Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 32/2003/NQ-HĐ

Hà Nội, ngày 13 tháng 02 năm 2003 

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI, AN NINH QUỐC PHÒNG CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI, NĂM 2003.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI - KHÓA XII
( Kỳ họp thứ 8, từ ngày 11 đến ngày 13/02/2003)

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (Sửa đổi);
Căn cứ Báo cáo của UBND Thành phố về tình hình thực hiện nhiệm vụ Kinh tế - Xã hội, an ninh quốc phòng năm 2002 và kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội năm 2003;
Sau khi nghe ý kiến của Ủy ban MTTQ Thành phố, ý kiến cử tri, thuyết trình của các Ban HĐND, thảo luận các đại biểu HĐND Thành phố. 

QUYẾT NGHỊ

Nhất trí Báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố về tình hình thực hiện nhiệm vụ Kinh tế - Xã hội, an ninh quốc phòng của Thành phố năm 2002; phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp của kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội Thủ đô năm 2003.

Hội đồng nhân dân Thành phố nhấn mạnh một số nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ và các giải pháp lớn sau:

 I TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA HĐND THÀNH PHỐ NĂM 2002:

Năm 2002, triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND, UBND Thành phố, các ngành, các cấp và nhân dân Thủ đô đã chủ động khắc phục khó khăn, phát huy tốt các nguồn lực, tranh thủ sự chỉ đạo của Trung ương, chủ động hợp tác với các tỉnh, thành phố bạn. Với sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt, cụ thể của chính quyền Thành phố, Kinh tế - Xã hội Thủ đô đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; hầu hết các chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, xu hướng tăng trưởng ngày càng chắc ở những tháng sau, quý sau; tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 10,3% (KH 10-11%), là mức tăng cao nhất trong 5 năm lại đây; các nguồn vốn đầu tư được huy động tốt hơn; tiến độ các công trình trọng điểm, các dự án xây dựng hạ tầng đô thị được đẩy mạnh; công tác GPMB, tổ chức giao thông và văn minh đô thị được tập trung chỉ đạo; các mục tiêu xã hội và các vấn đề bức xúc được quan tâm giải quyết; đời sống nhân dân được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường và ổn định. Đây là cơ sở tốt tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo.

Trong phát triển kinh tế, giá trị sản xuất (GTSX) công nghiệp tăng cao (24,3%) và tăng ở tất cả các khu vực, các thành phần kinh tế và ở cả 22 ngành công nghiệp trên địa bàn; cơ cấu ngành nông nghiệp có chuyển biến tích cực, GTSX nông – lâm - thủy sản tăng 4,0%; Thu ngân sách vượt dự toán 9,3% và tăng 17,8% so với năm 2001; xây dựng và quản lý đô thị chuyển biến rõ rệt; các vấn đề dân sinh bức xúc được tập trung giải quyết; hoàn thành và công bố công khai nhiều quy hoạch...

Văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ. Thành phố đã tập trung chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền phổ biến chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước và Thành phố; tổ chức thành công Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,92%. Giải quyết việc làm cho 62.500 lao động. Công tác phòng chống tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm...) được đẩy mạnh. Tích cức chuẩn bị cho Seagames 22.

Hoạt động đối ngọai được mở rộng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường; đảm bảo giữ vững chính trị-xã hội trong điều kiện quốc tế và khu vực có những diễn biến phức tạp.

Chính quyền Thành phố đã có bước chuyển biến mạnh trong công tác chỉ đạo điều hành theo hướng tập trung, kiên quyết, chặt chẽ, cụ thể, đồng bộ.

Bên cạnh các kết quả đạt được, năm 2002 kinh tế - xã hội Thủ đô còn một số khó khăn tồn tại: Chỉ tiêu tăng GTSX ngành dịch vụ và tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu còn thấp, chưa đạt kết quả đề ra. Chưa có biện pháp đồng bộ kiểm soát sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, sạch, an toàn. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật tuy đã được cải thiện, song chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; ùn tắc và tai nạn giao thông chưa giảm. Công tác GPMB tuy có nhiều cố gắng, song còn nhiều khó khăn, việc chuẩn bị quỹ nhà phục vụ tái định cư triển khai chưa đạt tiến độ; công tác chuẩn bị đầu tư của một số công trình triển khai chậm. Tiến trình sắp xếp và đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước vẫn gặp nhiều khó khăn. Bộ máy hành chính các cấp còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, hội họp còn nhiều; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý còn tiến triển chậm; một số vấn đề xã hội bức xúc như mại dâm, ma túy, văn hóa độc hại, lấn chiếm đất công... vẫn diễn biến phức tạp.

 II. NHIỆM VỤ NĂM 2003:

Năm 2003 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2001-2005, năm tiếp tục đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, năm  giao thông, kỷ cương và văn minh đô thị. Nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2003 là: Giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tăng cường thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; phát triển kinh tế với tốc độ cao và ổn định; có bước chuyển mạnh về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và cơ cấu đầu tư để nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy mạnh xuất khẩu đi đôi với khai thác tốt thị trường trong nước. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nghề, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ trong hoạt động kinh tế, xã hội. Quan tâm cải thiện mức sống của dân cư; tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc về xã hội và đô thị. Làm tốt công tác chuẩn bị, góp phần tích cực tổ chức thành công Seagames 22.

A/ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU (SO VỚI NĂM 2002):

1- Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng:                          10 – 11%

2- Giá trị sản xuất công nghiệp mở rộng tăng:                   15 – 16%

3- Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng:                        8,5 – 10%

4- Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng:                      2,5 – 3,0%

5- Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng:                         10 – 12%

6- Tổng đầu tư xã hội tăng:                                              10%

7- Giảm tỷ lệ thất thu, thất thoát nước sạch:                      4,0%

8- Diện tích nhà ở xây mới:                                              900.000m2

9- Tỷ lệ vận tải hành khách bằng phương tiện công cộng đạt:      18%

          (Riêng vận tải bằng xe buýt đạt 14%).

10- Ngày công LĐCI huy động trong năm 2003:               2.389.000 công

11- Mức giảm tỷ lệ sinh:                                                   0,10 – 0,13%

12- Số lao động được tạo việc làm mới:                           70.000 người

13- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn:      14,7%

14- Số hộ nghèo giảm trong năm 2003:                             4.000 hộ

B. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

 HĐND Thành phố tán thành những nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2003 và các giải pháp do UBND Thành phố trình, nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu sau:

1. Nhiệm vụ và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể:

 1. Xây dựng đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để huy động mọi nguòn lực, tăng nhanh đầu tư xã hội. Phấn đấu huy động tổng đầu tư xã hội năm 2003 tăng 10% so với thực hiện năm 2002.

 2. Giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, đảm bảo tăng trưởng GDP 10 – 11%. Tiếp tục điều chỉnh cơ cấu đầu tư nhằm chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế ngành, cơ cấu công nghệ, cơ cấu sản phẩm.

3. Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại, tập trung tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu; đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn và công nghệ hiện đại của nước ngoài; thu hút và sử dụng có hiệu quả vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

 4. Tăng cường xây dựng và quản lý đô thị, đặc biệt chú trọng công tác phòng cháy chữa cháy. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị mới. Phát triển vận tải hành khách công cộng đáp ứng khoảng 18% nhu cầu đi lại của nhân dân.

 5. Tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường đầu tư để phát triển nông nghiệp và nông thôn ngoại thành. Hoàn thành Đề án điện nông thôn trong năm 2003. Tăng cường quản lý và khai thác nguồn lực từ đất đai. Tiếp tục kiểm tra, xử lý, thu hồi đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, lấn chiếm đất công, ưu tiên sử dụng để bố trí các công trình phúc lợi công cộng; xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm đất công. Hoàn thành việc cấp 40.000 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và sở hữu nhà ở trong khu vực đô thị và đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và ao vườn liền kề trong khu vực nông thôn.

 Thông qua kế hoạch sử dụng đất Thành phố Hà Nội năm 2003 do UBND Thành phố trình, trong đó: Sử dụng 1.200 ha đất nông – lâm nghiệp (Gồm 1.163 ha đất nông nghiệp và 37 ha đất lâm nghiệp) để phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ; Mở rộng diện tích đất để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp năm 2003 là: 78 ha, chủ yếu là đất mặt nước để nuôi trồng thủy sản

6. Tiếp tục đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng. HĐND giao UBND Thành phố xây dựng ban hành một số chinh sách đặc thù và áp dụng đối với Hà Nội về bồi thường, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho lao động nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất theo nguyên tắc. Quy định rõ trách nhiệm chủ đầu tư dự án sản xuất kinh doanh trong giải quyết việc làm cho lao động trong khu vực khi được giao đất; xác định mức hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, hỗ trợ đặc biệt và các mức hỗ trợ chung trên địa bàn Thành phố.

 7. Nâng cao chất lượng và đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, TDTT; cơ bản hoàn thành xóa phòng học cấp 4 ở bậc tiểu học và THCS, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường mầm non nông thôn; xây dựng mô hình bố trí các lớp học cho trẻ khuyết tật ở hệ phổ thông nhằm giúp trẻ hòa nhập cộng đồng. Đẩy mạnh đào tạo nghề chất lượng cao và các hoạt động khoa học, ứng dụng nhanh công nghệ hiện đại, công nghệ thông tin vào sản xuất và đời sống. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường. Chỉ đạo chặt chẽ hơn, quyết liệt hơn để hoàn thành các công trình và các điều kiện phục vụ Seagames 22.

8. Tập trung giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc như: nước sạch, chiếu sáng ngõ xóm, VSMT; quan tâm mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm; đẩy mạnh phòng chống các tệ nạn xã hội: ma túy, mại dâm, cờ bạc... Tiếp tục xây dựng các khu cai nghiện tập trung để tiếp nhận 5000 người nghiện vào cuối năm 2003; có kế hoạch, giải pháp cụ thể quản lý sau cai, đặc biệt là học nghề và tạo việc làm.

Thực hiện Pháp lệnh Nghĩa vụ lao động công ích năm 2003 trên địa bàn Thành phố với kế hoạch huy động 2.389.000 ngày công và giao cho cấp quận huyện, phường xã điều hành 100% quỹ ngày công LĐCI; đối với các trường hợp không thể trực tiếp đi lao động nghĩa vụ công ích thì đóng góp bằng tiền theo mức khu vực nội thành 6000đ/ngày công, khu vực ngoại thành 4000đ/ngày công.

9. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng đề án thí điểm tách chức năng quản lý nhà nước với sản xuất kinh doanh ở 1 - 2 sở chuyên ngành; triển khai có hiệu quả đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước của Thành phố. Chuẩn bị các nội dung để triển khai kế hoạch thành lập 2 quận mới khi được Chính phủ đồng ý.

10. Kết hợp phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường với nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh, tăng cường trấn áp các loại tội phạm, giữ vững trật tự, an toàn xã hội.

2. Các giải pháp chủ yếu:

1. Đẩy mạnh việc xây dựng các quy hoạch ngành, quy hoạch các khu đô thị mới, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ổn định theo hướng nông nghiệp sinh thái, bền vững, công nghệ cao, quy hoạch cụm công nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề truyền thống ... Chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy, 9 cụm công trình trọng điểm. Tập trung xây dựng xong cơ bản các cơ chế, qui chế theo tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, Pháp lệnh Thủ đô và các Nghị quyết của Trung ương. Hoàn thiện Đề án giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; Đề án đào tạo công nhân chất lượng cao.

2. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh thông qua việc giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, giảm triệt để các khâu trung gian; công khai các cơ chế, chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả của Nhà nước và Thành phố; có cơ chế, chính sách và biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX). Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân. Tăng cường thu hút các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp tập trung cùng với việc phát triển hợp lý các khu công nghiệp vừa và nhỏ.

3. Chỉ đạo chặt chẽ chống thất thu ngân sách, hoàn thành tốt kế hoạch thu ngân sách trên địa bàn. Triển khai mở rộng thực hiện việc khoán chi hành chính cho các đơn vị thuộc Thành phố. Đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất để bổ sung vốn đầu tư phát triển.

4. Tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, đặc biệt từ nguồn ngân sách nhà nước; chủ động ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng tiêu cực, lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng. Củng cố nâng cao năng lực, trách nhiệm của các ban quản lý dự án và cấp trên trực tiếp của các chủ đầu tư. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra chất lượng công trình và giám định đầu tư ở tất cả các ngành, các cấp, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm các quy định về đầu tư XDCB làm thất thoát tài sản của Nhà nước. Làm tốt công tác phòng chống lụt bão, chú trọng đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và dân sinh. Sớm ban hành cơ chế chính sách nông nghiệp nhằm đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

5. Thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp chống ùn tắc giao thông theo chỉ đạo của Chính phủ và Nghị quyết của HĐND Thành phố. Tăng cường năng lực vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Nghiên cứu, quy định một số tuyến phố cấm đi xe máy. Đẩy mạnh xây dựng tuyến phố văn minh thương mại.

6. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, củng cố thị trường truyền thống, quan tâm mở rộng và phát triển thị trường mới. Xây dựng 2 điểm thông quan trên địa bàn. Ưu tiên hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn và có thị trường xuất khẩu mới. Hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế  ISO 9000, 14000... và tiêu chuẩn SA 8000. Hỗ trợ ngân sách phát triển hạ tầng du lịch nhằm xây dựng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.

7. Tập trung phát triển công nghệ thông tin. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Trung tâm giao dịch công nghệ thông tin, dự án Trung tâm đào tạo tin học Hà Nội, dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc, dự án đăng ký kinh doanh qua mạng.

8. Tích cực giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội như: nước sạch, chiếu sáng ngõ xóm, VSMT; giải quyết việc làm cho 70.000 người, giảm 4000 hộ nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu nghèo, xóm nghèo, quan tâm khắc phục ô nhiễm môi trường; ngăn chặn đẩy lùi tệ nạn mại dâm, ma túy, tội phạm hình sự... Khuyến khích cai nghiện ma túy tự nguyện; xem xét kéo dài thời gian cai nghiện ma túy tập trung cho khoảng 30 - 40% số đối tượng, nhất là các đối tượng có tiền án, tiền sự.

Khuyến khích các doanh nghiệp gắn đào tạo nghề với thu hút lao động vào làm việc. Nâng cao chất lượng giảng dạy, tăng cường thiết bị thực hành cho đào tạo nghề. Quan tâm đào tạo lao động phục vụ cho xuất khẩu lao động. Ngăn chặn, xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong công tác xuất khẩu lao động.

9. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong cả nước, trước hết là các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các tỉnh lân cận Hà Nội.

10. Nâng cao chất lượng phong trào thi đua sâu rộng với những nội dung cụ thể, thiết thực gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Đẩy mạnh cải cách hành chính trên 4 nội dung: cải cách thể chế; cải cách bộ máy hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công. Tăng cường phân cấp cho các cấp cơ sở. Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo chức năng, nhiệm vụ. Làm rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, từng cá nhân trong thực thi nhiệm vụ.

11. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo an ninh quốc phòng, đảm bảo trật tự, kỷ cương an toàn xã hội.

Hội đồng nhân dân Thành phố kêu gọi các ngành, các cấp, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân Thủ đô phấn đấu quyết liệt hơn, đạt hiệu quả cao hơn, nhằm hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của Thành phố năm 2003.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH




Phùng Hữu Phú

 

 

 

 

 

 

           

             

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 32/2003/NQ-HĐ về nhiệm vụ kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của thành phố Hà Nội năm 2003 (Kỳ họp thứ 8, từ ngày 11 đến ngày 13/02/2003) do Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 32/2003/NQ-HĐ
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 13/02/2003
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Phùng Hữu Phú
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/02/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản