Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CHÍNH TRỊ
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 16-QĐ/TW

Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 1996

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA ĐẢNG BỘ, CHI BỘ TRONG CÁC DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN, CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN, CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ NHÂN (GỌI TẮT LÀ DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN)

- Căn cứ Điều lệ Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương (khoá VII),

- Căn cứ Hiến pháp và pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam,

- Căn cứ đặc điểm của các doanh nghiệp tư nhân,

Bộ Chính trị quy định chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ trong các doanh nghiệp tư nhân như sau:

I- Chức năng

Điều 1:

Đảng bộ, chi bộ trong các doanh nghiệp tư nhân là hạt nhân chính trị lãnh đạo thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước ở doanh nghiệp, bảo đảm lợi ích hợp pháp của các bên trong doanh nghiệp.

II- Nhiệm vụ

Điều 2: Nhiệm vụ chính trị.

Lãnh đạo người lao động trong doanh nghiệp thực hiện và tuyên truyền vận động, giám sát chủ doanh nghiệp thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, hợp đồng và thoả ước lao động đã ký kết, phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả, bảo đảm lợi ích của người lao động, của chủ doanh nghiệp và của Nhà nước theo pháp luật; đấu tranh khắc phục những biểu hiện vi phạm pháp luật trong sản xuất kinh doanh, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp, lợi ích và nhân phẩm người lao động.

Lãnh đạo người lao động và tuyên truyền vận động chủ doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhiệm vụ quốc phòng, các mặt công tác xã hội trong doanh nghiệp và ở địa phương.

Điều 3: Công tác tư tưởng.

Tuyên truyền giáo dục đảng viên, những người lao động và các thành viên trong doanh nghiệp hiểu và chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm của công dân vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh; xây dựng tinh thần lao động và ý thức kỷ luật; xây dựng tình đoàn kết, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau trong lao động, học tập, trong cuộc sống; từng bước nâng cao giác ngộ giai cấp và lý tưởng xã hội chủ nghĩa của người lao động.

Điều 4: Lãnh đạo các đoàn thể.

Lãnh đạo xây dựng tổ chức và hoạt động của công đoàn và các đoàn thể khác theo đúng pháp luật và điều lệ của mỗi đoàn thể. Lãnh đạo các đoàn thể phối hợp hoạt động tập hợp, đoàn kết quần chúng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm của người lao động; giám sát việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các hợp đồng, thoả ước lao động ...; ngăn ngừa và khắc phục có hiệu quả các biểu hiện phân hoá, chia rẽ trong cộng đồng người lao động; lãnh đạo quần chúng và tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý đúng đắn các vụ tranh chấp trong doanh nghiệp.

Điều 5: Công tác tổ chức và cán bộ.

Xây dựng cấp uỷ và đội ngũ cán bộ đảng, đoàn thể có đủ phẩm chất, năng lực và hoạt động có hiệu quả, được đảng viên và quần chúng tín nhiệm.

Chủ động hoặc đề xuất với cấp trên xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đảng và đoàn thể trong doanh nghiệp.

Tham gia ý kiến với chủ doanh nghiệp trong việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ quản lý, lao động kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ trong doanh nghiệp.

Điều 6: Xây dựng tổ chức đảng.

Xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh; quản lý, phân công và kiểm tra đảng viên thực hiện các nhiệm vụ được giao, chấp hành điều lệ, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước, học tập nâng cao trình độ các mặt, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân và công tác xã hội ở địa phương.

Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình, bảo đảm nền nếp và chất lượng sinh hoạt chi bộ, cấp uỷ; giữ gìn sự đoàn kết thống nhất nội bộ; thực hiện đúng các quy định về bảo vệ chính trị nội bộ; đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, làm thiệt hại đến lợi ích và nhân phẩm người lao động, lợi ích của doanh nghiệp và của Nhà nước.

Thường xuyên làm tốt công tác phát triển Đảng, bảo đảm tiểu chuẩn, chất lượng.

III- Quan hệ giữa cấp uỷ, chi bộ với chủ doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan

Điều 7:

Cấp uỷ, chi bộ xây dựng và thực hiện mối quan hệ với chủ doanh nghiệp, vì mục tiêu chung là phát triển doanh nghiệp, bảo đảm lợi ích hợp đồng của người lao động, chủ doanh nghiệp và của Nhà nước, đấu tranh với những việc làm trái pháp luật.

Cấp uỷ chủ động bàn bạc với chủ doanh nghiệp tư nhân tổ chức những cuộc sinh hoạt định kỳ giữa chi uỷ, ban chấp hành các đoàn thể và giám đốc doanh nghiệp để thông báo cho nhau về tình hình sản xuất kinh doanh, thực hiện các thoả ước, hợp đồng lao động trong doanh nghiệp và tâm tư nguyện vọng của những người lao động và bàn biện pháp phối hợp giải quyết.

Điều 8:

Đảng bộ, chi bộ trong doanh nghiệp chịu sự lãnh đạo, hướng dẫn, kiểm tra của cấp uỷ cấp trên trực tiếp (hoặc tổ chức đảng được cấp uỷ đó uỷ quyền) về mọi mặt; xây dựng mối quan hệ với cơ quan quản lý cấp trên, với cấp uỷ và chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp đóng và nơi đảng viên cư trú để phối hợp công tác.

IV- Điều khoản thi hành

Điều 9:

Các tỉnh, thành uỷ, quận, huyện, thị uỷ và tổ chức đảng cấp trên trực tiếp của đảng bộ, chi bộ ở các doanh nghiệp tư nhân có trách nhiệm lãnh đạo, cụ thể hoá và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định này.

Cấp uỷ, chi bộ trong doanh nghiệp tư nhân căn cứ vào quy định này xây dựng quy chế hoạt động cụ thể, sát hợp với đặc điểm của doanh nghiệp để thực hiện.

Qua thực tế hoạt động, các tỉnh, thành uỷ và tổ chức đảng có liên quan kịp thời rút kinh nghiệm và báo cáo Bộ Chính trị (qua Ban Tổ chức Trung ương).

 

 

T/M BỘ CHÍNH TRỊ




Lê Khả Phiêu