Hệ thống pháp luật

Chương 2 Pháp lệnh chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam năm 2004

Chương 2:

ĐIỀU TRA ĐỂ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG TRỢ CẤP

Điều 8. Căn cứ tiến hành điều tra

1. Việc điều tra để áp dụng biện pháp chống trợ cấp được thực hiện khi có hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp của tổ chức, cá nhân đại diện cho ngành sản xuất trong nước.

Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp được coi là đại diện cho ngành sản xuất trong nước khi có hai điều kiện sau đây:

a) Khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa do họ sản xuất hoặc đại diện chiếm ít nhất 25% tổng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa tương tự của ngành sản xuất trong nước;

b) Khối lượng, số lượng hoặc trị giá của hàng hóa quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và của các nhà sản xuất trong nước ủng hộ việc nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp phải lớn hơn khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa tương tự của các nhà sản xuất trong nước phản đối yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp.

2. Bộ trưởng Bộ Thương mại có thể ra quyết định điều tra khi có bằng chứng rõ ràng về việc hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Điều 9. Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp

Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp được gửi đến cơ quan điều tra, bao gồm:

1. Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp có các nội dung sau đây:

a) Tên, địa chỉ và thông tin cần thiết khác của tổ chức, cá nhân có yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp;

b) Mô tả hàng hóa nhập khẩu là đối tượng bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp, trong đó có tên gọi của hàng hóa, các đặc tính cơ bản và mục đích sử dụng chính, mã số theo biểu thuế nhập khẩu hiện hành và mức thuế nhập khẩu đang áp dụng, xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu;

c) Mô tả khối lượng, số lượng, đơn giá và trị giá của hàng hóa nhập khẩu quy định tại điểm b khoản này trong thời hạn mười hai tháng trước khi nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp;

d) Mô tả khối lượng, số lượng, đơn giá và trị giá của hàng hóa tương tự được sản xuất trong nước trong thời hạn mười hai tháng trước khi nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp;

đ) Thông tin về các chính sách trợ cấp của Chính phủ nước ngoài, tình hình và hình thức trợ cấp;

e) Thông tin, số liệu, chứng cứ về thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước do hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra;

g) Tên, địa chỉ và thông tin cần thiết khác của tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp;

h) Yêu cầu cụ thể về việc áp dụng biện pháp chống trợ cấp, thời hạn áp dụng và mức độ áp dụng;

2. Tài liệu, thông tin liên quan khác mà tổ chức, cá nhân yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp cho là cần thiết.

Điều 10. Quyết định điều tra để áp dụng biện pháp chống trợ cấp

1. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, nếu xét thấy hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp chưa đầy đủ nội dung quy định tại Điều 9 của Pháp lệnh này, cơ quan điều tra phải thông báo cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ để bổ sung.

2. Thời hạn để bổ sung hồ sơ do cơ quan điều tra quy định nhưng không được ít hơn ba mươi ngày, kể từ ngày tổ chức, cá nhân được yêu cầu bổ sung hồ sơ nhận được thông báo.

3. Trước khi Bộ trưởng Bộ Thương mại ra quyết định điều tra, cơ quan điều tra phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp về các quy định chống trợ cấp của Việt Nam.

4. Trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ có đầy đủ nội dung quy định tại Điều 9 của Pháp lệnh này, Bộ trưởng Bộ Thương mại phải ra quyết định điều tra; trường hợp đặc biệt, thời hạn ra quyết định điều tra có thể được gia hạn nhưng không quá ba mươi ngày.

5. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày có quyết định điều tra để áp dụng biện pháp chống trợ cấp, cơ quan điều tra thông báo quyết định điều tra cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp và tổ chức, cá nhân, cơ quan có thẩm quyền của nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp và công bố cho các bên có liên quan khác.

6. Bộ trưởng Bộ Thương mại không được ra quyết định điều tra nếu tổ chức, cá nhân có yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp rút hồ sơ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 8 của Pháp lệnh này.

Điều 11. Các bên liên quan đến quá trình điều tra

Các bên liên quan đến quá trình điều tra bao gồm:

1. Tổ chức, cá nhân có hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp;

2. Tổ chức, cá nhân ở nước ngoài sản xuất hoặc xuất khẩu hàng hoá bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp;

3. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hoá bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp;

4. Tổ chức, cá nhân trong nước sản xuất hàng hoá tương tự;

5. Hiệp hội ngành hàng trong nước đại diện cho đa số tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hoá tương tự;

6. Hiệp hội ngành hàng nước ngoài đại diện cho đa số tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hoá bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp;

7. Tổ chức công đoàn hoặc các tổ chức khác đại diện cho quyền lợi của người lao động trong ngành sản xuất trong nước;

8. Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

9. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam;

10. Cơ quan có thẩm quyền của nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp;

11. Tổ chức, cá nhân khác mà quyền và lợi ích của họ có liên quan đến quá trình điều tra.

Điều 12. Cung cấp thông tin, tài liệu trong quá trình điều tra

1. Các bên liên quan đến quá trình điều tra quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh này có trách nhiệm cung cấp thông tin xác thực và tài liệu cần thiết theo yêu cầu của cơ quan điều tra.

2. Trường hợp thông tin, tài liệu cần thiết không được cung cấp theo đúng yêu cầu thì cơ quan điều tra quyết định dựa trên những thông tin, tài liệu sẵn có.

Điều 13. Nội dung điều tra để áp dụng biện pháp chống trợ cấp

Nội dung điều tra để áp dụng biện pháp chống trợ cấp bao gồm:

1. Xác định trợ cấp;

2. Xác định thiệt hại và đe dọa gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.

Điều 14. Xác định trợ cấp

Việc xác định trợ cấp được thực hiện theo quy định sau đây:

1. Xác định hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam, trợ cấp có tính riêng biệt và mức độ trợ cấp mà hàng hóa đó được hưởng;

2. Tổng giá trị trợ cấp. Cách tính tổng giá trị trợ cấp được quy định như sau:

a) Trường hợp trợ cấp là một khoản cấp không hoàn lại thì giá trị trợ cấp được tính trên cơ sở giá trị trợ cấp thực tế cấp cho tổ chức, cá nhân đó;

b) Trường hợp trợ cấp được cấp dưới hình thức một khoản vay thì giá trị trợ cấp được tính trên cơ sở chênh lệch giữa mức lãi suất phải trả cho khoản vay đó theo điều kiện thương mại bình thường và mức lãi suất mà tổ chức, cá nhân thực tế phải trả cho khoản vay đó;

c) Trường hợp trợ cấp được cấp dưới hình thức bảo lãnh vay thì giá trị trợ cấp được xác định trên cơ sở phần chênh lệch giữa mức lãi suất phải trả trong trường hợp không được bảo lãnh và mức lãi suất thực tế phải trả khi được bảo lãnh;

d) Trường hợp trợ cấp được cấp dưới hình thức chuyển giao cổ phần thì giá trị trợ cấp được xác định trên cơ sở lượng vốn thực tế mà doanh nghiệp được nhận;

đ) Trường hợp trợ cấp được cấp dưới hình thức Chính phủ hoặc cơ quan của Chính phủ mua hàng hóa, dịch vụ vào với giá cao hơn giá thị trường và bán ra với giá thấp hơn hoặc bằng giá thị trường cho tổ chức, cá nhân thì giá trị trợ cấp được xác định trên cơ sở phần chênh lệch giữa giá thị trường với giá thực tế mà Chính phủ hoặc cơ quan của Chính phủ phải trả cho hàng hóa, dịch vụ đó hoặc phần chênh lệch giữa giá mua vào với giá bán ra của Chính phủ hoặc cơ quan của Chính phủ cho tổ chức, cá nhân;

3. Giá trị trợ cấp được cấp dưới hình thức khác sẽ được tính một cách công bằng, hợp lý và không trái với thông lệ quốc tế.

Điều 15. Xác định thiệt hại và đe dọa gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước

Việc xác định thiệt hại và đe dọa gây ra thiệt hại được thực hiện theo quy định sau đây:

1. Việc xác định thiệt hại vật chất và nguy cơ gây thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước phải bảo đảm dựa trên những bằng chứng cụ thể;

2. Xác định mức độ thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước trên cơ sở xem xét các nội dung sau:

a) Số lượng, khối lượng hoặc trị giá hàng hóa nhập khẩu được hưởng trợ cấp đã và đang tăng lên đáng kể do giá bán thấp làm giảm thị phần của ngành sản xuất trong nước, thay đổi cơ cấu tiêu thụ, giảm năng suất của ngành sản xuất trong nước;

b) Giá hàng hóa nhập khẩu thấp do được hưởng trợ cấp dẫn đến giá hàng hóa do ngành sản xuất trong nước bị giảm theo;

c) Tác động của hàng hóa nhập khẩu được trợ cấp đối với các yếu tố về chỉ số kinh tế, năng suất, lợi nhuận của ngành sản xuất trong nước;

d) Tác động của hàng hóa nhập khẩu được trợ cấp trong tương quan với sản lượng của sản phẩm tương tự sản xuất trong nước. Trường hợp việc xác định đó không thực hiện được thì tác động này được đánh giá thông qua việc xem xét sản lượng của một nhóm sản phẩm nhất định hoặc một sản phẩm trong phạm vi hẹp nhất của sản phẩm tương tự sản xuất trong nước;

3. Khi hàng hóa nhập khẩu từ hai hay nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ cùng là đối tượng điều tra để áp dụng biện pháp chống trợ cấp thì cơ quan điều tra có thể đánh giá tác động của việc nhập khẩu từ các nước hoặc vùng lãnh thổ đó khi đã xác định được:

a) Tổng giá trị trợ cấp được áp dụng liên quan tới hàng hóa nhập khẩu từ từng nước hoặc vùng lãnh thổ là đáng kể và khối lượng hàng hóa nhập khẩu từ mỗi nước hoặc vùng lãnh thổ là đáng kể;

b) Điều kiện cạnh tranh giữa hàng hóa nhập khẩu với nhau và điều kiện cạnh tranh giữa hàng hóa nhập khẩu với hàng hóa do ngành sản xuất trong nước sản xuất để làm cơ sở hợp lý cho việc đánh giá tác động.

Điều 16. Tham vấn

1. Trước khi điều tra và trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra có thể tổ chức tham vấn với các bên liên quan đến quá trình điều tra quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh này để tạo điều kiện cho các bên trình bày ý kiến và cung cấp thông tin cần thiết.

2. Các bên liên quan đến quá trình điều tra không bắt buộc phải có mặt tại các cuộc tham vấn; nếu bên nào không có mặt tại các cuộc tham vấn thì lợi ích của bên đó liên quan đến việc áp dụng biện pháp chống trợ cấp vẫn được bảo đảm.

3. Việc tiến hành tham vấn không được gây cản trở đến quá trình điều tra và áp dụng biện pháp chống trợ cấp theo quy định của Pháp lệnh này.

Điều 17. Bảo mật thông tin

1. Cơ quan điều tra chịu trách nhiệm giữ bí mật thông tin được cung cấp khi nhận được yêu cầu thỏa đáng của các bên liên quan đến quá trình điều tra và yêu cầu các bên này cung cấp tóm tắt thông tin cần giữ bí mật.

2. Các bên liên quan đến quá trình điều tra được phép tiếp cận các thông tin đã cung cấp cho cơ quan điều tra, trừ thông tin cần giữ bí mật.

Điều 18. Thời hạn điều tra

1. Thời hạn điều tra để áp dụng biện pháp chống trợ cấp là không quá mười hai tháng, kể từ ngày có quyết định điều tra.

2. Trong trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Thương mại có thể quyết định gia hạn thời hạn điều tra nhưng không quá sáu tháng.

Điều 19. Kết luận sơ bộ

1. Trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày có quyết định điều tra, cơ quan điều tra công bố kết luận sơ bộ về các nội dung liên quan đến quá trình điều tra quy định tại các điều 13, 14 và 15 của Pháp lệnh này. Trường hợp đặc biệt, thời hạn công bố kết luận sơ bộ có thể được gia hạn nhưng không quá sáu mươi ngày.

2. Kết luận sơ bộ và các căn cứ chính để kết luận sơ bộ phải được thông báo bằng phương thức thích hợp cho các bên liên quan đến quá trình điều tra.

Điều 20. Kết luận cuối cùng

1. Khi kết thúc quá trình điều tra, cơ quan điều tra công bố kết luận cuối cùng về các nội dung liên quan đến quá trình điều tra quy định tại các điều 13, 14 và 15 của Pháp lệnh này.

2. Kết luận cuối cùng và các căn cứ chính để kết luận cuối cùng phải được thông báo bằng phương thức thích hợp cho các bên liên quan đến quá trình điều tra.

Điều 21. Chấm dứt điều tra

Bộ trưởng Bộ Thương mại quyết định chấm dứt điều tra trong các trường hợp sau đây:

1. Tổ chức, cá nhân có hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp tự nguyện rút hồ sơ;

2. Kết luận sơ bộ quy định tại Điều 19 của Pháp lệnh này có một trong những nội dung sau đây:

a) Không có trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam;

b) Khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hoá được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam không đáng kể;

c) Mức trợ cấp không đáng kể;

d) Không có thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Pháp lệnh chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam năm 2004

  • Số hiệu: 22/2004/PL-UBTVQH11
  • Loại văn bản: Pháp lệnh
  • Ngày ban hành: 20/08/2004
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn An
  • Ngày công báo: 10/09/2004
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH