Hệ thống pháp luật

QUY ĐỊNH

QUY ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG (EC) SỐ 1005/2008 NGÀY 29 THÁNG 9 NĂM 2008 THIẾT LẬP MỘT HỆ THỐNG TRONG CỘNG ĐỒNG NHẰM PHÒNG NGỪA, NGĂN CHẶN VÀ XÓA BỎ CÁC HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC THỦY SẢN BẤT HỢP PHÁP, KHÔNG BÁO CÁO VÀ KHÔNG THEO QUY ĐỊNH, SỬA ĐỔI QUY ĐỊNH (EEC) SỐ 2847/93, (EC) 1936/2001 VÀ (EC) SỐ 601/2004, BÃI BỎ QUY ĐỊNH (EC) SỐ 1093/94 VÀ (EC) SỐ 1447/1999

HỘI ĐỒNG LIÊN MINH CHÂU ÂU

Theo Hiệp định thiết lập khối Cộng đồng Châu Âu, cụ thể theo Điều 37 của Hiệp định,
Theo đề xuất của Ủy ban,
Theo ý kiến của Nghị viện Châu Âu ,
Theo ý kiến của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Âu ,
Sau khi tham vấn Ban các Khu vực,

Xét thấy:

(1) Cộng đồng là một bên tham gia ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật Biển ngày 10 tháng 12 năm 1982 (Unclos), phê chuẩn Hiệp định của LHQ ngày 4/08/1995 về Triển khai Áp dụng các Điều khoản trong Công ước LHQ về Luật Biển ngày 10/12/1982 liên quan đến Bảo tồn và Quản lý các Đàn cá Chung và các Đàn cá Di cư xa (Hiệp định LHQ về các Đàn cá), chấp thuận Hiệp định Tăng cường Tuân thủ các Biện pháp Bảo tồn và Quản lý Quốc tế áp dụng cho tàu thuyền đánh bắt xa bờ ngày 24/11/1993 của Tổ chức Nông nghiệp và Lương Thực LHQ (Hiệp định Tuân thủ FAO). Những quy định nêu trên đặt ra nguyên tắc các Quốc gia có trách nhiệm áp dụng những biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo quản lý bền vững nguồn lợi biển và hợp tác với nhau để đạt tới mục tiêu đó.

(2) Mục tiêu của chính sách thủy sản chung, như nêu tại Quy định của Cộng đồng (EC) số 2371/2002 ngày 20/12/2002 về bảo tồn và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản theo chính sách thủy sản chung , là bảo đảm khai thác nguồn tài nguyên sinh vật, mang lại các điều kiện kinh tế, môi trường và xã hội bền vững.

(3) Hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất tới việc khai thác bền vững nguồn tài nguyên sinh vật và phá hủy cơ sở của chính sách thủy sản chung và các nỗ lực quốc tế nhằm quản lý đại dương tốt hơn. Hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định còn là mối đe dọa chính đối với đa dạng sinh học biển cần được giải quyết với những mục tiêu đề ra trong Thông tin từ Ủy ban – Chấm dứt việc mất đa dạng sinh học đến năm 2010 – và xa hơn nữa.

(4) FAO thông qua một kế hoạch hành động quốc tế năm 2001 nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định mà Cộng đồng đã thông qua. Ngoài ra, các tổ chức quản lý nghề cá khu vực, với sự hỗ trợ của Cộng đồng, đã xây dựng nhiều biện pháp được thiết kế để đối phó với hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

(5) Phù hợp với các cam kết quốc tế và xét đến mức độ, tính cấp thiết của vấn đề, Cộng đồng nên tăng cường hành động chống lại hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và thông qua các biện pháp quy định mới nhằm xử lý mọi mặt của hiện tượng này.

(6) Hành động của Cộng đồng trước hết nên nhằm vào hành vi được định nghĩa là hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định gây tác hại nghiêm trọng cho môi trường biển, tính bền vững của các đàn cá và tình hình kinh tế-xã hội của ngư dân là đối tượng của các nguyên tắc bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản.

(7) Theo định nghĩa hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, phạm vi điều chỉnh của Quy định này phải được mở rộng tới hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ và trong vùng biển thuộc quyền tài phán và chủ quyền của các quốc gia ven biển, bao gồm các vùng biển thuộc quyền tài phán và chủ quyền của các quốc gia thành viên.

(8) Nhằm giải quyết triệt để khía cạnh bên trong hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, vấn đề quan trọng là Cộng đồng thông qua các biện pháp cần thiết nhằm tăng cường tuân thủ các nguyên tắc của chính sách thủy sản chung. Trong khi chờ đợi sửa đổi Quy định của Hội đồng (EEC) số 2847/93 ngày 12/10/1993 về thiết lập một hệ thống kiểm soát áp dụng cho chính sách thủy sản chung , các điều khoản hướng tới mục đích này cần được đưa vào Quy định.

(9) Các nguyên tắc của Cộng đồng, cụ thể là Mục II trong Quy định (EEC) số 2847/93 về một hệ thống toàn diện được thiết kế nhằm giám sát tính hợp pháp của hoạt động khai thác do tàu đánh bắt của Cộng đồng tiến hành. Hệ thống hiện tại được áp dụng với các sản phẩm thủy sản do tàu của nước thứ ba đánh bắt và nhập khẩu vào Cộng đồng không đảm bảo được mức độ kiểm soát tương đương. Đỉểm yếu này là động cơ khiến các đối tượng bên ngoài Cộng đồng thực hiện hành vi khai thác trái phép, không báo cáo và không theo quy định để bán sản phẩm đánh bắt được vào Cộng đồng, tăng thu lợi nhuận. Là thị trường thủy sản và nguồn nhập khẩu thủy sản lớn nhất trên thế giói, Cộng đồng có trách nhiệm cụ thể đảm bảo rằng sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Cộng đồng không xuất phát từ hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Do vậy, một cơ chế mới sẽ được áp dụng để đảm bảo có sự kiểm soát thích đáng dây chuyền cung cấp sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Cộng đồng.

(10) Nguyên tắc của Cộng đồng về tàu khai thác thủy sản treo cờ của nước thứ ba cập cảng Cộng đồng cần được tăng cường nhằm đảm bảo kiểm soát tính hợp pháp của sản phẩm thủy sản do tàu đánh bắt treo cờ của nước thứ ba đánh bắt được. Điều này ám chỉ rằng tàu đánh bắt treo cờ của nước thứ ba chỉ được cập cảng Cộng đồng nếu có thể cung cấp thông tin chính xác về tính hợp pháp của sản phẩm thủy sản đánh bắt và thông tin này được chứng thực bởi quốc gia tàu treo cờ.

(11) Hoạt động chuyển tải trên biển nhằm trốn tránh sự kiểm soát của quốc gia ven biển hoặc quốc gia treo cờ là cách thức các đối tượng khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định che giấu tính chất bất hợp pháp của hàng thủy sản đánh bắt được. Do vậy, Cộng đồng chỉ cho phép hoạt động chuyển tải được thực hiện trong phạm vi cảng biển được chỉ định của các quốc gia thành viên, chuyển tải giữa các tàu của Cộng đồng trong cảng của các quốc gia thứ ba, hoặc chuyển tải bên ngoài vùng nước của Cộng đồng giữa các tàu đánh bắt của Cộng đồng và tàu đánh bắt đã đăng ký là tàu vận chuyển dưới sự bảo trợ của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực.

(12) Việc đặt ra các điều kiện, quy trình và tần suất các quốc gia thành viên tiến hành hoạt động kiểm tra, thanh tra và thẩm tra trên cơ sở quản lý rủi ro là điều phù hợp.

(13) Cần nghiêm cấm hoạt động mua bán các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ hành vi đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Để cấm có hiệu quả và đảm bảo mọi sản phẩm thủy sản nhập vào hay xuất ra từ Cộng đồng được khai thác tuân theo các biện pháp quản lý và bảo tồn quốc tế, và nếu phù hợp, tuân theo các nguyên tắc liên quan đối với tàu thuyền đánh bắt, sẽ tiến hành áp dụng cơ chế giấy chứng nhận cho mọi hoạt động mua bán sản phẩm thủy sản được thực hiện với Cộng đồng.

(14) Cộng đồng nên xem xét khó khăn về năng lực của các nước đang phát triển khi triển khai áp dụng cơ chế giấy chứng nhận.

(15) Theo cơ chế này, điều kiện tiên quyết để nhập sản phẩm thủy sản vào Cộng đồng là cần phải có giấy chứng nhận. Giấy chứng nhận đó thể hiện thông tin về tính hợp pháp của sản phẩm liên quan. Giấy chứng nhận được quốc gia tàu treo cờ chứng thực về tàu đánh bắt sản phẩm thủy sản liên quan, phù hợp với trách nhiệm của quốc gia theo luật pháp quốc tế để đảm bảo rằng tàu đánh bắt treo cờ của quốc gia đó tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về quản lý và bảo tồn nguồn lợi thủy sản.

(16) Điều cần thiết là cơ chế giấy chứng nhận này được áp dụng đối với tất cả sản phẩm hải sản nhập vào hay xuất ra từ Cộng đồng. Cơ chế này cũng nên được áp dụng đối với các sản phẩm thủy sản được vận chuyển hay chế biến tại một quốc gia không phải quốc gia tàu treo cờ trước khi vào lãnh thổ Cộng đồng. Do vậy, nên áp dụng yêu cầu cụ thể với những sản phẩm đó để đảm bảo rằng sản phẩm vào lãnh thổ của Cộng đồng không có sự khác biệt với các sản phẩm đã được quốc gia tàu treo cờ chứng thực tính hợp pháp.

(17) Điều quan trọng là cần đảm bảo mức độ kiểm soát tương đương đối với mọi sản phẩm thủy sản nhập khẩu mà không gây ảnh hưởng tới khối lượng hay tần suất hoạt động thương mại, bằng cách áp dụng những quy trình cụ thể để trao quy chế đối tác kinh tế được chấp thuận.

(18) Việc xuất khẩu sản phẩm đánh bắt của các tàu đánh bắt thủy sản treo cờ của quốc gia thành viên cũng phải có giấy chứng nhận theo khung hợp tác với các nước thứ ba.

(19) Sản phẩm dự định được nhập khẩu vào quốc gia thành viên nào thì quốc gia đó phải kiểm tra tính xác thực của giấy chứng nhận khai thác thủy sản đi kèm với lô hàng và có quyền từ chối nhập khẩu nếu thấy những điều kiện đặt ra trong Quy định này liên quan tới giấy chứng nhận khai thác thủy sản không được đáp ứng.

(20) Quan trọng là các hoạt động kiểm tra, thanh tra và thẩm tra sản phẩm thủy sản quá cảnh hay chuyển tải được thực hiện trước tiên bởi quốc gia thành viên là nơi hàng đến nhằm nâng cao tính hiệu quả.

(21) Nhằm hỗ trợ cơ quan giám sát của các nước thành viên trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát tính hợp pháp của sản phẩm thủy sản mua bán với Cộng đồng, cũng như cảnh báo các đối tác kinh doanh trong Cộng đồng, một hệ thống cảnh báo của Cộng đồng cần được xây dựng, thiết kế để đưa thông tin tới nơi phù hợp về mọi nghi ngờ có cơ sở vững chắc liên quan đến sự tuân thủ của quốc gia thứ ba với các nguyên tắc bảo tồn và quản lý được áp dụng.

(22) Cộng đồng cần thông qua những biện pháp không khuyến khích tàu đánh bắt thực hiện hành vi đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định mà quốc gia tàu treo cờ không tiến hành những hoạt động phù hợp đối với các hành vi khai thác đó.

(23) Để làm được điều trên, Cộng đồng cần phối hợp với các nước thành viên, Cơ quan Kiểm soát Thủy sản của Cộng đồng, các nước thứ ba và cơ quan chức năng khác tiến hành xác định những tàu đánh bắt có nghi ngờ thực hiện hành vi đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, trên cơ sở quản lý rủi ro, Cộng đồng cần tìm kiếm thông tin do quốc gia tàu treo cờ cung cấp về độ chính xác của những điều phát hiện.

(24) Nhằm hỗ trợ công tác thẩm tra tàu đánh bắt được dự đoán có hành vi đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, và ngăn chặn việc tái diễn các hành vi xâm phạm, tàu đánh bắt đó phải được các quốc gia thành viên kiểm soát và điều tra.

(25) Dựa trên thông tin thu thập được, nếu có có sở cho thấy tàu đánh bắt treo cờ của một quốc gia thứ ba đã thực hiện hành vi đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định mà quốc gia tàu treo cờ có liên quan không thực hiện các biện pháp hiệu quả đối với những hành vi khai thác đó, Cộng đồng sẽ đưa tàu vào danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Cộng đồng.

(26) Dựa trên thông tin thu thập được, nếu có cơ sở cho rằng tàu đánh bắt của Cộng đồng đã thực hiện những hành vi đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định mà quốc gia tàu treo cờ đã không thực hiện các biện pháp hiệu quả theo Quy định này và theo Quy định (EEC) số 2847/93 đối với những hành vi đó, Cộng đồng sẽ đưa các tàu đánh bắt đó vào danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Cộng đồng.

(27) Nhằm ứng phó việc quốc gia tàu treo cờ không thực hiện biện pháp hiệu quả đối với tàu nằm trong danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Cộng đồng, và hạn chế việc tái diễn những hành vi khai thác đó, các quốc gia thành viên cần áp dụng biện pháp phù hợp đối với tàu.

(28) Để đảm bảo quyền của tàu nằm trong danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Cộng đồng và quyền lợi của quốc gia tàu treo cờ, quy trình đưa vào danh sách này của Cộng đồng, cần tạo cơ hội cho quốc gia tàu treo cờ cung cấp thông tin cho Cộng đồng về những biện pháp đã được thực thi, và ở đâu có thể, cho phép chủ tàu và bên vận hành tàu cơ hội được có tiếng nói ở mỗi khâu trong quy trình, cho phép đưa tàu ra khỏi danh sách khi tiêu chí đưa tàu vào danh sách không còn.

(29) Nhằm tạo cơ chế duy nhất trong Cộng đồng và tránh việc sinh ra nhiều danh sách các tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, các tàu đánh bắt được đưa vào danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của cơ quan quản lý thủy sản khu vực sẽ tự động được đưa vào danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tương ứng của Cộng đồng.

(30) Việc một số quốc gia không làm tròn bổn phận của mình theo luật pháp quốc tế với tư cách là quốc gia tàu treo cờ, quốc gia có cảng, quốc gia ven biển hay quốc gia là thị trường tiêu thụ, không áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo sự tuân thủ của các tàu và công dân đánh bắt thủy sản của quốc gia mình đối với các nguyên tắc bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản là một trong những động cơ chính dẫn đến hành vi đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và việc đó cần bị Cộng đồng xử lý.

(31) Để tiến tới mục đích trên, ngoài việc thực hiện hành động ở cấp quốc gia, Cộng đồng cần được quyền xác định những quốc gia bất hợp tác, dựa trên tiêu chí minh bạch, rõ ràng, mục tiêu theo chuẩn mực quốc tế, và sau khi cho các quốc gia đó đủ thời gian phúc đáp thông báo đầu tiên, sẽ áp dụng các biện pháp không phân biệt đối xử, hợp pháp và phù hợp với những quốc gia đó, bao gồm cả các biện pháp thương mại.

(32) Cộng đồng có thể thông qua các biện pháp thương mại đối với những quốc gia khác. Do việc lập danh sách các quốc gia bất hợp tác nên bao gồm các biện pháp đối phó mang tính thương mại với những quốc gia liên quan, Cộng đồng bảo lưu quyền trực tiếp thực thi quyền hạn của mình trong trường hợp cụ thể này.

(33) Điều cốt yếu là phải ngăn chặn có hiệu quả việc công dân các quốc gia thành viên tham gia hay hỗ trợ hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định bởi các tàu đánh bắt treo cờ của nước thứ ba xảy ra bên ngoài Cộng đồng mà không ảnh hưởng tới trách nhiệm trước tiên của quốc gia tàu treo cờ. Các quốc gia thành viên, do vậy, cần thực thi những biện pháp cần thiết và hợp tác với nhau, với các nước thứ ba nhằm xác định công dân nước mình đã thực hiện hành vi đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, đảm bảo rằng những công dân đó bị xử phạt, tiến hành thẩm tra các hoạt động dính líu với tàu đánh bắt của nước thứ ba bên ngoài Cộng đồng.

(34) Việc liên tiếp xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng đối với nguyên tắc của chính sách thủy sản chung trong vùng nước của Cộng đồng hoặc vi phạm do các đối tác trong Cộng đồng phần lớn là do các hình thức xử phạt quy định trong luật pháp của các nước thành viên áp dụng đối với việc vi phạm những nguyên tắc trên vẫn chưa mang tính ngăn chặn. Điểm yếu này cộng với việc có nhiều mức độ xử phạt khác nhau giữa các nước thành viên đã khuyến khích các đối tượng bất hợp pháp hoạt động trong vùng biển hay lãnh hải của quốc gia thành viên áp dụng mức độ xử phạt thấp nhất. Để giải quyết điểm yếu này và tiếp tục phát triển trên cơ sở điều khoản đặt ra trong Quy định (EC) số 2371/2002 và (EEC) số 2847/93 liên quan tới vấn đề này, cần áng lượng mức xử phạt hành chính cao nhất trong Cộng đồng đối với những vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của chính sách thủy sản chung, có tính tới giá trị các sản phẩm thủy sản đánh bắt được nhờ thực hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng đó, tính lặp lại của hành vi và giá trị tổn hại nguồn lợi thủy sản, môi trường biển liên quan, đồng thời cần dự kiến các biện pháp thực thi trước mắt và biện pháp bổ sung.

(35) Ngoài những hành vi vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc khai thác thủy sản, việc thực hiện các hoạt động thương mại trực tiếp liên quan đến hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định bao gồm việc mua bán và nhập khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ hành vi đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, làm giả giấy tờ cũng được coi là những vi phạm nghiêm trọng, đòi hỏi phải áp dụng mức xử phạt hành chính cao nhất đã được hài hòa hóa giữa các quốc gia thành viên.

(36) Việc xử phạt hành vi vi phạm Quy định này cũng áp dụng đối với các thực thể pháp lý bởi những hành vi đó được thực hiện phần lớn vì quyền lợi hay lợi ích của nững thực thể pháp lý đó.

(37) Điều khoản về giám sát tàu đánh bắt ngoài khơi được các cơ quan quản lý thủy sản khu vực thông qua cần được thực thi một cách hài hòa trong Cộng đồng.

(38) Cần có sự hợp tác giữa các nước thành viên, Ủy ban và các nước thứ ba để đảm bảo rằng hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định bị điều tra, xử phạt thích đáng, và các biện pháp đưa ra trong Quy định này có thể được áp dụng. Cơ chế hỗ trợ lẫn nhau cần được xây dựng để tăng cường sự hợp tác đó.

(39) Theo nguyên tắc cân xứng, để đạt mục tiêu cơ bản là xóa bỏ các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, cần xây dựng nguyên tắc về các biện pháp đưa ra trong Quy định này. Quy định này không vượt quá phạm vi cần thiết nhằm đạt các mục tiêu được theo đuổi, theo khoản 3, Điều 50 của Hiệp ước.

(40) Các biện pháp cần thiết để thực hiện Quy định này cần được thông qua theo Quyết định của Hội đồng số 1999/468/EC ngày 28/06/1999 quy định quy trình thực hiện các quyền năng của Ủy ban .

(41) Quy định này xác định hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là sự vi phạm luật áp dụng, vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc hay quy định vì những hoạt động đó làm tổn hại nghiêm trọng đến việc đạt mục tiêu của những nguyên tắc bị vi phạm, phá hủy tính bền vững của đàn thủy sản liên quan hay việc bảo vệ môi trường biển. Với phạm vi hạn chế, việc thực hiện Quy định này cần dựa trên cơ sở và bổ sung cho việc thực hiện Quy định (EEC) số 2847/93 thiết lập khung kiểm soát và giám sát các hoạt động đánh bắt trong khuôn khổ chính sách thủy sản chung. Theo đó, Quy định này tăng cường các nguyên tắc trong Quy định (EEC) số 2847/93 về kiểm tra tàu đánh cá của nước thứ ba tại cảng, hiện tại đã bị hủy bỏ và được thay thế bởi cơ chế kiểm tra tại cảng được xây dựng tại Chương II của Quy định này. Ngoài ra, Quy định này tạo cơ chế xử lý trong Chương I áp dụng cụ thể cho các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Các điều khoản của Quy định (EEC) số 2847/93 về xử lý vi phạm vì vậy vẫn có thể được áp dụng đối với những hành vi vi phạm các nguyên tắc của chính sách thủy sản chung mà không áp dụng đối với những hành vi vi phạm các nguyên tắc trong Quy định này.

(42) Việc bảo vệ các cá nhân liên quan đến xử lý thông tin cá nhân được quy định tại Quy định (EC) số 45/2001 của Nghị viện Châu Âu và của Hội đồng ngày 18/12/2000 về bảo vệ các cá nhân liên quan đến việc xử lý số liệu cá nhân được thực hiện bởi các thể chế và cơ quan của Cộng đồng và việc tự do truyền chuyển những dữ liệu đó hoàn toàn có thể được áp dụng đối với hoạt động xử lý số liệu cá nhân cho mục đích của Quy định này, đặc biệt là quyền truy cập, đính chính, chặn và xóa dữ liệu và thông báo cho bên thứ ba. Do vậy, những nội dung đó không theo quy định cụ thể tại Quy định này.

(43) Việc thực thi các điều khoản trong Quy định này về những vấn đề nêu trong Quy định của Hội đồng (EEC) số 2847/93, (EC) số 1093/94 , (EC) số 1447/1992 , (EC) số 1936/2001 và (EC) số 601/2004 sẽ dẫn tới việc hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ các Quy định đó.

NAY THÔNG QUA QUY ĐỊNH SAU:

Chương I

CÁC ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

1. Quy định này thiết lập một hệ thống của Cộng đồng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

2. Với mục đích nêu trong khoản 1, mỗi quốc gia thành viên sẽ tiến hành những biện pháp phù hợp, theo luật của Cộng đồng, nhằm đảm bảo tính hiệu quả của hệ thống đó. Hệ thống cho phép các cơ quan thẩm quyền có đủ phương tiện thực hiện nhiệm vụ nêu ra trong Quy định này.

3. Hệ thống nêu trong khoản 1 sẽ được áp dụng đối với mọi hành vi đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và mọi hoạt động liên quan trong lãnh thổ của các nước thành viên là đối tượng điều chỉnh của Hiệp ước, trong vùng nước của Cộng đồng, trong vùng biển thuộc quyền tài phán hay chủ quyền của các nước thứ ba và ở ngoài khơi xa. Các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định diễn ra trong vùng biển thuộc lãnh hải của nước khác và trong địa phận quốc gia khác như đề cập trong Phụ lục II của Hiệp ước được xem là diễn ra trong vùng biển của các nước thứ ba.

Điều 2. Định nghĩa

Vì mục đích của Quy định này:

1. “Bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định” hay “các hành vi đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định” có nghĩa là hoạt động đánh bắt thủy sản được thực hiện một cách bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định;

2. “Đánh bắt thủy sản bất hợp pháp” có nghĩa là hoạt động đánh bắt thủy sản:

(a) được thực hiện bởi các tàu đánh bắt trong và ngoài nước trong vùng biển thuộc quyền tài phán của một quốc gia mà không được phép hoặc trái với luật pháp, quy định của quốc gia đó;

(b) được thực hiện bởi các tàu đánh bắt treo cờ của quốc gia đã ký thỏa ước với một tổ chức quản lý nghề cá khu vực nhưng hoạt động trái với các biện pháp bảo tồn và quản lý của tổ chức có tính chất ràng buộc đối với quốc gia tàu treo cờ, hoặc trái với các điều khoản trong luật quốc tế được áp dụng; hoặc

(c) được thực hiện bởi các tàu đánh bắt vi phạm luật quốc gia hay các nghĩa vụ quốc tế, bao gồm cả luật và nghĩa vụ quốc tế của các quốc gia hợp tác với một tổ chức quản lý nghề cá khu vực liên quan;

3. “Hoạt động đánh bắt không báo cáo” có nghĩa là:

(a) Không được báo cáo hay chưa được báo cáo cho cơ quan thẩm quyền có liên quan của quốc gia, trái với luật pháp và quy định của quốc gia, hoặc

(b) Được thực hiện trong khu vực thuộc thẩm quyền của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực liên quan, không được báo cáo hay báo cáo không đầy đủ, trái với quy trình thủ tục báo cáo của tổ chức đó;

4. “Hoạt động đánh bắt không theo quy định” có nghĩa là hoạt động đánh bắt:

(a) được thực hiện trong khu vực hoạt động của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực liên quan bởi các tàu đánh bắt không quốc tịch, tàu đánh bắt treo cờ của quốc gia không thuộc tổ chức, hay bởi bất kỳ một thực thể đánh bắt nào khác theo cách thức không nhất quán hay trái với các biện pháp bảo tồn và quản lý của tổ chức đó, hoặc

(b) được thực hiện bởi các tàu đánh bắt trong khu vực hay đánh bắt các bầy cá không phải là đối tượng áp dụng của các biện pháp bảo tồn hay quản lý liên quan theo cách thức không nhất quán với trách nhiệm của quốc gia về bảo tồn nguồn sinh vật biển trong luật pháp quốc tế;

5. “Tàu đánh bắt” là bất kỳ loại tàu có kích cỡ nào được sử dụng hay dự kiến được sử dụng với mục đích khai thác nguồn lợi thủy sản với tính chất thương mại, bao gồm: tàu hỗ trợ, tàu chế biến thủy sản, tàu tham gia chuyển tải và tàu chuyên chở được trang bị để chở các sản phẩm thủy sản, ngoại trừ tàu hàng công-ten-nơ;

6. “Tàu đánh bắt của Cộng đồng” là tàu đánh bắt treo cờ của một quốc gia thành viên và đã được đăng ký với Cộng đồng;

7. “Cho phép đánh bắt” là cho phép thực hiện hoạt động đánh bắt trong một thời gian nhất định, trong khu vực nhất định, đối với loài thủy sản nhất định.

8. “Sản phẩm thủy sản” là bất cứ loại sản phẩm nào được quy định trong Chương 3 và dòng thuế quan 1604, 1605 trong Danh mục Tổng hợp được xây dựng với Quy định của Hội đồng (EEC) số 2658/87 ngày 23/07/1987 về thuế quan, danh mục thống kê và Thuế Hải quan Chung, ngoại trừ các sản phẩm liệt kê trong Phụ lục 1 của Quy định.

9. “Các biện pháp bảo tồn và quản lý” là các biện pháp bảo tồn và quản lý một hoặc nhiều nguồn tài nguyên sinh vật được thông qua và thực hiện theo nguyên tắc quốc tế liên quan và/hoặc Luật pháp của Cộng đồng;

10. “Chuyển tải” có nghĩa là bốc toàn bộ hay một phần hàng thủy sản từ một tàu đánh bắt này sang một tàu đánh bắt khác;

11. “Nhập khẩu” có nghĩa là đưa sản phẩm thủy sản vào lãnh thổ của Cộng đồng, bao gồm cả hoạt động vì mục đích chuyển tải tại cảng trong lãnh thổ Cộng đồng;

12. “Nhập gián tiếp” có nghĩa là nhập từ lãnh thổ của một nước thứ ba không phải quốc gia tàu treo cờ có trách nhiệm với việc đánh bắt.

13. “Xuất khẩu” chỉ hoạt động hàng thủy sản do tàu đánh bắt treo cờ của một quốc gia thành viên được chuyển đến một nước thứ ba, bao gồm cả hoạt động chuyển hàng từ lãnh thổ của Cộng đồng, từ các nước thứ ba hoặc từ ngư trường.

14. “Tái xuất” chỉ hoạt động hàng thủy sản trước đó được nhập khẩu vào lãnh thổ Cộng đồng được đưa ra khỏi Cộng đồng.

15. “Tổ chức quản lý nghề cá khu vực” là tổ chức tiểu khu vực, khu vực hay tương đương có thẩm quyền được luật pháp quốc tế công nhận nhằm xây dựng các biện pháp bảo tồn và quản lý nguồn tài nguyên sinh vật thuộc phạm vi trách nhiệm của mình theo công ước hay hiệp định thành lập nên tổ chức đó.

16. “Bên ký kết” là bên tham gia công ước hay hiệp định quốc tế thành lập nên tổ chức quản lý nghề cá khu vực, cũng như các Quốc gia, thực thể đánh bắt, hoặc bất kỳ thực thể nào khác hợp tác với một tổ chức như vậy đã được trao quy chế bên hợp tác không tham gia ký kết với tổ chức đó.

17. “Giám sát” là hoạt động thị sát của cơ quan có thẩm quyền của một nước thành viên chịu trách nhiệm kiểm tra vùng biển hoặc của thuyền trưởng tàu đánh bắt của Cộng đồng hoặc tàu đánh bắt của nước thứ ba phù hợp với một hoặc một số tiêu chí quy định trong Điều 3 (khoản 1).

18. “Hoạt động đánh bắt chung” chỉ bất kỳ hoạt động nào giữa hai hoặc nhiều hơn hai tàu đánh bắt trong đó, sản phẩm thủy sản đánh bắt được chuyển từ công cụ đánh bắt của tàu này sang tàu kia hoặc trong đó kỹ thuật được các tàu đánh bắt áp dụng đòi hỏi sử dụng chung một công cụ đánh bắt;

19. “Cá nhân pháp lý” là bất kỳ thực thể pháp lý nào được trao quy chế đó theo luật quốc gia áp dụng, với ngoại lệ là các quốc gia hay cơ quan công quyền thực hiện quyền năng Nhà nước và các tổ chức công chúng;

20. “Rủi ro” là khả năng một sự kiện có thể xảy ra liên quan đến sản phẩm thủy sản được nhập khẩu vào hay xuất khẩu ra lãnh thổ Cộng đồng, gây hệ quả không thực thi đúng Quy định này và các biện pháp quản lý và bảo tồn;

21. “Quản lý rủi ro” là việc xác định một cách có hệ thống các yếu tố rủi ro và triển khai biện pháp cần thiết nhằm hạn chế nguy cơ rủi ro, bao gồm các hoạt động: thu thập số liệu và thông tin, phân tích, đánh giá rủi ro, mô tả và thực hiện hành động, giám sát định kỳ, rà soát quy trình và kết quả trên cơ sở tài liệu và chiến lược của quốc tế, Cộng đồng và quốc gia;

22. “Biển khơi” chỉ tất cả mọi vùng biển được quy định trong Điều 86 Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật Biển;

23. “Lô hàng” chỉ hàng hóa được chuyển cùng thời điểm từ bên xuất cho bên nhận hoặc được ghi cùng trong một vận đơn vận chuyển từ bên xuất tới bên nhận.

Điều 3. Tàu đánh bắt thực hiện hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định

1. Một tàu đánh bắt được xem là thực hiện hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định nếu thấy rằng, trái với các biện pháp bảo tồn và quản lý áp dụng đối với khu vực đánh bắt liên quan, tàu đã:

(a) đánh bắt mà không có giấy phép hợp lệ, không được quốc gia tàu treo cờ hay quốc gia ven biển có liên quan cấp phép hay cho phép; hoặc

(b) không hoàn thành nghĩa vụ lưu và báo cáo dữ liệu liên quan, bao gồm dữ liệu được truyền bởi hệ thống giám sát tàu qua vệ tinh, hoặc thông báo trước theo Điều 6, hoặc

(c) đánh bắt trong khu vực khép kín, vào thời điểm mùa vụ đã kết thúc, không được cấp hoặc sau thời hạn được cấp hạn ngạch, đánh bắt quá độ sâu cho phép; hoặc

(d) đánh bắt loài được tạm dừng đánh bắt hoặc loài cấm đánh bắt;

(e) sử dụng công cụ đánh bắt bị cấm hoặc không đúng quy định; hoặc

(f) làm giả hay che dấu dấu vết, danh tính hay đăng kiểm;

(g) che dấu, giả mạo hay hủy chứng cứ liên quan đến một công tác điều tra, hoặc

(h) cản trở công việc của cán bộ chức năng thực hiện nhiệm vụ thẩm tra sự tuân thủ đối với các biện pháp bảo tồn và quản lý, cản trở công việc của quan sát viên thực hiện nhiệm vụ thị sát sự tuân thủ các nguyên tắc áp dụng của Cộng đồng; hoặc

(i) đưa lên khoang, chuyển tải hay chở cá nhỏ quá cỡ, trái với điều luật hiện đang có hiệu lực; hoặc

(j) chuyển tải hay cùng tham gia hoạt động đánh bắt, hỗ trợ hay tiếp ứng cho các tàu đánh bắt đã được xác định có thực hiện hành vi đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định theo Quy định này, đặc biệt các tàu bị đưa vào danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Cộng đồng hoặc của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực; hoặc

(k) thực hiện hoạt động đánh bắt trong khu vực quản lý của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực theo cách thức không nhất quán hoặc trái với các biện pháp bảo tồn và quản lý của tổ chức, treo cờ của quốc gia không phải là thành viên của tổ chức, không hợp tác với tổ chức theo quy định của tổ chức; hoặc

(l) không mang quốc tịch và do vậy là tàu không có quốc gia chủ quyền, theo luật quốc tế.

2. Hoạt động nêu trong khoản 1 sẽ được coi là vi phạm nghiêm trọng theo Điều 41, phụ thuộc vào mức độ vi phạm được xác định bởi cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thành viên, có xem xét tới các tiêu chí, ví dụ: mức độ thiệt hại gây ra, giá trị thiệt hại, mức độ vi phạm, mức độ lặp lại.

Chương II

KHÁM XÉT TÀU CỦA NƯỚC THỨ BA TẠI CẢNG CỦA QUỐC GIA THÀNH VIÊN

Phần I

ĐIỀU KIỆN CHO TÀU CỦA NƯỚC THỨ BA CẬP CẢNG

Điều 4. Khám xét tại cảng

1. Nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, kế hoạch khám xét tàu đánh bắt của nước thứ ba tại cảng của quốc gia thành viên sẽ vẫn tiếp tục được duy trì.

2. Trừ khi tàu đánh cá của nước thứ ba có thể đáp ứng mọi yêu cầu đưa ra trong Quy định này, tàu sẽ không được phép vào cảng, không được cung cấp dịch vụ cảng và hoạt động cập cảng hay chuyển tải của tàu tại cảng sẽ bị cấm, loại trừ một số trường hợp bất khả kháng hay tình huống nguy cấp được quy định trong Điều 18 Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) (trường hợp bất khả kháng hay nguy cấp) về các dịch vụ cần thiết để giải cứu tình thế.

3. Việc chuyển hàng giữa tàu đánh bắt của các nước thứ ba và giữa tàu đánh bắt của nước thứ ba với tàu treo cờ của một quốc gia thành viên bị nghiêm cấm trong vùng nước của Cộng đồng và chỉ được diễn ra trong phạm vi cảng, theo các điều khoản quy định trong Chương này.

4. Tàu đánh bắt treo cờ của một quốc gia thành viên không được phép nhận chuyển tải sản phẩm thủy sản đánh bắt trên biển từ tàu đánh bắt của nước thứ ba bên ngoài vùng nước của Cộng đồng trừ khi tàu đánh bắt được đăng ký là tàu vận chuyển dưới sự bảo trợ của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực.

Điều 5. Cảng được chỉ định

1. Các quốc gia thành viên sẽ chỉ định cảng, địa điểm gần bờ cho phép tàu cập cảng, chuyển tải hàng thủy sản và thực hiện các dịch vụ cảng như quy định tại Điều 4(2).

2. Tàu đánh bắt của nước thứ ba chỉ được tiếp nhận các dịch vụ cảng, tiến hành cập cảng hay chuyển tải hàng hóa trong phạm vi cảng được chỉ định.

3. Các quốc gia thành viên sẽ chuyển cho Ủy ban, chậm nhất là ngày 15 tháng 1 hàng năm, danh sách cảng được chỉ định. Mọi thay đổi trong danh sách này phải được thông báo trước cho Ủy ban 15 ngày trước khi việc thay đổi đó có hiệu lực.

4. Uỷ ban ngay lập tức sẽ đăng tải danh sách cảng được chỉ định trên Tạp chí Chính thức của Liên minh Châu Âu và trên trang web.

Điều 6. Thông báo trước

1. Thuyển trưởng hoặc người đại diện các tàu đánh bắt của nước thứ ba phải thông báo những thông tin sau đây cho cơ quan chức năng của quốc gia thành viên có cảng biển được chỉ định hay có dụng cụ neo đậu mà tàu muốn sử dụng ít nhất ba ngày làm việc trước khi tàu dự kiến cập cảng:

(a) Thông tin nhận dạng tàu;

(b) Tên cảng được chỉ định mà tàu cập bến và mục đích ghé, cập cảng, chuyển tải hay sử dụng dịch vụ;

(c) Giấy phép khai thác hoặc, nếu phù hợp, giấy phép hỗ trợ hoạt động khai thác hoặc chuyển tải các sản phẩm thủy sản;

(d) Ngày thực hiện chuyến đi;

(e) Ngày và thời gian dự kiến cập cảng;

(f) Số lượng mỗi loài có trong khoang hoặc, nếu có thể, một báo cáo âm bản;

(g) Khu vực hoặc những khu vực tiến hành khai thác hoặc nơi diễn ra hoạt động chuyển tải, trong vùng nước của Cộng đồng, trong khu vực thuộc quyền tài phán hay chủ quyền của một nước thứ ba, hay ngoài khơi xa;

(h) Số lượng mỗi loài cập bến hay chuyển tải.

Thuyền trưởng hay người dại diện của tàu được miễn báo trước các thông tin trong mục (a), (c), (d), (g) và (h), nếu có giấy chứng nhận hợp lệ theo Chương III cho tòan bộ hàng đánh bắt được có thể được cập bến và chuyển tải trong lãnh thổ của Cộng đồng.

2. Việc thông báo trước theo quy định tại khoản 1 phải đi kèm với giấy chứng nhận hợp lệ theo Chương III nếu tàu của nước thứ ba chở các sản phẩm thủy sản. Các điều khoản quy định trong Điều 14 về việc công nhận chứng từ đánh bắt, các hình thức kiểm soát cảng của quốc gia là một phần của chứng từ đánh bắt hay chương trình kiểm soát cảng của Nhà nước được các tổ chức quản lý nghề cá khu vực thông qua sẽ áp dụng điều khoản mutatis mutandis.

3. Theo quy trình đưa ra tại Điều 54(2), Ủy ban có thể miễn cho tàu đánh bắt của nước thứ ba một số nghĩa vụ nhất định quy định tại khoản 1 trong một khoảng thời gian hạn chế và có thể được gia hạn, hoặc quy định thời gian báo trước khác có xem xét tới loại sản phẩm thủy sản, khoảng cách giữa ngư trường, nơi tàu cập bến và cảng mà tàu đăng ký hoặc đã được vào danh sách, bên cạnh một số yếu tố khác.

4. Điều khoản này được áp dụng không gây tổn hại tới điều khoản đặc biệt được quy định trong thỏa ước thủy sản giữa Cộng đồng và các nước thứ ba.

Điều 7. Cấp phép

1. Trên cơ sở không gây phương hại tới điểm 5 Điều 37, tàu đánh bắt của một nước thứ ba sẽ được phép vào cảng chỉ khi đã cung cấp đầy đủ thông tin theo Điều 6(1) và nếu tàu đánh bắt của nước thứ ba có chứa hàng thủy sản đã có giấy chứng nhận khai thác quy định tại Điều 6(2).

2. Quyền được phép cập bến hay tiến hành hoạt động chuyển tải phụ thuộc kết quả kiểm tra thông tin liệt kê trong khoản 1 đã được cung cấp đầy đủ hay chưa và, nếu phù hợp, sau khi tiến hành khám xét theo quy định tại Phần 2.

3. Khác với quy định tại khoản 1 và 2 của Điều này, quốc gia thành viên có cảng vẫn có thể cho phép tàu vào cảng và cập bến toàn bộ hoặc cập bến một phần trong trường hợp thông tin cung cấp theo Điều 6(1) không đầy đủ và việc kiểm tra, thẩm tra thông tin vẫn chưa được thực hiện xong, nhưng trong những trường hợp trên, có thể giữ hàng thủy sản liên quan trong kho dưới sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Hàng thủy sản chỉ được trao trả để bán, tiếp quản lại hoặc vận chuyển khi cơ quan chức năng đã nhận được đầy đủ thông tin quy định tại Điều 6(1) và quy trình thẩm tra thông tin đã kết thúc. Nếu quy trình này không được hoàn tất trong vòng 14 ngày sau ngày tàu cập bến, quốc gia thành viên có cảng sẽ tịch thu và giải phóng sản phẩm thủy sản theo luật trong nước. Chi phí lưu kho do bên vận hành tàu chi trả.

Điều 8. Ghi nhận hoạt động cập bến hay chuyển tải

1. Thuyền trưởng hoặc người đại diện tàu đánh bắt của nước thứ ba phải cung cấp cho cơ quan chức năng của quốc gia thành viên có cảng chỉ định mà tàu định cập bến hoặc có phương tiện chuyển tải mà tàu sử dụng một bản thông báo qua phương tiện điện tử, nếu có thể, trước khi tàu cập bến hoặc chuyển tải nêu rõ số lượng hàng thủy sản theo loài sẽ cập bến hay chuyển tải, ngày và địa điểm đánh bắt. Thuyền trưởng và người đại diện phải chịu trách nhiệm về độ chính xác của thông tin cung cấp.

2. Quốc gia thành viên giữ bản gốc của thông báo nêu trong khoản 1, hoặc bản cứng nếu thông tin được truyền qua phương tiện điện tử, trong khoảng thời gian 3 năm hoặc lâu hơn theo luật pháp quốc gia.

3. Quy trình và mẫu biểu thông báo cập bến hay chuyển tải sẽ được quy định theo quy trình nêu tại Điều 54(2).

4. Các quốc gia thành viên sẽ thông báo cho Ủy ban thông tin qua máy tính trước khi kết thúc tháng đầu tiên hàng quý về số lượng thủy sản đã cập bến và/hoặc được chuyển tải bởi tàu đánh bắt của các nước thứ ba trong quý trước tại phạm vi cảng của mình.

Phần 2

KHÁM XÉT TẠI CẢNG

Điều 9. Các nguyên tắc chung

1. Các quốc gia thành viên thực hiện kiểm tra tại cảng chỉ định của mình ít nhất 5% hoạt động cập bến và chuyển tải hàng năm của tàu đánh bắt của nước thứ ba, theo các mốc chuẩn trong quy trình quy định tại Điều 54(2) trên cơ sở quản lý rủi ro, mà không tổn hại đến những ngưỡng cao hơn được thông qua bởi các tổ chức quản lý nghề cá khu vực.

2. Những tàu đánh bắt sau đây sẽ bị khám xét trong mọi trường hợp:

(a) Tàu đánh bắt bị giám sát theo Điều 48;

(b) Tàu đánh bắt được báo cáo trong khuôn khổ thông báo trước theo hệ thống cảnh báo của Cộng đồng được quy định tại Chương IV;

(c) Tàu đánh bắt được Cộng đồng xác định đã thực hiện hành vi đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định theo Điều 25;

(d) Tàu đánh bắt có trong danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực được thông báo cho quốc gia thành viên theo Điều 30.

Điều 10. Quy trình khám xét

1. Cán bộ khám xét có thể kiểm tra mọi khu vực liên quan, boong, các phòng trên tàu, sản phẩm đánh bắt được chế biến hoặc chưa qua chế biến, lưới hoặc các công cụ đánh bắt khác, thiết bị và bất kỳ chứng từ nào liên quan mà cán bộ khám xét thấy cần thiết phải kiểm tra theo luật pháp, quy định và các biện pháp bảo tòn và quản lý được áp dụng. Cán bộ khám xét cũng có thể thẩm tra những người được cho là có thông tin về nội dung vấn đề bị kiểm tra.

2. Việc khám xét bao gồm giám sát mọi hoạt động cập bến và chuyển tải, kiểm tra chéo số lượng từng loài ghi trong thông báo với số lượng thực tế cập bến hay chuyển tải.

3. Cán bộ khám xét ký vào báo cáo kiểm tra với sự có mặt của thuyền trưởng tàu đánh bắt, là người có quyền bổ sung thông tin và nêu lý do bổ sung thông tin mà người đó cho rằng có liên quan.

Cán bộ khám xét ghi rõ trong sổ hành trình của tàu rằng công việc khám xét đã được thực hiện.

4. Một bản sao báo cáo kiểm tra sẽ được trao cho thuyền trưởng tàu đánh bắt, thuyền trưởng sẽ trao báo cáo đó cho chủ tàu.

5. Thuyền trưởng phải hợp tác và hỗ trợ khám xét tàu, không gây cản trở, dọa dẫm, hay can thiệp vào công việc của cán bộ đang thi hành nhiệm vụ.

Điều 11. Quy trình khi xảy ra vi phạm

1. Nếu thông tin thu thập được trong quá trình khám xét cho cán bộ khám xét có chứng cứ tin rằng tàu đã tham gia hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định theo các tiêu chí đưa ra tại Điều 3, cán bộ khám xét sẽ:

(a) ghi việc nghi ngờ có vi phạm vào báo cáo kiểm tra;

(b) thực hiện mọi hành động cần thiết nhằm đảm bảo giữ gìn mọi chứng cứ liên quan đến hành vi vi phạm đó;

(c) ngay lập tức gửi báo cáo kiểm tra cho cơ quan chức năng;

2. Nếu kết quả khám xét cho thấy có chứng cứ tin rằng tàu đánh bắt của nước thứ ba đã có hành vi đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định theo các tiêu chí nêu trong Điều 3, cơ quan chức năng của quốc gia thành viên có cảng sẽ không cho phép tàu cập bến và chuyển tải hàng thủy sản đánh bắt được.

3. Quốc gia thành viên khám xét tàu sẽ ngay lập tức thông báo quyết định không cho tàu cập bến hoặc không cho tàu tiến hành hoạt động chuyển tải theo khoản 2, kèm theo môt bản sao báo cáo kiểm tra cho Ủy ban hoặc cho một cơ quan được Ủy ban chỉ định để ngay lập tức chuyển bản sao báo cáo cho cơ quan chức năng của quốc gia tàu treo cờ, một bản sao cho quốc gia tàu treo cờ hay các quốc gia có tàu tài trợ nơi tàu bị nghi vấn thực hiện hoạt động chuyển tải. Ở đâu phù hợp, một bản sao thông báo cũng sẽ được gửi đến Ban Thư ký Hành chính của tổ chức quản lý nghề cá khu vực có chức năng quản lý khu vực diễn ra hoạt động đánh bắt.

4. Ở những địa điểm ngoài khơi có xảy ra vi phạm, quốc gia thành viên sở tại sẽ hợp tác với quốc gia tàu treo cờ tiến hành điều tra, và nếu phù hợp, sẽ áp dụng các biện pháp xử lý quy định trong luật của nước sở tại, với điều kiện theo luật quốc tế, quốc gia tàu treo cờ đã công khai đồng ý chuyển quyền tài phán. Thêm vào đó, nếu hoạt động vi phạm xảy ra trong vùng biển của một nước thứ ba, quốc gia thành viên sở tại sẽ hợp tác với quốc gia ven biển để tiến hành điều tra, nếu phù hợp, sẽ áp dụng các biện pháp xử lý quy định theo luật của nước sở tại, với điều kiện theo luật quốc tế, quốc gia ven biển đó đã công khai đồng ý chuyển quyền tài phán. .

Chương III

HỒ SƠ GIẤY CHỨNG NHẬN ĐÁNH BẮT CHO HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU CÁC SẢN PHẨM THỦY SẢN

Điều 12. Giấy chứng nhận khai thác

1. Việc nhập khẩu vào lãnh thổ Cộng đồng các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ hành vi đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định bị nghiêm cấm.

2. Nhằm đảm bảo tính hiệu quả của lệnh cấm quy định tại khoản 1, các sản phẩm thủy sản chỉ được phép nhập khẩu vào lãnh thổ Cộng đồng nếu có giấy chứng nhận khai thác phù hợp với Quy định này.

3. Giấy chứng nhận khai thác quy định tại khoản 2 được chứng thực bởi quốc gia tàu treo cờ hoặc bởi tàu đánh bắt đã thực hiện hoạt động đánh bắt sản phẩm thủy sản mà tàu chuyên chở. Giấy chứng nhận có tác dụng chứng nhận rằng việc đánh bắt được tiến hành theo đúng luật pháp, quy định, các biện pháp bảo tồn và quản lý quốc tế được áp dụng.

4. Giấy chứng nhận khai thác cung cấp đầy đủ thông tin cụ thể hóa trong mẫu Phụ lục II, được chứng thực bởi một cơ quan công quyền của quốc gia tàu treo cờ có đủ thẩm quyền chứng nhận độ chính xác của thông tin. Với sự đồng ý của quốc gia tàu treo cờ, trong khuôn khổ hợp tác quy định tại Điều 20(4), giấy chứng nhận khai thác sẽ được làm, được chứng thực và trình thông qua phương tiện điện tử hoặc được thay thế bởi các hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đảm bảo mức độ kiểm soát tương đương của các cơ quan chức năng.

5. Danh sách trong Phụ lục 1 về các sản phẩm nằm ngoài phạm vi áp dụng của giấy chứng nhận khai thác có thể được rà soát hàng năm trên cơ sở kết quả thu thập thông tin như quy định trong các Chương II, III, IV, V, VIII, X và XII, và được sửa đổi tuân theo quy trình quy định tại Điều 54(2).

Điều 13. Hồ sơ giấy chứng nhận khai thác được thống nhất và có hiệu lực trong khuôn khổ một tổ chức quản lý nghề cá khu vực

1. Giấy chứng nhận khai thác và mọi tài liệu liên quan, được chứng thực tuân theo cơ chế giấy chứng nhận khai thác, được thông qua bởi một tổ chức quản lý nghề cá khu vực, được thừa nhận đã tuân thủ với các yêu cầu đặt ra của Quy định này, sẽ được chấp nhận là giấy chứng nhận khai thác sản phẩm thủy sản cho các loài áp dụng cơ chế giấy chứng nhận khai thác, và sẽ chịu sự kiểm tra, thẩm tra của quốc gia thành viên nhập khẩu sản phẩm đó theo quy định tại các Điều 16 và 17, thuộc đối tượng điều chỉnh của các điều khoản từ chối nhập khẩu quy định tại Điều 18. Danh mục hồ sơ giấy chứng nhận khai thác được quy định theo quy trình tại Điều 54(2).

2. Khoản 1 được áp dụng mà không gây tổn hại đến các quy định cụ thể có hiệu lực, theo đó cơ chế giấy chứng nhận khai thác được áp dụng trong luật pháp của Cộng đồng.

Điều 14. Nhập khẩu gián tiếp các sản phẩm thủy sản

1. Để nhập khẩu các sản phẩm thủy sản trong một lô hàng duy nhất, được vận chuyển theo cùng cách thức tới Cộng đồng từ một nước thứ ba không phải quốc gia tàu treo cờ, bên nhập khẩu cần cung cấp cho các cơ quan chức năng của quốc gia thành viên nhập khẩu các giấy tờ sau đây:

(a) giấy chứng nhận (bộ giấy chứng nhận) khai thác được chứng thực bởi quốc gia tàu treo cờ; và

(b) giấy tờ chứng minh sản phẩm thủy sản không trải qua các công đoạn nào khác ngoài hoạt động bốc, dỡ hay các hoạt động có tính chất giữ nguyên trạng sản phẩm trong điều kiện tốt, và vẫn chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng của nước thứ ba đó.

Chứng từ sẽ được cung cấp dưới các hình thức sau:

(i) ở đâu phù hợp, chứng từ vận chuyển duy nhất cho đoạn đường từ lãnh thổ của quốc gia tàu treo cờ qua nước thứ ba; hay

(ii) giấy tờ do cơ quan chức năng của nước thứ ba cung cấp:

— mô tả chính xác sản phẩm thủy sản, ngày bốc dỡ sản phẩm, và ở đâu phù hợp, tên tàu và các phương tiện vận chuyển sử dụng, và

— nêu điều kiện lưu giữ sản phẩm thủy sản đó tại nước thứ ba.

Nếu loài thủy sản là đối tượng của cơ chế giấy chứng nhận khai thác của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực như được quy định trong Điều 13, chứng từ nói trên có thể được thay thế bằng giấy chứng nhận tái xuất, miễn là nước thứ ba đó đã hoàn thành nghĩa vụ thông báo.

2. Để nhập khẩu các sản phẩm thủy sản trong một lô hàng duy nhất và đã được chế biến tại một nước thứ ba không phải là quốc gia tàu treo cờ, bên nhập khẩu phải trình cơ quan chức năng của quốc gia thành viên nhập khẩu giấy chứng nhận của nhà máy chế biến của quốc gia thứ ba đó, có chứng thực của các cơ quan chức năng theo biểu mẫu tại Phụ lục IV:

(a) mô tả chính xác sản phẩm chưa qua chế biến, sản phẩm đã được chế biến, số lượng tương ứng;

(b) nêu rõ sản phẩm chế biến đã được chế biến tại nước thứ ba đó từ những sản phẩm đánh bắt là đối tượng của giấy chứng nhận khai thác được chứng thực bởi quốc gia tàu treo cờ; và

(c) có kèm theo:

(i) bản gốc giấy chứng nhận khai thác theo đó, tổng số lượng đánh bắt đã được chế biến thành sản phẩm thủy sản được xuất khẩu trong cùng một lô hàng duy nhất, hoặc

(ii) một bản sao giấy chứng nhận khai thác, theo đó một phần số lượng đánh bắt đã được chế biến thành sản phẩm thủy sản được xuất khẩu trong cùng một lô hàng duy nhất.

Nếu loài thủy sản đó là đối tượng của cơ chế giấy chứng nhận khai thác của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực được quy định tại Điều 13, giấy chứng nhận đó có thể được thay bằng giấy chứng nhận tái xuất, miến là nước thứ ba tại đó sản phẩm thủy sản được chế biến đã hoàn thành nghĩa vụ thông báo.

3. Các chứng từ và giấy chứng nhận quy định tại các Điều (1)(b) và (2) của Điều này sẽ được truyền đi bằng phương tiện điện tử trong khuôn khổ hợp tác quy định tại Điều 20(4).

Điều 15. Xuất khẩu hàng thủy sản đánh bắt bởi tàu treo cờ của một quốc gia thành viên

1. Việc xuất khẩu các sản phẩm đánh bắt bởi tàu treo cờ một quốc gia thành viên phải có giấy chứng nhận khai thác được chứng thực bởi cơ quan chức năng của quốc gia thành viên tàu treo cờ đó, theo Điều 12(4), nếu được yêu cầu trong khuôn khổ hợp tác quy định tại Điều 20(4).

2. Quốc gia tàu treo cờ phải báo trước cho Ủy ban cơ quan chức năng có thẩm quyền chứng thực giấy chứng nhận khai thác quy định tại khoản 1.

Điều 16. Trình và kiểm tra giấy chứng nhận khai thác

1. Giấy chứng nhận hợp lệ được bên nhập khẩu trình cơ quan chức năng của quốc gia thành viên hàng dự kiến được nhập vào ít nhất là 3 ngày làm việc trước khi hàng về đến cửa khẩu vào lãnh thổ Cộng đồng. Thời hạn 3 ngày làm việc có thể được điều chỉnh tùy theo loại sản phẩm thủy sản, khoảng cách từ cửa khẩu vào lãnh thổ Cộng đồng và phương tiện vận chuyển được sử dụng. Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra giấy chứng nhận khai thác thủy sản trên cơ sở quản lý rủi ro theo thông tin được thông báo từ quốc gia tàu treo cờ như quy định tại Điều 20 và 22.

2. Khác với quy định tại khoản 1, bên nhập khẩu được trao quy chế đối tác kinh tế được phê duyệt có thể tư vấn cho cơ quan chức năng của quốc gia thành viên việc hàng đến trong thời hạn quy định tại khoản 1 và giữ giấy chứng nhận hợp lệ cùng các chứng từ liên quan khác quy định tại Điều 14 để cán bộ chức năng có thể kiểm tra theo khoản 1 của Điều này hoặc thẩm tra theo quy định tại Điều 17.

3. Tiêu chí trao quy chế đối tác kinh tế được phê duyệt cho bên nhập khẩu bởi các cơ quan chức năng của quốc gia thành viên bao gồm:

(a) công ty nhập khẩu đó phải được thành lập trên lãnh thổ của quốc gia thành viên đó;

(b) thực hiện số lần và khối lượng nhập khẩu đủ lớn cho thấy việc triển khai thực hiện các quy trình quy định tại khoản 2;

(c) có đủ ghi nhận về sự tuân thủ mọi yêu cầu của các biện pháp bảo tồn và quản lý;

(d) có một hệ thống thông tin quản lý lưu giữ đầy đủ thông tin thương mại, và ở đâu phù hợp, thông tin vận chuyển, chế biến cho phép cán bộ chức năng có thể kiểm tra, thẩm tra vì mục đích của Quy định này;

(e) có phương tiện phục vụ việc tiến hành kiểm tra và thẩm tra;

(f) ở đâu phù hợp, có chuẩn mực chức năng thực tế hoặc trình độ nghề nghiệp trực tiếp liên quan đến hoạt động thực hiện; và

(g) ở đâu phù hợp, có khả năng tài chính.

Các quốc gia thành viên phải thông báo cho Cộng đồng tên và địa chỉ của các đối tác kinh tế được phê duyệt sớm nhất có thể sau khi trao quy chế đó. Cộng đồng sẽ đưa thông tin đó tới các nước thành viên qua phương tiện điện tử.

Nguyên tắc liên quan đến quy chế đối tác kinh tế được phê duyệt có thể được quy định theo quy trình tại Điều 54(2).

Điều 17. Thẩm tra

1. Cơ quan chức năng của các nước thành viên có thể tiến hành mọi hoạt động thẩm tra nếu cần thiết để đảm bảo mọi điều khoản trong Quy định này đều được thực thi một cách đúng đắn.

2. Cụ thể, hoạt động thẩm tra có thể bao gồm kiểm tra sản phẩm, xác minh lại con số thông báo, kiểm tra sự tồn tại và tính xác thực của chứng từ, kiểm tra tài khoản và một số biện pháp khác, kiểm tra phương tiện vận chuyển, bao gồm công-ten-nơ và kho chứa sản phẩm, tiến hành thẩm vấn chính thức và các nghiệp vụ tương tự khác, ngoài việc khám xét tàu đánh bắt tại cảng theo quy định tại Chương II.

3. Việc thẩm tra tập trung vào các rủi ro được xác định trên cơ sở tiêu chí của quốc gia hay Cộng đồng theo phương thức quản lý rủi ro. Các quốc gia thành viên phải thông báo cho Cộng đồng về tiêu chí của quốc gia mình trong vòng 30 ngày làm việc kể từ sau ngày 29 tháng 10 năm 2008 và cập nhật thông tin. Tiêu chí của Cộng đồng sẽ được quy định theo quy trình tại Điều 54(2).

4. Việc thẩm tra sẽ được tiến hành trong mọi trường hợp sau:

(a) cán bộ thẩm tra của quốc gia thành viên có cơ sở nghi vấn tính xác thực của giấy chứng nhận khai thác, của con dấu chứng thực hoặc nghi vấn chữ ký của cán bộ chức năng liên quan của quốc gia tàu treo cờ; hoặc

(b) cán bộ thẩm tra của quốc gia thành viên có thông tin nghi vấn sự tuân thủ của tàu đánh bắt với luật, các quy định và biện pháp quản lý và bảo tồn được áp dụng, hay nghi ngờ việc tuân thủ các yêu cầu khác của Quy định này; hoặc

(c) tàu đánh bắt, công ty đánh bắt hay bất kỳ chủ thể nào khác bị báo cáo có dính líu đến hoạt động đánh bắt được cho là bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, bao gồm cả những tàu đánh bắt đã bị báo cáo cho các tổ chức quản lý nghề cá khu vực theo các điều khoản của văn bản do tổ chức đó thông qua nhằm xây dựng một danh sách các tàu thực hiện hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; hoặc

(d) các quốc gia tàu treo cờ hoặc các nước tái xuất bị cáo cáo cho tổ chức quản lý nghề cá khu vực theo các điều khoản của văn bản do tổ chức đó thông qua về áp dụng các biện pháp thương mại đối với quốc gia tàu treo cờ; hoặc

(e) một thông báo mang tính chất cảnh báo được đưa ra theo Điều 23(1).

5. Các quốc gia thành viên có thể quyết định tiến hành hoạt động thẩm tra ngẫu nhiên, ngoài hoạt động thẩm tra quy định tại các khoản 3 và 4.

6. Với mục đích thẩm tra, cơ quan chức năng có thể đề nghị sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng của quốc gia tàu treo cờ hay của một nước thứ ba không phải quốc gia tàu treo cờ quy định tại Điều 14, trong trường hợp đó:

(a) đề nghị giúp đỡ phải nêu rõ lý do tại sao cơ quan chức năng của quốc gia thành viên đó có cơ sở chắc chắn để nghi ngờ tính hợp lệ của giấy chứng nhận, của nội dung chứng nhận và/hoặc sự tuân thủ của sản phẩm đối với các biện pháp bảo tồn và quản lý. Một bản sao giấy chứng nhận khai thác hay bất kỳ thông tin và giấy tờ cho thấy rằng những thông tin trên giấy chứng nhận là không chính xác sẽ được gửi kèm theo đề nghị hỗ trợ. Đề nghị hỗ trợ ngay lập tức được gửi cho các cơ quan chức năng của quốc gia tàu treo cờ hay của một nước thứ ba không phải quốc gia tàu treo cờ theo quy định tại Điều 14;

(b) quy trình thẩm tra sẽ được hoàn tất trong vòng 15 ngày kể từ ngày đề nghị thẩm tra. Trường hợp các cơ quan chức năng của quốc gia tàu treo cờ liên quan không đáp ứng đúng thời hạn, cán bộ thẩm tra của quốc gia thành viên có thể giãn thời hạn phúc đáp, trên cơ sở có đề nghị của quốc gia tàu treo cờ hoặc nước thứ ba không phải quốc gia tàu treo cờ theo quy định tại Điều 14, nhưng không quá 15 ngày.

7. Việc đưa sản phẩm vào thị trường sẽ bị hoãn trong khi chờ kết quả quy trình thẩm tra quy định tại các khoản (1) và (6). Phí lưu kho do bên vận hành chịu.

8. Các quốc gia thành viên phải thông báo cho Ủy ban các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm kiểm tra và thẩm tra giấy chứng nhận khai thác quy định tại Điều 16 và các khoản (1) đến (6) của Điều này.

Điều 18. Từ chối nhập khẩu

1. Ở đâu phù hợp, cơ quan có chức năng của các nước thành viên sẽ từ chối nhập khẩu vào Cộng đồng các sản phẩm thủy sản mà không cần đề nghị chứng cứ bổ sung hay đề nghị quốc gia tàu treo cờ giúp đỡ nếu thấy rằng:

(a) bên nhập khẩu không thể trình giấy chứng nhận khai thác sản phẩm thủy sản liên quan hay hoàn thành mọi nghĩa vụ theo Điều 16(1) hoặc (2);

(b) sản phẩm dự kiến nhập khẩu không cùng chủng loại với sản phẩm ghi trong giấy chứng nhận khai thác;

(c) giấy chứng nhận khai thác không được chứng thực bởi cơ quan công quyền của quốc gia tàu treo cờ theo Điều 12(3);

(d) giấy chứng nhận khai thác không cung cấp đầy đủ mọi thông tin yêu cầu;

(e) bên nhập khẩu không thể chứng minh sản phẩm thủy sản tuân thủ các điều kiện nêu tại Điều 14(1) hoặc (2);

(f) tàu đánh bắt thể hiện trên giấy chứng nhận khai thác là tàu thực hiện đánh bắt bị đưa vào danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Cộng đồng hoặc trong danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đề cập tại Điều 30;

(g) giấy chứng nhận khai thác được chứng thực bởi cơ quan chức năng của quốc gia tàu treo cờ đã được xác định là quốc gia không hợp tác theo Điều 31.

2. Ở đâu phù hợp, cơ quan chức năng của các nước thành viên sẽ từ chối nhập khẩu sản phẩm thủy sản vào Cộng đồng sau khi đề nghị giúp đỡ theo Điều 17(6), mà:

(a) nhận được câu trả lời, theo đó, bên xuất khẩu không đươc quyền đề nghị chứng thực giấy chứng nhận khai thác;

(b) nhận được câu trả lời, theo đó, sản phẩm thủy sản không tuân thủ các biện pháp bảo tồn và quản lý, hoặc các điều kiện khác quy định tại Chương này không được đáp ứng; hoặc

(c) không nhận được câu trả lời trong thời hạn đã nêu; hoặc

(d) nhận được câu trả lời không đúng câu hỏi nêu trong đề nghị.

3. Trường hợp từ chối nhập khẩu theo khoản (1) và (2), quốc gia thành viên sẽ tịch thu, hủy, vứt bỏ hoặc bán sản phẩm thủy sản theo luật pháp của nước sở tại. Lợi nhuận bán hàng có thể được dùng cho mục đích nhân đạo.

4. Bất kỳ ai cũng có quyền kháng cáo lại quyết định của các cơ quan chức năng theo khoản (1), (2) hoặc (3) liên quan đến mình. Quyền kháng cáo được thực hiện theo các điều khoản có hiệu lực của quốc gia thành viên liên quan.

5. Cơ quan chức năng của các quốc gia thành viên phải thông báo cho quốc gia tàu treo cờ và, ở nơi nào phù hợp, thông báo cho nước thứ ba không phải quốc gia tàu treo cờ theo Điều 14 quyết định từ chối nhập khẩu. Một bản sao thông báo phải được gửi tới Ủy ban.

Điều 19. Quá cảnh và chuyển tải

1. Ở nơi nào, tại cửa khẩu vào lãnh thổ của Cộng đồng, hàng thủy sản được thực hiện thủ tục quá cảnh và vận chuyển tiếp đến một quốc gia thành viên khác nơi hàng một lần nữa được thông quan, các Điều 17 và 18 sẽ được áp dụng tại quốc gia thành viên đó.

2. Ở nơi nào, tại cửa khẩu vào lãnh thổ của Cộng đồng, hàng thủy sản được thực hiện thủ tục quá cảnh và vận chuyển tiếp đến một địa điểm khác trong cùng một quốc gia thành viên nơi hàng một lần nữa được thông quan thì quốc gia thành viên đó phải thực hiện các điều khoản quy định tại Điều 16, 17 và 18 tại cửa khẩu hoặc tại nơi hàng đến. Quốc gia thành viên phải, càng sớm càng tốt, thông báo cho Ủy ban các biện pháp thực hiện điều khoản này và liên tục cập nhật thông tin. Ủy ban sẽ đăng tải thông báo này lên trang web của mình.

3. Ở nơi nào, tại cửa khẩu vào lãnh thổ của Cộng đồng, hàng thủy sản được chuyển tải và vận chuyển bằng đường biển tới một quốc gia thành viên khác, Điều 17 và 18 sẽ được áp dụng tại quốc gia thành viên đó.

4. Quốc gia thành viên nơi diễn ra hoạt động chuyển tải cung cấp cho quốc gia thành viên nơi hàng đến thông tin trên chứng từ vận chuyển về hàng thủy sản: trọng lượng, cảng bốc xếp và bên vận chuyển trong nước thứ ba, tên tàu vận chuyển, cảng diễn ra hoạt động chuyển tải và cảng nơi hàng đến ngay khi có được những thông tin này và trước ngày dự kiến tàu cập cảng nơi đến.

Điều 20. Thông báo và sự hợp tác của quốc gia tàu treo cờ với các nước thứ ba

1. Việc chấp thuận giấy chứng nhận khai thác chứng thực bởi quốc gia tàu treo cờ nhất định cho mục đích của Quy định này được thực hiện với điều kiện Ủy ban đã nhận được thông báo của quốc gia tàu treo cờ liên quan chứng nhận rằng:

(a) quốc gia đó có quy định trong nước về việc triển khai, kiểm soát và thực thi luật pháp, quy định và các biện pháp quản lý, bảo tồn mà tàu phải tuân thủ;

(b) các cơ quan công quyền có chức năng chứng nhận tính trung thực của thông tin trong giấy chứng nhận khai thác và tiến hành thẩm tra giấy chứng nhận theo đề nghị của quốc gia thành viên. Thông báo phải bao gồm thông tin cần thiết để xác định cơ quan chức năng đó.

2. Thông tin cần đưa vào thông báo theo quy định tại khoản 1 được trình bày trong Phụ lục II.

3. Ủy ban sẽ thông báo cho quốc gia tàu treo cờ việc nhận thông báo đã gửi theo khoản 1. Nếu mọi yếu tố quy định trong khoản 1 không được quốc gia tàu treo cờ đáp ứng, Ủy ban sẽ thông báo cho quốc gia tàu treo cờ những điểm còn thiếu và đề nghị quốc gia đó gửi bản thông báo mới.

4. Ở nơi nào phù hợp, Ủy ban sẽ hợp tác với các nước thứ ba về mặt hành chính trong lĩnh vực liên quan đến việc triển khai các điều khoản về giấy chứng nhận khai thác trong Quy định này, bao gồm cả việc sử dụng các phương tiện điện tử để lập, chứng thực hay trình giấy chứng nhận khai thác và, ở nơi nào phù hợp, các chứng từ như đề cập tại Điều 14(1) và 14(2);

Sự hợp tác như vậy có mục đích:

(a) đảm bảo rằng các sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Cộng đồng có nguồn gốc từ các sản phẩm được đánh bắt tuân thủ theo luật, quy định, các biện pháp quản lý và bảo tồn được áp dụng;

(b) hỗ trợ quốc gia tàu treo cờ hoàn thiện các thủ tục liên quan đến việc tàu đánh bắt vào cảng, nhập khẩu các sản phẩm thủy sản, thẩm tra giấy chứng nhận khai thác thủy sản quy định tại Chương II và Chương này;

(c) hỗ trợ Ủy ban hay một cơ quan được Ủy ban chỉ định tiến hành kiểm tra tại chỗ để thẩm tra việc thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác;

(d) hỗ trợ thiết lập một khung trao đổi thông tin giữa hai bên nhằm hỗ trợ triển khai các thỏa thuận hợp tác.

5. Cơ chế hợp tác quy định tại khoản 4 không được xem là điều kiện tiên quyết để áp dụng Chường này đối với các sản phẩm nhập khẩu có nguồn gốc từ sản phẩm đánh bắt của tàu treo cờ bất kỳ quốc gia nào.

Điều 21. Tái xuất

1. Việc tái xuất các sản phẩm thủy sản nhập khẩu theo giấy chứng nhận khai thác phù hợp với Chương này được cho phép với sự chứng thực của các cơ quan chức năng của quốc gia thành viên thực hiện tái xuất vào phần “tái xuất” trong giấy chứng nhận khai thác hoặc bản sao giấy chứng nhận, theo đó sản phẩm thủy sản được tái xuất là một phần của sản phẩm thủy sản đã được nhập khẩu.

2. Quy trình quy định tại Điều 16(2) sẽ áp dụng điều khoản mutadis mutandis, theo đó sản phẩm thủy sản được tái xuất bởi một đối tác kinh tế được phê duyệt.

3. Các quốc gia thành viên phải thông báo cho cơ quan chức năng của Ủy ban về việc chứng thực và thẩm tra phần “tái xuất” trong giấy chứng nhận khai thác theo quy trình quy định tại Điều 15.

Điều 22. Lưu giữ và phổ biến thông tin

1. Ủy ban sẽ lưu số liệu về các quốc gia và cơ quan chức năng của họ được thông báo phù hợp với Chương này, bao gồm:

(a) Các nước thành viên đã thông báo cơ quan chức năng của mình nhằm chứng thực, kiểm tra và thẩm tra giấy chứng nhận khai thác và chứng nhận tái xuất tương ứng theo các Điều 15, 16, 17 và 21;

(b) Quốc gia tàu treo cờ mà Ủy ban đã nhận được thông báo theo quy định tại Điều 20(1), nêu rõ những nước đã có cơ chế hợp tác với các nước thứ ba được thiết lập theo Điều 20(4).

2. Ủy ban sẽ đăng tải trên trang web và Tạp chí Chính thức của Liên minh Châu Âu danh sách các nước và cơ quan chức năng của các nước đó theo khoản 1, và sẽ liên tục cập nhật thông tin. Ủy ban sẽ đưa chi tiết về cơ quan chức năng của các quốc gia tàu treo cờ chịu trách nhiệm chứng thực và thẩm tra giấy chứng nhận khai thác qua phương tiện điện tử đến cơ quan chức năng của các nước thành viên chịu trách nhiệm chứng thực và thẩm tra giấy chứng nhận khai thác.

3. Ủy ban sẽ đăng tải trên trang web và Tạp chí Chính thức của Liên minh Châu Âu danh mục hồ sơ chứng từ khai thác được công nhận theo Điều 13 và sẽ liên tục cập nhật thông tin này.

4. Các quốc gia thành viên giữ bản gốc giấy chứng nhận khai thác được xuất trình cho mục đích nhập khẩu, giấy chứng nhận khai thác hợp lệ cho xuất khẩu và phần tái xuất được chứng thực trong giấy chứng nhận khai thác trong thời gian ba năm hoặc lâu hơn, phù hợp với luật pháp quốc gia.

5. Các đối tác kinh tế được phê duyệt giữ bản gốc chứng từ nêu trong khoản trong khoảng thời gian ba năm hoặc lâu hơn, phù hợp với luật pháp quốc gia.

Chương IV

HỆ THỐNG CẢNH BÁO CỦA CỘNG ĐỒNG

Điều 23. Cảnh báo

1. Nếu thông tin thu thập được theo các Chương II, III; V, VI, VII, VIII, X hay XI cho thấy có cơ sở chắc chắn nghi ngờ sự tuân thủ của tàu đánh bắt hay sản phẩm thủy sản của nước thứ ba nhất định với luật pháp và các quy định áp dụng, bao gồm cả luật hay quy định áp dụng thông báo bởi các nước thứ ba theo cơ chế hợp tác hành chính tại Điều 20(4), hoặc với các biện pháp bảo tồn và quản lý quốc tế, Ủy ban sẽ đăng tải thông báo có tính chất cảnh báo trên trang web của mình và trên Tạp chí Chính thức của Liên minh Châu Âu để cảnh cáo các bên thực hiện hoạt động và để đảm bảo rằng các nước thành viên áp dụng biện pháp thích hợp đối với các nước thứ ba liên quan theo Chương này.

2. Ủy ban sẽ ngay lập tức cung cấp thông tin đề cập trong khoản 1 cho cơ quan chức năng của các nước thành viên, cho quốc gia tàu treo cờ liên quan và, ở nơi nào phù hợp, cho quốc gia thứ ba không phải quốc gia tàu treo cờ theo Điều 14.

Điều 24. Hoạt động tiếp sau cảnh báo

1. Sau khi nhận thông tin gửi đến theo Điều 23(2), nếu phù hợp, các quốc gia thành viên, sẽ tiến hành những hoạt động sau theo nguyên tắc quản lý rủi ro:

(a) xác định các lô hàng thủy sản tiếp theo sẽ được nhập khẩu là đối tượng của thông báo cảnh báo rồi tiến hành thẩm tra giấy chứng nhận khai thác và, nếu phù hợp, thẩm tra chứng từ nêu tại Điều 14 theo các điều khoản đặt ra tại Điều 17;

(b) tiến hành các biện pháp đảm bảo rằng các lô hàng thủy sản tiếp theo dự kiến được nhập khẩu là đối tượng của thông báo cảnh báo bị thẩm tra giấy chứng nhận khai thác và, nếu phù hợp, bị thẩm tra các chứng từ nêu trong Điều 14 theo các điều khoản đặt ra tại Điều 17;

(c) xác định các lô hàng thủy sản trước đó là đối tượng của thông báo cảnh báo rồi tiến hành các biện pháp thẩm tra thích hợp, bao gồm thẩm tra lại giấy chứng nhận khai thác đã được xuất trình trước đó;

(d) tiến hành thẩm vấn, điều tra, và thẩm tra trên biển, tại cảng hay tại bất kỳ bến đỗ nào khác tàu đánh bắt là đối tượng của thông báo cảnh báo phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

2. Các quốc gia thành viên phải thông báo cho Ủy ban càng sớm càng tốt về các kết luận thẩm tra và kết luận của các đề nghị thẩm tra, hành động được thực thi nếu phát hiện không tuân thủ luật, quy định và các biện pháp quản lý và bảo tồn được áp dụng.

3. Ở nơi nào Ủy ban thấy rằng với những kết luận của công tác thẩm tra được thực hiện theo khoản 1, mọi nghi vấn là cơ sở đưa ra thông báo cảnh báo không còn tồn tại, Ủy ban ngay lập tức sẽ:

(a) đăng tải một thông báo có hiệu lực trên trang web của mình và trên Tạp chí Chính thức của Liên minh Châu Âu hủy bỏ thông báo cảnh báo đã đưa ra trước đó;

(b) thông báo cho quốc gia tàu treo cờ và, nếu phù hợp, quốc gia thứ ba không phải quốc gia tàu treo cờ quy định tại Điều 14 về việc hủy bỏ; và

(c) Thông báo cho các quốc gia thành viên thông qua kênh thích hợp.

4. Ở nơi nào Ủy ban thấy rằng với những kết luận của công tác thẩm tra được thực hiện theo khoản 1, mối nghi vấn có cơ sở là nguyên do đưa ra thông báo cảnh báo vẫn còn tồn tại, Ủy ban ngay lập tức sẽ:

(a) cập nhật thông báo cảnh báo bằng thông tin đăng tải mới trên trang web và Tạp chí Chính thức của Liên minh Châu;

(b) thông báo cho quốc gia tàu treo cờ và, nếu phù hợp, quốc gia thứ ba không phải quốc gia tàu treo cờ quy định tại Điều 14

(c) thông báo cho các quốc gia thành viên thông qua kênh thích hợp;

(d) Nếu phù hợp, thông báo vấn đề cho tổ chức quản lý nghề cá khu vực có nguyên tắc bảo tồn và quản lý bị vi phạm.

5. Ở nơi nào Ủy ban thấy rằng với những kết luận của công tác thẩm tra được thực hiện theo khoản 1, có đủ cơ sở để cho rằng những sự việc thu thập được cho thấy có sự không tuân thủ đối với luật, quy định, các biện pháp bảo tồn và quản lý quốc tế được áp dụng, ngay lập tức Ủy ban sẽ:

(a) đăng tải một thông báo cảnh báo mới có hiệu lực trên trang web và Tạp chí Chính thức của Liên minh Châu;

(b) thông báo cho quốc gia treo cờ và tiến hành các quy trình và thủ tục phù hợp quy định tại Chương V và VI;

(c) nếu phù hợp, thông báo cho quốc gia thứ ba không phải quốc gia tàu treo cờ theo quy định tại Điều 14;

(d) thông báo cho quốc gia thành viên thông qua kênh thích hợp; và

(e) nếu phù hợp, thông báo vấn đề cho tổ chức quản lý nghề cá khu vực có nguyên tắc bảo tồn và quản lý bị vi phạm.

Chương V

XÁC ĐỊNH TÀU THAM GIA HOẠT ĐỘNG ĐÁNH BẮT BẤT HỢP PHÁP, KHÔNG BÁO CÁO VÀ KHÔNG ĐƯỢC QUY ĐỊNH

Điều 25. Hoạt động bị cho là đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định

1. Ủy ban hay cơ quan do Ủy ban chỉ định sẽ tổng hợp và phân tích:

(a) tất cả mọi thông tin về hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định thu thập được theo các Chương II, III, IV, VIII, X và XI và/hoặc

(b) bất cứ thông tin nào liên quan, phù hợp như:

(i) số liệu đánh bắt

(ii) thông tin thương mại thu thập được từ số liệu thống kê quốc gia và các nguồn đáng tin cậy khác

(iii) đăng ký và cơ sở dữ liệu về tàu

(iv) chứng từ khai thác của tổ chức quản lý nghề cá khu vực hay các chương trình tài liệu thống kê;

(v) báo cáo giám sát và các hoạt động khác của tàu đánh bắt được cho là đã tham gia hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định theo Điều 3 và danh sách các tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định được báo cáo hay thông qua bởi các tổ chức quản lý nghề cá khu vực;

(vi) các báo cáo theo điều khoản của Quy định (EEC) số 2847/93 về các tàu đánh bắt được cho là đã thực hiện hành vi đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định theo Điều 3;

(vii) bất cứ thông tin liên quan nào thu thập được tại cảng hay tại ngư trường.

2. Các quốc gia thành viên, vào bất kỳ thời điểm nào, có thể cung cấp thông tin bổ sung cho Ủy ban liên quan đến việc thiết lập danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Cộng đồng. Ủy ban hay một cơ quan do Ủy ban chỉ định sẽ chuyển thông tin cùng mọi bằng chứng được cung cấp cho các quốc gia thành viên và quốc gia tàu treo cờ liên quan.

3. Ủy ban, hay một cơ quan do Ủy ban chỉ định sẽ lưu hồ sơ về mỗi tàu đánh bắt được báo cáo đã tham gia hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, hồ sơ sẽ liên tục được cập nhật mỗi khi nhận được thông tin mới.

Điều 26. Hoạt động được cho là đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định

1. Ủy ban sẽ xác định các tàu mà Ủy ban đã thu thập được đầy đủ thông tin theo Điều 25 để cho rằng tàu đó có thể đã tham gia hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định và sẽ tiến hành thẩm tra với quốc gia tàu treo cờ liên quan.

2. Ủy ban sẽ thông báo cho các quốc gia tàu treo cờ có tàu đã được xác định theo khoản 1 về đề nghị thẩm vấn chính thức hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của tàu treo cờ quốc gia mình. Thông báo đó sẽ:

(a) cung cấp mọi thông tin Ủy ban thu thập được về hoạt động được cho là đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định;

(b) gửi đề nghị chính thức cho quốc gia tàu treo cờ để quốc gia đó tiến hành các biện pháp cần thiết điều tra hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định và kịp thời chia sẻ kết quả điều tra với Ủy ban;

(c) gửi đề nghị chính thức cho quốc gia tàu treo cờ để ngay lập tức triển khai các hành động thực thi nếu việc cáo buộc tàu là có cơ sở , và thông báo cho Ủy ban các biện pháp đã được thi hành;

(d) đề nghị quốc gia tàu treo cờ thông báo cho chủ tàu và, nếu phù hợp, bên vận hành tàu liên quan chi tiết lý do tàu dự kiến bị đưa vào danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định của Cộng đồng theo Điều 37 và hệ quả gây ra. Các quốc gia tàu treo cờ cũng được đề nghị cung cấp thông tin cho Ủy ban về chủ tàu và, nếu phù hợp, bên vận hành tàu để đảm bảo rằng những chủ thể đó được quyền có ý kiến theo Điều 27(2);

(e) thông báo cho quốc gia tàu treo cờ về các điều khoản quy định tại Chương VI và VII.

3. Ủy ban sẽ thông báo cho các quốc gia thành viên tàu treo cờ có tàu được xác định theo khoản 1về đề nghị thẩm vấn chính thức hoạt động bị buộc tội đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Thông báo sẽ:

(a) cung cấp mọi thông tin do Ủy ban thu thập được về hoạt động bị cho là đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định;

(b) gửi đề nghị chính thức đến quốc gia thành viên tiến hành các biện pháp cần thiết phù hợp với Quy định (EEC) số 2847/93 để điều tra hoạt động bị cho là đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định hoặc, nếu phù hợp, báo cáo tất cả các biện pháp đã thực thi để điều tra và kịp thời chia sẻ kết quả điều tra với Ủy ban;

(c) chính thức đề nghị quốc gia thành viên tàu treo cờ kịp thời tiến hành các hoạt động thực thi nếu việc cáo buộc tàu tỏ ra có cơ sở, và thông báo cho Ủy ban các biện pháp đă được thực hiện;

(d) đề nghị quốc gia tàu treo cờ thông báo cho chủ tàu và, nếu phù hợp, bên vận hành tàu liên quan chi tiết lý do tàu dự kiến bị đưa vào danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định của Cộng đồng theo Điều 37 và hệ quả gây ra. Các quốc gia tàu treo cờ cũng được đề nghị cung cấp thông tin cho Ủy ban về chủ tàu và, nếu phù hợp, bên vận hành tàu để đảm bảo rằng những chủ thể đó được quyền có ý kiến theo Điều 27(2);

4. Ủy ban sẽ cung cấp thông tin về tàu được cho là thực hiện hành vi đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định cho tất cả các quốc gia thành viên nhằm hỗ trợ việc triển khai Quy định (EEC) số 2847/93.

Điều 27. Xây dựng danh sách các tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Cộng đồng

1. Ủy ban sẽ xây dựng danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Cộng đồng, theo quy trình được quy định tại Điều 54(2). Danh sách đó bao gồm tất cả các tàu đánh bắt, ngoài các biện pháp nêu tại Điều 25 và 26, có thông tin thu nhận được về tàu theo Quy định này cho thấy tàu đã tham gia các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định mà quốc gia tàu treo cờ không tuân thủ theo đề nghị chính thức nêu tại Điều 26(2)(b) và (c) và Điều 26(3)(b) và (c) đáp lại các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đó.

2. Trước khi đưa bất cứ tàu nào vào danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định của Cộng đồng, Ủy ban sẽ thông báo chi tiết cho chủ tàu và bên vận hành tàu lý do tàu dự kiến bị đưa vào danh sách và mọi yếu tố chứng minh tàu đã tham gia hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Thông báo này cũng nêu quyền được hỏi hay cung cấp thêm thông tin, cho chủ tàu và, nếu phù hợp, bên vận hành tàu cơ hội có ý kiến và tự bảo vệ mình, cho họ có đủ thời gian và phương tiện.

3. Khi đã quyết định đưa tàu vào danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, Ủy ban sẽ thông báo quyết định và lý do cho chủ tàu và, nếu phù hợp, bên vận hành tàu.

4. Nghĩa vụ của Ủy ban theo khoản 2 và 3 sẽ được áp dụng mà không tác động tới trách nhiệm trước hết của quốc gia tàu treo cờ với tàu, và chỉ đối với những thông tin liên quan tới việc xác định chủ tàu và bên vận hành tàu là thuộc về Ủy ban.

5. Ủy ban sẽ thông báo cho quốc gia tàu treo cờ về việc đưa tàu vào danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Cộng đồng và sẽ cung cấp cho quốc gia đó lý do tại sao tàu bị đưa vào danh sách.

6. Ủy ban sẽ đề nghị các quốc gia tàu treo cờ có tàu bị đưa vào danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định:

(a) thông báo cho chủ tàu về việc tàu bị đưa vào danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, lý do và hậu quả gây ra theo Điều 37; và

(b) tiến hành các biện pháp cần thiết để xóa bỏ các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, bao gồm, nếu cần thiết, rút đăng ký hay giấy phép hoạt động của tàu đánh bắt liên quan, và thông báo cho Ủy ban các biện pháp đã được thực thi.

7. Điều này không được áp dụng với các tàu đánh bắt của Cộng đồng nếu quốc gia thành viên tàu treo cờ đã thực hiện các hành động phù hợp với khoản 8.

8. Tàu đánh bắt của Cộng đồng sẽ không bị đưa vào danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Cộng đồng nếu quốc gia thành viên tàu treo cờ đã thực hiện các hành động tuân theo Quy định này và Quy định (EEC) số 2847/93 về đối phó với các vi phạm được coi là vi phạm nghiêm trọng theo quy định tại Điều 3(2), mà không gây tổn hại đến hành động được thực thi bởi các tổ chức quản lý nghề cá khu vực.

Điều 28. Đưa tàu ra khỏi danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Cộng đồng

1. Ủy ban sẽ đưa tàu ra khỏi danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Cộng đồng theo quy trình quy định tại Điều 54(2) nếu quốc gia tàu treo cờ chứng minh được rằng:

(a) tàu không tham gia vào bất kỳ hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định nào là lý do tàu bị đưa vào danh sách; hay

(b) các hình thức xử phạt tương ứng, có tác dụng không khuyến khích và hiệu quả đã được áp dụng đối với hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định liên quan, nhất là đối với các tàu treo cờ của quốc gia thành viên phù hợp với Quy định (EEC) số 2847/93.

2. Chủ tàu hoặc, nếu phù hợp, bên vận hành tàu bị đưa vào danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Cộng đồng có thể đề nghị Ủy ban xem xét lại quy chế của tàu trong trường hợp quốc gia tàu treo cờ không có hành động gì theo khoản 1.

Ủy ban chỉ xem xét đưa tàu ra khỏi danh sách nếu:

(a) chủ tàu hoặc bên vận hành tàu cung cấp bằng chứng cho thấy tàu không còn tham gia hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; hoặc

(b) tàu bị đưa vào danh sách đã bị chìm hay bị loại bỏ.

3. Trong mọi trường hợp khác, Ủy ban chỉ xem xét đưa tàu ra khỏi danh sách nếu đáp ứng đủ những điều kiện sau:

(a) tàu đã bị đưa vào danh sách ít nhất hai năm, và kể từ đó Ủy ban không nhận được báo cáo nào về việc tàu bị cáo buộc tham gia hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định theo Điều 25; hoặc

(b) chủ tàu đệ trình thông tin về hoạt động hiện tại của tàu cho thấy tàu đang hoạt động hoàn toàn tuân thủ theo luật pháp, quy định và các biện pháp quản lý và bảo tồn áp dụng đối với bất kỳ hoạt động khai thác nào mà tàu tham gia; hoặc

(c) tàu đánh bắt liên quan, chủ tàu hay bên vận hành tàu không có mối liên hệ nào về hoạt động hay tài chính, trực tiếp hay gián tiếp, với các tàu, chủ tàu hay bên vận hành tàu nào khác bị cho là tham gia hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Điều 29. Nội dung, công bố và duy trì danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Cộng đồng

1. Danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Cộng đồng sẽ bao gồm những chi tiết sau đối với mỗi tàu:

(a) tên tàu và tên cũ của tàu, nếu có;

(b) cờ hiện tại và loại cờ treo trước đó, nếu có;

(c) chủ tàu hiện tại và chủ tàu trước đó, nếu có, bao gồm cả các chủ tàu hưởng lợi, nếu có;

(d) bên vận hành tàu hiện tại và bên vận hành tàu trước đó, nếu có;

(e) tín hiệu gọi hiện tại và tín hiệu gọi trước đó, nếu có;

(f) số Lloyds/IMO nếu có;

(g) ảnh tàu, nếu có;

(h) ngày bị đưa vào danh sách lần đầu tiên;

(i) tóm tắt các hoạt động là nguyên do tàu bị đưa vào danh sách, cùng với các chứng từ cung cấp thông tin hoặc là bằng chứng cho những hoạt động đó.

2. Ủy ban sẽ đăng tải danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Cộng đồng trên Tạp chí Chính thức của Liên minh Châu Âu và tiến hành các biện pháp cần thiết đảm bảo công khai hóa danh sách, bao gồm cả việc đăng tải trên trang web;

3. Ủy ban cập nhật danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định ba tháng một lần và xây dựng hệ thống tự động thông báo thông tin cập nhật cho các quốc gia thành viên, các tổ chức quản lý nghề cá khu vực và bất kỳ thành viên nào trong xã hội dân sự có đề nghị. Ngoài ra, Ủy ban sẽ chuyển danh sách trên cho tổ chức FAO và các tổ chức quàn lý thủy sản khu vực để tăng cường hợp tác giữa Cộng đồng và các tổ chức đó nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Điều 30. Danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của các tổ chức quản lý nghề cá khu vực

1. Ngoài các tàu được nêu tại Điều 27, các tàu có trong danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của các tổ chức quản lý nghề cá khu vực cũng sẽ bị đưa vào danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Cộng đồng theo quy trình quy định tại Điều 54(2). Việc đưa tàu những tàu đó ra khỏi danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Cộng đồng phụ thuộc vào quyết định đưa tàu ra khỏi danh sách của các tổ chức quản lý nghề cá khu vực liên quan.

2. Hàng năm, trên cơ sở nhận được danh sách tàu bị cho là hoặc chắc chắn đă tham gia hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của các tổ chức quản lý nghề cá khu vực, Ủy ban sẽ tiến hành thông báo cho các quốc gia thành viên biết.

3. Ủy ban sẽ ngay lập tức thông báo cho các quốc gia thành viên việc bổ sung danh sách, đưa tàu ra khỏi danh sách hay sửa đổi danh sách quy định tại khoản 2 của Điều này bất kỳ khi nào diễn ra sự thay đổi. Điều 37 được áp dụng với các tàu có tên trong danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của các tổ chức quản lý nghề cá khu vực được sửa đổi như trên kể từ thời gian tổ chức đó có thông báo cho các quốc gia thành viên.

Chương VI

CÁC NƯỚC THỨ BA BẤT HỢP TÁC

Điều 31. Xác định các nước thứ ba bất hợp tác

1. Theo quy trình quy định tại Điều 54(2), Ủy ban sẽ xác định các nước thứ ba bị cho là bất hợp tác trong việc đấu tranh chống lại các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

2. Việc xác định các nước thứ ba bất hợp tác theo khoản 1 có cơ sở từ việc rà soát thông tin thu thập được từ các Chương II, III, IV, V, VIII, X và XI hoặc, nếu phù hợp, bất cứ thông tin liên quan nào khác, ví dụ số liệu đánh bắt, thông tin thương mại thu được từ số liệu thống kê quốc gia và các nguồn đáng tin cậy khác, đăng ký tàu và cơ sở dữ liệu về tàu, hồ sơ chứng từ đánh bắt và các chương trình tài liệu thống kê, danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của các tổ chức quản lý nghề cá khu vực, cũng như bất kỳ thông tin nào khác thu thập được tại cảng hoặc trên ngư trường.

3. Một nước thứ ba có thể bị xác định là quốc gia bất hợp tác nếu không thực hiện đúng trách nhiệm của mình theo luật pháp quốc tế với tư cách là quốc gia tàu treo cờ, quốc gia có cảng biển, quốc gia ven biển và quốc gia là thị trường tiêu thụ sản phẩm để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

4. Với mục đích nêu trong khoản 3, Ủy ban trước hết sẽ dựa vào việc kiểm tra các biện pháp nước thứ ba liên quan đã thực hiện đối với:

(a) hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định hiện tại đang diễn ra có đủ chứng cứ cho thấy đã được thực hiện hay hỗ trợ bởi các tàu đánh bắt treo cờ của quốc gia đó hoặc thực hiện bởi công dân nước đó, hoặc bởi tàu đánh bắt hoạt động trong vùng biển hay sử dụng cảng của quốc gia đó; hoặc

(b) việc sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định xâm nhập thị trường mình.

5. Với mục đích nêu trong khoản 3, Ủy ban sẽ cân nhắc:

(a) liệu nước thứ ba liên quan có hợp tác hiệu quả với Cộng đồng bằng việc hồi âm lại các đề nghị của Ủy ban về việc điều tra, phúc đáp, tiếp tục theo dõi hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và các hoạt động được thực hiện chung.

(b) liệu nước thứ ba liên quan có triển khai các biện pháp thực thi có hiệu quả với các bên vận hành chịu trách nhiệm về hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, đặc biệt là liệu các hình thức xử phạt có đủ sức nặng để thu hồi những lợi ích mà bên vi phạm kiếm được từ hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đã được áp dụng;

(c) lịch sử, bản chất, hoàn cảnh, mức độ và sức nặng của các tuyên bố về hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định được xem xét;

(d) với các nước đang phát triển, sẽ xem xét năng lực hiện tại của các cơ quan chức năng

6. Với mục đích nêu trong khoản 3, Ủy ban sẽ xem xét các yếu tố sau:

(a) việc nước thứ ba liên quan phê chuẩn hay tham gia các điều ưóc thủy sản quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, Hiệp định các bầy cá di cư của LHQ và Hiệp ước Tuân thủ FAO.

(b) Vị thế của nước thứ ba liên quan với tư cách là bên ký kết hiệp định với các tổ chức quản lý nghề cá khu vực, hoặc thỏa thuận áp dụng các biện pháp quản lý và bảo tồn do tổ chức đó thông qua;

(c) Bất kỳ hành động hay thiếu sót nào của nước thứ ba liên quan làm giảm tính hiệu quả của luật, các quy định và các biện pháp bảo tồn và quản lý được áp dụng;

7. Nếu phù hợp, khó khăn cụ thể của các nước đang phát triển, đặc biệt đối với việc theo dõi, kiểm soát và giám sát các hoạt động khai thác sẽ được xem xét thích đáng khi triển khai áp dụng Điều khoản này.

Điều 32. Hành động đối với việc xác định nước thứ ba bất hợp tác

1. Ủy ban sẽ ngay lập tức thông báo cho các quốc gia liên quan về khả năng có thể bị xác định là nước thứ ba bất hợp tác phù hợp với các tiêu chí đặt ra tại Điều 31. Ủy ban sẽ đưa vào thông báo những thông tin sau đây:

(a) lý do và những lý do xác định với mọi bằng chứng hỗ trợ sẵn có;

(b) cơ hội phúc đáp lại Ủy ban bằng văn bản liên quan tới quyết định xác định và các thông tin liên quan khác, ví dụ bằng chứng bác lại việc xác định hoặc, nếu phù hợp, một kế hoạch hành động để cải thiện và các biện pháp điều chỉnh lại tình hình;

(c) quyền được xin hay cung cấp thông tin bổ sung;

(d) hậu quả của việc bị xác định là nước thứ ba bất hợp tác, theo quy định tại Điều 38.

2. Trong thông báo đề cập tại khoản 1, Ủy ban cũng sẽ yêu cầu nước thứ ba liên quan tiến hành các biện pháp cần thiết để chặn đứng hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định và phòng ngừa những hoạt động đó lại được tái diễn trong tương lai, điều chỉnh lại bất cứ hoạt động hay thiếu sót nào như đề cập tại Điều 31(6)(c).

3. Bằng một hoặc nhiều phương tiện truyền thông, Ủy ban sẽ chuyển thông báo và đề nghị của mình tới nước thứ ba liên quan; Ủy ban sẽ tìm cách có được khẳng định của nước thứ ba liên quan rằng nước đó đã nhận được thông tin của Ủy ban;

4. Ủy ban sẽ cho nước thứ ba liên quan thời gian thích hợp để trả lời thông báo và một khoảng thời gian phù hợp để điều chỉnh tình hình.

Điều 33. Xây dựng danh sách các nước thứ ba không hợp tác

1. Hội đồng, dựa trên đủ ý kiến đa số về đề xuất của Uỷ ban, phải đưa ra quyết định danh sách các nước thứ ba không hợp tác.

2. Uỷ ban phải ngay lập tức thông báo cho nước thứ 3 liên quan rằng nước đó được xác định là nước thứ ba không hợp tác và thông báo cho nước đó các biện pháp áp dụng theo Điều 28, và yêu cầu nước đó điều chỉnh lại tình hình hiện tại và đề xuất các biện pháp đảm bảo các tàu đánh cá của nước mình tuân thủ các biện pháp quản lý và bảo tồn.

3. Theo quyết định tại Khoản 1 của Điều này, Uỷ ban phải ngay lập tức thông báo danh sách các nước thứ 3 không hợp tác cho các Quốc gia thành viên và yêu cầu các quốc gia đó đảm bảo các biện pháp nêu trong Điều 38 được thực hiện tức thời. Các quốc gia thành viên phải thông báo cho Uỷ ban về bất kỳ biện pháp nào mà các quốc gia này áp dụng để thực hiện yêu cầu này.

Điều 34. Ra khỏi danh sách các nước thứ ba không hợp tác

1. Hội đồng, dựa trên đủ ý kiến đa số về đề xuất của Uỷ ban, phải đưa nước thứ ba ra khỏi danh sách các nước không hợp tác nếu nước đó chứng minh là các vấn đề khiến nước mình bị liệt vào danh sách này đã được xử lý. Quyết định đưa nước thứ ba ra khỏi danh sách các nước không hợp tác phải cân nhắc liệu nước liên quan đó có thực hiện các biện pháp cụ thể đảm bảo tình hình được cải thiện lâu dài.

2. Theo quyết định đưa ra theo Khoản 1 của điều này, Ủy ban phải ngay lập tức thông báo cho các Quốc gia thành viên về việc bãi bỏ các biện pháp nêu trong Điều 38 về nước thứ ba liên quan.

Điều 35. Công bố danh sách các nước thứ ba không hợp tác

Ủy ban phải công bố danh sách các nước thứ ba không hợp tác trong Tạp chí chính thức của Liên minh Châu Âu và thực hiện bất kỳ biện pháp cần thiết nào để đảm bảo danh sách này được công bố kể cả trên trang mạng điện tử của Liên minh. Ủy ban phải thường xuyên cập nhật danh sách và thiết lập hệ thống tự động thông báo cho các Quốc gia thành viên, các tổ chức quản lý nghề cá khu vực và bất kỳ thành viên nào của xã hội dân sự nếu được yêu cầu. Ngoài ra, Ủy ban phải chuyển danh sách các nước thứ ba không hợp tác cho Tổ chức Nông Lương Thế Giới và các tổ chức quản lý nghề cá khu vực với mục đích tăng cường hợp tác giữa Cộng đồng và các tổ chức đó để phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Điều 36. Các biện pháp khẩn cấp

1. Nếu có bằng chứng cho thấy các biện pháp do một nước thứ ba thông qua làm suy yếu các biện pháp quản lý và bảo tổn do một tổ chức quản lý nghề cá khu vực thông qua, Ủy ban cần phải thông qua các biện pháp khẩn cấp theo nghĩa vụ quốc tế của Ủy ban và các biện pháp khẩn cấp này chỉ kéo dài không quá sáu tháng. Ủy ban có thể đưa ra quyết định mới để kéo dài các biện pháp khẩn cấp thêm không quá sáu tháng nữa.

2. Các biện pháp khẩn cấp đề cập tới trong khoản 1 có thể bao gồm:

(a) các tàu đánh bắt cá được phép đánh bắt và treo cờ của nước thứ 3 liên quan không được tiếp cận cảng của Quốc gia thành viên ngoại trừ trường hợp bất khả kháng hoặc trong tình trạng nguy cấp theo Điều 4(2) để sử dụng các dịch vụ rất cần thiết để xử lý các sự cố đó;

(b) tàu đánh bắt cá treo cờ của Quốc gia thành viên không được phép thực hiện các hoạt động đánh bắt chung với các tàu đánh bắt treo cờ của nước thứ ba liên quan;

c) tàu đánh bắt cá treo cờ của Quốc gia thành viên không được khai thác thủy sản tại vùng biển thuộc quyền tài phán của nước thứ ba liên quan mà không phương hại tới các quy định trong hiệp định khai thác thủy sản song phương;

(d) không được cung cấp cá sống để nuôi cá trong vùng biển thuộc quyền tài phán của nước thứ ba liên quan;

(e) cá sống do tàu đánh cá treo cờ của nước thứ ba liên quan đánh bắt được không được sử dụng để nuôi cá tại vùng biển thuộc quyền tài phán của Quốc gia thành viên.

3. Các biện pháp khẩn cấp có hiệu lực ngay lập tức. Các biện pháp khẩn cấp phải được thông báo tới các Quốc gia thành viên và nước thứ ba liên quan và phải được công bố trên Tạp chí chính thức của Liên minh Châu Âu.

4. Các quốc gia thành viên liên quan có thể chuyển quyết định của Ủy ban nêu trong Khoản 1 tới Hội đồng trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày thông báo.

5. Hội đồng, dựa trên đủ ý kiến đa số, có thể đưa ra quyết định khác trong thời gian 1 tháng từ ngày nhận được quyết định của Ủy ban chuyển đến.

Chương VII

CÁC BIỆN PHÁP LIÊN QUAN TỚI CÁC TÀU ĐÁNH CÁ VÀ QUỐC GIA THAM GIA ĐÁNH CÁ BẤT HỢP PHÁP, KHÔNG BÁO CÁO VÀ KHÔNG THEO QUY ĐỊNH

Điều 37. Hành động liên quan tới tàu đánh cá trong danh sách tàu thuyền bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Cộng đồng

Những biện pháp dưới đây cần được áp dụng cho các tàu đánh cá trong danh sách tàu bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (tàu đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định):

1. các Quốc gia thành viên tàu treo cờ không được gửi tới Ủy ban bất kỳ yêu cầu cho phép đánh bắt cá nào liên quan tới tàu thuyền đánh bắt cá bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo;

2. giấy phép đánh bắt cá hiện hành hoặc bất kỳ giấy phép đánh bắt đặc biệt nào của Quốc gia thành viên liên quan tới tàu thuyền đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định phải bị bãi bỏ;

3. các tàu đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định treo cờ của nước thứ ba không được phép đánh cá tại vùng nước của Cộng đồng và nghiêm cấm việc cấp phép cho những tàu này;

4. tàu đánh cá treo cờ của Quốc gia thành viên không được hỗ trợ, tham gia vào các hoạt động chế biến thủy sản hoặc tham gia vào việc chuyển hàng hoặc phối hợp đánh bắt dưới bất kỳ hình thức nào với tàu đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định;

5. tàu đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định treo cờ của Quốc gia thành viên không được tiếp cận cảng nội địa và cảng của quốc gia khác trong Cộng đồng, ngoại trừ trường hợp bất khả kháng hoặc trong tình trạng nguy cấp. Tàu đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định treo cờ của nước thứ ba không được phép cập cảng của Quốc gia thành viên, ngoại trừ trường hợp bất khả kháng hoặc trong tình trạng nguy cấp. Thay vào đó, Quốc gia thành viên có thể cho phép tàu đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định cập cảng của Quốc gia đó với điều kiện phải để các sản phẩm đánh bắt được trên tàu và nếu phù hợp, tịch thu ngư cụ theo các biện pháp quản lý và bảo tồn do các tổ chức quản lý nghề cá khu vực thông qua. Các Quốc gia thành viên đồng thời phải tịch thu sản phẩm đánh bắt được và nếu phù hợp, cấm không cho để ngư cụ trên tàu đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định được phép cập cảng vì lý do bất khả kháng hoặc trong tình trạng nguy cấp cũng theo các biện pháp đó;

6. tàu đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định treo cờ của nước thứ ba không được cung cấp nhu yếu phẩm, nhiên liệu hoặc các dịch vụ khác, ngoại trừ trường hợp bất khả kháng hoặc trong tình trạng nguy cấp;

7. tàu đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định treo cờ của nước thứ ba không được phép thay đổi thủy thủy đoàn, ngoại trừ trường hợp bất khả kháng hoặc trong tình trạng nguy cấp;

8. quốc gia thành viên phải từ chối trao cờ của mình cho các tàu đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định;

9. nghiêm cấm nhập khẩu các sản phẩm thủy sản do các tàu đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đánh bắt được, và theo đó không được chấp nhận hoặc phê chuẩn các chứng nhận khai thác kèm theo các sản phẩm đó;

10. nghiêm cấm việc xuất và tái xuất các sản phẩm thủy sản từ các tàu đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định để chế biến;

11. tàu đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định không có cá và thủy thủ đoàn trên tàu phải được phép cập cảng để loại bỏ, nhưng không phương hại tới bất kỳ cáo buộc và trừng phạt nào đối với tàu đó và bất kỳ thể nhân hoặc pháp nhân nào liên quan.

Điều 38. Hành động liên quan tới các nước thứ ba không hợp tác

Các biện pháp dưới đây phải được áp dụng với các nước thứ ba không hợp tác:

1. Nghiêm cấm nhập khẩu vào Cộng đồng các sản phẩm thủy sản do tàu đánh cá treo cờ của các nước đó đánh bắt được, và theo đó không chấp nhận các chứng chỉ đánh bắt kèm theo các sản phẩm đó. Trong trường hợp việc xác định nước thứ ba không hợp tác theo Điều 31 dựa trên lý do nước thứ ba đó thiếu các biện pháp hợp lý đối với các tàu thuyền đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định làm ảnh hưởng tới một loài hoặc giống loài nhất định, việc cấm nhập khẩu có thể chỉ áp dụng đối với giống hoặc loài đó;

2. Nghiêm cấm các hoạt động mua bán của các đối tượng kinh doanh trong Cồng đồng với tàu đánh cá treo cờ của các nước đó;

3. Nghiêm cấm tàu đánh cá treo cờ của Quốc gia thành viên treo sang cờ của các nước thứ ba đó;

4. Các Quốc gia thành viên không được phép ký hiệp ước trao quyền cho các nước thứ ba đó để tàu đánh cá của họ được treo cờ của quốc gia mình;

5. Nghiêm cấm xuất khẩu tàu đánh của Cộng đồng cho các nước đó;

6. Nghiêm cấm thỏa thuận thương mại tư nhân giữa kiều dân của một Quốc gia thành viên và các nước thứ ba đó cho phép tàu đánh cá treo cờ của Quốc gia thành viên được sử dụng các khả năng đánh bắt của các nước đó;

7. Nghiêm cấm các hoạt động đánh bắt phối hợp có sự tham gia của các tàu đánh cá treo cờ của Quốc gia thành viên với tàu đánh cá treo cờ của các nước đó;

8. Ủy ban phải kịch liệt lên án bất kỳ thỏa thuận khai thác thủy sản song phương hiện hành hoặc thoả thuận hợp tác về thuỷ sản nào với các nước đó, để làm cơ sở chấm dứt thỏa thuận trong trường hợp không tuân thủ các thỏa ước liên quan tới việc chống lại các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định;

9. Ủy ban không được đàm phán để ký thỏa thuận song phương về thuỷ sản hoặc thỏa thuận hợp tác về thuỷ sản với các nước đó.

Chương VIII

KIỀU DÂN

Điều 39. Kiều dân hỗ trợ hoặc tham gia khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định

1. Kiều dân thuộc quyền tài phán của Quốc gia thành viên (kiều dân) không được hỗ trợ hoặc tham gia khai tác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, bao gồm tham gia trên tàu, vận hành hoặc là chủ hưởng lợi từ các tàu đánh cá có trong danh sách tàu đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Cộng đồng.

2. Các Quốc gia thành viên phải cùng phối hợp với nhau và với các nước thứ ba và thực hiện tất cả các biện pháp có thể mà không phương hại tới trách nhiệm trước tiên của quốc gia tàu treo cờ, theo Luật của Cộng đồng và quốc gia đó, để xác định các kiều dân hỗ trợ hoặc tham gia đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

3. Các Quốc gia thành viên phải có hành động phù hợp theo luật và quy định áp dụng cho kiều dân được xác định là hỗ trợ hoặc tham gia vào việc đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định mà không phương hại tới trách nhiệm trước tiên của Quốc gia treo cờ;

4. Mỗi Quốc gia thành viên phải thông báo cho Ủy ban tên của cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm điều phối việc thu thập và thẩm tra thông tin về các hoạt động của kiều dân được đề cập tới trong Chương này để báo cáo và phối hợp với Ủy ban.

Điều 40. Phòng ngừa và xử phạt

1. Các Quốc gia thành viên phải khuyến khích kiều dân thông báo bất cứ thông tin nào liên quan tới các lợi ích pháp lý, hoặc tài chính hoặc liên quan tới việc kiểm soát các tàu đánh cá treo cờ mà họ nắm giữ cho nước thứ ba và tên của các tàu đánh cá liên quan.

2. Kiều dân không được bán hoặc xuất khẩu bất kỳ tàu đánh cá nào cho các đối tượng tham gia vào việc vận hành, quản lý hoặc sở hữu các tàu đánh cá có trong danh sách tàu bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Cộng đồng.

3. Các Quốc gia thành viên không được cung cấp hỗ trợ công trong chương trình hỗ trợ quốc gia hoặc qua các quỹ của Cộng đồng cho các đối tượng tham gia vào việc vận hành, quản lý hoặc sở hữu các tàu đánh cá có trong danh sách tàu bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Cộng đồng mà không phương hại tới các quy định khác trong Luật của Cộng đồng về các quỹ công.

4. Các Quốc gia thành viên phải cố gắng thu thập thông tin về sự hiện diện của bất kỳ thỏa thuận nào giữa kiều dân và nước thứ ba cho phép các tàu đánh cá treo cờ của Quốc gia thành viên treo lại cờ của nước thứ ba đó. Họ phải thông báo cho Ủy ban về các thỏa thuận đó bằng cách nộp một danh sách các tàu đánh cá liên quan.

Chương IX

CÁC BIỆN PHÁP THI HÀNH TỨC THÌ , CÁC HÌNH PHẠT

Điều 41. Phạm vi áp dụng

Chương này áp dụng cho:

1. những sai phạm nghiêm trọng xảy ra trong vùng lãnh thổ của các Quốc gia thành viên mà Hiệp ước này được áp dụng hoặc trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền hoặc quyền tài phán của các Quốc gia thành viên, ngoại trừ vùng nước tiếp giáp với các lãnh thổ và các nước được đề cập tới trong Phụ lục II của Hiệp ước này ( ?);

2. những vi phạm nghiêm trọng do các tàu đánh cá của Cộng đồng hoặc kiều dân của các Quốc gia thành viên phạm phải;

3. những vi phạm nghiêm trọng được phát hiện trong vùng lãnh thổ hoặc vùng nước được đề cập tới trong điểm 1 của Điều này nhưng xảy ra ngoài khơi hoặc thuộc quyền tài phán của nước thứ ba và đang bị xử phạt theo Điều 11 (4).

Điều 42. Vi phạm nghiêm trọng

1. Với mục đích của Quy định này, những sai phạm nghiêm trọng có nghĩa là:

(a) các hoạt động được coi là đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định theo các tiêu chí đề ra trong Điều 3;

(b) thực hiện công việc kinh doanh liên quan trực tiếp tới việc đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định bao gồm trao đổi thương mại về/hoặc nhập khẩu sản phẩm thủy sản;

(c) làm giả giấy tờ, chứng từ đề cập tới trong Quy định này hoặc sử dụng các giấy tờ, chứng từ giả hoặc không có hiệu lực.

2. Mức độ nghiêm trọng của sai phạm phải được một cơ quan có thẩm quyền của Quốc gia thành viên quyết định có xét tới các tiều chí nếu trong Điều 3(2).

Điều 43. Các biện pháp thi hành tức thì

1. Khi một thể nhân bị nghi ngờ vi phạm hoặc bị bắt quả tang vi phạm nghiêm trọng hoặc một pháp nhân bị nghi ngờ chịu trách nhiệm đối với sai phạm đó, các Quốc gia thành viên phải ngay lập tức tiến hành điều tra và, theo luật của quốc gia và dựa vào mức độ nghiêm trọng của sai phạm, thực hiện các biện pháp thi hành ngay lập tức cụ thể là:

(a) ngừng ngay lập tức các hoạt động đánh bắt;

(b) đưa tàu đánh cá vào cảng;

(c) đưa phương tiện vận tải tới vị trí khác để kiểm tra;

(d) đặt kho chứa;

(e) thu giữ ngư cụ, sản phẩm đánh bắt được hoặc sản phẩm thủy sản;

(f) tạm thời thu hồi tàu đánh cá hoặc phương tiện vận tải liên quan;

g) thu hồi giấy phép đánh bắt.

2. Các biện pháp thi hành về bản chất phải nhằm phòng ngừa việc tái phạm các sai phạm nghiêm trọng và cho phép các cơ quan có thẩm quyền hoàn thành việc điều tra.

Điều 44. Xử phạt đối với các sai phạm nghiêm trọng

1. Các Quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng thể nhân vi phạm hoặc pháp nhân chịu trách nhiệm cho sai phạm nghiêm trọng bị xử phạt hành chính một cách hiệu quả, thích đáng và có tính chất răn đe.

2. Các Quốc gia thành viên phải áp dụng việc xử phạt ở mức tối đa tức là ít nhất gấp năm lần giá trị của sản phẩm thủy sản sai phạm nghiêm trọng thu được.

Trong trường hợp tái phạm một sai phạm nghiêm trọng trong thời gian năm năm, các Quốc gia thành viên phải áp dụng việc xử phạt ở mức tối đa tức là ít nhất gấp tám lần giá trị của sản phẩm thủy sản sai phạm nghiêm trọng thu được.

Khi áp dụng các biện pháp trừng phạt đó, các Quốc gia thành viên đồng thời phải xem xét mức độ tác hại đối với nguồn lợi thủy sản và môi trường biển liên quan.

3. Các Quốc gia thành viên có thể đồng thời hoặc thay vào đó áp dụng sử phạt hình sự một cách hiệu quả, đích đáng và mang tính chất răn đe.

Điều 45. Các biện pháp xử phạt kèm theo

Có thể tiến hành các biện pháp xử phạt khác kèm theo các biện pháp trong Chương này:

1. tịch thu tạm thời tàu đánh cá vi phạm;

2. thu hồi tạm thời tàu đánh cá vi phạm;

3. tịch thu sản phẩm thủy sản đánh bắt được và ngư cụ bị cấm;

4. tạm dừng hoặc thu hồi giấy phép đánh bắt cá;

5. giảm bớt hoặc thu hồi quyền đánh bắt cá;

6. tạm thời hoặc vĩnh viễn tước quyền được xin quyền đánh bắt mới;

7. cấm tạm thời hoặc vĩnh viễn tiếp cận tới hỗ trợ hoặc trợ cấp công; tạm dừng hoặc thu hồi quy chế đối tác kinh tế được phê duyệt được trao theo Điều 16(3).

Điều 46. Mức xử phạt chung và các biện pháp xử phạt kèm theo

Mức xử phạt chung và các biện pháp xử phạt kèm theo phải được tính toán sao cho chúng đảm bảo ngăn cấm các hoạt động tạo ra lợi ích kính tế từ các sai phạm nghiêm trọng đó mà không phương hại tới quyền hợp pháp thực hành một nghề. Để đạt mục đích này, đồng thời phải cân nhắc các biện pháp thi hành tức thì theo Điều 43.

Điều 47. Nghĩa vụ pháp lý của pháp nhân

1. Pháp nhân phải chịu trách nhiệm pháp lý về các sai phạm nghiêm trọng khi những sai phạm nghiêm trọng đó do bất kỳ thể nhân nào gây ra phục vụ cho lợi ích của họ, được thực hiện đơn thân hoặc với tư cách là một phần của một bộ phận của pháp nhân và có vị trí quyết định trong nội bộ pháp nhân đó dựa vào:

(a) quyền đại diện của pháp nhân; hoặc

(b) được ủy quyền ra quyết định thay mặt cho pháp nhân; hoặc

(c) được ủy quyền kiểm soát trong nội bộ pháp nhân

2. Một pháp nhân có thể phải chịu trách nhiệm khi thể nhân đề cập tới trong khoản 1 không giám sát hoặc kiểm soát đầy đủ khiến cho một thể nhân dưới quyền của pháp nhân đó gây ra vi phạm nghiêm trọng phục vụ cho lợi ích của pháp nhân đó.

3. Nghĩa vụ pháp lý của một pháp nhân phải bao gồm khởi kiện thể nhân là thủ phạm, chủ mưu hoặc đồng phạm trong vi phạm nghiêm trọng liên quan.

Chương X

THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH DO CÁC TỔ CHỨC QUẢN LÝ NGHỀ CÁ KHU VỰC THÔNG QUA LIÊN QUAN TỚI GIÁM SÁT TÀU ĐÁNH CÁ

Điều 48. Giám sát trên biển

1. Các quy định trong Chương này được áp dụng cho các hoạt động đánh bắt cá tuân theo các quy tắc về giám sát trên biển do các tổ chức quản lý nghề cá khu vực thông qua mà Cộng đồng có ràng buộc.

2. Trong trường hợp một cơ quan có thẩm quyền của một Quốc gia thành viên chịu trách nhiệm thanh tra trên biển phát hiện thấy một tàu đánh cá thực hiện các hoạt động có thể coi là đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, cơ quan này phải báo cáo về phát hiện đó. Báo cáo và kết quả điều tra trên tàu cá đó của Quốc gia thành viên phải được coi là bằng chứng sử dụng để xác định và tiến hành các cơ chế thi hành quy định này.

3. Trong trường hợp chủ tàu cá của Cộng đồng hoặc nước thứ ba phát hiện thấy một tàu cá thực hiện các hoạt động nêu trong khoản 2, chủ tàu đó có thể ghi chép lại càng nhiều thông tin càng tốt về phát hiện đó, ví dụ:

(a) tên và mô tả tàu đánh cá;

(b) tín hiệu của tàu đánh cá;

(c) số đăng ký và nếu có, số hiệu Lloyds IMO của tàu đánh cá;

(d) quốc gia tàu đánh cá treo cờ;

(e) vị trí (kinh độ, vĩ độ) vào thời điểm phát hiện đầu tiên;

(f) thời gian/ngày/giờ phối hợp quốc tế UTC khi phát hiện đầu tiên;

(g) ảnh chụp tàu đánh cá để minh chứng cho việc phát hiện;

(h) bất kỳ thông tin phù hợp nào về các hoạt động quan sát được của tàu các liên quan.

4. Báo cáo giám sát phải được gửi ngay tới cơ quan có thẩm quyền của Quốc gia thành viên có cờ treo trên tàu đánh cá bị nghi vấn, cơ quan này sau đó phải chuyển chúng càng sớm càng tốt tới Ủy ban hoặc một cơ quan mà Ủy ban chỉ định. Ủy ban hoặc cơ quan được Ủy ban chỉ định phải ngay lập tức thông tin cho Quốc gia có cờ treo trên tàu cá bị phát hiện và nếu phù hợp, tới Thư ký điều hành của các tổ chức quản lý nghề cá khu vực liên quan để hành động theo các quy định của các tổ chức này.

5. Quốc gia thành viên nhận được báo cáo giám sát về các hoạt động của tàu đánh cá treo cờ nước mình từ cơ quan có thẩm quyền của bên ký kết thành lập tổ chức quản lý nghề cá khu vực phải thông báo về báo cáo và tất cả các thông tin liên quan càng sớm càng tốt cho Ủy ban hoặc cơ quan được Ủy ban ủy quyền, sau đó Ủy ban hoặc cơ quan đuợc Ủy ban ủy quyền phải chuyển những thông tin đó cho Thư ký điều hành của tổ chức quản lý nghề cá khu vực liên quan để tiến hành hành động tiếp theo tuân theo các biện pháp mà tổ chức này thông qua nếu phù hợp.

6. Điều này phải được áp dụng mà không phương hại tới các quy định của các tổ chức quản lý nghề cá khu vực mà Cộng đồng là một bên ký kết.

Điều 49. Nộp thông tin liên quan tới tàu đánh cá bị phát hiện có nghi vấn

1. Các Quốc gia thành viên có thông tin phù hợp về các tàu đánh cá bị phát hiện phải chuyển chúng ngay lập tức tới Ủy ban hoặc cơ quan được Ủy ban chi định theo mẫu được xác định phù hợp với quy trình đề cập tới trong Điều 54 (2).

2. Ủy ban hoặc cơ quan được Ủy ban ủy quyền đồng thời phải nghiên cứu một cách đầy đủ các thông tin được ghi chép lại về tàu đánh cá bị phát hiện được nộp bởi công dân, các tổ chức xã hội dân sự, bao gồm các tổ chức môi trường, cũng như đại diện của các nhóm lợi ích về thủy sản hoặc thương mại thủy sản nộp.

Điều 50. Điều tra các tàu đánh cá bị phát hiện, nghi vấn

1. Các Quốc gia thành viên phải càng sớm càng tốt khởi hành điều tra về các hoạt động của tàu đánh cá treo cờ nước mình bị phát hiện theo Điều 49.

2. Các Quốc gia thành viên phải thông báo, nếu có, bằng phương tiện điện tử, cho Ủy ban hoặc cơ quan do Ủy ban chỉ định các thông tin chi tiết về việc tiến hành điều tra và bất kỳ hành động nào đã và sẽ được thực hiện về các tàu đánh cá bị phát hiện treo cờ của nước mình càng sớm càng tốt và trong bất kỳ trường hợp nào trong thời gian hai tháng từ ngày thông báo về báo cáo theo Điều 48(4). Ủy ban hoặc cơ quan do Ủy ban chỉ định phải được gửi các báo cáo tiến độ điều tra các hoạt động của tàu đánh cá bị phát hiện theo định kỳ phù hợp. Báo cáo cuối cùng khi điều tra kết thúc phải được gửi cho Ủy ban hoặc cơ quan do Ủy ban chỉ định.

3. Các Quốc gia thành viên chứ không phải Quốc gia thành viên tàu treo cờ phải, khi phù hợp, kiểm chứng liệu các tàu đánh cá bị phát hiện nghi vấn được báo cáo có thực hiện các hoạt động tại vùng biển dưới quyền tài phán của họ hoặc liệu các sản phẩm thủy sản từ các tàu đó có được mang lên đất liền hoặc nhập khẩu vào lãnh thổ của họ không và phải điều tra hồ sơ của họ về việc tuân thủ các biện pháp quản lý và bảo tồn phù hợp. Các Quốc gia thành viên phải thông báo ngay lập tức cho Ủy bản hoặc cơ quan do Ủy ban ủy quyền và cho Quốc gia thành viên liên quan tàu treo cờ về kết quả thẩm tra và điều tra.

4. Ủy bản hoặc cơ quan do Ủy ban ủy quyền phải thông tin cho tất cả các Quốc gia thành viên về thông tin nhận được phù hợp với khoản 2 và 3.

5. Điều này phải được áp dụng mà không phương hại tới các quy định trong Chương V của Quy định số 2371/2002 (EC) và các quy định được thông qua bởi các tổ chức quản lý nghề cá khu vực mà Cộng đồng là một bên ký kết.

Chương XI

HỖ TRỢ LẪN NHAU

Điều 51. Hỗ trợ lẫn nhau

1. Các cơ quan hành chính chịu trách nhiệm thực hiện Quy định này tại các Quốc gia thành viên phải phối hợp với nhau; với các cơ quan hành chính của nước thứ ba và với Ủy ban để đảm bảo Quy định này được tuân thủ.

2. Để đạt được mục đích của khoản 1, một hệ thống hỗ trợ lẫn nhau phải được thiết lập bao gồm một hệ thống thông tin tự động, hệ thống thông tin về đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định do Ủy ban hoặc cơ quan do Ủy ban chỉ định quản lý để hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, điều tra và truy tố việc đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

3. Các quy định cụ thể trong việc áp dụng Chương này phải được thông qua phù hợp với quy trình nêu trong Điều 54(2).

Chương XII

NHỮNG ĐIỀU KHOẢN CUỐI

Điều 52. Điều khoản thi hành

Các biện pháp cần thiết để thi hành các điều khoản trong Quy định này phải được thông qua phù hợp với quy trình nêu trong Điều 54(2).

Điều 53. Hỗ trợ tài chính

Các Quốc gia thành viên có thể yêu cầu các đối tượng liên quan đóng góp chi phí liên quan tới việc thực hiện Quy định này.

Điều 54. Quy trình của Ủy ban

1. Hệ thống các Ban phải hỗ trợ Ủy ban theo Điều 30 của Quy định số (EC) No 2371/2002.

2. Đối với những quy định đề cập tới khoản này, Điều 4 và 7 của Quyết định số 1999/468/EC phải được áp dụng.

Thời gian nêu trong Điều 4(3) của Quyết định số 1999/468/EC phải là một tháng.

Điều 55. Nghĩa vụ báo cáo

1. Hai năm một lần, các Quốc gia thành viên phải chuyển báo cáo áp dụng Quy định này tới Ủy ban không muộn hơn ngày 30 tháng 3 của năm tiếp theo.

2. Trên cơ sở báo cáo do các Quốc gia thành viên nộp và quan sát của mình, ba năm một lần Ủy ban phải chuẩn bị báo cáo nộp cho Nghị viện và Hội đồng Châu Âu.

3. Ủy ban phải đánh giá tác động của Quy định về đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định vào ngày 29 tháng 10 năm 2013.

Điều 56. Bãi bỏ luật

Bãi bỏ các Các điều 28b(2), 28e, 28f, 28g và Điều 31(2)(a) của Quy định (EEC) số 2847/93, Quy định (EC) số 1093/94, Quy định (EC) số 1447/1999, Điều 8, 19a, 19b, 19c, 21, 21b, 21c

Quy định (EC) số 1936/2001 và Điều 26a, 28, 29, 30 và 31 Quy định (EC số 601/2004, hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2010.

Tham khảo đối với các Quy định được bãi bỏ phải được hiểu là tham khảo cho Quy định này.

Điều 57. Hiệu lực thi hành

Quy định này có hiệu lực từ ngày công bố trên Tạp chí chính thức của Liên minh Châu Âu.

Quy định này được áp dụng từ ngày 1 tháng 1 năm 2010.

Quy định này phải được áp dụng trọn vẹn và trực tiếp tại tất cả các Quốc gia thành viên.

 

 

Brussels, 29 tháng 9 năm 2008.

THAY MẶT HỘI ĐỒNG
CHỦ TỊCH




M. BARNIER

 

PHỤ LỤC I

DANH MỤC SẢN PHẨM KHÔNG BAO GỒM TRONG ĐỊNH NGHĨA CÁC “SẢN PHẨM THỦY SẢN” TRONG ĐIỂM 8 CỦA ĐIỀU 2

— Sản phẩm thủy sản nước ngọt

— Sản phẩm nuôi trồng thủy sản từ cá bột và cá hương

— Cá cảnh

— Sò, hàu, tươi sống

— Điệp bao gồm sò điệp, giống trai lược (genera Pecten), Chlamys hay Placopecten, sống, tươi hoặc để lạnh

— Sò St Jacques (Pecten maximus), đông lạnh

— Các loại sò điệp khác, tươi hoặc ướp lạnh

— Trai sông

Ốc không phải lấy từ biển

Động vật thân mền chế biến và bảo quản

 

PHỤ LỤC II

 CHỨNG CHỈ ĐÁNH BẮT VÀ CHỨNG CHỈ TÁI XUẤT CỦA CỘNG ĐỒNG CHUNG CHÂU ÂU

 

Chứng chỉ đánh bắt của Cộng đồng chung Châu Âu

Số tài liệu

Cơ quan chứng thực

1. Tên

Địa chỉ

Tel.

Fax

2. Tên tàu đánh cá

Cờ -Cảng nội địa và số đăng ký

Tín hiệu

Số IMO/Lloyd’s (nếu có)

 

Số giấy phép đánh cá – giá trị đến

Số Inmarsat, Fax, Tel, địa chỉ Email (nếu có)

 

3. Mô tả sản phẩm

Loại chế biến được cấp phép trên tàu

4. Tài liệu tham khảo các biện pháp quản lý và bảo tồn

 

Loài

Mã sản phẩm

Khu vực đánh bắt và ngày

Trọng lượng sống dự đoán (kg)

Trọng lượng dự đoán chuyển lên đất liền

Trọng lượng trên đất liền được chứng nhận (kg)

Khi phù hợp

 

 

 

 

 

 

 

5. Tên chủ tàu đánh cá – chữ ký – con dấu

6. Khai báo chuyển hàng trên biển

Chữ ký và ngày tháng

Ngày chuyển hàng/khư vực/vị trí

Trọng lượng dự kiến (kg)

Tên chủ tàu nhận

Chữ ký

Tên tàu

Tín hiệu

Số IMO/Lloyd’s (nếu có)

 

7. Giấy phép chuyển hàng trong khu vực cảng

Tên

Chính quyền

Chữ ký

Địa chỉ

Tel

Cảng đến

Ngày đến

Đóng dấu

 

8. Tên và địa chỉ nhà xuất khẩu

Chữ ký

Ngày

Đóng dấu

 

9. Chứng thực của chính quyền Quốc gia có cờ được treo

Tên

Chữ ký

Ngày

Đóng dấu

 

10. Thông tin vận tải (xem phụ lục)

11. Khai báo của nhà nhập khẩu

Tên, địa chỉ nhà nhập khẩu

Chữ ký

Ngày

Đóng dẫu

Mã CN sản phẩm

 

Văn bản theo điều 14(1), (2) của Quyết định số …../2008 (EC)

Tham khảo

 

 

 

 

12. Kiểm soát nhập khẩu – chính quyền

Địa điểm

Nhập khẩu được cấp phép (*)

Nhập khẩu bị treo (*)

Thẩm tra được yêu cầu – Ngày

 

Khai báo hải quan (nếu có)

Số

Ngày

Địa điểm

 

Đánh dấu √ nếu phù hợp

 

CHỨNG NHẬN TÁI XUẤT CỦA CỘNG ĐỒNG CHUNG CHÂU ÂU

 

Số chứng nhận

Ngày

Quốc gia thành viên

 

 

1. Mô tả sản phẩm tái xuất

Trọng lượng (kg)

 

 

Loài

Mã sản phẩm

Cân đối từ tổng trọng lượng khai báo trong chứng nhận khai thác

 

 

2. Tên nhà tái xuất

Địa chỉ

Chữ ký

Ngày tháng

 

 

3. Chính quyền

Tên

Chữ ký

Ngày tháng

Đóng dấu

 

 

4. Kiểm soát tái xuất

Địa điểm

Tái xuất được cấp phép (*)

Thẩm tra được yêu cầu (*)

Số khai báo tái xuất và ngày tháng

 

 

Đánh dấu √ nếu phù hợp

 

PHỤ LỤC

THÔNG TIN VẬN TẢI

 

Quốc gia xuất

Cảng/sân bay/địa điểm xuất hàng khác

 

2. Chữ ký của nhà xuất khẩu

Tên tàu và cờ

 

Số máy bay/số vận đơn hàng không

 

Quốc tịch xe và số đăng ký

 

Số vận đơn đường sắt

 

Các giấy tờ vận tải khác

 

Số container

 

Danh sách kèm theo

Tên

Địa chỉ

Chữ ký

 

PHỤ LỤC III

KHAI BÁO CỦA QUỐC GIA TÀU TREO CỜ

1. Nội dung khai báo của Quốc gia tàu treo cờ theo Điều 20

Ủy ban phải yêu cầu Quốc gia tàu treo cờ thông báo tên, địa chỉ và con dấu chính thức của các cơ quan công quyền trên lãnh thổ nước họ có thẩm quyền:

(a) cấp đăng ký tàu đánh cá dưới cờ nước mình;

(b) cấp, treo và thu hồi giấy phép đánh bắt cho tàu đánh cá nước mình

(c) chứng nhận sự trung thực của thông tin cung cấp trong giấy chứng nhận khai thác đề cập tới trong Điều 13 và chứng thực các giấy chứng nhận đó;

(d) thực hiện, kiểm soát và thi hành luật, các Quy định và các biện pháp quản lý và bảo tồn mà các tàu đánh cá nước mình phải tuân theo;

(e) Chứng thực các giấy chứng nhận khai thác để hỗ trợ các cơ quan chức năng của các Quốc gia thành viên thông qua việc phối hợp về hành chính đề cập tới trong Điều 20(4);

(f) thông tin về các biểu mẫu giấy chứng nhận khai thác phù hợp với mẫu ở Phụ lục II; và

(g) cập nhật nội dung khai báo đó.

2. Cơ chế chứng từ khai thác của các tổ chức quản lý nghề cá khu vực đề cập tới trong Điều 13: nơi mà cơ chế chứng từ khai thác thủy sản được một tổ chức quản lý nghề cá khu vực thông qua được thừa nhận là cơ chế cấp chứng nhận khai thác phục vụ mục đích của Quy định này, thì các thông báo của Quốc gia tàu treo cờ theo các hồ sơ chứng từ khai thác được cho là soạn thảo theo các quy định trong Khoản 1 của Phụ lục này và các điều khoản của Phụ lục này được cho là áp dụng điều khoản mutatis mutandis.

 

PHỤ LỤC IV

TUYÊN BỐ THEO ĐIỀU 14(2) CỦA QUY ĐỊNH SỐ (EC) NO 1005/2008 CỦA HỘI ĐỒNG NGÀY 29 THÁNG 9 NĂM 2008 VỀ VIỆC XÂY DỰNG MỘT HỆ THỐNG PHÒNG NGỪA, NGĂN CHẶN VÀ XÓA BỎ CÁC HOẠT ĐỘNG ĐÁNH BẮT BẤT HỢP PHÁP, KHÔNG BÁO CÁO VÀ KHÔNG THEO QUY ĐỊNH

Tôi khẳng định rằng sản phẩm thủy sản chế biến (mô tả sản phẩm và mã danh pháp tổng hợp) được lấy từ sản phẩm đánh bắt nhập khẩu theo chứng chỉ đánh bắt dưới đây:

Số chứng chỉ đánh bắt

Tên tàu và cờ

Ngày thông qua

Mô tả việc đánh bắt

Tổng trọng lượng cập bờ (kg)

Sản phẩm đánh bắt chế biến (kg)

Sản phẩm thủy sản chế biến

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tên và địa chỉ của nhà máy chế biến

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Tên và địa chỉ của nhà xuất khẩu (nếu khác với nhà máy chế biến):

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Số phê duyệt của nhà máy chế biến:

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

 

Số chứng nhận sức khỏe và ngày tháng:

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

 

Người chịu trách nhiệm của nhà máy chế biến

Chữ ký

Ngày:

Địa điểm:

 

 

 

Xác nhận của cơ quan chức năng:

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . ..

 

Cán bộ:

Chữ ký và đóng dấu

Ngày:

Địa điểm:

 

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quy định 1005/2008 về thiết lập một hệ thống trong cộng đồng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, sửa đổi quy định (EEC) 2847/93, (EC) 1936/2001 và (EC) 601/2004, bãi bỏ quy định (EC) 1093/94 và (EC) 1447/1999 do Hội đồng Liên minh Châu Âu ban hành

  • Số hiệu: 1005/2008
  • Loại văn bản: Quy định
  • Ngày ban hành: 29/09/2008
  • Nơi ban hành: Hội đồng Liên minh Châu Âu
  • Người ký: M. Barnier
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản