Hệ thống pháp luật

QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 36/2004/NQ-QH11

Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 2004

NGHỊ QUYẾT

VỀ CÔNG TÁC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC

QUỐC HỘI

Căn cứ vào Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10, ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10;
Căn cứ vào Luật hoạt động giám sát của Quốc hội;
Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 1601/CP-KTTH ngày 26 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ, Báo cáo số 273/UBTVQH11 ngày 20 tháng 10 năm 2004 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát “Việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư theo ngành và vùng lãnh thổ trong cả nước, kết quả khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tình hình nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, hiệu quả thấp và chống thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản” và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ

1. Quốc hội cơ bản tán thành những đánh giá về kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, trách nhiệm tập thể, cá nhân và những giải pháp chủ yếu để nâng cao hiệu quả, tăng cường kỷ cương, lập lại trật tự trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo kết quả giám sát của Uỷ banthường vụ Quốc hội; đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:

Trong những năm qua, nguồn vốn đầu tư phát triển của Nhà nước nói riêng và của toàn xã hội nói chung ngày càng tăng, năm sau tăng hơn năm trước, đã góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, tăng đáng kể năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, tạo thêm việc làm mới, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ Nhà nước thực sự có vai trò chủ đạo, dẫn dắt, thu hút và làm cho các nguồn vốn của xã hội được huy động cho đầu tư phát triển tăng hàng năm.

Quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản trong những năm gần đây có một số tiến bộ như: khung pháp lý về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện; công tác chỉ đạo điều hành, kiểm tra, thanh tra của Chính phủ được tăng cường; công tác giám sát của các cơ quan dân cử, của công luận và nhân dân đối với hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản bước đầu phát huy hiệu quả trong việc phát hiện những yếu kém, tiêu cực trong quản lý, góp phần từng bước hạn chế và khắc phục những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản nói chung và nguồn vốn từ Nhà nước nói riêng còn tồn tại nhiều vấn đề bức xúc: quy hoạch, kế hoạch đầu tư chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao; quy hoạch, kế hoạch theo ngành chưa gắn chặt với vùng, địa phương; một số quyết định chủ trương đầu tư thiếu chính xác; tình trạng đầu tư dàn trải diễn ra phổ biến; thất thoát, lãng phí xảy ra ở nhiều ngành, lĩnh vực, trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư, từ chủ trương đầu tư, quy hoạch, lập, thẩm định dự án, khảo sát thiết kế đến thực hiện đầu tư, đấu thầu, nghiệm thu, điều chỉnh tăng dự toán, thanh quyết toán và đưa công trình vào khai thác sử dụng; nợ tồn đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản ở mức cao và có xu hướng ngày càng tăng; hiệu quả đầu tư thấp.

Trong số những nguyên nhân đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cần thẳng thắn và nhận thức sâu sắc nguyên nhân quan trọng, trực tiếp là: (1) Việc chấp hành pháp luật trong đầu tư xây dựng cơ bản chưa nghiêm; không ít cán bộ quản lý, điều hành thiếu trách nhiệm, phẩm chất đạo đức yếu kém, lợi dụng chức trách, nhiệm vụ bớt xén, tham nhũng; (2) Một số ngành, địa phương chưa coi trọng đúng mức công tác quy hoạch, kế hoạch, thiếu thận trọng trong quyết định chủ trương đầu tư, không tuân thủ nghiêm quy hoạch, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thay đổi, bổ sung không đúng thẩm quyền; (3) Cơ chế phân công, phân cấp, phối hợp trong quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản chưa rõ ràng và chưa đề cao trách nhiệm của từng Bộ, ngành, địa phương, nhất là về trách nhiệm cá nhân; (4) Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán chưa thường xuyên, diện còn rất hẹp, chưa sâu, chất lượng còn nhiều hạn chế; (5) Xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm không nghiêm, chưa triệt để và còn kéo dài sau kiểm tra, thanh tra; (6) Văn bản pháp luật hiện hành về đầu tư xây dựng cơ bản còn chưa đủ cụ thể, thiếu những chế tài đủ mạnh.

2. Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo kiên quyết và áp dụng những giải pháp hữu hiệu để lập lại trật tự, kỷ cương trong đầu tư xây dựng cơ bản, tập trung vào những vấn đề sau đây:

a) Quy định cụ thể quy trình, chế tài về thanh tra, kiểm tra, giám sát nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ Nhà nước trong từng khâu của quá trình đầu tư; ban hành các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn xây dựng cơ bản; định mức lập dự toán đầu tư và tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư cho từng dự án và từng ngành. Thực hiện công khai, minh bạch các quy định pháp luật; các dự án, công trình, từ chủ trương đầu tư, thẩm định, duyệt dự án đầu tư, khảo sát, thiết kế, đấu thầu đến nghiệm thu, thanh quyết toán; công khai kết quả thanh tra, kiểm tra và kết quả xử lý qua thanh tra, kiểm tra.

b) Có chế định đề cao trách nhiệm và xử lý trách nhiệm cá nhân trong từng khâu đầu tư, nhất là trách nhiệm của người quyết định dự án quy hoạch, dự án đầu tư; làm rõ sai phạm, quy rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh, triệt để bằng biện pháp hành chính, hình sự và bồi hoàn thiệt hại vật chất; khắc phục tình trạng chỉ quy kết trách nhiệm, nhận thiếu sót, yếu kém tập thể, chung chung như thời gian qua; kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy công quyền những cán bộ, công chức phẩm chất kém, thiếu tinh thần trách nhiệm, gây phiền hà, nhũng nhiễu, năng lực chuyên môn yếu trong quản lý xây dựng cơ bản.

c) Rà soát điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới các quy hoạch, kế hoạch đầu tư. Gắn quy hoạch với mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo đảm tính liên ngành, liên vùng. Phân cấp, phân định rõ quyền hạn và trách nhiệm của từng Bộ, giữa các Bộ, giữa Bộ với tỉnh, thành phố; xác định rõ và nâng cao trách nhiệm quản lý, điều hành của Bộ trưởng đối với toàn ngành, của chủ đầu tư. Ngăn chặn kịp thời và xử l?ý nghiêm những trường hợp không chấp hành đúng quy định của pháp luật, quyết định của cơ quan có thẩm quyền, của cấp trên. Có lộ trình cụ thể áp dụng mô hình và cơ chế để xóa bỏ tình trạng khép kín trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.

d) Thực hiện tổng rà soát, đánh giá hệ thống các văn bản pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, hình thành hệ thống pháp luật đồng bộ hơn, có tính pháp lý cao hơn.

đ) Trong năm 2005, Chính phủ tiếp tục có kế hoạch chỉ đạo kiểm tra, thanh tra các công trình, dự án có những biểu hiện tiêu cực được cử tri và công luận phản ánh.

e) Từ nay đến hết năm 2006, có kế hoạch cụ thể, biện pháp xử lý mạnh để giải quyết dứt điểm nợ đọng vốn xây dựng cơ bản, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện với Quốc hội.

3. Quốc hội yêu cầu các cơ quan tư pháp theo chức năng của mình có kế hoạch cụ thể, triển khai ráo riết nhiệm vụ, kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản, bất kể tổ chức đó là tổ chức nào, cá nhân đó là ai.

4. Lấy năm 2005 là năm “Nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí, đầu tư dàn trải, nợ tồn đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản". Theo tinh thần đó, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo để tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong lĩnh vực này và báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2005.

5. Giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục tổ chức giám sát chuyên sâu về đầu tư xây dựng cơ bản và giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Hội đồng nhân dân các cấp tổ chức giám sát về đầu tư xây dựng cơ bản và giám sát việc thực hiện Nghị quyết này ở địa phương.

6. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, hiệp hội nghề nghiệp, cơ quan báo chí, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với cơ quan nhà nước hữu quan giám sát việc thực hiện Nghị quyết này, phát hiện và kiến nghị xử lý kịp thời những tiêu cực, yếu kém trong đầu tư xây dựng cơ bản.

7. Khuyến khích, khen thưởng, động viên kịp thời và có biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật những tổ chức, cá nhân có công phát hiện, tích cực đấu tranh với các hành vi tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân theo chức năng, nhiệm vụ của mình, đề cao trách nhiệm trước Nhà nước và nhân dân, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết này là góp phần thiết thực chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong việc sử dụng vốn và tài sản nhà nước.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ sáu thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2004.

Nguyễn Văn An

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 36/2004/NQ-QH11 về công tác đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước do Quốc hội ban hành

  • Số hiệu: 36/2004/NQ-QH11
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 03/12/2004
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn An
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 2
  • Ngày hiệu lực: 17/01/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản