Hệ thống pháp luật

BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG ĐẢNG
-----

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
-------

Số: 15/QĐ-TW

Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 2006

 

QUY ĐỊNH

VỀ ĐẢNG VIÊN LÀM KINH TẾ TƯ NHÂN
(TẠI HỘI NGHỊ LẦN THỨ BA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ X)

Căn cứ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng;
Căn cứ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X quy định đảng viên làm kinh tế tư nhân như sau:

Điều 1: Những quy định chung

1- Quy định này áp dụng đối với mọi đảng viên làm kinh tế tư nhân, đảng viên có liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân (sau đây gọi chung là doanh nghiệp).

2- Đảng viên làm kinh tế tư nhân phải trực tiếp tham gia lao động (lao động quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh; lao động kỹ thuật hoặc lao động chân tay); có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm; phải gương mẫu và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, Điều lệ Đảng và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Điều 2: Đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân ngoài việc thực hiện các quy định tại Điều 1 còn phải tuân theo các quy định sau đây

1- Đối với người lao động trong doanh nghiệp:

a) Trả lương, phân phối lợi nhuận trên cơ sở kết quả lao động và mức vốn đóng góp của người lao động theo đúng quy định của pháp luật.

b) Thực hiện đúng hợp đồng lao động, thoả ước lao động đã ký kết; bảo đảm đầy đủ quyền, lợi ích của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm và các quyền, lợi ích hợp pháp khác; đối xử thân ái, tôn trọng người lao động.

c) Dành ưu tiên cho người lao động trong doanh nghiệp được mua cổ phần khi doanh nghiệp tiến hành cổ phần hoá.

2- Đối với Nhà nước và xã hội:

a) Tự giác chấp hành mọi nghĩa vụ đối với Nhà nước; thực hiện một cách trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật việc kê khai thuế, nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác, chế độ kế toán, thống kê và các chế độ, chính sách khác của Nhà nước; gương mẫu thực hiện chính sách cổ phần hoá doanh nghiệp.

b) Trên cơ sở nâng cao hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa.

3- Đối với tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp:

a) Chủ động, tích cực thực hiện công tác phát triển đảng viên và thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên và tổ chức đảng hoạt động theo quy định của Điều lệ Đảng và tổ chức đảng cấp trên.

b) Phối hợp với cấp uỷ, tổ chức đảng trong doanh nghiệp xây dựng quy chế hoạt động; tham gia ý kiến với cấp uỷ trong việc đề ra chủ trương, biện pháp xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp thực sự là hạt nhân chính trị của doanh nghiệp, lãnh đạo quần chúng chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghĩa vụ của người lao động.

c) Tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn thể chính trị - xã hội trong doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo đúng pháp luật và điều lệ.

Điều 3: Đảng viên đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam; cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước (trừ những người được cử làm đại diện theo uỷ quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác) được làm và không được làm những việc sau đây:

1- Không được thành lập, tham gia thành lập hoặc quản lý doanh nghiệp, bệnh viện tư, trường học tư, tổ chức nghiên cứu khoa học tư.

2- Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

3- Không được làm tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, dịch vụ và tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về các công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc mình tham gia giải quyết.

4- Không được mượn danh nghĩa người khác để sản xuất, kinh doanh; không được để vợ, chồng, con lợi dụng chức vụ, quyền hạn và uy tín của mình để làm kinh tế tư nhân.

5- Được góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, mua cổ phần của công ty cổ phần, mua cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường chứng khoán, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều này.

Điều 4: Trách nhiệm của cấp uỷ và tổ chức đảng các cấp

1- Cấp uỷ và tổ chức đảng cơ sở nơi đảng viên làm kinh tế tư nhân có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ đảng viên làm tròn nhiệm vụ của người đảng viên và chấp hành nghiêm chỉnh quy định này.

2- Cấp uỷ cấp trên trực tiếp của cơ sở có trách nhiệm theo dõi, nắm tình hình, chỉ đạo việc xây dựng, củng cố tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân:

- Những doanh nghiệp chưa có đủ đảng viên để thành lập chi bộ thì bố trí đảng viên trong doanh nghiệp đó sinh hoạt trong một tổ chức đảng phù hợp; chú trọng công tác bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên để khi có đủ điều kiện thì thành lập tổ chức đảng. Những doanh nghiệp tư nhân có đủ điều kiện lập chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở thì đặt trực thuộc cấp uỷ cấp trên theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.

- Phân công cấp uỷ viên trực tiếp chỉ đạo hoạt động của các tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân, quan tâm bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Đảng.

- Định kỳ hằng năm hoặc khi cần, đại diện cấp uỷ, cơ quan quản lý nhà nước tổ chức gặp mặt đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn để nghe phản ánh tình hình và những đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp; kịp thời chỉ đạo giải quyết những vướng mắc của cơ sở.

- Định kỳ hằng năm, cấp uỷ báo cáo tình hình hoạt động của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân với cấp uỷ cấp trên trực tiếp.

Điều 5: Điều khoản thi hành

1- Cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện quy định này.

2- Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, định kỳ sơ kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện quy định.

3- Quy định này được phổ biến đến tất cả các tổ chức đảng và đảng viên và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành.

Đảng viên nào vi phạm thì xử lý theo Điều lệ Đảng và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cấp uỷ, tổ chức đảng cần kịp thời báo cáo những vấn đề còn vướng mắc để Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định.

 

 

TM. BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
TỔNG BÍ THƯ




Nông Đức Mạnh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quy định 15/QĐ-TW năm 2006 về việc đảng viên làm kinh tế tư nhân do Ban Chấp hành trung ương Đảng ban hành

  • Số hiệu: 15/QĐ-TW
  • Loại văn bản: Quy định
  • Ngày ban hành: 28/08/2006
  • Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
  • Người ký: Nông Đức Mạnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản