Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
TỔNG LIÊN ĐOÀN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5B/NQ-BCH | Hà Nội, ngày 08 tháng 07 năm 2005 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC BẢO HỘ LAO ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Trong nhiều năm qua, công tác bảo hộ lao động (BHLĐ), đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), bảo vệ sức khoẻ và tính mạng cho người lao động (NLĐ) được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Với chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tổ chức Công đoàn đã góp phần tích cực vào công tác BHLĐ, khẳng định vai trò và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn đối với NLĐ trong quá trình phát triển đất nước. Tuy vậy công tác BHLĐ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, điều kiện lao động (ĐKLĐ) ở nhiều cơ sở sản xuất chậm được cải thiện, tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) trong cả nước vẫn còn nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng, tình hình sức khoẻ của NLĐ bị giảm sút, bệnh nghề nghiệp (BNN) phát triển.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác BHLĐ, đảm bảo ATVSLĐ cho NLĐ trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, đồng thời nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động BHLĐ của các cấp công đoàn theo Nghị quyết Đại hội IX CĐVN, Ban Chấp hành TLĐ (Khoá IX) ban hành Nghị quyết về “Đẩy mạnh công tác BHLĐ của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới”.
I. CÔNG TÁC BHLĐ CỦA CÔNG ĐOÀN NHỮNG NĂM QUA
A. Kết quả chủ yếu:
Thực hiện Nghị quyết các kỳ đại hội Công đoàn Việt Nam, trong thời gian qua, Tổng Liên đoàn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm cải tiến nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn trong công tác BHLĐ. Từ năm 1994 đến năm 2004, Tổng Liên đoàn đã tham gia với Nhà nước xây dựng 42 văn bản luật và dưới luật về BHLĐ. Các cấp công đoàn đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác tuyên truyền, huấn luyện luật pháp về BHLĐ cho cán bộ, công nhân lao động. Công tác kiểm tra, giám sát của công đoàn về thực hiện luật pháp, chính sách chế độ BHLĐ được tăng cường cùng với việc hướng dẫn cơ sở thực hiện các biện pháp cải thiện ĐKLĐ, ngăn ngừa TNLĐ và BNN. Phong trào quần chúng làm BHLĐ do công đoàn tổ chức, trọng tâm là hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên (ATVSV), phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm ATVSLĐ và tham gia Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN hàng năm được duy trì góp phần thực hiện tốt hơn công tác ATVSLĐ ở cơ sở. Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo Viện nghiên cứu KHKT BHLĐ thực hiện nhiều đề tài khoa học công nghệ và hợp đồng chuyển giao công nghệ đến các cơ sở, góp phần cải thiện ĐKLĐ, ngăn ngừa TNLĐ, BNN. Việc đào tạo kỹ sư BHLĐ của Trường Đại học Công đoàn đang từng bước đáp ứng yêu cầu.
B. Tồn tại và nguyên nhân:
1. Tồn tại:
- Công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện, phổ biến luật pháp, kiến thức ATVSLĐ chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao nhận thức cho cán bộ, CNLĐ. Phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm ATVSLĐ, xây dựng câu lạc bộ BHLĐ, góc BHLĐ, phong trào phát huy sáng kiến cải thiện ĐKLĐ chưa được sâu rộng. Công tác kiểm tra giám sát BHLĐ còn hình thức, thiếu chủ động, chưa thành nề nếp.
- Chưa kịp thời sơ tổng kết rút kinh nghiệm chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết 01/TLĐ của Đoàn Chủ tịch TLĐ và các Chỉ thị, văn bản khác của TLĐ về công tác BHLĐ. Việc củng cố kiện toàn bộ máy và cán bộ làm công tác BHLĐ ở cấp LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành TW và cơ sở vừa thiếu, vừa chưa đáp ứng được yêu cầu.
- Công tác BHLĐ của CĐ đạt hiệu quả chưa cao trong việc tham gia phòng ngừa và giảm TNLĐ, BNN.
2. Nguyên nhân:
- Một số cấp công đoàn chưa nhận thức đúng về chức năng và trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động NLĐ, tham gia với người sử dụng lao động (NSDLĐ) và các cấp quản lý thực hiện luật pháp lao động và chính sách nhà nước về BHLĐ. Một số cấp uỷ Đảng, Chính quyền, NSDLĐ chưa quan tâm lãnh đạo và tạo điều kiện để công đoàn làm tốt công tác BHLĐ.
- Một số cấp công đoàn chưa thường xuyên xây dựng kế hoạch, củng cố tổ chức, cán bộ và đầu tư kinh phí cho công tác BHLĐ.
- Lực lượng CNVCLĐ mấy năm gần đây phát triển nhanh nhưng chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, thiếu tự giác thực hiện các quy định của pháp luật về BHLĐ.
II. MỤC TIÊU, PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ, BIỆN PHÁP ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC BHLĐ CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN THỜI GIAN TỚI
A. Mục Tiêu:
1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp công đoàn, công nhân viên chức lao động và NSDLĐ, củng cố, kiện toàn bộ máy làm BHLĐ trong hệ thống công đoàn để đáp ứng yêu cầu công tác BHLĐ trong tình hình mới.
2. Góp phần tích cực vào việc cải thiện ĐKLĐ, hạn chế đến mức thấp nhất TNLĐ, BNN; từng bước xã hội hoá công tác BHLĐ; xây dựng văn hoá an toàn nơi làm việc.
B. Phương hướng:
1. Làm tốt công tác BHLĐ để đảm bảo ATVSLĐ, bảo vệ sức khoẻ tính mạng NLĐ ở mọi ngành, mọi lĩnh vực, ở tất cả các đơn vị sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.
2. Tập trung tuyên truyền, vận động và tổ chức phong trào quần chúng làm công tác BHLĐ, tăng cường kiểm tra giám sát BHLĐ, tích cực góp phần vào sự nghiệp BHLĐ chung của đất nước.
3. Phải gắn công tác BHLĐ với phát triển kinh tế và quá trình CNH, HĐH, đổi mới công nghệ và cơ chế quản lý sản xuất, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường.
C. Nhiệm vụ và các biện pháp chủ yếu:
1. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, huấn luyện nâng cao nhận thức về công tác BHLĐ cho cán bộ, đoàn viên CĐ và CNLĐ.
- Sử dụng rộng rãi các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như: toạ đàm, hội thảo, hội thi, các câu lạc bộ, góc BHLĐ ở cơ sở, các tài liệu, tờ rơi, tranh ảnh để tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện công tác BHLĐ cho cán bộ, CNLĐ và NSDLĐ.
- Xây dựng và thực hiện chương trình huấn luyện về BHLĐ hàng năm, kịp thời cập nhập thông tin, phổ biến luật pháp và hướng dẫn các biện pháp BHLĐ đến tận các doanh nghiệp, công đoàn cơ sở, NLĐ.
- Tăng khối lượng và chất lượng thông tin, hướng dẫn và trao đổi kinh nghiệm công tác BHLĐ trên các báo và tạp chí của hệ thống Công đoàn.
2. Tham gia xây dựng và hướng dẫn thực hiện luật pháp, tăng cường công tác kiểm tra giám sát chế độ chính sách về BHLĐ:
- Hàng năm xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch, nội dung kiểm tra công tác BHLĐ ở cơ sở, doanh nghiệp. Kết hợp giữa công tác kiểm tra, giám sát với việc hướng dẫn thực hiện công tác BHLĐ cho doanh nghiệp. Kịp thời kiến nghị, khắc phục và xử lý những hiện tượng sai trái, vi phạm luật pháp, các chính sách chế độ BHLĐ. Tập hợp những ý kiến đóng góp của cơ sở để làm căn cứ tham gia với các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng, bổ sung sửa đổi các văn bản luật, dưới luật về BHLĐ.
- Chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về lao động thực hiện công tác kiểm tra BHLĐ.
- Nghiên cứu xây dựng hệ thống phương pháp, nội dung các tiêu chí kiểm tra, hình thức kiểm tra chấm điểm thi đua để nâng cao hiệu quả kiểm tra BHLĐ của CĐ.
3. Nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng làm công tác BHLĐ
- Hàng năm tổ chức phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm ATVSLĐ, “Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN”, “Tháng an toàn, năm an toàn”, phát động phong trào thi đua, sáng kiến cải thiện ĐKLĐ đảm bảo ATVSLĐ.
- Phát triển và nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ ATVSV để thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong hoạt động BHLĐ ở cơ sở. Hàng năm tổ chức huấn luyện kiến thức, pháp luật về BHLĐ, phương pháp hoạt động cho ATVSV.
- Nghiên cứu tổ chức cho quần chúng CNLĐ tham gia các chương trình của Nhà nước về ATVSLĐ, xây dựng văn hoá an toàn nơi làm việc, chương trình nâng cao sức khoẻ NLĐ và phòng chống TNLĐ, BNN, thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường, thực hiện công tác quản lý ATVSLĐ tại cơ sở…
- Kịp thời sơ tổng kết phong trào quần chúng làm BHLĐ để rút kinh nghiệm, nhân rộng điển hình.
4. Nâng cao chất lượng nghiên cứu và ứng dụng KHKT BHLĐ; nâng cao chất lượng đào tạo kỹ sư, cán bộ BHLĐ của hệ thống CĐ
- Tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở nghiên cứu KHKT BHLĐ và các cơ sở đào tạo kỹ sư, cán bộ công đoàn làm BHLĐ.
- Xây dựng chương trình kế hoạch nghiên cứu hàng năm phù hợp với yêu cầu của thực tiễn sản xuất. Chú trọng nghiên cứu các vấn đề cơ bản về ĐKLĐ của NLĐ, các chính sách chế độ BHLĐ, nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ và các giải pháp cải thiện ĐKLĐ, bảo vệ môi trường, các biện pháp phòng ngừa TNLĐ, BNN.
- Xây dựng chương trình kế hoạch, nội dung đào tạo kỹ sư, cán bộ BHLĐ phù hợp với yêu cầu trước mắt và lâu dài. Mở rộng các hình thức đào tạo kỹ sư, cán bộ BHLĐ để nâng cao chất lượng đào tạo.
- Giúp đỡ các cơ sở sản xuất nghiên cứu ứng dụng KHKT BHLĐ, phát huy sáng kiến của CNLĐ để cải thiện ĐKLĐ, phòng ngừa TNLĐ, BNN.
5. Phối hợp với các cơ quan chức năng của nhà nước, với NSDLĐ trong công tác BHLĐ:
- Hàng năm chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp hoạt động với các cơ quan quản lý nhà nước, với NSDLĐ, tập trung vào các nội dung: Tham gia với Nhà nước xây dựng các văn bản về pháp luật BHLĐ; tham gia kiểm tra, hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ, CNLĐ về BHLĐ, tổ chức cho quần chúng tham gia với NSDLĐ quản lý ATVSLĐ ở doanh nghiệp.
- Định kỳ tổ chức sơ, tổng kết việc thực hiện chương trình, kế hoạch phối hợp với liên ngành để rút kinh nghiệm, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hiệu quả công tác phối hợp.
6. Củng cố, kiện toàn bộ máy, đội ngũ cán bộ CĐ làm công tác BHLĐ:
- Qui định nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp công đoàn về BHLĐ; nội dung, phương pháp hoạt động của cán bộ công đoàn làm BHLĐ.
- Củng cố, kiện toàn bộ máy làm BHLĐ từ TLĐ đến cơ sở. Thành lập Ban BHLĐ ở một số LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW có nhiều CNLĐ, có điều kiện lao động phức tạp.
- Đổi mới nội dung và hình thức đào tạo, huấn luyện, tuyển chọn cán bộ theo tiêu chuẩn và yêu cầu công tác BHLĐ.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
A. Tổng Liên đoàn:
1. Xây dựng chương trình thực hiện Nghị quyết. Chỉ đạo các cấp công đoàn, các đơn vị trực thuộc TLĐ xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị quyết. Định kỳ 2,5 và 5 năm tổ chức hội nghị sơ tổng kết thực hiện Nghị quyết trong hệ thống công đoàn.
2. Phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về công tác BHLĐ trong việc xây dựng, bổ sung, sửa đổi luật pháp và các quy định về BHLĐ, tham gia Hội đồng BHLĐ Quốc gia, xây dựng và thực hiện chương trình Quốc gia về ATVSLĐ, tham gia hệ thống quản lý công tác ATVSLĐ.
3. Tập hợp ý kiến, kiến nghị của các cấp công đoàn, của CNVCLĐ để kiến nghị với Đảng, tham gia với Nhà nước xây dựng các chính sách chế độ về BHLĐ bảo vệ lợi ích của NLĐ.
4. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản hướng dẫn để nâng cao chất lượng công tác BHLĐ. Xây dựng bộ máy, tập huấn cán bộ và cung cấp các thông tin, văn bản mới về công tác BHLĐ đến các cấp CĐ.
5. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, triển khai ứng dụng KHKT BHLĐ và BVMT. Nâng cao quy mô và chất lượng đào tạo cán bộ, kỹ sư BHLĐ và hợp tác quốc tế về BHLĐ.
B. Các LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành TW, CĐ TCTy trực thuộc TLĐ, CĐ cấp trên cơ sở:
1. Xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết tại đơn vị, địa phương, cụ thể hoá các nhiệm vụ để sát thực với tình hình hoạt động của các cấp CĐ ở địa phương, ngành.
2. Củng cố, kiện toàn bộ máy, cán bộ làm công tác BHLĐ ở địa phương, ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác. ở những địa phương, ngành có nhiều CNLĐ, có điều kiện lao động phức tạp, nghiên cứu đề nghị TLĐ cho thành lập Ban BHLĐ.
3. Hàng năm xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện công tác BHLĐ, tuyên truyền hướng dẫn công tác BHLĐ cho cơ sở, đặc biệt là các cơ sở ngoài quốc doanh; kiểm tra BHLĐ, tập huấn cho cán bộ, CNLĐ; tổ chức các phong trào quần chúng làm công tác BHLĐ; nâng cao chất lượng tham gia điều tra xử lý TNLĐ, thực hiện các biện pháp phòng ngừa TNLĐ, BNN.
4. Phối hợp với các cơ quan quản lý, ban ngành cùng cấp để thực hiện các nội dung công tác BHLĐ. Tập hợp yêu cầu, kiến nghị của các doanh nghiệp, của NLĐ về công tác BHLĐ để đề nghị với các cơ quan chức năng nghiên cứu giải quyết.
5. Thực hiện định kỳ sơ tổng kết công tác và chế độ báo cáo BHLĐ hàng năm.
C. Công đoàn cơ sở:
1. Ban chấp hành CĐCS phân công cán bộ phụ trách công tác BHLĐ. Hàng năm, BCH CĐCS tham gia với NSDLĐ tổ chức kiện toàn bộ máy và cán bộ BHLĐ của doanh nghiệp, củng cố, thành lập Hội đồng BHLĐ, xây dựng kế hoạch BHLĐ hàng năm, thực hiện các nội dung hoạt động của CĐCS về BHLĐ theo quy định (ký thoả ước lao động tập thể có nội dung về BHLĐ, tham gia điều tra xử lý TNLĐ theo quy định của pháp luật…).
2. Tổ chức các hình thức tuyên truyền hướng dẫn NLĐ về công tác BHLĐ. Hàng năm xây dựng kế hoạch tự kiểm tra ATVSLĐ, tổ chức phong trào quần chúng làm công tác BHLĐ, phong trào thi đua sáng kiến cải thiện điều kiện lao động, xây dựng văn hoá an toàn nơi làm việc.
3. Chủ động phối hợp với NSDLĐ tổ chức các lớp tập huấn về công tác BHLĐ cho cán bộ và CNLĐ, tạo điều kiện hoạt động cho mạng lưới ATVSV; trực tiếp chỉ đạo hướng dẫn hoạt động mạng lưới ATVSV.
4. Tuyên truyền, vận động và tham gia với NSDLĐ tổ chức thực hiện các quy định luật pháp, chính sách chế độ BHLĐ, các quy định về BHLĐ trong quá trình thay đổi cơ chế quản lý, thay đổi công nghệ, thiết bị, các quy định về bảo vệ môi trường…
5. Hàng năm phối hợp với NSDLĐ sơ tổng kết việc thực hiện công tác BHLĐ, rút kinh nghiệm, đánh giá biểu dương khen thưởng những điển hình tiên tiến và báo cáo lên công đoàn cấp trên.
| TM. BAN CHẤP HÀNH |
- 1Chỉ thị 359-CT năm 1991 thực hiện Pháp lệnh Bảo hộ lao động Chủ tịch Hội dồng Bộ trưởng ban hành
- 2Bộ luật Lao động 1994
- 3Thông tư 14/1998/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐ hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác bảo hộ lao động trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
- 1Chỉ thị 359-CT năm 1991 thực hiện Pháp lệnh Bảo hộ lao động Chủ tịch Hội dồng Bộ trưởng ban hành
- 2Bộ luật Lao động 1994
- 3Thông tư 14/1998/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐ hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác bảo hộ lao động trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
Nghị quyết số 5B/NQ-BCH về đẩy mạnh công tác bảo hộ lao động của tổ chức công đoàn trong tình hình mới do Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
- Số hiệu: 5B/NQ-BCH
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 08/07/2005
- Nơi ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
- Người ký: Cù Thị Hậu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 23/07/2005
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra