Hệ thống pháp luật

QUỐC HỘI
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 1988

NGHỊ QUYẾT

VỀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1989

QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào điều 83 của Hiến pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam;
Sau khi xem xét báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng về Dự thảo ngân sách Nhà nước năm 1989;
Sau khi nghe thuyết trình của Ủy ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách của Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

1. Thông qua Dự toán ngân sách Nhà nước năm 1989 và giao cho Hội đồng Bộ trưởng điều hành theo hướng giảm bội chi ngân sách trên cơ sở đầy mạnh phát triển sản xuất, mở rộng lưu thông, tạo thêm nguồn thu, thu đúng, thu đủ, chống thất thu, chi đúng và tiết kiệm, xóa bỏ bao cấp, giảm tốc độ lạm phát, động viên từ 23% đến 25% thu nhập quốc dân sản xuất vào ngân sách Nhà nước; phấn đấu để mức bội chi ngân sách Nhà nước năm 1989 thấp hơn năm 1988.

2. Năm 1989, cần phát huy tác dụng tích cực của các chính sách và cơ chế quản lý kinh tế mới để chuyển mạnh hơn nữa các hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh doanh, nhằm phát huy mọi năng lực sản xuất của các thành phần kinh tế, coi trọng bảo đảm cân đối vật chất và tiền (kể cả ngoại tệ) cho sản xuất, đưa nhanh tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, chống hư hao, mất mát trong quá trình vận chuyển, bảo quản, sử dụng để tiết kiệm 5% đến 10% chi phí vật tư, nguyên liệu và năng lượng trong giá thành sản phẩm và phí lưu thông.

3. Hội đồng Bộ trưởng cần xúc tiến nghiên cứu xây dựng hoàn chỉnh hệ thống luật thuế áp dụng thống nhất cho các thành phần kinh tế trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Trước mắt, để bảo đảm thực hiện kế hoạch ngân sách Nhà nước năm 1989 và phát huy tốt vai trò hướng dẫn, khuyến khích, điều tiết sản xuất kinh doanh của chính sách thuế giao cho Hội đồng Nhà nước bổ sung, sửa đổi ngay những điều bất hợp lý trong các luật, pháp lệnh thuế hiện hành theo các nội dung sau đây:

a) Về thuế xuất, nhập khẩu:

Bỏ thuế hàng hóa nhập khẩu mậu dịch; bỏ chính sách kết hối ngoại tệ, thực hiện cơ chế mua bán ngoại tệ thông qua ngân hàng. Sửa biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu hàng mậu dịch và phi mậu dịch hiện hành nhằm khuyến khích xuất khẩu hàng hóa, khuyến khích nhập khẩu tư liệu sản xuất và bảo vệ sản xuất hàng hóa trong nước. Bỏ thuế nhập khẩu phi mậu dịch đối với lao động, chuyển gia và người đi công tác, học tập ở nước ngoài.

b) Về thuế công thương nghiệp:

- Tất cả các hộ sản xuất, vận tải, xây dựng, thương nghiệp, ăn uống, phục vụ thuộc khu vực kinh tế tập thể, cá thể đều phải đăng ký kinh doanh và làm đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.

- Chuyển một số mặt hàng thiết yếu đang chịu thuế hàng hóa sang thu thuế doanh nghiệp; hạ thuế suất đối với các mặt hàng thông dụng; tăng thuế suất một số mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng. Thực hiện mỗi mặt hàng chỉ chịu thuế hàng hóa một lần từ khi sản xuất đến khi tiêu thụ.

- Hạ thuế suất thuế doanh nghiệp đối với ngành sản xuất, xây dựng, vận tải, thương nghiệp nhằm khuyến khích sản xuất, mở rộng lưu thông và thực hiện thu đúng doanh số chịu thuế.

Áp dụng mức khởi điểm để tính thuế lợi tức là 30.000 đ/tháng; bỏ thuế lợi tức bổ sung đối với các cơ sở sản xuất, xây dựng, vận tải.

- Sửa các mức bằng tiền trong các luật, pháp lệnh về thuế cho phù hợp với thời giá.

c) Về thuế nông nghiệp:

Tùy sản lượng lương thực đã tăng, nhưng vẫn giữa mức thu thuế nông nghiệp 10% trên cơ sở sản lượng tính thuế bình quân 3 năm 1980 - 1982 là 15 triệu tấn như pháp lệnh hiện hành. Đưa thêm số diện tích đến hạn chịu thuế vào tính thuế; điều chỉnh hạng đất tính thuế cho sát đúng với tình hình thực tế và ở những vùng đất mà Nhà nước đầu tư xây dựng cơ bản đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Đối với cây lâu năm, phải tính và thu thuế sát với sản lượng thu hoạch và thu sát thời giá của sản phẩm nông nghiệp. Giảm hoặc miễn thuế cho đồng bào dân tộc ít người ở những vùng cao miền núi và đồng bào nghèo ở những căn cứ kháng chiến cũ đang gặp khó khăn.

- Thu và thanh lý dứt điểm nợ thuế từ trước đến nay.

- Tính thuế và thu thuế nông nghiệp đối với đất nông nghiệp của nông trường, lâm trường, trạm trại quốc doanh.

- Thực hiện miễn thuế nông nghiệp cho đất ở của nông dân theo mức diện tích đất ở của một hộ quy định tại điều 35 Luật Đất đai.

- Sửa biểu thuế, đối với cây lâu năm, cây công nghiệp ngắn ngày và cây ăn quả, bảo đảm sự công bằng về nghĩa vụ nộp thuế giữa người sản xuất cây hàng năm, cây lâu năm và người sản xuất lương thực. Sửa mức thu thuế muối để khuyến khích phát triển nghề muối và giảm bớt khó khăn cho đồng bào làm muối.

- Bỏ chế độ phụ thu đối với kinh tế cá thể; cấm lạm thu và đặt ra các khoản phụ thu sai pháp luật.

Khẩn trương củng cố bộ máy nghiệp vụ thu thuế gọn nhẹ, trong sạch, vững mạnh. Thực hiện pháp lệnh kế toán thống kê, mọi hoạt động mua bán phải có chứng từ, hóa đơn hợp lệ. Áp dụng các biện pháp triệt để chống thất thu các loại thuế, thu đúng, thu đủ và nộp đầy đủ các khoản thuế vào ngân sách Nhà nước. Các cấp, các ngành, các đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, động viên nhân dân và các tổ chức nghiêm chỉnh chấp hành chính sách thuế, làm tròn nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Xử lý nghiêm minh các hành vi trốn thuế, lậu thuế, vi phạm pháp luật thuế.

4. Thực hiện triệt để tiết kiệm chi trong mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ bản, hành chính sự nghiệp, quốc phòng, an ninh gắn liền với quá trình sắp xếp lại cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư và bộ máy Nhà nước.

Đổi mới chính sách, cơ chế quản lý để từ năm 1989 trở đi ngân sách Nhà nước không bù lỗ lương thực, không bù lỗ xuất nhập khẩu, không bù lỗ cho sản xuất kinh doanh.

Kiểm soát chặt chẽ vốn đầu tư xây dựng cơ bản và kiên quyết đình hoãn xây dựng những công trình ngoài kế hoạch chưa thật cần thiết và ít hiệu quả, kể cả ở trung ương và địa phương.

5. Thực hiện một số biện pháp để giảm bớt một phần khó khăn trong đời sống cán bộ, công nhân viên chức. Trong khu vực sản xuất kinh doanh, tiền lương phải gắn với kết quả tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của xí nghiệp. Đối với khu vực hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang và các đối tượng chính sách ngay từ đầu năm 1989 có biện pháp nâng dần mức thu nhập tiền lương thực tế; Hội đồng Bộ trưởng tích cực phấn đấu tạo nguồn thu để khi có điều kiện thì cải thiện thêm đời sống của các đối tượng nói trên. Chấm dứt tình trạng chậm trễ lương và tùy tiện dùng các nguồn thu của Nhà nước để tăng thu nhập không chính đáng, gây bất hợp lý trong việc phối hợp thu nhập.

6. Trên cơ sở Dự toán ngân sách Nhà nước năm 1980 đã được Quốc hội thông qua, giao ngay nhiệm vụ thu, chi cho các Bộ, các ngành, các địa phương để thực hiện.

Khẩn trương sửa đổi chế độ phân cấp quản lý ngân sách giữa trung ương và địa phương, bảo đảm vừa tập trung nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, vừa tạo điều kiện cho các địa phương chủ động bố trí ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội được giao.

7. Giao cho Hội đồng Bộ trưởng, Thủ trưởng các Bộ, các ngành và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp tổ chức chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉnh các điều quy định trong Nghị quyết này.

Giao cho Ủy ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thường trực khác giúp Quốc hội giám sát, kiểm tra và động viên các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở thực hiện thắng lợi Dự toán ngân sách Nhà nước năm 1989.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 22 tháng 12 năm 1988.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Lê Quang Đạo

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết về việc dự toán ngân sách nhà nước năm 1989 do Quốc hội ban hành

  • Số hiệu: khongso
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 22/12/1988
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Quang Đạo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản