Hệ thống pháp luật

BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********

Số: 2535/QLKH

Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 1996

 

QUY ĐỊNH

CỦA BỘ KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG SỐ 2535/QLKH NGÀY 06 THÁNG 11 NĂM 1996 VỀ CƠ CHẾ QUẢN LÝ CÁC CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP NHÀ NƯỚC VỀ KHOA HỌC XÃ HỘI - NHÂN VĂN GIAI ĐOẠN 1996 - 2000

Thông báo số 01-TB/TW ngày 26-7-1996 của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã nêu ý kiến của Thường vụ Bộ chính trị về phướng hướng nghiên cứu khoa học xã hội giai đoạn 1996 - 2000 và 7 Chương trình nghiên cứu khoa học được tiến hành. Ngày 30-9-1996 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 716/TTg phê duyệt phương hướng nghiên cứu và danh mục các Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về khoa học xã hội - nhân văn giai đoạn 5 năm 1996 - 2000. Các văn bản trên cũng đã quy định trách nhiệm của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong chỉ đạo triển khai thực hiện các Chương trình.

Hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn là một bộ phận trong các hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ. Do vậy việc triển khai tổ chức hoạt động các chương trình khoa học xã hội - nhân văn cũng được thực hiện theo những quy định trong Thông tư số 2155/KH ngày 21-9-1996 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn cơ chế quản lý các Chương trình khoa học - công nghệ cấp Nhà nước giai đoạn 1996 - 2000. Ngoài những điềm theo quy định chung, các hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn phải bảo đảm phục vụ trực tiếp cho các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, do vậy có một số quy định thêm về cơ chế quản lý các chương trình khoa học xã hội - nhân văn như sau:

1- Việc xây dựng và xét duyệt chương trình, Đề tài được tiến hành qua các bước:

- Thường vụ Bộ chính trị chỉ đạo về phương hướng mục tiêu, nội dung nghiên cứu của các Chương trình. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt danh mục các Chương trình để triển khai thực hiện.

- Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng Ban khoa giáo Trung ương phối hợp với các cơ quan có liên quan, dự kiến các Ban chỉ đạo Chương trình, chỉ đạo việc chuẩn bị Thuyết minh tổng quát của Chương trình, danh mục các Đề tài và mục tiêu nội dung nghiên cứu của Đề tài, dự kiến cơ quan chủ trì và Chủ nhiệm Đề tài, để trình Thường vụ Bộ chính trị xem xét.

- Thường vụ Bộ chính trị cho ý kiến cử Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình, duyệt thuyết minh tổng quát của Chương trình, cho ý kiến về danh mục Đề Tài và mục tiêu nội dung nghiên cứu.

- Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ra quyết định thành lập các Ban Chỉ đạo Chương trình, thông báo danh mục Đề tài được Thường vụ Bộ Chính trị duyệt cho các cơ quan để chuẩn bị đăng ký tham gia nghiên cứu. Các cơ quan và tập thể nhà khoa học làm Đề cương thuyết minh Đề tài theo mẫu do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành, gửi đăng ký xin chủ trì hoặc tham gia về Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

- Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng Ban Khoa giáo Trung ương thành lập các Hội đồng Khoa học để xét duyệt các Đề cương thuyết minh Đề tài. Trường hợp một Đề tài có từ 2 nơi trở lên xin đăng ký chủ trì, Hội đồng sẽ xét duyệt và cho điểm về từng bản Đề cương của từng nơi. Kết quả đánh giá của các Hội đồng Khoa học được báo cáo Thường vụ Bộ chính trị để cho ý kiến.

- Căn cứ vào ý kiến của Thường vụ Bộ Chính trị, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ra quyết định cử Chủ nhiệm Đề tài và cơ quan chủ trì Đề tài.

2- Việc tổ chức đánh giá nghiệm thu kết quả nghiên cứu được tiến hành qua các bước:

- Sau khi Đề tài được nghiệm thu nội bộ, Chủ nhiệm Đề tài và cơ quan chủ trì phải gửi các báo cáo tổng kết Đề tài cho Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Ban Khoa giáo Trung ương để xem xét và báo cáo Thường vụ Bộ Chính trị.

- Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng Ban Khoa giáo Trung ương làm văn bản nhận xét về hoạt động và kết quả của Đề tài, dự kiến danh sách Hội đồng Khoa học đánh giá nghiệm thu đề tài, trình Thường vụ Bộ Chính trị cho ý kiến.

- Trên cơ sở đó, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ra quyết định thành lập Hội đồng Khoa học đánh giá nghiệm thu kết quả nghiên cứu của Đề tài.

- Đối với việc nghiệm thu Chương trình, danh sách Hội đồng nghiệm thu do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Ban Khoa giáo Trung ương trao đổi chuẩn bị và báo cáo Thường vụ Bộ Chính trị cho ý kiến. Sau đó Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ra quyết định thành lập Hội đồng và tổ chức công việc nghiệm thu.

3- Việc công bố các kết quả nghiên cứu phải theo các nguyên tắc sau đây:

- Chỉ sau khi kết quả nghiên cứu của Đề tài đã được đánh giá nghiệm thu chính thức ở Hội đồng Khoa học, không có vướng mắc gì về quan điểm chính trị tư tưởng, Đề tài mới được cho in và phổ biến rộng rãi kết quả nghiên cứu đó. Việc xuất bản thực hiện theo các quy định của Luật xuất bản.

- Trường hợp Đề tài chưa được đánh giá nghiệm thu chính thức, nếu các tác giả gửi đăng các bài viết là sản phẩm trung gian của Đề tài thì tác giả đứng tên chịu trách nhiệm về nội dung bài viết; nếu in thành sách nghiên cứu phải in ngay trên bìa sách dòng chữ "Tài liệu nội bộ phục vụ nghiên cứu của Đề tài".

Các việc khác thực hiện theo như Thông tư số 2155 đã quy định.

 

Chu Tuấn Nhạ

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quy định số 2535/QLKH về cơ chế quản lý các chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về khoa học xã hội- nhân văn giai đoạn 1996-2000 do Bộ khoa học Công nghệ và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 2535/QLKH
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 06/11/1996
  • Nơi ban hành: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
  • Người ký: Chu Tuấn Nhạ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản