Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 79-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 06 năm 1963 

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CUỘC VẬN ĐỘNG CẢI TIẾN QUẢN LÝ HỢP TÁC XÃ, CẢI TIẾN KỸ THUẬT NHẰM PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TOÀN DIỆN, MẠNH MẼ VÀ VỮNG CHẮC

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Thi hành nghị quyết của Quốc hội kỳ họp lần thứ 10 và dựa trên cơ sở điều lệ mẫu hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp của Chính phủ đã ban hành, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc nước ta đã có nhiều chuyển biến tốt.

Từ cuối năm 1960 đã căn bản hoàn thành việc đưa nông dân vào các hợp tác xã bậc thấp. Trong năm 1961 và đầu năm 1962 việc đưa các hợp tác xã lên quy mô thôn ở trung du và đồng bằng cũng đã căn bản xong; tổ chức hợp tác xã đã bắt đầu được ổn định. Các hợp tác xã đã thu được một số kinh nghiệm và tiến bộ về công tác quản lý, nhờ đó đã thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp phát triển trên nhiều mặt như làm thủy lợi, tăng vụ, khai hoang, bước đầu áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất…góp phần hạn chế các khó khăn do thời tiết gây nên trong các năm qua. Trong mỗi địa phương đều đã có những hợp tác xã tiên tiến, tăng được năng suất sản lượng nông sản hàng hóa, bảo đảm thực hiện tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước, nâng cao một phần thu nhập của xã viên và bước đầu xây dựng thêm được một số cơ sở vật chất kỹ thuật.

Song nhìn chung về mặt tăng năng suất, tăng thu nhập thì thành tích của các hợp tác xã chưa đều, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao. Năng suất trồng trọt và chăn nuôi có xu hướng dừng lại, thậm chí có nơi sút kém, vấn đề lương thực vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Những nguyên nhân chính gây ra tình hình trên là trình độ quản lý tuy có tiến bộ nhưng còn kém, vấn đề cải tiến kỹ thuật sản xuất làm chưa tốt, sự phối hợp chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước đối với phong trào hợp tác hóa nông nghiệp tuy đã có những chuyển biến bước đầu nhưng chưa thực sự được tăng cường.

Kinh nghiệm của những hợp tác xã tiến tiến đã chứng minh rằng dù cho trong điều kiện cơ sở vật chất và kỹ thuật nói chung còn thấp kém, nhưng nếu quản lý tốt và chú trọng cải tiến kỹ thuật từng bước thì vẩn phát huy được tính ưu việc của hợp tác xã so với lối làm ăn cá thể, làm cho sản xuất nông nghiệp có điều kiện phát triển khá mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao, thay đổi được tình trạng sản xuất tự cấp tự túc thành sản xuất có nhiều hàng hóa.

Vì vậy, để phát huy những thắng lợi đã đạt được, để khắc phục những nhược điểm và khuyết điểm đã mắc phải, nhằm củng cố và phát triển phong trào hợp tác hóa nông nghiệp về mọi mặt, đồng thời dựa vào những kinh nghiệm của cuộc vận động hợp tác hóa và sản xuất mấy năm qua và kinh nghiệm làm thí điểm cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật của 1.102 hợp tác xã ở các tỉnh trung du và đồng bằng, Hội đồng Chính phủ quyết định mở cuộc vận động lấy tên là “cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc” ở tất cả các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trong thời gian ba năm từ năm 1963 đến 1965.

Cuộc vận động này thực chất là một cuộc cách mạng về tư tưởng, về tổ chức sản xuất và kỹ thuật, làm cho các hợp tác xã đều có khả năng quản lý tốt, tức là quản lý xã hội chủ nghĩa nền kinh tế tập thể, kết hợp chặt chẽ cải tiến quản lý với cải tiến kỹ thuật, do đó mà quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn được hoàn thiện, sức sản xuất được phát triển. Hoàn thành cuộc vận động này, chúng ta sẽ thu được thắng lợi to lớn trên mặt trận nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp sẽ được củng cố, việc cải tiến kỹ thuật sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ, sản xuất nông nghiệp sẽ phát triển toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc làm cơ sở để phát triển công nghiệp.

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU VÀ TIẾN HÀNH CUỘC VẬN ĐỘNG

a) Mục đích:

Cải thiện đời sống của nông dân xã viên và của nhân dân nói chung, tăng cường lực lượng của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và đảm bảo nghĩa vụ đối với Nhà nước. Muốn thế, cuộc vận động phải thấu suốt nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng và nghị quyết hội nghị lần thứ 5 và lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, làm cho nông nghiệp trở thành cơ sở vững chắc để phát triển công nghiệp, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.

b) Yêu cầu:

Cuộc vận động này nhằm đạt ba yêu cầu lớn dưới đây:

1. Cải tiến quản lý hợp tác xã: Nội dung chủ yếu là cải tiến quản lý sản xuất, làm cho các hợp tác xã đều xác định được phương hướng sản xuất đúng và lập kế hoạch sản xuất cụ thể; cải tiến quản lý lao động nhằm tổ chức và sử dụng hợp lý sức lao động để tăng được năng suất lao động, tăng số lượng và giá trị ngày công; cải tiến quản lý tài vụ nhằm sử dụng tài sản một cách hợp lý, tiết kiệm, phân minh, không ngừng tái sản xuất mở rộng; thực hiện đầy đủ nguyên tắc quản lý dân chủ, phát huy ý thức làm chủ tập thể của quần chúng xã viên đối với công tác quản lý hợp tác xã.

2. Cải tiến kỹ thuật và bước đầu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của hợp tác xã: nội dung chủ yếu nhằm cải tiến và nâng cao các biện pháp kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi và cải tiến công cụ, quy định thành những tiêu chuẩn kỹ thuật của hợp tác xã để bảo đảm tăng năng suất ruộng đất, cây trồng và gia súc, tăng hiệu suất lao động, mặt khác phải dần dần xây dựng thêm các cơ sở trực tiếp phục vụ sản xuất; bồi dưỡng, đào tạo và tăng cường cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật các loại cho hợp tác xã.

3. Tăng cường sự chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước đối với nông nghiệp và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp: nội dung chủ yếu là tăng cường trách nhiệm, cải tiến lề lối làm việc và phối hợp công tác của các ngành, các cấp để các ngành, các cấp đi sâu đi sát hợp tác xã và sản xuất nông nghiệp, chỉ đạo toàn diện, kiểm tra việc thực hiện chính sách, nghiên cứu bổ sung chính sách, giải quyết kịp thời các yêu cầu của phát triển sản xuất và củng cố hợp tác xã nông nghiệp.

c) Tiến trình của cuộc vận động:

Thời gian ba năm sẽ chia làm hai lần vận động: lần thứ nhất từ năm 1963 đến nửa năm 1964 và lần thứ hai từ nửa cuối năm 1964 đến hết năm 1965. Trong mỗi lần, các hợp tác xã đều phải qua một đợt làm tập trung trong khoảng hai tháng vào lúc mùa màng ít khẩn trương để kiểm điểm tình hình và vạch ra nhiệm vụ, phương hướng, kế hoạch để thực hiện trong suốt thời gian của mỗi lần vận động.

Yêu cầu của lần vận động thứ nhất là tập trung giải quyết những việc sau đây:

1. Dựa vào nhiệm vụ sản xuất chính mà trung ương đã giao và tình hình kinh tế, sản xuất của địa phương, từng tỉnh sơ bộ đề ra phương hướng sản xuất, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch năm 1963 và chuẩn bị kế hoạch năm 1964. Dựa vào phương hướng kế hoạch của tỉnh, từng hợp tác xã xác định phương hướng sản xuất, điều chỉnh bổ sung kế hoạch đã có, cùng các biện pháp đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch một cách toàn diện và vững chắc, chuẩn bị tốt cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch năm 1964.

2. Từng tỉnh xác định phương hướng xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật, phương hướng cải tiến kỹ thuật cho địa phương. Dựa vào đó, từng hợp tác xã xác định các phương hướng ấy cho mình. Trên cơ sở đó, hợp tác xã bước đầu xây dựng một số cơ sở cần thiết nhằm trực tiếp phục vụ sản xuất, xây dựng một số tiêu chuẩn kỹ thuật, thành lập tổ khoa học kỹ thuật, đào tạo bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật và quản lý cho hợp tác xã các cấp; các ngành cần điều động một số cán bộ tăng cường giúp hợp tác xã một cách lâu dài.

3. Ổn định tổ chức các đội, tổ sản xuất, thực hiện chế độ ba khoán đến các đội, tổ sản xuất cố định, khoán việc cho nhóm lao động tạm thời, thực hiện đăng ký ngày công cho xã viên.

4. Lập kế hoạch tài vụ, chấn chỉnh sổ sách, thực hiện tốt nguyên tắc phân phối theo lao động, chế độ tài chính công khai, kiểm kê, quyết toán đúng kỳ hạn, giải quyết tốt những vấn đề tồn tại về tài chính, chống tham ô, lãng phí thực hiện cần kiệm xây dựng hợp tác xã.

5. Kiện toàn ban quản trị, Ban kiểm soát, đội trưởng, đội phó và các bộ phận giúp việc Ban quản trị, cải tiến lề lối làm việc, xây dựng một số chế độ, nội quy về sản xuất, kỹ thuật, lao động và tài vụ, về hội nghị, báo cáo và kiểm tra,…nhằm thực hiện đầy đủ nguyên tắc quản lý dân chủ trong hợp tác xã.

6. Kiểm tra để sửa chữa kịp thời những điểm thiếu sót về chấp hành chính sách có liên quan đến việc quản lý hợp tác xã mà xã viên đòi hỏi phải giải quyết; giải quyết dần các điểm thiếu sót khác theo cách làm thường xuyên, Ủy ban hành chính tỉnh, huyện cần giúp Ủy ban hành chính xã và Ban Quản trị hợp tác xã làm tốt việc này.

Các ngành ở trung ương cũng qua đó nghiên cứu và đề nghị Chính phủ bổ sung hoặc ban hành một số chính sách về thu mua, giá cả, cung cấp tư liệu sản xuất…để khuyến khích phát triển sản xuất và xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của hợp tác xã.

7. Về chỉ đạo thì qua lần vận động này, làm cho Ủy ban hành chính, các ngành và các đoàn thể ở xã xác định rõ nhiệm vụ chỉ đạo hợp tác xã và sản xuất nông nghiệp, đi sâu vào chỉ đạo phương hướng, kế hoạch sản xuất, tổ chức lao động, tài vụ kế toán và chỉ đạo kỹ thuật, đồng thời sắp xếp lại các tổ chức chính quyền và đoàn thể cho phù hợp với tổ chức sản xuất của hợp tác xã. Ngoài những nhiệm vụ trên, các ngành, các giới cần phải làm tròn chức năng của mình để cuộc vận động được tiến hành tốt, như công an và dân quân tự vệ xã thì đề cao cảnh giác chống mọi thủ đoạn âm mưu phá hoại cuộc vận động, đoàn thanh niên lao động thì phát huy vai trò đầu tàu trong sản xuất và xây dựng hợp tác xã…

Trong suốt thời gian chuẩn bị cũng như tiến hành vận động, các ngành, các cấp ở trung ương và địa phương nhất là các Ủy ban hành chính, huyện, xã phải chỉ đạo chặt chẽ, rút kinh nghiệm từng bước phục vụ tốt cuộc vận động.

Trong quá trình tiến hành cuộc vận động cần có chế độ khen thưởng thích đáng và kỷ luật nghiêm minh nhưng thận trọng đối với từng đơn vị, cá nhân có ưu điểm hoặc phạm khuyết điểm.

Các việc nêu ra để thực hiện trong lần thứ nhất trên đây, đều liên quan mật thiết đối với nhau. Nhưng cần nắm vững mấy việc chính để tập trung lực lượng làm cho tốt là:

“Xác định phương hướng sản xuất của hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật và tăng thêm một số cơ sở vật chất – kỹ thuật cho hợp tác xã, quản lý tốt lao động, chấp hành đúng chính sách, đồng thời tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền và đoàn thể các cấp đối với nông nghiệp và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.”

Sang nửa năm 1964 đến hết năm 1965 sẽ tiến hành vận động lần thứ hai, nhằm tiếp tục giải quyết những tồn tại của lần thứ nhất, củng cố và phát huy những thắng lợi đã đạt được để hoàn thành ba yêu cầu lớn của toàn bộ cuộc vận động. Sau khi rút kinh nghiệm lần thứ nhất, Chính phủ sẽ đề ra những việc phải làm cụ thể cho lần thứ hai tới.

II. PHƯƠNG CHÂM VÀ PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH

A) Phương châm:

- Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy hoặc Chi ủy, Ủy ban hành chính xã trực tiếp chỉ đạo, hợp tác xã tự làm, cán bộ trên về giúp;

- Làm đến đâu ăn chắc đến đấy;

- Cải tiến quản lý hợp tác xã đạt yêu cầu, kỹ thuật tiến bộ, sản xuất đạt và vượt mức kế hoạch, các công tác khác được bảo đảm thực hiện tốt;

- Mở rộng dân chủ bàn bạc, đề cao tự phê bình và phê bình, làm cho cán bộ và quần chúng vui vẻ, đoàn kết, hăng hái tham gia;

- Nắm vững nguyên tắc và các chính sách đồng thời đi sát thực tế và phát huy tính sáng tạo, tính linh hoạt của xã viên.

B) Cách tiến hành:

1. Coi trọng công tác chuẩn bị về mọi mắt như: Tổng kết các hợp tác xã làm thí điểm; điều tra nắm tình hình hợp tác xã, xây dựng kế hoạch tiến hành của tỉnh và hướng dẫn kế hoạch chuẩn bị cho xã và hợp tác xã, bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị chính sách, chuẩn bị tư liệu sản xuất.

Ngành nào cũng chuẩn bị, chuẩn bị từ trước và cả trong quá trình tiến hành lần vận động, đồng thời có ý thức chuẩn bị cho lần vận động sau.

2. Chia lần vận động thành ba đợt, mỗi đợt làm một số hợp tác xã và nên chọn những hợp tác xã thuộc loại khá, loại trung bình trong diện quy mô thôn, nằm trong những vùng quan trọng về kinh tế và chính trị làm trước.

Khi bắt đầu vận động, mỗi hợp tác xã cần có hai tháng làm tập trung.

Đợt làm tập trung này nên chia thành ba bước với yêu cầu cụ thể như sau:

Bước thứ nhất: làm tốt việc đánh gí tình hình và đề ra phương hướng cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật trong nội bộ cán bộ lãnh đạo từ đội phó trở lên. Đồng thời tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động ra quần chúng và vận động xã viên đẩy mạnh sản xuất trước mắt.

Bước thứ hai: làm tốt ở từng đội sản xuất việc học tập mục đích, ý nghĩa vận động, phát động tư tưởng xã viên, thảo luận bản báo cáo về tình hình, phương hướng và kế hoạch cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất của Ban quản trị hợp tác xã, đồng thời tiến hành kiện toàn các tổ chức cơ sở.

Bước thứ ba: tiến hành tốt Đại hội xã viên hoặc đại hội đại biểu xã viên để chính thức thông qua báo cáo tình hình mọi mặt của Ban quản trị hợp tác xã và các nghị quyết về cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất của hợp tác xã, phát động thi đua thực hiện những nghị quyết đó.

3. Trong quá trình tiến hành ở mỗi hợp tác xã, phải đặc biệt chú trọng việc giáo dục, phát động tư tưởng, động viên toàn thể cán bộ và xã viên hăng hái tham gia cuộc vận động, nhất là phát huy vai trò đầu tàu của thanh niên lao động và lực lượng đông đảo của phụ nữ.

4. Song song với việc tập trung lực lượng làm tốt công tác ở các hợp tác xã đang làm trong đợt vận động này, phải có kế hoạch củng cố thường xuyên các hợp tác xã chưa làm để đẩy mạnh sản xuất trước mắt và tạo thuận lợi cho đợt sau, đồng thời chú ý tiếp tục phát huy thắng lợi của những hợp tác xã đã làm tập trung trong đợt trước.

III. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO CUỘC VẬN ĐỘNG

Cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật có ý nghĩa rất quan trọng đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Vì vậy từ Chính phủ trung ương đến các cấp chính quyền địa phương và các ngành phải coi cuộc vận động này là công tác trọng tâm thường xuyên ở nông thôn từ nay đến hết năm 1965 để tập trung lãnh đạo và chỉ đạo cuộc vận động được thắng lợi.

Nhiệm vụ cụ thể của các ngành đối với cuộc vận động là:

- Bộ Nông nghiệp: Hướng dẫn kỹ thuật và kế hoạch thích hợp với từng địa phương về trồng trọt, chăn nuôi, đặc biệt về phân, giống, thức ăn gia súc, cải tạo đất, chống xói mòn, cải tiến công cụ…

Hướng dẫn công tác quản lý hợp tác xã và thực hiện các chính sách về hợp tác xã.

Hướng dẫn việc quản lý ruộng đất. Căn cứ vào kế hoạch Nhà nước, điều kiện thiên nhiên và kinh tế, sơ bộ giao nhiệm vụ chính về sản xuất nông nghiệp cho các vùng làm cho các hợp tác xã có cơ sở để xác định bước đầu phương hướng sản xuất một cách có lợi nhất, tiến tới cùng các ngành có liên quan thực hiện phân vùng nông nghiệp chính xác hơn.

Đào tạo các loại cán bộ quản lý và kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hợp tác xã.

Kiểm tra đôn đốc thực hiện các mặt ấy trong quá trình cuộc vận động.

- Bộ Thủy lợi: giúp đỡ các hợp tác xã xác định phương hướng quy hoạch thủy lợi và tổ chức thực hiện công tác đó trên cơ sở sử dụng tốt các hệ thống thủy lợi của Nhà nước, mở rộng diện tích tưới nước, tiêu nước theo khoa học. Đào tạo cán bộ thủy lợi, công nhân sử dụng máy bơm cho hợp tác xã.

- Bộ Nông trường: làm cho các nông trường quốc doanh trở thành gương mẫu đối với hợp tác xã về cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật, sử dụng và sửa chữa nông cụ cải tiến và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Trao đổi giúp đỡ các hợp tác xã về kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, về giống cây trồng, gia súc. Giúp đỡ các hợp tác xã nhất là các hợp tác xã lân cận bằng cách đổi công người với máy trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi và có ý thức giúp đỡ hợp tác xã nông nghiệp.

- Tổng cục Lâm nghiệp: Hướng dẫn kỹ thuật và kế hoạch lập các đai rừng bảo vệ mùa màng, phục hồi rừng bị kiệt, bảo vệ rừng đầu nguồn, kinh doanh lâm sản. Đặc biệt chú trọng công tác này đối với các vùng đồi, núi trọc, vùng đất bạc màu, vùng bị nhiều thiên tai uy hiếp mùa màng. Đào tạo cán bộ lâm nghiệp cho hợp tác xã.

- Tổng cục khai hoang Nhân dân: Hướng dẫn các hợp tác xã mở rộng diện tích, điều chỉnh nhân lực theo đúng các chính sách khai hoang đã quy định, góp phần làm cho hợp tác xã và xã viên tăng thu nhập và cải thiện đời sống.

- Tổng cục Thủy sản: Cùng với Bộ Nông nghiệp, Bộ Thủy lợi nghiên cứu tận dụng các diện tích có khả năng để phát triển nghề nuôi cá trong hợp tác xã. Hướng dẫn các biện pháp khoa học kỹ thuật nuôi cá và các thủy sản khác để hợp tác xã tăng thêm thu nhập. Đào tạo cán bộ thủy sản cho hợp tác xã.

- Bộ Công nghiệp nặng: sản xuất cung cấp cho hợp tác xã các loại công cụ cơ giới và nửa cơ giới, phân hóa học, thuốc trừ sâu…với giá thành hạ, phẩm chất tốt. Giúp đỡ hướng dẫn hợp tác xã cách sử dụng, sửa chữa, bảo quản các loại công cụ nửa cơ giới và cơ giới trong nông nghiệp. Cho hợp tác xã mượn các loại máy móc có thể cho mượn được để phục vụ nông nghiệp khi thời vụ khẩn trương.

- Bộ Công nghiệp nhẹ: Liên hệ giúp đỡ các hợp tác xã phát triển sản xuất cây công nghiệp ở nơi có điều kiện thuận lợi, hướng dẫn các biện pháp về chế biến, cung cấp các phế liệu của công nghiệp chế biến cho hợp tác xã làm thức ăn gia súc, phân bón; sản xuất nhiều mặt hàng thích hợp cung cấp cho nhu cầu về đời sống và sản xuất ở nông thôn với giá thành hạ, phẩm chất tốt.

- Tài chính, Ngân hàng: Hướng dẫn hợp tác xã sử dụng vốn, quản lý thu chi; cho vay đúng đối tượng, sát nhu cầu, kịp thời, bảo đảm phục vụ sản xuất. Củng cố hợp tác xã vay mượn ở nông thôn để giúp đỡ hợp tác xã và xã viên giải quyết một phần khó khăn về vốn trong sản xuất. Nghiên cứu, thực hiện tốt chính sách thuế, (phương pháp thu, hoãn, miễn thuế hợp lý) để phát triển sản xuất. Đào tạo cán bộ kế toán, tài vụ cho hợp tác xã.

- Bộ Nội thương và Bộ Ngoại thương: Đảm bảo thu mua và tiêu thụ kịp thời các nông sản theo đúng chính sách giá cả của Chính phủ để khuyến khích sản xuất. Cung cấp kịp thời các mặt hàng cần thiết cho sản xuất và đời sống của hợp tác xã và xã viên theo giá quy định của Chính phủ. Cải tiến màng lưới mua bán ở nông thôn để phục vụ nông dân được thuận tiện. Hướng dẫn các hợp tác xã sản xuất các mặt hàng cần cho xuất khẩu và đảm bảo tiêu thụ các hàng ấy.

- Tổng cục Lương thực: nghiên cứu và hướng dẫn việc thu mua, điều hòa và cung cấp lương thực giữa các vùng sản xuất khác nhau nhằm bảo đảm nhu cầu của hợp tác xã và xã viên và nhu cầu của Nhà nước nhằm khuyến khích đẩy mạnh sản xuất.

- Tổng cục Vật tư: cung cấp đầy đủ và kịp thời cho hợp tác xã sau khi đã có kế hoạch phân phối của các ngành có liên quan những vật tư cần thiết theo giá cả của Chính phủ quy định.

- Bộ Kiến trúc và Ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước: Hướng dẫn giúp đỡ các loại mẫu kiến trúc phục vụ sản xuất và đời sống, kết hợp với các ngành có liên quan quy hoạch việc kiến thiết ở nông thôn, nghiên cứu việc sử dụng nguyên vật liệu xây dựng phù hợp với điều kiện của nông thôn và quy mô hợp tác xã.

- Bộ Giao thông và Tổng cục Bưu điện: Vận chuyển nhanh chóng và kịp thời phân, giống và các vật tư khác cho hợp tác xã. Hướng dẫn giúp đỡ các hợp tác xã về công cụ vận chuyển thủy bộ, về xây dựng đường cầu ở nông thôn theo điều kiện từng nơi từ thấp lên cao.

Bảo đảm bưu phẩm, điện thoại, điện tín nhanh chóng đối với việc chỉ đạo cuộc vận động.

- Bộ Y tế: Hướng dẫn vệ sinh, phòng bệnh, nếp sống mới ở nông thôn kể cả bảo hộ lao động khi dùng thuốc trừ sâu bệnh, phân bón có chất độc. Đào tạo cán bộ y tế, hộ sinh, vệ sinh viên cho hợp tác xã.

- Bộ Văn hóa: Hướng dẫn các mặt sáng tác và phát triển văn hóa vào việc phục vụ cuộc vận động, nâng cao đời sống văn hóa của nông dân. Tăng cường về số lượng và chất lượng các buổi chiếu bóng, đèn chiếu, nhất là công tác văn nghệ (kịch chèo, cải lương, thơ ca…) do hợp tác xã tự tổ chức.

- Bộ Giáo dục: Đưa nội dung phục vụ cuộc vận động vào chương trình giáo dục ở các trường, lớp, kể cả bổ túc văn hóa và phổ thông ở nông thôn, chú ý bổ túc cho cán bộ và xã viên hợp tác xã về kiến thức văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tiến kỹ thuật và quản lý hợp tác xã nông nghiệp.

- Bộ Nội vụ: Tăng cường cán bộ cho các địa phương trong cuộc vận động, đồng thời nghiên cứu các chính sách đối với cán bộ xã.

- Bộ Lao động: Nghiên cứu điều hòa nhân lực giữa yêu cầu phát triển của các xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã nông nghiệp một cách hợp lý, bảo đảm để lại cho sản xuất nông thôn một tỷ lệ thích đáng về lực lượng lao động nhất là lao động trẻ và có văn hóa đủ thỏa mãn yêu cầu cải tiến quản lý và kỹ thuật ở hợp tác xã.

- Bộ Công an: tăng cường bảo vệ hợp tác xã, bảo vệ sản xuất, trước mắt cần kịp thời phát hiện và ngăn chặn những phần tử xấu cố ý phá hoại cuộc vận động, bảo đảm trật tự an ninh ở nông thôn để xã viên an tâm thực hiện cuộc vận động.

- Bộ Quốc phòng: tăng cường giáo dục ý thức trách nhiệm tham gia quản lý hợp tác xã, tham gia sản xuất cho các tổ chức dân quân, tự vệ ở xã, động viên và giao nhiệm vụ cho các đơn vị thường trực với điều kiện có thể, cố gắng giúp đỡ các hợp tác xã về mọi mặt trong quá trình tiến hành cuộc vận động. Cử cán bộ tham gia giúp đỡ hợp tác xã cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật.

- Tổng cục Thống kê: Hướng dẫn giúp đỡ hợp tác xã về công tác thông kê, nắm tình hình cơ bản các mặt. Đào tạo cán bộ thống kê cho hợp tác xã. Phổ biến những biểu mẫu thống kê đầy đủ những đơn giản hợp với trình độ các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay.

- Ủy ban khoa học Nhà nước: Phổ biến rộng rãi những kiến thức khoa học về trồng trọt và chăn nuôi và những khoa học thường thức khác nhằm nâng cao sự hiểu biết về khoa học cho hợp tác xã.

Kịp thời phổ biến những cải tiến và phát minh trong nông nghiệp sau khi đã được Ủy ban khoa học Nhà nước xác minh…

- Ủy ban kế hoạch Nhà nước: Hướng dẫn giúp đỡ hợp tác xã trong việc lập kế hoạch cân đối các mặt, xây dựng các biểu mẫu kế hoạch có hệ thống. Kết hợp với các ngành để phân phối vật tư và quy vùng sản xuất phục vụ cuộc vận động.

- Văn phòng Nông nghiệp và các Văn phòng khác ở Phủ Thủ tướng: theo dõi, đôn đốc các ngành, các địa phương thực hiện tốt và kịp thời những nhiệm vụ đã quy định. Nghiên cứu kịp thời những vấn đề không thuộc hoặc quá quyền hạn của từng Bộ để trình Hội đồng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giải quyết.

Các ngành và các cấp, căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ của mình đề ra các kế hoạch và biện pháp cụ thể, ra sức phục vụ cuộc vận động một cách thiết thực, với ý thức trách nhiệm đầy đủ.

Đồng thời, Hội đồng Chính phủ yêu cầu các đoàn thể nhân dân, nhất là Đoàn Thanh niên lao động, Hội Liên hiệp phụ nữ, Tổng Công đoàn; động viên toàn thể đoàn viên, hội viên tích cực đóng góp vào cuộc vận động.

Hội đồng Chính phủ tin tưởng các cấp, các ngành, các đoàn thể nhân dân và nhất là toàn thể xã viên hợp tác xã nông nghiệp nhiệt liệt hưởng ứng cuộc vận động này, góp phần tích cực của mình làm cho phong trào hợp tác hóa nông nghiệp phát triển thêm một bước mới, làm cho sản xuất nông nghiệp của chúng ta tiến lên giành những thắng lợi mới làm cơ sở để phát triển công nghiệp.

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT.THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 79-CP về cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 79-CP
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 01/06/1963
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 19
  • Ngày hiệu lực: 16/06/1963
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản