Hệ thống pháp luật
Loading content, please wait a moment ...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 3133/TCT-CS

V/v: chính sách thuế đối với chênh lệch tỷ giá hối đoái

Hà Nội, ngày 07 tháng 08 năm 2007 

 

Kính gửi: Cục thuế tỉnh Hưng Yên

Trả lời công văn số 752/CT-CV ngày 22/3/2007 của Cục thuế tỉnh Hưng Yên về việc chính sách thuế đối với chênh lệch tỷ giá hối đoái, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Theo hướng dẫn tại công văn số 4594/BTC-TCT ngày 06/4/2006 của Bộ Tài chính về việc xử lý chênh lệch tỷ giá hối đoái thì:

- Các Khoản lỗ / lãi do chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các Khoản nợ phải thu, nợ phải trả có gốc ngoại tệ vào cuối năm tài chính được ghi nhận vào chi phí tài chính hoặc doanh thu hoạt động tài chính trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của năm tài chính. Doanh nghiệp không được tính vào chi phí hay thu nhập khi tính thuế TNDN đối với Khoản lãi / lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các Khoản nợ phải thu, nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính và cũng không được chia lợi nhuận hoặc trả cổ tức trên lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá lại cuối năm tài chính.

- Đối với Khoản chênh lệch tỷ giá thực tế phát sinh trong kỳ, doanh nghiệp được hạch toán doanh thu, chi phí và được tính vào thu nhập hoặc chi phí khi tính thuế TNDN.

Khoản chênh lệch tỷ giá được xác định tại thời Điểm thực tế phát sinh thanh toán các Khoản nợ so với thời Điểm phát sinh Khoản nợ đó.

2. Tại Điểm 2.1 Mục III phần I Thông tư số 55/2002/TT-BTC ngày 26/6/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam áp dụng cho doanh nghiệp, tổ chức có vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có hướng dẫn: Khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh (lãi, hoặc lỗ) khi thực hiện chuyển đổi từ đơn vị tiền tệ ghi sổ kế toán là Đồng Việt Nam sang một đơn vị tiền tệ ghi sổ khác và ngược lại không được hạch toán vào báo cáo kết quả kinh doanh mà phải phân loại coi như một phần riêng biệt của vốn chủ sở hữu và được xử lý khi thanh lý doanh nghiệp.

Việc xử lý chênh lệch tỷ giá trong trường hợp này được áp dụng đối với “Vốn góp của chủ sở hữu và các quỹ dự phòng thuộc vốn chủ sở hữu, lãi chưa chia quy đổi theo tỷ giá hối đoái cuối kỳ (ở thời Điểm chuyển đổi)” theo quy định tại Tiết b Điểm 2.1 nêu trên.

Căn cứ theo hướng dẫn trên, trường hợp Công ty TNHH sản xuất phụ tùng xe máy có Điều chỉnh giảm vốn góp và thanh toán trả lại vốn góp của các thành viên bằng ngoại tệ, khi thanh toán ngoại tệ trả cho các thành viên có phát sinh chênh lệch tỷ giá hối đoái so với thời Điểm góp vốn ban đầu thì Khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái này (lãi hoặc lỗ) không được hạch toán vào kết quả kinh doanh của đơn vị.

Tổng cục Thuế trả lời để Cục thuế tỉnh Hưng Yên được biết và hướng dẫn đơn vị thực hiện.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ Pháp chế, CST, CĐKT và KT;
- Ban HT, PC;
- Lưu VT, CS (2b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Phạm Duy Khương