Hệ thống pháp luật

QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 1989

NGHỊ QUYẾT

CỦA QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG VÀ BIỆN PHÁP NHẰM THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 1989 TRONG 6 THÁNG CUỐI NĂM

QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 83 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Sau khi nghe báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng về tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và những biện pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện kế hoạch năm 1989 trong 6 tháng cuối năm;
Sau khi nghe các thuyết trình của Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách, các Uỷ ban thường trực khác của Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ

I. Tán thành báo cáo của hội đồng bộ trưởng về đánh giá những tiến bộ, những khó khăn tồn tại và nguyên nhân của tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm và những biện pháp thực hiện trong 6 tháng cuối năm; nhất trí nhận định tình hình kinh tế nước ta có một số chuyển biến tích cực, đạt được một số tiến bộ quan trọng, tuy mới là bước đầu, chưa vững chắc; đồng thời cũng xuất hiện những khó khăn gay gắt mới về kinh tế - xã hội.

II. Quốc hội khẳng định những mục tiêu, nhiệm vụ, các phương hướng về chính sách và cơ chế quản lý kinh tế - xã hội đã được ghi trong Nghị quyết kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khoá VIII, tháng 12-1988 là đúng, cần được tiếp tục thực hiện trong 6 tháng cuối năm. Phương hướng chung vẫn là tiếp tục xoá bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, chuyển mạnh sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, không vì khó khăn mà quay về cơ chế quản lý cũ, nhưng cần làm từng bước vững chắc.

Quốc hội nhấn mạnh một số chủ trương và biện pháp trước mắt nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm như sau:

1. Về nông nghiệp:

Thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp gắn với mở rộng thị trường và tăng sức mua của nông dân, chú trọng:

- Tiếp tục thực hiện những chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp.

- Đáp ứng kịp thời các yêu cầu về vật tư, điện, nước..., cho sản xuất nông nghiệp.

- Bảo đảm đủ tiền để mua lương thực và nông sản khác với giá nông dân chấp nhận, không để thiệt cho nông dân.

- Bổ sung dự trữ lương thực của Nhà nước.

- Đẩy mạnh chế biến các loại nông sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

2. Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp.

Nhiệm vụ trung tâm trước mắt là phải khắc phục tình trạng sản xuất đình đốn, vật tư, hàng hóa tồn đọng lớn, tình trạng thiếu vốn, thiếu tiền mặt, người lao động không có việc làm trên diện rộng. Thực hiện tốt những việc cụ thể sau đây:

- Bảo đảm vốn, tiền mặt cần thiết đáp ứng yêu cầu và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị cơ sở.

- Tập trung sức tháo gỡ các vướng mắc trong lưu thông để giải toả nhanh vật tư, hàng hoá tồn đọng.

- Điều chỉnh lãi suất tín dụng ngân hàng cho phù hợp với từng ngành sản xuất kinh doanh và phù hợp với chỉ số giá cả thị trường để huy động được vốn, đáp ứng yêu cầu vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.

- Tính toán xác định lại mức khấu hao cơ bản, giá một số loại vật tư, mức thu quốc doanh..., phù hợp với thực tế và khả năng phấn đấu của phần lớn các đơn vị cơ sở trong bước chuyển đổi cơ chế quản lý hiện nay. Có biện pháp xử lý cụ thể phù hợp với từng loại đơn vị cơ sở và loại sản phẩm.

- Thanh toán dứt điểm các khoản nợ của các đơn vị sản xuất kinh doanh, giữa Trung ương và địa phương và các khoản bù chênh lệch xuất nhập khẩu; giải quyết nhanh tình trạng chiếm dụng vốn dây dưa giữa các đơn vị sản xuất kinh doanh.

- Sắp xếp lại các tổ chức sản xuất kinh doanh. Tạo điều kiện thuận lợi và đòi hỏi các đơn vị cơ sở phát huy quyền tự chủ, tính năng động trong sản xuất kinh doanh, theo hướng cải tiến quản lý, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng và đổi mới sản phẩm, gắn hơn nữa sản xuất với thị trường... Tăng cường phổ biến và tuyên truyền những kinh nghiệm hay của những điển hình tiên tiến làm ăn giỏi.

- Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với nước ngoài. Đẩy mạnh xuất nhập khẩu, tăng cường quản lý xuất nhập khẩu, quản lý chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước, khuyến khích tiêu dùng hàng nội.

3. Về ngân sách Nhà nước và tiền tệ.

- Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ngân sách Nhà nước năm 1989 đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4. Giao cho Hội đồng bộ trưởng cùng Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách của Quốc hội xử lý các vấn đề về ngân sách và tiền tệ phát sinh trong năm 1989; khi có vấn đề vượt quá quyền hạn của Hội đồng bộ trưởng thì Hội đồng Bộ trưởng trình Hội đồng Nhà nước để xử lý kịp thời và báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp cuối năm.

- Bằng mọi biện pháp phấn đấu tăng thu, thu đủ, thu đúng chính sách, đặc biệt chú ý khắc phục có hiệu quả tình trạng thất thu, nhất là thất thu thuế: bảo đảm các khoản chi cần thiết, tiết kiệm chi, cắt giảm các khoản chi không cấp thiết, nhằm giảm mức bội chi ngân sách và lạm phát.

- Xác định cho các tổ chức và cá nhân sản xuất kinh doanh nhận rõ trách nhiệm đối với đất nước, thực hiện đúng nghĩa vụ nộp thuế, đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

- Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp tăng cường trách nhiệm và có biện pháp kiện toàn tổ chức và cơ chế quản lý đối với hai ngành tài chính và ngân hàng. Các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể, các đơn vị kinh tế phải chấp hành nghiêm các chính sách, pháp luật và nguyên tắc về thu chi tài chính, về quản lý tiền mặt, xử lý nghiêm đối với các hành vi phạm.

4. Về lao động và đời sống.

- Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban nhân dân các cấp, các bộ các ngành ở Trung ương và các thành phố, thị xã, thị trấn phải coi việc giải quyết việc làm cho người lao động là một nhiệm vụ cấp bách để ổn định tình hình kinh tế - xã hội. Phương hướng chung là thực hiện các biện pháp để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh của các cơ sở kinh tế quốc doanh và tập thể, đồng thời tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế khác yên tâm bỏ vốn đầu tư, mở thêm cơ sở sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động.

- Sửa đổi, bổ sung chính sách, chế độ trợ cấp thôi việc đối với số lao động dôi ra do việc sắp xếp lại các tổ chức sản xuất kinh doanh, tinh giản biên chế. Ngân sách Nhà nước dành một khoản chi cần thiết cho việc này.

- Có chế độ trợ cấp đối với số lao động tạm thời không có việc làm ở những cơ sở trước mắt chưa khôi phục lại được hoạt động.

- Phải bằng mọi biện pháp giữ cho giá cả thị trường tương đối ổn định, phấn đấu bảo đảm trả lương và trợ cấp đúng kỳ hạn để giảm bớt khó khăn về đời sống cho công nhân viên chức, lực lượng vũ trang và các đối tượng chính sách xã hội.

5. Đối với miền núi và vùng dân tộc.

Các chủ trương, chính sách đối với miền núi và vùng dân tộc đã ghi trong Nghị quyết kỳ họp thứ 4 của Quốc hội về kinh tế - xã hội năm 1989 trong 6 tháng đầu năm thực hiện chưa được nhiều. Lưu ý Hội đồng bộ trưởng chỉ đạo thực hiện tốt hơn trong 6 tháng cuối năm.

6. Về văn hóa, thông tin.

- Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo các ngành văn hóa, thông tin và Uỷ ban nhân dân các cấp cùng với Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể động viên sức mạnh nhân dân, thực hiện tốt quyền quản lí nhà nước trên lĩnh vực thông tin, văn hoá, văn nghệ; chấm dứt ngay tình trạng phổ biến tràn lan các loại phim ảnh, băng hình, tiết mục sân khấu, băng nhạc, sách báo... có nội dung đồi truỵ, khiêu dâm, kích động bạo lực... Mọi hoạt động phi pháp phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời. Khắc phục khuynh hướng hoạt động văn hoá nhằm mục đích kinh doanh đơn thuần, lập lại trật tự lành mạnh trên lĩnh vực thông tin, văn hoá, nghệ thuật.

- Xây dựng và trình các dự án luật về hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa, nghệ thuật để Quốc hội và Hội đồng Nhà nước quyết định vào cuối năm nay và đầu năm sau.

7. Về công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Hội đồng Bộ trưởng và các cơ quan bảo vệ pháp luật tăng cường chỉ đạo và có các biện pháp thiết thực, có hiệu lực để tiếp tục thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 4 của Quốc hội về công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội nhằm chặn đúng những diễn biến xấu và phức tạp đang là mối lo ngại lớn trong nhân dân và dư luận xã hội. Trước hết phải lập lại kỷ cương pháp luật ngay trong một số cơ quan Nhà nước và cơ quan bảo vệ pháp luật. Từ nay đến cuối năm 1989 tập trung giải quyết một số việc sau đây:

- Các cơ quan bảo vệ pháp luật phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước khác, các tổ chức xã hội phát động cho được phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

- Kiện toàn tổ chức, làm trong sạch nội bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật, xử lý nghiêm minh những cán bộ, nhân viên vi phạm pháp luật, kỷ luật, xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Nhà nước. Hội đồng Nhà nước tiếp tục tiến hành kiểm tra tình hình thi hành pháp luật của các cơ quan này.

- Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng xem xét và giải quyết kịp thời các điều kiện cần thiết để các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện tốt nhiệm vụ.

III. Quốc hội yêu cầu Hội đồng bộ trưởng nắm chắc diễn biến của tình hình, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện kịp thời và đồng bộ các biện pháp cần thiết, phù hợp với thực tế; đồng thời, yêu cầu các cấp, các ngành, các đơn vị cơ sở nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Quốc hội giao nhiệm vụ cho các đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách và các Uỷ ban thường trực khác của Quốc hội giúp Quốc hội, Hội đồng Nhà nước theo dõi, giám sát tình hình thực hiện, động viên các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân tích cực thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.

Quốc hội kêu gọi đồng bào cả nước ra sức phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 1989.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1989.

Lê Quang Đạo

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết về một số chủ trương và biện pháp nhằm thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 1989 trong 6 tháng cuối năm do Quốc hội ban hành

  • Số hiệu: Khôngsố
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 30/06/1989
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Quang Đạo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/07/1989
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản