ăn uống có bán thủy sản;

- Chợ bán lẻ thủy sản;

- Cơ sở sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ thủy sản nhưng không dùng làm thực phẩm.

III. CĂN CỨ ĐỂ KIỂM TRA, CÔNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

Căn cứ để kiểm tra, công nhận Cơ sở đủ Điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là các quy định, các tiêu chuẩn và quy chuẩn của Việt Nam quy định về điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

IV. QUY TRÌNH KIỂM TRA, CÔNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

1. Lập và thông báo kế hoạch kiểm tra

a. Hàng năm, Cơ quan kiểm tra, công nhận lập kế hoạch kiểm tra và thông báo bằng văn bản cho các cơ sở chưa được công nhận kèm theo hướng dẫn lập hồ sơ đăng ký kiểm tra đối với các Cơ sở thuộc diện phải kiểm tra trong phạm vi quản lý.

b. Trường hợp Cơ sở không thực hiện việc đăng ký kiểm tra theo Khoản (a), Cơ quan kiểm tra vẫn thực hiện kiểm tra theo kế hoạch đã lập.

c. Đối với các Cơ sở có đăng ký kiểm tra:

- Cơ sở phải thực hiện đầy đủ các quy định về đăng ký kiểm tra theo quy định;

- Trong thời gian 5 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan kiểm tra phải xem xét, hướng dẫn Cơ sở bổ sung những nội dung còn thiếu hoặc chưa đúng quy định;

- Nếu hồ sơ đăng ký phù hợp, trong thời gian 7 (bảy) ngày làm việc, Cơ quan kiểm tra phải thông báo cho Cơ sở khoảng thời gian sẽ tiến hành kiểm tra Cơ sở nhưng không muộn hơn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ.

d. Đối với tàu cá chưa được công nhận, Cơ quan kiểm tra phải thống nhất với chủ tàu để xác định khoảng thời gian và địa điểm kiểm tra phù hợp với Điều kiện hoạt động thực tế của tàu.

2. Đăng ký kiểm tra

a. Các Cơ sở chưa được công nhận phải lập và gửi đầy đủ hồ sơ đăng ký kiểm tra cho Cơ quan kiểm tra, công nhận theo quy định.

b. Hồ sơ đăng ký bao gồm:

- Giấy đăng ký kiểm tra theo Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quyết định 117/2008/ QĐ-BNN ngày 11/12 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Phụ lục 2a: áp dụng đối với cơ sở chế biến thủy sản; Phụ lục 2b: áp dụng đối với Cơ sở khác);

- Chương trình quản lý chất lượng theo quy định tại Bảng 3, Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quyết định 117/2008/ QĐ-BNN ngày 11/12 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;

- Thủ tục truy xuất nguồn gốc sản phẩm của Cơ sở.

c. Cơ sở gửi hồ sơ đăng ký kiểm tra trực tiếp tại Cơ quan kiểm tra, công nhận hoặc gửi theo đường bưu điện.

3. Thành lập đoàn kiểm tra

a. Thủ trưởng Cơ quan kiểm tra, công nhận ra quyết định thành lập Đoàn kiểm tra, thẩm tra (sau đây gọi chung là Đoàn kiểm tra) điều kiện đảm bảo VSATTP của Cơ sở. Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra cần nêu rõ:

- Căn cứ kiểm tra;

- Phạm vi, nội dung, hình thức và thời gian kiểm tra, thẩm tra;

- Tên, địa chỉ và mã số (nếu có) của Cơ sở được kiểm tra, thẩm tra;

- Họ tên, chức danh của trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn;

- Trách nhiệm của Cơ sở và Đoàn kiểm tra.

b. Kiểm tra viên (bao gồm cả Trưởng đoàn kiểm tra) là cán bộ đã được đào tạo nghiệp vụ kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP thủy sản, có năng lực thực hiện việc kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP trong lĩnh vực thủy sản.

c. Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra được thông báo tại Cơ sở khi bắt đầu kiểm tra.

4. Nội dung, phương pháp kiểm tra

a. Nội dung kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP của Cơ sở bao gồm:

- Điều kiện đảm bảo VSATTP về nhà xưởng, trang thiết bị;

- Chương trình quản lý chất lượng;

- Thủ tục truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

b. Phương pháp kiểm tra, các hạng mục cần kiểm tra và mức độ đánh giá đối với từng loại hình Cơ sở, hình thức kiểm tra được thực hiện theo tài liệu hướng dẫn do Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản xây dựng và ban hành.

5. Biên bản kiểm tra:

a. Biên bản kiểm tra:

- Thể hiện đầy đủ, chính xác kết quả kiểm tra, được ghi theo mẫu do Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản xây dựng và ban hành, được làm tại Cơ sở ngay sau khi kết thúc kiểm tra;

- Ghi rõ các hạng mục không đảm bảo VSATTP và thời hạn khắc phục các sai lỗi;

- Nêu kết luận chung về điều kiện đảm bảo VSATTP và mức xếp loại Cơ sở theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 13 Quyết định 117/2008/ QĐ-BNN ngày 11/12 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;

- Có ý kiến của người đại diện có thẩm quyền của Cơ sở về kết quả kiểm tra, cam kết khắc phục các sai lỗi;

- Có chữ ký của Trưởng Đoàn kiểm tra, chữ ký của người đại diện có thẩm quyền của Cơ sở và đóng dấu của Cơ sở (nếu có);

- Được lập thành 2 (hai) bản: 1 (một) bản lưu tại Cơ quan kiểm tra, công nhận, 1 (một) bản lưu tại Cơ sở, trường hợp cần thiết có thể tăng thêm số bản.

b. Nếu đại diện Cơ sở không đồng ý ký tên vào Biên bản kiểm tra thì Đoàn kiểm tra phải ghi rõ là: “Đại diện Cơ sở được kiểm tra không ký biên bản và nêu rõ lý do đại diện cơ sở không ký”. Biên bản này vẫn có giá trị pháp lý khi có đầy đủ chữ ký của tất cả các thành viên trong Đoàn kiểm tra.

6. Tần suất kiểm tra định kỳ

a. Tần suất kiểm tra định kỳ áp dụng đối với các Cơ sở được quy định như sau:

- Cơ sở sản xuất sản phẩm thủy sản nguy cơ cao: 6 (sáu) tháng 1 (một) lần;

- Các Cơ sở còn lại: 1 (một) năm 1 (một) lần.

b. Thời điểm kiểm tra định kỳ được tính từ lần kiểm tra gần nhất, được thực hiện vào ngày bất kỳ trong tháng cuối cùng của kỳ hạn kiểm tra và không báo trước về ngày kiểm tra cơ sở. Đối với tàu cá, chủ tàu có thể đề nghị Cơ quan kiểm tra, công nhận tại địa phương quản lý cảng cá nơi tàu neo đậu thực hiện kiểm tra định kỳ.

c. Cơ sở xin hoãn kiểm tra định kỳ phải có văn bản đề nghị, trong đó nêu rõ lý do xin hoãn kiểm tra. Cơ quan kiểm tra, công nhận phải có văn bản trả lời, trong đó nêu rõ biện pháp kiểm soát được áp dụng đối với Cơ sở tùy theo lý do xin hoãn kiểm tra của Cơ sở, các biện pháp được áp dụng có thể là:

- Kiểm tra tăng cường sản phẩm xuất xưởng của Cơ sở;

- Tạm dừng kiểm tra, chứng nhận chất lượng sản phẩm đưa ra thị trường tiêu thụ;

- Đình chỉ hiệu lực công nhận Cơ sở đủ điều kiện đảm bảo VSATTP.

7. Trình tự, thủ tục công nhận

a. Các Cơ sở đáp ứng các yêu cầu quy định tại Khoản 3, Điều 13 Quyết định 117/2008/ QĐ-BNN ngày 11/12 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày kiểm tra, Cơ quan kiểm tra, công nhận phải ban hành quyết định công nhận Cơ sở đủ điều kiện đảm bảo VSATTP, cấp mã số và Giấy chứng nhận cho Cơ sở.

Mẫu Giấy chứng nhận theo Phụ lục 3 ban hành kèm theo Quyết định 117/2008/ QĐ-BNN ngày 11/12 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

b. Các trường hợp chưa đủ điều kiện công nhận

- Trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày kiểm tra, Cơ quan kiểm tra, công nhận phải ra thông báo cơ sở chưa đủ điều kiện đảm bảo VSATTP. Thông báo được gửi cho Cơ sở được kiểm tra, Cơ quan kiểm tra chứng nhận chất lượng sản phẩm và Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Cơ sở.

- Nội dung thông báo cơ sở chưa đủ điều kiện đảm bảo VSATTP bao gồm các thông tin sau:

1) Tên và mã số (nếu có) của Cơ sở;

2) Lý do Cơ sở chưa đủ điều kiện đảm bảo VSATTP;

3) Các sai lỗi cần khắc phục và thời hạn hoàn thành;

4) Hình thức quản lý được áp dụng đối với Cơ sở:

c. Các hình thức quản lý được áp dụng với Cơ sở chưa đủ điều kiện công nhận:

- Đối với Cơ sở xếp loại C (Cơ sở xếp loại A, B, C, D theo quy định tại Khoản 2, Điều 13 Quyết định 117/2008/ QĐ-BNN ngày 11/12 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn):

1) Cơ quan kiểm tra, công nhận kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP của Cơ sở với tần suất 1 (một) tháng 1 (một) lần;

2) Sản phẩm xuất xưởng của Cơ sở phải được áp dụng chế độ kiểm tra tăng cường theo quy định trong Quy chế kiểm tra và chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm hàng hóa thủy sản;

3) Sau ba lần kiểm tra liên tiếp, nếu Cơ sở không được xếp loại A hoặc B thì áp dụng như Cơ sở xếp loại D;

- Đối với Cơ sở xếp loại D:

1) Cơ quan kiểm tra, công nhận gửi văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền đình chỉ có thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Cơ sở cho đến khi Cơ sở được kiểm tra và công nhận đủ điều kiện đảm bảo VSATTP;

2) Sản phẩm sản xuất của Cơ sở trước thời gian bị đình chỉ phải được áp dụng chế độ kiểm tra tăng cường theo quy định trong Quy chế kiểm tra và chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm hàng hóa thủy sản;

3) Đình chỉ hiệu lực công nhận đối với Cơ sở đã được công nhận đủ điều kiện đảm bảo VSATTP.

- Đối với Cơ sở xếp loại Không đạt theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 13 Quyết định 117/2008/ QĐ-BNN ngày 11/12 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:

1) Cơ sở lưu giữ, đóng gói, sản xuất thủy sản chỉ phục vụ tiêu thụ nội địa: Áp dụng các quy định như với cơ sở xếp loại D;

2) Cảng cá, chợ cá: Cơ quan kiểm tra, công nhận gửi văn bản đề nghị cơ quan chủ quản tiến hành việc cải tạo, nâng cấp điều kiện đảm bảo VSATTP; đồng thời thông báo chế độ kiểm soát nghiêm ngặt các sản phẩm được bốc dỡ, bày bán tại các cơ sở này.

3) Tàu cá; Cơ sở thu mua, sơ chế nguyên liệu thủy sản; Cơ sở sản xuất nước đá có phục vụ cho chế biến, bảo quản thủy sản: Áp dụng quy định tại khoản (1) và khoản (3) đối với Cơ sở xếp loại D.

8. Đình chỉ có hiệu lực

a. Quyết định công nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo VSATTP sẽ bị xem xét đình chỉ hiệu lực trong các trường hợp sau:

1) Kết quả kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP đã kết luận cơ sở không đủ điều kiện đảm bảo VSATTP (loại D);

2) Có 3 lần kết quả kiểm tra xếp loại C liên tiếp.

3) Cơ sở từ chối kiểm tra theo quy định trong Quy chế này;

4) Cơ sở đề nghị hoãn kiểm tra 2 (hai) lần liên tiếp;

5) Cơ sở vi phạm quy định về kiểm soát tạp chất;

6) Cơ sở vi phạm quy định về sử dụng mã số công nhận, vi phạm nghiêm trọng về ghi nhãn;

7) Cơ sở vi phạm quy định về sử dụng hóa chất phụ gia;

8) Cơ sở vi phạm nghiêm trọng quy định về kiểm soát, sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm;

9) Cơ sở vi phạm các quy định theo kết quả các chương trình kiểm tra, kiểm soát, giám sát quốc gia về chất lượng, VSATTP thủy sản có liên quan;

b. Đối với các Cơ sở nêu trên (mục a), Cơ quan kiểm tra, công nhận ra quyết định đình chỉ hiệu lực công nhận Cơ sở đủ điều kiện đảm bảo VSATTP và tạm thời đình chỉ việc sử dụng mã số công nhận được cấp. Quyết định đình chỉ hiệu lực công nhận được gửi cho Cơ sở bị đình chỉ hiệu lực công nhận, Cơ quan kiểm tra chứng nhận chất lượng sản phẩm, Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Cơ sở và lưu hồ sơ của Cơ quan kiểm tra, công nhận.

c. Nội dung quyết định đình chỉ hiệu lực công nhận bao gồm:

1) Tên và mã số của Cơ sở bị đình chỉ hiệu lực công nhận;

2) Lý do đình chỉ hiệu lực công nhận;

3) Các vi phạm cần khắc phục và thời hạn hoàn thành.

d. Các Cơ sở chưa đủ điều kiện công nhận nêu tại mục 7 và các Cơ sở bị đình chỉ hiệu lực công nhận nêu tại mục này (mục 8): sau khi hoàn thành việc khắc phục sai lỗi hoặc vi phạm phải làm thủ tục đăng ký với Cơ quan kiểm tra, công nhận theo quy định tại mục 2 Quy trình này để được kiểm tra, công nhận.

9. Gia hạn giấy chứng nhận

- Việc gia hạn Giấy chứng nhận được thực hiện như sau:

a) Đối với tàu cá: ngay khi kết thúc kiểm tra định kỳ, Trưởng Đoàn kiểm tra hoặc kiểm tra viên khi thực hiện kiểm tra độc lập ký gia hạn theo quy định;

b) Đối với các Cơ sở khác: Trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc sau khi kiểm tra định kỳ, Cơ quan kiểm tra, công nhận phải gia hạn theo đúng tần suất quy định.

- Đối với tàu cá được Cơ quan kiểm tra, công nhận khác nơi đăng ký ban đầu thực hiện việc kiểm tra định kỳ, gia hạn: trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc sau khi kiểm tra, Cơ quan kiểm tra, công nhận thực hiện việc kiểm tra, gia hạn phải thông báo kết quả cho Cơ quan kiểm tra, công nhận của tỉnh/thành phố đã cấp chứng nhận đăng kiểm tàu cá.

10. Cấp lại Giấy chứng nhận

- Việc cấp lại Giấy chứng nhận được thực hiện như sau:

a) Khi Giấy chứng nhận hết ô gia hạn, Giấy chứng nhận bị mất, Giấy chứng nhận bị hư hỏng hoặc khi Cơ sở có thay đổi hay bổ sung thông tin có liên quan, Cơ sở phải có văn bản đề nghị Cơ quan kiểm tra, công nhận cấp lại Giấy chứng nhận.

b) Đối với tàu cá đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng sau đó thay đổi chủ sở hữu hoặc chuyển vùng và Giấy chứng nhận vẫn còn thời hạn hiệu lực, chủ tàu gửi Giấy chứng nhận cũ đến Cơ quan kiểm tra, công nhận tại địa phương nơi tàu cá hoạt động để đề nghị kiểm tra và cấp lại Giấy chứng nhận.

- Trong thời gian 5 (năm) ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận của Cơ sở, Cơ quan kiểm tra, công nhận phải cấp lại Giấy chứng nhận cho Cơ sở

V. PHÍ VÀ LỆ PHÍ

Việc thu lệ phí cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo VSATTP của Cơ sở được thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính và các văn bản pháp luật có liên quan;

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Quy trình này được áp dụng thực hiện từ ngày 01/02/2009 thay thế Quy trình số 1641/QT-SNN&PTNT ngày 01 tháng 12 năm 2008 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về kiểm tra cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cơ sở thu mua sơ chế nguyên liệu thuỷ sản; tàu cá có công suất lớn hơn 90 CV; cảng cá và chợ cá.

Riêng đối với tàu cá có công suất máy chính từ 50 CV đến dưới 90 CV: áp dụng từ ngày 01/01/2012;

Khuyến khích các tàu cá có công suất máy chính từ 50 CV đến dưới 90 CV áp dụng Quy chế này sớm hơn thời hạn đã quy định.

2. Trong quá trình thực hiện Phòng Quản lý chất lượng Nông, Lâm và Thuỷ sản sẽ tập hợp các ý kiến đề xuất của tổ chức, cá nhân về những vướng mắc, phát sinh mới, trình Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Giám đốc Sở NN&PTNT;
- UBND các huyện, thị xã Gò Công, TP Mỹ Tho;
- Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện,
 Phòng Kinh tế TP Mỹ tho, thị xã Gò Công
 (để thông báo cho các cơ sở SXKD TS);
- Lưu: VP, QLCL NL, TS (02 bộ).

GIÁM ĐỐC

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quy trình 99/QT-SNN&PTNT kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thuỷ sản đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang ban hành

  • Số hiệu: 99/QT-SNN&PTNT
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 02/02/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản