Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP - BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 721/QC-BTP-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 14 tháng 03 năm 2016

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT VIỆC NUÔI CON NUÔI ĐỐI VỚI TRẺ EM ĐANG ĐƯỢC CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG TẠI CÁC CƠ SỞ TRỢ GIÚP XÃ HỘI

Căn cứ Luật Nuôi con nuôi ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi;

Căn cứ Nghị định số 71/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em;

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Nhằm nâng cao hiệu quả thi hành Luật nuôi con nuôi, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và tăng cường sự phối hợp giữa hai Bộ, Bộ Tư pháp và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất ký kết “Quy chế phối hợp công tác giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội” như sau:

I. MỤC ĐÍCH, NGUYÊN TẮC VÀ PHƯƠNG THỨC PHỐI HỢP

1. Mục đích của việc phối hợp

a) Nâng cao hiệu quả thi hành Luật Nuôi con nuôi, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Xã hội trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi.

b) Giải quyết kịp thời, tạo điều kiện để trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội (bao gồm: cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật, trung tâm công tác xã hội) được cho làm con nuôi theo quy định của pháp luật.

2. Nguyên tắc phối hợp

a) Thực hiện theo đúng quy định của Luật nuôi con nuôi, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, các văn bản hướng dẫn thi hành và các điều ước quốc tế về nuôi con nuôi, về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

b) Không cản trở việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

c) Chủ động, thường xuyên, chặt chẽ và kịp thời trong việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan.

3. Phương thức phối hợp

a) Trao đổi ý kiến bằng văn bản hoặc cung cấp thông tin bằng văn bản theo yêu cầu giải quyết công việc; nếu cần tổ chức họp liên ngành nhằm thống nhất các biện pháp thực hiện nhiệm vụ.

b) Tổ chức hội thảo, tập huấn, hội nghị sơ kết, tổng kết.

c) Hàng năm thành lập đoàn công tác liên ngành hoặc theo yêu cầu vụ việc.

d) Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

II. NỘI DUNG PHỐI HỢP

1. Đôn đốc các địa phương hướng dẫn các cơ sở trợ giúp xã hội đánh giá trẻ em có nhu cầu được nhận làm con nuôi và lập danh sách trẻ em có nhu cầu được nhận làm con nuôi theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 15 Luật Nuôi con nuôikhoản 1 và khoản 2 Điều 6 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi.

2. Hướng dẫn các địa phương, cơ sở trợ giúp xã hội trong việc rà soát và đánh giá năng lực các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh, thành phố; thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường năng lực cho cơ sở trợ giúp xã hội, không phân biệt cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập trong việc giải quyết nuôi con nuôi theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi.

3. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội, cộng tác viên công tác xã hội thuộc các cơ sở trợ giúp xã hội trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi; tổ chức các hội nghị, hội thảo về thực hiện tốt chính sách pháp luật nuôi con nuôi và các điều ước quốc tế về nuôi con nuôi, về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

4. Định kỳ 06 tháng một lần, Bộ Tư pháp và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo cho nhau về tình hình lập danh sách trẻ em có nhu cầu được nhận làm con nuôi và tình hình giải quyết việc nuôi con nuôi trên phạm vi toàn quốc.

5. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi, Quy chế phối hợp, nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp

a) Chủ trì, làm đầu mối thực hiện Quy chế này. Theo dõi, đánh giá tình hình phối hợp trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi.

b) Chỉ đạo hướng dẫn địa phương thực hiện những nhiệm vụ sau:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ sở trợ giúp xã hội trong việc ưu tiên giải quyết cho trẻ em làm con nuôi trong nước, trước khi cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.

- Kiểm tra, đôn đốc cơ sở trợ giúp xã hội trong việc cho nhận con nuôi theo đúng quy định của pháp luật.

c) Giao Cục Con nuôi thuộc Bộ Tư pháp thực hiện những nhiệm vụ được giao tại Quy chế này và những nhiệm vụ sau:

- Thông báo tình hình phát triển của trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài, tình hình hoạt động của các Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam khi có yêu cầu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc quản lý hoạt động của các Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam và các khoản hỗ trợ của cha mẹ nuôi hoặc của Văn phòng con nuôi nước ngoài, nếu có.

- Xây dựng, chương trình, kế hoạch phối hợp trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi và tổ chức thực hiện.

2. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Chỉ đạo, hướng dẫn địa phương thực hiện những nhiệm vụ sau:

- Rà soát, đánh giá năng lực các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, thành phố trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em; trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh củng cố, kiện toàn cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cơ sở trợ giúp xã hội trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em.

- Đôn đốc các cơ sở trợ giúp xã hội đánh giá nhu cầu và lập danh sách trẻ em được nhận làm con nuôi theo đúng quy trình nghiệp vụ công tác xã hội.

b) Cử cán bộ tham gia đoàn công tác liên ngành theo đề xuất của cơ quan chủ trì và tạo điều kiện cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ được giao.

c) Đôn đốc, theo dõi, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện công tác phối hợp trong lĩnh vực quản lý của mình gửi cơ quan chủ trì tổng hợp và theo dõi chung.

d) Giao Cục Bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Cục Con nuôi thuộc Bộ Tư pháp tổ chức triển khai, theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện Quy chế này.

3. Kinh phí thực hiện

Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch công tác phối hợp và thực hiện nhiệm vụ được giao, các cơ quan liên quan lập dự toán ngân sách và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo kinh phí cho việc thực hiện Quy chế này.

4. Điều khoản thi hành

a) Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký.

b) Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị kịp thời phản ánh về Bộ Tư pháp để tổng hợp và phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan giải quyết./.

 

BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI




Phạm Thị Hải Chuyền

BỘ TRƯỞNG
BỘ TƯ PHÁP





Hà Hùng Cường


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (để báo cáo);
- Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc TƯ (để phối hợp chỉ đạo);
- Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ (để thực hiện);
- Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ (để thực hiện);
- Các cơ sở trợ giúp xã hội (để thực hiện);
- Cổng Thông tin điện tử BTP, BLĐTBXH (để đăng tải);
- Lưu: VT BTP, BLĐTBXH, Cục BTXH, Cục CN.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quy chế 721/QC-BTP-BLĐTBXH năm 2016 phối hợp công tác giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội do Bộ Tư pháp - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 721/QC-BTP-BLĐTBXH
  • Loại văn bản: Quy chế
  • Ngày ban hành: 14/03/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Hà Hùng Cường, Phạm Thị Hải Chuyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/03/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản