Hệ thống pháp luật

Chương 2 Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2000

Chương 2:

NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH, QUÁ CẢNH

Điều 4

1. Người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu (sau đây gọi chung là hộ chiếu) và phải có thị thực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp được miễn thị thực.

2. Người nước ngoài làm thủ tục xin cấp thị thực Việt Nam tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an, cơ quan lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.

Đơn xin cấp thị thực được trả lời trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

3. Người dưới 14 tuổi đã được khai báo trong đơn xin cấp thị thực của người dẫn đi, thì không phải làm riêng thủ tục xin cấp thị thực.

Điều 5

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời người nước ngoài vào Việt Nam gửi văn bản đề nghị tới cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao.

2. Văn bản đề nghị được trả lời trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản.

Điều 6

1. Người nước ngoài xin nhập cảnh được cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế của Việt Nam trong những trường hợp sau đây:

a) Vào dự tang lễ thân nhân, thăm thân nhân đang bị ốm nặng;

b) Xuất phát từ nước không có cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam;

c) Vào du lịch theo chương trình do các doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức;

d) Vào hỗ trợ kỹ thuật khẩn cấp cho công trình, dự án; cấp cứu người bị bệnh nặng, người bị tai nạn; cứu hộ thiên tai, dịch bệnh ở Việt Nam;

đ) Vì lý do khẩn cấp khác.

2. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an thực hiện việc cấp thị thực quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 7

1. Thị thực Việt Nam (sau đây gọi là thị thực) có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam.

2. Thị thực gồm các loại sau đây:

a) Thị thực một lần, có giá trị sử dụng một lần trong thời hạn không quá 12 tháng;

b) Thị thực nhiều lần, có giá trị sử dụng nhiều lần trong thời hạn không quá 12 tháng.

3. Thị thực không được gia hạn.

Thị thực đã cấp cho người nước ngoài có thể bị huỷ bỏ nếu thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 8Điều 9 của Pháp lệnh này.

Điều 8

1. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam chưa cho người nước ngoài nhập cảnh, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Không có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh này;

b) Giả mạo giấy tờ, cố ý khai sai sự thật khi làm thủ tục xin nhập cảnh;

c) Vì lý do phòng, chống dịch bệnh;

d) Vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam trong lần nhập cảnh trước;

đ) Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia, lý do đặc biệt khác theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an.

2. Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định cho người nước ngoài thuộc những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này nhập cảnh.

Điều 9

1. Người nước ngoài có thể bị tạm hoãn xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang là bị đơn trong các vụ tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động;

b) Đang có nghĩa vụ thi hành bản án hình sự;

c) Đang có nghĩa vụ thi hành bản án dân sự, kinh tế, lao động;

d) Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính.

2. Những trường hợp quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều này, nếu có bảo lãnh bằng tiền, tài sản hoặc có biện pháp khác để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ đó theo quy định của pháp luật Việt Nam, thì được xuất cảnh.

3. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án, cơ quan thi hành án từ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh trong những trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này.

Cơ quan có thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh phải ra quyết định giải toả tạm hoãn xuất cảnh khi không còn yêu cầu tạm hoãn xuất cảnh. Quyết định tạm hoãn xuất cảnh, quyết định giải toả tạm hoãn xuất cảnh phải được thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an để thực hiện.

4. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với người nước ngoài thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này theo đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

5. Người ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh, người đề nghị tạm hoãn xuất cảnh trái với quy định của Pháp lệnh này, nếu gây thiệt hại về vật chất cho người bị tạm hoãn xuất cảnh thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 10

Người quá cảnh được miễn thị thực; nếu có nhu cầu kết hợp vào Việt Nam tham quan, du lịch, thì được cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an giải quyết theo Quy chế do Bộ Công an ban hành.

Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2000

  • Số hiệu: 24/2000/PL-UBTVQH10
  • Loại văn bản: Pháp lệnh
  • Ngày ban hành: 28/04/2000
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nông Đức Mạnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 25
  • Ngày hiệu lực: 01/08/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH