Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1457/UBND-KT
V/v triển khai chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 4 năm 2020

 

Kính gửi:

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố;
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Sở Tài chính;
- Sở Giáo dục và Đào tạo;
- Liên đoàn Lao động thành phố;
- Bảo hiểm xã hội thành phố;
- Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP;
- Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP;
- Ủy ban nhân dân các quận - huyện.

Thực hiện Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Hội đồng nhân dân thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và cho chủ trương về một số chế độ để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; Hỗ trợ người lao động bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;

Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 10474/SLĐTBXH-LĐ ngày 15 tháng 4 năm 2020 về việc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Ủy ban nhân dân thành phố triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như sau:

I. Đối tượng và phạm vi thực hiện:

1. Đối tượng được hỗ trợ:

Người lao động bị mất việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định), bao gồm cả giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ làm việc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi chung là “người lao động”), gồm:

a) Người lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 5, Điều 32 Bộ luật Lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương theo quy định tại Khoản 3, Điều 116 Bộ luật Lao động.

b) Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

2. Phạm vi thực hiện:

a) Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, cá nhân đăng ký kinh doanh, đóng trụ sở chính trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do dịch Covid-19.

b) Trường mầm non ngoài công lập, nhóm, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đăng ký thành lập, đóng trụ sở chính trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn trong hoạt động do dịch Covid-19.

Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, cá nhân, trường mầm non ngoài công lập, nhóm, lớp mẫu giáo độc lập tư thục nêu trên sau đây gọi chung là “doanh nghiệp”.

II. Nguyên tắc thực hiện:

1. Hỗ trợ người lao động bị mất, thiếu việc làm, không có thu nhập, gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thành phố, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động.

2. Việc hỗ trợ phải bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để trục lợi, lợi dụng chính sách; thủ tục nhanh, gọn nhưng phải chặt chẽ.

3. Phát huy trách nhiệm của chính quyền cơ sở, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể giám sát trong tổ chức thực hiện chính sách.

III. Chính sách hỗ trợ người lao động làm việc theo hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương:

1. Điều kiện áp dụng:

Người lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 5, Điều 32 Bộ luật Lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương theo quy định tại Khoản 3, Điều 116 Bộ luật Lao động được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:

- Thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng liên tục trở lên trong giai đoạn từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2020; thời điểm bắt đầu tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01 tháng 02 năm 20201 trở đi.

- Có văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

- Đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến trước thời điểm tạm hoãn hoặc nghỉ việc không hưởng lương.

2. Mức và thời gian hỗ trợ:

a) Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/người/tháng.

b) Thời gian hỗ trợ: Chi hàng tháng theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, tối đa không quá 03 tháng, từ tháng 4 đến hết tháng 6 năm 2020.

3. Trình tự, thủ tục thực hiện:

a) Người lao động có đơn đề nghị được hỗ trợ trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương gửi đến người sử dụng lao động.

b) Người sử dụng lao động lập bảng tổng hợp danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; công khai bảng tổng hợp danh sách tại doanh nghiệp; đề nghị tổ chức công đoàn cơ sở (nếu có) xác nhận; đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận.

Tùy theo tình hình diễn biến thực tế của dịch Covid-19 và thời hạn thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, người sử dụng lao động lập danh sách đề nghị hỗ trợ cho người lao động.

c) Đối với người sử dụng lao động có trụ sở chính trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao: gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố.

Đối với người sử dụng lao động có trụ sở chính ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao: gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Ủy ban nhân dân quận, huyện nơi đặt trụ sở chính.

d) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện thẩm định, quyết định và chuyển đủ kinh phí hỗ trợ cho người lao động theo đúng danh sách đã được phê duyệt.

Trong trường hợp không hỗ trợ, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Phương thức chi trả:

a) Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố: chi hỗ trợ đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp có trụ sở chính trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

b) Ủy ban nhân dân quận, huyện:

Chi hỗ trợ đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp có trụ sở chính ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện chuyển kinh phí cho Ủy ban nhân dân phường, xã - thị trấn để hỗ trợ theo danh sách giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ có cơ sở trên địa bàn phường, xã.

IV. Chính sách hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp:

1. Điều kiện áp dụng:

Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động được hỗ trợ khi đủ các điều kiện sau đây:

a) Chấm dứt hợp đồng lao động trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 02 năm 20202 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2020, trừ trường hợp: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật hoặc hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

b) Không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

2. Mức và thời gian hỗ trợ:

a) Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/người/tháng.

b) Thời gian hỗ trợ: Chi hàng tháng theo thực tế người lao động bị mất việc làm do dịch Covid-19, tối đa không quá 03 tháng, từ tháng 4 đến hết tháng 6 năm 2020.

3. Trình tự, thủ tục thực hiện:

a) Người lao động có nhu cầu hỗ trợ nộp hồ sơ đề nghị trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố hoặc Ủy ban nhân dân quận, huyện (nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp mà người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động).

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố hoặc Ủy ban nhân dân quận, huyện thẩm định hồ sơ, quyết định và chuyển đủ kinh phí hỗ trợ cho người lao động.

V. Trách nhiệm thực hiện:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Hướng dẫn hồ sơ, biểu mẫu nêu tại Khoản 3 Mục III và Khoản 3 Mục IV Công văn này để doanh nghiệp, người lao động biết thực hiện.

Tiếp nhận, tổng hợp các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai (liên quan đến ngành lao động) để hướng dẫn. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo, xin ý kiến Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết.

Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố.

2. Sở Tài chính:

Hướng dẫn Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện lập dự toán, thẩm định dự toán trình Ủy ban nhân dân thành phố giao dự toán cho các đơn vị thực hiện theo quy định.

Tiếp nhận, tổng hợp các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện (liên quan đến ngành tài chính) để hướng dẫn. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo, xin ý kiến Ủy ban nhân nhân dân thành phố giải quyết.

Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện rà soát, thống kê, xác nhận danh sách giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ để tham mưu Ủy ban nhân dân quận, huyện quyết định hỗ trợ đúng đối tượng quy định.

4. Liên đoàn Lao động thành phố:

Quán triệt, tuyên truyền rộng rãi chính sách hỗ trợ của thành phố để công đoàn viên, người lao động thực hiện theo quy định.

Hướng dẫn, giám sát tổ chức công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động xác nhận danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ đúng đối tượng quy định.

Chỉ đạo Công đoàn các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố, Liên đoàn Lao động quận, huyện, phối hợp chặt với Ban Quản lý Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện thẩm định, quyết định hỗ trợ người lao động.

5. Bảo hiểm xã hội thành phố:

Hướng dẫn, xác nhận danh sách lao động nêu tại Điểm 3 Khoản 3 Mục III Công văn này.

Chỉ đạo Bảo hiểm xã hội quận, huyện phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện thẩm định, quyết định hỗ trợ người lao động.

6. Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện:

Hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo đúng đối tượng và thời gian quy định.

Lập dự toán gửi Sở Tài chính thẩm định, thực hiện chi hỗ trợ cho người lao động và thanh quyết toán kinh phí đối với các khoản chi hỗ trợ cho người lao động theo đúng quy định.

Phối hợp chặt chẽ giữa Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố, Ban quản lý Khu Công nghệ cao thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện thẩm định hồ sơ đối với doanh nghiệp có trụ sở trên địa bàn quản lý nhưng có cơ sở sản xuất đặt trong khu chế xuất, khu công nghiệp (thực hiện liên thông danh sách các đối tượng được hỗ trợ, để kiểm tra tránh trùng lắp).

Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

7. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành phố: chỉ đạo hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã - thị trấn, ấp, khu phố, tổ nhân dân, tổ dân phố phối hợp phổ biến, tuyên truyền, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động bị khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, đúng chính sách.

8. Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố:

Đôn đốc Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung được phân công để kịp thời hỗ trợ, chia sẻ với người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện cho Thường trực Thành ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, trên cơ sở đề xuất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính.

Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
-
Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ban KTNS HĐND TP;
- VPUB: CVP, các PVP;
- Phòng KT, VX;
- Lưu: VT, (KT/Cg).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Vĩnh Tuyến

 



1 Thời điểm Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 137/QĐ-TTg ngày 01/02/2020 về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra

2 Thời điểm Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 137/QĐ-TTg ngày 01/02/2020 về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Official Dispatch No. 1457/UBND-KT dated April 21, 2020 on adopting policy to support workers affected by Covid-19 pandemic in the city

  • Số hiệu: 1457/UBND-KT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 21/04/2020
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Trần Vĩnh Tuyến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản