CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 88-CP | Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1996 |
Khoa học và công nghệ vật liệu là một tập hợp các ngành khoa học trong việc nghiên cứu thành phần, cấu trúc và quy trình gia công vật liệu để tạo ra vật liệu có các tính năng kỹ thuật cần thiết và sản xuất trên quy mô công nghiệp.
Công nghệ tiên tiến trong công nghiệp vật liệu đóng góp một phần quan trọng không thể thiếu được đối với sự tăng trưởng kinh tế, là cơ sở phát triển của nhiều ngành mới và sản phẩm mới, tạo điều kiện khai thác tối ưu các nguồn lực phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân và đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Nghị quyết này khái quát tình hình công nghiệp vật liệu ở nước ta hiện nay, xác định mục tiêu, phương hướng, nội dung phát triển khoa học và công nghệ vật liệu đến năm 2010 và các chủ trương, biện pháp chính nhằm thực hiện mục tiêu đã đề ra.
I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VẬT LIỆU Ở VIỆT NAM
1. Cho đến nay, Việt Nam phát triển công nghiệp vật liệu chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên và khoáng sản trong nước, tuy khá phong phú về chủng loại nhưng phức tạp về phương diện khai thác và chế biến. Nhìn chung, các mỏ khoáng sản đều có quy mô vừa và nhỏ, hàm lượng không cao, trữ lượng khai thác thấp và công nghệ tuyển còn lạc hậu.
2. Từ đầu những năm 60 ở miền Bắc và sau năm 1975 trên cả nước, Chính phủ đã chú trọng xây dựng nền công nghiệp nước nhà, đã hình thành một số ngành cùng với các khu, cụm công nghiệp vật liệu, trong đó có một số công trình lớn quan trọng và cải tạo một số công trình kết cấu hạ tầng, tạo cơ sở vật chất - kỹ thuật bước đầu để công nghiệp hoá đất nước.
Trong các ngành công nghiệp vật liệu, ngành thép Việt Nam đã được hình thành tương đối sớm. Trong hơn hai chục năm qua do không có điều kiện đổi mới thiết bị, cho nên công nghệ sản xuất khá lạc hậu. Những năm gần đây mới chỉ xây dựng thêm một số nhà máy cán thép, đưa sản lượng thép từ 100.000 tấn/năm 1990 lên 1.000.000 tấn/năm trong năm 1995 nhưng chủ yếu là thép xây dựng.
Ngành vật liệu xây dựng đặt được những kết quả nhất định. Hiện nay có 5 nhà máy xi măng lớn: Hải Phòng, Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Hà Tiên 1 và Hà Tiên 2. Tổng sản lượng của 5 nhà máy trên là 4,6 triệu tấn/năm và của các nhà máy xi măng nhỏ còn lại khác khoảng 2 triệu tấn/năm. Những nhà máy mới xây dựng trong những năm gần đây đã có công nghệ sản xuất tương đối hiện đại.
Ngành gốm, sứ, thuỷ tinh chưa được đầu tư một cách đáng kể, quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu do đó sản lượng và chất lượng còn thấp. Cho đến nay mới chỉ có nhà máy kính Đáp Cầu sản xuất kính xây dựng là có quy mô tương đối lớn với sản lượng khoảng 2.000 tấn/năm.
Ngành công nghiệp chất dẻo và sơn đã bắt đầu hình thành trong những năm gần đây. Các loại vật liệu thông dụng khác được sản xuất với quy mô nhỏ, trên các dây chuyền lạc hậu hoặc thủ công.
Nhìn chung, năng lực công nghiệp vật liệu nước ta còn nhỏ bé và chưa đủ sức tự đầu tư phát triển, dây chuyền sản xuất còn lạc hậu và chậm được đổi mới, năng suất và chất lượng còn thấp chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng trong nước, nhiều sản phẩm quan trọng chủ yếu vẫn phải nhập khẩu.
3. Đảng và Chính phủ đã sớm chăm lo đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật. Trong nhiều ngành vật liệu, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật đã có khả năng tiếp thu công nghệ mới, thực hiện việc lắp đặt, vận hành, bảo trì và bước đầu cải tiến công nghệ nhập khẩu cho phù hợp với điều kiện thực tế. Tuy nhiên năng lực của đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật còn hạn chế chưa đủ sức để tạo ra các công nghệ mới, vật liệu mới. Công tác nghiên cứu triển khai và áp dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật và công nghệ về vật liệu đã có những tiến bộ bước đầu, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội.
Song trình độ trang bị lạc hậu của các cơ sở nghiên cứu, mức đầu tư cho công tác nghiên cứu phát triển công nghệ còn thấp và dàn trải, không đồng bộ, thiếu cơ chế gắn kết nghiên cứu với sản xuất đang là những cản trở đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của ngành công nghiệp vật liệu.
4. Hiện nay khoa học và công nghệ đã trở thành yếu tố quan trọng trong phát triển quốc gia. Điều này đòi hỏi nước ta phải tăng cường đầu tư, đổi mới nhanh chóng và cơ bản ngành công nghiệp vật liệu nhằm tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Bối cảnh và tình hình quốc tế trong những năm tới sẽ có những chuyển biến sâu sắc, vừa thuận lợi cho sự phát triển ngành công nghiệp vật liệu nước ta, vừa có những thách thức đòi hỏi chúng ta phải tính toán và lựa chọn những bước đi và mô hình thích hợp nhằm nhanh chóng thoát khỏi nguy cơ bị tụt hậu so với các nước trong khu vực.
Tất cả các yếu tố này yêu cầu chúng ta phải tăng cường phát triển ngành công nghiệp vật liệu theo chiến lược phát triển riêng của mình.
II. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ VẬT LIỆU Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010
1. Mục tiêu phát triển công nghệ vật liệu
a) Đến năm 2000 ngoài việc thoả mãn phần lớn nhu cầu về các loại vật liệu thông dụng từ tài nguyên trong nước, chúng ta phải đưa một số lĩnh vực của ngành công nghiệp vật liệu tiếp cận trình độ công nghệ của các nước phát triển trong khu vực, và đến năm 2010 một số lĩnh vực phải đạt trình độ trung bình tiên tiến trên thế giới.
b) Xây dựng nền công nghiệp vật liệu Việt Nam có cơ sở vững chắc và cơ cấu đồng bộ, có đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu sản xuất những vật liệu phục vụ những ngành then chốt của nền kinh tế quốc dân như: năng lượng, xây dựng hạ tầng cơ sở, cơ khí chế tạo, điện tử... và có khả năng sản xuất được các loại vật liệu có tính năng kỹ thuật mới, vật liệu mới đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng của các ngành kinh tế.
c) Xây dựng hệ thống các cơ quan nghiên cứu và triển khai thuộc lĩnh vực công nghệ vật liệu có năng lực tiến hành nghiên cứu ở trình độ cao, có khả năng tạo ra các công nghệ mới, vật liệu mới phục vụ nền kinh tế quốc dân.
2. Phương hướng phát triển công nghệ vật liệu
a) Coi trọng việc tìm hiểu, tiếp thu và chuyển giao công nghệ vật liệu thích hợp, tiên tiến nhằm phát triển nền công nghiệp vật liệu bền vững, rút ngắn khoảng cách về trình độ công nghệ giữa nước ta và các nước khác. Đồng thời nâng cao năng lực khoa học và công nghệ nội sinh để tiếp thu, đồng hoá và cải tiến công nghệ nhập nội cho phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tế sản xuất, nhằm khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng công nghệ.
b) Chú trọng phát triển các công nghệ sử dụng tài nguyên khoáng sản sẵn có trong nước, tiến hành nghiên cứu và triển khai các công nghệ tiên tiến sản xuất vật liệu truyền thống và các vật liệu mới.
c) Đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ hiện có để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, tập trung vào các khâu quyết định các tính năng kỹ thuật của vật liệu và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
d) Phát triển các ngành công nghiệp vật liệu ở những nơi có điều kiện thuận lợi. Chú trọng các quy mô nhỏ và vừa để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế từng vùng, hạn chế sự mất cân đối trong vận chuyển. Chú ý phương châm lấy ngắn nuôi dài, kết hợp công nghê truyền thống với công nghệ cao có chọn lọc, đồng thời xây dựng một số công trình quy mô lớn cần thiết và có hiệu quả.
đ) Phát triển công nghệ mới và cao phải tiến hành theo nguyên tắc tập trung vào các hướng ưu tiên đã lựa chọn. Nhà nước hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, triển khai và khuyến khích các ngành công nghiệp vật liệu đưa vào ứng dụng các công nghệ mới và cao.
III. NỘI DUNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ VẬT LIỆU Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010
Căn cứ vào tiềm năng tài nguyên khoáng sản Việt Nam, vào tiềm lực khoa học, công nghệ vật liệu của các cơ quan nghiên cứu - triển khai, vào nhu cầu vật liệu của nước ta hiện nay và trong một tương lai gần, trên cơ sở mục tiêu và phương hướng đã lựa chọn, cần tập trung thực hiện những nội dung trọng điểm sau đây cho chương trình phát triển Khoa học và Công nghệ vật liệu đến năm 2010.
a) Vật liệu kim loại
Công nghiệp sản xuất vật liệu kim loại là lĩnh vực quan trọng có tác dụng quyết định đối với sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước cũng như đối với việc bảo vệ an ninh quốc gia. Nước ta có những điều kiện thuận lợi để phát triển có hiệu quả nền công nghiệp luyện kim: tài nguyên khoáng sản đa dạng, giàu tiềm năng thuỷ điện, có vị trí địa lý thuận lợi và lực lượng lao động dồi dào. Trong việc xây dựng ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam cần chú trọng phát triển các lĩnh vực công nghệ sau đây:
1. Những công nghệ luyện lim phù hợp để sản xuất các loại thép và vật liệu kim loại cơ bản, đáp ứng được nhu cầu chủ yếu của nền kinh tế và góp phần xuất khẩu. Đặc biệt chú trọng công nghệ luyện kim không dùng than cốc.
2. Công nghệ luyện thép chất lượng cao, thép hợp kim và hợp kim cho cơ khí chế tạo máy, công nghệ hoá chất, xi măng, dầu khí, cho nhu cầu quốc phòng. Các công nghệ đúc tiên tiến, công nghệ gia công, xử lý, phân tích kiểm nghiệm tương ứng.
3. Công nghệ luyện kim bột, vật liệu cho công nghệ hàn và phun phủ, công nghệ sản xuất vật liệu tổ hợp kim loại.
4. Công nghệ luyện đồng, nhôm và các hợp kim của chúng.
5. Công nghệ tìm kiếm thăm dò khoáng sản và công nghệ xử lý tổng hợp tài nguyên khoáng sản.
6. Công nghệ sản xuất các hợp kim ferro và các ô xít kim loại chất lượng cao từ tài nguyên khoáng sản Việt Nam.
7. Công nghệ sản xuất các kim loại sạch và siêu sạch, các kim loại quý hiếm, công nghệ sản xuất các vật liệu kỹ thuật tiên tiến trên cơ sở đất hiếm.
8. Công nghệ sản xuất các hợp kim đặc biệt dùng trong ngành kỹ thuật điện, điện tử và các ngành kinh tế khác.
b) Vật liệu xây dựng
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng đề ra những yêu cầu lớn đối với ngành xi măng. Nước ta lại có nhiều tiềm năng về nguyên, nhiên liệu và điều kiện thuận lợi để phát triển lĩnh vực công nghệ này:
1. Về công nghệ sản xuất xi măng: phải lựa chọn phương pháp khô với công nghệ tiên tiến tự động hoá cao; cải tạo và đổi mới công nghệ của các nhà máy xi măng sản xuất theo phương pháp ướt, xây dựng các nhà máy mới theo công nghệ tiên tiến.
2. Về các chủng loại xi măng: ngoài xi măng pooclăng thông dụng, cần sản xuất các loại xi măng đặc biệt như xi măng bền sunphát để sử dụng trong môi trường biển, xi măng dùng trong các giếng khoan dầu khí, xi măng cường độ cao, xi măng pooclăng-puzôlan,... để sử dụng cho các công trình đặc biệt.
c) Vật liệu gốm, sứ, thuỷ tinh
Gốm, sứ, thuỷ tinh là vật liệu được dùng để sản xuất ra các loại sản phẩm dân dụng và kỹ thuật có nhu cầu sử dụng lớn. Nước ta lại có nguồn nguyên liệu phân bố trên tất cả các vùng của đất nước với trữ lượng lớn và chất lượng tốt. Các xí nghiệp không đòi hỏi vốn đầu tư quá lớn và lại tạo ra việc làm cho lao động địa phương. Để đảm bảo khả năng cạnh tranh với hàng ngoại và đẩy mạnh xuất khẩu cần phải đưa vào ứng dụng những công nghệ tiên tiến:
1. Trong lĩnh vực vật liệu gốm, sứ chú trọng phát triển công nghệ sản xuất vật liệu có tính năng kỹ thuật cao để thay thế một số loại thép và hợp kim, công nghệ sản xuất gốm, sứ mỹ nghệ để xuất khẩu, công nghệ sản xuất vật liệu chịu lửa với khối lượng và chất lượng thoả mãn phần lớn nhu cầu của công nghiệp luyện kim, thuỷ tinh và xi măng, công nghệ sản xuất gốm xốp và màng xúc tác, sứ cách điện dùng trong các thiết bị điện và đường dây truyền tải điện cao thế, các vật liệu gốm sử dụng trong việc xử lý ô nhiễm môi trường.
2. Trong lĩnh vực vật liệu thuỷ tinh, chú trọng phát triển công nghệ sản xuất kính xây dựng, thuỷ tinh y tế, thuỷ tinh cho thí nghiệm khoa học, thuỷ tinh cho kỹ thuật chiếu sáng, thuỷ tinh trang trí cao cấp, thuỷ tinh cách điện, sợi thuỷ tinh cách nhiệt, sợi thuỷ tinh làm cốt cho vật liệu tổ hợp và sợi thuỷ tinh dẫn quang.
d) Vật liệu cao phân tử
Nước ta có những nguồn tài nguyên phong phú cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp vật liệu cao phân tử: Dầu khí, cao su thiên nhiên, các loại nhựa thực vật và các loại dầu thực vật. Vật liệu cao phân tử được sử dụng không chỉ đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng mà còn được sử dụng để chế tạo nhiều bộ phận không thể thay thế của các thiết bị công nghiệp, các phương tiện giao thông cũng như để thay thế cho những vật liệu truyền thống khác như sắt, thép, bê tông,... Về vật liệu cao phân tử cần chú trọng các hướng công nghệ sau đây:
1. Công nghệ sản xuất các vật liệu tổ hợp trên cơ sở các chất cao phân tử nhiệt dẻo và nhiệt rắn tăng cường bằng sợi thuỷ tinh, sợi badan, sợi các bon và biến tính gỗ bằng các chất cao phân tử.
2. Công nghệ sản xuất các sản phẩm cao cấp và các vật liệu tổ hợp từ nguyên liệu là cao su thiên nhiên, các loại nhựa thực vật và các loại dầu thực vật.
3. Công nghệ sản xuất các loại sơn và các loại vật liệu tổ hợp bảo vệ kim loại chống ăn mòn trong các môi trường xâm thực mạnh như trong môi trường nước biển, môi trường nóng ẩm, trong các thiết bị công nghiệp hoá chất,...
4. Công nghệ sản xuất các loại vật liệu tổ hợp cao phân tử để sử dụng kỹ thuật điện và điện tử trong các điều kiện môi trường khắc nghiệt.
5. Công nghệ sản xuất các loại màng cao phân tử đặc biệt, các chất cao phân tử sinh học, cao phân tử huỷ sinh học, cao phân tử xử lý ô nhiễm môi trường và các chất cao phân tử đặc biệt khác.
đ) Bảo vệ vật liệu
Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nước ta, nhất là các vùng ven biển và trong môi trường biển, việc nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp bảo vệ vật liệu, đặc biệt các vật liệu kim loại là một nội dung rất quan trọng. Cần tập trung nghiên cứu và triển khai theo các hướng công nghệ sau:
1. Công nghệ bản vệ các công trình biển bằng các phương pháp điện hoá.
2. Công nghệ bảo vệ vật liệu bằng các lớp phủ (mạ, phun phủ, sơn, vật liệu tổ hợp,...).
3. Công nghệ bảo vệ vật liệu bằng các chất ức chế.
e) Vật liệu điện tử
Công nghiệp điện tử là ngành công nghiệp kỹ thuật cao đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp hiện đại hoá nền kinh tế quốc dân và cần được ưu tiên phát triển, lựa chọn một số loại vật liệu, tiến hành nghiên cứu, tiếp thu công nghệ tiên tiến từ nước ngoài và tổ chức sản xuất vật liệu, linh kiện cho lắp ráp các thiết bị hoặc xuất khẩu. Trong hoàn cảnh nhiều nước trong khu vực đã xây dựng thành công ngành công nghiệp điện tử, là một bước đi sau, nước ta cần tập trung phát triển công nghệ theo các hướng sau đây:
1. Công nghệ sản xuất các loại ferrit chất lượng cao, nam châm đất hiếm, các vật liệu vô định hình và vi tinh thể.
2. Công nghệ sản xuất các loại vật liệu và linh kiện cảm biến (bán dẫn, siêu âm, các chất dẫn điện mới, gốm áp điện) sử dụng trong các thiết bị đo, trong các thiết bị tự động hoá, trong sinh học và y học.
3. Công nghệ sản xuất các vật liệu và linh kiện quang điện tử (optoelectronics) và quang tử (photonics): vật liệu và linh kiện bán dẫn thu nhận ánh sáng, vật liệu và linh kiện bán dẫn phát quang, laser bán dẫn, các vật liệu quang phi tuyến, dây dẫn quang, dây dẫn quang có khuyếch đại, laser dây, đĩa quang, các vật liệu quang điện hoá...
4. Công nghệ sản xuất vật liệu thu nhận và biến đổi năng lượng để sử dụng làm nguồn điện cho các thiết bị điện tử.
IV. NHỮNG CHỦ TRƯƠNG VÀ BIỆN PHÁP CHÍNH NHẰM THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VẬT LIỆU
1. Xây dựng kế hoạch phát triển Khoa học và Công nghệ vật liệu trên quy mô quốc gia.
Các Bộ, ngành và địa phương cần có kế hoạch khai thác thế mạnh và tiềm năng sẵn có của mình, xây dựng các chương trình, đề án cụ thể nhằm các mục tiêu phát triển Khoa học và Công nghệ vật liệu, đổi mới phương thức sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng. Có kế hoạch đưa vào nghiên cứu và sử dụng các vật liệu mới, áp dụng công nghệ mới, thay thế các công nghệ cũ lạc hậu, cải tạo và nâng cấp các công nghệ hiện có nhằm nâng cao năng suất và tính năng kỹ thuật của vật liệu, của sản phẩm. áp dụng các biện pháp tiết kiệm nguyên vật liệu từ khâu khai thác, chế biến đến sử dụng vật liệu.
Bộ khoa học, Công nghê và Môi trường chỉ đạo và hỗ trợ cho các Bộ, ngành và địa phương thực hiện có kết quả kế hoạch của mình.
2. Xây dựng tiềm lực Khoa học và Công nghệ vật liệu
Tổ chức lại hệ thống các cơ quan nghiên cứu và phát triển Khoa học - Công nghệ vật liệu bao gồm các viện nghiên cứu của trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia, của các Bộ và các doanh nghiệp, các phòng thí nghiệm và trung tâm nghiên cứu của các trường đại học.
Tập trung xây dựng một số đơn vị trọng điểm theo các hướng trọng điểm. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị nghiên cứu, thí nghiệm nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp vật liệu.
Trong các khu công nghệ cao sẽ định hướng thành lập một số cơ sở sản xuất, nghiên cứu triển khai công nghệ vật liệu mới trong các lĩnh vực ưu tiên như vật liệu điện tử, vật liệu cao phân tử...
3. Tăng cường công tác nghiên cứu triển khai
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu Khoa học và Công nghệ về vật liệu ở các trường đại học, các viện nghiên cứu, các cơ sở sản xuất vật liệu. Có cơ chế thích hợp để gắn hoạt động nghiên cứu của các cơ sở nghiên cứu khoa học với hoạt động sản xuất của các cơ sở sản xuất, các khu công nghệ cao.
Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp lập các tổ chức nghiên cứu Khoa học - Công nghệ để thực hiện việc nghiên cứu triển khai, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất và tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Các cơ quan nghiên cứu triển khai của các Bộ, các ngành, các trường đại học phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiên cứu triển khai trong các doanh nghiệp để tổ chức nghiên cứu khoa học, triển khai sản xuất các vật liệu mới và áp dụng các công nghệ mới.
Khai thác triệt để lợi thế của việc nhập công nghệ để nhanh chóng nâng cao trình độ sản xuất. Khuyến khích các nhà đầu tư nhập công nghệ hiện đại về sản xuất vật liệu vào Việt Nam, chuyển giao công nghệ giữa các đơn vị sản xuất trong nước.
4. Tổ chức đào tạo cán bộ
Nâng cấp và xây dựng mới một số cơ sở đào tạo về Khoa học - Công nghệ vật liệu tại một số viện và trường đại học. Nâng cao trình độ cán bộ về Khoa học và Công nghệ vật liệu dưới nhiều hình thức khác nhau.
Khuyến khích các cơ quan đào tạo quốc tế mở các phân hiệu, phân viện, phân khoa tiến hành đào tạo về khoa học công nghệ vật liệu trên lãnh thổ Việt Nam và cấp văn bằng, chứng chỉ trình độ tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới. Đưa người đi học nước ngoài để đào tạo cán bộ khoa học một số ngành nước ta chưa có điều kiện tổ chức đào tạo.
5. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Khuyến khích các đơn vị nghiên cứu và sản xuất kinh doanh trong nước tổ chức tham quan, khảo sát, học tập ở nước ngoài, hợp tác nghiên cứu, sử dụng chuyên gia và chuyển giao công nghệ vật liệu với nước ngoài.
Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư hoặc liên doanh góp vốn đầu tư vào các lĩnh vực vật liệu ưu tiên tại các khu công nghệ cao và các khu chế xuất.
6. Hỗ trợ và huy động vốn
Nhà nước tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển tiềm lực khoa học một số lĩnh vực Khoa học và Công nghệ vật liệu trọng điểm.
Nhà nước có các chính sách và biện pháp khuyến khích để huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, các tổ chức sản xuất, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách Nhà nước và từ các chương trình viện trợ quốc tế, đặc biệt là các chương trình viện trợ ODA cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng công nghệ vật liệu.
Do tầm quan trọng của Khoa học và Công nghệ vật liệu đối với nền kinh tế quốc dân trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, Chính phủ quyết định lập một chương trình kỹ thuật - kinh tế quy mô quốc gia về Khoa học và Công nghệ vật liệu với mục tiêu là thúc đẩy việc nghiên cứu và áp dụng các công nghệ tiến tiến, hiện đại trong lĩnh vực vật liệu vào các ngành sản xuất ở trung ương cũng như địa phương. Việc điều hành Chương trình do một Ban điều hành chương trình đảm nhận. Bộ khoa học, Công nghệ và môi trường trường có trách nhiệm soạn thảo Quyết định của Chính phủ về việc thành lập Ban điều hành Chương trình cùng các chức năng nhiệm vụ của Ban điều hành để trình thủ tướng Chính phủ xét duyệt.
Trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương trong việc tổ chức thực hiện được phân công như sau:
- Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong chức năng quản lý nhà nước soạn thảo các quy chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện Chương trình.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm cân đối các nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia trong các kế hoạch hàng năm và 5 năm.
- Bộ Tài chính cân đối kinh phí cho các Bộ, ngành và địa phương tham gia thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đề xuất các chính sách tài chính phù hợp về thuế, quỹ phát triển... để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Chương trình.
- Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học và các viện nghiên cứu của các Bộ, ngành tăng cường kết hợp với các cơ sở sản xuất trong công tác nghiên cứu và thử nghiệm, đào tạo cán bộ, đề xuất các hướng phát triển công nghệ vật liệu.
Các Bộ, các ngành và địa phương xây dựng kế hoạch tổng thể, kế hoạch 5 năm và hàng năm của mình thông qua Ban điều hành Chương trình Quốc gia trình Chính phủ để tổng hợp vào kế hoạch chung của nhà nước. Từng thời kỳ phải báo cáo lên Ban điều hành Chương trình quốc gia về tình hình thực hiện của Bộ, ngành và địa phương mình. Trên cơ sở đó Ban điều hành chương trình tổng hợp lại và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ
Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
Phan Văn Khải (Đã ký) |
- 1Quyết định 36/2007/QĐ-BTC ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2Quyết định 343-TTg năm 1997 về việc xây dựng "Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2020" do Thủ tướng chính phủ ban hành
- 3Quyết định 272/2003/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Quyết định 36/2007/QĐ-BTC ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2Quyết định 343-TTg năm 1997 về việc xây dựng "Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2020" do Thủ tướng chính phủ ban hành
- 3Quyết định 272/2003/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Nghị quyết số 88-CP về chương trình phát triển khoa học và công nghệ vật liệu ở Việt Nam đến năm 2010 do Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 88-CP
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 31/12/1996
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: 28/02/1997
- Số công báo: Số 4
- Ngày hiệu lực: 15/01/1997
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định