Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 553/UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 02 năm 1986

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC TỔ CHỨC HUY ĐỘNG KIỀU HỐI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Căn cứ chỉ thị của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về công tác huy động kiều hối số 33/CT-UB ngày 17 tháng 7 năm 1985, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố quy định việc tổ chức huy động kiều hối như sau:

1. Về nguyên tắc chung :

a) Thống nhất quy định 1 đầu mối huy động trên toàn địa bàn thành phố ; đầu mới này là Tổng công ty xuất nhập khẩu thành phố.

Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố về việc tổ chức huy động kiều hối theo đúng chủ trương chánh sách đã ban hành. Ban Việt kiều thành phố và Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương thành phố có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Tổng Công ty xuất nhập khẩu để thực hiện tốt nhiệm vụ này.

b) Công ty xuất khẩu tại chỗ (viết tắt là EXIMS) là cơ quan được Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố giao trách nhiệm thực hiện việc huy động kiều hối ; EXIMS hoạt động theo quy chế do Tổng Công ty xuất nhập khẩu quy định.

c) Các ngành sản xuất và kinh doanh, các quận, huyện của thành phố đã hoặc sẽ được thành phố cho phép vận động thân nhân trong nước gởi kiều hối phục vụ sản xuất của đơn vị và địa phương sẽ thực hiện công tác này theo sự quản lý, điều hành, kiểm tra của Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố thông qua Công ty EXIMS.

2. Về quan hệ giao dịch đối ngoại :

a) Ban Việt kiều thành phố được giao trách nhiệm lập danh sách các đại lý được ủy thác thu gom kiều hối ở từng khu vực nước ngoài đúng theo chủ trương của Ban Việt kiều trung ương và của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thông qua việc hợp tác với các Công ty Việt kiều, các nhân sĩ Việt kiều hoặc các Công ty kinh doanh xuất nhập khẩu khác để vận động rộng rãi bà con Việt kiều hưởng ứng mạnh mẽ việc gởi kiều hối về nước ; cần thống nhất với Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương và Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố (Công ty EXIMS) trong việc truyền đạt địa chỉ của các đại lý đến các đồng chí có trách nhiệm của quận, huyện và đơn vị của thành phố được phép vận động thân nhân trong nước gởi tiền qua các đại lý đó.

b) Công ty EXIMS là đơn vị được Tổng Công ty xuất nhập khẩu ủy nhiệm sẽ tiến hành thương lượng ký kết hợp đồng với các đại lý (được phép nhận như đã nói ở điểm a trên) về các mặt nghiệp vụ cụ thể gồm việc gom và chuyển tiền về tài khoản của Công ty EXIMS mở tại Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương thành phố Hồ Chí Minh, thông báo danh sách người gởi, số tiền gởi và danh sách, địa chỉ người thụ hưởng tại thành phố và khi vực, chi phí cần thiết cho đại lý…

- Tổng Công ty xuất nhập khẩu chỉ đạo và kiểm tra Công ty EXIMS trong quan hệ giao dịch đối ngoại nêu trên.

3. Về tỷ giá chi trả kiều hối :

- Kiều hối được chi trả ở mức hợp lý căn cứ vào mức quy định của cấp trên, có xem xét và vận dụng phù hợp với hoàn cảnh thực tế tại thành phố trên cơ sở xác định tỷ giá bình quân của hàng xuất khẩu huy động được của Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố vào thời kỳ chi trả. Mức chi trả này sẽ được xác định lại hàng quý để trình Thường trực Ủy ban nhân dân xem xét quyết định.

- Kiều hối được huy động để gởi vật tư, nguyên liệu, máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất và xây dựng cần áp dụng tỷ giá có mức khuyến khích phù hợp.

- Trước mắt cho phép thực hiện mức chi trả (có cả thưởng) không quá 50đồng/1 đôla Mỹ, áp dụng từ ngày ký văn bản này.

- Cấm các cơ quan đơn vị chi trả kiều hối quá mức quy định trên. Tất cả các hình thức ngụy trang độn hàng quà tặng, bán hàng giá hạ để ngâm nâng tỷ giá đều là bất hợp pháp.

4. Về quyền sử dụng ngoại tệ, kiều hối:

a) Việc sử dụng ngoại tệ kiều hối huy động được sau khi đã trừ đi vốn ngoại tệ bỏ ra để tạo quỹ hàng hóa huy động tiền mặt đồng Việt Nam và các lệ phí bằng ngoại tệ (ngoại tệ thực thu) được phân chia thành 2 phần như sau:

- Một phần dành cho quận, huyện và cơ sở trực thuộc để phục vụ trực tiếp cho sản xuất xây dựng. Tỷ lệ lần đầu được sử dụng 50% sau 1 quý thực hiện Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố xem xét điều chỉnh lại trên cơ sở bảo đảm lợi ích của quận huyện cơ sở, của thành phố và của đơn vị được giao làm kiều hối là EXIMS (để đơn vị này không bị lỗ).

- Một phần (50%) dành cho thành phố nộp vào tài khoản 9946 của Ủy ban nhân dân thành phố để chi dùng chung cho thành phố.

b) Các quận huyện cơ sở được hưởng phần ngoại tệ theo quy định nêu trên phải hoàn trả cho Công ty xuất khẩu tại chỗ (EXIMS) số tiền đồng Việt Nam bằng tiền mặt theo tỷ giá đã chi trả.

c) Việc Quận Huyện cơ sở sử dụng phần ngoại tệ được phân chia phục vụ cho sản xuất kinh doanh dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân quận, huyện và Thủ trưởng đơn vị và thực hiện phải thông qua Tổng Công ty xuất nhập khẩu.

5. Đối với các đơn vị đã và đang huy động kiều hối :

a) Các đơn vị cấp thành phố đã được phép huy động kiểu hối vật tư mang tính chất đặc thù là Công ty vật tư y tế, Công ty Dịch vụ Việt kiều được tiếp tục hoạt động theo những quy định chung và có sự hướng dẫn của Tổng Công ty xuất nhập khẩu (Công ty EXIMS), Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương và có sự phối hợp với Ban Việt kiều thành phố.

b) Các đơn vị, cơ sở khác đã được phép huy động kiều hối từng chuyến, từng thương vụ nay muốn tiếp tục hoạt động phải được phép của Ủy ban nhân dân thành phố và theo hướng dẫn chỉ đạo của Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố (EXIMS). Nếu các đơn vị này được nhất trí cho tiếp tục huy động từng thương vụ thì cũng phải chấp hành các quy định về giao dịch đối nội, đối ngoại nêu trên.

c) Kể từ nay các cơ quan, đơn vị, cơ sở không được phép tự động giao dịch huy động kiều hối, tự ý đặt tỷ giá thanh toán, tự ý nhập hàng kiều hối.

6. Phương thức hoạt động :

a) Các biện pháp quản lý và thanh toán kiều hối phải đảm báo thống nhất, giải quyết nhanh, kịp thời, chống mọi biểu hiện tiêu cực, tranh chấp trong thực hiện chánh sách kiều hối. Tất cả các đơn vị cấp thành phố và quận huyện được phép tham gia công tác kiều hối phải chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật tỷ giá chi trả; phải có thái độ nhã nhặn, không được ép buộc, quyên góp thân nhân Việt kiều.

b) Ban Việt kiều thành phố phổ biến chủ trương trên đây để vận động Việt kiều gởi tiền về cho kiều quyến, góp vốn hoặc đầu tư với thành phố, gởi máy móc và nguyên liệu cho sản xuất.

c) Các quận huyện (Công ty cung ứng xuất khẩu) trực tiếp vận động kiều quyến tại địa bàn của mình, khuyến khích Việt kiều gời tiền, vốn (không hạn chế) máy móc và nguyên liệu lẻ cho địa phương. Việc vận động góp vốn lớn đầu tư về thành phố sẽ có quy định riêng.

d) Các nguồn ngoại tệ kiều hối gởi thẳng về Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương thành phố để chi trả cho kiều quyến. Công ty EXIMS bàn bạc với Ngân hàng Ngoại thương thành phố để chi trả Ngân hàng Ngoại thương chuyển số kim ngạch ấy vào tài khoản EXIMS.

đ) Các Việt kiều, khi về công tác hoặc thăm gia đình, có thể mua hàng để tiêu dùng với định lượng hợp lý tại cửa hàng Intershop (đã được Ủy ban nhân dân thành phố cho phép bán thu ngoại tệ của EXIMS) và Công ty du lịch thành phố bằng ngoại tệ đã khai báo với Hải quan. Việt kiều lợi dụng việc mua hàng hóa tại các cửa hàng Intershop để bán ra ngoài cho tư thương là hành vi bất hợp pháp. Ngoài các cửa hàng nêu trên, cấm tất cả các cơ quan đơn vị khác mở cửa hàng bán thu ngoại tệ trên địa bàn thành phố.

e) Các hàng hóa, máy móc, nguyên liệu mà Việt kiều gời về cho kiều quyến, cho quận, huyện, ngành, sở trực thuộc thành phố hoặc các cơ quan đóng tại thành phố sẽ chịu thuế nhập khẩu theo chánh sách thuế của Nhà nước đã ban hành. Đề nghị Hải quan thành phố xem xét việc tính lại thuế trên tinh thần khuyến khích để Việt kiều gởi về nhiều hơn.

g) Các Việt kiều muốn gởi về cho thân nhân ngoại tệ, hàng hóa, nguyên liệu vật tư để góp vốn với thành phố phải do cơ quan tiếp nhận trình Ủy ban nhân dân thành phố phương án sử dụng, đồng thời xin ý kiến chỉ đạo về các điều kiện sử dung và tỷ giá thanh toán thích hợp.

h) Các ngành chức năng liên quan cần phối hợp chặt chẽ tăng cường quản lý nguồn kiều hối để tận thu một cách có tổ chức phục vụ cho lợi ích chung của thành phố, đồng thời phải truy lùng và trừng trị thích đáng bọn đầu cơ buôn lậu lũng đoạn kiều hối, phá rối thị trường.

Các văn bản của Ủy ban nhân dân thành phố về kiều hối đã ban hành có nội dung trái với các quy định này được hủy bỏ. Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố căn cứ quy định này có kế hoạch triển khai cụ thể. Trường hợp các đơn vị gặp khó khăn vướng mắc cần thông báo ngay cho cơ quan chủ quản và Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố giải quyết. Các vấn đề tồn tại mắc mứu chưa giải quyết được Tổng Công ty xuất nhập khẩu báo cáo thường trực Ủy ban nhân dân thành phố để có ý kiến chỉ đạo.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Võ Danh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quy định 553/UB về tổ chức huy động kiều hối trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 553/UB
  • Loại văn bản: Quy định
  • Ngày ban hành: 15/02/1986
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Võ Danh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/02/1986
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản